GIẢI VỀ PHÁP XA
Tiếng nói ‘Pháp xa’ nghĩa là ‘Cái xe pháp’ ngụ ý pháp Phật như cái xe để đưa chúng sanh đến bờ kia là Niết-bàn.
Nguyên nhân Đức Phật giảng về pháp xa này là: Một thuở nọ, Ngài ngự nơi “Bố kim tự” của ông Cấp Cô Độc trưởng giả gần thành Xá Vệ (Sāvatthi).
Trong lúc ấy, nhằm buổi sáng, Đại đức Ānanda mặc y, mang bát vào thành Xá Vệ để khất thực (xin ăn) bèn gặp vị Bà-la-môn tên là Jānussoṇi đi trên một cái xe thắng bằng bốn con ngựa bạch, bắt kế toàn đồ bằng bạc, thùng xe cũng bằng bạc có cẩn ngà, khảm trải xe màu trắng, dây cương bằng bạc có cẩn ngọc trắng, roi cũng bằng bạc, vị Bà-la-môn ấy lại mặc toàn đồ trắng, đội mão, mang giầy, che lọng, cầm quạt cũng toàn màu trắng. Thường lệ trong sáu tháng ông đi vòng vòng trong châu thành một lần.
Ít hôm trước, khi ông ra đi thì đã có tin đồn rằng “Còn mấy ngày nữa thì ông Jānussoṇi sẽ đi dạo châu thành, dân chúng đều rủ nhau sửa soạn quét dọn đường sá cho bằng thẳng, đổ cát cho sạch sẽ và treo cờ có hàng ngũ theo hai bên đường chờ cho xe ông đi ngang qua đặng có dịp xem những của cải quí báu của ông.
Đúng ngày nhất định thì Jānussoṇi ăn mặc trang hoàng như đã kể trên, lên xe đánh ra châu thành cùng những người tùy tùng của ông cũng mặc toàn màu trắng theo hộ vệ ông.
Khi xe đi qua các con đường đều có dân chúng xôn xao đón xem dày đặc. Khi họ thấy xe tốt đẹp lộng lẫy như thế thì xúm nhau khen rằng “Brahmaṃ vata bho yānaṃ, brahma yānaṃ rūpaṃ vata bho – Này các người ơi! Xe này quí báu quá, xe này giống như xe của Trời Phạm Thiên”.
Sau khi Đại đức Ānanda khất thực về độ xong, đến chiều vào đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch đủ mọi điều về cái xe của vị bà-la-môn mà mình đã thấy. Lại bạch thêm rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thể sắp đặt mà tạo ra một cái xe pháp, do nơi Giáo pháp của Ngài chăng?
Tùy lời hỏi, Đức Phật bèn trả lời rằng: Này Ānanda! Như Lai có thể tạo ra cái xe pháp giống như xe của Jānussoṇi được, xe pháp ấy chính là Bát chánh đạo vậy, Bát chánh đạo ấy cũng có thể gọi là Phạm xa (Bhahma yāna) hoặc là Pháp xa (Dhamma yāna) hay là chiến xa (Saṅgāma vijāna yāna). Này Ānanda! Phường dân chúng thấy xe của Bà-la-môn Jānussoṇi khen ngợi là quí báu giống như Phạm xa là chỉ đúng theo sự tốt đẹp của cái xe ấy thôi, chớ thật ra thì không đúng với lời khen ấy. Còn cái xe trong Giáo pháp của Như Lai mới thiệt là quí báu cao thượng mà các bậc thiện trí thức không thể nào chê bai biếm nhẻ được, vì các bậc thánh nhơn đều ngồi trên xe pháp ấy mà đi đến cõi vô sanh bất diệt Đại Niết-bàn, bởi cớ ấy nên Như Lai mới gọi là “Phạm xa” có năng lực chở chúng sanh thoát khỏi những điều tội lỗi (là tham, sân, si), gọi là “Pháp xa” vì xe ấy có thể đưa chúng sanh tới bờ kia là Niết-bàn, cũng gọi là “Chiến xa” vì có thể đương cự và phá tan quân địch là ái dục, phiền não, chắc chắn không sai.
Này Ānanda! Pháp xa hay là Bát chánh đạo ấy là thế nào?
Bát chánh đạo ấy có 8 chi là:
– Chánh kiến (Sammādiṭṭhi) là trí tuệ thấy hiểu biết chân chánh trong bốn điều là: thấy 12 điều khổ não nhất là khổ sanh v.v…; thấy rõ 108 tâm ái dục (tanhā) là nguyên nhân để phát sanh sự khổ ấy; thấy rõ diệt tắt lòng ái dục là Niết-bàn là nơi diệt khổ; thấy rõ Bát chánh đạo là con đường thực hành theo để đi đến nơi diệt khổ. Này Ānanda! Thấy rõ bốn điều ấy gọi là chánh kiến vậy.
– Chánh tư duy (Sammā saṅkappa) là suy nghĩ chân chánh có ba điều là: suy nghĩ tìm phương thế để thoát khỏi ngũ trần và tình dục; suy nghĩ tìm phương thế để dứt bỏ lòng muốn hãm hại người khác; suy nghĩ tìm phương thế để dứt bỏ lòng thù oán hay là suy nghĩ về sự xuất gia, rải lòng bác ái (metta), rải lòng bi ai (karuṇā) cũng gọi là chánh tư duy.
– Chánh ngữ (Sammā vācā) là lời nói chân chánh có bốn điều là: không nói láo; không nói đâm thọc; không nói lời độc ác hung dữ (là chửi mắng người); không nói điều vô ích (như nói về sắc đẹp hay giặc giã v.v…) hay là khi nói ra nên dùng lời chân thật, đúng đắn, dịu ngọt, thanh bai, khi nói ra vừa rải lòng bác ái đến người nghe, nói ra có lợi ích cho mình và cho người.
– Chánh nghiệp (Sammā kamanta) là sự làm chân chánh có ba điều là: không sát sanh hại mạng; không trộm cắp của người gìn giữ; không tà dâm vợ, con người.
– Chánh mạng (Sammā ājiva) là sự nuôi mạng sống chân chánh có hai điều là: người thiện tín thì xa lánh năm nghề buôn bán là: bán rượu và chất say, bán khí giới, bán thuốc độc, bán thịt hoặc là nuôi thú để bán, bán người ta (là mua người đem đi bán cho làm tôi mọi); bậc xuất gia thì phải xa lánh năm pháp ác và hai mươi mốt cách tà mạng1 và phải ráng trì bình khất thực để nuôi mạng sống.
– Chánh tinh tấn (Sammā vāyāma) là sự cố gắng có bốn điều là: phải ráng ngăn ngừa các pháp ác đừng cho phát sanh lên; phải ráng dứt bỏ các pháp ác đã có trong tâm cho tiêu hoại; phải ráng làm điều lành nào chưa từng làm; phải ráng gìn giữ pháp lành nào đã có trong tâm không cho hư hoại, nghĩa là phải thu thúc lục căn cho thanh tịnh, phải dứt bỏ ba tà tư duy, phải ráng hành theo bảy nhân sanh quả bồ đề và phải ráng gìn giữ pháp thiền định về tử thi mà mình đã đắc được.
– Chánh niệm (Sammā sati) là sự ghi nhớ, niệm chân chánh có bốn điều là: niệm thân; niệm thọ; niệm tâm; niệm pháp (cốt yếu niệm về tứ niệm xứ vậy).
– Chánh định (Sammā samādhi) là định tâm cho chân chánh có bốn điều là: định tâm trong sơ thiền; định tâm trong nhị thiền; định tâm trong tam thiền; định tâm trong tứ thiền.
Này Ānanda! Bát chánh đạo này mà ai đã thực hành thường rồi thì sẽ dứt bỏ được tam độc là tham, sân, si chẳng sai vậy.
Khi Đức Thế Tôn giảng xong, Ngài bèn đọc thêm một bài kệ rằng:
“Yassa saddhāca paññāca, dhammā yuggā saddhā dhūraṃ.
Hiritisā manoyottaṃ sati ārakkhā sārathi.
Ratho sīlaparikhāro jhānakkho cakkavīriyo.
Upekkā dhūra samādhi anicchā parivāraṇaṃ
Abyāpādo avihimsa vivekoyassa āvudhaṃ.
Titikkhā dhamma sannāho yogakkhemāya vattati.
Etadattanisambhūtaṃ dhammayānaṃ anuttaraṃ.
Niyyanti dhīrā lokamhā añña datthu jayam jayaṅti”.
Nghĩa là: “Cái xe thánh đạo này có đức tin liên lạc với trí tuệ, đức tin ví như cái ách. Hổ thẹn như cây gọng, tâm như dây cương, ghi nhớ như người đánh xe, giới như đồ trang sức trong xe, định như cây cốt xe, tinh tấn như bánh xe, xả như khúc cây chêm giữa cái ách và cái gọng đừng cho nghiêng qua nghiêng lại, không tham như dây cột cái ách vào cổ con thú”.
Về phần hành giả thì tâm không hãm hại, thù oán và có sự yên tịnh như khí giới, sự nhẫn nại như thiết giáp để thực hành mới đến nơi Niết-bàn được.
Pháp xa này mà bậc thiện trí thức nào đã có trong thân tâm rồi thì người ấy có thể thắng được quân địch là ái dục phiền não một cách dễ dàng và mới thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi được.
Tất cả mười bốn pháp trên đây là: đức tin, trí tuệ, hổ thẹn, tâm, ghi nhớ, giới, định, tinh tấn, xả, không tham, không hãm hại, không thù oán, yên tịnh và nhẫn nại đều là pháp sâu xa khó hiểu thấu cho chu đáo được.
Từ đây xin lần lượt giải ra tóm tắt từng pháp để cho các hàng Phật tử dễ bề học hỏi mà thực hành.