Bài Giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 – Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên – Phẩm Đại Phẩm

Bài giảng Kinh Tương Ưng Tập 2 

Chương 1: Tương Ưng Nhân Duyên

Phẩm Đại Phẩm

Ôn lại Tứ Thực: Đoàn thực giống như thịt đứa con. Xúc thực giống như bò bị lột da. Tư niệm thực giống như hố than hừng. Thức thực giống như hình phạt lao đâm. Toàn bộ sự hiện hữu của chúng sinh trên đời chỉ là quá trình tiêu thụ thức ăn. Chuyện ăn uống là chuyện vạn bất đắc dĩ. Để quán chiếu được điều này thì khi no mình mới thấy thấm, chỉ thấy ngon khi nào đói, lúc đói thì không có điều kiện tâm lý để quán chiếu thấy rằng đó là chuyện khổ sở. Nguồn gốc của miếng ăn cũng nhiêu khê và lúc bỏ vào miệng cũng nhiêu khê. Cơ thể giống như nhà máy và thức ăn cung cấp nguồn năng lượng. Chúng ta sống để đi làm, có tiền mua thức ăn, ăn xong thì tiếp tục đi làm. Nếu yêu đời thì thêm vài chi tiết nữa, có tiền để mua nhà cửa, xe cộ, ăn diện v.v…, nhưng căn bản nhất vẫn là đi cày để sống. Một vị tỳ kheo đúng mức mỗi lần ăn, uống thuốc, đắp y, sử dụng nhà ở, giường nằm thì phải luôn tâm niệm rằng tất cả những nhu cầu vật chất này chỉ là miếng vải băng bó vết thương; đặc biệt là chuyện ăn uống, chiếm phần lớn thời gian và tâm tư cảm xúc của chúng ta trong đời sống. Có dịp tiếp xúc với người Tây Tạng, Miến Điện mới thấy bài học rất đẹp rất hay đó là họ coi nhẹ đời sống vật chất. Xét theo khía cạnh văn minh hiện đại thì kiểu sống đó làm chậm bước tiến của thế giới, nhưng xét theo khía cạnh Phật học thì họ chậm vì họ không có lý do để bon chen. Chính ý niệm này dẫn đến sinh phong, nhân sinh quan của họ. Những người Phật tử ngoan đạo Tây Tạng, Miến, họ sống chỉ để chờ ngày chết, giải thoát. Họ có lý chớ không phải là không. Đoàn thực là quá trình tiêu thụ thực phẩm, đó là một cái khổ. Xúc thực là sự làm việc của 6 căn, cũng là một thứ thực phẩm, bằng chứng là toàn bộ thế giới này chỉ gói gọn trong số 18 (6 căn, 6 cảnh, 6 thức). Chính sự làm việc của 6 căn cũng có thể gọi là đời sống của chúng ta, chỉ cần mắt không thấy, tai không nghe…, chúng ta sống bằng cái gì. Toàn bộ đời sống chỉ là quá trình làm việc của 6 căn. Sáu căn, sáu cảnh cộng lại thành ra sáu thức tức là sáu cái biết, quá trình tiếp xúc này cũng là một thứ thực phẩm. Nói theo Phật pháp thì toàn bộ đời sống này chỉ là quá trình tiêu thụ năng lượng, ăn uống là tiêu thụ năng lượng, 6 căn làm việc là tiêu thụ năng lượng. Tư niệm thực chính là ba Hành, muốn cái này, toan tính cái kia, trù hoạch cái nọ, sự toan tính, sự đầu tư đó cũng là một thứ thực phẩm. Người sống nặng về tham dục thì chỉ biết sắc, thinh, khí, vị, xúc, người khá hơn có thiền định, nhưng cuối cùng thì cũng quẩn quanh trong ba cõi sáu đường. Chuyện ăn uống thì bất đắc dĩ như vợ chồng lạc trong sa mạc phải ăn thịt con. Thời gian tiếp xúc 6 trần chỉ là hành trình khổ nạn, nếu sống tỉnh thức thì sẽ một ngày sẽ thấy cái vui cái vừa ý ít hơn cái không vui. Vạn hữu luôn vô thường, những ngọt ngào đã ít oi rồi mà lại phù du, hành trình tiếp xúc 6 trần là hành trình khổ nạn giống như con bò bị lột da. Chỉ cần thất niệm là khả năng khổ tâm cực lòng sẽ rất lớn. Trong kinh nghiệm thiền quán, hành giả phải luôn luôn tỉnh giác, quan sát, quán chiếu, ghi nhận, thấy biết là thấy, nghe chỉ là nghe, để giải quyết hai vấn đề: nhân và quả. Khi sống tỉnh thức như vậy thì hạn chế được việc đầu tư nhân sanh tử, bớt được nhân bất thiện. Nhân bất thiện là một nửa của nhân sinh tử, nửa còn lại là nhân thiện; nhân thiện đưa mình đi lên, nhân bất thiện đưa mình đọa. Nhân thiện có hai ý nghĩa: chủng tử giác ngộ, tuy cũng là chủng tử luân hồi nhưng nó đưa mình lên trên. Nếu chúng ta là những con trùn, con dế thì giờ đây đâu có gặp gỡ thế này, phải căn lành thiện duyên mới được. Nhưng nói rốt ráo thì nhân bất thiện hay thiện cũng đều là nhân sinh tử. Vì vậy, phải nói sáu căn là hành trình khổ nạn, còn thấy, nghe, ngửi, nếm, đụngthì mình còn phải đối diện hai vấn đề thêm nhân sinh tử và gánh quả sinh tử, vì còn phải tiếp xúc với những thứ mình không thích, đó là quả bất thiện của đời trước. Hễ sáu căn bỏ ngỏ (vivatindriya) thì nguy cơ bị tấn công rất lớn. Tư niệm thực là những trù tính lo toan cũng là thứ thực phẩm, kẻ tham dục thì đầu tư tham dục, kẻ ưa thích thiền định thì đầu tư thiền định để sanh về cõi Phạm thiên, sống hết tuổi thọ lại trở về đơn vị gốc của cõi Dục, đó là bốn khổ cảnh. Thức thực nghĩa là ngày nào còn có tâm Dục giới, tâm Sắc giới, tâm Vô sắc giới, ngày nào còn tâm thức, thì ngày đó mình còn điều kiện để tái sinh. Hễ còn tâm thức thì còn bị tấn công. Y như cách hiểu về xúc thực, còn 6 căn còn làm việc thì ta còn cơ hội chịu khổ, còn cơ hội tạo nhân đau khổ. Tâm thức còn thì cũng giống như tử tù chịu khổ hình, bị đâm bị chọt suốt ngày. Sáng nay trước khi chuông reo báo thức, tôi thức dậy trước vài phút, tôi nghĩ thấm thía điều này, nếu tính ngay trước mắt, đời sống có ngọt đắng chua chát, nhưng nếu nhớ lại chuyện cũ, toàn bộ quãng đời đã qua thì toàn đắng. Lúc lọt lòng mẹ, một hai tuổi, nếu có thể lựa chọn được thì tôi không có cái gan để tiếp tục đi quãng đường mấy chục năm như vậy. Khổ một chỗ, đi từng ngày thì thấy có đắng ngọt chua chát, nhưng tổng kết lại thì thấy quãng đời đó không đáng sống. Ngày xưa khi coi kinh, tôi thấy Đức Phật nói về thế gian, về dòng sinh tử một cách giống như cực đoan, Ngài chỉ nói về cái khổ. Tại sao một người giác ngộ an lạc như Ngài lại nói về cuộc đời quá mạt hạng như vậy. Thật ra khi có tuổi mới thấy, không thể nói khác đi về cuộc đời. Ai cũng thích một hiện tại vui hơn một hiện tại lành, nhưng sau này chín mươi tuổi nhớ lại, ai cũng muốn mình có một quá khứ lành hơn một quá khứ vui. Hiện tại, ai cũng thích mình có hiện tại vui, được hưởng thụ, nghe nhìn, gặp gỡ cái mình thích hơn là hiện tại lành: bát quan một tháng tám ngày, không đua đòi hưởng thụ, sống tỉnh giác… Nhưng sau này nhớ lại, ai cũng muốn mình có quá khứ thiện, vì quá khứ vui rất phù phiếm, qua rồi thì chỉ thấy vô duyên. Chỉ ngẫm bao nhiêu đó là thấy mình vô minh rồi.

Còn có tâm thức thì còn có vấn đề. Trong khi chờ đợi để chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của danh sắc thì sống chánh niệm cũng là cách, khi đó ta chỉ sống bằng một nửa chức năng của tâm thức mà thôi. Tâm thức có hai chức năng là thiện và ác, khổ và vui, khi sống thiện thì khổ sẽ bớt đi.

CÓ THAM (Atthiragasutta)

Kinh Có Tham cũng có nội dung về bốn thứ thức ăn. Đức Phật dạy khi ta còn thích thú trong việc tiêu thụ thức ăn dù loại nào đi nữa thì mọi khổ nạn sẽ có cơ hội để có mặt.

Suy cho cùng, toàn bộ đời sống của ta chỉ là quá trình tồn tại của 6 căn. Khi ta chạy theo 6 trần nghĩa là ta đang đầu tư vào chuyện sinh tử. Sáu trần lúc bấy giờ là thức ăn, là điều kiện (condition) để tồn tại. Còn thích trong cảnh dục thì mới có cơ hội quay trở lại cõi Dục. Còn thích thú trong thiền định thì mới quay lại các cõi thiền. Tuy nhiên, những vị Phạm thiên vẫn sống trong vô thường, khổ, vô ngã; hết tuổi thọ quay trở xuống thì mọi sự trở lại như cũ. Cõi Thiền hay cõi Dục thì cũng là sự có mặt của danh và sắc; có mặt và chấm dứt trong từng sát-na, tiếp nối sanh diệt liên tục. Cõi Phạm thiên chỉ là chiếc lá màu xanh, cõi Dục giới là chiếc lá màu vàng, cả hai đều như nhau; giống như những giọt nước khác màu, dù màu gì rồi cũng sẽ bốc hơi trong một ngày nắng hạ.

“Này các Tỷ-kheo, nếu đối với đoàn thực, có tham, có hỷ, có ái, thời có thức được an trú, tăng trưởng. Chỗ nào thức được an trú, tăng trưởng, chỗ ấy có danh sắc sanh. Chỗ nào có danh sắc sanh, chỗ ấy có các hành tăng trưởng. Chỗ nào có các hành tăng trưởng, chỗ ấy hữu được tái sanh trong tương lai. Chỗ nào hữu được tái sanh trong tương lai, chỗ ấy có sanh, già chết trong tương lai. Chỗ nào có sanh, già chết trong tương lai, Ta nói chỗ ấy có sầu, có khổ, có não.”

Khi có sự thích thú trong năm dục thì sẽ có sự tái sinh trở lại các cõi Dục giới. Và khi đã sinh ra thì chắc chắn phải có lúc chết đi, cứ sinh và tử theo sự tác động của tham ái đối với các phiền não, ở đây là tham ái.

Cứ một lần mình có tâm bất thiện xuất hiện thì nó sẽ tạo tâm đầu thai cho cõi bất thiện, gieo mầm sanh về cõi khổ, nếu có tâm thiện thì sẽ tạo ra tâm đầu thai cho cõi lành, gieo mầm sanh về cõi vui. Cõi nào thì sống hết tuổi thọ cũng đi theo nghiệp cũ của mình. Bản năng (instinct) của mình, thiện luôn ít hơn ác, vì vậy làm thiện ít hơn làm ác, nói đến tiền nghiệp thì mình phải hiểu ngầm ác nghiệp nhiều hơn, nợ lúc nào cũng lớn hơn thu nhập, nên khi sanh về cõi lành, hết tuổi thọ lại đi theo điều động của tiền nghiệp quá khứ mà phần lớn là bất thiện, thế là khả năng đọa rất lớn. Đây là lý do vì sao Đức Phật dùng hình ảnh con rùa mù để nói vô cùng khó khăn mới có cơ hội làm người. Ngày nào còn thích thú trong ăn uống, hưởng thụ, tiếp xúc năm trần thì ngày đó còn gieo nhân sinh tử.

Ở đây có câu hỏi làm thế nào tu cho thoát khỏi Dục. Chán ác mới tu thiện, chán dục mới tu thiền. Chán dục là biết sợ, là có khả năng nhàm chán trong việc thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, không tìm kiếm những thứ ngọt ngào trong trần cảnh. Chỉ có cách bỏ hết, đi vô tu thiền. 99,9% Phật tử không sợ sinh tử chỉ sợ khổ, mà khổ theo định nghĩa của mình: không đẹp, thiếu tiền, đau nhức, sa đọa làm trùn dế… chớ mình chưa chán sự có mặt trong các cảnh giới. Thật ra mình chưa đủ sợ sanh tử đâu, phải can đảm nhìn lại lòng mình xem đúng hay sai. Giờ thấy trên đầu mình có tóc bạc, ông chồng bà vợ lơ là mình, nghe trong cơ thể mình có dấu hiệu bịnh hoạn, hết hồn mới đi tu, chớ quay lại tuổi còn xanh tươi đẹp, giàu nứt vách, muốn gì được này, liệu quí vị có ngồi đây nghe pháp hay không.

Khi không còn tha thiết trong tứ thực thì phiền não không có cơ hội có mặt, và nếu không còn cơ hội có mặt thì mình không còn sinh tử nữa. Đức Phật dùng ví dụ: giống như ngôi nhà mà ánh nắng hay ánh trăng muốn có rọi phải có chỗ dựa. Ban đêm rọi đèn lên trời thì không thấy chỗ phản chiếu vì trên không gian không có chỗ đón nhận tia sáng đó. Tiếp theo là bài kinh Thành Ấp.

THÀNH ẤP (Nagarasutta)

Mấy bài kinh này, nội dung khô khan nhức đầu, nếu không có lớp học này thì bà con mở ra trong ba giây là ngáp mười lăm cái, đóng sách lại, hoặc là đi ngủ, hoặc là đi chơi game, hoặc là đi nghe nhạc, shopping, hoặc là đi tám. Vì vậy lợi ích của lớp này là mình có cơ hội ngồi nghe lại, nghe ngủ cũng được.

Muốn nói kinh này, phải nhắc lại Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesanā sutta) trong Trung Bộ Kinh. Đức Phật dạy rằng, trong số những người có mặt trên đời này gom chung có hai hạng:

– Hạng thứ nhất có mặt trong cảnh giới của sanh già đau chết và tiếp tục gây nợ, tiếp tục đầu tư thêm khoản nợ nần để tiếp tục sanh già đau chết nữa. Hễ còn thích thì còn bám còn níu, còn bám còn níu thì còn di chuyển hoài trên cội cây sinh tử, giống như con khỉ, rút tay phải thì đưa tay trái nắm, rút tay trái thì đưa tay phải nắm nên suốt mùa thu nó ở trên cây.

– Hạng thứ hai: sanh ra trong cõi sanh già đau chết và biết kinh sợ không muốn tiếp tục sanh già đau chết nữa. Đức Phật gọi hạng này là ariyapariyesanā(lý tưởng thánh nhân). Sống trong cõi sinh tử mà lại hướng đến cứu cánh không sinh tử.

‘Pariyesana’: tìm kiếm, seeking for, looking for.

‘Ariyapariyesanā’: lý tưởng thánh nhân.

Sống trong đời, dầu là ông hoàng hay ăn mày cũng yêu đời để tiếp tục sống. Trong khi đó, Đức Phật kể lại kinh nghiệm khi Ngài chưa thành Phật, Ngài đã trăn trở, thao thức.

“Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt, và bị tái sanh; và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến xuất ly khỏi già và chết.”

Ngài suy nghĩ, không có giây phút chào đời thì làm gì có khổ, sự chào đời đó ở đâu ra. Ngài từng thao thức như vậy trong vô số kiếp nhưng Ba-la-mật chưa đủ nên không thể có được cái hiểu như trong kiếp chót. Ngài đã tu trong vô số kiếp sống nên giờ đây Ngài mới tự trả lời được câu hỏi đó.

