LỊCH SỬ CỦA BÁNH XE LUÂN HỒI

Pháp “Phát-Sanh-Tùy-Thuộc” hay Thập Nhị Nhân Duyên được giải thích nhiều lần và được ghi chép ở nhiều nơi trong những bài thuyết giảng của Đức Phật, nhưng Ngài không so sánh với bánh xe. Sự so sánh này được thấy trong sách Visudhimagga (Thanh Tịnh Đạo) và các bản chú giải khác. Mặc dầu kinh điển theo truyền thống Theravàda (Nguyên Thủy) có nhiều đoạn nhắc đến, nhưng hình như pháp này không được mô tả như một bánh xe. Nhưng ở miền Bắc Ấn Độ, và đặc biệt ở Kashmir, trường phái Sarvàstivàda (¹) (Thuyết nhất thiết hữu bộ, hay thường gọi tắt là Hữu bộ) đã được thiết lập vững chắc, ngoài ra nhiều kinh sách về Giới Luật và Vi Diệu Pháp (Vinaya và Abhidhamma) cũng có một lối vẽ theo hình bánh xe để mô tả giáo lý rất quan trọng của pháp Thập Nhị Nhân Duyên. Bánh xe ấy là đề tài của bản khái luận này.

Danh từ Pàli Bhava-cakka hay Samsàra-cakka, có khi được phiên dịch là Bánh Xe của Đời Sống, có lúc cũng được gọi là Bánh Xe của sự Trở Thành (Bhava, Hữu) hay Bánh Xe của Vòng Quanh Sanh Tử (Samsàra, Luân Hồi).

Bộ kinh Avadàna, thuật lại các tích truyện về Đức Phật và các đệ tử, có một quyển mở đầu bằng tích truyện về bánh xe này. Người đọc thấy rằng tích truyện về bánh xe nhắc lại thời Đức Phật còn tại thế, và có ghi nhận rằng Ngài đã có cho vẽ hình bánh xe và cũng có lời chỉ bảo về nội dung của bánh xe. Chắc chắn là vào thời ấy người ta đã biết xử dụng bộ môn hội họa (đã có nhiều lần được ghi nhận trong Giáo Pháp và Giới Luật). Ngoài ra, các sự kiện khác được nêu lên trong lời mở đầu ngắn ngủi ấy đều thích hợp với tinh thần kinh điển Pàli. Theo vài học giả, bộ kinh này đã được kết tập trước thời có Dương lịch. Vậy, nếu ta không tin rằng Đức Phật đã chỉ bảo lối vẽ bánh xe ấy thì ít ra, bánh xe này cũng được vẽ ra vào khoảng hai ngàn năm nay. Hai ngàn tuổi đầu âu cũng là một tập tục khả kính vậy!

Về những gì có tác dụng giúp ta thấu hiểu giáo lý, lối diễn đạt những phương tiện lành (upàya-kosalla) này chắc chắn là lâu đời nhất. [^]

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app