Sống Trong Từng Sát Na 

Phần 4: QUÁN TÂM

Lãnh vực thứ ba là quán tâm nơi tâm. Đây là pháp quán về tâm thức, được áp dụng phối hợp với pháp quán niệm về hơi thở, để giúp ta giữ vững định lực. Phần quán tâm rất quan trọng bởi sự thụ động đối trị của tâm thức gắn liền với những tưởng vọng của tâm thức.

Trong pháp quán tâm, bất cứ ý tưởng nào khởi dậy trong tâm thức, ta cần tỉnh táo nhận biết về sự phát khởi của ý tưởng đó. Sự ghi nhận tương đối dễ dàng nếu hơi thở được duy trì có ý thức. Ta giữ sự tỉnh biết bằng cách quán sát hơi thở. Hơi thở vào, ta biết hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết hơi thở ra. Sự tập trung tâm trí vào hơi thở là phương tiện mầu nhiệm để giúp ta nhận biết về sự phát khởi của các ý niệm trong tâm thức.

Khi có một ý tưởng phát sinh, ta ghi nhận có một ý tưởng phát sinh, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Không bực bội với nó. Không hoan hỷ với nó. Tâm trí không theo đuổi hay phân tích bất cứ một ý niệm nào. Ta chỉ cần khách quan nhận biết như vậy, thế thôi. Ta biết nó vừa mới sinh khởi. Ta biết nó bắt đầu tăng trưởng. Ta biết nó đang bị giảm suy. Ta biết nó đã tan biến đi. Con mắt tâm tập trung vào hơi thở và ghi nhận những chuyển biến sinh diệt của các ý niệm trong tâm thức. Cố gắng nuôi giữ sự tỉnh thức trong mọi phút giây, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Giai đoạn đầu khi mới học thiền, dĩ nhiên tâm trí rất khó có thể tập trung an định được. Có nhiều khi ý nghĩ sinh khởi liên tục, dẫn kéo ta vào những tưởng vọng mông lung. Nhưng nếu cố gắng hành thiền thường xuyên, sự giác tỉnh sẽ được nâng cao. Khi chợt nhận biết tâm trí đang mông lung, ta liền ghi nhận về sự phóng tâm đó và nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Đừng bực bội với bản thân. Đừng tự trách với chính mình. Cứ dịu dàng thư thản đưa tâm trí trở về với hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta khách quan ghi nhận về sự tan biến của những tưởng suy ấy. Sự tập trung tâm trí vào hơi thở cũng theo đó mà phát triển và định lực cũng nhờ đó mà được nâng cao.

Khi có một ý tưởng vừa phát khởi, ta nhận định về điều đó và quán niệm: “Có một ý nghĩ đang phát sinh”, và nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của tâm thức. Ngay khi ta vừa nhận biết có một ý nghĩ đang phát sinh trong tâm thức, thì ngay khi ấy ý nghĩ đó cũng đã bị suy yếu và tan biến dần. Ta ý thức về tất cả những biến động sinh diệt vô thường của các ý niệm và làm cho tâm trí ta lắng dịu dưới ánh sáng của sự tỉnh thức.

Đấy là yếu chỉ hành trì của phương pháp hàng phục tâm mà Đức Phật đã thuyết giảng trong Kinh Kim Cang – “Một niệm dấy lên là chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh, đó là hàng phục tâm” (Kinh Kim Cang – Thiền sư Thích Thanh Từ dịch và chú giải).

QUÁN NIỆM VỀ CÁC LÃNH VỰC TÂM Ý

  • Tâm ý tham dục

Những khi trong tâm khởi dậy bất cứ một ý nghĩ tham dục nào, ta chỉ cần nhận biết về sự phát khởi của những dục niệm đó. Nếu như tinh chuyên nắm giữ hơi thở trong mọi lúc, thì bất cứ ý nghĩ tham dục nào phát khởi, ta liền nhận biết được ngay. Ta ghi nhận sự sinh khởi và hoại diệt của những dục tưởng để trực nghiệm bản chất vô thường của nó. Khi trong tâm không còn ý nghĩ tham dục nữa, ta cũng liền giác tỉnh nhận biết đúng như vậy.

Ta an trú trong sự quán niệm: “Có một ý nghĩ tham dục đang phát sinh trong tâm thức”. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của các ý niệm tham dục, để trực nghiệm bản chất vô thường của các dục niệm.

