VII. TẠP TẠNG (CÁC TẬP SỚ CỔ)

Nói chung các tập sớ cổ được biên soạn vào thời kỳ chư vị A-xà-lê hoàn chỉnh hóa dòng Kinh điển Tam Tạng thành văn. Điển hình là các Ngài Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla. Giai đoạn ra đời của các tập cổ sớ từ đó có thể xác định là vào khoảng những năm đầu Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư sau đó.

Các tác phẩm loại này (các tập cổ sớ) chiếm một số lượng rất lớn. Điều đó xuất phát từ tầm vóc quá ư đồ sộ của Chánh Tạng.

Tạp Tạng hay Tục Tạng có thể được phân loại như sau:

– Các tác phẩm mang tính Kinh viện.
– Các tập sớ giải danh tiếng.
– Các tài liệu sử học.
– Các tập trích yếu nội dung Tam Tạng.
– Các tác phẩm thi ca Pàli.
– Các sách văn phạm Pàli.
– Các sách về ngữ âm học và tu từ học Pàli.
– Từ vựng học Pàli.

*Các tác phẩm mang tính Kinh viện:

Ở đây có thể kể (theo niên đại đã nêu) ba tác phẩm được ra đời vào thời điểm này: Nettipakarana, Petakopadesa và Milindapanha.

Nettipakarana:

Cũng còn gọi là Nettighandha hoặc Netti. Tác phẩm cũng gán cho Ngài Ca Chiên Diên (Mahàkaccàna), một vị cao đồ của Đức Phật mà theo Trung Bộ Kinh của Tam Tạng nguyên thủy thì Ngài là một vị thù thắng về khả năng giải thích rộng rãi những lời dạy ngắn gọn của Bậc Đạo Sư. Tuy nhiên theo một vài tài liệu nghiên cứu thì tác giả của bộ sách này là của một người khác, tên là Kaccàna, không phải vị thanh văn cao đồ vừa nhắc và cũng theo các tài liệu này thì bộ Nettipakaran.a được ra đời vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Có lẽ bộ sách này được biên soạn sớm hơn hai bộ sau cùng của Tạng Vi Diệu Pháp nếu căn cứ theo nội dung buổi đầu của nó. Điểm tương quan giữa bộ Nettipakaran.a với Tam Tạng nguyên thủy xem ra cũng giống như các tập Sam.hità của dòng kinh văn Phệ Đà với tác phẩm Nirukta của Yàska.

Petakosadesa (Tạng Chú)

Bộ này cũng được cho là của Ngài Mahàkaccàna. Nội dung của bộ sách là giải quyết một số vấn đề giáo lý chưa được giải quyết sáng tỏ trước đó. Sách được giải thích sâu sắc về vấn đề giáo lý cơ bản nhất, mà đại biểu là Lý Tứ Đế. Ta có thể gặp ở đây những vấn đề đã được nhắc đến trong Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh.

– Milindapanhà (Những vấn nạn của vua Milanda)

Milinda là tên của vua Hy Lạp Menandros, một nhân vật nổi tiếng của triều đại Hy Lạp tại Ấn Độ. Ông mang trong mình cùng lúc cả hai dòng máu chiến sĩ và học giả. Ông đã từng có một cuộc đối thoại gay cấn với Trưởng Lão Nàgasena của Phật giáo. Chính những câu vấn đáp của hai người đã được ghép lại thành nội dung bộ sách. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một tư liệu đích xác nào về Ngài Nàgasena.

Bộ sách có lẽ được biên soạn ở Tây Bắc Ấn Độ, vì đây chính là một địa bàn quan trọng của người Hy Lạp. Đồng thời, có thể đây cũng là lý do tại sao một ông vua Hy Lạp được nâng lên thành nhân vật chính của bộ sách.

Vua Milinda được coi là người của thế kỷ đầu tiên trước Tây lịch nên đây cũng là dấu mốc để xác định thời điểm ra đời của bộ Milindapanha. Đến nay ta vẫn chưa rõ là bộ sách được biên soạn trong lúc sinh thời hay sau khi ông đã mất. Thậm chí nội dung của bộ sách, từng câu vấn đáp giữa vua Milinda với Ngài Nàgasena vẫn cứ là một vấn đề nghiên cứu của giới học Phật và theo các nghiên cứu khoa học thì tác giả của bộ sách cũng là một nhân vật khuyết danh.

Bộ Milindapanha đang được phổ biến rộng rãi hiện nay chính là một phiên bản bằng chữ Pàli vốn được xem là một tài liệu cổ điển của Phật giáo Tích Lan. Nguyên tác nay không còn nữa và theo các nhà nghiên cứu thì có thể nó đã được viết bằng tiếng Sanskrit hoặc là Pràkrit.

Về nội dung thì bộ Milindapanha hôm nay gồm có bảy chương thay vì ở bản gốc thì bố cục không dàn trải như vậy, mà tất cả được thu gọn vào ba chương mà thôi. Đặc biệt ở chương bốn bây giờ có thêm một phần tăng bổ mà ở bản dịch Trung Văn (thế kỷ thứ IV Tây lịch)đã bị lược bỏ.

Có thể nói hình thức song thoại và những ví dụ được vận dụng một cách sắc bén đã làm cho những đề tài giáo lý trở nên sinh động hơn và đồng thời cũng giúp cho người đọc hôm nay dễ dàng bắt gặp qua đó những tình cảm rất gần gũi.

Trước các công trình chú giải của ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapàla, ta có thể tìm thấy các tập chú giải khác mà mà tác giả là tập thể chư vị A-xà-lê, gọi theo tập Gandhavamsa là các vị Chú Giải Sư (Atthakathà –Càriya). Chính Ngài Buddhaghosa cũng đã từng nhắc tới những tập sớ giải này:

Mahà Atthakathà, Mahàpaccariya, Kurundì, Andha Atthakathà, Samkhepa Atthakathà, Àgamatthakathà, Àcariyànam. Samànatthakathà.

Ngoài ra, còn một tập sớ cổ khác mà Ngài Buddhaghosa đã tìm thấy ở Tích Lan và bổ sung vào đó đôi điều. Đó chính là tập Sớ của Bổn Sanh Kinh. Bên cạnh đó, từ Viniccaya ở một vài chỗ trong bộ Sớ Thiện Kiến (Samantapàsàdikà) cho ta thấy rằng có lẽ nó đã được vay mượn từ tác phẩm Vinayavinicchaya của Buddhasìha.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app