PHẦN ĐỨC TIN
Trong “Pháp xa”, đức Chánh Biến Tri khởi đầu bằng đức tin có liên lạc với trí tuệ, ví như cái ách, vì đức tin có năng lực lôi kéo, dẫn dắt các pháp lành khác cho tinh tấn lên để thực hành theo ý muốn, cũng như cái ách có thể kéo toàn cả cái xe đi được vậy.
Hơn nữa, đức tin còn có nhiều năng lực biến chuyển ra nhiều trường hợp khác. Như nói về sức lực để chiến đấu với quân địch thì gọi là tín lực (saddhabala); nói về thuyền bè để đưa chúng sanh qua khỏi bốn vực thẳm (ogha)3 thì gọi là tín thuyền (sadhānāvā); nói về dầu để dùng thoa tâm cứng rắn khó dạy cho trở nên mềm mại uốn cho ngay theo con đường thanh tịnh thì gọi là tín du (saddhā sincha); nói về của cải tài sản thì gọi là tín tài (saddhā dhana); nói về hột giống của pháp thiện gọi là tín chủng (saddhā bija); tất cả các thứ đức tin này thuộc về loại thiện tín (sobhana cetasika) đều tin theo lý nhân quả.
Đức tin này còn có hai thứ hoặc bốn thứ khác nữa là:
Chỗ nói hai thứ đức tin là phàm tín và thánh tín. Phàm tín (lokiya saddhā) là đức tin của bậc phàm nhơn. Vẫn tin nghiệp và quả, nhưng còn xao động vì tám pháp thế gian là lợi, thất lợi, danh, thất danh, quyền tước, mất quyền tước, vui, khổ; nếu được lợi, danh, quyền tước, an vui thì mừng rỡ, còn như thất lợi, thất danh, mất quyền tước, khổ sở thì trái lại buồn rầu, đức tin mà còn xao động vì tám pháp thế gian gọi là tin thụ động (passif) (calasaddhā). Còn tin ngoài lý nhân quả như tin hên xui hoặc tin theo tà ma quỉ mị thì gọi là mê tín, chớ không gọi là đức tin. Thánh tín (lokuttara saddhā) là đức tin của bậc thánh nhơn cũng tin theo lý nhân quả vậy, nhưng khi gặp tám pháp thế gian đưa đến thì không hề xao động gọi là tín điềm nhiên (acalasaddhā).
Chỗ nói đức tin có bốn thứ là: tín nghiệp (kamma saddhā) là tin sự hành vi của ta đây thế nào cũng trả quả chẳng sai, hoặc là tin rằng: thiện, ác, tội, phước, lợi hại, địa ngục, thiên đàng và đạo quả Niết-bàn đều có thiệt, các nghiệp ấy theo ta cũng như bóng tùy hình; tín quả (vipāka saddhā) là tin những quả vui, khổ hiện tại đây đều do duyên nghiệp trong kiếp này hay là những kiếp trong quá khứ trả quả, hoặc là tin nghiệp trắng sẽ cho quả trắng, nghiệp đen, sẽ cho quả đen, nghiệp cả trắng cả đen sẽ trả quả cả trắng lẫn đen, nghiệp không trắng không đen sẽ cho quả không trắng không đen (là A-la-hán quả), nghĩa là nghiệp thiện sẽ cho quả vui, nghiệp ác sẽ cho quả khổ, nghiệp cả thiện cả ác thì sẽ cho quả cả vui lẫn khổ, nghiệp các bậc A-la-hán thì không có quả trả; tín sản nghiệp (kammassakatā saddhā) là tín chúng sanh có cái nghiệp là của cải, là gia tài, là nơi sanh sản, là thân quyến, là nơi nương nhờ, nếu chúng sanh làm nghiệp nào thiện hay ác sẽ lãnh lấy gia tài là cái quả của nghiệp ấy chẳng sai; tín giác (tathāgata bodhisaddhā) như là tin sự giác ngộ của đức Như Lai rằng “Ngài là bậc Ứng Cúng (A-la-hán), Chánh Giác (Sammā sambuddho), Minh Hạnh Túc (Vijjācarana sampanno), Thiện Thệ (Sugato), Thế Gian Giải (Lokavidū), Vô Thượng Sĩ (Anuttaro), Điều Ngự Trượng Phu (Purisadamma sarathi), Thiên Nhơn Sư (Satthā devamanussānaṃ), Phật (Buddho), Thế Tôn (Bhagavā); hoặc là tin 37 giác môn pháp là tứ niệm xứ (satipatthāna), tứ chánh cần (samappadhana), tứ căn thông (iddhipāda), ngũ căn (indrīya), ngũ lực (pala), thất giác chi (bojjhaṅga), bát chánh đạo (atthaṅgi kāmagga) đều là những pháp thực hành theo để dắc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Còn bốn thứ đức tin khác nữa là: Okappana saddhā – tin ân đức Tam bảo chắc chắn không lay chuyển; pasāda saddhā – tin rõ ràng có thể làm cho sự trong sạch phát sanh lên, làm cho sự tham lam và bỏn xẻn không thể nào làm nhơ bẩn tâm được; āgama saddhā – đức tin phấn khởi lên trong lúc được nghe đạo, cũng như đức Bồ-tát Sumedha khi nghe Đức Phật Nhiên Đăng (Dipaṅkara) thọ ký cho thì đức tin càng phát khởi lên tin chắc chắn về sự giác ngộ rồi lại càng dõng mãnh tinh tấn thực hành theo các pháp ba-la-mật cho đến khi đắc thành chánh giác; adhigama saddhā – là đức tin của các bậc thánh nhơn phát sanh lên một lượt khi đắc đạo quả Niết-bàn.
Đặc tính của đức tin có hai là: đặc tính trong sạch (sampasāda lakkhaṇa) có thể làm cho vui thích và ngăn cản năm pháp che án, lại làm cho tâm trong suốt để tránh khỏi các pháp nhơ bẩn cũng như bình lọc nước đem thọc xuống chỗ nước bùn dơ nhưng bình ấy có thể lọc rút lấy nước trong vào; đặc tính xu hướng (sampakkhanta lakkhaṇa) có thể làm cho tâm phấn chí lên, như hành giả vì nghe thấy các vị khác đắc các pháp cao nhơn hoặc là đạo quả bèn phấn khởi tâm lên hành đạo cho đắc được các pháp cao thượng mà mình chưa đắc, cũng như người thấy kẻ khác lội qua sông to nước đang chảy cuồn cuộn, rồi mình cũng ráng can đảm lội qua sông như người.
Người có đức tin chân chánh thường được danh lợi dồi dào như có câu kệ ngôn rằng: “Saddhā selena sampanno yaso bhogasamappito yaṃ yaṃ padesaṃ bhajati tatthatattheva pūjito”. Nghĩa là người có đức tin và giới hạnh đầy đủ thường được danh tiếng và của cải dồi dào. Như người ấy đi đến xứ nào thì sẽ có Chư Thiên và nhơn loại lễ bái cúng dường chẳng sai.