Sống Trong Từng Sát Na 

Phần 9: KINH BỐN LÃNH VỰC QUÁN NIỆM

Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, Đức Phật đang cư trú ở Kammasadamma, một khu phố của xứ Kuru. Một hôm, Ngài gọi các vị khất sĩ: “Này các thầy”. Các vị khất sĩ đáp: “Thưa Đức Thế Tôn”. Đức Phật nói: “Này các vị, đây là con đường duy nhất để thanh tịnh thân tâm, vượt thắng phiền não, diệt trừ ưu khổ, đạt tới chánh đạo và chứng nhập Niết Bàn. Đó là con đường của bốn lãnh vực quán niệm”.

Bốn lãnh vực quán niệm là những lãnh vực gì?

Này các vị, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, tinh cần, ý thức rõ ràng và sáng suốt về thân thể, xa lìa mọi tham đắm và ưu tư đối với cuộc đời.

Người ấy an trú trong sự quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ, tinh cần, ý thức rõ ràng và sáng suốt về cảm thọ, xa lìa mọi tham đắm và ưu tư đối với cuộc đời.

Người ấy an trú trong sự quán niệm về tâm thức nơi tâm thức, tinh cần, ý thức rõ ràng và sáng suốt về tâm thức, xa lìa mọi tham đắm và ưu tư đối với cuộc đời.

Người ấy an trú trong sự quán niệm về đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức, tinh cần, ý thức rõ ràng và sáng suốt về đối tượng tâm thức, xa lìa mọi tham đắm và ưu tư đối với cuộc đời.

Này các vị, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể như thế nào?

Người ấy tìm tới một khu rừng, đến một gốc cây, hoặc một nơi vắng vẻ, ngồi xếp bằng, lưng giữ thẳng và thiết lập chánh niệm trên đối tượng thiền định. Với ý thức rõ ràng và sáng suốt, người ấy thở vào. Với ý thức rõ ràng và sáng suốt, người ấy thở ra.

Thở vào một hơi thở dài, người ấy ý thức: “Ta đang thở vào một hơi thở dài”. Thở ra một hơi thở dài, người ấy ý thức: “Ta đang thở ra một hơi thở dài”.

Thở vào một hơi thở ngắn, người ấy ý thức: “Ta đang thở vào một hơi thở ngắn”. Thở ra một hơi thở ngắn, người ấy ý thức: “Ta đang thở ra một hơi thở ngắn”.

Người khất sĩ tự mình thực tập như sau:

Với sự chú tâm ghi nhận rõ ràng về toàn hơi thở vào, ta thở vào. Với sự chú tâm ghi nhận rõ ràng về toàn hơi thở ra, ta thở ra.

Với sự nỗ lực chú tâm về sự lắng dịu của toàn hơi thở vào, ta thở vào. Với sự nỗ lực chú tâm về sự lắng dịu của toàn hơi thở ra, ta thở ra.

Như người thợ tiện rành nghề, hoặc người thợ học nghề, khi xoay một vòng dài, người ấy ý thức: “Ta đang xoay một vòng dài”. Hoặc xoay một vòng ngắn, người ấy ý thức: “Ta đang xoay một vòng ngắn”.

Cũng như người khất sĩ thở vào một hơi thở dài, người ấy ý thức: “Ta đang thở vào một hơi thở dài”. Thở ra một hơi thở dài, người ấy ý thức: “Ta đang thở ra một hơi thở dài”. Thở vào một hơi thở ngắn, người ấy ý thức: “Ta đang thở vào một hơi thở ngắn”. Thở ra một hơi thở ngắn, người ấy ý thức: “Ta đang thở ra một hơi thở ngắn”.

Người khất sĩ tự mình thực tập như sau:

Với sự chú tâm ghi nhận rõ ràng về toàn hơi thở vào, ta thở vào. Với sự chú tâm ghi nhận rõ ràng về toàn hơi thở ra, ta thở ra.

Với sự nỗ lực chú tâm về sự lắng dịu của toàn hơi thở vào, ta thở vào. Với sự nỗ lực chú tâm về sự lắng dịu của toàn hơi thở ra, ta thở ra.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Khi đi, người khất sĩ ý thức: “Ta đang đi”. Khi đứng, người khất sĩ ý thức: “Ta đang đứng”. Khi ngồi, người khất sĩ ý thức: “Ta đang ngồi”. Khi nằm, người khất sĩ ý thức: “Ta đang nằm”. Bất cứ thân thể đang ở trong tư thế nào, người khất sĩ cũng ý thức về tư thế đó.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Khi đi tới hay đi lui, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó. Khi nhìn trước hay nhìn sau, cúi xuống hay đứng lên, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó. Khi mặc áo cà sa hay mang bình bát, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó. Khi ăn hay uống, nhai hay nếm, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó. Khi đi đại tiện hay tiểu tiện, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó. Khi đi hay đứng, nằm hay ngồi, ngủ hay thức, nói hay im lặng, người khất sĩ ý thức rõ ràng về việc đó.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Người khất sĩ quán niệm về chính thân thể đây, từ gót chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc bởi một lớp da và chứa đầy các loại bất tịnh. Thuộc về thân thể này: “tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, chất dầu, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước nhờn ở khớp xương, nước tiểu”.

Này các vị, thí dụ có một cái bao đựng các loại hạt như gạo trắng, gạo đỏ, đậu xanh, đậu ngự, mè, lúa. Hai đầu bao có thể mở ra được. Một người có mắt tốt khi mở bao ra, thấy rõ các loại hạt chứa đựng trong đó. Đây là gạo trắng, gạo đỏ, đậu xanh, đậu ngự, mè, lúa.

