Phần 11

Nuôi Dưỡng Cây Minh Sát Tuệ

Tỳ Khưu

Người Bạn Đạo Lý Tưởng

NUÔI DƯỠNG CÂY MINH SÁT TUỆ

Khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả quán sát các hiện tượng danh sắc sinh khởi nổi bật nhất qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại. Hành giả chú tâm ghi nhận tức thời và chính xác các hiện tượng danh sắc này sẽ kinh nghiệm đặc tính riêng, đặc tính điều kiện, và đặc tính chung của chúng. Các hiện tượng danh sắc sinh khởi và hoại diệt nên vô thường. Sự sinh diệt liên tục gây ra cảm giác áp đảo, bất toại nguyện nên là khổ. Và tất cả xảy ra theo đường lối riêng của chúng không chịu sự kiểm soát nào cả nên là vô ngã.

Bài kinh Anuggahita sutta thuộc Tăng Chi Bộ Kinh có đề cập năm yếu tố dưỡng nuôi cây Minh Sát Tuệ gồm giữ giới (sīlānuggahita), tìm hiểu giáo pháp hay lắng nghe hướng dẫn hành thiền (sutānuggahita), trình pháp và thảo luận kinh nghiệm tu tập với thiền sư (sākacchānuggahita), giữ tâm an tịnh hay phát triển sự định tâm hoặc bảo vệ tâm khỏi các chướng ngại (samathānuggahitā), và phát triển Tuệ Minh Sát (vipassanānuggahita). Có đầy đủ năm yếu tố này, cây Minh Sát Tuệ sẽ ra hoa trổ trái, đó là Thánh Đạo và Thánh quả.

Hành thiền Minh Sát Niệm Xứ cũng giống như trồng xoài, từ lúc gieo hạt mọc lên cây con cho đến khi đơm hoa kết trái cần phải được bảo vệ chăm sóc. Khi trồng xoài, không phải chỉ gieo hạt xuống đất mà thôi. Khi hạt nảy mầm, người trồng xoài phải làm hàng rào bảo vệ cây xoài con khỏi bị người đạp hay thú đến ăn. Tương tự như thế, hành giả phải dưỡng nuôi cây Minh Sát Tuệ bằng cách giữ giới cho tròn đầy. Giới giống như hàng rào bảo vệ khi cây xoài còn nhỏ. Cư sĩ cần giữ ít nhất là năm giới còn chư Tăng giữ theo giới bổn (vinaya).

Kế đến là tưới nước để cây xoài khỏi chết khô. Cùng thế ấy, hành giả tưới nước cho cây Minh Sát Tuệ bằng cách nghe Pháp và học hỏi về phương pháp hành thiền một cách cẩn thận và hết lòng áp dụng những điều được chỉ dẫn vào sự thiền tập của mình.

Ví như cây xoài cần được bón phân để tăng trưởng, hành giả cần trình pháp cùng thảo luận kinh nghiệm thiền tập với thiền sư để được chỉ dẫn tu tập cho đúng đắn, tiến bộ. Ngoài ra, những thắc mắc về thiền tập của hành giả cần được giải đáp thỏa đáng để việc thiền tập được trôi chảy tốt đẹp.

Bảo vệ tâm khỏi các triền cái (nīrvaraṇa) hay chướng ngại tinh thần được ví như việc bắt sâu, làm cỏ cho cây. Khi thiền tập như được chỉ dẫn, hành giả sẽ phát triển được tâm an tịnh biết đặc tính riêng (sabhāvalakkhaṇā), đặc tính điều kiện hay tương quan nhân quả của các hiện tượng danh sắc. Rồi sự ghi nhận hiệu quả làm phát triển tuệ giác về ba đặc tính chung (sāmaññalakkhaṇā) vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng này. Khi đạt tuệ giác thấy sự sinh diệt (udayabbayañāna), tâm định và sự hiểu biết của hành giả phát triển một cách kỳ diệu. Ở tuệ giác này, hành giả kinh nghiệm được loại hạnh phúc đặc biệt không thể buông bỏ nên có khuynh hướng dính mắc vào các kinh nghiệm đó. Để loại trừ sự dính mắc dù nhỏ nhoi, phải lập tức ghi nhận ngay khi sự dính mắc vừa mới sinh khởi. Làm được như vậy hành giả sẽ phát triển thêm được Tuệ Minh Sát giống như việc bắt sâu làm cỏ để cây xoài được lớn mạnh.

