PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9

QUẢ CỦA PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định:

– Nếu hành-giả nào mới đạt đến sơ-định (parikamma-samādhi) định-tâm ở giai đoạn đầu và đạt đến cận-định (upacārasamādhi) định-tâm ở giai đoạn giữa, 2 loại định-tâm này còn thuộc về dục-giới thiện-tâm, thì đại-thiện-nghiệp trong dục-giới thiện-tâm ấy có cơ hội cho quả an-lạc bình thường trong kiếp hiện-tại.

Sau khi hành-giả chết, nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭi-sandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi thiện-giới ấy cho đến tuổi thọ.

– Nếu hành-giả là hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và tiếp theo chứng đắc 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, thì được hưởng sự an-lạc vi-tế ngay trong kiếp hiện-tại và kiếp kế-tiếp như sau:

– Nhập bậc thiền đã chứng đắc để hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.

– Chứng đắc đủ 9 bậc thiền, có khả năng luyện tập phép thần-thông (abhiññā).

– Sử dụng bậc thiền làm nền tảng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

– Bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh nhập Thánh-quả-tâm.

– Chứng đắc đủ 9 bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng.

6- Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Giảng giải

1- Nhập thiền đã chứng đắc để hưởng sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.

Khi hành-giả đã chứng đắc bậc thiền nào rồi, muốn nhập thiền (jhānasamāpatti) ấy, để hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy, hành-giả cần phải luyện tập 5 pháp-thuần-thục (vasībhāva) như sau:

Vasībhāva có 5 pháp-thuần-thục

1- Āvajjana vasībhhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với ý-môn-hướng-tâm.

2- Samāpajjana vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục nhập bậc thiền ấy.

3-Adhiṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục phát nguyện ấn định thời gian nhập bậc thiền ấy.

4- Vuṭṭhāna vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục ấn định thời gian xả bậc thiền ấy.

5- Paccavekkhaṇa vasībhāva: Hành-giả có khả năng thuần thục quán triệt chi-thiền với tác-hành-tâm.

Hành-giả có 5 pháp thuần thục có khả năng nhập bậc thiền ấy, để hưởng sự an-lạc kiếp hiện-tại, trong khoảng thời gian suốt 1 giờ hoặc 2-3 giờ tùy theo ý nguyện của hành-giả.

Nếu hành-giả đã chứng đắc tất cả 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm thì hành-giả muốn nhập bậc thiền nào do ý nguyện.

Ví dụ: Có ý nguyện muốn nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, hành-giả hướng tâm đến đối-tượng paṭi-bhāganimitta của đề-mục thiền-định ấy, rồi nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, theo đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm (jhānasamāpattivīthicitta) các tâm sinh diệt tuần tự như sau:

Đồ biểu nhập thiền lộ-trình-tâm

Giải thích:

Hành-giả trước tiên nhập đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm theo lộ-trình-tâm jhānasamāpattivīthicitta như sau:

“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, manodvārāvajjanacitta, parikamma, upacāra, anuloma, gotrabhū, jhānakusalacitta (phát sinh liên tục nhiều sát-na-tâm), bhavaṅgacitta,… chấm dứt nhập thiền sắc-giới lộ-trình-tâm.

Nhập thiền sắc-giới lộ-trình-tâm

1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm trước, viết tắt ( bha)

2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động, vt (na)

3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt, vt (na)

4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm, vt (ma)

5- Parikamma: Tâm chuẩn bị đệ nhị thiền, vt (pari)

6- Upacāra: Tâm cận đệ nhị thiền, vt (upa)

7- Anuloma: Tâm thuận theo đệ nhị thiền vt (upa)

8- Gotrabhu: Tâm chuyển cõi-giới , vt (got)

9- Jhānacitta: Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng suốt thời gian nhập đệ nhị thiền sắc giới thiện-tâm ấy, vt (jha)

10- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm sau. vt (bha)

Chấm dứt nhập đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm.

Hành-giả đã nhập đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm thì đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng trong suốt thời gian mà hành-giả đã phát nguyện 1 giờ hoặc 2-3 giờ theo ý nguyện của hành-giả.

Trong khi nhập thiền, chỉ có các đệ nhị thiền sắc-giới lộ-trình-tâm phát sinh trong ý-môn-lộ-trình-tâm mà thôi, hưởng sự an-lạc trong thiền.

Ngoài ra, ngũ-môn-lộ-trình-tâm không phát sinh, nên hành-giả không thấy, không nghe, không ngửi, không nếm, không cảm giác được các đối-tượng khác, cho đến khi mãn thời gian phát nguyện, đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm tự động chấm dứt.

Khi ấy, hành-giả trở lại cuộc sống bình thường, nhãn-thức-tâm nhìn thấy đối-tượng sắc; nhĩ-thức-tâm nghe đối-tượng âm thanh; tỷ-thức-tâm ngửi đối-tượng hương; thiệt-thức-tâm nếm đối-tượng vị; thân-thức-tâm cảm giác đối-tượng cứng mềm, nóng lạnh, … ý-thức-tâm biết các đối-tượng pháp, v.v…

2- Chứng đắc đủ 9 bậc thiền, có khả năng luyện tập phép thần-thông (abhiññā).

Nếu chứng đắc đủ 9 bậc thiền: 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thì hành-giả có thể luyện tập phép tam-giới thần-thông (lokiya abhiññā).

