Nội Dung Chính
BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀṬIMOKKHA SAṂVARASĪLA) – Tiếp theo
VII. Bảy mươi lăm điều học ưng học pháp (sekkhiyavatta)
Ưng học pháp là điều học mà chư tỳ khưu, sa di phải học và hành. Chia làm 4 phần: mặc y cho nghiêm trang, phần thứ nhất, có 26 điều (sārūpa); thọ thực cho tề chỉnh, phần thứ nhì, có 30 điều học (bhojanapatisaṃyutta); thuyết pháp cho đúng phép, phần thứ ba, có 16 điều học (dhammadesanāpatisamyutta); lượm lặt, phần thứ tư, có 3 điều (pakiṇṇaka).
1. Mặc y cho nghiêm trang – phần thứ nhất (sārūpa). Có 26 điều học:
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta phải mặc, đắp y cho kín mình (parimaṇdalanivāsana).
Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư mặc y nội phía trước và phía sau không đồng, làm cho thiên hạ chê trách.
Chú giải: Phải mặc y nội phía trên cho kín rún, phía dưới từ đầu gối xuống 8 ngón tay như thế gọi là mặc kín mình. Nếu dể duôi, mặc phía trước hoặc phía sau xệ xuống, phạm tác ác.
Nếu phạm 1 trong 75 điều “ưng học pháp” gọi là phạm tác ác cả, không cố ý, quên không biết có bịnh, có điều rủi ro, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
Không cố ý là: Tính mặc cho kín mình thiệt mà quên, rồi mặc không kín như thế gọi là không cố ý; không phạm tội: tâm tưởng nơi khác, rồi mặc không kín như thế gọi là quên, quên nên không phạm tội. Không biết mặc cho kín như thế, gọi là không biết, không phạm tội, nhưng lệ thường, tỳ khưu phải học hỏi trước, nếu không học hỏi trước, như thế gọi là dể duôi, cũng không khỏi phạm tác ác.
Tỳ khưu nào, đầu gối lớn, ống chân dài, mặc y phục xuống khỏi 8 ngón tay cho kín cũng nên. Tỳ khưu có ghẻ nơi đầu gối hoặc trong chân như thế gọi là có bịnh, mặc y cao lên hoặc thấp xuống cũng nên. Thú dữ rượt hoặc bọn cướp đánh đuổi gọi là: có điều rủi ro, trong khi rủi ro như thế không phạm.
Các nguyên nhân không sanh tội nhất là: không cố ý như đã nói trên, cũng kể vào trong tất cả điều học ưng học pháp sẽ giải ra phía sau, nơi nào có điều chi khác nhau sẽ giải thêm trong điều ấy.
Trong tất cả điều học ấy, đều không phạm tội vì bảo kẻ khác làm (anāṇattika). Ðiều học này có 3 chi: không dè dặt cẩn thận (anādasiyaṃ); không có nguyên nhân không phạm tội (anāpatti karaṇābhāvo); mặc không kín mình (aparimandalaṃ nivāsanaṃ). Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tác ác.
Trong mỗi điều học ưng học pháp đều có 3 chi giống nhau như trong điều học này. Cho nên trong mấy điều học sau, không cần phải nói đến phần chi phạm tội nữa.
Chỗ sanh tội sẽ giải ra phía sau cuối cùng. Trong mỗi câu đầu của ưng học pháp không nói tên tội, chỉ có câu: tỳ khưu nên làm như vầy; “đều đủ cả điều học” (sikkhākaranīyā). Biết rằng phạm tội tác ác, vì tiếng “không cẩn thận” mà làm thì phạm tác ác. Cho nên phía sau không cần phải nói tên tội nữa, cũng nên biết là phạm tội vì không cẩn thận.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên đắp y cho kín mình, mặc y vai trái phía dưới từ đầu gối xuống khoảng 4 ngón tay, phía trên trùm cho kín cánh chỏ tay trái (parimandala pārāpana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên trùm y cho kín mình khi đi vào khoảng nhà (supaṭicchanno antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên trùm y cho kín mình khi ngồi trong khoảng nhà (supaṭicchanno antaragharenisīdana);
Vào ngụ trong khoảng nhà dầu ngồi rồi ra y, mặc cho kín mình (như trong khi ở trong chùa) trong lúc ban ngày hoặc ban đêm cũng không phạm tội.