Năm cách bảo vệ này sẽ giúp cây Minh Sát Tuệ đơm hoa kết trái và nhờ đó hành giả thực chứng Đạo, Quả và Niết Bàn.

TỲ KHƯU

Theo cổ ngữ Pāḷi, “tỳ khưu” (bhikkhu) là người thấy rõ hiểm nguy trong luân hồi và đời người cũng chỉ là chuỗi danh sắc sinh diệt không ngừng, không bền vững. Tuy nhiên, thấy hiểm nguy trong luân hồi thôi cũng chưa đủ mà tỳ khưu cần phải nỗ lực tận diệt mọi phiền não. Trong chú giải kinh Đại Niệm Xứ, “tỳ khưu” là người thực hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ để loại trừ phiền não.

Đức Phật dạy chúng ta ngăn ngừa phiền não tác động bằng cách giữ giới, chế ngự phiền não tư tưởng bằng cách phát triển định tâm, và đoạn tận phiền não ngủ ngầm vi tế bằng cách phát triển Minh Sát Tuệ (vipassanāñāna) và Đạo Tuệ (maggañāna). Nhờ thấy rõ hiểm nguy và đau khổ trong luân hồi, hành giả gia công thiền tập để dứt bỏ phiền não vốn là kẻ thù gần nhất đã hành hạ mình từ vô lượng kiếp và từ đó thành tựu loại hạnh phúc thật sự.

Vào thời Đức Phật, hội chúng nghe pháp gồm tỳ khưu, tỳ khưu ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ lẫn chư thiên và phạm thiên. Trong các bản kinh, Đức Phật thường mở đầu bằng cụm từ “Này các chư Tỳ Khưu” bởi vì phần đông người nghe là tỳ khưu. Tuy nhiên, Ngài giảng pháp nhằm đem lại lợi lạc cho toàn thể hội chúng gồm tứ chúng nói trên. Do vậy, theo Chú Giải, bất kỳ là cư sĩ, tăng ni, chư thiên hay phạm thiên, nếu nỗ lực hành thiền Minh Sát Niệm Xứ để diệt trừ phiền não đều được gọi là “tỳ khưu”.

Do đó, chẳng cần phải đắp y mới được xem là tỳ khưu. Người chuyên hành trì Thiền Minh Sát Niệm Xứ, chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc đang sinh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại hay quán thân, quán thọ, quán tâm và quán pháp bằng nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục ngay khi xảy ra là một tỳ khưu đúng nghĩa. Pháp hành Minh Sát Niệm Xứ chẳng của riêng ai. Vì lẽ đó, dầu cho tên gọi có khác nhau nhưng nếu nỗ lực hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ thì nội dung vẫn không có gì sai biệt cả. Tất cả đều là tỳ khưu.

NGƯỜI BẠN ĐẠO LÝ TƯỞNG

Muốn tu tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ hay Giới-Định- Huệ đúng phương pháp, hành giả cần có một người bạn đạo lý tưởng (kalyāṇamitta) hướng dẫn về cả hai phương diện lý thuyết lẫn thực hành. Theo Thanh Tịnh Đạo, người bạn đạo lý tưởng là người mong muốn người khác được an vui, luôn luôn cố gắng giúp đỡ người khác cải thiện và vun bồi tâm linh cho tốt đẹp hơn. Người bạn đạo lý tưởng có bảy phẩm tính chính và những phẩm tính phụ khác.

Bảy Phẩm Tính Chính

Bảy phẩm tính chính gồm có đáng mến, đáng kính, được rải tâm từ, nói rõ sai lầm của người khác để sửa sai, nhẫn nhục, khả năng giải thích giáo pháp về cả lý thuyết lẫn thực hành, và không lợi dụng người khác.

  1. Đáng Mến (piya) Vì Có Đức Tin

Một người được người khác yêu mến do nhiều nguyên nhân. Theo Chú Giải Tăng Chi Bộ Kinh và Chú Giải Thanh Tịnh Đạo, người bạn đạo lý tưởng là người được người khác yêu mến vì có đức tin. Đó là niềm tin vào Đức Phật, sự giác ngộ của Ngài, Giáo Pháp, pháp hành Minh Sát Niệm Xứ, định luật nghiệp báo, và chính mình.

