PHẦN TÂM NHƯ DÂY CƯƠNG
Lẽ thường cái xe muốn đánh đi đâu thì cần phải có người cầm cương hướng dẫn mới đi được đến nơi dễ dàng, còn trong pháp xa cũng vậy, có sự ghi nhớ như người đánh xe, tâm (citta) như dây cương. Sự ghi nhớ phát sanh lên do nhờ có tâm, nếu tâm không có thì trí nhớ cũng không thể nào phát sanh lên được.
Tâm là một danh pháp chỉ có tên chứ không có hình ảnh chi (là một danh từ trừu tượng) có đặc tính xu hướng theo các cảnh giới bên ngoài đưa tới (ārammana) và các danh pháp khác (nāmadhamma) như sự biết viññāṇa cũng là một tên của tâm dùng để hiểu biết các cảnh giới; cintā là sự suy nghĩ cũng là một tên của tâm, dùng để nhớ hay ôn lại các cảnh giới. Tất cả các pháp này rất tinh vi nhỏ nhen hơn chất gió, không có một vật chi để gìn giữ bao bọc lại cho được; nếu nói vi tế thì nó vi tế hơn vi trần, nói về liến xáo thì liến hơn con khỉ, nếu nói cứng rắn thì cứng hơn sắt đá, người ta không dễ gì mà đè nén cản ngăn được, như trong kinh Pháp Cú có nói: ‘Phaṇdanam capalaṃ cittaṃ durakkhaṃ dunnivāriyaṃ ujuṃkaroti medhāvi usukarova tejjanaṃ’, nghĩa là tâm là danh pháp thường hay rung động, xao xuyến luôn, con người khó mà gìn giữ và ngăn cản cái tâm ấy được, nhưng các bậc trí tuệ cố ráng đè nén buộc chặt lại bằng hai pháp thiền định và minh sát cũng như người thợ ráng uốn sửa cây tên cho thật ngay vậy.
Tâm khi đã quen xu hướng theo cảnh giới nào rồi thì khó mà dứt bỏ xa lìa ra cho được cũng như loài cá thường quen ở dưới nước, nếu bắt đem lên khô thì bực bội vùng vẫy muốn tìm xuống nước vậy.
Tâm chỉ có một nhưng tùy theo cảnh giới và cảnh dục, cảnh sắc, cảnh vô sắc và cảnh thánh đức cho nên tâm ấy có đến 89 hay 121 cái tâm cũng có. Cảnh dục có đến 54 thứ tâm là: tâm tốt là 8 đại thiện tâm (mahākusala), 8 cái quả của đại thiện tâm (mahāvipāka), 8 cái tâm hành động của các bậc thánh nhơn (mahākiriyā); 12 cái tâm ác là 8 tâm tham, 2 tâm sân và 2 tâm si; 18 cái tâm trung bình6 là 8 tâm vô nhân thiện, 7 tâm vô nhân ác, 3 tâm hành vi vô quả (của bậc A-la-hán). Cảnh sắc có 15 tâm là: 5 tâm thiện trong năm bậc thiền hữu sắc, 5 tâm hưởng quả của năm bậc thiền ấy, 5 tâm hành động của các bậc A-la-hán trong năm bậc thiền. Cảnh vô sắc có 12 tâm là: 4 tâm thiện trong bốn bậc thiền vô sắc, 4 tâm hưởng quả của bốn bậc thiền ấy, 4 tâm hành động của các bậc A-la-hán trong bốn bậc thiền ấy. Cảnh thánh đức có 8 tâm là: 4 đạo tâm và 4 quả tâm (4 đạo tâm là: Tu-đà-huờn đạo, Tư-đà-hàm đạo, A-na-hàm đạo và A-la-hán đạo, còn 4 quả tâm cũng theo 4 bậc đã kể). Cộng chung trong bốn cảnh thành ra 89 cái tâm.
Còn nói tâm có đến 121 là ba phàm cảnh tâm cũng in nhau chỉ khác có cảnh thánh đức có đến 40 cái tâm là do năng lực của các bậc thánh nhơn đắc thiền khác nhau trong bậc Tu-đà-huờn có 10 tâm là 5 đạo tâm và 5 quả tâm tùy theo trong năm bậc thiền là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền, bậc Tư-đà-hàm cũng có 10 tâm, A-na-hàm có 10 tâm và A-la-hán cũng 10 tâm thành ra 40 tâm hết thảy cộng chung với 81 cái tâm phàm (89 tâm trừ 8 tâm thánh địa ra) thì thành ra 121 tâm hết thảy.
Ngoài tâm ra còn có một pháp khác phát sanh lên và diệt tắt cũng một lượt với tâm, pháp ấy gọi là “tính” hay tánh (cetasika) như có câu Pāli nói rằng: “Ekuppāda nīrodhāca, ekālambaṇa vatthūkā cetoyuttā dvipaññāsa dhammācetasikā matā: tất cả 52 pháp đồng phát sanh lên cùng một cảnh giới và đồng tắt một lượt với tâm, pháp ấy gọi là “tính” hay tánh”.
