MỤC LỤC
Lời mở đầu
Lịch sử của bánh xe
Bản dịch
Những ngày cuối cùng của tập tục
Biểu tượng & Ý nghĩa thực tiễn của bánh xe
Vòng ngoài của bánh xe
Kết luận
Bản vẽ bánh xe của Tỳ kheo Khantipalo
Bản vẽ bánh xe của Tây Tạng
Nguyên tác Anh ngữ
-ooOoo-
Đây quả thật là lời dạy của Đức Thế Tôn:
Hai pháp có thể hiểu biết phải được thông suốt: danh và sắc; hai pháp có thể hiểu biết phải được tận diệt: vô minh và ái dục; hai pháp có thể hiểu biết phải được chứng ngộ: trí tuệ và giải thoát; hai pháp có thể hiểu biết phải được phát triển: vắng lặng và minh sát.
Nền tảng của vô minh có tám:
Không hiểu biết sự khổ; không hiểu biết sự phát sanh của khổ; không hiểu biết sự chấm dứt của khổ; không hiểu biết pháp hành dẫn đến sự chấm dứt khổ; không hiểu biết dĩ vãng; không hiểu biết vị lai; không hiểu biết dĩ vãng và vị lai; không hiểu biết pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Thập nhị Nhân Duyên).
Nền tảng của tuệ giác có tám:
Hiểu biết sự khổ; hiểu biết sự phát sanh của khổ; hiểu biết sự chấm dứt của khổ; hiểu biết pháp hành dẫn đến sự chấm dứt khổ; hiểu biết dĩ vãng; hiểu biết vị lai; hiểu biết dĩ vãng và vị lai; hiểu biết pháp Tùy Thuộc Phát Sanh (Thập nhị Nhân Duyên).
Thanh bình thay, tuyệt hảo thay, sự dập tắt mọi điều kiện, sự tách rời ra khỏi mọi nền tảng vật chất (để tái sanh), sự tận trừ ái dục, trạng thái không dục vọng, chấm dứt, Niết bàn.
Này chư Tỳ khưu, có cảnh giới ấy không đất, cũng không có gió, lửa, cũng không có vô biên xứ, không có thức vô biên xứ, không vô sở hữu xứ, cũng không có phi tưởng phi phi tưởng. Không thế gian này hay thế gian khác, không mặt trăng cũng không có mặt trời.
Cảnh giới ấy, này chư Tỳ khưu, Như Lai tuyên ngôn, quả thật không có đến, không có đi, không có ở, không viên tịch, không phát sanh, không gì nâng đỡ, không di chuyển, không đối tượng — đó quả thật là chấm dứt đau khổ.
Và pháp này quả thật thâm diệu, khó thấy, khó lãnh hội, thanh bình, tuyệt hảo, ngoài phạm vi luận lý, tế nhị, và để cho bậc thiện trí chứng ngộ.
— Bản dịch từ Tập Kinh Tụng Hoàng Gia (The Royal Chanting Book – Suatmon Chabub Luang), do Ngài Sa Pussadevo, Tăng Vương thứ 9 nước Thái Lan, sưu tập và được nhà xuất bản Mahamakut, Bangkok, ấn hành.
LỜI MỞ ĐẦU
Hơn hai ngàn năm trăm năm về trước, trong ngày trăng tròn tháng Visàkha, có một đạo sĩ du phương tên Gotama (Cồ Đàm), vốn là Hoàng Tử Siddhattha (Sĩ Đạt Ta), đông cung thái tử của triều đại Sakỳa (Thích Ca), đã tự mình chứng ngộ và trở nên Toàn Giác do công phu minh sát trọn vẹn và đầy đủ Chân Lý gọi là Pháp (Dharmma), tức danh, phần tâm linh, và sắc, cơ thể vật chất này.
Sự giác ngộ, hay thức tỉnh của Ngài, gọi là Chánh Biến Tri, đã tiêu trừ vô minh và ái dục, đã dập tắt tham ái, sân hận, si mê, trong tâm, và làm cho “nhãn kích phát sanh, tri kiến siêu phàm phát sanh, trí tuệ phát sanh, sự khám phá phát sanh, ánh sáng phát sanh”. Một công trình minh sát trọn vẹn và thấu đáo đi sâu vào danh và sắc, nguồn gốc của danh-sắc, sự chấm dứt danh-sắc, và con đường dẫn đến sự chấm dứt danh-sắc ấy. Và đó là thông suốt trọn vẹn và thấu đáo thế gian, sự chấm dứt thế gian, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế gian. Sau bao nhiêu năm trường kiên trì cố gắng và trong suốt đêm chú tâm minh sát, từ một người đi tìm chân lý Ngài trở thành “Người Hiểu Biết”, “Người Chứng Ngộ”.