Tiếng “vāsupagatassa” trong kinh chú giải rằng: “đi vào để ngụ”, nhưng không định ngụ đêm hay là ngụ đỡ. Có chỗ lại nói “vāsupagato” nghĩa là đi vào ngụ đêm.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên thu thúc cho chánh đáng là không nên múa tay quơ chơn khi đi vào khoảng nhà (susamvuto antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên thu thúc cho chánh đáng là không múa tay quơ chơn khi ngồi trong khoảng nhà (susaṃvuto antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên ngó xuống là xem phía trước, xa 4 hắc khi đi vào khoảng nhà (nghỉ đứng trong nơi nào rồi liếc xem để ngừa sự rủi ro tai hại: như voi, ngựa, xe cũng nên) (okkhittacakkhuantaraghare gamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên ngó xuống xa 4 hắc khi ngồi trong khoảng nhà (okkhittacakkhu antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên dở y lên khi đi vào trong khoảng nhà, dầu trong khi thọ thực cũng không nên dở y lên (na ukkhittakāya antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên dỡ y lên, khi ngồi trong khoảng nhà (na ukkhittakāya antaraghare nisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không cười lớn tiếng khi đi vào khoảng nhà, dầu có bịnh cũng không khỏi phạm tội (na ujjhaggikāya antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không cười lớn tiếng khi ngồi trong khoảng nhà. Nếu có cớ nên cười, thì mỉm cười, không phạm tội (na ujjhaggikāya antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên nói nhỏ nhẹ khi đi vào khoảng nhà (appasaddho antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta nên nói nhỏ nhẹ khi ngồi trong khoảng nhà (appasaddho antaragharenisīdana). Nói nhỏ nhẹ là như nhà bề dài 12 hắc, đại đức (sư cả) ngồi đầu, vị thứ nhì ngồi giữa, vị thứ ba ngồi sau chót.
Nếu vị cả nói với vị thứ nhì, vị này vừa đủ nghe rõ, còn vị thứ ba chỉ nghe tiếng mà không phân biệt được lời lẽ chi của 2 vị ngồi trước, như thế gọi là nói nhỏ nhẹ. Còn nói lớn tiếng là tiếng nói nghe đến vị thứ ba phân biện được sự lý, như thế gọi là lời nói lớn.
Trong kinh chú giải nói: phân biện tiếng nhỏ, tiếng lớn là tiếng nói thường không nhỏ không lớn nhưng có người có tiếng lớn, có người có tiếng nhỏ. Vậy nên nói tiếng thường làm mẫu.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không uốn mình khi đi vào khoảng nhà (nakāyappacālakaṃ antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không uốn mình khi khi ngồi trong khoảng nhà (nakāyappacālakaṃ antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đánh đồng xa khi đi vào khoảng nhà (nabāhuppacālakaṃ antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên uốn vai khi ngồi trong khoảng nhà (nabāhuppacālakaṃ antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên lắc đầu khi đi trong khoảng nhà (nasisappacālakaṃ antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không lắc đầu khi ngồi trong khoảng nhà (nasīsappacā lakaṃ aṃantaragarenisīdana). Nên ngồi cho thân thể, tay chân ngay thẳng, trong khi ngồi trong khoảng nhà.
Trong 3 điều học nói về khi ngồi ấy, nếu vào ngụ đêm trong xóm, dầu uốn mình, lắc đầu cũng không phạm tội.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên chống nạnh khi đi vào trong khoảng nhà (nakhambhakato antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên chống nạnh khi ngồi trong khoảng nhà, vào ngụ đêm chống nạnh không phạm tội (nakhambhakato antaragharenisīdana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên trùm đầu khi đi vào trong khoảng nhà (na ogunthito antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên trùm đầu khi ngồi trong khoảng nhà (na ogunthito antaragharenisīdana). Vào ngụ đêm trùm đầu không phạm tội.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên nhón gót khi đi vào trong khoảng nhà (na ukkutikāya antaragharegamana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ngồi khoanh tay choàng đầu gối khi ngồi trong khoảng nhà (napallathikāya antaragharenisīdana), vào ngụ đêm không phạm tội.
Trong cả 26 điều này, tỳ khưu vì dể duôi, cố ý làm sai luật cấm phạm tác ác.
Không cố ý, quên, không biết, có sự hại và tỳ khưu bịnh, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
2. Thọ thực cho chỉnh tề – phần thứ nhì (bhojanapatisamyutta). Có 30 điều học:
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên chú ý thọ lãnh vật thực cho đúng phép, là không làm như thế lấy đem đi đổ bỏ vì giận (sakkaccaṃ piṇḍapāta patiggahaṇa).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: khi thọ thực ta chỉ nên ngó trong bát (pattasaññi piṇḍapāta paṭiggahana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ nên thọ lãnh canh vừa với cơm (samasūpaka piṇḍapāta paṭiggahana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ nên thọ lãnh vật thực vừa miệng bát (samatittika piṇḍapāta paṭiggahana), dầu thọ lãnh vật ajāmakālika, sattāhakālika hoặc yāvajivika đầy tràn bát cũng nên.
Nếu thọ lãnh 2 bát nên thọ trước 1 bát rồi để vào nơi khác gởi về chùa, rồi thọ thêm nữa, hoặc mía đã róc, chặt ra từng đoạn, hoặc trái cây mà họ gói lại để lên bát, như thế nói là vun bát cũng không đặng, cho nên thọ lãnh cũng nên.
Trong điều này, dầu tỳ khưu đau thọ lãnh vật thực, vung tràn bát cũng không khỏi tội.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta nên ăn cho chỉnh tề (sakkaccaṃ piṇḍapāta bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: khi ăn ta chỉ nên ngó trong bát (pattasaññi piṇḍapāta bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta phải ăn vật thực cho đều, là không ăn sâu giữa bát, hoặc đùn vun lên (sapadāna piṇḍapāta bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta chỉ dùng canh cho vừa với cơm (samasūpaka piṇḍapāta bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đùa cơm vun lên giữa bát mà ăn (nathūpikato omadditā piṇḍapāta bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên đùa cơm khuất lấp đồ ăn, cố ý muốn được nhiều thêm nữa, dầu tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.
Nếu không cố ý muốn được thêm mà đùa khuất vật thực không phạm tội (nasūpaṃ vā byañjanaṃ vā odane napaṭicchādana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh không xin vật thực để ăn; xin nơi bà con hoặc nơi người có yêu cầu, hoặc xin cho người khác không phạm tội (nasūpaṃ vā byañjanaṃ vā odanaṃ vā agilāno attano atthāya viññāpetvā bhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên liếc xem bát vị khác, cố ý tìm lỗi người, tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.
Liếc xem cố ý cho thêm, hoặc không cố ý tìm lỗi không phạm tội (na ujjhāna saññiparesaṃ pattaolokana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không làm vắt cơm cho lớn quá bằng trứng ngỗng, gọi là lớn quá, nhỏ bằng trứng gà gọi là nhỏ quá, nhỏ hơn trứng ngỗng, lớn hơn trứng gà thì vừa (nātimahan takavalakarana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta làm vắt cơm cho tròn không dài (parimandala ālopakarana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: khi vắt cơm chưa đến miệng, ta không hả miệng chờ (na anāhataka valemuhkadvā ravivarana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: trong khi ăn, ta không nhét trọn bàn tay vào miệng (nabhuñjamanosabbamhatthammukhepakkhipana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói chuyện khi vật thực còn trong miệng (nasakavalena mukhenabyāharaṇa).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không thảy vật thực vào miệng mà ăn (napindukkhepakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không cắn vắt cơm mà ăn (nakavalāvaccedakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ăn độn cơm bên má như khỉ ăn (na avagaṇḍakārakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không búng rảy tay trong khi ăn (rảy rác được) (nahatthaniddhūnakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không làm cho cơm đổ, liệng, bỏ rác, có đổ cơm không phạm tội (nasiṭṭhāvakārakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: trong khi ăn ta không le lưỡi ra khỏi miệng (na jivchānicchārakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ăn và chắp (nacapucapukārakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không dùng vật thực nghe tiếng rột rột (nasurusurukārakabhuñjana).
Ðiều học này, đức Phật cấm chế tại Ghosita tịnh xá, gần thành Kosambī, do 1 vị tỳ khưu nghe tăng thọ sữa húp rột rột rồi giễu rằng: có lẽ tăng húp sữa cho nguội chăng?
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ăn, liếm tay (nahatthanilehakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nên ăn liếm bát và vét bát (napattanillehakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không liếm môi trong khi ăn (na otthanille napattanillehakabhuñjana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không dùng tay còn dính vật thực, cầm đồ đựng nước, tính đem rửa tay hoặc cho người khác rửa, cầm không phạm tội (nasāmi senahatthenapā nīyathālakapaṭiggahana).
Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesakalā gần thành Sumsumāratira, do chư tỳ khưu tay còn dính cơm mà cầm đồ đựng nước bị thí chủ chê trách.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đổ nước rửa bát còn hột cơm trong khoảng nhà. Nên lượm cơm cho nát rồi đổ, hoặc đổ trong ống nhổ, rồi đem đi đổ hoặc đem đổ nơi khác, đều không phạm tội (nasasitthakaṃpattadhovanaṃantaragharechaddana). Ðiều học này đức Phật cấm chế tại rừng Bhesakalā gần thành Sumsumāratira, do chư tỳ khưu đổ nước rửa bát có lộn cơm là cho thí chủ chê trách.
Trong cả 30 điều học này, tỳ khưu nào dể duôi, cố ý, phạm tác ác. Không cố ý, không trí nhớ, không biết mình, có sự hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
Tỳ khưu bịnh không phạm tội, trừ ra trong 4 điều học thọ vật thực đầy tràn miệng bát, móc ăn giữa bát, đùa cơm lấp vật thực và liếc xem bát tỳ khưu khác để tìm lỗi người, dầu tỳ khưu bịnh cũng không khỏi phạm tội.
3. Thuyết pháp cho đúng phép – phần thứ ba (dhammadesanāpaṭisaṃyutta). Có 16 điều học:
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có dù trong tay.
Chú giải: Nếu người khác họ che cho, hoặc dù để trong mình cho vừa rảnh tay cũng gọi là người không có dù trong tay, nói pháp đến người ấy cũng nên (nachattapānissa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có gậy trong tay (như trong điều học trên) (nadaṇḍapānissa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có vật bén (dao, gươm) trong tay (như trong điều học trên) (nasatthapānissagilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh có cung tên, súng trong tay (naāvudhapānissagilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có mang dép guốc (napādukārudhassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có mang giày da (naupāhanārullhassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi trên xe, võng… ngồi trên xe với nhau, nói pháp cũng được.
Tỳ khưu ngồi trên xe cao, người nghe ngồi xe thấp hoặc ngồi trên xe bằng nhau, tỳ khưu ngồi xe trước, người nghe ngồi xe sau, đều nói pháp được hết, nhưng người ngồi xe sau, dầu cao hơn mà nói pháp đến người ngồi xe trước không nên (nayānagatassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi hoặc nằm trên giường (nasayanaga tassa agilānassadhammadesana).