  • Tâm ý sân hận

Cũng như pháp quán về tâm ý tham dục, mỗi khi trong tâm có những ý nghĩ sân hận, ta ý thức về sự phát khởi của những ý nghĩ sân hận đó, và khách quan ghi nhận: “Có một ý niệm sân hận đang phát khởi”. Với sự ghi nhận như thế đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của các ý niệm sân hận trong tâm thức.

Khi có sự chú tâm ghi nhận về ý nghĩ giận dữ, thì ngay khi ấy ý niệm giận dữ đó cũng đã phần nào bị suy yếu và tan biến đi dưới ánh sáng chánh niệm. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Biết rõ là ta đang thở vào. Biết rõ là ta đang thở ra. Biết là ta đang có một ý nghĩ giận dữ. Hãy đối trị thụ động với tâm hoàn toàn giác tỉnh. Hãy xem những sân niệm như gió thoảng, như mây bay. Cố gắng đừng để bị não phiền vì những sân niệm biến diệt vô thường. Như trong Chứng Đạo Ca của Đại sư Huyền Giác – “Ba món độc tham sân si như bọt nước hiện ra rồi mất đi” (Tam độc thủy bào hư xuất một). Hãy nhận biết tỉnh giác từ khi những sân niệm phát sinh cho đến khi nó hoàn toàn bị hoại diệt, để trực nghiệm bản chất vô thường của các sân niệm.

Ngay khi ý niệm sân hận đã tan biến, tâm thức không còn sự sân hận nữa, ta cũng liền nhận biết về điều đó. Ta biết ta đang thở và ý thức trong tâm ta không còn sự sân hận. Ta duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và nhận biết tâm thức ta không còn sự giận dữ. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và nhận biết tâm thức ta không còn sự sân hận.

  • Tâm ý si mê

Khi tâm thức có những tưởng vọng u mê mờ mịt, ta liền nhận biết được sự phát khởi đó. Khi nhận diện được trong tâm thức ta đang có những ý tưởng si mê, thì sự si mê đó đã đang được chuyển hóa, để hướng về cái nhìn trong sáng hơn. Như vậy, sự nhận biết đó đã là một sự giác tỉnh rồi.

Và khi trong tâm không còn sự u mê, ta cũng nhận biết rõ ràng và sáng suốt rằng mình không có những ý tưởng u mê trong lúc này.

Điều quan trọng là sự nhận biết về tâm ý chỉ là sự giác tỉnh trong nhất thời. Tế nhị không để tâm thức bị trói buộc bởi những nội dung si mê đó. Nếu không khéo léo lại bị mê muội trong chán chường tự trách, chỉ bởi sự nhầm lẫn với những ngu mê nhất thời đang trỗi dậy trong tâm thức.

  • Tâm ý thu nhiếp

Khi tâm ý có sự thu nhiếp, hơi thở trở nên dịu lắng, thân tâm cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái. Ta thở vào và thở ra trong sự giác tỉnh, ghi nhận từng hơi thở vào ra nhẹ nhàng trong tỉnh biết. Trong nhất thời đó, vọng tưởng không còn quá loạn náo, tâm trí đang có sự tập trung về hơi thở tương đối vững chải. Ta ý thức và ghi nhận về cảm giác êm dịu nơi thân tâm. Ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra, với ý thức sáng suốt về quá trình sinh khởi của sự thu nhiếp trong tâm trí.

Giá trị cuộc sống đây, nghệ thuật thiền học này, thật bình dị trên hơi thở tĩnh lặng và ý thức. Hãy an trú trong sự quán niệm: “Tâm thức đang có sự thu nhiếp”. Khi tâm thức không còn ở trong sự thu nhiếp, ta cũng liền nhận biết rõ ràng về điều đó. Với sự khách quan ghi nhận như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

  • Tâm ý tán loạn

Trong bước đầu thực tập quán niệm, rất khó tập trung tâm trí trên hơi thở cho được liên tục, rất khó có thể duy trì ý thức trên hơi thở trong từng mỗi phút giây. Khi nhìn vào nội thức, tâm trí nghĩ suy đủ mọi vấn đề. Những nghĩ suy tuôn bờ ào ạt như sóng vỗ. Đấy là lúc tâm trí tán loạn, tư duy mông lung, chập chờn biết bao ý tưởng. Từ những ý nghĩ nhỏ nhặt nhất, cho đến những tiếc nuối về quá khứ, những lo lắng về tương lai, những mộng ước về ngày mai.