Tính ấy có 52 thứ là: 25 tính thiện (sobhaṇacetasika); 14 tính ác (akusalacetasika); 13 tính hỗn hợp (aññāsa mānā cetasika) (là khi thì phát sanh lên chung với tâm thiện khi thì phát lên chung với tâm ác).
Tâm phát sanh lên trước kế tính mới phát sanh theo sau liền lập tức ví như ngọn lửa cháy lên trước kế ánh sáng mới phát sanh theo sau (nói là sau trước cho phân biệt chớ cũng gần như một lượt vì phát sanh lên mau chóng lắm).
Về tâm thì phát sanh trong nhiều nơi, như phát sanh do nơi cửa của tâm thì gọi là “manodvāra – tâm môn”, phát sanh theo mấy căn gọi là “manāyatana – tâm căn”, phát sanh trong mấy sức lực gọi là “manidriya – tâm lực”, phát sanh theo các tốc lực gọi là “manājavana – tâm tốc”, phát sanh do sự hành trong tâm gọi là “manokamma – tâm nghiệp”. Còn như phát sanh lên do sự minh sát thì gọi là “vipassanā citta – tâm minh sát” có đến 50 cả phàm và thánh. Minh sát nào chưa đắc được đạo quả gọi là phàm minh sát; còn minh sát nào mà đạo quả phát sanh lên, nhất là Tu-đà-huờn đạo thì gọi là thánh minh sát.
Phàm hay thánh minh sát có 10 thứ là: sammasanañāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ các pháp hữu vi (saṅkhāra) đều vô thường, khổ não, vô ngã; udayabbayañāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ sự sanh và diệt của danh sắc (nāmarūpa); bhaṅgañāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ sự tan rã của danh sắc; bhayatū paṭṭhāna ñāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ các pháp hữu vi là danh sắc đều đáng kinh sợ như sợ thú dữ; ādinava ñāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ các pháp hữu vi đều đầy những tội lỗi cũng như thấy tội lỗi của nhà mình đang bị lửa cháy; nibbadāñāṇa – trí tuệ suy xét cho thấy rõ các pháp hữu vi đều đáng chán nản; muñcitukamyatā ñāṇa – trí tuệ suy xét tìm phương thế đặng giải thoát, cũng như cá mắc lưới vùng vẫy để tìm thế thoát thân; paṭisaṅkhāra ñāṇa trí tuệ đang thực hành theo phương thế đã tìm ấy đặng giải thoát như chim đang bay ngang qua biển để đến bờ kia cho mau chóng; saṅkhārūpekkhā ñāṇa – trí tuệ xả tâm đối với các pháp hữu vi đều không đáng thương ghét; saccānulomika ñāṇa – trí tuệ thấy rõ xuôi theo thánh đạo (là thấy rõ tứ diệu đế).
Chỗ nói minh sát có 50 là trong 10 pháp minh sát chỉ lấy có pháp thứ nhì là udayabbaya ñāṇa: là trí tuệ suy xét sự sanh và diệt của danh sắc là ngũ uẩn; trong mỗi uẩn có 5 Pháp sanh và 5 pháp diệt, luôn trong 5 uẩn thì hết thảy 50 pháp “minh sát”.
Năm pháp phát sanh lên sắc uẩn là: vô minh (avijjā); ái dục (tanhā); nghiệp (kamma); vật thực (āhāra); đặc tính chỗ sanh ra rõ rệt (nibbattilakkhaṇa). Khi diệt sắc cũng vậy là: vô minh diệt ái dục diệt, ái dục diệt thì nghiệp diệt, nghiệp diệt thì vật thực diệt, vật thực diệt thì sự sanh cũng diệt. Còn thọ, tưởng, hành uẩn sự sanh và diệt cũng có năm pháp như trên nhưng chỉ khác có pháp thứ tư thì đổi lại là phasso: xúc, thì sanh lên do nơi xúc, khi xúc diệt thì thọ, tưởng, hành cũng diệt. Còn về thức uẩn thì sự sanh và diệt cũng giống như sắc uẩn, nhưng chỉ có pháp thứ tư đổi lại là Nāmarūpa: danh sắc như trong kinh có nói rằng Nāmarūpa samudayā viññāna samudayo: Thức7 phát sanh lên do nơi danh sắc, khi danh sắc diệt thì thức cũng diệt theo.
Khi minh sát tuệ suy xét sự sanh và diệt luôn luôn cho đến khi đắc được đạo quả Niết-bàn thì gọi là Thánh minh sát (lokuttara vipassanā).
Tất cả những thí tâm đã giải, Đức Phật ví như dây cương trong pháp xa vậy.