XI. CÁC TÁC PHẨM THI CA PÀLI HẬU THỜI

Nói một cách chính xác thì thể loại văn học này của Phật giáo được chính thức hình thành tại Tích Lan một cách rầm rộ vào các thế kỷ thứ X, XI, XIV. Đại bộ phận các tác phẩm thi ca Pàli được ra đời như một cố gắng làm giản dị hóa những giáo lý có vẻ nguyên tắc. Trong số đó, có một vài tác phẩm được thực hiện theo thể thơ Sataka, một thể thơ có thể được vay mượn từ thi pháp Sanskrit. Một thi phẩm Pàli, tập Rasavàhinì, còn in đậm phong cách văn học dân gian ngay trong chính văn thể bác học của mình.

Điều đáng lưu ý là hầu hết tác phẩm thi ca Pàli đều có khuynh hướng Sanskrit hóa các từ vựng. Và có lẽ đây là trường hợp duy nhất để chứng minh sự ảnh hưởng của thi ca Sanskrit đối với thi ca Pàli.

Sau đây là một số tác phẩm thi ca Pàli nổi tiếng trong giới học Phật.

– Anàgatavamsa: gồm 142 đoạn, tác giả là Ngài Kassapa, nội dung mô phỏng theo tập Gandhavamsa. Tác phẩm ghi lại lời tiên tri của Đức Phật về sự ra đời của Đức Phật Di Lặc cùng với vua Chuyển Luân Vương Sankha trong tương lai (cả hai vị đều sanh cùng thời). Anàgatavamsa còn có những đoạn văn xuôi mang phong vận của các tập Nikàya trong Kinh Tạng. Nội dung sách được viết theo hình thức đối thoại giữa Ngài Xá-lợi-phất và Đức Phật, bàn về những bước thăng trầm của Phật Giáo mai hậu cùng những vấn đề liên quan. Cũng trong chính đoạn văn xuôi của tác phẩm, tác giả còn nhắc kỹ lưỡng về mười Đức Phật tương lai, trong đó có cả Đức Phật DiLặc.

– Tập Jinacarita gồm gần 500 bài kệ. Theo Gandhavamsa và Saddhammasangaha thì tác giả của Jinacarita là Ngài Medhankara, người của thế kỷ XIII. Nội dung của thi phẩm này hầu như chỉ xoáy mạnh vào một tiêu đề duy nhất là cuộc đời Đức Phật. Tác phẩm này được coi là chịu ảnh hưởng mạnh các tác phẩm của Mã Minh (Assaghosa) như cuốn Phật Sở Hạnh Tán (Buddhacarita) và cả thi sĩ Kalidàsa của dòng thơ ca Sanskrit. Phải nhận rằng, Jinacarita là một thi phẩm tuyệt vời, trình độ thi pháp của tác giả có thể nói đã đạt tới mức hoàn bích, và chính vì quá thơ mộng nên nội dung của Jinacarita đã có phần sơ thất về sử học. Nói cụ thể hơn là tác phẩm chẳng cung cấp gì thêm cho chúng ta một thông tin nào mới về cuộc đời của Đức Thế Tôn.

– Tập Telakatàhagàthà: một tác phẩm mà tác giả chưa rõ là ai, và đến nay, như chúng ta được biết tác phẩm còn 98 bài kệ. Căn cứ vào chủ đề và phong vận, ta có thể đoán được rằng buổi đầu tác phẩm là một thi tập được thực hiện theo thể kệ Sataka của thi pháp Sanskrit. Chúng ta hôm nay chỉ còn biết được mỗi một điều là Telakatàhagàthà đã được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Trưởng lão Kaly àn.ìya. Tương truyền rằng Vị này đã bị ném vào vạc dầu sôi vì tội quan hệ bất chính với Hoàng hậu của vua Kalanitissa xứ Kalanìya (306-207 trước Tây lịch) ở Tích Lan. Giai thoại này được biết tới trong nhiều sử liệu như Mahàvamsa, rasavàhinì, Saddhammàlankàra,…

Tập Telakatàhagàthà gồm có chín phần: Ratanattaya, Maranàn.ussati, Aniccalakkhan.a, Dukkhalakkhan.a, Anattalakkhan.a, Asubhalakkhan.a, Duccaritàdinavà, Caturàrakkhà và Pat.iccasamuppàda. Trong tác phẩm, một số vấn đề giáo lý quan trọng cũng được nhắc đến trong hình thức liệt kê theo số mục (Pháp số). Ở đây, ta sẽ thấy vấn đề vô minh được nhắc đến một cách tỉ mẫn và lời đề nghị duy nhất được gửi đến đọc giả là việc tu tạo các công đức và thực hiện một đời sống đạo hạnh để chấm dứt vô minh, cứu cánh giải thoát nhứt thiết khổ ách. Phải nhận rằng, Telakatàhagàthà là một tác phẩm rất dễ đọc. Các khía cạnh âm vận và tu từ chính là sức hút mãnh liệt của tác phẩm.

– Tập Parivàrajjamadhu gồm 104 bài kệ và cũng là một thi phẩm thuộc văn thể Sataka. Tác giả là Ngài Buddappiya ( thế kỷ XI Tây lịch) . Phần đầu của tác phẩm nói về các hảo tướng của Đức Phật để phần sau là tán thán trí tuệ của Ngài. Pajjamadhu còn nói nhiều về Tăng chúng và cứu cánh Niết-bàn. Đọc kỹ, ta sẽ thấy tác phẩm là một công trình lớn.

– Tập Rasavahinì: tác giả là Vedeha, có lẽ sách ra đời vào đầu thế kỹ thứ XIV. Sách gần 103 câu chuyện nhỏ. 40 chuyện đầu kể về xứ Ấn, các mẫu chuyện sau nói về đảo quốc Tích Lan. Có thể nóiRasavahinì là một tài liệu xã hội học rất giá trị cho những ai mốn nghiên cứu về lịch sử Ấn Độ và Tích Lan thời đó. Ngoài ra cái giá trị của Rasavahinì còn nằm ở văn phong sáng sủa và cuốn hút.

– Tập Saddhammapàyana: gồm 629 câu kệ, đề cập về các vấn đề giáo lý được xem là quan trọng nhất. Sách không nói lên được điều gì mới mẻ, nhưng cái đáng học ở đây chính là cách trình bày nội dung nghiêm cẩn, giản dị và văn nhã. Bên cạnh đó, tác phẩm còn chứng minh một cách sắc sảo vốn kiến thức uyên bác của tác giả.

– Tập Pancagatidìpana: cả tác giả và thời điểm ra đời của sách cho đến nay vẫn chưa được xác định. Thi phẩm gồm 114 bài kệ giải về Nghiệp Lý và Lục Đạo. Đưa ra quan điểm Tận Thế Luận, tác giả còn bàn về các cảnh giới tái sanh, đặc biệt giải về các cõi Địa ngục. Mặc dù chỉ quẩn quanh những đề tài nhạt nhẽo, nhưng tác phẩm được viết trong một văn cách giản dị và khá hấp dẫn.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app