Video (41) Niệm Vào Đề Mục Sinh Khởi – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Video (41) Niệm Vào Đề Mục Sinh Khởi – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

Niệm Vào Đề Mục Sinh Khởi – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

Bài giảng ngày 14/06/2007 tại Như Lai Thiền Viện, California.

Hôm qua, Sư Cả giảng về ý nghĩa Satipaṭṭhāna, về 2 phương diện lý thuyết và thực hành. Vì không đủ thì giờ nên Sư Cả chưa giảng hết về vấn đề này, điều cần thiết là giải thích về đặc tính bao phủ của chánh niệm. 

Phạn ngữ (0:46) pakkhandhana có ý nghĩa rất rộng rãi. Khi niệm vào đề mục, hành giả phải niệm với tốc độ thật mau, hành giả không suy nghĩ, niệm sao cho tâm tức tốc đến với đề mục. Giống như người đang cầm giữ cẩn thận đồ đạc trong tay, một khi có người định lấy đồ trong tay, người này hay biết và lập tức giật lấy món đồ trở lại tay mình. Cùng thế ấy, khi niệm vào đề mục phải đưa tâm đặt lên đề mục ngay lập tức. Giống như trẻ con đi xem bóng đá, khi gần đến giờ trình diễn, chúng chạy ùa tới cổng sao cho vào kịp giờ để được xem. Khi niệm vào đề mục, hành giả phải đưa tâm ùa đến đề mục nhanh giống như trẻ chạy đến cổng cho kịp giờ để được xem trận bóng đá, tâm phải đưa đến đề mục kịp thời. Đây là ý nghĩa của phạn ngữ pakkhandhana.

Tâm phải được đưa ập đến đề mục kịp thời, bất kỳ đề mục gì sinh khởi nơi thân, như phồng xẹp chẳng hạn, hành giả phải niệm đề mục kịp thời khi đề mục vừa sinh khởi. Hành giả đừng để ý đến những gì xung quanh, điều quan trọng hơn hết là phải ghi nhận kịp thời, niệm kịp thời ngay khi đề mục sinh khởi. Do đó, hành giả phải tức tốc đưa tâm đến đề mục sao cho sự ghi nhận được hữu hiệu. Bổn phận của hành giả là làm sao niệm kịp thời ngay khi đề mục sinh khởi. Hành giả phải hướng tâm đến đề mục và vận dụng loại tinh tấn dũng mãnh, mau mắn đưa tâm đến đề mục bằng loại chánh niệm ngoại hạng, nếu niệm 1 cách thờ ơ thì việc niệm không có hiệu quả. Nếu có suy nghĩ trong lúc niệm, hành giả không thể bắt kịp được đề mục. Có những việc mà hành giả cần phải làm kịp thời, chỉ làm kịp thời hành giả mới có được lợi lạc, nếu không làm kịp thời, hành giả sẽ không có được lợi lạc. Do đó, điều quan trọng hơn hết là hành giả phải đưa tâm gấp rút đến đề mục bằng tất cả sức mạnh. Đây là nội dung của phạn ngữ (4:16) pakkhandhana

Muốn niệm được đề mục kịp thời, hành giả gấp rút hướng tâm đến đề mục bằng tầm và tinh tấn dũng mãnh. Hành giả cần vận dụng 2 yếu tố tầm và tấn để việc niệm có hiệu quả. Khi tâm gắn chặt vào đề mục, tâm không còn phóng chạy đây đó, tâm trở nên an trụ và tập trung trên đề mục. Hành giả cần phải có sự hướng tâm đến đề mục, hành giả không thể đưa tâm ập đến đề mục mà không có sự hướng tâm. Hướng tâm đến đề mục và đưa tâm ập đến đề mục bằng tất cả sức mạnh, sao cho tâm đến được đề mục một cách hữu hiệu. Khi tâm đến được với đề mục, hành giả sẽ không có sự phân vân nơi đề mục, hay còn có sự hoài nghi nơi đề mục. Tâm nằm trên sự phồng, hành giả thấy sự cứng hay sự căng, hay chuyển động. Khi tâm chà sát được đề mục, việc ghi nhận đề mục trở nên hiệu quả, hành giả không cần phải suy nghĩ về đề mục. Ghi nhận đề mục một cách có phương pháp, thực hành một cách có phương pháp, hành giả thấy được sự thật, và hành giả sẽ có khả năng trình pháp. 

Sākacchānuggahita có nghĩa dưỡng nuôi Thiền Minh Sát bằng cách thảo luận với thiền sư. Hành giả cho thiền sư biết mình thực hành ra sao, hiểu gì về đề mục. Điều quan trọng là hành giả phải thực hành một cách tỉ mỉ, trân trọng sao cho hành giả hiểu được đề mục một cách rõ ràng. Hành giả phải chân thật trong khi trình pháp. Có hành giả chỉ trình những gì suy nghĩ thay vì những gì kinh nghiệm. Nếu hành giả chỉ trình những gì hành giả suy nghĩ mà không phải do hành giả kinh nghiệm thật sự, hành giả sẽ có sự hoài nghi, hoang mang trong lòng. Hành giả sẽ tự hỏi “có đúng vậy chăng? như vậy đúng hay sai?”. Nếu hành giả không hành đúng phương pháp, không hành một cách cẩn trọng, tỉ mỉ hành giả sẽ không hiểu được sự thật, thì hành giả sẽ hoài nghi, phân vân. 

Thiền sư có khả năng biết được hành giả trình pháp bằng suy nghĩ hay bằng kinh nghiệm thật sự. Khi tâm ghi nhận thật sự, bắt được đề mục sẽ không có hoài nghi và phân vân “cái gì đây? tại sao vậy?”. Hành giả sẽ hiểu rất rõ ràng, nếu như hành giả thực hành một cách tỉ mỉ, cẩn thận, đúng phương pháp thì hành giả sẽ trình pháp tốt đẹp.

Vì hiểu rõ đề mục nên hành giả không có hoài nghi, phân vân và hành giả có thể giải thích rành mạch. Thiền sư thích loại thiền sinh như vậy, và thiền sư cũng mong cho tất cả yogi đều có được khả năng trình pháp như vậy.

Đó là tại sao Sư Cả giải thích về ý nghĩa của chữ satipaṭṭhāna về 2 phương diện lý thuyết và thực hành, nhằm giúp hành giả tu tập tốt đẹp. Khi trình pháp, hành giả phải cho thiền sư biết hành giả tu tập như thế nào, có kinh nghiệm gì và biết được gì nơi đề mục. 

Sư Cả cho thí dụ, khi học toán, thầy cho bài về nhà làm. Sau khi được thầy dạy cách giải, học sinh về nhà làm bài. Khi viết bài toán ra, phải viết đầy đủ rồi dùng cách phép tính cộng trừ nhân chia rồi viết đáp số. Sau khi kiểm tra lại phương pháp làm, coi lại đáp số, rồi viết từng số một cách chính xác và cẩn thận. Bài làm của người này sẽ rõ ràng, chính xác và cho kết quả đúng. Có học sinh giải đúng phương pháp, nhưng đáp số gần đúng chứ không đúng hẳn, vị thầy chấm bài cũng khá hài lòng vì dù sao người này cũng giải đúng phương pháp. Nhưng có những học sinh khác nguy hiểm hơn, họ tính toán theo lối họ muốn và sau cùng, viết đáp số trúng nhưng không phải là kết quả thật sự từ sự giải đúng phương pháp, người này gian lận, do đó vị thầy không chấp nhận kết quả, dù là cho đáp số đúng nhưng vì không theo đúng như cách giải đã học, nên người thầy không chấp nhận. 

Trong trường học, học sinh phải nộp bài tập về nhà làm, nhưng đối với hành giả hành thiền, thì hành giả trình pháp với thiền sư, để thiền sư biết cách hành giả hành thiền, hành giả kinh nghiệm được gì. Hành giả phải nói về đề mục chính là phồng xẹp, hành giả phải cho biết hành giả có theo dõi chặt chẽ phồng xẹp hay không, hành giả có niệm được kĩ càng, tỉ mỉ, hiệu quả không. Qua những điều này, sẽ cho thấy hành giả có khả năng hành đúng theo phương pháp hay không. Và nếu hành giả làm đúng phương pháp, thì hành giả biết được gì nơi đề mục. Nếu hành giả không thể giữ tâm trên phồng xẹp, thì tâm có thể lúc ấy ghi nhận sự đau nhức, hay tâm có thể phóng chạy khi đau. Hành giả nên cho biết chuyện gì xảy ra khi tâm không ở trên phồng xẹp. Lúc ấy tâm đang ở trên sự đau nhức hay tâm suy nghĩ, hành giả có niệm được sự suy nghĩ liền không, và nếu niệm được thì chuyện gì xảy ra, hay khi niệm vào cơn đau nhức thì chuyện gì xảy ra, hành giả biết được gì khi niệm vào đề mục đau nhức. Hành giả nên trình pháp theo cách này. Nếu trình pháp như vậy, dù trong thời gian ngắn cũng đủ cho thiền sư hiểu được những gì hành giả đã kinh nghiệm qua. Sau khi nghe một lúc, thiền sư có thể biết được hành giả sắp nói điều gì kế tiếp, thiền sư có thể trả lời như vậy là tốt, đủ rồi, tôi hiểu hành giả. Có nghĩa, thiền sư hiểu những gì hành giả đã kinh nghiệm qua, vì hành giả đã giải thích rõ ràng về những gì hành giả đã kinh nghiệm. Hành giả trình pháp được như vậy là hành giả thuộc loại hành giả có phẩm chất cao. Như vậy, muốn được là loại hành giả có phẩm chất cao, hành giả phải tu tập một cách cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác theo những gì được chỉ dẫn.

Trở lại thí dụ về làm toán. Khi làm toán học sinh phải làm theo đúng phương pháp, từng bước một, và phải viết chính xác từng con số cho đến khi tìm ra được đáp số. Sau khi nộp bài cho thầy là học sinh hết bổn phận. Nhưng là hành giả thì khác, hành giả không giống như học sinh, sau khi nộp bài thì không còn học nữa, bổn phận đã làm xong. Mà hành giả không ngừng tu tập, tiếp tục tu tập, ngoại trừ lúc ngủ nghỉ. Không có vấn đề là hành giả đã làm xong bổn phận vì đã tu tập cả ngày, hành giả phải tiếp tục niệm vào mọi đề mục sinh khởi như phồng xẹp, dở, bước, đạp, nhắm mắt, mở mắt, nháy mắt, bất kỳ chuyện gì xảy ra hành giả đều phải ghi nhận. Khi hành giả đạt được sự định tâm, hành giả sẽ biết được câu trả lời “cái gì, tại sao” và hành giả có sự hiểu biết.

Do đó, điểm khác biệt giữa học sinh và hành giả là học sinh làm xong bài nhưng hành giả thì không bao giờ làm xong sự tu tập. Hành giả phải tiếp tục tu tập không ngừng, ngoại trừ lúc ngủ nghỉ. Khi học sinh làm xong và nộp bài cho thầy, và người này hưởng được trọn điểm, thì cảm thấy rất vui vẻ. Cùng thế ấy, khi hành giả thực hành siêng năng, đúng cách, hành giả trình pháp chính xác, rõ ràng thì thiền sư vui, hành giả cũng cảm thấy vui vẻ, hài lòng, và hành giả cảm thấy hạnh phúc này hơn hẳn loại hạnh phúc có được qua sự thấy cảnh đẹp, nghe âm thanh hay…

Tóm lại, chánh niệm là bao phủ đề mục (16:22) , bất kỳ đề mục gì sinh khởi, chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục. Điều rất quan trọng là hành giả phải niệm một cách tinh cần và tinh tấn sao cho chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục. Khi chánh niệm bao phủ được trọn vẹn đề mục, chánh niệm sẽ được duy trì chặt chẽ trên đề mục và được xem là có phẩm chất cao.

Bây giờ, Sư Cả nói đến 3 loại phiền não. Phiền não tác động vitikama kilesa, phiền não tư tưởng pariyuṭṭhāna kilesa và phiền não ngủ ngầm anusaya kilesa.

Muốn diệt tận được 3 loại phiền não này, cần phải tu tập Giới – Định – Tuệ, muốn chế ngự phiền não tác động cần phải giữ giới, cá nhân cần phải thu thúc. Thí dụ như có 1 vùng đang có bệnh truyền nhiễm, không muốn bị lây, cá nhân phải tự gìn giữ, không được đi vào vùng này. Cùng thế ấy, cần phải thu thúc không để phiền não tác động biểu hiện qua thân khẩu bằng sự giữ giới giúp ngăn ngừa được loại phiền não tác động. 

Đối với loại phiền não tư tưởng, cần phải ngăn ngừa không cho phát sinh nơi tâm. Không thể tránh loại phiền não tư tưởng sinh khởi, nhưng có thể ngăn ngừa bằng tâm định sao cho chúng không thể phát sinh. Nếu chúng có phát sinh, hành giả ghi nhận và loại trừ ngay lập tức.

Muốn diệt tận loại phiền não ngủ ngầm, cần phải phát triển trí tuệ bằng sự thành đạt Minh Sát Tuệ hay Đạo Tuệ, hành giả diệt tận được các phiền não ngủ ngầm.

Do đó, tốt hơn hết là ngăn ngừa không để phiền não phát sinh. Và nếu phát sinh thì lập tức dùng chánh niệm để diệt trừ.

Sư Cả cho thí dụ, giống như lực lượng an ninh phải dàn trải ra 4 hướng để ngăn ngừa kẻ thù xâm nhập, nếu phát hiện có kẻ thù thì lập tức dùng mọi biện pháp cần thiết để tiêu diệt.

Cùng thế ấy, hành giả phải ngăn ngừa phiền não bằng chánh niệm. Nhờ chánh niệm bao phủ và trải rộng nên tâm được bảo vệ. Bất kỳ đề mục gì sinh khởi, hành giả phải niệm ngay, niệm với tinh tấn dũng mãnh và niệm liên tục. Hành giả phải niệm sao cho tâm ghi nhận giáp mặt trực tiếp với đề mục, và việc niệm phải có hiệu quả. Chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục, làm cho tâm được bảo vệ an toàn khỏi phiền não. Bất kỳ lúc nào đề mục sinh khởi, chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục. Chánh niệm với phẩm chất cao là loại chánh niệm hình thành bởi tầm và tấn, loại chánh niệm duy trì chặt chẽ, liên tục trên đề mục, và là loại chánh niệm bao phủ trọn vẹn đề mục. 

Muốn tu tập Giới – Định – Tuệ một cách có phương pháp, hành giả cần có người bạn đạo lý tưởng kalyāṇamitta. Là người có thể hướng dẫn hành giả về cả 2 phương diện lý thuyết và thực hành. Người ấy có thể là bạn hay cha mẹ hay anh chị hay người thân thuộc. Nếu bất kỳ ai trong những người này có được các phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng, hành giả nên liên hệ với người này.

Trong kinh điển và Thanh Tịnh Đạo có nói đến 7 phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng:

  • Phẩm tính thứ 1: dễ mến (piya). Người dễ mến, người được người khác thương mến vì có giới hạnh tốt đẹp
  • Phẩm tính thứ 2: được kính trọng (garu). Là người có từ bi, trí tuệ.
  • Phẩm tính thứ 3: được người khác dùng làm đối tượng để rải tâm từ ái (bhāvanīya). Phẩm tính này có được vì thành tựu được 2 phẩm tính đầu tiên.
  • Phẩm tính thứ 4: có khả năng chỉ những khuyết điểm để giúp tu tập tốt đẹp (vattāra). Người bạn đạo lý tưởng có khả năng chỉ cho người khác tu tập, đồng thời cũng có khả năng chỉ rõ những khuyết điểm lầm lỗi để giúp người khác sửa đổi để tiến bộ.
  • Phẩm tính thứ 5: có khả năng nhẫn nhục khi bị chỉ trích, phê bình (vasanakkama). Người bạn đạo lý tưởng chấp nhận chỉ trích và biết sửa sai.
  • Phẩm tính thứ 6: có khả năng giải thích giáo pháp sâu xa về phương diện lý thuyết và thực hành (gambhira katham). Người bạn đạo lý tưởng có khả năng giải thích về 37 phẩm trợ đạo, bao gồm Tứ Niệm Xứ và Tứ Diệu Đế, về cả 2 phương diện lý thuyết và thực hành. Người bạn đạo lý tưởng có khả năng giải thích cho người khác hiểu được rõ ràng giáo pháp thâm sâu về cả 2 phương diện lý thuyết và thực hành.
  • Phẩm tính thứ 7: không lợi dụng bạn đạo hay học trò để được làm lợi cho cá nhân (ātthāne no sa ni yogita). Hành giả nên tìm 1 người bạn đạo lý tưởng có đầy đủ 7 phẩm tính trên để liên hệ, cho dù người này có xua đuổi hành giả, hành giả cũng đừng bỏ đi.

Thời pháp đến đây đã mãn, Sư Cả sẽ giảng tiếp vào ngày mai.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app