Vấn Đáp Thiền Pa Auk 

Câu Hỏi 131 đến Câu Hỏi 140

Câu Hỏi 131: Nếu một người nói với những người khác rằng họ có thể đi mua cá sống nơi những thuyền đánh cá đó có phải là hành vi trợ giúp sát sanh không?

Trả Lời Câu Hỏi 131: Điều đó tuỳ thuộc vào ý định của người nói. Nếu người ấy có ý định bảo những người khác mua cá sống và phóng sanh, đó là một hành vi công đức. Tuy nhiên, nếu người ấy có ý định bảo những người khác mua cá sống để giết thịt ăn, thì họ đã trợ giúp sát sanh.

Câu Hỏi 132: Nếu một vị Tỳ-kheo chặt tre của người khác ở trong núi, vị ấy có phạm giới không? Nếu phạm thì đó là giới gì? Làm thế nào để thú tội đó?

Trả Lời Câu Hỏi 132: Nếu vị Tỳ-kheo không có ý định ăn trộm, chẳng hạn, vị âý nghĩ rằng tre đó là vô chủ, thì vị ấy không phạm tội trộm cắp, mà phạm ưng đối trị (pācittiya), trong trường hợp này là làm hại thảo mộc. Tuy nhiên, sau khi vị ấy đã hiểu ra rằng tre đó thuộc về người khác, vị ấy phải cố gắng bồi thường những thiệt hại cho chủ nhân của nó. Nếu vị ấy nhất định không bồi thường, vị ấy phạm tội trộm cắp. Còn nếu vị ấy đã biết trước rằng tre đó có chủ mà vẫn cứ chặt không có sự cho phép của chủ nhân, ngoài ưng đối trị vị ấy còn phạm tội trộm cắp. Tính nghiêm trọng của tội trộm cắp tùy thuộc vào giá trị của số tre vị ấy chặt. Nếu nó đáng giá một māsaka hay ít hơn, vị ấy phạm tội tác ác (dukkaṭa —wrongdoing, tác ác hay làm bậy). Nếu giá trị của nó nằm giữa một māsaka và năm māsakas, vị ấy phạm một thullaccaya, một trọng tội. Nếu nó đáng năm māsakas hay hơn, vị ấy phạm tội pārājika — bất cộng trụ. Nếu vị ấy phạm một thullaccaya (trọng tội), hay một pācittiya (tội ưng đối trị) hay dukkaṭa (tội tác ác), vị ấy phải thú tội ấy với một vị Tỳ-kheo khác. Ngoài ra, vị ấy buộc phải bồi thường cho chủ nhân số tre vị ấy đã chặt. Nếu vị ấy phạm một tội pārājika— bất cộng trụ, vị ấy không còn là một vị Tỳ-kheo nữa. Không có cách nào thú tội pārājika— bất cộng trụ, được.

Câu Hỏi 133: Nếu một người cư sĩ phạm vào ngũ giới, người ấy có được thọ giới xuất gia không?

Trả Lời Câu Hỏi 133: Thường thì có thể, ngoại trừ trường hợp người ấy đã phạm một tội rất nghiêm trọng, như giết cha hay mẹ của mình, giết một vị A-la-hán, xâm hại một vị Tỳ-kheo ni, v. v…Trước khi một người cư sĩ đã hội đủ điều kiện được xuất gia làm Tỳ-kheo, người ấy phải thọ mười giới để thành một vị Sa-di trước.

Câu Hỏi 134: Khi một vị Tỳ-kheo phạm pārājika— tội bất cộng trụ, vị ấy tự động mất phẩm hạnh Tỳ-kheo của mình. Liệu vị ấy có xuất gia lại được không?

Trả Lời Câu Hỏi 134: Vị ấy không thể xuất gia làm Tỳ-kheo lại trong kiếp này. Tuy nhiên nếu vị ấy thừa nhận tội liền và xả y (hoàn tục), vị ấy có thể xuất gia làm một vị sư Sa-di, Sāmaṇera. Nếu vị ấy che dấu tội và nguỵ tạo làm một vị Tỳ-kheo, vị ấy ngay cả xuất gia Sa-di cũng không thể được nữa.

Câu Hỏi 135: Nếu một người muốn xuất gia họ cần phải có những tiêu chuẩn gì?

Trả Lời Câu Hỏi 135: Để được thọ giới làm Tỳ-kheo, người ấy cần phải có một nguyện vọng muốn thoát khỏi tử sanh luân hồi. Lại nữa, người ấy phải hội đủ những yếu tố sau: người ấy phải không phạm tội giết cha, giết mẹ, giết một bậc A-la-hán, với ác ý làm cho Đức Phật bị thương, gây chia rẽ trong Tăng (Saṅgha), hành dâm Tỳ-kheo Ni hay Sa-di Ni, không có tà kiến cố định, tức là không phủ nhận nghiệp và quả của nghiệp. Vị ấy phải là một người tự do và tôn trọng luật pháp, không phải là tù nhân, nô lệ, hay phường trộm cướp. Vị ấy phải là người không mắc nợ, được miễn các nghĩa vụ đối với nhà nước, và không có những chứng bệnh kinh niên, đó là bệnh cùi, bệnh nhọt đầu đinh, chốc lở, lao, và bệnh động kinh. Vị ấy phải đủ 20 tuổi và được sự cho phép xuất gia của cha mẹ. Vị ấy phải có một bình bát và tam y. Vị ấy phải là người không bị thiến (hoạn quan), ái nam ái nữ (lưỡng tính) và giả bộ để được làm Sa-di hay Tỳ-kheo. Vị ấy trước đây (lúc làm Tỳ-kheo) không phạm tội bất cộng trụ (Pārājika). Vị ấy phải không từ một Sa-di hay Tỳ-kheo cải sang một tôn giáo khác rồi nay quay lại thọ giới trở lại. Vị ấy phải không bị kỳ hình hoặc dị dạng. Vị ấy phải không bị đui mù, câm, điếc.

Câu Hỏi 136: Làm thế nào để thoát khỏi cái khổ của ốm đau? làm thế nào để đương đầu với những bệnh tật? Xin Sayadaw vì lòng bi mẫn chỉ dẫn cho con.

Trả Lời Câu Hỏi 136: Có lần vị Tỳ-kheo Radha đã hỏi Đức Phật: ‘Bạch Ngài, thế nào là bệnh hoạn?’ Đức Phật trả lời: ‘Năm uẩn là bệnh hoạn.’ Vì thế bao lâu còn năm uẩn, vẫn còn có bệnh hoạn. Chẳng hạn, khi một đại nào đó trong tứ đại trở nên thái quá, bệnh hoạn xảy ra. Sự không quân bình của tứ đại có thể là do nghiệp đời trước, có thể là do tâm, có thể là do yếu tố lửa (thời tiết) hoặc vật thực. Trong số bốn nguyên nhân ấy, chúng ta có thể cố gắng thay đổi tâm, yếu tố lửa và vật thực cho tốt hơn, nhưng nghiệp đời trước thì không thể. Bởi lẽ năm uẩn là bệnh hoạn, nên để thoát khỏi bệnh hoạn hành giả phải thoát khỏi năm uẩn. Để thoát khỏi năm uẩn, hành giả phải chuyên cần thực hành để đạt đến Niết-bàn (Nibbana). Trong Niết-bàn, không có năm uẩn, không có bệnh hoạn và khổ đau.

Để đương đầu với bệnh hoạn, điều đáng làm là hành giả phải ăn uống thích hợp, thuốc men thích hợp và sống trong một môi trường yên tĩnh với những điều kiện thời tiết thích hợp. Một điều cũng rất quan trọng là hành giả phải cố gắng tu tập những tâm cao thượng và mạnh mẽ, adhicitta (tăng thượng tâm), hay nói rõ hơn, hành giả cần phải tu tập những tâm thiền chỉ (samatha), thiền minh sát (vipassana), tâm Đạo và tâm Quả. Những tăng thượng tâm này giúp làm suy giảm hoặc loại trừ cái khổ của bệnh hoạn. Chẳng hạn, Đức Phật của chúng ta bị chứng bệnh đau lưng rất nghiêm trọng mười tháng trước ngày Bát Niết-bàn (Parinibbāna) của ngài. Ngài đã hành rūpasattaka vipassanā hay bảy cách quán (minh sát) sắc và arūpasattaka vipassanā hay bảy cách quán (minh sát) vô sắc hay danh, và rồi ngài nhập vào A-la-hán Thánh Quả Định (arahattaphalasamāpatti). Do vì thiền minh sát (vipassana) của ngài rất mạnh và đầy năng lực, nên A-la-hán Thánh Quả Định (arahattaphalasamāpatti) của ngài cũng rất mạnh và đầy năng lực. Xuất khỏi thiền chứng ấy, ngài thực hiện một quyết định: ‘Kể từ ngày hôm nay cho đến ngày Bát Niết-bàn (Parinibbāna), mong cho thọ khổ này sẽ không khởi lên.’ Ngài phải hành theo cách này và thực hiện quyết định như vậy mỗi ngày để ngăn chứng bệnh ấy. Vì thế, để đương đầu với bệnh hoạn, hành giả cũng nên tu tập những tâm mạnh mẽ vốn cùng sanh với định, Minh-sát (Vipassana) trí, Thánh Đạo Trí và Thánh Quả Trí như vậy.

