Luân Hồi và Giải Thoát 2

Bài Giảng Sư Toại Khanh Houston 2020

Chiều nay mình học về Luân hồi và Giải thoát. Luân hồi có vi mô và vĩ mô. Luân hồi vi mô là buồn, vui, thiện, ác, sướng, khổ trong từng phút. Luân hồi vĩ mô là sự sanh tử, lăn trôi từ đời này sang kiếp khác, từ thân phận sang thân phận khác. Luân hồi đó từ cõi thấp đến cõi cao là do có so sánh mà ra. Cao là sao? cao là so với đứa thấp, thấp là so với đứa cao. Cho nên mình nghĩ mình mang thân người có trí tuệ, biết Phật pháp như vậy mình nghĩ mình là hay, có cái còn hay hơn mình nữa, chẳng hạn như Chư Thiên. Nếu tính trung bình Chư Thiên có trí tuệ hơn mình nữa bởi họ không bị chi phối, hạn chế của sinh lý. Khi mình mang cái thân người thì ngồi lâu nó mỏi, ngồi lâu khát nước, uống nước vô lát nó phải đi toilet, mấy cái đó nó làm mình bị chi phối rất là nặng. Trong khi Chư Thiên, tiếng (Pali), từ ngữ căn là (Pali) là vui chơi, enjoy. Mà chữ Chư Thiên còn một cái từ nữa là (Pali) là không có nháy mắt, Chư Thiên họ không có nháy mắt là vì sao? Bởi họ không có một cái căn thẳng nào hết cả thể xác lẫn tinh thần. Mình có nháy mắt bởi mình thiếu cái sự định tâm. Khả năng tập trung càng ít thì nháy mắt càng nhiều. Các vị có biết cái đó không? Có cái thằng đó nó thương con nhỏ đó mà mỗi lần nó gặp nó không có nháy mắt luôn, rồi có bà đó bả nói dốc mà không có nháy mắt luôn, tức là cái gì mình chìm sâu vô trong đó là mình không có nháy mắt. Mà Chư Thiên thì họ không có stress, họ không có bị depress như mình, chính vì cái điều kiện tâm sinh lý đó nên họ mới có điều kiện khiến cho họ làm việc tốt hơn mình nhiều lắm. Cho nên đừng nghĩ con người mình là ngon. Chưa kể mình bỏ công ra mình học cho nhiều, tới hồi nó giỏi đủ để làm thầy, nó lăn ra chết ngắt. Trong Đạo mình, mới tu là Sadi, lên Đại Đức, rồi Tân Thọ, Trung Thọ, lên Thượng Tọa, lên Hòa Thượng, leo lên bàn thờ luôn. Như mình thấy hòa thượng Tâm Châu, hòa thượng Hộ Giác, hòa thượng Khánh Anh, Minh Tâm, hòa thượng Phước Huệ, Mãn Giác…biết bao nhiêu hòa thượng, cứ lên cao cao, có kiến thức, kinh nghiệm Đạo, kinh nghiệm đời, “bùm” lên bàn thờ. Tức là chưa kịp làm cái gì hết, chuẩn bị xong là đi. Như Ôn Nhất Hạnh, lúc Hòa Thượng muốn làm việc thì Hòa Thượng không có điều kiện, khi mà Hòa Thượng có đủ điều kiện để làm việc thì thôi xong, “hết phim”. Nghĩ cái đó mà chán, nản lắm. Cho nên cái luân hồi ở đây là gồm có cõi thấp cõi cao. Thấp là so với cái cao, cao là so với cõi thấp.

Giải thoát gồm có hai. Giải thoát khỏi nhân xấu và giải thoát khỏi quả xấu. Người không có tu hành thì chỉ sợ quả xấu không có sợ nhân xấu. Quả xấu là cái gì làm cho mình không thích. Còn nhân xấu là tham, sân, si, bất thiện. Mình thì không muốn thoát nhân xấu, chỉ muốn thoát quả xấu thôi.

Không muốn nghèo, không muốn bệnh, không muốn tai tiếng, tật nguyền, đau đớn nhưng mình tạo toàn mấy cái nhân để bị cái đó không à. (Hiểu không? Cái không hiểu là cũng đang tạo nhân khổ đó. Mà giảng cho cái đám chậm hiểu là cũng đang tạo nhân xấu đó, mệt quá, cho trả nghiệp!)

