Phần Hai – Các Tác Phẩm Của Sayagyi U Ba Khin

Chương Năm – Những Điểm Cơ Bản Phật Pháp Trong Việc Hành Thiền

U Ba Khin đã soạn bài giảng sau đây bằng tiếng Anh dành cho các sinh viên người phương Tây của ông. Ông đã đọc bài giảng này cho họ vào nhiều dịp khác nhau. Sau khi ông mất, người ta đã chuyển ngữ bài giảng này từ một băng thu âm và xuất bản với tựa đề như trên.

Vô thường, khổ não và vô ngã — là ba đặc tính cơ bản của vạn vật trong lời giảng dạy của Phật. Nếu quí vị hiểu đúng vô thường, quí vị sẽ hiểu được đau khổ như là hệ quả của nó, và vô ngã như chân lí cơ bản nhất. Cần có thời gian mới hiểu được chung cả ba đặc tính này.

Hiển nhiên vô thường (anicca) là sự kiện cơ bản cần phải được kinh nghiệm trước tiên và thông hiểu nhờ thực hành. Chỉ dựa vào những kiến thức sách vở về Phật Pháp sẽ không đủ để hiểu đúng về vô thường vì sẽ thiếu mất khía cạnh kinh nghiệm. Chỉ khi quí vị có sự hiểu biết bằng kinh nghiệm về bản chất của vô thường như là một tiến trình không ngừng biến dịch trong con người quí vị, thì quí vị mới có thể hiểu được vô thường theo như Ðức Phật muốn quí vị hiểu. Như vào thời Ðức Phật thế nào, thì ngày nay cũng thế, sự hiểu biết về vô thường có thể được khai triển bởi những người không hề có chút hiểu biết gì về Phật giáo theo sách vở.

Ðể hiểu vô thường, người ta phải nghiêm túc và chuyên cần đi theo Bát Chánh Ðạo, được chia thành ba nhóm là Giới-sìla, Ðịnh samàdhi và Huệ paññā . Giới luật là nền tảng để có Ðịnh, sự tập trung và làm chủ cái tâm. Chỉ khi có Ðịnh hoàn hảo thì mới có thể phát triển tuệ giác. Vì vậy, Giới và Ðịnh là những điều kiện tiên quyết để có Huệ. Huệ có nghĩa là sự thông hiểu vô thường, khổ não và vô ngã nhờ thực hành Thiền quán.

Dù một vị Phật có xuất hiện hay không, việc thực hành giới và định vẫn có thể tồn tại trong thế giới loài người. Thực vậy, chúng là những mẫu số chung cho mọi niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, chúng không phải những phương tiện đủ để đạt mục đích của Phật giáo  sự diệt khổ hoàn toàn. Trên con đường tìm kiếm cách tận diệt đau khổ, thái tử Sĩ Ðạt Ta -Siddhattha, Ðức Phật tương lai, đã khám phá ra điều này và ra sức cố gắng làm việc để tìm ra con đường dẫn tới diệt khổ. Sau khi miệt mài khổ hạnh suốt sáu năm trời, ngài đã tìm ra con đường, ngài hoàn toàn giác ngộ, sau đó ngài đã bắt đầu dạy cho loài người và chư thiên con đường dẫn tới diệt khổ. 

Về điểm này, chúng ta nên hiểu rằng mỗi hành vi dù là việc làm, lời nói hay tư tưởng đều để lại đàng sau một lực năng động gọi là sankhàra – hành, cũng gọi là kamma – nghiệp, theo lối nói bình dân, tạo nên quả phúc hay tội cho cá nhân tùy theo hành vi ấy tốt hay xấu. Vì vậy, nơi mỗi cá nhân có sự tích lũy hành (hay nghiệp), có tác dụng làm nguồn năng lượng để duy trì sự sống, và tất yếu kéo theo đau khổ và sự chết. Nhờ phát triển năng lực nội tại trong việc hiểu biết vô thường, đau khổvô ngã, người ta có thể giải thoát mình khỏi những hành đã tích lũy nơi bản thân mình.

