Videos 15. Đôi Lời Nhắn Nhủ | Thiền Sư U Jatila – Khóa Thiền Năm 2015

 

 

Đôi Lời Nhắn Nhủ

Hôm nay là ngày cuối cùng trong khóa thiền 14 ngày được tổ chức tại Thiền viện Phước Sơn. Các thiền sinh rồi sẽ trở về nhà và thiền sư có đôi lời nhắn nhủ với thiền sinh để thiền sinh có thể hành thiền tiến bộ tại nhà.

Thời nay chúng ta tổ chức những khóa thiền và cách thức này khác với cách thức xảy ra trong thời đức Phật. Vào thời xưa Tăng, Ni, Phật tử đến để hỏi đức Phật cách thức hành thiền làm sao để trở thành vị A La Hán và rồi các vị trở về tự tu và tùy theo Ba-la-mật của người nghe mà Đức Phật giảng ngắn gọn hay là chi tiết.

Thời đó không có pháp thoại cũng không có trình pháp, khi gặp khó khăn thì Tăng Ni đến gặp Đức Phật và nhờ giải thích, hướng dẫn. Ngày nay nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau đã tụ hội về đây và Thiền viện tổ chức khóa thiền, chăm lo cốc liêu, thức ăn rồi tìm người thông dịch, v.v… Khi hết khóa thiền, thiền sinh nghĩ là mình đã chấm dứt cho nên không có hành thiền nữa như vậy thiền sinh sẽ không tiếp tục hành thiền một cách liên tục cho đến khi đạt thánh quả như thời của đức Phật.Nếu chúng ta biết cách hành thiền thì chúng ta cần phải tiếp tục hành thiền ở nơi nào thích hợp, mục đích của việc hành thiền là rèn luyện cái tâm này bởi vì tâm thường thích thú tìm vui trong cảnh đẹp, âm thanh, mùi, vị nếm, sự xúc chạm, suy nghĩ, v.v… cho nên một khi tâm không được dạy dỗ thì tâm sẽ không trong sạch, tâm sẽ không đẹp đẽ được.

Khi một tỳ khưu vào rừng hành thiền vị này sẽ gặp rất nhiều khó khăn cho nên các vị này cần có một loại quyết tâm dũng mãnh rằng mình sẽ không bỏ cuộc nếu chưa đạt được mục tiêu. Như vậy đã biết cách hành thiền rồi thì thiền sinh cần hạ quyết tâm phải hành thiền và thiền liên tục đến khi thấy được giáo pháp.

Nơi đây thiền sinh đã được nghe hướng dẫn hành thiền trong suốt 14 ngày và trong khi hành thiền thì thiền sinh có thể thấy được nhiều tâm sinh khởi như là sự hoài nghi, tâm lười biếng, tâm tinh tấn, v.v… thiền sinh cũng thấy được nhiều sự sinh khởi nơi thân mình như là sự đau nhức, ngứa, mệt, nóng, v.v… vậy nếu chúng ta lo sợ khi quan sát đề mục sinh khởi, nếu chúng ta cứ thắc mắc tại sao thì ta không thể nào quan sát được đề mục đó vào lúc nó phát sinh được. Khi lo sợ thắc mắc người lại đi hỏi và khi có được câu trả lời thì lại không tin hay là không làm theo, người như vậy sẽ bị kẹt và không tiến bộ trong pháp hành.

Khi thiền sinh hiểu rõ cách thức hành thiền thì người này có thể hành thiền ở mọi nơi, ở Phước Sơn, ở Thiền viện, ở nhà, ở Việt Nam hay ở Miến Điện. Ở Miến Điện trong trường thiền chúng ta không cần lo thức ăn cho nên mình có nhiều thời gian tu tập hơn, ở nhà chúng ta có thể bị chi phối bởi việc nấu ăn, dọn dẹp, v.v…

Thực ra khi biết cách hành thiền rồi thì thiền sinh có thể hành thiền ở mọi nơi, thiền sinh có thể hành thiền khi ngồi thiền, khi đi kinh hành và trong những hoạt động khác như là nấu ăn, dọn dẹp, v.v… Dù chúng ta đến Miến Điện nhưng nếu không làm theo hướng dẫn nếu dễ duôi, nếu cứ nói chuyện thì cho dù có pháp thoại, cho dù có trình pháp thì chúng ta cũng khó lòng tiến bộ. Như vậy cái căn bản là chúng ta biết cách thức hành thiền và làm theo đó để có được tiến bộ.

Đức Phật giảng bài kinh Pali (3:42) chỉ cách chọn nơi thiền và chọn thiền sư vào lúc Ngài ở Pali(3:49) và các chư Tăng Ni rất là chăm chú lắng nghe bài kinh này.  Đức Phật nói rằng khi đi đến một nơi yên tĩnh và khi cố gắng hành thiền nhưng mình không có tiến bộ, khi cố gắng hành thiền nhưng định không phát triển, chánh niệm không đủ, ô nhiễm không suy giảm, khi đến một nơi mà chỗ ở không thích hợp và thức ăn không thích hợp thì người này nên rời khỏi chỗ này.

