NGHIÊN CỨU VÀ TÌM HIỂU VỀ THIỀN

Phần lớn thì những tìm hiểu và nghiên cứu về thiền của chúng ta ở xứ sở này còn rất ấu trĩ. Lúc ban đầu, người ta chỉ chú trọng nhiều về những đo lường có liên quan đến các hiện tượng sinh tâm lý. Đa số những nghiên cứu ấy có giả định cho rằng thiền chỉ có một trạng thái duy nhất, và đó là một giả định rất sai lầm. Thật ra có đến hằng trăm hay hằng ngàn các trạng thái thiền định khác nhau. Chúng ta không thể nào nói rằng mình biết đại dương là gì khi ta chỉ nhìn thấy một khoảng nhỏ của vịnh San Francisco Bay. Thiền có nhiều trạng thái khác nhau, chúng được khơi lên qua nhiều đường lối khác nhau, chúng có đủ loại màu sắc, đặc tính, tầng cấp và ảnh hưởng khác nhau.

Và, thiền không nhất thiết phải phát triển theo một đường thẳng, mặc dù ở đây tôi sẽ trình bày theo một mô hình thẳng cho dễ hiểu. Và bây giờ điều đầu tiên hết, trước khi ta tìm hiểu sâu hơn về vấn đề nghiên cứu thiền, ta nên thử nhìn sơ qua tấm bản đồ căn bản của nó. Những trạng thái chánh của thiền là gì? Những con đường nào dẫn ta đến các trạng thái ấy? Chúng có những liên hệ gì với nhau? Và từ đó ta sẽ có thể tìm hiểu thêm về những trạng thái cũng như ảnh hưởng của chúng trên một bình diện dài lâu và thâm sâu.

-ooOoo-

Kinh Nghiệm Trong Một Khóa Tu Thiền Quán

Tôi xin được trình bày đến quý vị về kinh nghiệm của ba tháng thiền quán Vipassana, cũng như nêu lên một số vấn đề cho những bạn nào thích tìm hiểu, nghiên cứu về thiền quán.

Thường thì mỗi khóa tu ba tháng như vậy có khoảng chừng một trăm người tham dự. Tất cả cùng phát nguyện giữ thinh lặng trong vòng ba tháng – chỉ được phép nói chuyện với vị thầy mỗi ngày khoảng 10 – 15 phút trong giờ trình pháp. Các thiền sinh tinh tấn thực hành thiền tập: ngồi thiền một tiếng, đi kinh hành một tiếng, ngồi một tiếng, lại đi một tiếng, và cứ tiếp tục như vậy, mỗi ngày từ khi thức dậy lúc 5 giờ sáng, cho đến khi đi ngủ vào lúc 10 giờ tối, hoặc có khi là nửa đêm. Thiền sinh chỉ nghỉ vào giờ ăn trong chánh niệm, cũng như lúc tắm rửa, mọi công việc đều được làm với một ý thức rõ ràng trong suốt ngày.

Và việc gì sẽ xảy ra khi người ta thực tập như thế? Đầu tiên hết là sẽ có đủ mọi những kinh nghiệm rất sâu sắc xảy ra trong thân, và đôi khi, là những trường hợp chữa lành bệnh rất kỳ diệu. Khi ta ngồi giờ này sang giờ khác và thật sự chú ý đến những gì xảy ra trong cơ thể của mình, thân ta sẽ bắt đầu thư giãn và mở ra. Và những chuyển hóa sâu sắc nhất sẽ tự nhiên xảy ra mà không cần ta phải làm gì hết, chỉ đơn giản chú ý đến cái tiến trình của nó. Tôi đã từng thực hành nhiều phương pháp, cách thức trị liệu cơ thể khác nhau, nhưng chưa có phương cách nào lại có thể so sánh với cái năng lượng chuyển hóa của thiền quán, phát xuất từ bên trong, khi ta ngồi trong chánh niệm liên tục nhiều ngày như vậy. Sẽ có một sự tháo gỡ những gút mắt trong thân xảy ra. Sẽ có những động tác cơ thể tự nhiên phát khởi, có những trường hợp thiền sinh tự nhiên uốn thân vào những tư thế du-già đặc biệt. Có người cảm thấy như có lửa hay sự lạnh buốt di chuyển trong thân. Những trạng thái ấy thường được các thiền sinh diễn tả như là những luồng năng lượng của các luân-xa theo Ấn độ giáo, hoặc như là những đường kim châm cứu. Và chính những phương pháp của các vị như Jon Kabat-Zinn, Joan Borysenko và Stephen Levine cũng đã đặt nền tảng trên nguyên lý rằng thiền chánh niệm có thể làm khơi động một năng lượng trị liệu rất sâu sắc. Giáo sư Herbert Benson của đại học Harvard cũng đã thử nghiệm trên các vị sư Tây tạng, cho thấy rằng các vị ấy có thể dùng thiền định để khiến cơ thể phát ra một nhiệt lực rất mạnh, điều này cho ta thấy chúng có thể kiểm chứng được.