Trong nhóm giải thoát gồm có chánh giải thoát và tà giải thoát. Tà giải thoát chỉ là giải thoát tạm thời, giải thoát để rồi tiếp tục quẩn quanh, ra khỏi cái chuồng này, chung vô cái chuồng khác. Chuyện có thiệt bên Brazil, anh chàng đó bị án chung thân, ảnh mới dùng cái muỗng ăn cơm âm thầm khoét lỗ vượt ngục. Khi mà ảnh đào xong cái lỗ rồi thì cái lỗ ảnh chui ra là ngay phòng họp của cảnh sát. Tính lộn đó. Ảnh đào sao mà ra ngay chốc chỗ cảnh sát. Bữa đó ảnh đẩy miếng tường ra, nguyên đám cảnh sát đang ngồi họp. Êm, quá êm! Ảnh đâu cần phải mất công trở vô bởi người ta dìu ảnh vô mà. “Đi xa có cặp đèn cầy. Con về thăm má chuyến này nữa thôi”. Ở Mỹ có nhiều tai nạn nghề nghiệp mắc cười lắm. Như có anh chàng đó ảnh vô cây xăng (…) ảnh móc cây súng ra dí vô đầu bà chủ bắt bả phải đưa ra hộp tiền của bả. Trước khi ảnh dí là ảnh mua đồ. Ảnh đâu có tiền lẻ, đưa bả tờ 50, giả bộ vừa mua vừa quan sát tình hình, coi có camera hay không,… bả mới lấy tờ 50 là ảnh dí súng, giật cái hộp ảnh đi. Ảnh mở ra trong đó có 20 đồng bạc à, mất 30. Còn anh nữa, lúc vô cướp cây xăng, ngó tơi ngó lui thấy không có ai hết, không có camera, ảnh thấy được rồi, ảnh móc cái bao nilon chùm lên đầu mà quên khoét lỗ, nên bị 911 hốt. Coi như nhiều cái tai nạn mà mình lạy luôn. Thì đó gọi là tà giải thoát, tưởng là yên mà cứ “Ma đưa lối quỷ đưa đường. Cứ tìm những chỗ đoạn trường mà đi” là như vậy đó. Chụp cái bao lên mà quên khoét lỗ, mà quý vị không có tin, chuyện đó có thiệt. Nhiều cái tai nạn kỳ quái lắm. Tại báo viết tắt, tôi nghi ngờ tại ảnh lấy lộn bao, ảnh đã khoét cái bao A mà ảnh đi lận túi cái bao B. Các vị có biết tôi từng đội bao rác không, trường hợp mưa mà không có áo mưa, cái bao rác tôi khoét lỗ rồi mặc vô. Sẵn tôi nói đây cho nhiều người lấy làm kinh nghiệm, tôi gọi là “áo mưa hành giả” cho đỡ tốn tiền, nhưng mà cái bao đó nhớ không có đựng rác được nghen.

Tà giải thoát nghĩa là sao? Thoát được cái này lại chung vô cái kia. Thoát buồng giam lại chung vô phòng cảnh sát. Hoặc là ly dị bà này mà lấy luôn bà kia. Người ta nói “Lấy vợ là can đảm. Ly dị là khôn ngoan. Tái hôn là liều mạng”. Tức là nó quay lại cái lối cũ nữa. Mà giải thoát là gì, giải thoát là đã ly dị rồi không quay đầu. Không có gì dại dột cho bằng tái hôn. Tức là “hôn miếng thịt tái”.

