Nội Dung Chính
Video (25) Phương Pháp Niệm Tâm – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
Phương Pháp Niệm Tâm – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
Ngày 29/05/2007, tại Như Lai Thiền Viện, California.
Hôm qua Sư cả đã giảng về niệm tâm dựa theo lời Phật dạy, là hành giả sơ cơ nên bắt đầu quán sát đề mục nào xuất hiện rõ nhất, dễ thấy nhất. Nếu thấy 2 đề mục, đề mục dễ thấy rõ nhất và đề mục không thấy rõ, hành giả hãy chọn đề mục thấy rõ nhất. Do đó hành giả nên bắt đầu với đề mục nào dễ thấy nhất và thấy rõ nhất.
Giống như dạy trẻ mới bắt đầu học, cần phải cho trẻ học cái gì dễ nhất, cùng thế ấy, trong việc hành Thiền Minh Sát, hành giả nên bắt đầu với đề mục rõ nhất, dễ thấy nhất. Sư cho thí dụ về việc đo đạt trong nghề mộc, khi muốn cưa người thợ mộc dùng thước đo đạc, đánh dấu trước khi cưa thật sự, nếu không đo đạc trước chỉ nhắm chừng và cưa đại thì người thợ có thể cưa sai không đúng với kích thước và miếng gỗ không thể sử dụng được nữa. Một thí dụ khác về việc trẻ mới học viết, trẻ phải tập viết với đường chuẩn kẻ sẵn trong tập, nhờ đường chuẩn mà trẻ dễ tập viết thẳng hàng, không viết lên xuống khó coi, nếu tập không có kẻ đường chuẩn sẵn rất khó cho trẻ viết thẳng hàng. Trong việc thực hành Thiền Minh Sát, hành giả phải thực hành theo tiêu chuẩn hay luật lệ đặt ra nhằm giúp cho sự tu tập có hiệu quả. Sutta là luật lệ tiêu chuẩn đặt ra có công dụng giống như lằn mức đánh dấu của người thợ mộc trong sự cưa cây, hay giống như lằn kẻ sẵn trong tập cho trẻ mới tập viết.
Giữa danh, sắc thì sắc (tức vật chất) biểu hiện rõ hơn, thấy rõ hơn danh (tức tâm). Hành giả nên niệm vào những gì thấy rõ nhất. Kệ ngôn “người trí kiểm soát và điều phục tâm và tâm tinh vi khó thấy”. Dù là hành giả là người đáng kính trọng, nhưng tâm của hành giả cũng luôn phóng đi đây đó. Tâm rất khó thấy, trong khi đó thì vật chất (tức là sắc) dễ nhận ra hơn và rõ ràng nhất. Con người thường không hay biết tâm mình đang phóng chạy đây đó. Khi Tâm theo đối tượng ưa thích, tham ái chiếm ngự tâm. Khi tâm theo đối tượng không ưa thích, sân hận chiếm ngự tâm. Dù cho không bị tham ái, sân hận chiếm ngự tâm thì cũng bị mê mờ, hoài nghi chiếm ngự.
Nếu không kiểm soát tâm, tâm sẽ trở nên hoang đàn. Thú hoang nếu không được huấn luyện thì tiếp tục là thú hoang trong rừng. Cùng thế ấy, nếu không kiểm soát, không bảo vệ tâm thì tâm trở nên hoang đàn phóng chạy đây đó. Muốn vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm, phải luôn quán sát tâm để biết tâm đang ở đâu. Tâm thường xuyên chạy theo lục căn : ở mắt, ở tai, ở mũi, ở lưỡi, ở sự xúc chạm và ý căn. Khi vật sinh khởi qua nhãn căn, chạm vào màng nhầy của mắt, phát sinh nhãn thức. Nhĩ thức sinh khởi ở tai. Tỷ thức sinh khởi ở mũi. Thiệt thức sinh khởi ở lưỡi. Thân thức sinh khởi nơi thân. Ý thức sinh khởi ở tim.
Theo Tây Phương, ý tưởng phát xuất từ óc, nhưng theo Đông Phương thì ý tưởng xuất phát từ trái tim (tâm căn), nơi có máu lưu thông. Do đó, nếu niệm tâm thì phải quán sát nơi vùng tim, đa số các tâm phát xuất từ tim.
Ngay lúc thấy điều gì, hành giả phải ngay lập tức niệm “thấy, thấy”. Khi nghe điều gì phải lập tức niệm “nghe, nghe”. Khi hay biết điều gì, phải lập tức niệm “biết, biết”. Sự thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm, hay biết chỉ là kết quả, chưa được coi là thiện hay bất thiện. Chuỗi tâm phát sinh kế tiếp cũng chưa phải là thiện hay bất thiện. Khi hành giả niệm kịp thời, hành giả chặn đứng không tạo điều kiện cho phiền não phát sinh. Do đó, muốn bảo vệ tâm, hành giả phải lập tức niệm ngay khi đề mục sinh khởi trong hiện tại. Nhờ niệm liền và niệm liên tục, nên hành giả bảo vệ được tâm, tâm không bị ô nhiễm do ái dục khi hành giả thấy vật ưa thích, tâm không bị ô nhiễm bởi sân hận khi hành giả thấy vật không ưa thích.
