PHỤ BẢN IV
Pháp Triền Cái (Nìvarana)
“Này chư tỳ khưu, có năm chướng ngại làm cho ta mù quáng, không thấy, không hiểu biết và do đó cướp mất trí tuệ của ta. Năm chướng ngại ấy kết hợp với đau khổ và không đưa đến Niết Bàn.” [7]
“Nìvarana”, triền cái, có nghĩa là những gì làm trở ngại và ngăn chận sự phát triển tinh thần. Ðược gọi là triền cái hay chướng ngại tinh thần, bởi vì nó hoàn toàn đóng chắc, cắt đứt và ngăn chận. Nó khóa hẳn cánh cửa mở vào giải thoát. Năm ấy là gì?
- Tham dục (kàmacchanda),
2. Oán ghét (vyàpàda),
3. Hôn trầm và dã dượi (thìna-midha),
4. Phóng dật và lo âu (uddhacca-kukkucca),
5. Hoài nghi (vicikicchà). - Kàmacchanda, tham dục, là sự ham muốn duyên theo nhục dục ngũ trần. Những tư tưởng tham dục chắc chắn làm chậm trể sự phát triển tinh thần. Nó làm tâm chao động và trở ngại công trình lắng tâm an trụ. Sở dĩ có tham dục phát sanh là vì không thu thúc lục căn. Vì không cẩn mật canh phòng sáu cửa (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) nên những tư tưởng tham ái có thể xâm nhập vào và làm ô nhiễm tâm thức. Do đó người hành thiền cần phải cẩn trọng thu thúc lục căn, không dể duôi hờ hửng để cho chướng ngại tham ái ngăn chận, khoá đóng con đường giải thoát của mình.
- Chướng ngại kế đó là oán ghét hay ác ý. Cũng như trường hợp của tham dục, sự chú tâm sai lầm, kém khôn ngoan, không sáng suốt, dẫn đến ác ý, oán ghét hay sân hận. Và nếu không được kiểm soát kịp thời, những tư tưởng bất thiện này sẽ thấm nhuần tâm và che lấp kiến thức, làm cho ta mù quáng, không thấy rõ sự thật. Nó làm méo mó toàn thể tâm thức và các tâm sở liên hệ và như vậy, gây trở ngại cho Ánh Sáng Chân Lý, đóng kín con đường đưa đến Tự Do. Tham dục và oán ghét đặt nền tảng trên si mê, chẳng những làm chậm trể sự trưởng thành của tâm trí mà còn tác dụng như nguyên nhân của những cuộc chia rẽ, tranh chấp và xung đột giữa người và người, giữa quốc gia này với quốc gia khác.
- Chướng ngại thứ ba là hôn trầm và dã dượi, một trạng thái tâm uể oải, không buồn hoạt động. Ðó không phải là trạng thái uể oải của cơ thể vật chất như có người lầm tưởng, bởi vì chí đến các vị A La Hán và chư Phật là những bậc đã hoàn toàn khắc phục các pháp triền cái, đôi khi vẫn còn cảm nghe cơ thể mệt mỏi. Giống như miếng bơ quá đặc, dính cục lại, làm cho ta khó trét trên bánh mì, trạng thái hôn trầm dã dượi làm cho ta nhuể nhoại. biếng hoạt động và như vậy, làm cho người hành thiền mất lòng nhiệt thành, kém quyết tâm, rồi tinh thần trở nên ươn yếu và lười biếng. Sự hôn trầm làm cho tâm thần càng thêm dã dượi và cuối cùng đưa đến trạng thái tâm chai đá hửng hờ.
- Chướng ngại thứ tư, phóng dật và lo âu, là một chướng ngại khác làm chậm trể bước tiến tinh thần. Khi mà tâm trở nên phóng dật thì nó giống như bầy ong bị vỡ ổ, cứ vo vo bay quanh quẩn không ngừng và như vậy, khó an trụ được. Một cái tâm chao động tức nhiên không thể vắng lặng. Chính tình trạng chao động là một trở ngại trên con đường dẫn đến vắng lặng, con đường hướng thượng. Trạng thái lo âu cũng tệ hại như phóng dật. Khi mà người kia mãi mãi lo âu, hết chuyện này đến chuyện khác, hết việc nọ đến việc kia, những việc đã làm xong và những việc chưa làm được, và luôn luôn tư lự lo âu về những chuyện rủi may của đời sống, thì chắc chắn là tâm người ấy không bao giờ an lạc. Tất cả những tình trạng quấy rầy, bực dọc, phiền phức, lo âu và không yên ấy là những trở ngại cản ngăn, không để tâm an trụ. Do đó, phóng dật và lo âu hẳn là pháp triền cái.
- Chướng ngại thứ năm, hoài nghi, cũng là chướng ngại cuối cùng. Danh từ Pali vi + cikicchà, đúng theo nghĩa từng chữ, là “không (vi = vigata) thuốc (cikiccha)”. Các nhà chú giải giải thích chướng ngại này là tình trạng thiếu khả năng quyết định về bất luận điều gì; và cũng xem hoài nghi là không tin tưởng rằng có ai có thể đắc thiền (jhàna). Quả thật vậy, người mà mắc phải chứng bịnh hoài nghi, bất định, không nhất quyết về điều mình đang làm, thì rõ thật là vô cùng tai hại, và ngoại trừ khi nào chấm dứt tâm trạng ấy người kia sẽ còn tiếp tục đau khổ vì nó. Ngày giờ nào mà con người còn bị tâm trạng hoài nghi làm lung lạc tinh thần, như người ngồi trên hàng rào, thì đó là một tệ hại tinh thần rất trầm trọng cho công trình trau giồi tâm trí.
Tâm mà bị những chướng ngại tai hại trên thấm nhuần sẽ không thể an trụ một cách tốt đẹp vào bất cứ đề mục nào có bản chất trong sạch. Ðúng rằng người kia có thể gom tâm vào một đối tượng với những tư tưởng bất thiện như tham ái, sân hận v.v… nhưng đó là tà định (micchà-samàdhi). Ngày giờ nào mà các bợn nhơ tinh thần hay khát vọng (kilesa) còn tồn tại nơi người nào thì tư tưởng nhiễm ô và bất thiện sẽ còn phát sanh nơi người ấy. Tuy nhiên, người hành thiền đã gia công thực hành tâm vắng lặng (samàdhi) không còn có thể lầm lạc phạm điều bất thiện; bởi vì đã kiểm soát các pháp triền cái.
Nhằm điều phục năm pháp triền cái, hành giả cần phải trau giồi và phát triển năm yếu tố tâm lý gọi là chi thiền (jhànanga). Ðó là: vitakka, vicàra, pìti, sukha và ekaggatà (tầm, sát, phỉ, lạc, trụ), đối nghịch với năm triền cái. Chính năm chi thiền này nâng đỡ, đem tâm trạng của hành giả từ thấp lên cao. Loại tâm kết hợp với những yếu tố tâm lý ấy được gọi là “thiền” (jhàna). Năm chi thiền, kể theo thứ tự và từng bước một, điều phục năm pháp triền cái, vốn ngăn chận con đường đưa đến trạng thái tâm “định”. Mỗi chi thiền chính xác đối nghịch với một triền cái.
Chi thiền trụ (ekaggatà, nhứt điểm tâm, hay gom tâm an trụ vào một điểm) chế ngự chướng ngại tham dục; chi thiền phỉ (pìti) chế ngự chướng ngại oán ghét (vyàpàda); chi thiền tầm (vitakka) chế ngự chướng ngại hôn trầm và dã dượi; chi thiền lạc (sukha) chế ngự chướng ngại phóng dật và lo âu; chi thiền sát (vicàra) chế ngự chướng ngại hoài nghi. Nếu sắp xếp ngang nhau thì sẽ như thế này:
tham dục <-> trụ
oán ghét <-> phỉ
hôn trầm và dã dượi <-> tầm
phóng dật và lo âu <-> lạc
hoài nghi <-> sát