Và nếu chúng ta đến một nơi để hành thiền mà tại đó sự định tâm không phát triển, chánh niệm không phát triển, ô nhiễm không suy giảm nhưng mà thức ăn nơi đó tốt, cốc liêu nơi đó tốt đẹp và mọi thứ rất tiện nghi thì thiền sinh nên quán tưởng rằng ta đến đây không phải vì an hưởng, nơi chốn hay là thức ăn cho nên dù điều kiện tốt nhưng vì chúng ta không có tiến bộ trong việc hành thiền cho nên mình phải rời khỏi nơi này.

Nếu chúng ta đến một nơi để hành thiền mà việc thiền tập của chúng ta có tiến bộ, chúng ta hành thiền định phát triển, chánh niệm phát triển và ô nhiễm suy giảm tuy nhiên thức ăn nghèo nàn, cốc liêu cũ kỹ và nơi chốn không tiện nghi thì chúng ta hãy cam nhẫn ở lại để tiếp tục hành thiền.

Nếu chúng ta đến một nơi mà ở nơi đó chúng ta tiến bộ trong việc hành thiền, định tâm phát triển, chánh niệm phát triển, ô nhiễm càng ngày càng suy yếu và nơi đó chúng ta có cốc liêu tốt, thức ăn tốt và mọi thứ tiện nghi thì Đức Phật dạy rằng tỳ khưu hãy ở lại đây để hành thiền đến trọn đời.

Và nói về vị thầy nếu như chúng ta đến với vị thầy đó mà việc thiền tập mình không có tiến bộ dù những điều kiện khác là tương đối tốt thì chúng ta phải rời nơi này. Nếu chúng ta hành thiền với vị thầy đó mà có tiến bộ thì các điều khác cho dù không tốt chúng ta cũng phải ở lại và vào lúc đó cho dù thầy giận dữ, đuổi mình đi thì mình cũng không có nên đi mà phải ở lại với vị thầy này.

Như vậy chúng ta cần hiểu là chúng ta hành thiền với mục đích phát triển chánh niệm, loại trừ ô nhiễm trong tâm và kinh nghiệm Niết bàn. Vậy chúng ta phải xem lại xem là chánh niệm của mình có phát triển hay không, ô nhiễm trong tâm có giảm hay không, mình có loại trừ được những ô nhiễm nào trong tâm hay không, nếu như kết quả tu tập khả quan thì chúng ta nên ở lại nơi đó. Khi không hiểu được mục đích của việc hành thiền thì thiền sinh sẽ cứ việc đi nơi này đến nơi khác cho nên là không có yên ổn tu tập được.

Có lần, một thiền sinh đến thiền ở thiền viện của Ngài trong 4 tháng và người này có được tiến bộ trong việc hành thiền nhưng muốn bỏ đi, thì Ngài hỏi vì sao, người này trả lời rằng mình muốn ở với nhiều Tăng Ni, sư nói rằng đây không phải là mục đích của việc tu tập, chúng ta cần sống độc cư ngay cả sống trong nghĩa địa để tu khi cần. Và sư kể rằng một ngày nọ khi chư Tăng may y và nói chuyện rất ồn ào thì Đức Phật bảo đại đức Ananda hãy ra nhắc nhở chư Tăng không có nói chuyện như vậy. Như vậy nhu cầu tụ tập nói chuyện xã giao là không đúng đắn, chúng ta cần phải hiểu cho rõ mục đích của việc tu tập của mình và nếu mà ở nơi nào chúng ta có thể tu tập đạt kết quả tốt thì chúng ta phải ở lại nơi đó. Chúng ta có thể hành thiền ở mọi nơi nhưng chúng ta cần kiểm tra xem là việc thiền tập của mình có tiến bộ hay không và nếu mà nó có tiến bộ thì chúng ta cứ tiếp tục hành thiền cho đến khi mình đạt tới mục tiêu cuối cùng.

Hành thiền minh sát là cách thức duy nhất, là con đường duy nhất để thanh lọc tâm, để loại trừ tham, sân, để chấm dứt khổ thân, khổ tâm, chấm dứt khóc than phiền muộn để có chánh trí và để kinh nghiệm Niết bàn.

Thiền sư nói rằng khi chúng ta có chánh niệm mạnh mẽ thì dù bệnh mình cũng chẳng có buồn khóc gì cả, mình chấp nhận được và dù có người thân qua đời mình cũng chẳng có buồn gì cả. Khi chúng ta hành thiền với mục đích thanh lọc tâm thì buồn khổ, khổ thân, khổ tâm, v.v… nó sẽ bị loại diệt, nó không còn. Và khi chúng ta tiếp tục hành thiền thì ta có thể trở thành một bậc thánh nhân, một vị thánh Tu Đà Hoàn thì không còn thân kiến và hoài nghi, giới cấm thủ, còn một vị A Na Hàm thì tham ái nơi cõi dục giới này không còn, và không có sân, khi chúng đạt đến quả vị A La Hán thì tất cả ô nhiễm được loại trừ và tâm hoàn toàn trong sạch, chúng ta hoàn toàn chấm dứt khổ thân, khổ tâm, khóc than, phiền muộn, v.v… Do vậy đây là lợi ích của việc hành thiền cho nên chúng ta một lần nữa phải kiểm tra xem là việc hành thiền của mình có tiến bộ hay không ở nơi chốn mà mình đến và chúng ta cần phải nhắc nhở mình là đừng từ bỏ việc hành thiền cho đến khi đạt đến mục tiêu.

