Quả Dự Lưu 1 – 4. Thực Hành Pháp Và Tùy Pháp – Tỳ Khưu Thanissaro

  1. Thực hành pháp và tùy pháp

— Và này các Tỳ-khưu, Ta nói minh giải thoát có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho minh giải thoát? Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói rằng Bảy giác chi có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho Bảy giác chi? Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói rằng Bốn niệm xứ có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho Bốn niệm xứ ? Ba thiện hành, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói như rằng ba thiện hành có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho ba thiện hành? Các căn được chế ngự, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói rằng các căn được chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho các căn được chế ngự? Chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho chánh niệm tỉnh giác? Như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói rằng, như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho như ý tác ý? Lòng tin, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho lòng tin? Nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỳ-khưu, Ta nói rằng nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho nghe diệu pháp? Giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.

Như vậy, này các Tỳ-khưu, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy, đây là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là sự viên mãn.

Ví như, này các Tỳ-khưu, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa chảy xuống theo sườn dốc, làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn. Sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ. Sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làmđầy các sông lớn. Sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Như vậy, là thức ăn của biển lớn, của đại dương, và như vậy là sự viên mãn.

Cũng vậy, này các Tỳ-khưu, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là viên mãn.

[Tăng Chi, 10.61]

*

Chánh niệm và Tỉnh giác:

— Này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

Và này các Tỳ-khưu, thế nào là Tỳ-khưu chánh niệm? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỳ-khưu trú, quán thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỳ-khưu trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Tỳ-khưu trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là Tỳ-khưu chánh niệm.

Và này các Tỳ-khưu, như thế nào là Tỳ-khưu tỉnh giác? Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu biết rõ ràng các cảm thọ khởi lên, biết rõ ràng các cảm thọ an trú, biết rõ ràng các cảm thọ đi đến tiêu mất; biết rõ ràng các tưởng khởi lên, biết rõ ràng các tưởng an trú, biết rõ ràng các tưởng đi đến tiêu mất. Như vậy, này các Tỳ-khưu, là Tỳ-khưu tỉnh giác.

Này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu hãy trú chánh niệm, tỉnh giác. Ðây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.

[Tương Ưng, 47.35]

*

Hộ trì các căn

Thế nào là vị Tỳ-khưu hộ trì các căn? Khi mắt thấy sắc, vị Tỳ-khưu không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn.

Khi tai nghe tiếng, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến nhĩ căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhĩ căn, thực hành sự hộ trì nhĩ căn.

Khi mũi ngửi hương, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến tỷ căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì tỷ căn, thực hành sự hộ trì tỷ căn.

Khi lưỡi nếm vị, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến thiệt căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì thiệt căn, thực hành sự hộ trì thiệt căn.

Khi thân cảm xúc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến thân căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì thân căn, thực hành sự hộ trì thân căn.

Khi ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỳ-khưu chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, vị Tỳ-khưu hộ trì các căn.

[Trường Bộ, 2]

*

Ba Thiện hành

Đức Phật giảng cho cư sĩ Cunda (Thuần-đà), con người thợ rèn:

— Này Cunda, tịnh hạnh về thân có ba, tịnh hạnh về lời có bốn, tịnh hạnh về ý có ba.

Này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về thân có ba? Ở đây, này Cunda, có người đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm; biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh, và loài hữu tình. Ðoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho; bất cứ vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không có cho người ấy, người ấy không lấy với ý niệm trộm cắp. Ðoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không hành tà hạnh với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa (đám cưới). Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về thân có ba.

Và này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về lời có bốn? Ở đây, này Cunda có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng tội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì người biết”. Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”. Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”. Hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì. Ðoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Ðoạn tận lời nói độc ác, từ bỏ lời nói độc ác; người ấy nói những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người. Ðoạn tận lời nói phù phiếm; người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, lợi ích. Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về lời nói có bốn.

Và này Cunda, thế nào là tịnh hạnh về ý có ba? Ở đây, này Cunda, có người không tham ái, không tham lam tài vật kẻ khác, không nghĩ rằng: “Ôi! Mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình”. Không có sân tâm, khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống lo tự ngã, không thù hận, không sân hận, không nhiễm loạn, được an lạc”. Có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo, nghĩ rằng: “Có bố thí, có cúng thí, có tế lễ, các hành vi thiện ác, có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”. Như vậy, này Cunda, tịnh hạnh về ý có ba.

Này Cunda, đó là mười thiện nghiệp đạo.

[Tăng Chi, 10.176]

*

Bốn Niệm xứ

Và như thế nào, này các Tỳ-khưu, là nhập tức xuất tức niệm được tu tập? Như thế nào là làm cho sung mãn, khiến bốn niệm xứ được viên mãn?

Khi nào, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”. Hay khi thở ra dài, vị ấy biết “Tôi thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”. Hay khi thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-khưu, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này các Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu nghĩ: “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các thọ, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-khưu, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu nghĩ: “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tu tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm Thiền định, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ-khưu, sự tu tập nhập tức xuất tức niệm không thể đến với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy, này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán tâm trên tâm, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu nghĩ: “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham… quán đoạn diệt… quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán trên các pháp, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy, do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn (sự vật) với niệm xả ly. Do vậy, này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỳ-khưu, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

[Trung Bộ, 118]

*

Bảy Giác chi

Và bốn niệm xứ, này các Tỳ-khưu, được tu tập như thế nào, được làm sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

Này các Tỳ-khưu, trong khi tùy quán thân trên thân, Tỳ-khưu trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các Tỳ-khưu, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ-khưu. Trong khi ấy, Tỳ-khưu tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy, niệm giác chi được Tỳ-khưu tu tập đi đến viên mãn.

Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỳ-khưu, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ-khưu với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ-khưu. Trong khi ấy, Tỳ-khưu tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy, trạch pháp giác chi được Tỳ-khưu tu tập đi đến viên mãn.

Trong khi Tỳ-khưu với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ-khưu. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với Tỳ-khưu ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, Tỳ-khưu tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy, tinh tấn giác chi được Tỳ-khưu tu tập đi đến viên mãn.

Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các Tỳ-khưu, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỳ-khưu tinh tấn tinh cần, trong khi ấy, hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, hỷ giác chi được vị Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỳ-khưu tu tập đi đến viên mãn.

Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn.

Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy, định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, định giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn.

Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy, xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy xả giác chi, được Tỳ-khưu làm cho đến sung mãn.

Này các Tỳ-khưu, trong khi quán thọ trên các cảm thọ, …

Này các Tỳ-khưu, trong khi quán tâm trên tâm, …

Này các Tỳ-khưu, trong khi quán pháp trên các pháp, Tỳ-khưu an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỳ-khưu, trong khi niệm của Tỳ-khưu được an trú, không có hôn mê, niệm giác chi, trong khi ấy, được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Niệm giác chi trong khi ấy được Tỳ-khưu tu tập. Niệm giác chi trong khi ấy, được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Này các Tỳ-khưu, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trạch pháp giác chi trong khi ấy được Tỳ-khưu tu tập. Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ-khưu. Tinh tấn giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Tinh tấn giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn. Ðối với vị ấy, tinh cần tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu tinh cần tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỳ-khưu. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỳ-khưu tu tập. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy, khinh an giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ-khưu, trong khi vị ấy có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, định giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ-khưu, trong khi Tỳ-khưu với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ-khưu. Trong khi ấy, xả giác chi được Tỳ-khưu tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ-khưu làm cho đi đến sung mãn.

Này các Tỳ-khưu, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được sung mãn.

[Trung Bộ, 118]

*

Minh giải thoát

Và này các Tỳ-khưu, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh giải thoát được viên mãn?

Ở đây, này các Tỳ-khưu, Tỳ-khưu tu tập niệm giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệđến diệt, hướng đến xả ly; Tỳ-khưu tu tập trạch pháp giác chi…; Tỳ-khưu tu tập tinh tấn giác chi…; Tỳ-khưu tu tập hỷ giác chi…; Tỳ-khưu tu tập khinh an giác chi…; Tỳ-khưu tu tập định giác chi…; Tỳ-khưu tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến diệt, hướng đến xả ly. Này các Tỳ-khưu, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.

[Trung Bộ, 118]

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời