XẢ TÂM NHƯ KHÚC CÂY CHÊM CÁI ÁCH
Trong pháp xa có tâm xả ví như khúc cây chêm, cũng như cái xe mà không có khúc cây chêm thì dầu cột dây cách nào thì cái gọng và cái ách cũng không vững vàng được vì bị nghiêng qua lắc lại luôn luôn, còn tâm xả cũng vậy là làm cho tâm được trung bình không vui không buồn đối với các cảnh giới tốt hay xấu đưa đến, và làm cho đức tin và trí tuệ được vững vàng.
Tâm xả có nhiều thứ nhiều loại, nhưng chỗ này cốt yếu giải về tâm xả trong các “phối hợp pháp”, nhưng trong Thanh tịnh đạo giải có sáu thứ tâm xả gọi là “xả tổng hợp pháp” (tatra majjhattupekkhā).
Nói về tâm xả có sáu thứ là: xả tâm trong lục căn (chalaṅgupekkhā) là khi nào lục căn tiếp xúc với lục trần tốt hay xấu, vừa ý hay không, tâm cũng vẫn thản nhiên, quân bình không vui không khổ, chỉ có sự ghi nhớ và biết mình thôi; xả tâm trong phạm hạnh (brahma vihārupekkhā) là tâm xả đối với tất cả chúng sanh và pháp hành vi trong khi nhập định về tâm xả của bốn pháp vô lượng tâm là (từ, bi, hỉ, xả); xả tâm trong bồ đề xả (bojjhaṅgupekkhā) là khi niệm theo bảy nhân sanh quả bồ đề đến khi tâm vào đến bồ đề xả (nhằm thứ bảy của Thất giác chi); xả trong tất cả “tổng hợp pháp – sahajatadhāmma” (tatra majjhattupekkhā); xả tâm trong thiền định (jhānupekkhā) là khi nào hành giả đã nhập tứ thiền rồi thì tâm không có vui hay khổ chi cả, chỉ có xả tâm quân bình mà thôi; xả thanh tịnh (parisuddhupekkhā) là tâm xả của các bậc A-la-hán rất trong sạch và yên lặng không còn bận rộn đến sự diệt trừ các pháp nghịch là phiền não nữa.
Nguyên nhân phát sanh tâm xả có năm là:
– Satta majjhattatā – tâm quân bình đối với chúng sanh có hai chi là: kammassakatā paccavekkhaṇa – suy xét về chúng sanh đều có cái nghiệp là của ta, họ sanh hay tử cũng tùy theo duyên nghiệp của họ, ta không nên quyến luyến theo chúng sanh ấy; nissata paccavekkhaṇa – suy xét về sự vô ngã là nghĩ rằng: “Nếu suy xét cho vi tế thì trong thân chúng sanh ấy cũng không phải là người hay thú, chỉ là nơi phối hợp lại của các nguyên chất vậy thôi, họ chỉ là một vật rỗng không chẳng có ta chỗ nào cả.
– Saṅkhāra majjhattatā – tâm quân bình đối với các pháp hữu vi, có hai chi là: asāmikabhāva paccavekkhaṇa – suy xét về pháp hữu vi đều vô chủ, như y ta mặc đây nó tự nhiên lần lượt thay đổi màu sắc, cũ hư rồi rách nát sẽ thành một tấm vải chùi chân, nếu y này mà có chủ thật thì sao không ngăn cản y ấy lại đừng cho hư hoại (y cũng thuộc về pháp hữu vi là do sự tạo ra); tavakālikabhāva paccavekkhaṇa – suy xét về vật mượn của người là suy xét rằng “các pháp hữu vi, như y chẳng hạn đều là vật tạm mượn của người, vì vật mượn thì không thể làm chủ lâu dài được phải trả lại cho họ”. Khi suy xét như thế thì tâm sẽ xả hết trong các pháp hữu vi.
– Satta saṅkhāra kelāya na puggala parivajjanatā – phải xa lánh người có tâm quyến luyến gìn giữ chúng sanh và các pháp hữu vi.
Giải rằng: “Người nào dù xuất gia hay tại gia chẳng hạn, như người tại gia thì quyến luyến thân thiết với vợ con mình. Còn bậc xuất gia thì chỉ có thân thiết quyến luyến theo các đệ tử mình, hoặc là các thầy tỳ kheo hay sa di cùng một thầy với mình thôi, hoặc là có khi tự giặt y, nhuộm y, cạo đầu, đốt bát cho các học trò mình, khi các vị ấy đi đâu vắng chút ít, thì ngó dớn dác tìm coi, miệng thì lầm thầm rằng “ông sa di hay tỳ khưu này đi đâu kìa”, hoặc có khi ai hỏi mượn học trò mình đi cạo tóc giùm thì trả lời rằng “mượn mấy ổng khó lắm, chính tôi đây còn không dám sai mượn thay”, người có tư cách quyến luyến như thế gọi là gìn giữ bảo bọc chúng sanh. Còn như người nào mê thích săn sóc y bát, bàn ghế chén ly và các vật dùng xài v.v… không cho ai rờ đụng được, như có ai mượn thì nói thế này thế kia hoặc là nói thoái thác rằng: “cho ông mượn sao được, tôi đây còn không dám dùng xài thay, người có tư cách như thế gọi là quyến luyến gìn giữ các pháp hữu vi (pháp hành).
– Satta saṅkhāra majjhatta puggala sevenatā – phải thân cận người có tâm xả đối với chúng sanh và pháp hữu vi.
– Tadadhi muttatā – tư cách người có tâm xu hướng và vui thích sự xả tâm trong bốn oai nghi.
Năm pháp này là nguyên nhân làm cho phát sanh lên tâm xả.