Tôi là phàm nhân trăm phần trăm có giấy chứng nhận luôn, nhưng cả tôi và quý vị, có những chuyện mình đã biết đã nghe đã đọc rồi, nhưng biết để đó, tự nhiên một ngày nào đó trong đời, nghĩ lại thì nó bừng lên, hiểu thấu suốt. Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện vớ vẩn thôi. Còn một người có tâm nguyện trở thành Phật thì cứ gặp chư Phật là họ đi theo học hỏi, làm lành làm thiện, tâm nguyện thành Phật trong thời gian một hai kiếp thì chưa thấy gì nhưng càng về sau này thì càng chín muồi. Trong 91 đại kiếp trước khi thành Phật, Ngài đã có những dấu hiệu tâm linh, tinh thần không giống như phàm phu nữa, Ngài xác nhận: Ta nhớ lại trong 91 đại kiếp đó ta chưa bao giờ là một tu sĩ lừa dối, ruột sao vỏ vậy, vỏ sao ruột vậy. Đây là sự huân tập (accumulation) nhiều đời. Cũng giống như cái bất thiện tham sân si, tà kiến, ngã mạn của mình huân tập nhiều đời, chạm vô là bật ra, ai đụng tới mình là mình phản ứng lại gấp bội phần, đó là vì sức bật của phiền não mà mình đã huân tập. Một vị Bồ tát tu tập thiện pháp cũng y vậy, họ đã nuôi lý tưởng suốt nhiều đời, theo năm tháng phước báo càng lúc càng nhiều thì ác pháp càng lúc càng mỏng dần.

Có người hỏi tôi tại sao những vị như hai ngài Chí thượng Thanh văn Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên hoặc đại đệ tử như ngài Ānanda, Ca Diếp, theo trong kinh mô tả được phước báo nhiều quá, sống rất thọ, và được lễ bái cúng dường nhiều vô kể, có phải là trong kinh viết thêm. Tôi cũng theo kinh mà trả lời, những bậc đại thánh như vậy, khi phát nguyện (trở thành vị Chánh Đẳng Giác, Độc Giác, Chí thượng Thanh văn, hay đệ nhất…) theo thời gian, công đức càng dày và tánh xấu càng lúc càng mòn. Nghiệp xấu càng lúc càng trả bớt, phước càng lúc càng dày thêm, và đến khi gần thành đạo thì hoàn hảo. Giống như một người lên xe khi chân còn dính bùn. Chuyến đi càng dài thì khả năng bùn khô rơi rớt đi sẽ rất lớn. Khi xuống xe tự dưng sạch sẽ. Chặng đường càng ngắn, thì khả năng bùn còn dính sẽ nhiều hơn. Phước nhiều quá thì người ta không còn ghen tị, ganh ghét, không còn so đo bỏn xẻn vì họ muốn là có. Kẹo là do bỏn xẻn nhiều đời hoặc do xuất thân nghèo khó. Có câu chuyện một anh đi trên sa mạc bị lạc, không còn đồ ăn, ăn cả cóc nhái, côn trùng, và mê man. Khi được cứu về bệnh viện, bao nhiêu bánh trái người ta đem vào, anh ta giấu hết dưới nệm, bởi vì anh ta bị ám ảnh sợ nay mai không còn thức ăn. Câu chuyện này cho thấy bản năng sinh tử của mình mạnh đến như thế. Kẻ sát sanh nhiều đời thì khi sinh ra sẽ bị yếu đuối, yểu thọ, khi cơ thể yếu đuối thì sẽ có những cách suy nghĩ kỳ cục, luôn nhút nhát, sợ hãi bất an. Người nghèo quá, thiếu phước bố thí thì khi sanh ra lúc nào cũng sợ mất mát, hao mòn, tốn kém. Kẻ không có lòng tôn kính thì sẽ sinh ra trong một dòng họ thấp kém, bị người ta chèn ép, hiếp đáp, thế là lúc nào cái lòng cũng hèn, sống bằng tâm nô lệ. Vì vậy phải làm công đức để được có mặt trong điều kiện tốt, môi trường tốt, chỉ trong môi trường tốt thì mình mới có cơ hội bỏ đi những tật xấu. Nếu không tu tập thì sẽ bị đẩy vào cảnh thấp và sẽ lại phát sanh thói xấu, cái khổ nuôi cái xấu, cái xấu nuôi cái khổ, một lúc nào đó may mắn hãn hữu vô cùng mới gặp được bốn điều này: 1.Hiền cận. 2.Trú xứ thích hợp. 3.Biết lắng nghe. 4.Biết thực hành. Có đủ bốn điều này thì mới ngoi lên được. Tuy nhiên, thiện luôn ít hơn ác, cho nên khả năng bị đọa lớn vô cùng, đã đọa thì càng khó gặp được bốn điều này. You are what you think of, anh chính là cái gì mà anh suy nghĩ, khi anh thích gì, ghét cái gì là anh đã tạo ra một con người rồi. Khi mình ghét đọc sách là đã tạo ra một thằng dốt, khi mình thích bài bạc thì đã tạo ra một tay đổ bác, khi mình thích nhậu nhẹt thì mình đã tạo ra một con sâu rượu. Chỉ cần biết rõ cái gì mình thích, cái gì mình ghét là đã hình dung ra con người của mình rồi. Lão Tử nói đừng coi thường những suy nghĩ thoáng qua trong đầu, suy nghĩ nhiều lần sẽ thành ra hành động, hành động nhiều lần sẽ thành ra thói quen, thói quen làm nên nhân cách, nhân cách chính là số phận của ta.

