NHỮNG KINH NGHIỆM GIÁC NGỘ

Bây giờ tôi xin được trở lại và trình bày các tầng lớp của những kinh nghiệm giác ngộ. Trước khi đạt đến một trạng thái an tĩnh hoàn toàn hoặc là một sự quân bình trọn vẹn như tôi đã diễn tả, cái chấp và dính mắc của ta về một cái tôi như là một tập hợp ngủ uẩn, thân-tâm này cần phải được tháo gỡ. Ba yếu tố tham, sân và si – năng lượng nằm ở giữa trục bánh xe luân hồi – chúng hành xử cũng giống như những năng lực giữ những điện tử lại với nhau trong một hạt nguyên tử. Chúng tạo dựng nên một cảm nhận về một cái tôi có thật. Ba yếu tố ấy là những năng lượng rất mãnh liệt. Nhưng khi ta có thể tháo gỡ được chúng, bằng một cách nào đó, ta sẽ tiếp xúc được với một trạng thái rất an lạc này, khi mọi việc tự nhiên khởi lên rồi diệt đi theo tự tánh của chúng, không có gì là tốt hay xấu, không có nhân mà cũng chẳng có ngã.

Và ở trạng thái này, sẽ có một số những kinh nghiệm giác ngộ đồng khởi lên một lúc. Chúng xảy ra như một phép lạ. Một trong những kinh nghiệm rất kỳ diệu là cái kinh nghiệm về sự chấm dứt: nghe, thấy, suy nghĩ, hay biết, cảm nhận về cái tôi – mọi việc đơn giản dừng lại. Bạn tỉnh dậy và tự hỏi, “Tôi đang ở đâu đây?” Và cái kinh nghiệm chấm dứt ấy cũng có nhiều “mùi vị” khác nhau. Một là ta có một chánh niệm rất sâu sắc về tất cả mọi hiện tượng của thân và tâm. Một loại khác là kinh nghiệm kỳ diệu về sự trống không. Tất cả đều biến mất, nhưng trong cái trống không đó lại có tàng chứa hết tất cả. Bạn có thể kinh nghiệm được một cách rất thâm sâu, cùng một lúc vừa thấy được nguyên nhân khổ đau và luôn cả con đường giải thoát khổ đau. Đây là một tuệ giác rất sâu sắc về Tứ Diệu Đế.

Và cũng có những kinh nghiệm giác ngộ về cái tự tánh hoàn hảo sẵn có trong mọi vật. Ta thấy được rất rõ cái tính chất toàn vẹn của tất cả mọi sự việc, cái tự tánh như-là của chúng. Niết bàn hay cõi ta bà gì thì cũng đều là một biểu hiện rất toàn vẹn của sự sống. Phiền não tức bồ đề. Bất cứ một cái gì, hễ có mặt tối thì chắc chắn nó cũng sẽ có một mặt sáng, cả hai đều rất cần thiết cho sự biểu hiện của nó. Thiếu một bên, nó sẽ không thể nào hiện hữu được. Với tuệ giác này, ta sẽ thấy rằng không có sự khác biệt giữa ta và người khác, không có gì cần phải làm, không có gì là tốt hoặc xấu. Mọi vật đều toả sáng như châu báu… Đây là những trạng thái giác ngộ rất mầu nhiệm.

Bốn Kinh Nghiệm Giác Ngộ theo Nam tông

Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy thì những chứng nghiệm này sẽ xảy đến với ta theo tuần tự bốn giai đoạn. Nhưng theo tôi thấy thì chúng không hẳn là phải như vậy.

Từ nãy giờ, phần lớn tôi chỉ trình bày đến quý vị về những trạng thái khác nhau của tâm thức. Nhưng câu hỏi mà đức Phật đặt ra là “Làm thế nào để ta chuyển hóa đời sống của mình?” Tấm bản đồ tâm thức mà tôi vừa trình bày với quý vị nói rằng, khi ta có được một kinh nghiệm sâu sắc về Niết bàn hay cái không, ta sẽ diệt trừ được ba cái chấp trong tâm mình. Cái chấp đầu tiên là tự ngờ vực mình, nghi ngờ tự tánh của vạn vật và sự tu tập của mình. Bạn sẽ phá được cái chấp này vì đã thấy được mọi vật khởi sinh lên như thế nào, bạn đã hiểu được thế nào là tự tánh của sự sống. Cái chấp thứ hai bị diệt trừ là đức tin vào những hình thức lễ nghi. Bạn hiểu rằng sự vô sinh và bất diệt không hề phát sinh bởi vì ta tu tập theo một tôn giáo nào, hoặc theo một hình thức lễ nghi đặc biệt nào đó. Sự thật chỉ đơn giản vì nó là chân tánh của sự vật, chứ không hề tùy thuộc vào bất cứ những gì ta làm. Và cái chấp thứ ba bị phá vỡ là niềm tin vào một cái tôi riêng rẽ và cách biệt, ta biết rằng không thể có một cái tôi độc lập hay cá biệt nào hết. Tiến trình giác ngộ đó còn được gọi là quả vị “nhập lưu” (stream-entry).

Có một điều thú vị này là tôi đã có dịp thăm dò và nói chuyện với một số người tự nhận là họ đã đạt được một số những kinh nghiệm giác ngộ khác nhau. Có một số người thì đời sống của họ hoàn toàn thay đổi, trong khi một số khác thì chẳng có gì là khác biệt hết. Tôi cũng không biết là cái gì đã tạo nên sự khác biệt ấy. Tôi mong rằng chúng ta sẽ có những nghiên cứu chính xác và có hệ thống hơn, để ta có thể học hỏi thêm về cái giá trị của những kinh nghiệm giác ngộ sâu sắc này, và chúng đã thay đổi cuộc sống của hành giả sau đó như thế nào.

Và theo truyền thống Nam tông, sự chứng nghiệm giác ngộ kế tiếp có công năng làm suy giảm đi yếu tố tham và sân trong ta. Kinh nghiệm này sâu sắc hơn cả kinh nghiệm giác ngộ thứ nhất, và ta cũng sẽ phải trải qua cả tiến trình ấy một lần nữa, nhưng với một mức độ thâm sâu hơn, và lần này hành giả thật sự buông bỏ được cái tôi của mình. Trong kinh điển gọi quả vị thứ hai này là “nhất lai” (once-returner). Và sự chứng nghiệm thứ ba, còn gọi là quả vị “bất lai” (non-returner), theo tấm bản đồ của truyền thống Nam tông, thì tham và sân sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt. Trên hành trình tu học của tôi trong thế giới Phật giáo, tôi chỉ gặp được một vài người có thể tuyên bố rằng họ đã chứng nghiệm được quả vị này.

Chứng nghiệm giác ngộ sau cùng là quả vị “A la hán” (Worthy One). Ở quả vị này thì ta sẽ hoàn toàn được tự do, không bị dính mắc vào bất cứ một trạng thái tâm thức nào dầu cao tột đến đâu, không kẹt vào bất cứ một thế giới nào dầu hữu hình hay vô hình, không còn một chút tì vết nào của cái tôi hay phân biệt, hoàn toàn thong dong và tự tại.

Hai Quan Niệm Khác Nhau về Giác Ngộ

Một câu hỏi thú vị khác là chúng ta tiếp nhận kinh nghiệm giác ngộ này như thế nào? Trong truyền thống Phật giáo Nam tông, Theravada, thì ta được dạy rằng đây là Niết bàn và đây là cánh cửa giải thoát. Và nếu ta có thể buông bỏ được hết, ta sẽ hoà nhập vào cái bất sinh bất diệt và sẽ không bao giờ phải trở lại với thế giới đầy khổ đau này nữa. Nhưng theo Phật giáo Bắc tông, Mahayana, thì sự tiếp nhận có hơi khác. Ta thấy rõ rằng thế giới này là như huyễn, nhưng ta vẫn chọn lựa trở về lại với cuộc đời vì một tâm từ bao la, với một lời nguyện muốn giúp đở mọi người khác được giác ngộ như mình. Thế cho nên, trong khi một truyền thống công nhận sự khổ đau và nói rằng ta không cần phải tham dự vào nữa, một truyền thống khác cũng tiếp nhận cùng một kinh nghiệm ấy, nhưng khuyên ta nên trở lại với cuộc đời, không như là một cái tôi riêng rẽ, nhưng là một biểu hiện của tâm từ, cho đến khi tất cả đều được giác ngộ.

Theo tôi nghĩ thì sự tiếp nhận và giải thích kinh nghiệm giác ngộ ấy khác nhau, trong lãnh vực tri thức, cũng là một vấn đề đáng cho chúng ta tìm hiểu thêm.

Có ai nghiên cứu về những chứng nghiệm giác ngộ này chưa?