Tỳ khưu nằm nơi cao nói pháp đến người nằm nơi thấp cũng nên, người nằm nói pháp đến người đứng, hoặc ngồi nói đến người đứng, hoặc ngồi với nhau, hoặc đứng nói với người đứng đều được cả.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, ngồi khoanh tay choàng qua đầu gối (napallatthikāyanisinnassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, có bịt khăn (navetthitasīsassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không nói pháp đến người vô bịnh, đội khăn hoặc nón (na ogunthitasīsassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ngồi sà đất nói pháp đến người vô bịnh, ngồi trên chiếu, đệm (nachamāyamnisīditvā āsanenisinnassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không ngồi trên chỗ thấp nói pháp đến người vô bịnh ngồi nơi cao (nanīce āsanenisīditvā uce āsanenisinnassa agilānassadhammadesana).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đứng nói pháp đến người vô bịnh ngồi (nathitonisinnassa agilānassadhammadesana).
Trong kinh chú giải có nói, dầu tỳ khưu trẻ đến chỗ tỳ khưu cao hạ, rồi tỳ khưu trẻ ấy đứng, vị trưởng ngồi hỏi đạo, tỳ khưu trẻ không nên đáp. Nếu tỳ khưu trẻ không có thể bảo vị trưởng lão đứng dậy mới nên hỏi, không dám nói, vì tôn kính vị trưởng lão, nên nghĩ rằng: ta nói pháp đến tỳ khưu trẻ đứng gần bên, rồi nói cũng nên.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không đi phía sau nói pháp đến người vô bịnh đi phía trước (napacchato gacchanto pūrato gacchantassa agilānassadhammadesana).
Kinh chú giải có nói, nếu người đi trước nói đạo không nên đáp, nên nghĩ rằng: ta nói pháp đến người đi phía sau, như thế rồi nói.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: Ta không đi ngoài đường, nói pháp đến người vô bịnh đi trong đường (na upathena gacchanto pathena gacchantassa agilānassadhammadesana). Nếu mỗi người đi 1 bên đường, nói pháp cũng nên.
Trong cả 16 điều học, tỳ khưu dể duôi cố ý phạm tác ác, quên, không biết mình, có bịnh, có điều hại, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
4. Lượm lặt – phần thứ tư (pankinnaka). Có 3 điều học:
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh, không đứng tiểu hoặc đại tiện. Trong khi mắc đại tiểu tiện gấp rút không phạm tội (nathito agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā karaṇa).
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh, không đại hoặc tiểu tiện, khạc nhổ, hỉ mũi trên chỗ xanh nhứt là cây cỏ tươi, dầu rễ cây còn sống thấy rõ trên mặt đất hoặc nhánh cây còn sống cũng đều gọi là xanh cả (naharite agilāno uccāram vā passāvaṃ vā karana).
Lên ngồi trên nhánh cây để đại tiểu tiện rớt xuống chỗ không có vật xanh cũng nên. Ði tiểu chỗ không có vật xanh, dầu đại tiểu tiện đến gấp rút cũng gọi như người có bịnh, không tội. Nếu tìm không kịp nơi không có vật xanh, nên kiếm vật chi lót đại tiểu tiện có chảy nhằm vật xanh cũng vô tội.
- Tỳ khưu nên làm như vầy: ta không bịnh không đại hoặc tiểu tiện, nhổ, hỉ mũi trong nước (na udake agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā karaṇa).
Nước để dùng được, nước không dùng được không phạm tội. Nước ngập không có gò đất, đại tiểu tiện trong nước ấy không tội. Đại tiểu tiện trên khô chảy xuống nước không phạm tội.
Trong cả 3 điều học ấy, tỳ khưu dể duôi cố ý phạm tác ác. Không cố ý, không có trí nhớ, không biết mình có bịnh, có sự rủi ro, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.
Trong cả 75 điều ưng học pháp (trừ ra điều 25, 29, 30 trong phần thọ thực tề chỉnh), đức Phật cấm chế tại Kỳ Viên tịnh xá (Vihāra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sāvatthī) do phe lục sư làm quấy.
2 điều học cười lớn, 2 điều học nói lớn tiếng, 1 điều học nói chuyện còn vật thực trong miệng thành 5 điều học: ngồi sát đất nói pháp đến người trên chiếu đệm; ngồi nơi thấp nói pháp đến người ngồi nơi cao; đứng nói pháp đến người ngồi; đi ngoài đường nói pháp đến người đi trong đường; đi sau nói pháp đến người đi trước ‒ 5 điều học này với 5 điều trên thành 10 điều học. 10 điều học này thuộc về samanubhāsanasamuṭṭhāna là tội sanh do thân khẩu ý, phạm tội vì làm (kiriyā), khỏi phạm tội vì tưởng (saññāvimokkha), phạm tội vì cố ý (sacittaka), phạm tội vì đời (lokavajja), thân nghiệp (kāyakamma), khẩu nghiệp (vacīkamma), ác tâm (akusalacitta), thọ khổ (dukkhavedanā).
Xin đồ ăn, xin cơm thuộc về theyyasatthasamutthāna, tội sanh do thân-ý, thân-khẩu-ý (kiriyā, saññāvimokkha, sacittaka, lokavajja, kāyakamma, vacīkamma, akusalacitta, dukkhavedanā.
Nói pháp đến người vô bịnh, có dù trong tay, có gậy trong tay, có vật bén (dao, gươm) trong tay, có cung tên trong tay, mang guốc, dép, mang giày da đến người đi trên xe, người nằm, đến người ngồi khoanh tay choàng qua đầu gối, người bịt khăn, người đội khăn. 11 điều học ấy thuộc về dhamma desanasamuṭṭhāna là tội sanh do khẩu-ý (kiriyā, kiriyā, saññāvimokkhā, sacittaka, lokavajja, vacikamma, akusalacetta, dukkhavedanā). Còn lại 53 điều học chỗ sanh tội (sanutthāna) như trong điều học bất cộng trụ thứ nhất (pathamapārājika sikkhāpada).
Lại nữa, ưng học pháp không có nhất định là chỉ bấy nhiêu, mà không nhất định ấy là cách thức tỳ khưu nên học và hành chẳng phải có bấy nhiêu đâu, dầu là pháp hành đức Phật đã chế định trong phần hành (vattakhanidha) cũng gọi là ưng học pháp, vì là pháp hành mà tỳ khưu nên học và hành theo.
—
DUYÊN CỚ TRANH BIỆN (ADHIKARANA).
Duyên cớ tranh biện[58] có 4: 1) tranh biện điều phải trái (vivadā adhikaraṇa) là nói rằng: cái này là pháp là luật, cái này không phải là pháp, không phải là luật; 2) bắt tội nhau (anevādādhikarana) là buộc tội nhau vì phạm tội này tội kia; 3) phạm các tội (apattādhikarana); 4) việc mà tăng nên làm (kiccādhikarana).
DIỆT TRANH (ADHIKARAṆA SAMATTHA)
Diệt tranh[59] có 7 phép: 1) Sự dứt trong 4 điều tranh biện trong nơi giữa tăng, giữa pháp, giữa luật là dứt điều cãi lẽ do theo pháp, do theo luật, đúng theo lời của đức Phật cấm chế và chuẩn hành[60](budhappaññatti, budhānuññatti) trước mặt người là tiên cáo và bị cáo hoặc tỳ khưu thú nhận tội (sammukhāvinaya); 2) Sự mà tăng tụng để tuyên bố chỉ tên A-la-hán là bậc có trí nhớ đủ rồi, không kẻ nào buộc tội chi được cả (sativinaya); 3) Sự mà tăng tụng để tuyên bố chỉ tên tỳ khưu điên đã hết điên rồi; không cho kẻ nào cáo tội mà tỳ khưu ấy đã phạm trong khi còn điên (amulhavinaya); 4) Sự định tội theo lời thú nhận mà người khai thiệt (patiññatakaraṇa); 5) Sự phân đoán, lấy theo lời khai của phần đông người có đạo đức (yebhuyyasikā); 6) Sự mà luật định đến người phạm tội (tassapāpiyasika); 7) Sự giải hòa cho nhau cả hai bên không cần xử đoán việc trước (tinavatthāraka).