Bài kinh này, Đức Phật dạy hễ còn thích trong thích trong Tứ thực là còn có nhân sinh tử. Bốn cái này nói gọn lại chỉ là một. Ngày nào sáu căn còn làm việc với sáu trần bằng sự đam mê thì ngày đó còn có điều kiện để sanh tử. Đức Phật dùng hình ảnh giống như ánh nắng qua thềm nếu không có gì hứng thì không có phản chiếu như ánh đèn rọi vào không trung ban đêm; trần cảnh đối với vị La-Hán giống như gió thổi qua lưới, như giọt nước trên lá sen, như hạt cải trên đầu kim.

Kinh Thành Ấp (Nagara), tiếng Anh gọi là ‘city’ tiếng Ý gọi là ‘citta’, ‘citta’ theo tiếng Pāḷi nghĩa là ‘tâm’. Chữ viết giống nhau vậy thôi chớ không liên quan.

“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường cũ, đạo lộ cũ ấy do các vị Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua? Ðây chính là con đường Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định. Con đường ấy, này các Tỷ-kheo, là con đường cũ, đạo lộ cũ do các bậc Chánh Ðẳng Giác thuở xưa đã đi qua. Ta đã đi theo con đường ấy…”

Nguyên bài kinh dài về Duyên khởi tôi đã giải thích cả mấy tháng nay, Đức Phật xác định: Này các tỳ kheo, hôm nay nhận thức của Như Lai về giáo lý Duyên khởi cũng chính là nhận thức mà ngày xưa chư Phật quá khứ đã từng thấy qua. Ngài giống như người đi lại con đường xưa và thấy lại một thành quách cũ; Ngài không phải là người sáng tạo ra giáo lý Duyên khởi.

KINH NỘI XÚC

Kinh Nội Xúc (Sammasanasutta). Đây là kinh có nhiều chuyện để mình nói với nhau.

Trong Luật tỳ kheo có câu này: “yo pana bhikkhu otiṇṇo vipariṇatena cittena mātugāmena saddhiṁ kāyasaṁsaggaṁ samāpajjeyya, hatthagāhaṁ vā veṇigāhaṁ vā aññata rassa vā aññatarassa vā aṅgassa parāmasanaṁ, saṅghādiseso”. Vị tỳ kheo nào do tham dục tác động mà xúc chạm với phụ nữ như là nắm nay, vuốt tóc, hay là sờ chạm bất cứ chỗ nào trên thân người nữ thì phạm giới tăng tàn.

‘parāmasanaṁ’: sự sờ chạm. Có điểm thú vị là chữ ‘mas’, có nghĩa là ‘xoa vuốt’ ‘sờ chạm’, ‘rờ mó’, ‘mò mẫm’; đặc biệt giống chữ ‘massage’ trong tiếng Anh. Từ đây mới dẫn đến hiểu lầm ‘sammasa’ nghĩa là sờ chạm.

‘sammasana’ là danh từ xuất phát từ động từ ‘sammasati’ nghĩa là quán chiếu. ‘Sammasana’: sự quán chiếu.