Câu Hỏi 137: Sayadaw nghĩ như thế nào về việc hiến xác cho khoa học (để giải phẫu cho những nghiên cứu y khoa) ? Liệu nó có ảnh hương đến việc tái sanh trong một cảnh giới an vui nào đó của người ấy không?

Trả Lời Câu Hỏi 137: Hiến tặng xác chỉ là một thiện nghiệp yếu. Mặc dù yếu nhưng nó vẫn có lợi ích, bởi vì ngay cả ý định sẽ thực hiện một hành động thiện thôi chắc chắn cũng đem lại những kết quả tốt. Vì điều này đã đề cập trong Kinh: “Kusalesu dhammesu cittupādamattampi bahupakāraṁ vadāmi” — “Trong trường hợp của các thiện pháp, Ta nói, ngay cả chỉ có những thiện ý xuất hiện trong tâm cũng đã rất có lợi rồi.” Ý định chắc chắ sẽ hiến tặng một cái gì đó là một thiện ý đi trước (pubbacetanā—tư tiền). Nếu người ta giữ ý dịnh ấy trong năm phút trước khi cống hiến, nhiều thiện nghiệp đã được tích luỹ trong tâm họ. Những thiện nghiệp này có thể tạo ra những kết quả tốt. Có ba loại tư (cetanā—ý định): tư tiền (ý định trước khi làm), tư hiện (ý định trong lúc làm), và tư hậu (ý định sau khi làm). Cả ba loại tư này đều tạo ra những kết quả khi chín mùi. Nếu người ấy vẫn còn dính mắc vào bất kỳ sự hiện hữu nào và nếu nghiệp lực của tư tiền hay ý định thiện trước khi hiến xác này trở nên thành thục vào sát-na cận tử của họ, thời nghiệp lực sẽ tạo ra sự tái sanh của người ấy trong một cảnh giới an vui. Tuy nhiên, loại cơ hội như vậy rất hiếm xảy ra bởi vì tư tiền hay ý định thiện đi trước rất yếu. Thường thì nó chỉ có thể trở nên thành thục và tạo ra một kết quả ở một kiếp sống tương lai nào đó mà thôi.

Câu Hỏi 138: Quả của bị nghèo hèn và dễ mắc các chứng bệnh trong kiếp này có liên quan gì đến các nhân trong đời trước không? Nếu liên quan, quan niệm này là định mệnh kiến hay thường kiến (sassatadiṭṭhi)?

Trả Lời Câu Hỏi 138: Trong trường hợp này, hành giả phải phân biệt sự khác nhau giữa đời sống trong cõi nhân loại và đời sống trong các cõi chư thiên và địa ngục. Các cõi chư thiên và địa ngục được gọi là kamma-phalūpa-jīvi-bhūmi, cõi sống ở đây các chúng sinh có nguồn sống của họ nhờ quả của nghiệp; trong khi cõi nhân loại được gọi là uṭṭhāna-phalūpa-jīvi-bhūmi, cõi sống ở đây các chúng sinh có nguồn sống của họ nhờ sức tinh tấn. Các chúng sinh trong cõi chư thiên hay địa ngục hưởng được nguồn sống khả lạc của họ hay chịu đựng những bất khả lạc của họ một cách tự nhiên do các nghiệp đời trước. Tuy nhiên trong cõi nhân loại, các chúng sinh không chỉ có nguồn sống của họ do các nghiệp đời trước mà cũng còn do sức tinh tấn và trí tuệ hiện tại của họ nữa. Vì thế nghiệp lực, sức tinh tấn và trí tuệ ba thứ này tác động đến sự an sinh của đời người. Hãy lấy trường hợp được giàu sang làm ví dụ, nếu một người có nghiệp lực tốt thành thục để được giàu sang và có đủ tinh tấn và trí tuệ, họ sẽ trở nên rất giàu và hưởng được của cải của họ. Tuy nhiên, nếu một người chỉ có nghiệp lực tốt thành thục mà không có đủ tinh tấn và trí tuệ, cho dù họ có thừa hưởng được nhiều của cải chăng nữa thì cuối cùng họ cũng sẽ tán gia bại sản và trở nên nghèo hèn. Một điển hình rõ ràng là Mahādhanaseṭṭhīputta sống vào thời Đức Phật của chúng ta. Ông và vợ của ông mỗi người được thừa kế tám mươi koṭi, tức là tám trăm triệu dollars. Tuy nhiên, họ đã phung phí hết tất cả của cải và trở thành những kẻ ăn xin. Ngoài ra, mặc dù ông có đủ nghiệp lực thiện để hỗ trợ ông đạt đến A-la-hán thánh quả trong kiếp đó, song ông đã không bỏ sức tinh tấn và áp dụng trí tuệ để thực hành Pháp (Dhamma). Do đó ông dã chết như một kẻ phàm phu nghèo hèn. Nếu một người không có những nghiệp lực thiện chín mùi cho họ được giàu có nhưng biết vận dụng tinh tấn và trí tuệ để kiếm tiền, họ có thể không được giàu có lắm, nhưng vẫn hưởng được một chuẩn mực sống thoải mái nào đó. Bởi thế tinh tấn và trí tuệ vẫn quan trọng hơn nghiệp lực. Câu chuyện về ba con cá sau có thể cho chúng ta một sự hiểu biết rõ ràng hơn: Một lần người đánh cá kia bắt được ba con cá trên Sông Hằng. Một con cá tin vào sức tinh tấn; một con tin vào nghiệp lực; còn con khác tin vào trí tuệ. Con cá tin vào sự tinh tấn nghĩ rằng nó chỉ có thể thoát thân bằng nỗ lực tinh tấn, vì thế nó cố gắng hết sức để nhảy đi. Người đánh cá cảm thấy bực bội và lấy mái chèo đập nó một cái thật mạnh; nó chết. Con cá tin vào nghiệp lực nghĩ rằng nghĩ rằng nếu nó có một nghiệp lực tốt để thoát khỏi bị giết, thì nghiệp lực đó sẽ tự động tạo ra quả của nó. Vì thế nó nằm yên trên sàn, chờ đợi vận may của nó, không muốn vận dụng chút nỗ lực nào cả. Con cá thứ ba, tin vào trí tuệ, nghĩ rằng nó có thể thoát bằng cách làm những hành động sáng suốt. Vì thế nó luôn luôn quan sát những hoàn cảnh chung quanh để chờ xem thời cơ hành động đã đến hay chưa. Người đánh cá chèo thuyền vào bờ. Khi thuyền đến gần bờ, ông ta ông ta bước một chân lên bờ còn giữ chân kia trên thuyền. Vào lúc đó, ông vô ý tạo ra một lỗ hổng nhỏ trên tấm lưới của ông. Con cá thứ ba, tin vào trí tuệ, nhanh chóng nhảy ra khỏi lưới qua lỗ hổng ấy, rơi vào nước và liền bơi trở lại Sông Hằng.

Từ câu chuyện này, chúng ta hiểu rằng trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất trong ba yếu tố vừa nói vậy. Còn về bệnh hoạn, có bốn nguyên nhân khả dĩ, đó là, nghiệp lực, tâm, yếu tố lửa (thời tiết) và vật thực. Vì thế không phải tất cả những chứng bệnh đều do nghiệp lực gây ra. Đạo Phật là một tôn giáo của lý trí, vibhajja-vāda (phân biệt giáo thuyết), dạy rằng khi có nhân thì có quả; khi không có nhân sẽ không có quả. Một quan niệm chính đáng về nhân và quả như vậy không thể xem là định mệnh kiến hay thường kiến được. Nếu bạn tin rằng số phận của bạn đã được định sẵn và không thể thay đổi được; thì bạn là một người tin theo thuyết định mệnh. Theo lời dạy của Đức Phật, khi một nghiệp lực chín mùi và sẵn sàng tạo ra quả của nó, quả đó là cố định và không thể thay đổi được. Nhưng nếu một nghiệp lực chưa chín mùi, quả của nó không cố định và do đó có thể thay đổi được. Tôn-giả Mục-kiền-liên (Moggallana) là một ví dụ điển hình. Nghiệp lực xấu giết cha mẹ trong một tiền kiếp của ngài đã chín mùi trước khi ngài Bát-niết-bàn (parinibbāna), vì thế mà ngài đã bị đánh đập cho tới mức tất cả xương của ngài đều bể nát thành từng miếng vụn. Mặc dù ngài đã trở thành một bậc A-la-hán, ngài cũng không thể thay đổi được quả xấu đó. Song vì lẽ ngài đã tận diệt hết mọi phiền não, nên tất cả những nghiệp lực khác, ngoại trừ những nghiệp đã chín mùi trong kiếp đó, không còn có thể cho quả được nữa. Vì sau khi Bát-niết-bàn (parinibbāna) ngài đã thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi.