Đấy là giai đoạn tâm trí náo loạn khó có thể dừng nghỉ được. Hãy cố gắng ghi nhận phút giây tâm trí đang cuồng loạn. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào, ta biết tâm trí ta đang tán loạn. Thở ra, ta biết ta đang thở ra, ta biết tâm trí ta đang cuồng quay. Ta an trú trong sự quán niệm: “Tâm thức đang có sự tán loạn”. Sự đối trị thụ động với hơi thở ý thức là phương tiện khả dĩ làm nền tảng để có thể chuyển hóa nội tâm. Hãy nhận biết sự phát khởi của nó. Hãy quán sát sự tăng trưởng của nó. Hãy ghi nhận sự suy yếu và tan biến của nó. Hiệu năng của hơi thở ý thức sẽ giúp cho tâm trí ta trầm lắng xuống. Sự tán loạn vọng động sẽ giảm bớt và thân tâm sẽ cảm thấy dễ chịu hơn ít nhiều.

Tâm ý thu nhiếp và tâm ý tán loạn là hai lãnh vực tương phản nhất thời của tâm thức. Khi vọng tưởng tương đối dừng lặng, hơi thở trở nên nhẹ nhàng, thân và tâm tương đối dịu lắng trong sự định tĩnh sáng suốt, ta nhận biết ta đang có sự thu nhiếp. Ngược lại, khi tâm trí náo động, vọng tưởng phát khởi loạn cuồng, nghĩ suy không theo trình tự, hơi thở trở nên thô tháo, đầu óc không còn sáng suốt, khó có thể tập trung tinh thần, là lúc tâm thức đang có sự tán loạn.

Trong lúc tọa thiền, nếu như tâm trí có sự tán loạn khó thể dừng nghỉ được, ta có thể áp dụng phương pháp đếm hơi thở để định tâm (sổ tức). Tập trung tâm trí vào hơi thở, khởi sự bắt đầu đếm hơi thở để định tâm:

  • Thở vào đếm “một”, thở ra đếm “một”
  • Thở vào đếm “hai”, thở ra đếm “hai”
  • Thở vào đếm “ba”, thở ra đếm “ba”…

Cứ thế, đếm từ “một” đến “mười”, rồi bắt đầu trở lại từ “một”. Nếu đếm giữa chừng bị lộn số hay quên đếm thì trở lại từ “một”. Tiếp tục đếm cho đến khi số đếm không còn lộn, hơi thở trở nên nhẹ nhàng, tâm trí bắt đầu có sự an định, thì lúc đó nên bỏ đếm để trở về quán sát hơi thở.

  • Tâm ý trở thành rộng lớn

Với mức độ hành thiền tinh chuyên, sự tập trung tỉnh thức nâng cao, tâm ý vượt lên trên những nhận thức hạn hẹp, không còn bị trói buộc trong tri kiến chủ quan, không còn bị chi phối bởi những biệt phân riêng rẽ, là lúc tâm ý đang trở thành rộng lớn, với cái nhìn độ lượng, với đôi mắt hòa đồng trên mọi sự việc.

Khi ấy, những ý nghĩ vọng động cũng đã lặng dừng, ta có cái nhìn sâu vào sự việc trên mối tương duyên và tương sinh của sự việc. Không phân chia tẻ biệt. Tâm trí hiểu biết và hành động thương yêu mọi loài với đức độ từ bi và hỷ xả.

Tâm trí có cái nhìn sáng suốt, độ lượng và cảm thông với muôn loài. Sự giác tỉnh không còn nằm trên lãnh vực tẻ phân tri kiến, thân tâm trở nên nhẹ nhàng và thư thái. Đấy là lúc tâm thức đang bắt đầu trở thành rộng lớn. Ta nhận biết tỉnh thức rằng tâm ý mình đang trở thành rộng lớn.

Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức được sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

  • Tâm ý trở thành hạn hẹp

Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta biết tâm thức ta đang trở thành hạn hẹp. Hạn hẹp từ cái nhìn, cái thấy, cái hiểu, cái suy xét trong ta. Ta biết ta đang có những ý nghĩ tầm thường, những cái nhìn ích kỷ tư riêng, gói trọn trong bản ngã thấp hèn. Sự bẩn chật bần cùng trong tâm thức đang sống trong ta. Ta nhìn sự vật trong nhỏ bé tự thân, trong tư hữu lợi danh, trong bần tiện xét suy việc đời.

