HƯ KHÔNG THẾ GIAN
Hư không thế gian thường gọi là vũ trụ gồm có vô số thế giới nhỏ. Mỗi một thế giới nhỏ đều nằm trên nước, nước chồng lên gió, gió nằm lên trên hư không. Nơi trung tâm có núi Tu Di (Sineru hoặc Meru) cao 84 000 do tuần.
Chung quanh núi Tu Di có 7 vòng biển cách xa nhau bằng 7 vòng núi tên là: Yugandhara, Isadhara, Karavīka, Sudassana, Nemindhara, Vinataka và Assakaṇṇa. Thể chất núi Tu Di và 7 vòng núi ấy bằng 4 thứ báu hiệp thành, chớ không phải chất đất và đá như núi thường. Bề cao và bề sâu của vòng núi Yugandhara bằng phân nửa của núi Tu Di, bề cao vòng núi Isadhara bằng nửa vòng núi Yugandhara và cứ như thế, bề cao và bề sâu của vòng núi bên ngoài chỉ bằng phân nửa của vòng núi bên trong.
Trung tâm 7 vòng núi ấy ở 4 hướng có 4 châu thiên hạ, mỗi châu đều có 500 hòn đảo nhỏ bao bọc. Bốn châu ấy là: Nam Thiện Bộ châu (Jambudīpa), Ðông Thắng Thần châu (Pubbavideha), Bắc Cu Lu châu (Uttarakurū), Tây Ngưu Hóa châu (Aparagoyāra). Trái đất chúng ta là Nam Thiện Bộ châu (Hán âm là Diêm-Phù-Ðề). Mặt trời xoay vần chung quanh núi Tu Di vào khoảng giữa núi ấy và soi sáng 4 châu thiên hạ.
Dưới chân núi Tu Di có vương quốc A-tu-la (Asura) là các hạng thần nhiều sân hận, thường gây giặc với Chư Thiên cõi trời Dục giới thấp nhất do Tứ Ðại Thiên vương (Cātumahārāja) cai quản, để chiếm các triền núi thấp của Tu Di sơn. Cõi trời Tứ Ðại Thiên vương cao từ các triền núi Tu Di sắp lên đến khoảng giữa núi, kế đến Ðạo Lợi thiên (Tāvatiṃsa) từ khoảng giữa đến đỉnh núi, do đức Ðế Thích (Sakka) trị vì. Bốn cõi trời Dục giới trên là: Dạ Ma thiên (Yāma), Ðấu Xuất thiên (Tusita), Lạc Biến Hóa thiên (Nimmānaratī), Tha Hóa Tự Tại thiên (Paranimmitavasavattī) ở trên hư không núi Tu Di. Trên các cõi trời Dục giới là 16 cõi trời Sắc giới, kế tiếp là 4 cõi Vô Sắc giới.
Vô Gián Ðịa Ngục (Lokantariya) ở khoảng giữa hư không hình tam giác luôn luôn tối tăm lạnh lẽo, không có ánh sáng mặt trời, là khoảng 3 thế giới giáp nhau.
Tất cả núi, biển, châu, cõi trời, v.v… vừa kể trên gồm lại đủ như vậy gọi là một thế giới nhỏ. Một ngàn thế giới nhỏ hợp lại thành một cõi tiểu thiên. Một ngàn cõi tiểu thiên hợp lại thành một cõi trung thiên. Một ngàn cõi trung thiên hợp lại thành một cõi đại thiên. Như thế, một cõi Ðại thiên gồm có 1.000 x 1.000 x 1.000 = 1.000.000.000 thế giới nhỏ. Vì nhơn bội lên 3 lần 1.000 như vậy nên gọi là “Tam thiên đại thiên thế giới”.
Ðức Phật đã thấy rõ và hiểu biết tường tận pháp hành thế gian, chúng sanh thế gian và hư không thế gian. Do nhờ những ân đức ấy nên Ngài có hiệu là Lokavidū (Thế Gian Giải).