Và cũng có một sự bùng vở trong lãnh vực cảm xúc xảy ra. Chúng có thể là những cơn bão của hạnh phúc, ưu sầu, cô đơn, sợ hãi, hoặc hỷ lạc… trôi ngang qua ta biến đổi như thời tiết, và cũng có thể chúng ở lại ngay trong thân ta một thời gian. Có một phương pháp giúp ta nhận diện và tiếp xúc với những cảm giác ấy, những ký ức và cảm xúc trong thân, danh từ Phật học gọi là các tâm hành (samskaras), ở những nơi khác nhau trong thân mình. Trong thiền quán, ta có thể chọn một nơi nào có nhiều vấn đề trong thân, và đặt sự chú ý của mình vào nơi đó trong một thời gian. Khi sự chú ý của ta kiên trì đúng mức, nó sẽ dần dà khai mở được hết những ký ức, hình ảnh và ý niệm mà nó hằng ôm giữ chặt ở đó. Và cuối cùng, tất cả những gút mắt ấy trong thân sẽ được tháo gỡ và cởi mở ra hết. Chúng có thể là những gì mà bạn đã hằng mang giữ trong bạn suốt đời mình, nếu không nói là nhiều kiếp trước nữa. Và sự thực tập này cũng khơi lên một số vấn đề khá thú vị khác nữa.

Một Vài Vấn Đề Thú Vị

Trong những khóa tu, một điều kiện giúp cho những sự khai mở này có thể xảy ra được là một môi trường nghiêm túc và thích hợp. Môi trường ấy giúp tạo nên một hoàn cảnh, một không gian an toàn cho một sự khai mở sâu thẳm. Điều ấy rất quan trọng, những không gian nghiêm túc trong những khóa tu nhất thiết cần phải được ghi nhận và duy trì.

Và thường thường, các thiền sinh cũng có thêm những kinh nghiệm kế tiếp sau đây, mà tôi gọi là lịch sử cá nhân (personal history). Nhiều người có những kinh nghiệm về quá khứ của mình rất là sâu xa. Ví dụ, có người khi vào gặp tôi để trình pháp họ nói rằng, “Hôm nay, đến giờ ăn trưa tôi đi xuống phòng ăn. Trong khi nhai đột nhiên tôi thấy mình trở lại thành một đứa bé một tuổi. Tôi thấy mình đang ngồi đó cầm chiếc muổng và đập mạnh xuống bàn.” Trong thiền quán, những hình ảnh hoặc ý niệm quan trọng về những cảm nhận của ta đối với chính mình hoặc người khác, chúng sẽ khởi lên. Như tôi đã trình bày, các thiền sinh thường hay có những kinh nghiệm về ký ức thời ấu thơ của mình, ngay cả trước khi biết nói, họ thấy rất rõ được cơ thể của mình cảm xúc như thế nào trong những tháng đầu đời, những bước chân chập chững tập đi có cảm giác ra sao, những mùi vị của món ăn đầu tiên. Và trong thời gian trở về quá khứ này, sẽ có những vấn đề khó khăn, những nội kết mà chúng ta đã vô ý thức ôm giữ nó trong thân, trong tâm và tình cảm của mình từ bấy lâu nay. Chúng sẽ tự nhiên sàng lọc lại, khởi lên và muốn được ghi nhận. Và có một câu hỏi được đặt ra ở đây mà tôi nghĩ chúng ta cần nên tìm hiểu thêm. Chúng ta có thể tin tưởng rằng mọi việc sẽ được khai mở một cách có lớp lang và thứ tự chăng? Chúng ta có cần phải trực tiếp hướng dẫn những cảm xúc ấy, hay ta để cho chúng khai mở tự nhiên và chỉ cần tạo một không gian và điều kiện thích hợp thôi là đủ rồi?

Sơ Định, Cánh Cửa Hạnh Phúc

Và cuối cùng hết, thiền sinh sẽ đi đến một kinh nghiệm gọi là sơ định hay là định cận hành (access concenrattion). Sơ định là một cánh cửa mở rộng ra cho ta bước vào con đường giải thoát và hạnh phúc. Tâm ta lúc này đã được yên. Đến giai đoạn này, trong thân ta không còn một gút mắt hoặc đau đớn nào nữa hết, những cảm xúc mãnh liệt cũng giảm bớt đi, những tư tưởng thương, ghét, quá khứ, tương lai cũng từ từ chậm lại. Không còn những dính mắc nữa, tâm ta sẽ cảm thấy thật yên và hạnh phúc. Những tư tưởng vẫn sẽ tiếp tục khởi lên, nhưng ta không còn bị dính mắc và bị chúng lôi kéo nữa. Ta sẽ có khả năng theo dõi được những tư tưởng của mình khởi lên và rồi qua đi. Thật ra, bạn sẽ có thể cảm nhận được một cảm giác nhẹ trong thân trước khi có một tư tưởng khởi lên, cũng giống như một bong bóng nước trồi lên mặt. Bạn có thể biết rằng có một tiến trình tư tưởng đang phát khởi từ phần tiềm thức (unconsciousness) và đi qua phần ý thức (consciousness). Lúc này, bạn có đủ sự tĩnh lặng để thấy được tiến trình của nó, thay vì bị dính mắc vào phần nội dung của nó.

Giai đoạn này gọi là sơ định, hay là cận hành định. Đến giai đoạn này bạn sẽ có được một niềm tin rất lớn trên con đường tu tập, vì bạn có thể nhìn và tiếp xúc được với mọi sự việc một cách mới mẻ, như chưa từng có bao giờ.

 

 

Trả lời