Nếu bạn tin rằng kiếp trước của bạn và kiếp hiện tại là một, đó là, cùng một người đi từ kiếp trước đến kiếp này, hay có một linh hồn đi từ kiếp này sang kiếp khác, là bạn đã có tà kiến về sự thường hằng (thường hằng kiến). Theo lời dạy của Đức Phật, không có một linh hồn hay tự ngã nào cả. Kiếp trước của bạn do danh và sắc tạo thành, mà danh và sắc ấy sanh và diệt từ sát-na này đến sát-na khác. Kiếp hiện tại của bạn cũng do danh và sắc luôn luôn thay đổi tạo thành. Chúng không phải là những thứ như nhau. Không có cái gì gọi là ‘bạn’ hay người không thay đổi. Tuy nhiên, nghiệp lực đã tích luỹ trong kiếp trước tạo ra năm thủ uẩn hiẹ tại. Đây là mối tương quan nhân quả giữa nhân đời trước và quả hiện tại. Do đó đạo Phật không phải chủ thuyết định mệnh cũng không phải chủ thuyết thường hằng (thường hằng luận).

Câu Hỏi 139: Sau khi một hành giả đã hoàn tất việc thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana), vị ấy có phải hành thiền khác nữa hay chỉ ôn tập lại thiền chỉ và thiền Minh-sát (Vipassana) ấy thôi? Nếu ôn lại, vị ấy phải bắt đầu với giai đoạn nào? Hay vị ấy có thể ôn tập lại theo cách riêng của mình? Có một nguyên tắc cố định cho việc ôn tập này không?

Trả Lời Câu Hỏi 139: Theo lời dạy của Đức Phật, một người được gọi là hoàn tất việc thực hành thiền minh sát (vipassana) chỉ sau khi họ đã đạt đến A-la-hán Thánh Quả. Vì thế trước khi hành giả trở thành một bậc A-la-hán, hành giả phải duy trì việc thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) một cách liên tục. Trong Kinh Sattaṭṭhānakusala của Tương Ưng Kinh (Samyutta Nikaya) có đề cập rằng các vị A-la-hán thường xuyên trú tâm vào một trong ba pháp hành, đó là thẩm sát các pháp hành (saṅkhāra), kể như vô thường, khổ và vô ngã qua ngõ mười tám giới, qua ngõ mười hai xứ, và qua ngõ duyên khởi. Chú giải gọi ba việc thực hành này là satata-vihārī, hay thường trú. Thêm nữa, một vị A-la-hán có thể hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) để có được sự an trú trong thiền (Jhāna) và sự tịnh lạc của Niết-bàn (Nibbana) trong Thánh Quả Định. Nếu vị ấy muốn nhập vào diệt tận định (nirodhasamāpati), vị ấy phải hành cả thiền chỉ (samatha) lẫn thiền minh sát (vipassana) một cách hệ thống.

Một số hành giả đã hành tất cả những khoá quan trọng cho thiền minh sát (vipassana) và do đó tự tuyên bố rằng họ đã hoàn tất việc thực hành Minh-sát (Vipassana) rồi, Tuy nhiên, điều này không đúng. Họ phải tiếp tục thực hành thiền chỉ và thiền minh sát thường xuyên và nhất là phải kiểm tra những kinh nghiẹm thiền của họ một cách cẩn thận hợp theo tinh thần Kinh Điển. Họ có thể mất nhiều năm để ôn tập lại và kiểm tra theo cách này cho đến khi họ cảm thấy chắc chắn về sự hoàn thành của họ.Vì thế khoe khoang sự hoàn tất thiền của mình với những người khác là không thích hợp tí nào. Nói chung, có hai cách để ôn tập lại việc hành thiền minh sát (vipassana). Thứ nhất là bắt đầu với giai đoạn udayabbayañāṇa; cách kia là bắt đầu với bất cứ giai đoạn nào mà họ cảm thấy minh sát trí của họ còn lờ mờ hay không đủ rõ. Một nguyên tắc rất quan trọng trong việc ôn tập này là hành giả phải tuân theo những cách thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana) chính xác như những gì Đức Phật đã dạy.

