1. Như lý tác ý

— Này các Tỳ-khưu, với vị Tỳ-khưu hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành nội chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỳ-khưu, tức là Như lý tác ý. Này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu như lý tác ý, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.

Vị Tỳ-khưu hữu học,
Hành như lý tác ý,
Không một pháp nào khác,
Nhiều lợi ích như vậy.
Ðể đạt cho bằng được,
Lợi ích thật tối thượng.
Vị Tỳ-khưu như lý,
Tinh tấn và tinh cần,
Có thể thành đạt được,
Sư đoạn diệt khổ đau
.

[Phật thuyết như vậy, 16]

*

Này các Tỳ-khưu, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý; vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.

Này các Tỳ-khưu, và thế nào là các pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý? Này các Tỳ-khưu, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý.

Này các Tỳ-khưu, và thế nào là các pháp cần phải tác ý mà vị ấy không tác ý? Này các Tỳ-khưu, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt. Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý. Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.

Vị ấy không như lý tác ý như sau: “Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ? Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào? Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào? Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào? Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?” Hay nay vị ấy có nghi ngờ về mình trong thời hiện tại: “Ta có mặt hay ta không có mặt? Ta có mặt như thế nào? Ta có mặt hình vóc như thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?”.

Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên: “Ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; “Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn. “Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã”, tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn; hay tà kiến này khởi lên với người ấy: “Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại”. Này các Tỳ-khưu, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược. Này các Tỳ-khưu, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.

Này các Tỳ-khưu, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn, tuệ tri các pháp cần phải tác ý, tuệ tri các pháp không cần phải tác ý. Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là các pháp không cần phải tác ý và vị này không tác ý? Này các Tỳ-khưu, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là các pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý? Này các Tỳ-khưu, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt, đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý. Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.

Vị ấy như lý tác ý: “Ðây là khổ”, như lý tác ý: “Ðây là khổ tập”, như lý tác ý: “Ðây là khổ diệt”, như lý tác ý: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ-khưu, các pháp ấy được gọi là pháp do tri kiến mà các lậu hoặc được đoạn trừ.

[Trung Bộ, 2]

*

Trưởng lão Kotthika hỏi Trưởng lão Sàriputta (Xá-lợi-phất):

— Thưa Hiền giả Sàriputta, những pháp gì Tỳ-khưu giữ giới cần phải như lý tác ý?

— Này Hiền giả Kotthika, Tỳ-khưu giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỳ-khưu giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỳ-khưu giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu.

— Với Tỳ-khưu đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?

— Với Tỳ-khưu đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ-khưu Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai.

— Nhưng Tỳ-khưu Nhứt lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

— Tỳ-khưu Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ-khưu Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai.

— Nhưng Tỳ-khưu Bất lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

— Tỳ-khưu Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỳ-khưu Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán.

— Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?

— Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

[Tương Ưng, 22.122]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời