Nội Dung Chính
KHÔNG HÃM HẠI KHÔNG THÙ OÁN THANH TỊNH
Khi hành giả đã bước lên xe pháp có đủ các món phụ tùng lại có sự ghi nhớ như người đánh xe quay đầu trực chỉ về phía Niết-bàn, sự ghi nhớ lại có phận sự luôn luôn chiến đấu chống cự với quân địch là phiền não đến cản đường không cho xe tiến đến nơi nhất định.
Vấn: Cái chi gọi là quân địch? Có mấy thứ?
Đáp: Quân địch đây là ám chỉ các pháp tương đối với pháp thiện, có trạng thái ngăn cản chúng sanh không tiến đến nơi giải thoát; quân địch ấy có năm thứ là: sự sân hận (dosa); sự hãm hại người (vihiṃsa); sự chung chạ với phe đảng (đám đông) (gaṇasaṅgaṇika); sự lẫn lộn với phiền não (kilesasaṅgaṇika); tất cả pháp ác (sabbā kusala).
Năm pháp này có tánh cách ngăn trở và phá hoại không cho tâm chúng sanh vui thích theo pháp thiện mà thực hành theo Bát chánh đạo cho đến nơi diệt khổ, khi nào đã thắng được các pháp nghịch này rồi thì mới dễ dàng thẳng đến Niết-bàn. Nhưng nếu muốn dứt bỏ hoặc là thắng các pháp nghịch này thì phải có đủ năm món khí giới cho tinh xảo mới đương cự lại được.
Năm thứ khí giới ấy là thế nào? Năm thứ là: sự không thù oán (abyāpādo) tức là tâm bác ái (mattā); sự không hãm hại (avihiṃsā) tức là tâm bi ai (karunā); thân thanh tịnh (kāyaviveko); tâm thanh tịnh (cittaviveko); phiền não thanh tịnh (upadhiviveko). Năm pháp này giống như năm món khí giới tinh xảo để đương cự mà trừ diệt quân địch phải vỡ tan thua bỏ chạy. Vì mỗi món khí giới dùng để đối trị lại với mỗi quân địch.
– Món khí giới thứ nhất là không thù oán tức là tâm bác ái, thương mến đến tất cả muôn loài không có lòng hãm hại hay là phá hoại đến các vật hữu tri hay vô tri cho hư hại. Vì bên quân địch là sự thù oán còn có bè bạn khác nữa là: hung dữ (kodho) là tỏ thái độ hung tợn làm dữ la ó nhưng chưa hãm hại ai; sân hận (doso) là có tư cách hãm hại, tàn sát chúng sanh và pháp hành cho tiêu hoại; oán cừu (upanāho) là gây oan trái suốt đời không nguôi, nhưng lại tỏ thái độ vui vẻ ưa mến như thường chờ khi có dịp mới trả thù cho được mới thôi, cũng như chuyện vợ lớn và vợ bé gây thù kết oan trái với nhau nhiều kiếp hại qua hại lại cho đến khi gặp Đức Phật ngài mới gỡ oan trái ấy cho, từ đó sự cừu oán mới dứt; hãm hại (byāpādo) là có tính cách hiềm thù ngấm ngầm không tỏ vẻ hung dữ liền khi ấy, để chờ lừa dịp sau này sẽ hãm hại cho được như ý muốn.
Tất cả bốn pháp ác này do nhờ sự không sân hận hay là lòng bác ái mới dứt bỏ mà thắng được, cũng như chuyện của cô Uttarā là một tín nữ trong Phật giáo có chồng về nhà bá hộ tà kiến không tin tưởng Phật pháp. Từ khi về nhà chồng thì không có dịp được làm điều phước thiện, cô mướn một cô gái giang hồ để hầu chồng thế cho mình trong nửa tháng đặng cô có rảnh rang đi làm phước. Cô kia khi ở với chồng người ít lâu lại tham muốn đoạt chồng người để làm chủ, nên lập mưu hãm hại cô chủ nhiều lần nhưng vô hại, sau cùng mướn người lấy nước đang sôi mà chế lên mình cô Uttarā nhưng cô không có lòng sân hận thù oán, lại tội nghiệp thương xót đến cô kia, nên nước ấy trở nên mát như nước lạnh, cô kia hoảng hồn biết đã có lỗi nhiều bèn đến tạ tội mà xin cô xá lỗi cho, cô Uttarā bèn dẫn cô kia vào chùa bạch cho Đức Phật nghe hết đầu đuôi. Nhân dịp ấy, Ngài bèn giảng rằng: “Akkodhena jine kodhaṃ, asādhum sādhunā jine, jine kadariyaṃ dānena saccenāsika vadinaṃ: người không sân hận thắng được người sân hận, người có lòng tốt thắng được người lòng xấu xa, người rộng rãi (bố thí) thắng người bỏn xẻn, người chân chánh thắng được người tà dại không ngay”.
Khi hành giả có tâm không thù oán tức là lòng bác ái rồi thì cũng như món khí giới tinh xảo để đương cự lại với quân địch là sân hận phải thua ngay.
– Món khí giới thứ nhì là không hãm hại (avihaṃsa) là sự không tàn phá, hiếp đáp, làm hư hoại đến chúng sanh và pháp hành tức là lòng bi ai (karunā) để đương cự lại với quân địch là sự hãm hại như đánh đập giam hãm, chặt tay chân, hay là phá hoại các pháp hữu vi cho hư hao không dùng xài được, khi có tâm bi ai thì sẽ thắng được quân địch một cách dễ dàng.
