PHẦN TRÍ TUỆ
Trí tuệ thuộc về loại của thiện tính (tánh) là pháp biết rõ cảnh giới thiện hay ác. Trí tuệ có hai thứ là: phàm tuệ (lokiya paññā) là trí tuệ của các bậc phàm nhơn (là người chưa đắc quả thánh nào); thánh tuệ (lokuttara paññā) là trí tuệ của các bậc thánh nhơn đã đắc từ Tu-đà-huờn sắp lên.
Giải rằng: trí tuệ liên lạc với chánh kiến hiểu biết lý tứ diệu đế, hoặc thấy rõ tội ngũ trần và tìm dịp để xa lánh các trần ấy rồi thực hành theo các pháp thiền định cho đến khi đắc được bát thiền và ngũ thông, tất cả các thứ trí tuệ này gọi là phàm tuệ.
Trí tuệ liên lạc cả thánh đạo thánh quả có thể diệt trừ mười pháp thằng thúc (saṃyatana) vấn vương trói buộc chúng sanh cho nhơ bẩn tối mê mà phải xoay đi chuyển lại trong vòng luân hồi, khi hành giả cắt đứt các sợi dây buộc trói này theo thứ tự của thánh đạo rồi trí tuệ phát sanh lên do thánh đạo ấy là thánh tuệ.
Trí tuệ có ba thứ khác nữa là tâm tuệ, thính tuệ và thiền tuệ. Tâm tuệ (cintamaya paññā) là trí tuệ không nhờ ai chỉ dạy dắt dẫn, chỉ do tâm mình suy xét mà phát sanh lên như suy nghĩ về nghiệp thiện hay ác, hoặc tất cả sự hiểu biết theo thế gian, hoặc suy xét về ngũ uẩn đều vô thường, khổ não, vô ngã, hoặc suy xét về lý tứ diệu đế, khi suy xét như thế thường hoài thì trí tuệ phát sanh lên hiểu biết rõ do nơi tâm mình, nên gọi là tâm tuệ. Thính tuệ (sutāmaya paññā) là trí tuệ phát sanh lên do nghe người giảng dạy, như nghe người khác dạy nghề kia nghiệp nọ, hoặc nghe thuyết pháp, hoặc do sự học hỏi mà trí tuệ phát sanh lên, cũng như ĐĐ. Xá-Lợi-Phất rất có nhiều trí tuệ nhưng cũng chưa đắc được đạo quả, khi nghe ĐĐ. Asaji thuyết pháp cho nghe mới ngộ đạo. Thiền tuệ (bhāvanāmaya paññā) là trí tuệ phát sanh lên do nhờ tham thiền, rồi dùng thiền định làm căn bản suy xét ba đặc tánh vô thường, khổ não, vô ngã hoặc niệm tưởng theo 10 pháp minh sát cho đến khi trí tuệ thấy rõ đạo quả Niết-bàn, gọi là thiền tuệ.
Đặc tính của trí tuệ có hai là: đặc tính đoạn tuyệt (chedana lakkhaṇa) là có đặc tánh cắt đứt cả ái dục phiền não như món khí cụ thật bén có thể chặt đứt các thứ cây cứng rắn; đặc tính minh chiếu (obhāsana lakkhaṇa) là có tánh cách để chiếu sáng rõ rệt đừng cho lầm lạc, phá tan sự tối tăm là sự vô minh và làm cho tâm trở nên sáng suốt, có thể đắc các pháp của bậc cao nhơn là đạo quả, ví như người cầm đèn rọi vào chỗ tối tăm làm cho sự tối ấy tan mất rồi mới thấy rõ hình ảnh, màu sắc tốt xấu một cách rõ rệt.
Nếu trí tuệ mà có trong tâm người nào rồi thì người ấy sẽ được danh tiếng ngợi khen và được nhiều của cải lại có thể trừ diệt được cái khổ của mình và cho kẻ khác, cũng như Bồ-tát sanh trong một kiếp tên Senaka Panḍit có nhiều trí tuệ giúp gỡ cái khổ cho ông già bà-la-môn vì bị người ăn cắp mất hết 1000 lượng bạc nên rất khổ tâm chịu không nổi, ông bèn đến cầu xin Bồ-tát giải khổ giùm, khi Bồ-tát suy xét kỹ biết rõ người trộm của ông chính là tình nhân của vợ ông, ngài dùng mưu bắt được quả tang phải đem trả 1000 lượng bạc lại cho ông bà-la-môn ấy; công chúng hết thảy đều khen ngợi cho ngài có nhiều trí tuệ.
Ngài bèn đọc một câu kệ rằng: “Paññāya pavicinanto brāhmanaṃ mocayiṃdukkhā paññāya mesamonatthi esāme paññāramīti: khi Bồ-tát dùng trí tuệ suy xét xong có thể làm cho ông già bà-la-môn khỏi khổ đó là do nơi trí tuệ ba-la-mật của Như Lai, không chi sánh bằng được. Vì vậy mà có người có nhiều trí tuệ khi hành theo pháp “minh sát” có thể đắc đến bậc Thinh văn giác, Độc giác, hoặc Chánh đẳng Chánh giác tùy theo ba-la-mật của mình tạo. Cũng như câu kệ ngôn của Bồ-tát về một kiếp còn tu đạo sĩ tên Sarabhaṅga có nói với đức Trời Đế Thích rằng: “Paññāhi seṭṭho kusalāvadanti nakkattarā jārivatarakānaṃ sīlaṃsiriñcāpi satañca dhammo anvāyikā paññavatobhavanti: ba pháp là giới hạnh, an lành, trí thức chỉ có trong mình của bậc trí tuệ mà thôi, vì vậy mà các bậc trí tuệ nhất là Đức Phật đều khen ngợi trí tuệ là pháp cao thượng hơn tất cả các pháp lành khác cũng như mặt trăng tỏ rạng hơn tất cả các ngôi sao.