Tâm ý trở thành rộng lớn và tâm ý trở thành hạn hẹp là hai lãnh vực tương phản nhất thời của tâm thức. Khi tâm ý có cái nhìn tương đối tỉnh thức khách quan và quảng đại trong cái hiểu cái biết có chiều sâu, là lúc tâm thức đang bắt đầu trở thành rộng lớn. Ngược lại, khi tâm ý có cái nhìn hạn hẹp tẻ phân trong phiếm diện và tự kỷ, là lúc tâm ý đang trở thành hạn hẹp.

  • Tâm ý đạt đến trạng thái cao nhất

Trong lúc ngồi thiền, khi mà vọng tưởng gần như vắng lặng, thân tâm dịu lắng với cảm giác khinh an, hơi thở như có như không, ý thức an bình, tâm trí sáng suốt trong tĩnh lặng. Đấy là lúc tâm trí đang có sự thu nhiếp, là giai đoạn tâm thức đang đi vào trạng thái cao nhất của tâm linh, sự an lạc thư thản và yên bình.

Hãy duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta tỉnh biết là ta đang thở vào, với một tâm trí định tĩnh. Ta tỉnh biết là ta đang thở ra, với sự nhận hiểu sáng suốt. Ta ý thức và ghi nhận tâm thức ta đang ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, một trạng thái khinh an nhất thời, với những làn gió nhẹ nhàng và thanh thản đang trôi chảy trong ta.

Khi tâm thức không còn ở trong trạng thái cao nhất của tâm linh, ta cũng liền nhận biết về điều đó. Ta an trú trong sự quán niệm như vậy đủ để ý thức sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

  • Tâm ý có định

Hành trì bốn lãnh vực quán niệm một cách tinh chuyên và đúng phương pháp, tâm thức sẽ dần lắng động và định tĩnh, lực tập trung vào hơi thở cũng sẽ tăng trưởng. Ta ý thức về hơi thở trong từng mỗi phút giây, ghi nhận mọi sự việc khách quan và sáng suốt. Ta sống tỉnh thức trong từng mỗi sát na của cuộc sống. Sự bình tâm và an lạc đến với ta như những hoa trái tự nhiên đã gặt hái được từ vùng trời tâm linh.

Trong lúc ngồi thiền, khi mà tâm thức đã trở nên vắng lặng, đang bắt đầu đi vào sự thu nhiếp, là khi tâm thức đã đạt đến trạng thái cao nhất của tâm linh, là khi những vọng tưởng không còn phát khởi loạn cuồng. Khi ấy, tâm trí chỉ hoàn toàn ý thức về hơi thở và chỉ có hơi thở. Đấy là lúc tâm thức đang bắt đầu đi vào sự định tĩnh.

Trong giai đoạn bắt đầu định tâm, sự tỉnh biết vẫn sáng tỏ chiếu soi. Những gì xảy ra chung quanh, ta đều nhận biết rõ ràng nhưng không bị lôi cuốn vào đó. Những náo nhiệt chung quanh chẳng thể gây tạo cho tâm trí ta loạn động. Tất cả nếu có, chỉ là ngọn gió khinh an mát lạ trong tâm thức, tưởng như hoa xuân tươi nở muôn sắc màu – “Ao hồ ngàn nước ngàn trăng hiện, vạn dặm không mây vạn dặm xanh” (Thiên đàm hữu thủy thiên đàm nguyệt, vạn lý vô vân vạn lý thiên).

Khi tâm ý có định, ta cảm thức thân tâm nhẹ nhàng như mây bay, hơi thở lắng dịu hoàn toàn như có như không, vọng tưởng chẳng còn chút gì loạn động. Sự an lạc đến như một cảm nhận từ kinh nghiệm tâm linh cá biệt. Một điều cần nhấn mạnh, trong thiền Phật giáo, ở giai đoạn bắt đầu đi vào định, tâm trí vẫn tỉnh biết hoàn toàn trong sự sáng suốt. Nếu như tâm trí mịt mờ ảo ảnh trong giai đoạn đó, thì cái gọi là định chỉ là một hiện tượng biến trạng của hôn trầm.

Trong giao tiếp hằng ngày, tâm thức được xem là có định nếu như 8 ngọn gió lợi danh vinh nhục không làm chao động được não tâm. Ngược bằng, một trong những ngọn gió “Tài lợi, Suy hao, Hủy nhục, Công kênh, Ngợi khen, Chê bai, Đau khổ, Vui thú”, gây tạo cho tâm trí ta ít nhiều xao xuyến, thì như vậy chưa thể nói là tâm trí ta đã có sự định tĩnh.

