X. SÁCH GIẢN LỤC
Cứ như là quy luật, khi một dòng văn học nào đó đã trở nên đồ sộ về lượng lẫn về phẩm thì tự nhiên thiên hạ lại có một nhu cầu về nội dung tóm lược của nó. Đó là do không ít người thiếu đi cái kiên nhẫn đọc thẳng nguyên tác hoặc ít ra cũng là vì không có đủ thời gian. Nói một cách nghiêm túc thì trường hợp của dòng văn học Pàli không nằm trong cái khuynh hướng chung đó, nhưng dù sao nó vẫn cứ là một dòng văn học có tầm vóc nên từ lâu, việc thu ngắn các tác phẩm Pàli nổi tiếng đã trở thành một nhu cầu.Kết quả là một số tác phẩm Kinh Văn Pàli có nội dung giản lược các công trình lớn đã được ra đời, hoặc trong thể văn xuôi, hoặc trong thể văn vần. Sau đây là một số tác phẩm kiểu đó.
– Tập Saccasam.khepa: được xem là của Ngài Dhammapàla. Theo tập Saddhammasangaha thì tác giả của Saccasam.khepa là Ngài Ànanda.
Nội dung của tập sách này được chia thành năm phần và xoay quanh những vấn đề giáo lý được xem là thuộc “lãnh vực chân đế”. Chương một trình bày về vấn đề sắc pháp hay sắc uẩn. Chương hai bàn về ba thọ của thọ uẩn. Thọ ở đây được phân tích kỹ lưỡng như một đề tài thiền quán, cứ một lần vô thường của cảm thọ là một lần chúng sanh đau khổ. Ở chương ba, nội dung đề cập về vấn đề tâm pháp, nói cụ thể hơn thì là phép tu tâm. Ở đây, tác giả nhấn mạnh với chúng ta rằng lý tưởng của sự tu là tập trung ở công giải trừ tham ái, thứ tập khí sanh tử. Hoàn tất công phu này chính là giai đoạn giải thoát. Chương bốn có một nhan đề khá dài là Pakin.n.akasangahavibhàga, chủ yếu đề cập đến những phiền não và hậu quả của chúng. Chủ đề của chương cuối cùng là nói về cứu cánh giải thoát thông qua việc chấm dứt toàn bộ tham ái và sự đình chỉ tất cả đau khổ sanh tử.
– Cuốn Abhidhammatthasangaha: vẫn được gán cho Ngài Anuruddha, một người mà niên đại ra đời chưa được xác định, có thể là giữa thế kỷ thứ tám hoặc là vào thế kỷ thứ mười. Nội dung của sách rất phong phú, đề cập đủ tiêu đề, gần giống như bộ Visuddhimagga. Bố cục của sách khá chặt chẽ, phần này làm hoàn chỉnh phần kia. Có thể nói về số lượng chương mục thì Abhidhammatthasangaha còn nhiều hơn cả Visuddhimagga. Nội dung của sách bao gồm các tiêu đề quan trọng như sau:
Nói một cách khái quát thì trước hết sách phân tích những thành tố cấu tạo nên cái gọi là đời sống tâm lý của một chúng sanh. Đó là Thọ uẩn (tất cả mọi cảm giác của tâm sinh lý); Tưởng uẩn (tất cả mọi kinh nghiệm của ý thức); Hành uẩn (thuộc tính đầu tư và tự quyết định tính chất của ý thức); Thức uẩn (cái biết đơn thuần và được tồn tại song hành với ba thành tố trên). Đối tượng nhận biết của ý thức được gọi là cảnh sở tri, gồm hai trường hợp:
Đối tượng vật chất còn gọi là Cảnh Ngũ, chỉ cho tất cả những gì được ghi nhận bằng năm giác quan sinh lý (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân). Đó là sắc, thinh, hương, vị và xúc.
Đối tượng tinh thần, còn gọi là Cảnh Pháp, đối tượng sở tri chỉ có thể được nhận biết qua ý thức. Phân tích theo giáo lý chuyên môn (tức A-tỳ-đàm) thì đó là Tâm, Sở hữu tâm, các sắc pháp vi tế, mười ba pháp chế định và Niết-bàn. Nội dung của Abhidhammatthasangaha chỉ bao gồm những vấn đề giáo lý nghiêm túc, khô khan, nhưng tác giả đã hóa giải cái không khí khắc bạc nhiêu khê đó bằng một bố cục và ngữ khí hết sức thơ mộng. Ở đó, tác giả miêu tả dòng sinh hóa vô thường của Danh Sắc bằng một trình tự hợp lý và nhẹ nhàng khiến ta có thể dễ dàng nghĩ tới một dòng sông đang trôi và biến dịch với những kiếp đời sanh tử đang bồng bềnh trên đó. Tác giả đã khẽ khàng nhắc nhở cho người đọc cái bi kịch giả hợp của cuộc đời và phận người. Một cách kín đáo, tác giả đã lặng lẽ giải quyết những điểm nóng của Triết Học bằng con đường lý giải của Phật học thông qua các khái niệm Mộng và Thực. Có thể nói, dù chỉ có một ý viết một tập sách giáo án Phật Học, nhưng tác giả, cùng một lúc, đã có nhiều đóng góp cho người đọc về nhiều lãnh vực, kể cả một nhân sinh quan.
Về đề tài pháp môn tu chứng, tác giả cũng đã bàn soạn một cách kỹ lưỡng và Ngài cũng đã vận dụng giáo lý tỉnh thức để trình bày về pháp môn Thiền quán – con đường duy nhất dẫn đến Niết-bàn.
Abhidhammatthasangaha còn giải quyết các vấn đề giáo lý căn bản khác như giáo lý Duyên Khởi, Duyên Hệ, vấn đề Tái Sanh và Nghiệp Báo, luôn cả những việc đưa ra những giải thích chuẩn mực về cứu cánh Niết-bàn.
Theo một tư liệu của Miến Điện thì ít nhất có hơn tám tập sách giải thích hoặc mô phỏng nội dung Abhidhammatthasangaha nên tác phẩm này từ đó được lưu hành rộng rãi như là một cẩm nang gối đầu cho các giới học Phật.
– Tập Nàmarùpapariccheda: nội dung là một bản tóm lược của tạng Vi Diệu Pháp, và đúng như nhan đề, tập này chủ yếu giải thích về Danh Sắc đúng theo tiêu chí cốt lõi của Tạng Vi Diệu Pháp.
– Tập Nàmarùpasamàsa của Ngài Khema: gồm hai phần Citakathà và Cetasikakathà, tập trung giải thích về vấn đề Tâm Pháp (Tâm và Sở hữu tâm). Sách được viết chủ yếu bằng văn vần.
– Tập Suttasangaha: là một sưu tập về một số bài kinh và những trích đoạn từ các bộ Kinh lớn như Thiên Cung Sự. Suttasangaha còn là một cuốn thư tịch rất có giá trị, liệt kê cụ thể các tác phẩm Kinh điển Phật học.
– Tập Mahàparita, gọi tắt là Paritta, cũng là một loại sách sưu tập. Nội dung bao gồm một số bài kinh mà nay ta vẫn thường gọi là Kinh An Lành hay Kinh Cầu An. Chư Tăng Tích Lan và Miến Điện vẫn đặc biệt sử dụng rộng rãi cuốn Kinh này. Từng bài trong đó thường được tụng vào các dịp mừng tân gia, cầu an cho người bệnh hoặc ngay cả trong các buổi tang lễ. Bộ Milindapanha có chép rằng, chính Đức Phật cũng đã từng dạy các đệ tử tụng đọc một số bài kinh An Lành như vậy trong những trường hợp cần thiết.
– Hai tập Khuddakasikkhà và Mulasikkhà: Nội dung là điểm lại những vấn đề của Luật Tạng. Hai cuốn này phần lớn đều được viết theo thể văn kệ. Cuốn Khuddakasikkhà được coi là của một Trưởng Lão người Tích Lan tên Dhammasiri. Nhưng theo sử liệu Miến Điện thì cuốn này là tác phẩm của Ngài Mahàsàmì, còn cuốn Mùlasikkhà mới là của Ngài Dhammasiri. Theo tài liệu của Miến Điện thì hai tác phẩm trên đây có thể đã được biên soạn vào năm 920 Phật lịch. Nhưng qua văn phong và phép tu từ của hai tác phẩm, các nhà học giả đã quả quyết rằng chúng được thực hiện vào một thời điểm nào đó muộn màng hơn niên đại kia rất nhiều.