Người bạn đạo lý tưởng tin rằng Đức Phật có nhiều phẩm tính và đức hạnh cao thượng không ai sánh bằng. Ngài đã tự mình tu tập thành đạt quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác với trí tuệ toàn giác (sabbaññutañāna) không thể nghĩ bàn. Với trí tuệ này, Ngài có thể hiểu biết bất cứ điều gì Ngài muốn biết, chỉ cần hướng tâm đến đối tượng mà thôi. Ngài có phẩm tính Minh Hạnh Túc (vijjācaraṇa) tức là trí tuệ phân biệt rõ ràng và rốt ráo những điều nên làm và không nên làm. Ngài còn có tâm đại bi (mahākaruṇā) sẵn lòng giúp đỡ người khác và ngăn cản họ làm những điều bất thiện. Nếu không có sự hiểu biết tốt xấu, không thể chỉ người khác giữ gìn thu thúc, tránh đi vào con đường bất thiện. Tuy nhiên, một người dù phân biệt được những gì nên làm và không nên làm nhưng không có lòng bi mẫn sẽ không ngăn cản người khác làm những điều xấu xa. Chỉ khi nào có lòng bi mẫn mới giúp người khác tránh những gì nên tránh và làm những gì nên làm. Do đó, có hai điều kiện cần thiết cho người hướng dẫn: thứ nhất phải có trí tuệ phân biệt tốt và xấu, lợi và không có lợi, thích nghi và không thích nghi; và thứ hai là phải có lòng bi mẫn. Người có trí tuệ và lòng bi mẫn được xem như thỏa mãn yêu cầu về phẩm tính của một người có khả năng hướng dẫn được người khác.

Người bạn đạo lý tưởng còn tin rằng chánh pháp mà Đức Phật giảng dạy (svākkhāta) giúp thanh lọc tâm và nhờ tu tập theo chánh pháp mà tâm trong sạch, thực chứng được những sự thật cao diệu. Người đó cũng thấy rõ giáo pháp Đức Phật có hệ thống, toàn thiện ở giai đoạn đầu, toàn thiện ở giai đoạn giữa và toàn thiện ở giai đoạn cuối. Giáo pháp dạy phương pháp tu tập và chỉ rõ kết quả của sự tu tập đúng phương pháp là có được tâm trong sạch. Khi thấy rõ sự thật này là thấy được phẩm tính khéo tuyên giảng của Giáo Pháp nên có đức tin nơi giáo pháp và pháp hành.

Người bạn đạo lý tưởng còn tin vào định luật nghiệp báo hay định luật nhân quả tức là gieo nhân nào gặt quả nấy. Đó là sự tin tưởng rằng làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu. Giống như thức ăn thích nghi bổ dưỡng cho cơ thể và không thích nghi gây bịnh, thân khẩu ý trong sạch sẽ hưởng lợi lạc và thân khẩu ý ô nhiễm sẽ bị tai hại. Người làm thiện nghiệp qua thân, khẩu, ý sẽ có thân, khẩu, ý tốt đẹp và nhờ vậy không bị hiểm nguy hay sợ hãi.

Ngoài ra, người bạn đạo lý tưởng còn tin có những người tu tập theo Giới, Định, Huệ (sīla, samādhi, paññā) trong Tăng Đoàn (saṅgha); tin có kiếp sống trong quá khứ, hiện tại, vị lai; và tin chính mình tức là tin vào những gì mình đã kinh nghiệm qua pháp hành.

Tóm lại, vì có đức tin, hành giả mới thu thúc những gì cần phải thu thúc nên không bị nguy hại và làm những gì cần phải làm nên hưởng được lợi lạc. Người thực hành theo giáo pháp mặc dầu không cầu mong sẽ được giáo pháp bảo vệ, hỗ trợ, nâng đỡ và được mọi người yêu mến.

  1. Đáng Kính (garu) Vì Có Giới Hạnh và Hiểu Biết

Nhờ tin vào những gì đáng được tin (saddheyyavatthu) như thế, người bạn đạo lý tưởng giữ giới tròn đầy (sīla), hiểu biết cách vun bồi thiện nghiệp (suta), xa rời ác nghiệp và thực hành bố thí (cāga) nên thăng tiến đời mình. Có đức tin nơi định luật nghiệp báo, người bạn đạo lý tưởng thu thúc thân khẩu qua sự giữ giới. Nhờ có kiến thức về kinh điển, hiểu biết phương pháp kiểm soát nên từ bỏ được sự cư xử xấu xa, đem lại điều tốt đẹp, và làm cho đời sống cá nhân được thăng tiến. Người bạn đạo lý tưởng biết cách tự kiểm soát tâm và thân nên bảo vệ được chính mình và người khác. Người có được cả hai phẩm tính giữ giới đức tròn đầy và hiểu biết về kinh điển như vậy thật là hiếm có nên luôn được người khác kính trọng.

