Vấn Đáp Thiền Pa Auk 

Câu Hỏi 151 đến Câu Hỏi 160

Câu Hỏi 151: Một số người có được ‘nhãn căn đặc biệt,’ có thể thấy những chúng sinh trong thế giới ma quỷ. Thậm chí họ có thể thấy được rằng người sắp chết chỉ có hơi thở ra mà không có hơi thở vô. Có phải do những người ấy đã từng hành thiền trong tiền kiếp nên họ mới có được khả năng này?

Trả Lời Câu Hỏi 151: Chúng tôi gọi khả năng này là ‘kammajiddhi,’ thần thông do Nghiệp sanh. Nghiệp đó có thể là nghiệp hành thiền của họ trong những kiếp trước. Cũng có khả năng là họ từ một cõi chư thiên hay Phạm thiên nào đó tái sanh trong cõi người, vì thế mà họ có thể thấy những gì mà người bình thường không thấy được.

Câu Hỏi 152: Mọi người hành thiền đều phải bắt đầu với thiền niệm hơi thở — ānāpānasati, chứ không có đề mục thiền nào khác sao? Liệu người hành thiền có thể tu tập định sâu và vững chắc bằng cách hành thiền tứ đại được không? Có bao nhiêu trường hợp thành công với thiền tứ đại rồi?

Trả Lời Câu Hỏi 152: Không phải mọi người hành thiền đều phải bắt đầu với niệm hơi thở. Người ta có thể bắt đầu với bất kỳ đề mục thiền nào trong bốn mươi đề mục đã đề cập trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Đức Phật dạy những đề tài thiền khác nhau là để thích hợp với những căn tánh khác nhau của người hành thiền. Chẳng hạn, Đức Phật dạy thiền niệm hơi thở để hợp với những người có căn tánh không yên (hay phóng tâm). Thiền tứ đại để hợp với những người có trí tuệ nhạy bén. Thiền tâm từ để hợp với những người có tính nóng giận. Thiền Bất tịnh (Asubha) để phù hợp với những người có nhiều tham dục. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chúng tôi, hầu hết các hành giả đều thành công nhờ bắt đầu với niệm hơi thở hoặc thiền tứ đại, bởi vì họ đã hành một trong hai thiền này hoặc đã hành cả hai trong những kiếp trước của họ vậy.

Không có gì hoài nghi, người ta có thể tu tập định sâu và vững chắc bằng thiền tứ đại. Đó là một đề tài thiền chỉ (định) do chính Đức Phật dạy. Nếu quý vị có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Phật, quý vị cũng nên có đức tin như vậy đối với thiền tứ đại này. Để hành thiền tứ đại, trước hết hành giả phân biệt mười hai đặc tính của tứ đại tuần tự từng đặc tính một trong thân hành giả. Mười hai đặc tính đó là: cứng, thô, nặng, mềm, mịn, nhẹ, chảy, kết dính, nóng, lạnh, hỗ trợ và đẩy, hành giả nên chia chúng thành bốn nhóm, đó là tứ đại. Tiếp tục tập trung trên tứ đại trong thân theo thường lệ và phát triển định. Khi định cải thiện, thân hành giả sẽ trở thành màu trằng. Hành giả phải tập trung trên tứ đại trong thân màu trắng ấy. Khi định cải thiện thêm nữa, thân màu trắng chuyển sang trong suốt giống như một khối nước đá hay thuỷ tinh. Hành giả phải tập trung trên thân trong suốt ấy. Khi định của hành giả trở nên sâu và vững chắc, ánh sáng chói lọi sẽ phát ra từ thân trong suốt đó.

Khi ánh sáng chói lọi kéo dài khoảng nửa giờ, hành giả có thể hướng sự chú ý đến ba mươi hai thân phần của mình. Với sự trợ giúp của định sâu và vững chắc của thiền tứ đại này, hành giả có thể sẽ phân biệt được ba mươi hai thành phần trong thân hành giả và trong thân của các chúng sinh ở thế gian bên ngoài. Kế đến hành giả có thể hành các kasina màu bằng cách tập trung trên các màu khác nhau của ba mươi hai thân phần. Hành gỉa có thể tu tập định lên đến tứ thiền với các kasina, và lên tới phi tưởng phi phi tưởng xứ (thiền vô sắc thứ tư) theo tuần tự sau khi đã loại bỏ kasina màu. Tất nhiên hành giả cũng có thể thành công trong các đề mục thiền chỉ khác một cách dễ dàng nữa. Sau đó hành giả có thể tiến hành tu tập thiền Minh Sát (Vipassana) và đạt đến các cấp độ khác nhau của minh sát tuệ.

