Video (15) Vai Trò Của Tầm và Tứ – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007

 

 

VAI TRÒ CỦA TẦM VÀ TỨ – THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ – KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

Bài giảng ngày 19/05/2007 tại Như Lai Thiền Viện California.

Sư Cả đã giảng qua về những gì theo kinh điển và theo Pháp hành để mong các hành giả tu tập hưởng được loại hạnh phúc do sự từ bỏ được 2 loại phiền não, phiền não do dục lạc ngũ trần, và phiền não do các bất thiện pháp phát sinh từ dục lạc, còn gọi là tị phiền não ẩn cư hạnh phúc. Phiền não do dục lạc ngũ trần vatthukāma sinh khởi từ sự ưa thích hay ghét bỏ sự vật qua sự muốn thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon… Loại phiền não thứ 2 là loại phiền não do các bất thiện pháp phát sinh từ dục lạc, gọi là kilesakāma. Muốn có được loại hạnh phúc do sự từ bỏ 2 loại phiền não, hành giả cần phải dứt bỏ tham ái, phải tích lũy liên tục các tâm thiện vô tham, có nghĩa hành giả thay thế tham bằng vô tham là tâm thiện. 

Ngoài ra, muốn cho tâm thoát được 2 loại phiền não, hành giả phải vận dụng thành công tầm và tấn. Nếu hành giả ghi nhận được đề mục liên tục bằng tầm và tấn, hành giả sẽ không bị ảnh hưởng của 2 loại phiền não. Nhờ vậy, tâm hành giả được giữ trong sạch, thiện lành. 2 loại phiền não này vốn nằm sâu trong tâm, và đeo đuổi hành giả từ vô lượng kiếp. Hành giả không thể nhanh chóng diệt trừ liền được các phiền não này, mà phải làm chúng suy yếu dần, và cuối cùng diệt trừ chúng hoàn toàn.

Nếu bỏ được tham, hành giả có được loại hạnh phúc giải thoát phiền não. Hành giả cần phải tu tập liên tục để làm cho thiện tâm sinh khởi thường xuyên. Muốn vậy, hành giả phải giữ sự ghi nhận liên tục trên đề mục, hành giả vận dụng nỗ lực tinh cần, hướng tâm đến đề mục, phát triển được chi thiền tầm, đưa tâm đến đề mục. Tâm định vị và chà sát đề mục 1 cách hiệu quả, phát triển chi thiền tứ vicāra. 2 chi thiền tầm (vitakka) và tứ (vicāra) luôn luôn có mặt trong thiền tâm bhāvanā citta , nhờ tầm và tứ, tâm thoát khỏi 2 loại phiền não, hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc do sự dứt bỏ phiền não nekkhammasukha. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là loại hạnh phúc mới phát triển chưa được chín mùi, hành giả còn cần phải giữ chánh niệm liên tục, không ngừng 1 khoảnh khắc nào.

Tầm, tứ là 2 chi thiền có ảnh hưởng rất quan trọng đối với tâm. Nhờ hiệu quả của 2 chi thiền làm cho tâm không còn phóng chạy theo các đối tượng ngũ dục. Tâm không dao động, tâm luôn gắn chặt với các đối tượng quán sát. Thí dụ như khi muốn kết 2 miếng vải lại với nhau, cần phải có kim và chỉ. Kim đâu xuyên qua cả 2 miếng vải, theo sau là chỉ kết chặt 2 miếng vải lại với nhau. Nếu chỉ có kim nhưng không có chỉ, không thể kết được 2 mảnh vải lại với nhau, do đó, kim và chỉ là 2 vật liệu cần thiết để dùng kết hợp 2 miếng vải với nhau. Kim và chỉ được xem như là tầm và tứ, 2 mảnh vải là tâm ghi nhận và đề mục quán sát. Nhờ tầm và tứ, tâm ghi nhận gắn chặt với đề mục, làm cho tâm không còn dao động, phóng chạy theo các đối tượng ngũ dục. Trong việc may 2 miếng vải với nhau, cần phải đưa kim đến lằn biên của 2 miếng vải, đồng thời cố gắng đâm kim xuyên qua 2 miếng vải, và 2 miếng vải được kết nối với nhau bằng chỉ theo sau mỗi mũi kim. 

Trong sự quán sát phồng xẹp, hành giả phải hướng tâm đến sự phồng bằng nỗ lực tinh cần, giữ tâm ghi nhận đề mục. Nếu tầm và tứ kết hợp tốt đẹp, thì tứ hình thành tức tâm ghi nhận an trụ và chà sát đề mục. Do đó tầm, tứ là 2 chi thiền quan trọng ảnh hưởng trong việc giữ tâm ghi nhận được đề mục 1 cách liên tục.

Ngoài tầm và tứ, yếu tố tinh tấn cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Và như vậy, nếu giữ tâm trên đề mục được 1 phút, là có 60 lần có tấn, niệm, định. Gọi là phát triển tâm hay là thiền. Có nghĩa làm phát triển các sức mạnh tâm linh từ yếu sang mạnh. Nhờ vận dụng tinh tấn làm phát triển tầm và tứ nên tấn, niệm, định được phát triển từ yếu sang mạnh.

Thiền có nghĩa là sự tu tập làm cho các thiền tâm được sinh khởi, lặp đi lặp lại. Tầm và tứ giúp cho các thiền tâm tấn, niệm, định hình thành. 3 loại thiền tâm giúp chế ngự phiền não và các bất thiện tâm khác. 