Về sau, khi có cơ hội giải thích sự khám phá vĩ đại ấy, Ngài trình bày bằng nhiều phương cách khác nhau để cho mỗi người nghe đều có thể lãnh hội. Và như thế, để giúp cho mỗi người, tùy căn cơ và trình độ hiểu biết của mình, có thể đặt nhẹ gánh xuống bên đường. Với trí tuệ siêu phàm Ngài thông suốt tận tường những gánh nặng ấy là gì, mặc dầu lắm khi chính người mang gánh nặng trên vai lại không hiểu biết gì về gánh nặng ấy, với tâm bi mẫn vô lượng, Ngài truyền dạy Giáo Pháp cho những ai muốn bỏ gánh nặng xuống. Những gánh nặng mà con người – đúng ra là tất cả chúng sanh – phải khuân vác quanh quẩn theo mình ngày nay không có gì khác biệt với những gánh nặng của người ở vào thời của Đức Phật. Bởi vì trong hiện tại cũng như vào lúc thời bấy giờ, con người vẫn bị ái dục và vô minh đè nặng trĩu trên vai. Con người không thấu đạt Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên, con người bám bíu, đeo níu theo núi lửa và thuốc độc của ngày nay cũng như thuở nào, và con người bị lo âu sợ sệt làm tiêu mòn, sụp đổ. Đức Thế Tôn, người đã thành đạt mức châu toàn, dạy rằng:
“Thâm diệu thay, này Ànanda, pháp Thập Nhị Nhân Duyên, pháp này quả thật thâm diệu. Vì không thông suốt và thấu triệt Định Luật này, thế gian tựa hồ như một cuộn chỉ rối, một ổ chim, một bụi tre rậm, một đám lát, vì không thông suốt và thấu triệt Định Luật này, con người không thoát khỏi đời sống ở những cảnh giới thấp hèn, không thoát khỏi trạng thái đau khổ và tuyệt vọng, và mãi mãi khổ đau trong vòng luân hồi.”
Tình trạng không thông suốt định luật Tùy Thuộc Phát Sanh (Thập Nhị Nhân Duyên) là nguyên nhân của mọi phiền não mà tất cả chúng sanh phải chịu. Đó là công thức quan trọng nhất mà sự giác ngộ của Đức Phật đã trình bày một cách chính xác. Vậy đối với người Phật tử, là phải nhìn thẳng vào trung tâm của pháp này. Đây là việc làm tối quan trọng, tối cần thiết. Và nhìn vào, không phải bằng cách đọc sách, đọc kinh, hay bằng cách trở thành một chuyên viên nghiên cứu về Tam Tạng, và cũng không phải bằng cách tranh luận giữa quan niệm của mình và kẻ khác, mà phải là quan sát và thấy rõ sự Tùy-Thuộc-Phát-Sanh trong đời sống của chính mình, phải bám sát vào pháp gom tâm vắng lặng và minh sát trong “danh” và “sắc” của chính mình.
“Người nào mà thấy pháp Tùy Thuộc Phát Sanh, là người ấy thấy Giáo Pháp.”
Bây giờ, hãy nhìn xem giáo huấn này liên quan đến đời sống của chúng ta như thế nào? Dầu ở trong trạng thái hay cảnh giới nào — người hay không phải người – tất cả chúng sanh đều mưu tìm hạnh phúc. Nhưng điều quan trọng cần phải biết là: yếu tố nào đem lại đau khổ, để lẩn tránh, và yếu tố nào đem lại hạnh phúc, để cố gắng phát triển và trau giồi. Đó là lập lại Tứ Diệu Đế bằng một lối khác. Đoạn đầu của câu trên đề cập đến đau khổ, cái gì không bao giờ toại nguyện, mà trong tiếng Phạn gọi là dukkha.