Khi ghi nhận liên tục, chánh niệm phát sinh kế tiếp nhau liên tục nên phiền não không xâm nhập tâm. Dù hành giả có đối diện và ưa thích hay không ưa thích, tham lam, sân hận không phát sinh. Do đó, nhờ chánh niệm kịp thời giúp bảo vệ tâm không bị phiền não xâm nhập.
Trong Kinh Pháp Cú nói rằng: “khi tâm được bảo vệ an toàn khỏi phiền não, tâm không còn dao động bởi tham, sân, si, tâm trở nên an tịnh, hạnh phúc”.
Khi hành giả thành đạt trí tuệ cũng làm cho tâm được bình an, hạnh phúc. Vì thế, điều quan trọng là phải bảo vệ tâm, kiểm soát tâm sẽ đem lại bình an, hạnh phúc một cách tuyệt diệu.
Trong sự thấy, ngay khi hành giả thấy sự vật, không dễ quán sát được 1 mình nhãn thức, vì ngay lúc thấy có cả sắc pháp phát sinh. Nhãn căn (hay màng nhầy của mắt), vật thấy – cả 2 là sắc pháp. Vật thấy có xuất hiện, mắt phải tốt thì nhãn căn mới sinh khởi làm cho nhãn thức phát sinh. Khi vật thấy tác động vào nhãn căn, nhãn thức phát sinh, xúc phát sinh, xúc phát sinh, thọ phát sinh. Khi thấy vật đẹp hành giả cảm thấy dễ chịu, khi thấy vật xấu hành giả cảm thấy khó chịu, khi thấy vật không xấu không đẹp, hành giả cảm thấy trung trung, không dễ chịu mà cũng không khó chịu. Trong lúc thấy, có 3 danh pháp phát sinh rõ ràng là nhãn thức, xúc và thọ. Cũng trong lúc thấy, có 2 sắc pháp phát sinh là vật thấy (là vật tác động), nhãn căn (là yếu tố tác động), và 3 danh pháp là nhãn thức, xúc và thọ là yếu tố phát tác. Ngay lúc thấy, có 2 sắc pháp và 3 danh pháp đồng sinh khởi, hành giả chỉ niệm chung là “thấy, thấy”. Nếu niệm theo kinh điển chỉ dẫn, hành giả niệm chung “thấy, thấy”, ngay lúc thấy, hành giả đừng phân tích theo vi diệu pháp mà hãy niệm một cách tổng quát “thấy, thấy” ngay lập tức. Thí dụ khi nhìn ai, hành giả nhìn toàn thể gương mặt, nếu hành giả nhìn từng chi tiết một sẽ phát sinh rất nhiều ý tưởng theo sau. Tuy nhiên khi tâm có sự chú ý nơi trán, hành giả sẽ thấy trán, khi tâm chú ý nơi cằm, hành giả sẽ thấy cằm, khi tâm chú ý nơi mắt, hành giả sẽ thấy mắt. Do đó trong khi nhìn toàn thể gương mặt, hành giả có thể chú tâm thấy chi tiết khác trên mặt. Trong khi thấy các chi tiết trên mặt, hành giả cũng thấy được toàn thể gương mặt. Ngay lúc thấy vật, có các danh pháp và sắc pháp đồng sinh khởi, hành giả phải ghi nhận ngay lập tức sao cho hành giả thấy được đặc tính riêng của các thành phần danh, sắc này. Hành giả cũng niệm và ghi nhận tương tự qua sự nghe, ngửi, nếm…
Tuy nhiên, lúc còn sơ cơ, nếu có quá nhiều đề mục phải niệm, thì sẽ gây khó khăn cho hành giả, vì không thể nào niệm vào tất cả các đề mục, nên hành giả đâm ra phân vân, rối rắm. Sư cho hành giả 1 thí dụ về việc dạy cho trẻ mới biết học, trẻ chỉ nên học ít và dễ, nếu cho trẻ học bài khó thì không tốt, nếu cho bài dễ nhưng cho nhiều thì cũng không có lợi. Do đó, đối với trẻ mới đi học chỉ nên cho trẻ học ít và dễ. Tương tự như vậy, lúc mới biết hành thiền, hành giả nên tập với đề mục dễ và ít. Đức Phật dạy hành giả nên lấy hơi thở vô ra làm đề mục hành thiền. Hành giả theo dõi phồng xẹp ở bụng vì có liên hệ đến hơi thở ra vô.
Về thiền hành, hành giả được chỉ “trái bước, phải bước” cho đến khi niệm rành, hành giả bắt đầu tập niệm “dở-bước, dở-bước”, và sau cùng, khi đã niệm khá, hành giả tập niệm “dở-bước-đạp”. Bắt đầu tập niệm đề mục dễ và ít, từ từ hành giả tập niệm nhiều đề mục hơn. Thực hành theo lối này, dễ cho hành giả đạt được tiến bộ, nhờ vậy hành giả sẽ phát triển được niệm, định, tuệ trong thời gian ngắn.
Khi ngồi, hành giả niệm phồng xẹp là đề mục chính, khi đi hành giả niệm “trái bước, phải bước”, hay “dở-bước, dở-bước”, hay “dở-bước-đạp”. Và trong sinh hoạt hàng ngày, khi hành giả nhìn trước mặt, niệm “nhìn trước”, khi xoay người niệm “xoay, xoay”, khi co duỗi tay chân… hành giả hãy niệm luôn luôn.
Như vậy có 3 điều hành giả phải giữ chánh niệm luôn luôn, là trong khi ngồi, trong khi kinh hành và trong các sinh hoạt hàng ngày. Không có nơi đâu trong kinh điển nói rằng chỉ có niệm tâm thôi. Hành giả nên biết lúc nào hành giả quán sát tâm, nếu không giữ chánh niệm, không phải tu tập Thiền Minh Sát, thì khi gặp đối tượng tốt, tham lam, ái dục sẽ phát sinh, khi gặp đối tượng xấu, sân hận phát sinh. Bất an, dao động, phóng dật, hoài nghi phát sinh nơi tâm nhưng thường con người không nhận biết. Thường con người không nhận biết có tâm gì đang sinh khởi nên cứ để mặc tâm phóng chạy đây đó. Khi hành giả là người học từ đọc sách, hay có kiến thức qua lý thuyết rằng tâm phải được kiểm soát và bảo vệ, hành giả bắt đầu hành thiền, hành giả ngồi và bắt đầu niệm “phồng, xẹp” làm đề mục chính. Trong khi hành giả niệm “phồng, xẹp” có lúc tâm phóng chạy theo các đối tượng khác làm cho tham ái hay sân hận sinh khởi nơi tâm hành giả. Do thói quen, hành giả có ý muốn thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, khi ấy hành giả hãy niệm “muốn, muốn”. Và khi hành giả thọ hưởng cảm giác đem mang lại từ dục lạc, hành giả phát sinh sự dính mắc vào cảm giác này, hành giả có tâm sarāgacitta (tâm tham ái). Tham ái có thể sinh khởi trong lúc hành thiền hay khi không hành thiền. Khi hành giả không niệm bằng sự hướng tâm và tinh tấn, không có chánh niệm làm cho tham ái xâm nhập tâm. Thực hành theo Kinh Đại Niệm Xứ là khi hành giả có tham phát sinh nơi tâm, hành giả hãy niệm “tham ái, tham ái”, và khi tâm tham ái biến mất, hành giả có thể nhận biết, hoặc không nhận biết, tâm trong sạch trở lại. Đức Phật chỉ dẫn cách niệm tâm như vậy trong Kinh Niệm Xứ. Cá nhân hãy làm theo lời Phật dạy chứ đừng làm vì cá nhân cho là đúng. Khi niệm vào tham ái, nếu tâm tham ái không mất sau 1 niệm, hành giả cứ tiếp tục ghi nhận cho đến khi tham ái biến mất. Và hành giả sẽ hiểu được thế nào là niệm tâm cittānupasanā. Sư cho thí dụ, nếu như có vùng bị bệnh truyền nhiễm, muốn tránh bị lây bệnh, chúng ta phải hạn chế việc đi lại, chúng ta phải thu thúc không đi vào vùng này. Tuy nhiên, đối với tâm, hành giả không thể nào giữ gìn thu thúc, không để tâm tham ái phát sinh, hành giả không thể nói “tôi không để cho tâm tham ái phát sinh”, hành giả không thể nào giữ gìn không cho tham ái phát sinh. Trái lại, hành giả cần phải biết cách phòng ngừa, không cho tham ái phát sinh và 1 khi phát sinh, hành giả biết cách dập tắt. Muốn ngăn ngừa tham ái, khi niệm vào đề mục, hành giả phải niệm bằng sự hướng tâm và tinh tấn, tâm được an trụ trên đề mục, và như vậy hành giả ngăn ngừa không cho tham ái xâm nhập tâm. Do đó hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục để ngăn chặn không cho tham ái xâm nhập tâm. Và nếu tham ái có sinh khởi nơi tâm, hành giả phải diệt trừ ngay lập tức bằng cách niệm ngay, niệm vào tham ái. Khi hành giả niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, hành giả thiết lập được chánh niệm chặt chẽ nơi đề mục thì hành giả chưa có niệm tâm, nhưng khi tâm phóng đi đây đó, gặp vật ưa thích, tham ái phát sinh, gặp vật không ưa thích, sân hận phát sinh, muốn trị được tham ái, sân hận sinh khởi trong tâm như vậy, hành giả cần phải biết pháp niệm tâm. Sư sẽ tiếp tục bài pháp vào ngày mai.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007