  1. Được Người Khác Rải Tâm Từ (bhāvanīya)

Nhờ thành tựu được hai phẩm tính đầu tiên kể trên, người bạn đạo lý tưởng được người khác niệm rải tâm từ nên luôn an vui.

  1. Sẵn Sàng Nói Rõ Lầm Lỗi Để Sửa Sai (pāpagarahī)

Người bạn đạo lý tưởng có trí tuệ biết được những gì tốt hay xấu sẽ sẵn sàng nói rõ lầm lỗi của người khác để sửa sai (pāpagarahī) trong tinh thần xây dựng. Với tâm ý tốt, khi thấy một người làm điều sai lầm, không tốt, tai hại thì thẳng thắn nói lên những sai lầm một cách xây dựng để giúp người đó sửa đổi. Do vậy, người có khả năng hướng dẫn, khuyên bảo người khác cũng thành thạo trong sự chỉ lỗi của người khác để sửa sai.

  1. Nhẫn Nhục Khi Bị Chỉ Trích Hoặc Sẵn Sàng Chấp Nhận Phê Bình Để Sửa Sai (vacanakkhama)

Người thầy có phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng không những có khả năng giúp người khác sửa sai mà còn có khả năng chấp nhận mọi ý kiến đóng góp phê bình và biết tự sửa đổi. Vị thầy cần phải làm gương, không nên nghĩ rằng mình là thầy, mình làm ra nguyên tắc mà không lắng nghe ý kiến đúng đắn của người khác. Khi được chú sa di bảy tuổi nhắc nhở vấn y cho gọn gàng, ngài Xá Lợi Phất đã nghiêm túc làm theo. Chúng ta nên theo gương ngài Xá Lợi Phất.

  1. Có Khả Năng Giải Thích và Hướng Dẫn Giáo Pháp Thâm Sâu

Vị thầy có phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng còn phải có khả năng giải thích rành mạch giáo pháp vi diệu, thâm sâu (gambhīrañca kathaṁ kattā) gồm Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, Tứ Diệu Đế, Luật Nhân Quả, Thập Nhị Nhân Duyên về phương diện lý thuyết (āgamasuta) lẫn thực hành (adhigamasuta). Theo Chú Giải Tăng Chi Bộ Kinh, người này còn phải có khả năng giải thích những pháp vi diệu như các tầng thiền, pháp hành Tứ Niệm Xứ và Đạo, Quả siêu thế.

Ở đây, hãy nói về Tứ Diệu Đế. Nếu chỉ giải thích Tứ Diệu Đế một cách lý thuyết thì người nghe không dễ dàng lĩnh hội được. Mọi hiện tượng danh sắc đều có đặc tính sanh diệt không ngừng nên không toại nguyện. Chính nơi thân này, hành giả thấy và hiểu được chân lý về sự khổ. Do đó, người thầy phải hành thiền để thấy rõ rằng có thân là khổ; thấy, nghe, ngửi, nếm và đụng chạm v..v…là khổ; hay nói một cách khác chính danh, sắc là khổ. Chẳng hạn, vào lúc hạ người từ tư thế đứng sang ngồi, nếu chú tâm quan sát, sẽ thấy hàng loạt ý muốn ngồi xảy ra trước và chuyển động ngồi theo sau. Chúng sinh diệt không ngừng tạo ra cảm giác áp đảo, bất toại nguyện nên là khổ. Do vậy, khi quan sát những gì đang sinh khởi trong hiện tại, hành giả kinh nghiệm đặc tính khổ. Đây là diệu đế thứ nhất hay sự thật cao diệu về sự khổ tức Khổ Đế (dukkhasacca). Diệu đế này cần phải được kinh nghiệm qua thiền tập.

Vì vô minh (avijjā) không biết được bản chất thật sự của các hiện tượng danh sắc nên nghĩ thấy vật đẹp, nghe tiếng hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, xúc chạm êm ái là tốt đẹp, dễ chịu, thích thú nên phát sinh tham ái (taṇhā) đối với những đối tượng này. Cho nên, nếu không chánh niệm ghi nhận kịp thời các hiện tượng đang sinh khởi, hành giả sẽ không hiểu đúng đắn hay hiểu sai bản chất bất toại nguyện nơi đối tượng nên khởi lòng tham ái. Chính vô minh, tham ái che đậy sự khổ, khiến con người khổ đau triền miên trong vòng luân hồi. Như vậy, vô minh và ái dục chính là nguyên nhân khổ đau. Đây là diệu đế thứ hai hay sự thật cao diệu về nguyên nhân của sự khổ tức Tập Đế (samudayasacca). Diệu đế này cần phải được nhận thức rõ ràng.

Nhờ hiểu biết rõ ràng khổ và nguyên nhân phát sinh khổ, hành giả không còn muốn tạo nghiệp tốt, xấu đưa đến tái sinh mà chỉ tinh cần vun bồi thiện nghiệp giải thoát (vivaṭṭagāmi kusala) mà thôi. Một khi không tạo nghiệp dẫn đến tái sinh, vòng quả (vipāka vaṭṭa) bị cắt đứt nên luân hồi chấm dứt. Đoạn trừ vô minh và ái dục sẽ chấm dứt khổ đau và đây là diệu đế thứ ba hay sự thật cao diệu về sự tận diệt khổ tức Diệt Đế (nirodhasacca). Diệu đế này cần được chứng ngộ.

Muốn thực chứng diệu đế thứ ba cần phải tu tập tam học Giới (sīla), Định (samādhi), Huệ (pañña) tức là phát triển Bát Chánh Đạo. Ngay trước khi thiền tập, hành giả thọ giới để tránh những hành động sai lầm qua thân và khẩu trong suốt khóa thiền nên đã có Giới. Nhóm Giới như vậy bao gồm Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng của Bát Chánh Đạo. Khi tinh tấn ghi nhận đề mục một cách nghiêm chỉnh và chính xác, hành giả thiết lập chánh niệm vững vàng và phát triển sát na định mạnh mẽ. Lúc đó hành giả có nhóm Định gồm có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Với sự định tâm mạnh mẽ, hành giả thấy được đặc tính riêng và chung của đối tượng và phát triển tuệ giác. Đó là Chánh Kiến. Khi có định tâm và tuệ giác, tâm hành giả luôn hướng về đề mục nên không còn có những ý nghĩ về ái dục hay dục tầm, ý nghĩ tức giận hay sân tầm, hoặc ý nghĩ hãm hại người khác hay hại tầm. Và đây chính là Chánh Hướng Tâm hay Chánh Tư Duy. Hai chi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy chính là nhóm Huệ. Do đó, cẩn thận ghi nhận đề mục trong từng sát na là vun bồi Giới-Định-Huệ hay phát triển Bát Chánh Đạo. Đây là diệu đế thứ tư hay sự thật cao diệu về con đường đưa tới sự chấm dứt khổ tức Đạo Đế (maggasacca). Diệu đế này cần phải được phát triển qua thiền tập.

Người thầy nên giảng giải rành rẽ Tứ Diệu Đế qua pháp hành như thế. Tu tập Giới Định Huệ hay Bát Chánh Đạo giúp cho cá nhân có được kinh nghiệm về những gì cần phải kinh nghiệm hay Khổ Đế, nhận thức những gì cần phải nhận thức hay Tập Đế, thực chứng những gì cần phải thực chứng hay Diệt Đế, và phát triển những gì cần phải phát triển hay Đạo Đế. Đó là Tứ Diệu Đế hay bốn sự thật cao diệu mà Đức Phật đã dạy.

Giảng dạy bằng cách này, người thầy hay người bạn đạo lý tưởng có khả năng giải thích được Tứ Diệu Đế về cả hai phương diện lý thuyết và thực hành để giúp hành giả tạo loại thiện nghiệp đưa đến giải thoát (vivaṭṭagāmi kusala). Loại thiện nghiệp này không đưa đến tái sinh nên nhờ đó đau khổ sẽ bị đoạn trừ hầu cuối cùng thành đạt loại hạnh phúc bảo đảm. Đây là trạng thái an bình giải thoát do được chan hòa với chân lý cao diệu qua kinh nghiệm thực chứng.

  1. Không Lợi Dụng Hay Không Xúi Dục Học Trò Làm Điều Không Thích Nghi (no ca ātthāne niyojeti) Để Được Lợi Cho Cá Nhân.

Người bạn đạo lý tưởng một cách cụ thể chỉ rõ giới luật để có được sự cư xử tốt đẹp qua thân, khẩu và phương pháp hành thiền đúng theo Bát Chánh Đạo để thanh lọc tâm. Sư cho thí dụ về lái xe. Trong việc lái xe, nếu người lái xe lái đúng tốc độ, tôn trọng luật lệ lưu thông, kiểm soát xe đúng cách, chạy chậm khi gặp đường ngoằn ngoèo, dừng lại khi đến đèn đỏ thì sẽ tránh được lỗi lầm. Do tránh được lỗi lầm nên không gây tai nạn làm hại mình cũng như người khác. Tương tự, hành giả giữ giới tròn đầy và hành thiền Minh Sát Niệm Xứ đến mức độ tương đối thỏa mãn sẽ có thân khẩu ý trong sạch và biết kiểm soát cuộc đời mình giống như người lái xe thuần thục.

Người bạn đạo lý tưởng không bao giờ diễn dịch chánh pháp (dhamma) thành tà pháp (adhamma) hay sửa đổi giới luật (vinaya) theo ý mình nhằm mục đích xúi bảo người khác làm điều sai quấy. Chữ “āṭṭhāna” trong “no ca āṭṭhāne niyojeti” có nghĩa là những gì không phù hợp, không thích nghi. Vì lẽ đó, Sư giải thích rằng người bạn đạo lý tưởng không có tính lợi dụng người khác. Người thầy có phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng không xúi ai làm điều không thích nghi và không hề có ý lợi dụng bạn đạo hay đệ tử để làm lợi cho chính mình.

Với những phẩm tính cao quý như thế, người bạn đạo lý tưởng luôn sống và làm việc vì lợi ích của người khác. Do đó, hành giả cần có người thầy hướng dẫn với đầy đủ các phẩm tính của người bạn đạp lý tưởng để hướng dẫn cho mình tu tập.

Những Phẩm Tính Khác

Theo cách giải thích khác, Tăng Chi Bộ Kinh và Chú Giải Thanh Tịnh Đạo liệt kê nhiều phẩm tính của người bạn đạo lý tưởng như: đức tin (saddhā), giới hạnh (sīla), kiến thức (suta), bố thí (cāga), tinh tấn (vīriya), chánh niệm (sati), chánh định (samādhi) và trí tuệ (paññā).

Tinh Tấn (vīriya)

Ngoài bảy phẩm tính kể trên, tinh tấn là một trong những phẩm tính khác của người bạn đạo lý tưởng. Phạn ngữ viriya được dịch là tinh tấn nhưng có nghĩa bóng là can đảm, can đảm thu thúc không làm những gì không nên làm để khỏi bị chê trách, làm những gì phải làm một cách trong sạch và do vậy không tự hại mình và làm hại người khác.

Người này nỗ lực tu tập Giới, Định, Huệ để được lợi lạc cho chính mình và người khác. Người bạn đạo lý tưởng can đảm giữ gìn những gì cần phải giữ gìn cũng như ngăn ngừa và đoạn trừ phiền não kể cả những phiền não ngủ ngầm trong tâm. Với thái độ tu tập như vậy nên không làm thương tổn đến người khác. Người này sẽ có khả năng và nỗ lực chỉ dẫn người khác về cả lý thuyết lẫn thực hành để tránh điều ác, làm điều lành, và giữ tâm trong sạch qua sự vun bồi vun bồi chánh niệm.

Muốn phát triển chánh niệm, người bạn đạo lý tưởng chính mình cũng như hướng dẫn người khác huân tập ba loại tinh tấn là tinh tấn khởi động (ārambha dhātu), tinh tấn triển khai (nikkama dhātu), và tinh tấn ngoại hạng (ātāpā vīriya) như đã được đề cập ở trên.

Chánh Niệm (sati)

Người bạn đạo lý tưởng còn có khả năng thiết lập chánh niệm chặt chẽ và duy trì chánh niệm liên tục (sati-sampattiyā upaṭṭhita-sati hoti).