Cũng như thế, khi quán niệm về chính thân thể đây, người khất sĩ thấy được mọi thứ, từ gót chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc bởi một lớp da và chứa đầy các loại bất tịnh. Thuộc về thân thể này: “tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phẩn, óc, mật, đàm,  mủ, máu, mồ hôi, mỡ, chất dầu, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước nhờn ở khớp xương, nước tiểu”.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Lại nữa, này các vị. Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, người khất sĩ cũng quán niệm về các yếu tố cấu tạo thành thân thể. Trong thân thể đây, có yếu tố đất, có yếu tố nước, có yếu tố lửa, có yếu tố gió. Như người đồ tể rành nghề, hoặc người thợ học nghề, khi giết một con bò, ngồi giữa ngã tư đường và cắt con bò ra thành nhiều phần. Người khất sĩ cũng vậy, trong bất cứ tư thế nào của thân thể, người ấy cũng quán niệm về các yếu tố cấu tạo thành thân thể. Trong thân thể đây, có yếu tố đất, có yếu tố nước, có yếu tố lửa, có yếu tố gió.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Lại nữa, này các vị. Như khi thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, đã được một ngày, hai ngày, hoặc ba ngày, sình trương, thâm tím và thối rữa. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, bị quạ, diều hâu, kên kên và chó sói rừng gặm xé, dòi bọ rúc rỉa. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại bộ xương dính ít thịt và máu, các khớp xương còn gắn liền nhau bởi những sợi gân. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại bộ xương không còn chút thịt nào nhưng vẫn còn dính chút máu, các khớp xương còn gắn liền nhau bởi những sợi gân. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại bộ xương không còn chút thịt nào và cũng không còn chút máu nào, các khớp xương còn gắn liền nhau bởi những sợi gân. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại đống xương rời rạc, chỗ này là xương tay, xương chân, chỗ kia là xương đùi, xương mông, xương sống, đầu lâu.

Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại đống xương trắng màu vỏ ốc. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại đống xương khô đã hơn một năm. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Rồi như thấy một xác chết bị bỏ nơi bãi tha ma, chỉ còn lại đống xương đã rã nát thành tro bụi. Người khất sĩ quán niệm về thân thể đây cũng vậy, cũng sẽ trở thành như thế, không có cách nào tránh thoát.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về thân thể nơi thân thể, hoặc bên trong thân thể, hoặc bên ngoài thân thể, hoặc bên trong và bên ngoài thân thể. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quá trình hoại diệt nơi thân thể, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi thân thể. Hoặc người ấy quán niệm: “Có thân thể đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về thân thể. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về thân thể nơi thân thể là như vậy, thưa các vị.

Này các vị, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ như thế nào?

Khi có một cảm giác khoái lạc, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác khoái lạc”. Khi có một cảm giác đau khổ, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác đau khổ”. Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ”.

Khi có một cảm giác khoái lạc về thể xác, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác khoái lạc về thể xác”. Khi có một cảm giác khoái lạc về tinh thần, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác khoái lạc về tinh thần”.

Khi có một cảm giác đau khổ về thể xác, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác đau khổ về thể xác”. Khi có một cảm giác đau khổ về tinh thần, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác đau khổ về tinh thần”.

Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác”. Khi có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần, người khất sĩ ý thức: “Ta đang có một cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần”.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ, hoặc bên trong cảm thọ, hoặc bên ngoài cảm thọ, hoặc bên trong và bên ngoài cảm thọ. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi cảm thọ, hoặc quá trình hoại diệt nơi cảm thọ, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi cảm thọ. Hoặc người ấy quán niệm: “Có cảm thọ đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về cảm thọ. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về cảm thọ nơi cảm thọ là như vậy, thưa các vị.

Này các vị, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về tâm thức nơi tâm thức như thế nào?

Khi tâm thức có tham dục, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có tham dục. Khi tâm thức không có tham dục, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không có tham dục.

Khi tâm thức có sân hận, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có sân hận. Khi tâm thức không có sân hận, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không có sân hận.

Khi tâm thức có si mê, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có si mê. Khi tâm thức không có si mê, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không có si mê.

Khi tâm thức có thu nhiếp, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có thu nhiếp. Khi tâm thức có tán loạn, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có tán loạn.

Khi tâm thức trở thành rộng lớn, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình trở thành rộng lớn. Khi tâm thức trở thành hạn hẹp, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình trở thành hạn hẹp.

Khi tâm thức đạt đến trạng thái cao nhất, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình đạt đến trạng thái cao nhất. Khi tâm thức không đạt đến trạng thái cao nhất, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không đạt đến trạng thái cao nhất.

Khi tâm thức có định, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có định. Khi tâm thức không có định, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không có định.

Khi tâm thức có giải thoát, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình có giải thoát. Khi tâm thức không có giải thoát, người khất sĩ ý thức là tâm thức mình không có giải thoát.

Như thế, người khất sĩ an trú trong sự quán niệm về tâm thức nơi tâm thức, hoặc bên trong tâm thức, hoặc bên ngoài tâm thức, hoặc bên trong và bên ngoài tâm thức. Người ấy an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi nơi tâm thức, hoặc quá trình hoại diệt nơi tâm thức, hoặc quá trình sinh khởi và quá trình hoại diệt nơi tâm thức.

Hoặc người ấy quán niệm: “Có tâm thức đây”, như thế đủ để phát khởi ý thức chánh niệm về tâm thức. Người ấy không lệ thuộc vào bất cứ gì nơi tham đắm và cũng không bám víu vào bất cứ gì trong cuộc đời. Người khất sĩ quán niệm về tâm thức nơi tâm thức là như vậy, thưa các vị.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app