Cách khác là hành giả có thể đi vào phân biệt sắc một cách trực tiếp dưới sự trợ giúp của ánh sáng chói lọi của thiền tứ đại, đây là giai đoạn đầu của thiền Minh-sát (Vipassana). Do đó, bắt đầu với thiền tứ đại, người ta sẽ thành công trong cả hai loại thiền — tịnh chỉ và minh sát. Hiểu những lợi ích của thiền tứ đại theo cách này sẽ rất là hữu ích, đặc biệt đối với những người gặp khó khăn lớn trong thiền niệm hơi thở (ānāpānasati).

Có rất nhiều hành giả thành công bắt đầu với thiền tứ đại. Chúng tôi không thể nói đích xác cái nào là nhiều hơn, số trường hợp thành công trong thiền hơi thở hay số trường hợp thành công trong thiền tứ đại. Dẫu sao, vì lợi ích của hành giả, chúng tôi đề nghị hành giả nên có đức tin mãnh liệt trong mọi đề mục thiền đã được Đức Phật dạy và thực hành nó theo những hướng dẫn đúng đắn.

Câu Hỏi 153: Làm thế nào để một người biết được là họ đang tập trung trên hơi thở hay trên điểm xúc chạm? Đôi lúc người ta có thể lẫn lộn hai điểm này. Làm cách nào để ngăn sự lầm lẫn ấy?

Trả Lời Câu Hỏi 153: Điểm xúc chạm là da của hành giả. Nó đứng yên. Hơi thở là gió chạm vào da đó. Nó di chuyển vào trong hay ra ngoài và xuất hiện ở bên trên của điểm xúc chạm. Hành giả có thể phân biệt được chúng theo cách này.

Để hiểu rõ hơn, tôi sẽ cho hành giả một ví dụ. Giả sử có một khúc cây đặt trên đất và một người dùng cưa để cưa khúc cây ấy. Chỗ cắt của khúc cây do lưỡi cưa (cắt vào) cũng giống như điểm xúc chạm trên đầu mũi hay môi trên của hành giả. Nó đứng yên. Trong khi răng cưa di chuyển tới và lui cũng giống như hơi thở đi vào và đi ra. Răng cưa chạm vào khúc cây giống như hơi thở chạm vào đầu mũi hay môi trên của hành giả vậy. Cũng như người (cưa cây) nhìn vào răng cưa chỗ chúng chạm vào khúc cây chứ không chú ý đến răng cưa khi chúng đi tới đi lui như thế nào, hành giả cũng tập trung trên hơi thở chỗ chúng tiếp chạm những điểm đã nói ở trên chứ không theo chúng đi vào mũi hay đi ra ngoài như vậy. Hành giả nên phân biệt hơi thở và điểm xúc chạm theo cách này. Bất cứ khi nào hành giả bị lẫn lộn, hãy nhớ đến ngụ ý của ví dụ trên sẽ rõ.

Câu Hỏi 154: Thái độ mà người tại gia cư sĩ phải có đối với các vị sư hay tu nữ là gì?

Trả Lời Câu Hỏi 154: Người tại gia cư sĩ nên tỏ lòng cung kính đối với các vị sư hay tu nữ, lắng nghe họ giảng dạy Pháp (Dhamma), cung cấp cho họ bốn món vật dụng (tứ vật dụng— thực phẩm, y áo, thuốc trị bệnh và chỗ ở), và thực hành Pháp do họ dạy. ‘Thực hành Pháp (Dhamma)’ có nghĩa là người cư sĩ ít nhất cũng phải giữ ngũ giới và hành thiền chỉ (samatha), thiền Minh-sát (Vipassana).

Trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) có nói rằng một người tại gia cư sĩ nên chia tài sản của mình làm bốn phần: Một phần để dành phòng khi bất trắc. Dùng hai phần khác cho việc kinh doanh buôn bán, và phần còn lại cho việc chi tiêu hàng ngày. Từ phần cuối, người ấy sẽ trích ra một phần nhỏ để cúng dường tứ vật dụng đến quý sư hay tu nữ.

Câu Hỏi 155: Làm thế nào để hành giả  trở thành một người hành thiền tốt?

Trả Lời Câu Hỏi 155: Để trở thành một người hành thiền tốt, điều quan trọng nhất là phải ấn định một mục đích chính đáng cho việc hành thiền. Nếu mục đích của quý vị chân chánh, thái độ của quý vị đối với thiền cũng sẽ chân chánh. Nếu làm được như vậy, quý vị sẽ luôn luôn đi trên chánh đạo, không bị dẫn đi lạc đường. Mục đích chân chánh của thiền là gì? Ở nhiều nơi trong Kinh Điển khi cho một người xuất gia Đức Phật đã công bố rất rõ ràng điều này. Ngài nói: ‘Hãy đến, này Tỳ-kheo! Pháp (Dhamma) đã được khéo thuyết giảng. Hãy sống đời phạm hạnh vì (mục đích) đoạn tận khổ.’ Như vậy sự trừ diệt hoàn toàn của khổ là mục đích chân chánh của thiền. Để thành tựu mục đích này quý vị phải tiêu diệt hết mọi phiền não bởi vì phiền não là những nhân sanh ra khổ. Có mười loại phiền não, đó là tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, hôn trầm, trạo cử, vô tàm, vô quý. Quý vị phải nhớ đừng bao giờ quên rằng phận sự của quý vị là đoạn trừ tất cả những phiền não này. Tuy nhiên, trước khi thiền của quý vị tiến xa hơn, quý vị ít nhất cũng phải cố gắng ngăn chặn không để cho chúng áp đảo.

Để tiêu diệt mọi phiền não quý vị phải thực hành tam học — giới, định và tuệ, một cách chuyên cần. Tuy nhiên, trên bước đường hành thiền có nhiều cạm bẫy và những con đường sai lạc (tà đạo). Nếu không thận trọng quý vị có thể rơi vào bẫy của phiền não và bị dẫn đi sai đường chỉ vì một chút thành công nào đó trong thiền. Đó là lý do vì sao Đức Phật đã thuyết giảng bài Kinh Cūḷasāropama. Ngài nói:

‘Ta là nạn nhân của sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não; Ta là nạn nhân của khổ, bị hành hạ bởi khổ. Chắc chắn có thể biết được chỗ chấm dứt của toàn bộ khối khổ này.’ Khi người ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy hoan hỷ, tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng ấy, và ý định của người ấy đã được thành tựu. Do điều này này vị ấy khen mình chê người (tự tán huỷ tha) như vầy: Ta được loại dưỡng, tôn kính và danh vọng, còn những Tỳ-kheo khác không ai biết đến, không đáng chú ý.’ Vì thế vị ấy không khởi lên ước muốn làm, không ra sức nỗ lực để chứng được những pháp khác cao hơn và thù thắng hơn lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng; vị ấy trở nên biếng nhác và thụ động. Ta nói rằng người này giống như một người cần lõi cây, đi đến một cây lớn, đứng thẳng có lõi cây, và bỏ qua lõi cây của nó, bỏ qua giác cây của nó, bỏ qua vỏ trong, bỏ qua vỏ ngoài của nó, chặt lấy cành lá đem đi nghĩ rằng đó là lõi cây; và những gì vị ấy phải làm với lõi cây, mục đích của vị ấy sẽ không được thành tựu.

Đây là loại người hành thiền thứ nhất được đề cập trong bài Kinh đó. Do thoả mãn và hãnh diện với lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng, người này rơi vào bẫy của phiền não và bị dẫn đi lạc đường. Do đó người này không thể đạt đến mục đích chơn chánh của thiền. Rồi Đức Phật giải thích tiếp loại người hành thiền thứ hai như vầy:

“Vị ấy có được lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng này hoan hỷ và tự mãn. Vị ấy không vì lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng này khen mình chê người. Vị ấy khởi lên ước muốn làm và ra sức tinh tấn để chứng đắc những pháp khác cao hơn và thù thắng hơn lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng; vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu giới đức. Vì thành tựu giới đức này vị ấy hoan hỷ, tự mãn. Vì thành tựu giới đức này vị ấy khen mình chê người: ‘Ta là người giới đức, thiện tánh, những vị Tỳ-kheo khác phá giới, ác tánh.’ Vì thế vị ấy không khởi lên ước muốn làm, không ra sức tinh tấn để chứng đắc các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn giới đức. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động.”

Đức Phật nói loại người hành thiền này giống như người lầm vỏ cây bên ngoài là lõi cây. Do tự mãn và hãnh diện với việc đắc giới của mình, vị ấy rơi vào bẫy của phiền não và bị dẫn đi lạc đường. Rồi Đức Phật giải thích tiếp loại người hành thiền thứ ba như sau:

“Vị ấy có được lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng. Vị ấy không hoan hỷ và tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng đó…Vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hoan hỷ với việc đắc giới ấy nhưng không tự mãn. Do không tự mãn, vị ấy không khen mình, chê người. Vị ấy khởi lên ước muốn làm và ra sức tinh tấn để chứng đắc các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn đắc giới; vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động. Vị ấy thành tựu thiền định. Do thành tựu thiền định này vị ấy hoan hỷ và tự mãn. Do hoan hỷ và tự mãn vị ấy khen mình, chê người: “Ta có thiền định, nhất tâm, các vị Tỳ-kheo khác không có thiền định, tâm bị phân tán.’ Vì thế vị ấy không khởi lên ước muốn làm, vị ấy không ra sức tinh tấn để chứng đắc các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn thiền định; vị ấy trở nên biếng nhác và thụ động.”

Đức Phật nói rằng loại người hành thiền này cũng giống như người lầm vỏ trong cho là lõi cây vậy. Do tự mãn và hãnh diện với việc chứng thiền, người này rơi vào bẫy của phiền não và bị dẫn đi lạc đường. Do đó người này không thể đạt đến mục đích chân chánh của thiền. Rồi Đức Phật giải thích loại người hành thiền thứ tư:

“Vị ấy có được lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng. Vị ấy không hoan hỷ và tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng đó…Vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hoan hỷ với việc đắc giới ấy nhưng không tự mãn…Vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy hoan hỷ với việc đắc thiền định, nhưng không tự mãn. Do không tự mãn, vị ấy không khen mình chê người. Vị ấy khởi lên ước muốn làm và vị ấy ra sức tinh tấn chứng đắn những pháp khác cao thượng hơn và thù thắng hơn thiền định; vị ấy không trở thành biếng nhác thụ động. Vị ấy thành tựu tri và kiến. Vị ấy do thành tựu tri kiến này, khen mình chê người: “Ta sống biết và thấy, các vị Tỳ-kheo khác sống không biết và không thấy.’ Vì thế vị ấy không khởi lên ước muốn là, vị ấy không ra sức tinh tấn để chứng đắc các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri và kiến; vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động.”

Đức Phật nói rằng loại người hành thiền này giống như người lầm lẫn giác cây cho là lõi cây. Do tự mãn và hãnh diện với sự thành tựu tri kiến của mình, người này rơi vào bẫy của phiền não và bị dẫn đi lạc đường. Do đó người này không thể đạt đến mục đích chân chánh của thiền. Chú giải giải thích rằng ‘tri và kiến’ ở đây muốn nói tới thiên nhãn, khả năng thấy những sắc vi tế không thể nhìn thấy đối với mắt thường. Rồi Đức Phật giải thích loại người hành thiền thứ năm như sau:

“Vị ấy có được lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng. Vị ấy không hoan hỷ và tự mãn với lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng đó…Vị ấy thành tựu giới đức. Vị ấy hoan hỷ với việc đắc giới ấy nhưng không tự mãn…Vị ấy thành tựu thiền định. Vị ấy hoan hỷ với việc đắc thiền định, nhưng không tự mãn…vị ấy thành tựu tri kiến. Vị ấy hoan hỷ với tri kiến đó, nhưng không tự mãn. Vị ấy không do tri kiến này khen mình chê người. Vị ấy khởi lên ước muốn làm và vị ấy ra sức tinh tấn để chứng đắc các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn tri kiến; vị ấy không trở thành biếng nhác và thụ động.”

Người hành thiền này không tự mãn và cũng không hãnh diện với những thành tựu đã đề cập ở trước. Người này không rơi vào bẫy của phiền não và tiếp tục bước đi trên chánh đạo. Người này tiếp tục thực hành thiền chỉ và thiền Minh-sát (Vipassana) một cách hệ thống. Cuối cùng người này đạt đến mục đích chân chánh của thiền. Vì thế Kinh nói: “Và do thấy với trí tuệ, các lậu hoặc của vị ấy được đoạn trừ.” Lậu hoặc ở đây đồng nghĩa với phiền não. Ý đoạn kinh này muốn nói rằng người hành thiền đã đoạn trừ mọi phiền não với A-la-hán Thánh Đạo Tuệ. Đức Phật mô tả loại người hành thiền này như vầy:

“Ta nói rằng người này giống như một người cần lõi cây, đi tìm lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, đến trước một cây lớn đứng thẳng có lõi cây; người này cắt lấy lõi cây của nó, mang đi biết rằng đó là lõi cây; và như vậy bất cứ điều gì người ấy phải làm với lõi cây, mục đích của người ấy sẽ được thành tựu.”

Rồi Đức Phật kết luận bài Pháp của mình như sau:

“Cũng vậy đời phạm hạnh này không phải vì lợi ích thành tựu lợi dưỡng, tôn kính và danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích thành tựu tri kiến. Mà chính tâm giải thoát bất động là mục đích của đời phạm hạnh, là lõi cây của phạm hạnh, là cứu cánh của phạm hạnh.”

Chú giải giải thích rằng “Tâm giải thoát bất động” là A-la-hán Thánh Quả, tức là quả của A-la-hán Thánh Đạo Tuệ. Như vậy, nếu quý vị thực lòng theo gương của loại người hành thiền thứ năm, một ngày nào đó quý vị cũng sẽ có thể đoạn trừ được mọi phiền não và có được tâm giải thoát bất động. Đây là cách để quý vị trở thành một hành giả tốt.

Câu Hỏi 156: ‘Jhāyati’ là gì? Người ta có cần ‘Jhāyati’ khi hành thiền không? Sayadaw có thể giải thích bằng những ví dụ được không?

Trả Lời Câu Hỏi 156: ‘Jhāyati’ là một động từ. Nó có hai nghĩa. Một là thiêu đốt phiền não. Nghĩa khác là thể nhập hay gắn tâm sâu vào đối tượng thiền (để thiêu đốt phiền não). Danh từ của nó là ‘Jhāna’ (thiền hay bậc thiền). Nếu người ta tập trung trên đối tượng của mình một cách sâu lắng, họ có thể đắc jhāna hay thiền. Có hai loại Jhāna : Jhāna hiệp thế và Jhāna siêu thế. Thiền hiệp thế còn được chia thành hai loại, đó là, thiền chỉ (samatha jhāna) và thiền minh sát (vipassanā jhāna). Đây là sự giải thích về thiền theo nghĩa rộng. Các thiền siêu thế loại trừ phiền não vĩnh viễn, trong khi các thiền hiệp thế chỉ loại trừ các phiền não một cách tạm thời. Cả hai cách loại trừ phiền não này đều được gọi là thiêu đốt phiền não. Do đó trong lúc hành thiền, hành giả cần áp dụng ‘Jhāyati’ để đạt đến ‘Jhāna.’ Tôi sẽ giải thích điểm này bằng những ví dụ.

Khi một người đang hành thiền chỉ và nhập vào sơ thiền (jhāna), năm thiền chi có mặt trong tâm hành của người ấy. Năm thiền chi này được gọi là samatha jhāna (thiền chỉ). Chúng loại trừ các phiền não trong một thời gian, có thể là một giờ, hai giờ, một ngày, hai ngày, v.v…Khi một người hành Minh-sát (Vipassana), quán các tâm hành là vô thường, khổ hay vô ngã, minh sát trí của người ấy thường được kèm theo bởi năm thiền chi. Năm thiền chi này được gọi là vipassanā jhāna (thiền minh sát). Chúng cũng loại trừ các phiền não trong một thời gian. Một điển hình cho trường hợp này là Trưởng-lão Mahānāga Mahāthera. Các jhāna samatha và vipassanā của vị ấy đã loại trử phiền não trong sáu mươi năm.