Những khi bắt đầu đi vào định, tâm thức vẫn sáng suốt tỉnh giác trong từng mỗi sát na, ta nhận biết: “Tâm thức ta đang có định”. Đó gọi là chánh định – “Như như chẳng động, lặng tĩnh thường sáng” (Như như bất động, liễu liễu thường minh). Khi tâm thức không có định, vọng tưởng phát khởi không ngừng, ta cũng nhận biết rõ ràng như vậy. Ta ghi nhận: “Tâm thức không có định”. Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta an trú trong sự tỉnh biết và ý thức sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

  • Tâm ý giải thoát

Trong khi ngồi thiền, khi tâm trí có sự thu nhiếp và đi vào trạng thái cao nhất của tâm linh, khi mà tâm thức đã thực sự đi vào sự định tĩnh. Khi ấy, vọng tưởng không còn chút gì loạn động, tâm thể hoàn toàn bình lặng yên lắng. Đó là lúc tâm ý nhất thời không còn bị trói buộc vào bất cứ gì nơi vùng trời tư duy loạn náo. Đấy là giai đoạn tâm thức đang có sự giải thoát vô ngại, thực sự an trú hoàn toàn trong tỉnh thức sáng suốt và chánh niệm an bình.

Trong giai đoạn nhất thời ấy, những vọng động náo nhiệt bên ngoài không còn gây tạo cho tâm thức bấn loạn, những ngọn gió lợi danh vinh nhục cũng không làm bận trí sầu ưu. Khi mà sự tập trung của tâm trí đã đạt đến cao độ. Tâm thức đã thực sự lặng tĩnh. Định lực phát triển vững mạnh. Đấy là lúc tâm thức đang đi vào định, giai đoạn bắt đầu để bước vào ngưỡng cửa tâm linh của sự giải thoát. Như Thiền sư Nyogen Senzaki đã nói: “Hãy cứ đơn thân ngồi nhìn im lặng, dẫu trời cao quay vòng, dẫu đất bằng loạn động, người chả thèm chớp mắt bận tâm”. Đấy là giai đoạn định tâm bắt đầu khi mà tâm thức đang an trú hoàn toàn trong định tĩnh.

Khi tâm thức bắt đầu có sự giải thoát, đã vượt lên trên tất cả những buộc ràng của tư duy, ta quán sát và nhận biết đúng như vậy. Ta an trú trong sự quán niệm: “Tâm ý có giải thoát”. Và khi tâm ý không có giải thoát, ta cũng liền nhận biết đúng như vậy. Ta thở vào và thở ra trong ý thức giác tỉnh, biết rõ từng hơi thở vào ra. Ta chú tâm ghi nhận: “Tâm ý không có giải thoát”. Với sự ghi nhận khách quan như vậy đủ để giúp ta an trú trong sự tỉnh biết và ý thức sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của tâm thức.

Tóm lại, những khi tâm thức có tham dục, sân hận, si mê, thu nhiếp, tán loạn, có định, không có định, có giải thoát, không có giải thoát… Ta cũng đều ý thức sự sinh khởi và hoại diệt của nó. Ta chú tâm quán sát quá trình sinh diệt của tất cả mọi tưởng vọng nơi tâm thức, nhận biết về sự vô thường của nó, những phát sinh, tăng trưởng, suy yếu và hoại diệt của nó.

Ta an trú trong sự quán niệm về quá trình sinh khởi cũng như quá trình hoại diệt nơi tâm thức. Khi có một ý tưởng tham dục hay sân hận phát khởi, tâm trí liền ghi nhận về sự phát khởi của ý tưởng tham dục hay sân hận đó. Khi ý tưởng tham dục hay sân hận bị suy yếu và tan biến đi, ta cũng tỉnh biết ghi nhận về điều đó. Không để ý niệm trói buộc dẫn đưa ta vào những suy tưởng đắm mê, những phiền lụy khổ sầu, những căm hờn oán ghét. Hãy buông xả mọi vướng mắc trong tâm thức. Hãy tỉnh giác trở về với hơi thở và dùng phương tiện hơi thở để nuôi dưỡng ý thức chánh niệm và thu giữ thân tâm dịu lắng trong an bình.

Ta an trú trong sự quán niệm: “Có tâm thức đây”, và là tâm thức ở nơi tâm thức. Không có “ta” trong tâm thức. Không có tâm thức “của ta”. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của tâm thức, để quán chiếu về sự vô thường của các ý niệm trong tâm thức.

Trả lời