Quả Dự Lưu 2 – 3. Đặc Tính Của Quả Dự Lưu – Tỳ Khưu Thanissaro

3. Đặc tính của quả Dự lưu

Sau đây là đoạn kinh thường thấy trong kinh điển về bốn yếu tố của quả Dự Lưu: lòng tịnh tín bất động nơi Đức Phật, Giáo Pháp, Tăng chúng, và thành tựu giới hạnh được các bậc Thánh ái kính.

Thế nào là thành tựu bốn Dự lưu phần? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu”. Vị ấy thành tựu tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Trực hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Ứng lý hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn; Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử Thế Tôn đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được đảnh lễ, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời.” Vị ấy thành tựu với những giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hủy, không bị bể vụn, không bị điểm chấm, không bị uế nhiễm, đưa đến giải thoát, được bậc trí tán thán, không bị chấp trước, đưa đến Thiền định.

[Tăng Chi 10.92]

Mặc dù đoạn kinh trên thường được xem là các tiêu chuẩn căn bản của quả Dự Lưu, trong kinh điển còn có ghi các danh sách khác, trong đó, tiêu chuẩn về giới hạnh được thay thế bằng tiêu chuẩn khác.

Tương Ưng 55.32 ghi tiêu chuẩn thứ tư như sau: “Lại nữa, vị Thánh đệ tử trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí.”

Tương Ưng 55.33 ghi tiêu chuẩn thứ tư như sau: “Lại nữa, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập các pháp, đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau.”

Khi các danh sách liệt kê này được kết hợp lại, chúng ta có được mốt đặc tính diễn tả vị Thánh Dự Lưu: đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. Tăng Chi 8.54 diễn tả như là bốn pháp đưa đến hạnh phúc tương lai, an lạc tương lai cho một cư sĩ Phật tử.

“Lòng tin” nơi Tam Bảo – Phật, Pháp, Tăng – ở đây không phải chỉ đơn thuần là sự tin tưởng, sùng tín. Lòng tin ở đây giúp vị Dự Lưu đặt sự tín nhiệm, tin tưởng nơi nguyên lý nghiệp quả – nguyên lý của hành động và hậu quả như vị ấy đã chứng nghiệm khi bắt đầu nhập dòng Thánh.

Thành tựu năm pháp, này các Tỳ-khưu, một cư sĩ là hòn ngọc trong hàng cư sĩ, là hoa sen hồng trong hàng cư sĩ, là hoa sen trắng trong hàng cư sĩ. Thế nào là năm?

Có lòng tin; có giới đức; không tin tưởng vào bùa chú hay nghi lễ đặc biệt; tin tưởng ở nghiệp quả; không tìm kiếm ngoài Tăng chúng người xứng đáng tôn trọng và tại đấy phục vụ trước.

[Tăng Chi 5.175]

“Giới đức” của vị Dự Lưu là kết quả của lòng tin kiên cố nơi luật nghiệp quả và lòng từ bi đối với các chúng sinh khác. Vị Dự Lưu có thể vẫn còn phạm vài học giới nhỏ, nhưng tuệ tri sâu xa của vị ấy đảm bảo sự tuân giữ không thối chuyển của mình đối với các nguyên tắc căn bản của giới đức.

Ở đây, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi làăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai chia rẽ bạn bè ta bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta chia rẽ bạn bè người khác bằng lời nói hai lưỡi, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói hai lưỡi, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời hai lưỡi, nói lời tán thán từ bỏ nói lời hai lưỡi. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các Gia chủ, vị Thánh đệ tử suy tư như sau: “Nếu có ai đối xử với ta với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng đối xử với người khác với lời tạp ngữ, với lời phù phiếm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?” Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ lời nói phù phiếm, khuyến khích người khác từ bỏ nói lời phù phiếm, tán thán từ bỏ nói lời phù phiếm. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

[Tương Ưng 55.7]

Này các Tỳ-khưu, bản tụng đọc này gồm hơn 150 học giới cần phải đọc nửa tháng một lần, ở đây các người thiện nam tử muốn được lợi ích, học tập bản tụng ấy. Này các Tỳ-khưu, tất cả được thâu nhiếp làm thành ba học giới này. Thế nào là ba? Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Chính ba học pháp này, này các Tỳ-khưu, thâu nhiếp tất cả.