Khi Minh-sát (Vipassana) trí của một người trở nên thành thục, họ sẽ chứng đắc Niết-bàn (Nibbana) với Đạo Tuệ và Quả Tuệ. Nếu một người chứng Niết-bàn trong lúc quán các pháp dục giới hay các pháp sơ thiền là vô thường, khổ hay vô ngã, năm thiền chi có mặt trong các tâm hành thuộc Thánh Đạo của người ấy. Nhưng khi một người chứng Niết-bàn (Nibbana) trong lúc quán các pháp nhị thiền là vô thường, khổ hay vô ngã, Đạo Tuệ của người ấy đi kèm với ba thiền chi. Các thiền chi này thiêu đốt hoàn toàn một số phiền não không còn dư tàn.Nếu một người đắc A-la-hán thánh quả, các thiền chi đi kèm với A-la-hán Thánh Đaọ Tuệ thiêu đốt hoàn toàn những phiền não còn lại không dư tàn. Các thiền chi này là các thiền siêu thế.

Do đó sử dụng ‘jhāyati’ để gắn tâm sâu vào đối tượng thiền là cần thiết cho cả hai loại thiền — thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana). Tiếp tục thực hành theo cách này, đúng lúc, người theo cỗ xe thiền chỉ có thể đắc cả hai samatha jhāna và vipassanā jhāna; và người theo cỗ xe thuần quán sẽ đắc vipassanā jhāna. Rồi, khi ngũ quyền (tín, tân, niệm, định và tuệ) của họ đủ mạnh và quân bình họ có thể đật đến thiền siêu thế và trở thành các Bậc Thánh.

Câu Hỏi 157: Sự khác nhau giữa trạng thái tâm trong một bậc thiền (jhāna) và trạng thái tâm trong khi ngủ là gì?

Trả Lời Câu Hỏi 157: Khi một người đang ngủ say không mơ mộng tâm hữu phần (bhavaṅga – dòng tâm duy trì kiếp sống) khởi lên một cách liên tục. Đối với nhân loại các tâm hành trong sát-na tâm hữu phần là các tâm hành dục giới. Khi một người đang mơ, các tiến trình-tâm ý môn dục giới yếu khởi lên. Còn trong bậc thiền, các tâm hành sắc giới hay vô sắc giới khởi lên liên tục. Các tâm hành trong bậc thiền cao quý hơn các tâm hành dục giới rất nhiều.

Tâm thiền nhận thức đối tượng thiền một cách sâu lắng. Tâm hữu phần (bhavaṅga) nhận thức cùng một đối tượng như của tốc hành tâm cận tử (maraṇāsanna-javana), trong kiếp trước Tất nhiên nó nhận thức đối tượng không sâu như tâm thiền. Các tiến trình-tâm ý môn dục giới yếu trong những giấc mơ chỉ biết các đối tượng (dục trần) một cách lỏng lẻo, Đây là những sự khác nhau của chúng.

Câu Hỏi 158: Liệu một người có thể đắc A-la-hán nhờ hành thuần tuý Minh-sát (Vipassana) được không?

Trả Lời Câu Hỏi 158: Được, nếu người ấy theo đúng cách thực hành Đức Phật đã dạy. Loại A-la-hán này được gọi là Suddhavipassanā arahant (Khô quán A-la-hán,), tức là người đạt đến A-la-hán Thánh Quả do hành Minh-sát thuần tuý (không qua thiền định).

Câu Hỏi 160: Sayadaw nghĩ như thế nào về những người chết mà thân xác của họ không tan hoại? Có phải đó là mục đích hành thiền của chúng ta không?

Trả Lời Câu Hỏi 160: Đức Phật nói rằng ước nguyện của một người có thể thành tựu nhờ giới đức trong sạch của họ. Những người này có thể đã tu tập thanh tịnh giới trong kiếp này hoặc trong các kiếp trước. Dựa trên sự thanh tịnh về giới ấy, họ phát nguyện cho thân xác của họ không bị tan hoại sau khi chết. Khi nghiệp lực thiện này chín mùi, thân của họ giữ được nguyên vẹn không bị tan hoại sau khi chết rất lâu.

Có một trường hợp ở Miến-điện. Người ta tìm thấy xác của một phụ nữ còn nguyên vẹn, không có dấu vết của sự mục nát, rất lâu sau khi cô ta chết. Tuy nhiên cô không phải là một Phật tử thực thụ cũng không giữ giới khi còn sống. Trong trường hợp này, thân của cô ta không hư hoại có thể là do giới trong sạch và ước nguyện của cô ta trong kiếp trước.

Tuy nhiên, cuối cùng thì thân xác của họ cũng sẽ bị huỷ diệt, bởi vì tất cả các hành, gồm luôn sắc, đều vô thường. Dù sao chăng nữa, đây không phải là mục đích hành thiền của chúng ta.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app