Với sự ghi nhận khắn khít đề mục, chánh niệm trở nên liên tục và sát na định phát triển. Nhờ vậy phiền não không thể phát sinh. Điều này có nghĩa là với chánh niệm tâm được bảo vệ an toàn khỏi phiền não. Có sự an toàn, tâm không còn bị dao động bởi ái dục cũng như các phiền não khác và tạm thời được bình an. Tiếp tục ghi nhận với tất cả nỗ lực và hướng tâm chính xác, liên tục, chánh niệm trở nên vững vàng làm phát triển sự định tâm mạnh mẽ khiến tâm an trụ trên đề mục. Lúc đó, hành giả phân biệt được danh sắc, hiểu rõ tương quan nhân quả giữa các hiện tượng danh sắc, và kinh nghiệm đặc tính chung vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng này. Sự hiểu biết rõ ràng như vậy xua đuổi vô minh ra khỏi tâm.

Tâm giải thoát khỏi phiền não dù tạm thời là nguyên nhân đưa đến các loại hạnh phúc ẩn cư hay tịnh lạc. Khi hạnh phúc tịnh lạc trở nên mạnh mẽ, hành giả sẽ có nhiều hạnh phúc hơn, nhiều bình an hơn. Tiếp tục tu tập hành giả phát triển được Tuệ Sinh Diệt, hành giả có được nhiều hạnh phúc hơn nữa. Loại hạnh phúc đạt được ở giai đoạn này là một loại hạnh phúc rất lớn lao. Trí tuệ trở nên sâu sắc, hành giả biện biệt ngay cả chi tiết nhỏ nhặt nên cả thân tâm điều an tịnh. Các tịnh quang tâm sở hay trạng thái tâm tốt đẹp được tròn đầy trong giai đoạn này và hành giả kinh nghiệm hạnh phúc khước từ (nekkhamasukha), hạnh phúc ẩn cư (pavivekasukha), hạnh phúc tĩnh lặng (upasamasukha) vượt trội hơn hạnh phúc thế tục rất nhiều lần. Hạnh phúc loài người hay hạnh phúc của chư thiên không thể so sánh được với các loại hạnh phúc này. Ở giai đoạn này cả tâm và trí đều phát triển mạnh mẽ. Hành giả thấy đây quả là loại hạnh phúc khó buông bỏ. Tuy nhiên, còn nhiều hiểu biết khác nữa sẽ xuất hiện ở các tuệ giác về sau.

Chánh niệm vững vàng (satipaṭṭhāna) là loại chánh niệm nên được vun bồi không ngừng nghỉ. Muốn có loại chánh niệm này, hành giả không được lơ đảng mà phải tinh cần thu thúc những gì cần phải thu thúc để không bị hại và làm những gì cần phải làm để được lợi lạc. Sự song hành giữa tinh cần và chánh niệm rất là quan trọng. Con người bị bại hoại về đạo đức cũng vì dễ duôi, không biết giá trị làm người, thiếu chánh niệm để tránh điều ác, làm điều lành và giữ tâm trong sạch. Sau khi đạt được Tuệ Sanh Diệt, nếu tiếp tục tu tập, hành giả sẽ phát triển các tuệ giác cao hơn và cuối cùng thành đạt tuệ giác siêu thế là Đạo Tuệ và Quả Tuệ ngay trong kiếp sống này và có loại hạnh phúc giải thoát (sambodhasukha) vượt xa hạnh phúc trần gian.

Người bạn đạo lý tưởng lấy việc tu tập Giới-Định-Huệ làm hạnh phúc cho chính mình, can đảm thiền tập, nỗ lực ngăn ngừa và đoạn trừ phiền não kể cả những phiền não ngủ ngầm trong tâm. Với thái độ tu tập tích cực như thế, người này luôn trau dồi tinh tấn và chánh niệm, biết tự kiểm soát và có khả năng chỉ dẫn người khác về mặt lý thuyết lẫn thực hành. Do vậy, hành giả nên tìm một người bạn đạo có đầy đủ các phẩm tính như đã được đề cập để thân cận và học hỏi.

Sư không giải thích về vấn đề giải thoát. Sư chỉ giúp hành giả bằng cách chỉ dẫn cách thức thiền tập đúng với những gì Đức Phật đã dạy và phù hợp với kinh điển. Giống như làm toán, nếu giải đúng phương pháp sẽ tìm được kết quả đúng. Do đó, hành giả phải tự mình làm bài để có đáp số đúng là điều quý hơn. Hành giả sẽ thành đạt mục đích giải thoát nếu hành giả tu tập đúng phương pháp.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app