Trong một khảo cứu, Jack Engler có đi sang Ấn độ và yêu cầu một số vị đã hành thiền nhiều năm, và đạt một số chứng đắc, lấy những bài trắc nghiệm Rorschach và Thematic Appreciation Test (TAT). (Lời người dịch: Đây là những bài thử nghiệm về tâm lý mà các nhà phân tâm học sử dụng để nhìn vào, thăm dò phần vô thức của đối tượng hoặc bệnh nhân của họ. Đối tượng được trao cho một số những tấm hình hoàn toàn vô nghĩa, và yêu cầu họ nói lại những gì họ nghĩ hoặc ghi nhận về tấm hình ấy). Những vị được Jack chọn thử nghiệm này đã được người chung quanh công nhận rằng họ đã có một số chứng đắc về giác ngộ nào đó, nhưng Jack Engler khám phá rằng cuộc sống của họ vẫn còn đủ mọi vấn đề rắc rối và khó khăn. Kinh nghiệm giác ngộ của họ đã mang lại cho họ một niềm tin bất lay chuyển, nhưng sao trong đa số các vị ấy vẫn còn khá đầy đủ những tham, sân và si. Trong số những vị ấy, Jack có làm việc và thử nghiệm với một phụ nữ – bà ta là một trong những thiền giả nổi tiếng nhất trong truyền thống Phật giáo Nam tông hiện nay – và phản ứng của bà đối với những tấm hình trên mười tấm thẻ TAT rất là đáng ghi nhận. Nhìn vào mỗi tấm thẻ, bà ta kể một câu chuyện về tấm hình trên ấy, mà có liên quan đến chính bà và cùng với một vấn đề rộng lớn nào đó – như là giáo pháp, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo… Và bà ta cũng còn liên kết, nối liền hết mười tấm thẻ hình ấy lại với nhau thành một câu chuyện dài và mạch lạc.

Khi trở về đại học Harvard, Jack có trao đổi và hỏi các đồng nghiệp xem có ai đã từng gặp những trường hợp như vậy chưa. Chỉ có một trường hợp duy nhất xảy ra được ghi lại trong hồ sơ là trong cuộc nghiên cứu ở vùng rừng già nhiệt đới Amazon, khi họ phỏng vấn một số các bậc thầy pháp sư (shaman) của những bộ lạc khác nhau. Vị pháp sự già nhất và thông thái nhất trong nhóm đã có thể kể lại mạch lạc một câu chuyện về sự thành lập của vũ trụ qua hết mười tấm hình.

Và sử dụng thêm phương pháp của Rorschach, Jack cũng không thể tìm thấy bất cứ một dấu hiệu của yếu tố tiêu cực nào trong tâm thức của bà ta. Có một ngày, khi chúng tôi hỏi rằng, mỗi khi bà ngồi rảnh rang hay khi nói chuyện với chúng tôi, trong tâm bà suy nghĩ những gì, bà đáp, “Trong tâm tôi bao giờ cũng chỉ có ba điều thôi. Tâm từ, sự tĩnh lặng và an lạc.” Và chỉ cần tiếp xúc hay nói chuyện với bà thôi, ta cũng bắt đầu có những niềm tin về các thành quả trên con đường thiền tập.

Nói chung thì cuộc nghiên cứu của Jack Engler đưa ra một đề nghị rằng, nếu chúng ta muốn thật sự tìm hiểu chính xác ảnh hưởng của những kinh nghiệm giác ngộ khác nhau, ta cần phải phân biệt mỗi kinh nghiệm ra một cách rõ ràng, và rồi từ đó ta mới có thể tìm hiểu sâu hơn về ảnh hưởng của chúng.

Hai Khuynh Hướng Chuyển Hóa

Thật ra, tôi thấy có hai khuynh hướng dẫn đến sự giải thoát hoặc chuyển hóa. Tôi nghĩ hai khuynh hướng này sẽ khơi dậy những câu hỏi lớn cho các nhà tâm lý trị liệu, những ai muốn tìm hiểu về phương cách nào mà có thể giúp người ta tự chuyển hóa.

Một khuynh hướng chú trọng về những kinh nghiệm đặc biệt mà ta cần phải đạt đến, để có thể giúp ta đập tan hoặc bứng nhổ tận gốc rễ những khuynh hướng chấp ngã, sợ hãi, nắm bắt, hành xử từ một cái tôi nhỏ bé và rất giới hạn. Khuynh hướng thứ hai, cũng rất hay, là chú trọng về sự thay đổi cái nhìn, nhận thức của mình. Có người không thấy rằng mình có thể buông bỏ được những tham, sân, si của mình, nhưng họ kinh nghiệm được một sự chuyển đổi trong cái tôi của họ, thấy rằng mình cũng có một liên hệ rất mật thiết với mọi sự sống khác chung quanh. Tham và sân cũng có thể vẫn còn khởi lên, nhưng chúng không thể ảnh hưởng đến cái cảm nhận mới về một cái tôi rộng lớn này, không có sự dính mắc, và họ cũng không cần phải hành xử theo chúng. Đó là hai đường lối rất khác biệt mà hành giả có thể chuyển hoá qua một thời gian dài. Và tôi rất hoan hỷ nếu có thể được quý vị tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Chuyện Gì Sẽ Xảy Ra Sau Khi Ta Có Những Chứng Nghiệm Tâm Linh?

Và chuyện gì xảy ra cho các hành giả sau khi họ đã chứng nghiệm được những kinh nghiệm sâu sắc này, sau những khóa tu tích cực nhiều ngày? Cho dù đó có là một sự chuyển đổi lớn trong nhận thức hay là một sự bứng nhổ tận gốc rễ, phần lớn hành giả mà tôi biết thường có khó khăn hoà nhập trở lại với cuộc sống hằng ngày. Có người thì không có một vấn đề nào hết, nhưng có người dường như không còn biết mình là ai, làm sao để lái xe, làm sao kiếm việc làm. Thế giới tâm thức ngày xưa của họ bây giờ dường như bị phá vỡ hoàn toàn. Có người thì có những thay đổi rất rõ rệt và lớn lao, và có người thì chẳng có gì biến đổi hết. Tôi nghĩ khoa tâm lý học của chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm tại sao lại có một sự khác biệt này.

Có một việc quan trọng mà những ai muốn nghiên cứu hoặc tìm hiểu về kinh nghiệm thiền quán cần nên hiểu là, trong ta có những trạng thái tâm thức riêng biệt, và những ngăn khác nhau trong thế giới tâm lý của mình. Và cũng vì những ngăn khác biệt nhau này mà một người có thể có được một kinh nghiệm giác ngộ rất thâm sâu, và dầu vậy, trên một bình diện khác, họ vẫn là một người rất khờ khạo và có thể làm đủ chuyện sai lầm hết. Tôi có một kinh nghiệm này khi mình mới từ giã tu viện và trở về với đời sống hằng ngày. Trong thời gian mười năm đầu của con đường tu tập, tất cả những kinh nghiệm tu học và hành thiền của tôi đều thuộc về lãnh vực tâm linh. Tôi nhìn thấy những hình ảnh kỳ lạ, thân tôi tan rã vào ánh sáng, tôi có đủ hết mọi những kinh nghiệm huyền bí khác nhau. Nhưng khi tôi trở lại với đời sống hằng ngày, khi tôi bắt đầu trở về với những liên hệ với người chung quanh, và công việc làm, tôi khám phá là như mình chưa từng bỏ đi bao giờ. Tôi không thay đổi một chút nào hết! Mọi phản ứng và cách cư xử của tôi đều vẫn y như xưa. Trong mười năm tu tập qua, tôi đã không làm gì để chuyển hóa con tim của mình hết. Tôi không hề biết cảm xúc của mình như thế nào, làm sao để đối xử với cơn giận của mình, làm sao để đến gần một người khác, tôi sợ sự thân mật, một sự sợ hãi trong tim. Trong những năm qua tôi tránh né những vấn đề ấy bằng cách đi vào những tầng tâm thức hoan hỷ và chói sáng, nhưng khi trở lại thì tất cả mọi việc vẫn còn y nguyên đó, chờ tôi giải quyết. Và sau đó, tôi đã bỏ thêm mười năm nữa để thực hành các phương pháp trị liệu, những pháp môn thiền tập về trung tâm quả tim, trau dồi mối liên hệ của mình với người chung quanh – mà lắm khi cũng rất là đau đớn. Tôi học lại cách tiếp xúc với con tim của mình và những trò chơi của quan hệ con người với nhau.

Sau những kinh nghiệm ấy thì tôi hiểu rằng, tôi đã không thật sự sống với thân của mình như tôi vẫn tưởng. Tôi đã dùng thân này để leo lên những ngọn núi cao tầm đạo, ngồi thiền bên cạnh dòng sông Hằng liên tục trong suốt mười hai giờ, nhưng thật ra tôi không hề biểu hiện được cái mong ước tu tập của mình. Vì vậy, trong thời gian về sau, tôi thực tập trở về an trú nơi thân của mình. Tôi trở về với phần con người của mình, nếu quý vị hiểu ý tôi muốn nói. Và tôi cũng xin nhắc lại rằng, những chia sẻ này chỉ có mục đích muốn gợi lên nơi quý vị ở đây những thắc mắc về các phương cách chuyển hóa cuộc sống qua thiền tập. Một điểm chánh quan trọng mà tôi muốn các nhà tâm lý học nghiên cứu chú ý đến là, trong tâm thức của ta có rất nhiều ngăn và tầng lớp chứa những năng lượng rất lớn. Một ngăn này có thể được mở ra trong khi ngăn kia vẫn còn đóng kín.

Và câu hỏi tôi muốn gợi lên là, những kinh nghiệm huyền bí tâm thức ấy chúng thật sự có một giá trị gì trong sự chuyển hóa sự sống của mình không?

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app