– Món khí giới thứ ba là thân thanh tịnh (kayaviveka) như một ít hành giả tự suy xét thấy rõ tội lỗi trong sự chung chạ, lộn xộn với phe phái là bè đảng đám đông người sẽ làm cho thân tâm ta bận rộn tiếp xúc với nghịch cảnh do sự nghe sự thấy thì làm sao cũng bị nóng nảy, sân hận, bất bình phát sanh lên, nên khó mà gìn giữ tâm cho thanh tịnh tốt đẹp được. Khi hành giả nghĩ đến những tội lỗi như thế mới chán nản rời bỏ phe đảng đông người tìm nơi thanh vắng ở một mình thì tự nhiên sẽ được thân thanh tịnh như món khí giới để đương cự lại với quân địch là sự chung chạ theo đám đông người.
Sự chung chạ bận rộn theo phe đảng là tâm quyến luyến dứt bỏ không được, có năm điều là: diṭṭhi saṃsagga – quyến luyến với sự thường thấy; savana saṃsagga – quyến luyến với sự thường nghe; samullāpa saṃsagga – quyến luyến với lời nói chuyện vãng (nhất là nói với phụ nữ); paribhoga saṃsagga – quyến luyến theo các món dùng xài đụng chạm như chỗ nằm ngồi, sự ăn mặc v.v…; kāya saṃsagga – quyến luyến với sự đụng chạm thân mình với nhau, như sự quen đùa giỡn hay là đấm bóp cho nhau.
Khi hành giả đã xa lánh rời bỏ các sự quyến luyến như trên rồi tìm nơi thanh vắng ở một mình thì gọi thân thanh tịnh.
– Món khí giới thứ tư là tâm thanh tịnh (citta viveka) là trạng thái của tâm yên lặng do nhờ bát thiền là bốn cõi thiền hữu sắc và bốn cõi thiền vô sắc (coi chỗ thiền định phía trước) vì thiền định là pháp dùng để đè nén vọng tâm và các pháp che lấp không cho phát sanh lên, tâm được yên lặng do nhờ bát thiền gọi là tâm thanh tịnh như món khí giới để trừ phiền não, như trong Pāli có nói: “Citta vivekena kilesa saṅgnaikaṃ vijjihati: diệt trừ được các phiền não do tâm thanh tịnh vậy”.
– Món khí giới thứ năm là phiền não thanh tịnh (upadhi viveka), phiền não là pháp vương vấn, ràng buộc, cột trói thân tâm chúng sanh phải bị luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, phiền não này có mười thứ là: taṇhūpadhi – ái dục là phiền não vấn vương (ràng buộc); diṭṭhūpadhi – kiến thức là phiền não vấn vương; kilesūpadhi – sự nhơ bẩn trong tâm là phiền não vấn vương; kammūpadhi – nghiệp là phiền não vấn vương; duccaritūpadhi – pháp ác là phiền não vấn vương; āhārūpadhi – vật thực là phiền não vấn vương14; paṭighūpadhi – bất bình là phiền não vấn vương; catuppādinna dhātūpadhi – bốn điều chấp là phiền não vấn vương15; chaviññāṇakāyūpadhi – lục thức là phiền não vấn vương; chājjhatti kāyatanūpadhi – lục căn là phiền não vấn vương.
Khi hành giả đã diệt được mười điều phiền não này rồi thì gọi là phiền não thanh tịnh là món khí giới để diệt trừ tất cả các pháp ác, như có câu Pāli rằng: “Upadhi vivekena sabbā kusalaṃ vijjhati: diệt tận cả các pháp ác do nhờ phiền não thanh tịnh”.
Như thế thầy tỳ khưu là bậc thinh văn đệ tử Phật khi biết rõ sự thực hành như thế nào để diệt trừ phiền não rồi thì không còn vui thích theo sự lễ bái cúng dường và danh lợi, lại cố gắng thực hành theo các pháp thanh tịnh ấy cho đến khi diệt được các quân địch là pháp đối phương phải vỡ tan thua chạy hết.
Năm pháp đối trị là: mettāya dosaṃ vijjhati – diệt trừ sự sân hận do lòng bác ái; karuṇāya vihiṃsaṃ vijjhati – diệt trừ sự hãm hại do lòng bác ái; kāya vivekena gaṇasaṇganikaṃ vijjhati – diệt trừ sự lộn xộn chung chạ với phe đảng do thân thanh tịnh; citta vivekena kilesa sanganikaṃ vijjhati – diệt trừ sự lẫn lộn chung chạ với phiền não do tâm thanh tịnh; upadhi vivekena sabbākusalaṃ vijjhati – diệt trừ tất cả các pháp ác do phiền não thanh tịnh.
Dứt trừ năm món khí giới để diệt trừ quân địch.
Kết luận.
Pháp xa này đức Thích Ca Mâu Ni thuyết ra nhân vì Đại đức Ānanda thấy cái xe của vị bà-la-môn tên Jānussoṇi mới về bạch hỏi Phật nên Ngài mới dùng Bát chánh đạo để làm cái xe pháp cho hành giả lên đánh đi đến cõi Niết-bàn, nhưng cũng phải cần có các món phụ tùng khác như bộ thiết giáp là pháp nhẫn nại mặc vào mình để che chở khí giới của quân địch không cho phạm nhầm v.v… khi ấy hành giả mới chiến đấu với quân địch để lướt xông đến cõi an vui bất diệt, cũng như câu kệ ngôn Pāli nói rằng: “Etadattanisambhūtaṃ dhamma yanaṃ anuttaraṃ niyyanti dhīrā lokamhā aññadatthu jayaṃ jayati: Pháp xa này đã có trong thân tâm thì người ấy sẽ chiến thắng quân địch là ái dục phiền não mà thẳng đến cõi Niết-bàn an vui bất sanh bất diệt và sẽ thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi chẳng sai vậy.
– CHUNG –
Soạn xong tại Cần Chê mùa thu năm Bính Thân 1956 – Phật lịch 2500.