Dukkha (khổ) này là Chân Lý Thâm Diệu (Diệu Đế) đầu tiên mà chúng ta kinh nghiệm một cách liên tục, từng giây từng phút, nhưng thường thì chúng ta không ghi nhận và không hay biết được. Và điều này – không ghi nhận và không hay biết – không làm cho dukkha suy giảm chút nào! Trước tiên, có những đau khổ phát sanh tùy cơ hội, như sanh, bệnh, lão, tử, vì những diễn biến này không bao gồm trọn vẹn đời sống. Kế đó có những đau khổ thường xuyên, như phải kết hợp với người mà ta không ưa thích, xa lìa người hay vật hay hoàn cảnh mà ta ưa thích, không thành đạt những gì mong muốn. Và đó là những việc thường xảy ra hằng ngày. Cuối cùng, để tóm lược, có sự đau khổ liên tục, bao hàm tất cả các loại đau khổ (dukkha): đó là ngũ uẩn thủ, tức chấp thủ vào năm nhóm: cơ thể vật chất (sắc), cảm giác (thọ), tri giác (tưởng), sanh hoạt của tâm (hành) và thức. Đó là năm yếu tố cấu thành chúng sanh. Nếu phải giải thích đầy đủ ở đây sợ e quá dài, tuy nhiên, mỗi người đọc đều có thể được cung ứng dồi dào các loại đau khổ ấy trong chính bản thân mình. Mỗi người phải tự chính mình, nhìn và quan sát, nhận thức xem những gì mình đã kinh nghiệm trong đời sống có đáng được thỏa thích hay không. Pháp này phải được “thông suốt trọn vẹn” trong chính bản thân và trong chính đời sống của mình, nơi mà Diệu Đế đầu tiên phải được khám phá.
Kế đó là những yếu tố đem lại sự bất toại nguyện, đau khổ, tức không-hạnh phúc. Nơi đây cũng vậy, con người và đời sống phải được quan sát thận trọng. Khi có những chúng sanh bị tôi sát hại, khi tôi lấy một vật gì chưa được cho, khi tôi có hành động tà dâm, khi tôi nói lời giả dối, khi tôi dùng những chất độc làm cho tâm trở thành dễ duôi, bất cẩn, phóng dật – đó là những yếu tố đem lại hạnh phúc hay bất toại nguyện? Khi tôi đem lòng tham muốn vật sở hữu của kẻ khác, khi tôi để tâm chứa chấp những ý tưởng oán ghét, hận thù, khi vô minh, tà kiến, và những quan kiến sai lầm khác làm chủ tâm tôi – đó là những yếu tố đem lại an lành hay hoại diệt cho tôi? Có rất nhiều phương cách để diễn tả các yếu tố tai hại ấy, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ vô minh và ái dục. Và vô minh và ái dục cũng chỉ là hai khía cạnh của mỗi một việc. Đó là Diệu Đế thứ nhì, đề cập đến nguồn gốc hay sự Phát Sanh của dukkha, đau khổ, bất toại nguyện. Khi ái dục hoạt động, khi vô minh bao trùm sự hiểu biết của ta như đám mây mờ, lúc ấy chắc chắn chúng ta đang kinh nghiệm đau khổ. Vì lợi ích cho ta và cho kẻ khác, lời giáo huấn của Đấng Từ Phụ là ái dục ấy “phải được diệt tận”.
Phần nhì của câu được nêu trên đề cập đến hạnh phúc. Có nhiều loại hạnh phúc. Hai loại tùy thuộc điều kiện, được chứng nghiệm đó đây trong thế gian và loại thứ ba, không tùy thuộc điều kiện, không do điều kiện nào nâng đỡ hay hỗ trợ, “phải được chứng ngộ”. Tất cả chúng ta đều mưu tìm hạnh phúc. Vậy, hãy tìm xem ta phải cần những gì? Đầu tiên, có loại hạnh phúc do vật chất tạo nên, phát sanh từ quyền sở hữu và việc khéo xử dụng thủ đoạn với những điều kiện của cuộc sống “ngoài đời”. Loại hạnh phúc này, được gọi là àmisa sukha, quả thật bấp bênh, không có gì chắc chắn vững bền, bởi vì tất cả những yếu tố nâng đỡ, hỗ trợ nó đều tạm bợ và biến đổi không ngừng. Lại nữa, nó nằm ở nơi thế tục, ở ngoại cảnh, chớ không phải ở trong tâm ta và như vậy, cần phải có tài năng tinh xảo kỳ diệu mới cứu ta thoát khỏi dukkha, đau khổ. Và chúng ta không thể tránh khỏi những thất bại, thất vọng, bất mãn, nếu cứ mãi mãi chạy theo loại hạnh phúc vật chất ấy. Đó là loại hạnh phúc ngắn ngủi, nhất thời. Trên một tầng lớp cao thượng hơn nhiều là hạnh phúc đến với ta bằng cách thực hành Giáo Pháp, được gọi là hạnh phúc phi-vật-chất hay niràmisa-sukha, hạnh phúc tinh thần đạo đức. Hạnh phúc này phát sanh đến người tạo đầy đủ mười thiện pháp là: bố thí, trì giới, hành thiền, tôn kính bậc trưởng thượng, tạo công đức phục vụ, hồi hướng phước báo đến người khác, nghe Giáo Pháp, dạy Giáo Pháp, và củng cố quan kiến theo chánh pháp. Người thực hành Giáo Pháp này, thanh lọc tâm như vậy, chắc chắn sẽ gặt hái hạnh phúc. Tuy nhiên, ta không thể mãi mãi ỷ lại vào loại hạnh phúc này mặc dầu nó vững bền và cao thượng hơn loại trước nhiều. Do quả báo của nó ta có thể hưởng một kiếp sống thật lâu dài, nhàn nhã, giữa những vị Trời, hay sanh làm người có thật nhiều may mắn. Nhưng, dầu ở cảnh Trời, dầu có được tuổi thọ thật dài đi nữa, rồi cũng phải mạng chung, khỏi cần đề cập đến cảnh người. Vả lại, những hậu quả của nghiệp, dầu tốt hay xấu, đều là vô thường, nghĩa là luôn luôn biến đổi.
Như vậy ta không thể ỷ lại vào những quả ấy để mưu tìm hạnh phúc thường còn, không biến đổi. Muốn có hạnh phúc trường cửu phải tận diệt trọn vẹn nguồn gốc của dukkha, đau khổ. Khi ái dục đã bị tiêu trừ tận căn cội, đau khổ không còn phát sanh được nữa. Trái lại, nhờ trong sạch, từ bi và trí tuệ, ta đạt đến hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn, bền vững, không thể hoại diệt, không thể biến đổi. Đó là Diệu Đế thứ ba, sự chấm dứt đau khổ, bằng cách diệt trừ nguồn gốc của nó. Để thành đạt cái “cần phải được chứng ngộ” ấy có nhiều việc phải làm, và những việc phải làm ấy phải theo một đường lối chân chánh, do đó, Diệu Đế thứ tư, Đạo Đế. Đế này được gọi là Chân Lý của Con Đường, và Con Đường này “phải được phát triển”.
Con Đường gồm những thành phần của trí tuệ: chánh kiến, chánh tư duy; những thành phần của giới đức: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng; và những thành phần của pháp hành thiền định: chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Nơi đây sẽ không giải thích những thành phần này. Người thực hành Giới, Định, Tuệ chắc chắn sẽ có những điều kiện để duy trì hạnh phúc. Nhờ thực hành như vậy hành giả có thể đạt đến hạnh phúc tinh thần đạo đức gọi là hạnh phúc của Giáo Pháp, hoặc hạnh phúc Tối Thượng, tùy theo mức độ tiến triển. Muốn thành đạt hạnh phúc Niết Bàn cần phải gia công cố gắng thật nhiều để phát triển cả hai lối thiền, thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà).
Tứ Diệu Đế, hay bốn Chân Lý Thâm Diệu ấy – khổ, nguyên nhân sanh khổ, diệt khổ, và con đường diệt khổ – là trung tâm của Giáo Pháp, phải nằm trong lòng của mỗi ai muốn nhận thấy. Do nhận thấy và hiểu biết thấu đáo Tứ Diệu Đế, hạnh phúc sẽ đến, nhưng cố tìm cách lẩn tránh thì đau khổ sẽ phát sanh.
Bốn Chân Lý ấy, trình bày trong công thức “Tùy Thuộc Phát Sanh”, đã được giải thích bằng nhiều phương cách. Hình thức giản dị nhất là:
“Có ái dục tức có đau khổ. Do sự phát sanh của ái dục, đau khổ phát sanh.
Không có ái dục tức không có đau khổ. Do sự chấm dứt ái dục, đau khổ chấm dứt.”
Tuy nhiên, có thể giải thích dông dài và đầy đủ hơn. Nguyên tắc quan trọng để thấu hiểu rõ ràng pháp Thập Nhị Nhân Duyên, hay Phát Sanh Tùy Thuộc, là nhận định rằng tất cả những gì mà ta chứng nghiệm đều do điều kiện phát sanh (duyên sanh). Hãy lấy thân này làm thí dụ. Từ lúc mới lọt lòng mẹ là một trẻ sơ sinh, rồi dần dần lớn lên, phát triển dần những đặc tánh để trở nên thuần thục cho đến khi bị tuổi già bám vào, làm cho cơ thể tàn phế, cách này hay cách khác, và cuối cùng, chết. Tiến trình điều hành sự trưởng thành và tàn lụi thật vô cùng phức tạp và tương quan chằng chịt với nhau. Muốn giữ thân được trọn vẹn, tối thiểu cần phải có y phục, thức ăn, chỗ ở và thuốc men. Nhưng một khi những phản ứng hóa học bên trong (cũng phải tùy thuộc phát sanh) bắt đầu tiến trình, dẫn đến tuổi già và hoại diệt, không có điều kiện hỗ trợ nào từ bên ngoài có thể giúp gì hơn là làm cho tiến trình ấy chậm trễ đôi chút. Cơ thể vật chất này, xem như một đơn vị, không thể phát sanh từ không-nguyên-nhân (những tinh trùng vật chất là nguyên nhân trực tiếp), cũng không thể phát sanh từ một nguyên nhân duy nhất. Quan sát tỉ mỉ và tận tường, không có gì ta chứng nghiệm mà phát sanh từ một nguyên nhân duy nhất hay không nguyên nhân. Trái lại, những gì ta thọ cảm đều chằng chịt tùy thuộc lẫn nhau. Như sự thấy của ta chẳng hạn, phải tùy thuộc ở nhãn căn, tức mắt, nhãn trần, tức vật để thấy, đối tượng của sự thấy và hoạt động của nhãn thức, (ngoài ra còn có những yếu tố khác góp phần vào như ánh sáng, không khí v.v…). Tương tự như sự thấy ấy, tai, âm thanh, nhĩ thức; mũi, mùi và tỉ thức; lưỡi, vị và thiệt thức; thân, xúc và thân thức; và tâm hay ý, tư tưởng, hay pháp, và ý thức. Tất cả những gì ta thọ cảm đều nằm trong mười tám nguyên tố (hay giới) ấy, và ngoài các nguyên tố ấy ta không còn biết gì khác.
Điều quan trọng cần nên nhận thức là phần lớn những gì ta thọ cảm đều phát sanh tùy thuộc lẫn nhau và đều là hậu quả của hành động nào chính ta đã làm trong quá khứ. Hạnh phúc mà ta hưởng hay đau khổ mà ta chịu, mặc dầu đến với ta do những diễn biến của thế gian vật chất bên ngoài (như động đất, bão, lụt, trời mưa, trời nắng v.v…) vẫn thường phát sanh do những hành động có tác ý (nghiệp) của ta trong quá khứ. Và trong hiện tại, với mỗi hành động có ý thức, ta đang tạo nghiệp mới. Nghiệp này sẽ phối hợp với nghiệp sẵn có để đem lại quả mà ta sẽ gặt hái trong tương lai. Như vậy, muốn thọ cảm hạnh phúc, muốn gặt hái quả ngọt, ta phải gieo trồng từ bây giờ những hột giống tốt. Cây có thể cho trái tức khắc, trong kiếp sống hiện tại, hay trong một kiếp sống tương lai. Ta làm ra ta. Ta là người tạo ra ta, không có bàn tay nào của ai khác. Và đấng Thần Linh Tạo Hóa không phải ai khác hơn là Vô Minh, hay sự không hiểu biết. Vô Minh là đấng Tạo Hóa đã tạo nên bánh xe luân hồi và những hình thức liên tục và khác nhau vô cùng tận của sự đau khổ. Đấng Tạo Hóa ấy ngự trong tâm của tất cả những ai còn được gọi là “phàm nhân”, những chúng sanh trong tam giới (Dục, Sắc và Vô Sắc Giới). Chúng ta sẽ trở lại vấn đề với nhiều chi tiết hơn.
—————————–
Bài viết được trích từ cuốn Vòng Luân Hồi, tác giả Tỳ Khưu Khantipalo
Link cuốn Vòng Luân Hồi
Link tải sách ebook Vòng Luân Hồi
Link video cuốn Vòng Luân Hồi
Link audio cuốn Vòng Luân Hồi
Link thư mục tác giả Tỳ Khưu Khantipalo
Link thư mục ebook Tỳ Khưu Khantipalo
Link giới thiệu tác giả Tỳ Khưu Khantipalo
Link tải app mobile Phật Giáo Theravāda