Trong bản dịch tiếng Việt Trong bản dịch tiếng Việt “3) Thế Tôn nói như sau: Này các Tỷ-kheo, các Ông có nắm giữ với nội xúc hay không?”. Vì sai từ tựa đề kinh nên xuống dưới cũng sai theo. Bản dịch tiếng Việt có nhầm lẫn. Trong bản kinh Pāḷi, “antaraṃ sammasa’’ được giải thích trong chú giải là “abbhantaraṃ paccayasammasanaṃ”; nghĩa là quán xét 12 Duyên khởi theo cách nửa chừng. Hễ nói đến Duyên khởi là vô minh duyên hành, hành duyên thức…, gọi là “adinayena paccayasammasanam”, nghĩa là quán Duyên khởi theo cách từ đầu đến cuối, còn “abbhantaraṃ paccayasammasanaṃ” nghĩa là quán chiếu ngang hông, ở giữa. Ví dụ như tỳ kheo trong mùa an cư, có đi đâu thì nguyện câu này, ; nghĩa là quán xét 12 Duyên khởi theo cách nửa chừng. Hễ nói đến Duyên khởi là vô minh duyên hành, hành duyên thức…, gọi là “adinayena paccayasammasanam”, nghĩa là quán Duyên khởi theo cách từ đầu đến cuối, còn “abbhantaraṃ paccayasammasanaṃ” nghĩa là quán chiếu ngang hông, ở giữa. Ví dụ như tỳ kheo trong mùa an cư, có đi đâu thì nguyện câu này, “Sace me antarayo natthi sattahabbhantarenivattissami”: “Nếu không có trục trặc xảy ra cho tôi thì tôi sẽ trở về trú xứ này trong vòng 7 ngày”. ‘Satta’: 7, ‘aha’: ngày. ‘Sattahabbhantare’: trong vòng bảy ngày. Không phải là đi suốt bảy ngày mà là trong vòng bảy ngày. ‘abbhantara’nghĩa là ngang hông, ngang xương.

Vì vậy, ở bài kinh này, với câu Vì vậy, ở bài kinh này, với câu “Này các Tỷ-kheo, các Ông có nắm giữ với nội xúc hay không?” phải dịch lại: Đức Phật hỏi chư tỳ kheo “Các ngươi có biết cách quán chiếu Duyên khởi theo cách nửa chừng hay không?”. Cách truyền thống “adinayena paccayasammasanam” là quán chiếu Duyên khởi tuần tự từ đầu đến đuôi: vô minh duyên hành, hành duyên thức… Còn cách ở đây Ngài hỏi là “Đức Phật hỏi chư tỳ kheo “Các ngươi có biết cách quán chiếu Duyên khởi theo cách nửa chừng hay không?”. Cách truyền thống “adinayena paccayasammasanam” là quán chiếu Duyên khởi tuần tự từ đầu đến đuôi: vô minh duyên hành, hành duyên thức… Còn cách ở đây Ngài hỏi là “abbhantaraṃ paccayasammasanaṃ”, quán chiếu giữa chừng. Ví dụ nghe một âm thanh nào đó mình thích quá, biết đây là ái, biết ái từ thọ mà có, thọ từ xúc mà có, xúc từ đâu mà có, từ lục nhập, từ danh sắc đầu đời, danh sắc đầu đời từ 32 thức, thức từ ba hành, hành từ vô minh, vô minh từ tứ lậu, tứ lậu từ sanh già đau chết mà ra. Nếu quán chiếu theo chiều khác, nghe âm thanh nào đó mà thích thì vị đó biết liền, ái này sẽ dẫn đến thủ, thủ này sẽ dẫn đến hữu, hữu sẽ dẫn đến sanh, sanh sẽ dẫn đến già đau chết sầu bi khổ ưu não, quán chiếu như vậy nghĩa là quán chiếu giữa chừng, quán chiếu ngang xương, không bắt đầu từ vô minh. Duyên khởi là một vòng tròn khép kín, điểm nào cũng có thể là điểm bắt đầu, nếu anh còn là phàm phu. Nói theo bài bản thì “Tập đế sinh ra Khổ đế” nhưng đối với phàm phu thì không đơn giản như vậy. “Tập đế sinh ra Khổ đế, Khổ đế là điều kiện để tiếp tục tạo ra Tập đế”, khổ quá rồi làm bậy, làm bậy lại càng khổ, càng khổ càng làm bậy. Cái này nuôi cái kia, Khổ nuôi Tập rồi Tập nuôi Khổ. Đức Phật nói gọn công thức: Tập sinh ra Khổ. Trong thực tế, Tập đế tạo ra Khổ và Khổ là nền tảng cho Tập.