Ở đây, này các Tỳ-khưu, có Tỷ kheo đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấyđược xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng đạt quả Thánh. Phàm có những học giới nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc tối đa phải sanh lại bảy lần. Sau khi sanh lại bảy lần, sau khi dong ruỗi, luân chuyển tối đa bảy lần giữa chư Thiên và loài người, đoạn tận khổ đau, hướng đến giác ngộ giải thoát.

[Tăng Chi 3.87]

“Bố thí” thật ra là một đức tính cần có trước khi đắc quả Dự Lưu. Tuy nhiên, lòng bố thí của vị Dự Lưu có thêm những điểm đặc biệt.

Này các Tỳ-khưu, có năm xan tham này. Thế nào là năm? Xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham tán thán, xan tham pháp.

Trong năm xan tham này, này các Tỳ-khưu, xan tham pháp là tối hạ liệt.

Do không đoạn tận năm pháp này, này các Tỳ-khưu, không có thể chứng ngộ Dự lưu quả.

[Tăng Chi, 5.254-257]

Này các Tỳ-khưu, có năm loại bố thí này xứng bậc Chân nhân. Thế nào là năm? Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người.

[Tăng Chi, 5.148]

Tri kiến của vị Dự Lưu có liên quan trực tiếp đến việc trừ khử kiết sử về thân kiến. Tuy nhiên, điều đó cũng có liên quan đến các khía cạnh khác của chánh kiến. “Thành tựu tri kiến” là một trong những cao điểm của quả Dự Lưu. Tác động của thành tựu tri kiến không những ảnh hưởng đến đời sống trí thức mà còn ảnh hưởng đến đời sống tình cảm nữa.

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu đi đến ngôi rừng, hay đi đến dưới gốc cây, hay đi đến chỗ trống vắng và suy nghĩ như sau: “Không biết ta có nội triền nào chưa đoạn trừ không? Do nội triền nào nếu tâm ta bị triền phược, thì ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật?” Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu bị tham dục triền phược, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu bị sân triền phược, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu bị hôn trầm thụy miên triền phược, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu bị trạo hối triền phược, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu bị nghi triền phược, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu có tâm bị thế sự đời này ràng buộc, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Này các Tỳ-khưu, nếu vị Tỳ-khưu có tâm bị thế sự đời sau ràng buộc, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược. Tỳ-khưu sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi, cho đến như vậy, tâm của vị này bị triền phược.