Tiến trình này bắt đầu bằng việc hiểu đúng về vô thường, trong khi việc tích lũy thêm những hành động mới và giảm trừ việc cung cấp năng lượng để duy trì sự sống cũng đang diễn ra đồng thời, từng giây từng phút và ngày này qua ngày khác. Vì vậy, đây là công việc của cả đời người hoặc lâu dài hơn nữa, là làm sao diệt trừ hết mọi hành động của mình. Ai đã dứt bỏ hết các hành động của mình thì tận diệt được đau khổ, vì lúc đó không còn hành động nào để cung cấp đủ năng lượng nhằm duy trì nơi người ấy bất cứ hình thức sự sống nào. Khi kết thúc cuộc đời mình, các bậc thánh nhân hoàn hảo – tức là các vị Phật và các bậc A-La-Hán – bước vào parinibbàna – Vô dư Niết bàn, và đạt tình trạng không còn đau khổ. Với chúng ta ngày nay, khi hành thiền Vipassāna, chúng ta chỉ cần làm sao để hiểu khá rõ về vô thường là đủ để đạt tới giai đoạn thứ nhất của bậc thánh-ariyà nghĩa là trở thành một bậc thánh Tu Ðà Huờn –sotapannā, các ngài chỉ còn phải trải qua không hơn bảy kiếp sống để đạt tới tình trạng giải thoát khỏi đau khổ.

Chân lí về vô thường mở cửa cho chúng ta hiểu biết về đau khổ và vô ngã và cuối cùng dẫn tới chỗ tận diệt đau khổ, chân lí này chúng ta chỉ có thể đạt đến một cách trọn vẹn nhờ lời giảng dạy của một vị Phật về Bát Chánh Ðạo và ba mươi bảy yếu tố giác ngộ (bodhipakkhiya dhamma).

Ðể tiến bộ trong việc hành thiền Vipassāna, thiền sinh phải ý thức về vô thường liên tục bao lâu mà mình có thể. Ðức Phật khuyên các tì kheo phải chăm chú ý thức về vô thường, khổ não và vô ngã trong mọi tư thế, dù là ngồi, đứng, đi, hay nằm. Ý thức liên tục về vô thường cũng như về khổ não và vô ngã chính là bí quyết để thành công. Những lời cuối cùng của Ðức Phật trước khi tắt hơi thở cuối cùng và bước vào Đại vô dư Níp-bàn là: “các pháp đều vô thường. Các thầy hãy chuyên chăm lo sự giải thoát của bản thân mình.” Ðây chính là điểm nòng cốt của mọi lời giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp của ngài. Nếu quí vị luôn ý thức về sự vô thường nội tại trong vạn vật, với thời gian, quí vị sẽ chắc chắn đạt được mục tiêu.

Ðang khi quí vị phát triển sự hiểu biết về vô thường, sự thấu hiểu của quí vị về “thực chất của sự vật” sẽ ngày càng lớn dần lên, để rồi cuối cùng quí vị sẽ không còn một chút nghi ngờ nào về ba đặc tính vô thường, khổ não và vô ngã nữa. Chỉ khi ấy quí vị mới thực sự ở trong vị thế để tiến tới mục tiêu của quí vị. Giờ đây quí vị đã biết vô thường là yếu tố cơ bản đầu tiên, quí vị phải cố gắng để hiểu vô thường là gì một cách thật sáng sủa, thật sâu rộng, để không còn bị lẫn lộn trong khi quí vị hành thiền hay thảo luận.

—o0o—

Bài viết trích từ cuốn Vipassana – Tiếng Chuông Vượt Thời Gian (The Clock of Vipassana Has Struck)  – Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin (Tỳ Kheo Thiện Minh dịch).

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH THIỀN QUÁN – TIẾNG CHUÔNG VƯỢT THỜI GIAN

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app