Nội Dung Chính
Video (3) Bố Thí Đúng Cách Như Thế Nào – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
BỐ THÍ ĐÚNG CÁCH NHƯ THẾ NÀO – THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ – KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007
( Ngày 07/05/2007, tại Như Lai thiền viện California )
Hôm qua Sư Cả giải thích về bố thí là một trong ba phước báu thiện nghiệp puññakriyā-vatthu là bố thí, trì giới và hành thiền. Sư đã giảng qua về phước bố thí dānapuñña.
Nếu bố thí đúng cách sẽ giúp người cho loại bỏ được ích kỉ và các hình thức quá độ của tham sân. Khi bố thí, hãy nghĩ đến sự an vui, hạnh phúc của người khác, đừng mong cầu lợi lạc cá nhân. Khi nói đến đừng mong cầu lợi lạc cá nhân, có nghĩa đừng mong cầu được loại hạnh phúc không bảo đảm, mà hãy mong được loại hạnh phúc bảo đảm. Nhờ vậy mà người cho loại trừ được sự dính mắc và ích kỷ. Vì muốn cho người khác được an vui, hạnh phúc nên cá nhân đem những gì mình có chia sẻ với người khác. Do vậy mà cá nhân loại bỏ được sân hận đối với người khác, nhờ bỏ sân hận nên có được nhẫn nại, tha thứ và hy sinh khi giao tiếp với người khác. Vì vậy bằng cách bố thí đúng cách sẽ làm phát triển các đức tính đẹp như nhẫn nại, tha thứ và hy sinh. Bố thí cũng làm phát sinh lòng bi mẫn với người khác. Nhờ lòng bi mẫn nên loại được sự ác độc phát sinh từ sân hận. Do bố thí đúng cách, loại trừ được sân hận quá độ, hiểu rằng làm tốt đem lại tốt, làm xấu đem lại xấu, cá nhân hiểu do nghiệp của chính mình tạo nên quả tốt hay quả xấu, hiểu được vậy nên không còn si mê. Vì thế khi bố thí, cá nhân chỉ nhắm đến mục đích thành đạt loại hạnh phúc bảo đảm.
Tóm lại, nhờ bố thí đúng cách nên loại trừ được các hình thức quá độ của tham – sân – si. Theo lối này, bố thí hỗ trợ cho sự tu giới. Bố thí đúng cách có khả năng giúp cho được sự thu thúc, không có sự cư xử sai trái qua thân – khẩu – ý.
Vua Asoka đã cho chạm vào cột trụ đá, ghi rằng, ngay cả bố thí là 1 nghiệp thiện nhỏ, nếu được làm đúng cách sẽ loại bỏ được tham – sân – si quá độ. Do loại bỏ được tham – sân – si quá độ, cá nhân giải thoát khỏi sự trì kéo bởi sức hút của phiền não. Nhờ vậy làm cho đời cá nhân được nâng cao.
Bố thí đúng cách mở đường cho giới đạo. Như vậy mỗi khi bố thí, cá nhân hãy làm với tâm trong sạch và với mục đích cao thượng thì cá nhân khắc phục được tham – sân – si quá độ.
Bây giờ Sư cả nói về giới theo lời dạy của Đức Phật. Bố thí thông thường được dịch là tặng hay cho, nhưng thực ra bố thí còn có nghĩa là vật được cho dātabba vatthu . Bố thí cũng còn có nghĩa tác ý cetanā là nguyên nhân tạo nên bố thí. Không có ý muốn cho sẽ không có bố thí. Bố thí còn mang nghĩa sự cho ra, dù có tác ý bố thí, có sẵn vật cho nhưng không có hành động cho ra thì bố thí cũng không thành, hoặc có ý bố thí nhưng không có vật để bố thí thì sự bố thí cũng không thành. Do đó bố thí chỉ được thành tựu khi có cả 2 tác ý muốn cho ra và hành động cho ra. Khi bố thí đừng dính mắc vào vật mà cá nhân sở hữu, và cần phải bố thí bằng tâm bi. Không có lòng bi mẫn đối với người nhận sẽ không có bố thí. Theo cách này, khi một người có tác ý muốn bố thí, có sẵn vật bố thí, có tâm không dính mắc vào những vật mình có và có tâm từ, tâm bi đến người nhận, thì tự động bố thí hình thành. Đây là sự bố thí đúng cách.
Bố thí theo đúng cách sẽ chế ngự được tham – sân – si quá độ. Cá nhân không nên nuông chiều phiền não tham – sân – si. Nuông chiều phiền não tham – sân – si sẽ tạo sự cư xử sai trái qua thân – khẩu – ý. Hãm hại, giết chóc, hành hạ, bắt nguồn từ sân hận, sân hận cũng làm cho con người độc ác, hại người, giết người. Khi bố thí do tâm từ bi phát sinh nên loại trừ được sân hận. Trong khi bố thí với tâm từ bi phát sinh, người cho cảm thấy vui vẻ, thoả mãn khi thấy người khác có được vật họ mong ước làm phát sinh tâm hỷ muditā. Do muốn người nhận được an vui, hạnh phúc nên không còn ganh tị, không còn ganh tị nên không có ác ý, không ganh tị, không ác ý nên không hại người khác. Do có tâm từ bi thật sự đối với người khác nên không có ý tưởng tiêu diệt người khác. Do đó bố thí đúng cách giúp cho sự tu giới được thuận lợi, dễ dàng. Bố thí đúng cách giúp loại bỏ được tham lam quá độ nên không có tâm chiếm đoạt, cá nhân thấy bằng lòng với những gì đang có nên không phạm tà hạnh, dối trá hay say sưa. Không say sưa, nên không si mê. Do đó bố thí đúng cách giúp loại bỏ được tham – sân – si quá độ, giúp cho cá nhân giữ giới được dễ dàng. Bố thí đúng cách mở đường cho giới đạo, bố thí như vậy là loại bố thí mang phẩm chất cao.