Hai chữ Luân hồi và Giải thoát hiểu cho tới nơi tới chốn thì nó không có đơn giản đâu. Và hiểu được hai chữ đó, khi bắt chân ngồi thiền thì coi mình đang luân hồi hay giải thoát. Và luân hồi kiểu nào và giải thoát kiểu nào. Ngày xưa ở ngoài đời, mình chưa biết Đạo, mình chỉ đam mê tiền bạc, danh vọng thôi. Bây giờ biết Phật pháp rồi, mình buông hết, mình đi vào ngồi thiền định thì coi chừng mình bị giam vô một cái nhà tù khác. Và cho dù nhà tù mới có êm ái hơn nhà tù cũ thì nó vẫn là nhà tù. Cho dù cái dây xích xiềng chân mình bằng vàng thì nó vẫn là dây xích. Cho dù người canh cửa cho mình là một hoa hậu thì vẫn là giám ngục. Có một câu chuyện mà tôi rất tâm đắc đó là có một ông người Nhật bị mù, không biết ai vu oan ổng mà ổng vô tù. Lúc mà ổng ra tù, bạn bè tới thăm và an ủi ổng, thì ổng nói thế này “Mù mà! Tôi coi chuyện ở tu hay không ở tù thì cũng vậy thôi. Tôi đâu biết trời cao, đất rộng là gì, lúc nào cũng mò mò thôi. Nhưng mà thế này, đối với tôi tù hay không phải tù nó nằm ở chỗ khóa trong hay khóa ngoài và đứa nào giữ chìa”. Cái câu này rất hay, chắc phải xăm lên người chữ này “Tù hay không tù nó nằm ở chỗ khóa trong hay khóa ngoài và đứa nào giữ chìa”. Đứa ngoài giữ chìa thì đứa trong đây đang bị tù. Còn nếu mình ở trong mình giữ chìa thì mình không bị tù. Cho nên, mình đang bị giam nhốt trong cái hình hài đau khổ này, mình bị giam nhốt trong một môi trường sống không ra gì nếu mà ta có chánh niệm và trí tuệ là ta đang giữ chìa khóa đó. Còn nếu mà ta để cho chuyện đời, cái buồn vui của mình mà để cho đứa khác nắm là thấy mụ nội luôn. Một ngày mà không nghe tiếng gọi phone là chịu không nổi. Một tuần mà không thấy mặt là chịu không nổi. Lúc đó nó đang giữ chìa khóa.

Cho nên từ chữ “tù” qua chữ “tu” chỉ cách nhau một dấu ‘huyền’ thôi. Từ “Chúa” qua “Chùa” chỉ cách nhau một dấu ‘sắc’ thôi. Do mình, vì vấn đề là anh giữ chìa khóa hay ai giữ chìa khóa. Có bao giờ quý vị tự giam mình trong một căn phòng suốt mười hai giờ đồng hồ không? Tôi nè, có lúc tôi không muốn ra ngoài, mà nếu cái phong tôi có toilet thì đừng hòng thấy mặt trẫm. Có nhiều khi tôi không có đói bụng, trong phòng chỉ còn một gói chip hoặc snack gì đó là tôi không có cần ra. Có lúc hai, ba ngày tôi không có đói. Về lớn tuổi tôi phải xét lại kiểu sống đó vì có lúc đường xuống mình không biết. Mà đường xuống là “lên đường”. Những lúc đó tôi bị nhốt đó chứ, mà trẫm giữ chìa khóa, đâu có ở tù. Nhưng nếu mà cũng căn phòng đó, khóa rồi mà tên khác nó giữ chìa, mà nhất là nó cầm súng đứng ở ngoài, thì đó là ở tù. Đời sống quý vị là tù hay không tù là tùy thuộc vào kiểu sống của quý vị có làm chủ được mình hay không, và ai đang giữ chìa khóa.