Vị ấy biết rõ như sau: “Ta không có nội triền chưa được đoạn trừ, do nội triền này nếu tâm ta bị triền phược, ta không thể biết như thật, không thể thấy như thật. Ý của ta được khéo hướng đến sự giác ngộ các sự thật”. Ðó là trí thứ nhất mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịnh chỉ, ta tự đạt được tịch chỉ”. Vị này biết rõ như sau: “Trong khi ta thực tập, tu tập, luyện tập nhiều lần tri kiến này; ta tự đạt được tịnh chỉ, ta tự đạt được tịch chỉ”.Ðó là trí thứ hai mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Tri kiến như ta đã thành tựu có thể có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào ngoài tổ chức này, thành tựu tri kiến như vậy không?” Vị ấy hiểu rõ như sau: “Tri kiến như ta đã thành tựu không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác, ngoài tổ chức này, thành tựu tri kiến như vậy”. Ðó là trí thứ ba mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Pháp tánh (Dhammata) mà một vị chứngđược tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỳ-khưu, pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là pháp tánh, này các Tỳ-khưu, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Này các Tỳ-khưu, ví như một đứa trẻ con, ngây thơ, nằm ngửa, lập tức rút lui tay hay chân nếu tay hay chân của nó chạm phải than đỏ. Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất cứ giới tội nào vị này vi phạm, giới tội ấy liền được xuất tội. Vị này lập tức phát lộ, tỏ bày, trình bày trước bậc Ðạo Sư hay trước các vị đồng phạm hạnh có trí. Sau khi phát lộ, tỏ bày, trình bày, vị ấy phòng hộ gìn giữ trong tương lai. Vị ấy biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ tư mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỳ-khưu, pháp tánh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là pháp tánh, này các Tỳ-khưu, mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Này các Tỳ-khưu, ví như con bò có các con bê, khi đang nhổ lùm cỏ lên ăn, vẫn coi chừng con bê. Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, đây là pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu. Bất luận sự việc cần phải làm dầu lớn nhỏ gì, giúp cho các vị đồng phạm hạnh; vị này nỗ lực thực hiện, nhưng tha thiết hướng đến tăng thượng giới học, tăng thượng tâm học, tăng thượng tuệ học. Vị này biết rõ như sau: “Pháp tánh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, pháp tánh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ năm mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỳ-khưu, sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này các Tỳ-khưu, một vị chứng được tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, sau khi chú tâm chú ý, chuyên chú toàn tâm trí, vị này lóng tai nghe Pháp. Vị này biết rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ sáu mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không có thể cọng chứng.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu hay không?” Và này các Tỳ-khưu, sức mạnh ấy là gì mà một vị chứng được tri kiến thành tựu? Ðây là sức mạnh, này các Tỳ-khưu, mà một vị chứngđược tri kiến thành tựu. Trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, vị này chứng được nghĩa tín thọ (atthaveda), Pháp tín thọ (Dhammaveda), và sự hân hoan tương ứng với pháp; vị này hiểu rõ như sau: “Sức mạnh mà một vị chứng được tri kiến thành tựu, sức mạnh như vậy ta có thành tựu”. Như vậy là trí thứ bảy mà vị này chứng được, thuộc các bậc Thánh, siêu thế, các phàm phu không thể cọng chứng.

Như vậy, này các Tỳ-khưu, pháp tánh được khéo an trú đối với vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi nàyđể chứng được quả Dự Lưu. Như vậy, này các Tỳ-khưu, vị Thánh đệ tử thành tựu bảy chi này tức là đã thành tựu Dự Lưu quả.

[Trung Bộ 48]

Có pháp môn, này các Tỳ-khưu, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu hữu học đứng trên hữu học địa có thể rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”, Tỳ-khưu vô học đứng trên vô học địa, có thể rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

Và này các Tỳ-khưu, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu hữu học trú trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu hữu học như thật rõ biết: “Ðây là khổ”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ tập khởi”, như thật rõ biết: “Ðây là khổ đoạn diệt”, như thật rõ biết: “Ðây là con đường đưa đến khổ đoạn diệt”. Ðây là pháp môn, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu hữu họcđứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu hữu học suy nghĩ như sau: “Ngoài Tăng chúng này, có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn hay không?”. Và vị ấy rõ biết như sau: “Ngoài Tăng chúng này, không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác có thể thuyết pháp thực như vậy, chân như vậy, như thị như vậy, như Thế Tôn”. Ðây là pháp môn, này các Tỳ-khưu, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu hữu học rõ biết năm căn: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Nhưng về sanh thú, về tối thắng, về quả, về mục đích của chúng, vị ấy không có thể trú, tự thân thông đạt được, và không thể với trí tuệ, thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỳ-khưu, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu hữu học đứng trên hữu học địa rõ biết: “Tôi là bậc hữu học”.