Lợi lạc nào đem lại khi tâm thoát khỏi phiền não và các bất thiện tâm. Đó là sự hình thành phỉ lạc, tâm trở nên vui vẻ, hạnh phúc. Hành giả cảm thấy vui trong pháp hành và cảm thấy thoải mái với pháp hành. 

Ở tuệ sinh diệt, hành giả cảm thấy vui vẻ thoải mái với thiền tập. Hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc do sự dứt bỏ phiền não. Hành giả không còn muốn bỏ thiền, mà trái lại hành giả càng theo đuổi sự tu tập xa hơn nữa. Hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc vượt trội hẳn hạnh phúc thế tục. Hành giả tràn đầy tự tin với pháp hành và cảm thấy trân quý pháp hành. Hành giả cảm thấy đời mình thăng tiến, hành giả hiểu rằng hạnh phúc thế tục quả thật quá nhỏ so với hạnh phúc giáo Pháp. Đa số con người thích hưởng thụ tiện nghi, thoải mái. Khi rảnh rỗi người ta thường nằm ngả lưng tìm sự thoải mái, nằm 1 bên rồi không thấy thoải mái, lại lăn nghiêng sang bên kia để tìm sự thoải mái. Cũng như khi thức giấc, họ không nằm dậy liền mà còn nằm nán để tiếp tục thưởng thức sự thoải mái trong sự nằm. Con người hưởng thụ loại hạnh phúc không tinh khiết. Những người này đem thói quen hưởng thụ này với họ. Thói quen hưởng thụ theo họ khi họ tham dự khóa thiền, hành giả thuộc loại có thói quen hưởng thụ, giữ chánh niệm một cách lỏng lẻo, giữ lấy lệ, niệm vào đề mục 1 cách hờ hững làm cho tâm trở nên co rút, thụ động. Có khi làm cho hành giả bất chợt rơi vào cơn ngủ. Tầm, tứ giúp cho tâm linh hoạt, tươi tỉnh, tấn chế ngự biếng nhác giúp cho hành giả tiếp tục ham muốn tu tập. Tinh tấn luôn đốt biếng nhác, làm cho tâm tươi tỉnh trở lại. 

Tứ giúp tâm chà sát đề mục, quán sát đề mục một cách hiệu quả, phá tan được sự phân vân, hoài nghi. Nếu không có tứ đem lại cho hành giả sự hiểu biết rõ ràng, hành giả sẽ phân vân cái gì đây? Tại sao như vậy? Làm thế nào đây?… Nhờ tứ có mặt nên hoài nghi, phân vân vắng mặt nơi tâm. Hành giả cảm thấy có sự tự tin, vững mạnh trong sự tu tập, cũng như biết chắc mình đang đi đúng đường. 

Ngoài ra, nỗ lực tinh cần cũng đóng vai trò quan trọng trong sự tu tập. Vì giúp cho hành giả luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng và quyết tâm ghi nhận kịp thời đề mục khi sinh khởi trong hiện tại. Tâm ghi nhận được nhanh chóng đưa đến đề mục làm hình thành chánh niệm, chánh niệm gắn chặt vào đề mục, tâm không rời đề mục mà an trụ trên đề mục theo từng khoảnh khắc hình thành sát na định. Do đó, nỗ lực tinh cần có vai trò quan trọng trong sự thiết lập chánh niệm và sát na định.

Tầm và tứ cũng là những yếu tố thiết yếu cho chánh niệm và chánh định. Hành giả tự thẩm định để xem 2 yếu tố tầm và tứ có mặt trong sự tu tập như thế nào. Nếu không có tầm và tứ, hành giả sẽ không có chánh niệm, tâm sẽ không ở yên trên đề mục. Tâm không gắn chặt nơi đề mục nên hành giả không hiểu về đề mục. Hành giả chỉ có loại chánh niệm hời hợt, không đủ giúp cho hành giả thấy được bản chất thật sự của đề mục.

Tương tự như trong khi ăn, tuy hành giả ăn nhưng hành giả không biết được vị của thức ăn, hoặc như khi nhai đậu phộng, hành giả không cảm nhận được sự cứng mềm, mùi vị của đậu phộng. Vì hành giả ăn nhưng có sự chú tâm hời hợt nơi sự ăn. Nếu có sự chú tâm, hành giả sẽ thấy chuyển động của hàm dưới và sự nghiền nát giữa 2 hàm, hành giả cũng biết được vị của đậu phộng đang sinh khởi ra sao. Cùng thế ấy, nếu ghi nhận đề mục 1 cách hờ hững thì việc ghi nhận của hành giả không có hiệu quả. Do đó, khi được hỏi về phồng xẹp, hành giả niệm vào “phồng” hành giả nhận biết được điều gì? Hành giả niệm vào “xẹp” hành giả nhận biết được điều gì? Nếu hành giả không ghi nhận hiệu quả bằng tầm và tứ, hành giả không thể trả lời đầy đủ, hành giả chỉ nói phớt ngang. Nói cái này, cái nọ không đầy đủ. Hành giả trả lời chỉ bằng sự suy nghĩ. Do đó hành giả phải niệm đúng và cẩn thận, thì hành giả mới thấy được đặc tướng riêng của sự vật. Cũng giống như, nếu hành giả có chú tâm trong sự ăn, hành giả sẽ thấy được vị riêng của thức ăn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app