Cho nên, chiều nay khi nói về Luân hồi và Giải thoát, chúng ta bắt buộc phải quay lại với định nghĩa quan trọng của đạo Phật đó là “Anh có làm chủ được sáu căn của anh hay không?”. Làm chủ ở đây không có nghĩa là anh có được một đôi mắt đẹp. Không phải. Không phải anh có được lỗ tai thính. Không phải anh có được một lỗ mũi đẹp. Mà cái làm chủ ở đây có nghĩa là anh không bị sáu trần nó làm khổ anh thì đó được gọi là giải thoát. Làm chủ ở mức độ tương đối thì được gọi là giải thoát tạm thời. Còn ở mức độ tuyệt đối thì được gọi là giải thoát vĩnh viễn. Mà hễ cái gì tạm thời thì nó ngắn hạn. Và tiền nào của nấy, sức tu tới đâu thì mức giải thoát tới nấy. Bỏ ra 10.000 đồng thì mình mua cái đồng hồ khác, bỏ ra 20 đồng thì mình mua được cái đồng hồ khác, tiền nào của nấy, nhớ nha. Cho nên cái khả năng giải thoát của mình nó quyết định mức độ an lạc của mình. Và cái cấp độ giải thoát ấy nó tùy thuộc vào công phu mà mình hạ thủ, ra tay ra sức. Kiểu tu tà tà mà mong rằng chấm dứt phiền não, sanh tử thì không thể. Trong kinh quý vị coi thấy có nhiều vị gặp Phật mới có một câu rồi đắc, quý vị tưởng tu nó dễ, thật ra các vị gặp Phật mà đắc là họ đã tu mỏi mòn. Họ đã đỗ mồi hôi, xót con mắt, bao nhiêu trăm ngàn đại kiếp, nên bây giờ gặp Phật chỉ một câu thôi. Người Việt Nam mình có câu “Chiều hôm qua không xong, hôm nay xong sớm”. Có nghĩa là chiều hôm qua họ đã làm đến tối rồi. Họ làm đến mười giờ đêm họ mới đi ngủ, nên sáng hôm nay bảy giờ họ làm quèo quèo cái là xong. Mình thấy ổng làm quèo quèo xong mình khoái quá, mình cũng quất cho đến bảy giờ mình ra mình quèo quèo, mà mình quên hôm qua mình nghỉ lúc hai giờ trưa. Người ta là mười giờ đêm người ta mới rửa tay, còn mình hai giờ đêm là xong. Cho nên mình còn cù, còn nợ nhiều, tu kiểu tà tà. Còn người ta là mười giờ đêm người ta còn ở ngoài đồng, cái việc còn lại không bao nhiêu hết, nên sáng nay bảy giờ ra khều khều cái nó xong. Những vị mà gặp Phật nói một câu mà đắc là hồi xưa đã học, đã hành, đã này nọ, máu lệ biết là bao nhiêu. Trong kinh nói là tùy vào cách tu mà cách chứng khác nhau. Nói gọn lại mỗi người có một kiểu tu chứng khác nhau là vậy đó. Có bốn cách tu: Tu khó đắc nhanh, tu khó đắc chậm, tu dễ đắc nhanh, tu dễ đắc chậm. Tu dễ đắc nhanh thí dụ như không có cần phải rừng sâu, núi thẳm, kiêng khem, khổ hạnh, bần tăng, khổ sãi, không cần. Tự nhiên vợ con đùm đề, hưởng thụ vinh hoa phú quý, tự nhiên gặp Phật, Phật nói một câu là “bùm”, xong. Còn có nhiều vị gặp Phật thích quá, họ xin xuất gia, mà nhiều vị hay lắm, không cần cực khổ, chỉ nói “Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia”. Phật chỉ đưa tay ra “Tới đây, tu đi” là “bùm”, y áo có sẵn luôn. Tại kiếp trước họ từng cúng dường y áo đó (Có nhiều vị kiếp trước cúng dường giày dép, nó ra giày dép luôn. Cúng phải lựa chứ, để mốt nó ra không đủ bộ, kỳ dữ lắm! Cái này nói đùa cho đừng buồn ngủ). Tùy kiểu tu của mỗi người mà mai mốt kiểu đắc nó ra sao. Có vị phải rừng sâu, núi thẳm, bị này bị kia, độc xà, mãnh thú, lam sơn, chướng khí tùm lum hết, đói, lạnh triền miên, bệnh hoạn, cuối cùng đắc. Có vị chỉ gặp Phật, Phật nói một câu là đắc.

Lục thông tam minh. Mới vừa xuất gia mà có khả năng đi mây về gió. Không có gì sung sướng bằng một người không còn phiền não. Không có gì để ghét, để thích, để sợ đã là súng sướng rồi, còn thêm nữa trong kinh nói một vị mà họ đã đắc tới tứ thiền, A La Hán là họ đã không còn thương, ghét, thích, sợ. Đã vậy mà họ còn đắc tứ thiền sắc giới trở lên, cái cơ thể họ không bị tác động vật lý nữa. Không còn bị tác động bởi lực hút trái đất