Và này các Tỳ-khưu, pháp môn ấy là gì, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Ta là bậc vô học”? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu vô học rõ biết năm căn:tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn với sanh thú của chúng, với tối thắng của chúng, với quả của chúng, với mục đích của chúng. Và vị ấy trú, với tự thân thông đạt được, và với trí tuệ thông suốt chúng và thấy chúng rõ ràng. Ðây là pháp môn, này các Tỳ-khưu, y cứ pháp môn ấy, Tỳ-khưu vô học đứng trên vô học địa rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

Lại nữa, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu vô học rõ biết sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn. Vị ấy rõ biết: “Sáu căn này được đoạn diệt, không có dư tàn, toàn bộ và toàn diện. Và sẽ không có sáu căn khác khởi lên, tại một chỗ nào và như thế nào”. Vị ấy rõ biết như vậy. Ðây là pháp môn, này các Tỳ-khưu, do pháp môn ấy, Tỳ-khưu vô học đứng trên vô học địa, rõ biết: “Tôi là bậc vô học”.

[Tương Ưng 48.53]

… Gia chủ Anāthapinidika (Cấp Cô Độc) đi đến các du sĩ ngoại đạo ấy, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Gia chủ Anāthapidika đang ngồi một bên:

– Này Gia chủ, hãy nói lên Sa-môn Gotama có kiến gì?

– Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của Thế Tôn.

– Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama. Nhưng này Gia chủ, hãy nói các Tỳ-khưu có kiến gì?

– Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của các Tỳ-khưu.

– Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của các Tỳ-khưu. Vậy này Gia chủ, hãy nói về kiến của Gia chủ.

– Thưa các Tôn giả, thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi. Nhưng các Tôn giả hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước. Rồi sau thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi.

Khi được nói vậy, một du sĩ ngoại đạo nói với Gia chủ Anāthapindika: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”. Một du sĩ ngoại đạo khác nói với Gia chủ Anāthapindika: “Vô thường là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Như vậy là kiến của tôi.” Rồi một du sĩ ngoại đạo khác nói với Gia chủ Anāthapindika: “Có biên tế là thế giới… không có biên tế là thế giới… mạng sống và thân thể là một… mạng sống và thân thể là khác… Như Lai có tồn tại sau khi chết… Như Lai không có tồn tại sau khi chết… Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết… Như Lai không có tồn tại và không không có tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”.

Khi nghe nói vậy, Gia chủ Anāthapindika nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:

– Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”. Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hay do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành (hữu vi) do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái khổ ấy, Tôn giả chấp trước (dính vào); cái khổ ấy, Tôn giả chấp nhận. Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: “Vô thường là thế giới này… có biên tế là thế giới này… không biên tế là thế giới này…sinh mạng và thân thể là một… sinh mạng và thân thể là khác… Như Lai có tồn tại sau khi chết… Như Lai không tồn tại sau khi chết… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi”. Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến như vậy được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái khổ ấy, Tôn giả chấp trước; cái khổ ấy, Tôn giả chấp nhận.

Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Gia chủ Anāthapindika:

– Này Gia chủ, tất cả kiến của chúng tôi đã được nói lên. Này Gia chủ, hãy nói lên kiến của Gia chủ là gì?

– Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy là “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.” Tôi có kiến như vậy, thưa các Tôn giả.

– Này Gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp trước, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp nhận.

– Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Như vậy là như thật khéo thấy với chánh trí tuệ. Và từ nơi khổ ấy, tôi như thật rõ biết sự xuất ly hơn thế nữa.

Khi nghe nói như vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói lên lời.

Rồi Gia chủ Anāthapindika, sau khi biết các du sĩ ngoại đạo ấy im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói lên lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Gia chủ Anāthapindika, câu chuyện với các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào, đều thuật lại tất cả cho Thế Tôn rõ.

– “Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp”. Rồi Thế Tôn với một bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Gia chủ Anāthapindika. Rồi Gia chủ Anāthapindika, sau khi được Thế Tôn với bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồiđứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Rồi Thế Tôn, sau khi Gia chủ Anāthapindika ra đi không bao lâu, bảo các vị Tỳ-khưu:

– Tỳ-khưu nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Anāthapindika đã khéo bác bỏ.

[Tăng Chi 10.93]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời