4 Điều Học Ưng Phát Lộ (patidesanīya) – Luật Xuất Gia Tóm Tắt – Tỳ Khưu Hộ Tông

BIỆT BIỆT GIẢI THOÁT THU THÚC GIỚI (PĀṬIMOKKHA SAṂVARASĪLA) – Tiếp theo

VI. Bốn điều học ưng phát lộ (patidesanīya)

Patidesanīya nghĩa là tội mà tỳ khưu phải sám hối bằng cách khác (có giải nơi chương sau).

1. Tự tay mình thọ lãnh (hatthatopaṭiggahana)

Tỳ khưu tự tay mình thọ lãnh vật thực nơi tay tỳ khưu ni không phải bà con, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do 1 tỳ khưu thọ vật thực nơi tay tỳ khưu ni đi bát dâng cho đến 4 ngày, làm cho tỳ khưu ni ấy phải nhịn đói, mình gầy sức yếu.

2. Ðương ăn trong chỗ họ thỉnh mời (kulesunimantitā)

Tỳ khưu đang ăn trong chỗ họ thỉnh mời, nếu có tỳ khưu ni đến dạy thí chủ đem vật này, vật kia đem đến dâng đến tỳ khưu ấy, vì lòng thương yêu trọng đãi tỳ khưu, nên đuổi tỳ khưu ni ra khỏi, nếu không đuổi thì phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Jetavana gần thành Sāvatthī do phe lục sư được mời thỉnh ăn, có phe sau tỳ khưu ni đến dạy thí chủ dâng vật này, vật nọ đến phe lục sư, lục sư nhờ đó mà ăn no. Các vị khác phải chịu nhịn.

3. Bậc thánh mà tăng đã chỉ định (sekkhasammata)

Bậc thánh nhơn nào mà tăng đã ra lịnh định là bậc có đức tin nhiều mà nghèo, nếu tỳ khưu không bịnh, không được thỉnh mà thọ vật thực nơi ấy đem về dùng, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Veluvana gần thành Rājagaha do chư sư thọ lãnh vật thực nơi bậc thánh nhơn mà nghèo, làm cho nhà ấy phải chịu đói khát.

4. Chỗ ở trong rừng nguy hiểm (araññikasenāsana)

Chỗ ở trong rừng là nơi xa xóm ít nhất là 1000 thước. Tỳ khưu ngụ trong rừng là nơi nguy hiểm có điều lo sợ, nếu không bịnh mà thọ lãnh vật thực của thí chủ đã cho tin trước rằng “họ sẽ đến dâng vật thực trong nơi ấy” và tỳ khưu không cho họ hay có sự nguy hiểm trong nơi ấy, tự tay mình thọ lãnh đem dùng, phạm ưng phát lộ.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Nigrodha tịnh xá, gần thành Kapilavatthu (dòng Thích Ca), do chư sư ngụ nơi rừng nguy hiểm, có phe tín nữ vào trai tăng bị bọn trai hung ác đón đường cướp của và hãm dâm.

Thể thức không phạm tội: Tỳ khưu cho hay sự nguy hiểm ấy mà tưởng là chưa cho hay, hoặc nghi, hoặc tưởng đã có cho hay rồi, có bịnh, thọ lãnh vật thực của thì chủ dâng đến mà mình đã cho hay trước, hoặc dùng vật thực dư của tỳ khưu bịnh, hoặc dùng củ, trái cây mà mình được thọ lãnh ngoài chùa, và tỳ khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này có 7 chi: chỗ ngụ trong rừng như đã nói (yacāvutta āraññika senāsakatā); vật thực không phải phát sanh trong nơi ấy (yāvakālikassa attatthajātakatā); không có bịnh (agilānatā); vật thực không phải của dư của tỳ khưu bịnh (agilānāvasesakatā); không cho hay (appatisaṃ viditatā); thọ lãnh trong chùa (ajjhārame paṭiggahanaṃ); đã ăn vào (ajjhoharanaṃ). Ðều đủ cả 7 chi ấy mới phạm ưng phát lộ.

Chỗ sanh tội (samuṭṭhāna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathama kathina sikkhāpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì làm (kyriyā) là thọ lãnh và vì không làm là không cho hay trước (akiriyā).

Nếu phạm 1 trong 4 tội ưng phát lộ ấy nên sám hối như vầy: Tôi đã phạm phép đáng cho đức Phật chê trách là phép ưng phát lộ mà người phạm cần phải bày tỏ ngay, tôi xin bày tỏ pháp ấy. Còn lời xin sám hối và lời thọ tiếp theo như lời sám hối trong các tội khác ‒ Gārayhaṃ bhante [āvuso]dhammaṃ āpajjiṃ asappāyam patidesaniyaṃ taṃ patidesemi. Nếu nhiều vị, đọc āpajjimhā thế cho āpajjiṃ, paṭidesama thế cho paṭidesemi.

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app