Là tỳ khưu, tỳ khưu ni, sa-di chúng ta không có gia đình, chúng ta cũng không phải đi kiếm tiền để sống, mặc chiếc y này, ở thiền viện này chúng ta phải liên tục hành thiền cả ngày bởi vì mục đích xuất gia của chúng ta là thấy được giáo pháp, người đời có thể hành thiền vài tiếng trong một ngày thôi nhưng Tăng, Ni thì khác.

Và sư kể câu chuyện rằng một lần nọ tại một Tăng viện, Phật tử đến cúng dường đức Phật và chư Tăng thức ăn và có một vị tỳ khưu mới xuất gia rất là vọng động, rất là ồn ào, ăn nhiều rồi xin thêm thức ăn, rồi nói chuyện xã giao, v.v… thì Đức Phật mới hỏi với đại đức Ananda chuyện gì xảy ra ở bên ngoài như vậy, tại sao quá ồn ào giống như là những người bán cá ngoài đó vậy thì Đại đức Ananda cho biết và Đức Phật bảo rằng hãy nói vị tỳ khưu này rời Thiền viện ngay bởi vì ta thành lập tăng đoàn, tà tạo điều kiện cho các chư tăng hành thiền chứ không phải để sống như vậy.

Rồi buổi chiều đức Phật lại suy nghĩ rằng vị này mới xuất gia nên không có biết cách xử sự, không biết cách sống cho nên mình nên giúp người này, thành ra buổi chiều khi vị tỳ khưu này về đức Phật đã giảng bài kinh đi bát. Ngài nói rằng là một tỳ khưu ngày ngày tỳ khưu đi bát nhận thức ăn của nhiều người, ở tuổi 20 sư có thể tự kiếm ăn nhưng vì sao chúng ta không làm lụng mà nhận thức ăn của người khác, xin ăn là sự sỉ nhục với con người nhưng bởi vì mục đích tu tập, bởi vì muốn thoát khỏi ô nhiễm cho nên chúng ta nhận thức ăn mà dành thời gian để tu tập.

Khi xuất gia chúng ta không còn hưởng hạnh phúc trần gian như người đời, khi xuất gia mà không hành thiền thì chúng ta không hưởng được loại hạnh phúc trong tu tập, như vậy người này sẽ mất cả hai là hạnh phúc trần gian và hạnh phúc trong giáo pháp.

Như vậy khi mà xuất gia rồi thì mà không ham tu tập thì chúng ta không hưởng được hai loại hạnh phúc đó là hạnh phúc trần gian lẫn hạnh phúc trong giáo pháp và câu hỏi là ai có thể loại trừ được tham sân và ác ý, câu trả lời là những ai hành thiền minh sát, những ai hành theo 4 niệm xứ người đó có thể loại trừ được tham ái, sân hận và ác ý. Như vậy là Tăng Ni mà không hành thiền thì cả ngày tham ái, sân hận, ác ý cứ sinh khởi hành hạ chúng ta và điều này là không thích hợp. Chúng ta xuất gia không vì miếng ăn, chúng ta xuất gia vì có đức tin, vì muốn được giải thoát, sau khi nghe bài giảng này thì vị tỳ khưu này trở thành vị A La Hán.

Như vậy đối với Tăng Ni thì chúng ta đừng có phí thời gian xem tivi, lên mạng nói chuyện qua phone hay đi chơi, mọi người kính trọng chúng ta và dâng cúng chúng ta cho nên chúng ta phải ráng tu tập.

Thiền sư đến Việt Nam và luôn luôn giảng pháp và nơi đây có rất nhiều vị tăng đến đây cho nên thiền sinh nghe được giáo pháp và hiểu biết được giáo pháp rõ ràng, bây giờ chúng ta chỉ cần hành theo giáo pháp mà thôi. Thiền sư nói rằng chúng ta nên hành thiền ít nhất là 5 giờ một ngày và mỗi ngày để ô nhiễm dần già bị loại trừ và tâm càng lúc càng trở nên thanh tịnh, nếu làm được như vậy thì cuộc đời xuất gia của chúng ta có ý nghĩa, có giá trị cho nên sự cúng dường của thí chủ đem đến cho họ rất nhiều phước báu. Thiền sư khuyến khích Tăng Ni và thiền sinh tiếp tục tu hành dù 14 ngày thiền đã chấm dứt và Ngài kết thúc bài pháp thoại hôm nay ở đây.

(Bản text do Trân Phan đánh máy)

BỘ VIDEOS KHÓA THIỀN VIPASSANA 2015 – THIỀN SƯ U JATILA

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app