Câu Hỏi 140: Cetanā (tư) thiền là gì? Trong khi hành thiền, người ta có cần Cetanā thiền này không? Sayadaw có thể giải thích với những ví dụ được không?

Trả Lời Câu Hỏi 140: Khi một hành giả đang hành thiền chỉ (samatha) hay thiền minh sát (vipassana) với hỷ kết hợp với trí tuệ, có ba mươi bốn tâm hành khởi lên trong tiến trình tâm của người ấy. Trong số ba mươi bốn tâm hành ấy có Cetanā (tư) gọi là Cetanā samātha (tư thiền chỉ) hay Cetanā vipassanā (tư minh sát), hay như những gì hành giả đã gọi — Cetanā thiền. Cetanā thiền có nghĩa là tư thúc đẩy các tâm hành hay tâm sở đồng sanh hướng về đối tượng thiền chỉ (samatha) hay minh sát (vipassana). Nếu tư này mạnh, hành giả có thể hành thiền tốt. Ngược lại, nếu tư yếu, hành giả không thể vận dụng nhiều tinh tấn trong pháp hành của mình. Vì thế tư thiền rất quan trọng.

Tuy nhiên ở đây ngũ quyền (năm căn tinh thần) thậm chí còn quan trọng hơn. Ngũ quyền là tín (sadhā), tấn (vīriya), niệm (sati), định (samādhi), và tuệ (paññā). Lúc ban đầu thực hành, tín có nghĩa là niềm tin vào sự thực rằng pháp hành niệm hơi thở (ānāpānasati) sẽ dẫn đến các bậc thiền (Jhāna). Tinh tấn coá nghĩa là vận dụng nghị lực đầy đủ để biết hơi thở. Niệm có nghĩa là không-quên hay giữ tâm trên đối tượng mà ở đây là hơi thở. Định có nghĩa là nhất điểm tâm, tức gắn chặt tâm trên hơi thở. Trí tuệ có nghĩa là biết hơi thở một cách rõ ràng. Năm căn tinh thần này nổi bật trong số ba mươi bốn tâm hành. Nếu chúng mạnh mẽ và quân bình, người hành thiền sẽ tiến bộ rất nhanh. Khi tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) xuất hiện do định sâu, lúc ấy tín là niềm tin tin rằng sự tập trung trên tướng hơi thở sẽ dẫn đến Jhāna (bậc thiền). Tinh tấn gia tăng năng lượng đến tướng hơi thở. Niệm không ngừng giữ cho tâm trên tướng hơi thở. Định là sự nhất tâm trên tướng hơi thở. Tuệ là sự thể nhập vào tướng hơi thở.

Trong thiền minh sát (vipassana) năm căn tinh thần cũng rất quan trọng. Trong thiền minh sát (vipassana), tín có nghĩa là niềm tin nơi việc thực hành Minh-sát (Vipassana), tin rằng nó là cách để chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana), chấm dứt mọi khổ đau. Tấn có nghĩa là áp dụng nghị lực để thể nhập vào tư thánh đế, hay ra sức tinh tấn để thể nhập vào sự thực của khổ (khổ đế) và sự thực về nguồn gốc của khổ (tập đế), cả hai vốn là những đối tượng của Minh-sát (Vipassana). Chúng cũng được gọi là các hành (saṅkhāra). Không-quên hay luôn luôn giữ cho tâm ở với các hành này được gọi là niệm. Gắn chặt tâm trên các hành này không chút dao động là định. Thể nhập vào các hành này và biết tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng là tuệ.

Ngũ quyền hay năm căn tinh thần này khởi lên cùng với tư (cetana). Không có tư ngũ quyền không thể sanh được. Nếu tư mạnh ngũ quyền cũng sẽ mạnh. Nếu tư yếu ngũ quyền cũng sẽ yếu. Vì thế hành giả cần phải có tư thiền (meditation cetanā) mạnh trong pháp hành của mình. Tuy nhiên những yếu tố quan trọng nhất để thành công là làm sao quân bình ngũ quyền. 

Nếu hành giả không có tư thiền (meditation cetanā) hay nếu hành giả có sự hoài nghi trong pháp hành, hành giả sẽ không có bất cứ thành tựu nào trong thiền.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app