VẤN ĐÁP THIỀN PA AUK

CÂU HỎI 120 ĐẾN CÂU HỎI 130

– Câu Hỏi 120 (Ariyadhamma Mahathera): Chúng ta khắc phục năm triền cái như thế nào?

Trả Lời Câu Hỏi 120: Trong lúc hành thiền, chúng ta phải luôn giữ chánh niệm, tập trung trên đề mục thiền của chúng ta. Như vậy chúng ta sẽ dần dần vượt qua được năm triền cái. Chẳng hạn như khi chúng ta hành niệm hơi thở (ānāpānasati), nếu chúng ta giữ cho niệm của chúng ta tập trung trên hơi thở, sức tập trung của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ. Khi năm thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc và định) xuất hiện, lúc đó chúng ta có thể khắc phục được năm triền cái. Trong các bản kinh, Đức Phật cũng đề cập đến những phương pháp khác để vượt qua năm triền cái. Chẳng hạn, nhờ quán tử thi, chúng ta có thể khắc phục được dục tham triền cái; nhờ hành tâm từ chúng ta có thể khắc phục được sân triền cái; nhờ quán tưởng ánh sáng, chúng ta có thể vượt qua được hôn trầm và thuỵ miên triền cái. Bất cứ chúng ta hành phương pháp gì, chúng ta cũng nên tập trung tốt vào đề mục thiền của chúng ta, đặc biệt là niệm hơi thở. Lúc dó chúng ta có thể vượt qua được trạo cử và hối hận triền cái. Tuỳ niệm ân đức Phật có thể giúp chúng ta vượt qua được hoài nghi triền cái.

– Câu Hỏi 121: Trong lúc chúng ta đang ở trong định sâu, liệu có thể có bất kỳ tư duy linh tinh nào hay ý nghĩ đường đột nào xen vào không?

Trả Lời Câu Hỏi 121: Trong an chỉ định, hay trong bậc thiền (Jhāna) không thể có bất kỳ tư duy linh tinh hay ý nghĩ đường đột nào, bởi vì lúc đó hành giả chỉ tập trung vào tợ tướng (nimitta) của mình mà thôi. Nếu trong thời gian hành giả đang tập trung vào nimitta của mình mà có bất kỳ ý nghĩ đường đột nào xuất hiện, điều đó có nghĩa là hành giả đã xuất khỏi thiền, hành giả không còn ở trong thiền chứng ấy nữa. Lấy niệm hơi thở làm ví dụ, nếu một người hành thiền muốn nhập thiền, họ phải tập trung toàn triệt vào tợ tướng hơi thở (ānāpāna paṭibhāga nimitta) và phải bị thu hút hoàn toàn vào paṭibhāga nimitta. Ngoài tợ tướng —paṭibhāga nimitta ra, nếu không có ý nghĩ nào khác, thì người ấy kể như đã tập trung vào tợ tướng một trăm phần trăm. Song nếu vào lúc đó, có bất kỳ ý nghĩ linh tinh hay ý nghĩ đường đột nào khởi lên, thì có nghĩa rằng người hành thiền đã xuất khỏi thiền và không còn ở trong bậc thiền nữa.

– Câu Hỏi 122: Trong việc thực hành các tuệ minh sát lên đến hành xả tuệ (saṇkhārupekkhā ñāṇa), đối với một người đã chọn bước đi trên Bồ Tát Đạo (nguyện thành Phật), làm thế nào người ấy có thể chọn được giai đoạn tích cực của tiến trình tâm hay nói khác hơn làm thế nào để thực hiện một quyết định?

Trả Lời Câu Hỏi 122: Đối với một người đã chọn bước đi trên Bồ-tát Đạo, họ cũng cần phải thực hành thiền chỉ và thiền Minh-sát (Vipassana) cho đến hành xả tuệ
(saṇkhārupekkhā ñāṇa). Sau đó người ấy phải dừng ở đây, không tiến lên các giai đoạn 2 minh sát cao hơn. Bởi vì nếu vị ấy tiến thêm, họ sẽ đắc đạo quả, và tiếp tục đi về hướng giải thoát. Lấy Đức Phật làm ví dụ, trong những kiếp quá khứ, do nguyện thành bậc Chánh Đẳng Giác (hành Bồ-tát đạo), cho nên ngài chỉ tu tập thiền Minh-sát (Vipassana) cho đến hành xả tuệ (saṇkhārupekkhā ñāṇa) mà thôi. Sau đó ngài thực hiện các công hạnh khác để hoàn tất Ba-la-mật. Có mười loại Ba-la-mật, và có ba cấp độ cho mỗi Ba-lamật, như vậy tổng cộng có ba mươi pháp Ba-la-mật. Đức Phật đã thực hành bằng cách thu thập những điều kiện tiên quyết cho những Ba-la-mật của ngài.

– Câu Hỏi 123: Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thực hành như thế nào để làm cho thân khẩu và ý của chúng ta được trong sạch?

Trả Lời Câu Hỏi 123: Trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải luôn luôn nhớ tưởng đến Phật-Pháp (Buddha-dhamma), và nhận thấy rõ lợi ích của Phật-Pháp. Việc làm này sẽ giúp chúng ta tịnh hoá dần dần những hành động của thân, khẩu, và ý của chúng ta. Kế đó chúng ta sẽ dùng sự hiểu biết về Phật-Pháp này để thực hành cho đến mức có thể. Chẳng hạn, chúng ta phải phòng hộ sáu căn— mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm của chúng ta. Phải cẩn thận không để bị các trần cảnh bên ngoài lôi đi. Đức Phật cũng dạy cho chúng ta bốn thiền bảo hộ. Chúng ta có thể áp dụng chúng trong pháp hành hàng ngày của chúng ta. Bốn thiền bảo hộ nói đến thiền tâm từ, niệm tưởng ân đức Phật, quán bất tịnh và niệm tưởng sự chết. Tâm từ được thực hành khi cảm giác sân hận phát sanh và trở nên mạnh mẽ. Tùy niệm Phật được thực hành khi đức tin của chúng ta suy giảm. Quán bất tịnh được thực hành khi tâm tham của chúng ta nổi dậy và trở nên mạnh mẽ. Niệm tưởng
sự chết được thực hành khi chúng ta có khuynh hướng lười biếng. Khi niệm tưởng sự chết, sợ hãi sẽ phát sanh và nó nhắc chúng ta nhớ đến cái chết, một điều sớm muộn cũng phải đến với mọi người, do đó chúng ta sẽ cố gắng hành thiền. Chúng ta phải duy trì việc thực hành này hàng ngày, đó là, chúng ta phải ấn định
thời gian ngồi thiền vào buổi sáng và buổi tối cho mình một cách nghiêm ngặt. Lúc đó tâm chúng ta sẽ trở nên càng lúc càng mạnh hơn. Khi tâm càng lúc càng trở nên mạnh hơn như vậy, những hành động của thân, khẩu và ý của chúng ta sẽ trở nên thanh tịnh hơn. Do đó chúng ta phải tiếp tục thực hành theo cách này để làm trong sạch thân khẩu ý của chúng ta trong đời sống hàng ngày.

– Câu Hỏi 124: Đối với một người thường kiểm soát hơi thở của mình, nếu họ không quan sát hơi thở vô và hơi thở ra của mình nữa, liệu tốc độ hơi thở của họ có trở nên cao hơn không?

Trả Lời Câu Hỏi 124: Khi chúng ta tập trung trên hơi thở, chúng ta không nên kiểm soát chúng. Chúng ta phải để cho hơi thở vô và ra một cách tự nhiên. Tâm chúng ta chỉ hướng thẳng vào vùng quanh lỗ mũi hay môi trên, đó là chỗ giữa lỗ mũi và môi trên. Chỉ tập trung vào chỗ này chứ không phải chỗ tiếp xúc như lỗ mũi hay môi hay chỗ lõm vào dưới mũi. Cũng như một người gác cổng của một toà lâu đài, anh ta sẽ không chú ý đến những người đi vào hay đi ra khỏi lâu đài mà chỉ chú ý những người đi qua cổng mà thôi. Tương tự, khi chúng ta tập trung trên hơi thở, chúng ta chỉ tập trung vào hơi thở đi qua vùng quanh kỗ mũi hay môi trên, chứ chúng ta không theo hơi thở đi vô hoặc đi ra khỏi thân. Chúng ta thực hành cho đến khi quen thuộc với công việc tập trung ấy. Như vậy chúng ta giữ cho tâm của chúng ta ở một chỗ để theo dõi hơi thở, chứ không kiểm soat hơi thở. Cứ để cho hơi thở được tự nhiên. Khi hơi thở tự nhiên, đôi khi nó có thể trở nên ngắn, đôi lúc nó có thể trở nên nhanh. Điều đó không thành vấn đề. Cứ để nó thay đổi tự nhiên bao lâu sự thay đổi là tự nhiên, và chúng ta chỉ duy trì sự tập trung trên nó. Khi hơi thở trở nên dài, chúng ta nhận rõ nó là dài. Khi hơi thở trở nên ngắn, chúng ta nhận rõ nó là ngắn. Hơi thở luôn luôn thay đổi như vậy. Và điều đó sẽ không khiến cho tốc độ của hơi thở trở nên nhanh hơn.

– Câu Hỏi 125: Xin chân thành cám ơn tài liệu ‘Hướng Dẫn Thiền ānāpānasati (Niệm hơi thở)’ con đã nhận ngày hôm qua. Con đã đọc tài liệu ấy thật cẩn thận và cố gắng hiểu rõ phương pháp, vì thế ngày hôm nay con thực hiện được một tiến bộ rất nhanh và có được chánh niệm, định và niềm tin mạnh mẽ. Những ngày khác, trong lúc ngồi, con có một khoảnh khắc quên cả thân mình và chỉ hay biết về hơi thở đi qua điểm xúc chạm mà thôi. Cảm giác đó làm cho con sợ hãi vì con chưa từng có được kinh nghiệm như vậy trước đây. Sư cô Dipankara nói với con rằng dó là một kinh nghiệm tốt. Hôm nay con có hai kinh nghiệm tương tự nhưng thời gian lâu hơn, nó kéo dài trong vài phút và làm cho con cảm thấy rất an tịnh. Có ánh sáng mầu vàng trước mặt con nhưng con chỉ tập trung vào hơi thở đi qua điểm xúc chạm mà thôi. Tuy nhiên, con lại cảm thấy rất dễ sợ hãi bởi tiếng ồn, chẳng hạn như tiếng ho. Ngay cả khi con đang đi kinh hành và tập trung vào hơi thở cũng vậy, con rất dễ bị sợ hãi do thấy những hành giả khác khi họ xuất hiện ở chỗ cuối đường kinh hành. Con không phải là loại người nhút nhát, nhưng vì sao hôm nay con lại bị sợ hãi như vậy? Con cần phải làm gì?

Trả Lời Câu Hỏi 125: Kinh nghiệm ngồi thiền của hành giả như vậy là tốt. Tiếp tục thực hành theo cách này là điều rất quan trọng đối với hành giả. Nhạy cảm với tiếng ồn là hiện tượng tự nhiên khi sự tập trung của một người hành thiền bắt đầu trở nên tốt hơn, bởi vì âm thanh là cây gai đối với định. Hành giả phải cố gắng hết sức mình để lờ đi tiếng ồn và bất cứ những đối tượng nào khác và chỉ tập trung trên hơi thở mà thôi. Khi sự tập trung của hành giả trở nên sâu và mạnh mẽ hơn, hành giả sẽ không còn bị quấy rầy bởi những phiền nhiễu ấy nữa. Dễ bị sợ hãi bởi những âm thanh và cảnh sắc là do tác ý không như lý (ayonisomanasikāra) đến những đối tượng ấy. Hành giả tác ý đến chúng như một điều gì đó dễ sợ mà không hay biết nên những trạng thái tâm bất thiện, như sợ hãi, xảy ra. Tất cả cái hành giả cần phải làm là luôn luôn giữ như lý tác ý (yoniso-manasikara), mà ở đây có nghĩa là chỉ tác ý hay chú ý đến đề mục thiền của hành giả, đó là hơi thở, mà thôi.

– Câu Hỏi 126: Con là người mới bắt đầu và ít khi ngồi thiền trước đây. Oai nghi nào giúp cho con có thể càng lúc càng ngồi được lâu hơn, không khởi lên ước muốn đứng dậy do đau, nhức và tê cứng chỉ sau một vài ngày ngồi?

Trả Lời Câu Hỏi 126: Lúc mới bắt đầu của một khoá thiền tích cực dường như đau, nhức và tê cứng xảy ra đối với hầu hết mọi hành giả. Nếu hành giả cứ nhẫn nại và thực hành một cách kiên trì, dần dần hành giả sẽ quen với việc ngồi lâu và những sự khó chịu sẽ biến mất. Oai nghi ngồi thích hợp tuỳ theo mỗi người mỗi khác. Đối với người cao và gầy, ngồi trong tư thế hoa sen (kiết già) có thể rất dễ. Đối với người thấp, mập, ngồi bán già hay chân này đặt cạnh chân kia (tức hai chân không gác lên nhau mà đặt song song) có lẽ thích hợp hơn. Hành giả phải cố gắng tự kiểm lại mình xem tư thế ngồi nào được xem là thích hợp nhất. Một điểm quan trọng là làm sao giữ cho thân thăng bằng không để cho lúc nào cũng nghiêng qua một bên. Chẳng hạn, hành giả có thể ngồi với chân phải đặt trước chân
trái thời đầu, và thời kế thay đổi vị trí của chúng, như vậy sẽ đỡ đau hơn.

– Câu Hỏi 127: Khi con thực sự không còn có thể chịu đựng nổi ngồi thêm được nữa, con đứng dậy đi có được không? Nếu con cứ đứng dậy như vậy, liệu con vẫn có thể cải thiện khả năng ngồi lâu của mình được chứ?

Trả Lời Câu Hỏi 127: Khi hành giả thấy mình không còn có thể ngồi lâu hơn được nữa, hành giả có thể đứng dậy và tiếp tục tập trung cào hơi thở. Đúng ra cứ đứng dậy đi kinh hành suốt những thời ngồi là điều không thích hợp. Khả năng để ngồi lâu hơn của hành giả sẽ được cải thiện hay không tuỳ thuộc vào sự chuyên cần và kiên nhẫn của hành giả. Nếu hành giả ngồi thiền thường xuyên, và đều đặn hành giả sẽ ngồi càng lúc càng được lâu hơn.

– Câu Hỏi 128: Con ăn nhiều và ngủ cũng nhiều. Nhưng tại sao mỗi khi hành thiền con vẫn cứ cảm thấy buồn ngủ và cảm thấy đói bụng vào ban đêm?

Trả Lời Câu Hỏi 128: Buồn ngủ xảy ra do các nguyên nhân khác nhau, có khi thuộc về thân và có khi thuộc về tâm. Đối với các nguyên nhân thuộc về thân, ngủ có thể là do sự không quân bình của tứ đại trong cơ thể của hành giả. Khi địa đại hay yếu tố đất hoặc thuỷ đại quá mạnh, hành giả cảm thấy buồn ngủ, bởi vì hai đại này có bản chất nặng nề. Ngược lại, khi hoả đại và phong đại mạnh hơn, hành giả cảm thấy khó rơi vào giấc ngủ. Tứ đại trong thân của chúng ta luôn luôn thay đổi. Chúng ta không thể trông đợi chúng lúc nào cũng ở trong trạng thái quân bình và hoà hợp được, đặc biệt là khi chúng ta thay đổi sang một môi trường mới hoặc một nếp sống mới. Tuy nhiên, sự không quân bình ấy thường chỉ tạm thời. Thân tự nó sẽ tự điều chỉnh. Để ngăn rơi vào giấc ngủ trong lúc hành thiền, hành giả có thể ngủ một lát sau bữa ăn (trước khi hành thiền). Đối với các nguyên nhân thuộc về tâm, khi tâm hành giả không đủ nghị lực, hành giả sẽ bị áp đảo bởi hôn trầm & thuỵ miên và cảm thấy buồn ngủ. Cách thức để đương đầu với hôn trầm thuỵ miên là khơi dậy nghị lực tinh tấn và thích thú trong việc hành thiền. Hành giả có thể suy nghĩ đến cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử; cái khổ của bốn ác đạo, của vòng tử sanh trong quá khứ và tương lai để đánh thức sự kinh cảm (ý nghĩa của
sự khẩn cấp tâm linh) cho việc hành thiền. Hoặc hành giả có thể suy nghĩ đến những lợi ích to lớn có được từ việc hành pháp (Dhamma): như có được hiện tại lạc trú, một sanh thú an vui trong tương lai và sự giải thoát tối hậu khỏi mọi khổ đau. Nhờ suy nghĩ theo cách này, hành giả có thể khơi dậy tinh tấn lực và sự thích thú trong hành thiền. Hành giả cũng có thể áp dụng bảy cách mà chúng tôi đã giới thiệu để loại trừ cơn buồn ngủ, như xoa mặt mũi, tay chân và thân thể, nhìn ánh sáng, đứng dậy, rửa mặt và đi kinh hành. Dần dần rồi hành giả sẽ thành công trong việc phát triển định càng lúc càng sâu hơn và có thể vượt qua cơn buồn ngủ.
Cảm giác đói bụng là do chất lửa giúp cho sự tiêu hoá quá mạnh trong cơ thể hành giả. Khả năng khác là do hành giả chưa quen với nếp sống không ăn tối. Dần dần hành giả sẽ trở nên quen với loại sống (không ăn tối) này và cảm thấy bình thường.

– Câu Hỏi 129: Xin Sayadaw cho biết những định nghĩa về năm uẩn:

Trả Lời Câu Hỏi 129: Năm uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Sắc uẩn bao gồm mười một loại sắc, đó là sắc qua khứ, hiện tại vị lai, bên trong, bên ngoài, thô, tế, cao thượng, hạ liệt, xa và gần. Theo cách tương tự, mười một loại thọ là thọ uẩn, mười một loại tưởng là tưởng uẩn, mười một loại hành là hành uẩn, mười một loại thức là thức uẩn. Cách phân loại khác là: Hai mươi tám loại sắc, gồm bốn đại chủng (mahābhūtarūpa — đất, nước, lửa và gió.) và hai mươi bốn sở tạo sắc hay sắc y sinh (upādārūpa), là sắc uẩn. Sáu loại thọ — nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ và ý thọ. Hay lạc thọ, khổ thọ và bất lạc bất khổ thọ là thọ uẩn. Sáu loại tưởng, sắc tưởng, thinh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng là tưởng uẩn. Năm mươi loại tâm hành ngoại trừ thọ và tưởng là hành uẩn. Sáu loại thức — nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức là thức uẩn. Trên đây chỉ là sự giới thiệu tóm tắt. Để có một sự hiểu biết tòn diện về năm uẩn, hành giả phải nghiên cứu Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo. Và nhất là hành giả phải hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) để thực sự phân biệt được chúng.

– Câu Hỏi 130: Nếu một người đổ nước có côn trùng trong đó trên đất người ấy có phạm giới sát sanh không?

Trả Lời Câu Hỏi 130: Nếu côn trùng chết do việc đổ đó, người ấy phạm giới sát sanh. Thực sự thì chúng ta không nên đổ nước có côn trùng trên đất, mà nên đổ nó vào một cái bình hay hồ nước hoặc một con sông nào đó thích hợp

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app