Bố thí còn có nghĩa sự cho ra dātabba vatthu. Có 3 loại bố thí: bố thí bằng sự cho ra vật chất, gọi là tài thí Āmisa dāna; bố thí bằng sự không đem điều sợ hãi, gọi là vô úy thí Abhaya dāna; loại thứ 3 là bố thí bằng sự giảng pháp, chỉ dẫn thực hành giáo Pháp, giúp con người thăng tiến, gọi là pháp thí Dhamma dāna.
Vô úy thí abhaya dāna là bố thí những gì giúp cho người khác tránh được sự sợ hãi. Người ta thường có sự sợ hãi nơi chính quyền, trộm cướp, lửa, máu, kẻ thù, rắn độc, ma quỷ hay các chúng sinh vô hình. Cho người khác sự bảo vệ an toàn khỏi các sự nguy hiểm gọi là vô úy thí. Sân hận làm cho cá nhân hãm hại, giết chóc và hành hạ người khác. Nếu biết kiềm chế tâm sân sẽ không làm hại người khác. Do đó nếu cá nhân kiểm soát được tâm sân thì được xem bảo vệ người khác không bị chính cá nhân làm hại, và như vậy cá nhân thực hành vô úy thí. Con người thường sợ bị hãm hại, sợ nhất là bị dối gạt, ngoài ra còn sợ mất mát của cải, mất mát hạnh phúc, con người còn sợ bị tùy thuộc, bị hành hạ bởi các chất say. Do đó, nếu cá nhân tự giữ gìn được các điều không gây phương hại cho người khác thì đó là vô úy thí. Thế nên vô úy thí là điều nên làm. Giữa không sợ hãi và vật cho ra, phước của vô úy thí vượt trội hơi nhiều lần tài thí, do vậy cá nhân nên đặt ưu tiên cho vô úy thí hơn tài thí. Thời nay, giúp tạo nên một chính quyền tốt đẹp cũng là vô úy thí, bảo vệ người khác khỏi trộm cướp cũng là vô úy thí, giúp phòng cháy chữa cháy cũng là vô úy thí, giúp phòng lụt chống lụt cũng là vô úy thí, bảo vệ cho người khác không bị kẻ thù hay thú dữ làm hại cũng là vô úy thí.
Loại bố thí thứ ba là pháp thí. Pháp thí dhamma dāna được dịch bằng nhiều nghĩa, trong chữ dhamma – pháp có ý nghĩa ẩn, đó là ý nghĩa nếu cá nhân làm theo chính xác sự hướng dẫn tu tập giáo Pháp thì giáo Pháp có thể giúp đỡ, bảo vệ và làm cho cá nhân thăng tiến. Do đó, Pháp còn có nghĩa là phương pháp làm cho con người thăng tiến nếu tu tập theo đúng giáo Pháp. Nếu tu tập sẽ giúp cá nhân có sự cư xử qua thân – khẩu – ý được thanh tịnh và trong sạch. Như vậy, bố thí cho người biết cách giữ gìn thân – khẩu – ý là pháp thí. Hướng dẫn giúp người khác loại bỏ các ô nhiễm ở tâm cũng là pháp thí. Tu tập thiền Tứ niệm xứ đem lại 7 điều lợi lạc, trong đó có lợi lạc làm trong sạch tâm. Muốn cho người khác hưởng được 7 lợi lạc của thiền Tứ niệm xứ, cá nhân chỉ dẫn cho người khác phương pháp hành thiền, để giúp họ hành được 7 điều lợi lạc cũng là pháp thí. Và ở thiền viện này, những ai giúp đỡ việc ăn ở cho các hành giả trong khóa thiền, cũng là thực hành pháp thí, giúp cho người khác thoát khỏi sự sợ hãi, kẻ thù hay thoát ra được tình trạng nguy khốn là vô úy thí. Vô úy thì có liên hệ đến giới. Có 2 loại kẻ thù, kẻ thù bên ngoài và kẻ thù bên trong, kẻ thù bên ngoài là người thù puggala-vera, và kẻ thù bên trong là phiền não kilesavera, kẻ thù bên trong đáng sợ hơn kẻ thù bên ngoài. Phiền não là kẻ thù, kẻ nội thù của chính con người là phiền não, là các bất thiện tâm. 100% đau khổ phát sanh do phiền não, nếu cá nhân muốn hạnh phúc, không muốn bị đau khổ cần phải chiến thắng phiền não. Muốn thắng phiền não phải biết độc ác với phiền não, không dung tha phiền não.
Ngày mai Sư Cả giảng tiếp sự quan trọng của pháp thí, và làm thế nào chế ngự được kẻ thù bên trong.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007