Ngài hỏi, “Các ngươi có biết cách quán chiếu Duyên khởi theo cách nửa chừng hay không?”. Cách nửa chừng ở đây là không bắt đầu từ vô minh mà bắt đầu từ ‘già’: “Sự đau khổ đa loại, đa dạng này khởi lên ở đời với già chết. Sự đau khổ này lấy sanh y làm nhân, lấy sanh y làm tập khởi, lấy sanh y làm tác sanh, lấy sanh y làm hiện hữu. Do sanh y có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh y không có mặt, già chết không hiện hữu”. Ở đời có rất nhiều cái khổ, quan trọng nhất là già chết. Khổ già chết này từ sanh mà ra, sanh từ sanh y mà ra. Sanh y, tiếng Pāḷi là ‘upadhi’, nghĩa là năm uẩn.

Ở đây có người hỏi, nếu muốn học Pāḷi thì học ở đâu, câu này giống như câu nếu muốn đi bác sĩ thì đi ở đâu. Nếu mình ở Huế thì đi bệnh viện trung ương Huế, Tam Kỳ hay Quãng Ngãi, nếu ở Phan Rang thì đi Cam Ranh, Ba Ngòi, nếu ở Sài Gòn thì bệnh viện chợ Rẫy… Nếu ở trong nước thì có thể đến với ngài Hộ Pháp ở Núi Dinh, sư cô Liễu Pháp, còn nếu có điều kiện đi bên ngoài thì tôi có lời khuyên đi qua Tích Lan. Theo nhận xét của tôi, Tích Lan là chỗ tốt nhất nếu dốc lòng. Từ xưa đến giờ tôi chưa thấy người Phật tử nào học đạo theo kiểu dốc lòng hết, chỉ chỗ xong thì nói hỏi cho biết vậy thôi, rồi nói là bận. Tôi nói thiệt đừng buồn, nếu là nữ, mà có tuổi rồi thì tập trung học Vi diệu pháp rồi đi tu thiền là tốt nhất. Nếu mẹ tôi còn sống và nếu mẹ tôi có ý muốn tu học một cách căn bản, trong điều kiện tôi có, nếu bà tin tôi, tôi phải hướng dẫn cho bà học A-tỳ-đàm, biết Tứ Đế, Duyên khởi, nghiệp báo, tái sanh là thế nào, rồi đề nghị bà về Miến Điện mà tu. Không phải chỗ đó về là đắc, nhưng bối cảnh môi trường, không khí, điều kiện tâm lý ở đó rất là tốt. Còn nói tu là tu tâm, phiền não tức cảnh bồ đề, thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa, cư trần bất nhiễm v.v…, cái đó toàn là nói dóc. Sống giữa phồn hoa, vật lộn đôi co với danh lợi với tục lụy thì làm sao mà tu. Bối cảnh ở Miến Điện hay lắm, ví dụ như Chanmyay, Sumin, nơi đó gặp mấy ông tây bà đầm mắt xanh tóc vàng, mặc xà rông Miến Điện đi chậm rãi thong thả mắt nhìn xuống, nghe tiếng động họ ngước lên nhìn mình khẽ cười chào rồi cúi xuống đi tiếp, hình ảnh quá đẹp. Chỉ nhìn thôi là tâm lắng xuống, vừa bước chân xuống là mình đã không dám ho, không dám tằng hắng rồi. Không khí như vậy đó, tất cả mọi người đều nhìn nhau bằng sự trân quí và tin cậy; ở đâu mà được cảnh như vậy.

Những bài giảng này được lưu trữ dưới dạng âm thanh trên internet ở địa chỉ sau đây: www.vietheravada.net; bản kinh Pāḷi và Sớ giải từ địa chỉ www.tipitaka.org.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app