Họ không còn bị cái vụ nhiệt độ -45, -48, không vấn đề với họ vì họ có thể đi sang một vũ trụ khác, một tinh hà khác, một thiên thể khác mà. Khiếp như vậy. Cho nên đã đắc A La Hán là không còn thương, thích, ghét, sợ, cho đến tứ thiền là cái thân họ miễn nhiễm với mọi tác động vật lý. Còn cái gì sung sướng cho bằng. Và tôi từng ở Thụy Sĩ tôi biết có những nơi chốn mà tôi thèm có mặt trên đó, mà bằng cách nào lên đây? Nó có những đỉnh núi tuyết cao mà nó có cái vòm lõm vô, chung quanh tuyết trắng. Mà mình ngồi trên đó thì ngàn kiếp không có đứa nào mò lên tới mình hết. Sáng ôm bát đi xuống phố, tối vèo lên đó ngồi là êm ru. Mà ở dưới là hồ xanh ngắt, vách đá ngàn trượng mà nó có cái lõm, mùa xuân xanh lè, lan cỏ mọc xanh mướt, tím tím hồng hồng, còn mùa đông tuyết trắng chung quanh, cái hang nằm bên trong cách mặt nước cả hai ngàn mét, xanh vút. Chỉ có mấy vị thần thông chứng A La Hán, chỗ đó mấy vị nhập định đã đời ông địa luôn. Các vị sướng lắm, buổi sáng gặp Phật, chiều về tự tại vô ngại như vậy. Ngày nay quý ví về Tích Lan, tới cái chỗ ngài (…) mới hết hồn. Chỗ đó nếu mà tay mơ lên chỗ đó không nổi. Bây giờ chính phủ mở đường cho lên, chứ hồi xưa chỉ có thần thông mới tới được, chỗ đó lộng lẫy lắm. Tôi mê nhiều cái lạ lắm. Tôi đi máy bay tôi nhìn cái thảm mây ở dưới lườn máy bay quý vị biết không? Tôi mơ được nằm trên đó tôi chơi lắm! Có điều là mình làm không được mà trong nước họ làm được, bởi vì theo mấy ông Cách Mạng ổng kể ngày xưa, lúc đánh Mỹ các chiến sỹ không quân của ta là lái … lên đó rồi tắt máy, núp trong mây đứng chờ giặc tới, du kích. Chỉ có các chiến sỹ không quân của ta và mấy vị thần thông làm được chuyện đó thôi. Vô mây, tắt máy, nằm chờ giặc tới. Đại khái là tôi nhìn mây tôi mê được nằm trong đó, hoặc là đỉnh núi tuyết làm sao mà có mặt trên đó, tại trên đó là yên tĩnh, thanh vắng và vô cùng trong lành, dứt khoát là không có ma nào mò tới. Nãy giờ tôi không nói chuyện vô ích đâu. Tại sao tôi nói chuyện đó? Ngay trong thế giới vật chất, anh sẽ được giải thoát nếu anh có các điều kiện. Có những nơi chốn trên thế giới này anh không thể đi bằng chân, đường thủy, đường bộ mà anh phải đi bằng đường hàng không. Các vị có biết rằng có nhiều cách để tham quan thăm viếng cái Grand Canyon, trong đó có một cách phải đi bằng trực thăng. Với phương tiện trực thăng quý vị có thể đến những mỏm đa, gờ đá mà không cách chi đi được bằng đường bộ hết, bởi vì giữa thung lũng sâu tự nhiên có một cái hòn núi nhỏ mọc giữa thung lũng đó, mình không thể nào trèo từ dưới lên được hết mà phải đi trực thăng tới. Ngay trong thế giới vật lý muốn chinh phục những vùng khó khăn chúng ta phải dùng đến những điều kiện vật lý. Như vậy muốn giải thoát chúng ta phải cần đến những điều kiện giải thoát. Những điều kiện giải thoát nó đến từ đâu? Nó đến từ một chuyện rất đơn giản là bỏ bớt gánh nặng. Anh muốn giải thoát anh phải bỏ bớt gánh nặng như rất là nhiều lần tôi nói “Muốn đi xa, muốn trèo cao thì hành lý phải đơn giản”. Thoát là gì, thoát là ra khỏi một nơi chốn, một tình trạng đúng không? Chuyện đầu tiên là anh phải gọn nhẹ. Leo cao, đi xa thì phải gọn nhẹ. Tôi nói hoài ở mấy cái chỗ bán đồ thể thao của Mỹ nó để là “Go light. Go small. Go fast” có nghĩa là hành lý càng nhỏ gọn thì đi càng nhanh. Câu đó rất là hay các vị biết không? Nếu mình biết học Đạo mình thấy cái câu đó mình khoái lắm. Hoặc là trên máy bay tôi thích cái câu “Life vest under your seat” có nghĩa là cái phao cứu hộ nó nằm ở dưới ghế của bạn. Câu đó trong đạo Phật rất là hay, có nghĩa là cái con đường thoát khổ của mình nằm ngay cái chỗ mình ngồi. Tôi đi Mỹ tôi gặp nhiều câu tôi để ý bằng cái não trạng của người tu. Tôi vô tiệm Marshall, vô toilet tôi thấy nó để câu “No… beyond this point” tức là ở đây không có chuyện mua bán, ở đây không được đem hàng hóa vào. Trong chùa, trong thiền viện phải để chữ đó “No… beyond this point”. Đến lúc ra cửa tôi vẫn tu nữa, ở cửa để chữ “Pull” và “Push”, tu không phải là “Pull” mà là “Push”, mình khổ là vì mình Pull mà không biết Push.

 

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng tại Houson Hoa Kỳ năm 2020. Nguồn Vietheravada
Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app