Tam-giới thần-thông có 5 loại:

– Iddhividha abhiññā: Đa-dạng-thông.

– Dibbasota abhiññā: Thiên-nhĩ-thông.

– Paracittavijānana abhiññā: Tha-tâm-thông.

– Pubbenivasānussati abhiññā: Tiền-kiếp-thông.

– Dibbacakkhu abhiññā: Thiên-nhãn-thông.

3- Sử dụng bậc thiền làm nền tảng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.

Sau khi đã chứng đắc bậc thiền nào rồi, hành-giả có thể sử dụng bậc thiền ấy làm nền tảng, làm đối-tượng, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như sau:

– Nếu hành-giả sử dụng chi-thiền (jhānaṅga) làm đối-tượng niệm-thọ (thọ lạc, thọ xả) trong thọ-niệm-xứ, thuộc về danh-pháp (nāmadhamma).

– Nếu hành-giả sử dụng tâm-thiền (jhānacitta) làm đối-tượng niệm-tâm (sắc-giới thiện-tâm) trong tâm-niệm-xứ, thuộc về danh-pháp (nāmadhamma)…

– Hadayavatthu: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp (rūpadhamma).

Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng danh-pháp, sắc-pháp của bậc thiền ấy làm đối-tượng thiền-tuệ.

Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ là danh-pháp hoặc sắc-pháp, trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp, sắc-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là pháp-vô-ngã.

Tiếp tục trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn theo bậc thiền ấy, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Bậc thiền ấy trở thành siêu-tam-giới-thiền-tâm có đối-tượng Niết-bàn.

Cho nên, siêu-tam-giới-thiền-tâm có 5 bậc thiền, từ đệ nhất thiền siêu-tam-giới-tâm cho đến đệ ngũ thiền siêu-tam-giới-tâm đều có đối-tượng Niết-bàn (Khác với tam-giới-thiền-tâm có đối-tượng là 11 đề-mục thiền-định).

4- Bậc thiền hỗ trợ Thánh-nhân nhập Thánh-quả-tâm

Hành-giả là bậc Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh-quả-tâm bậc cao cuối cùng, có ý nguyện muốn nhập Thánh-quả-tâm (phalasamāpatti) ấy suốt thời gian 1 giờ hoặc 2-3 giờ theo ý nguyện của bậc Thánh-nhân ấy, để hưởng sự an-lạc tịch tịnh Niết-bàn. Hành-giả cần phải có bậc thiền hỗ trợ cho việc nhập Thánh-quả-tâm ấy.

Ví dụ: Nếu bậc Thánh A-ra-hán đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm thì chỉ nhập A-ra-hán-Thánh-quả mà thôi, còn 5 bậc thiền sắc-giới duy-tác-tâm, bậc Thánh A-ra-hán muốn sử dụng bậc thiền nào nhập A-ra-hán-Thánh-quả cũng được.

(Bậc Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh-quả bậc cao không nhập Thánh-quả bậc thấp, còn chứng đắc đủ 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, muốn nhập bậc thiền nào tùy theo ý nguyện của bậc Thánh-nhân.)

5- Chứng đắc đủ 9 bậc thiền hỗ trợ bậc Thánh-Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt thọ tưởng.

Hành-giả là bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) có ý nguyện muốn nhập diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) cần phải có đủ 2 năng-lực (bala):

– Năng-lực của thiền-định (samathabala) chứng đắc 9 bậc thiền: 5 bậc thiền sắc-giới và 4 bậc thiền vô-sắc-giới.

– Năng-lực của thiền-tuệ (vipassanābala) phải là bậc Thánh Bất-lai-Thánh-quả hoặc bậc Thánh A-ra-hán-Thánh-quả.

Do nhờ 2 năng-lực ấy, bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) có thể nhập diệt-thọ-tưởng (nirodhasamāpatti) nghĩa là diệt tâm, tâm sở và sắc-pháp phát sinh từ tâm (chỉ còn lại sắc-pháp phát sinh từ nghiệp, từ thời tiết và từ vật thực mà thôi) suốt thời gian 7 ngày đêm, hoàn toàn không có khổ thân, khổ tâm nào cả.

Qua 7 ngày đêm, tự động xả diệt-thọ-tưởng (nirodha-samāpatti), bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī) hoặc bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta) trở lại cuộc sống bình thường thở vào, thở ra, 6 thức-tâm: Nhãn-thức-tâm, nhĩ-thức-tâm, tỷ-thức-tâm, thiệt-thức-tâm, thân-thức-tâm, ý-thức-tâm tiếp xúc với 6 đối-tượng: Đối-tượng sắc, đối-tượng thanh, đối-tượng hương, đối-tượng vị, đối-tượng xúc, đối-tượng pháp như bình thường.

(Nhập Thánh-quả-tâm và nhập diệt-thọ-tưởng sẽ giảng giải rộng trong Quyển X, Pháp-Hành Thiền-Tuệ, phần Quả của thiền-tuệ.)

6- Bậc thiền cho quả tái-sinh kiếp sau

– Sắc-giới-thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm chắc chắn sẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm chắc chắn sẽ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh

Hành-giả nào thuộc hạng người tam-nhân (tihetuka-puggala) có khả năng đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung,

Sau khi hành-giả ấy, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 sắc-giới quả-tâm như sau:

1-Tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Brahmapārisajjā: Tầng trời Phạm-chúng-thiên.

– Brahmapurohitā: Tầng trời Phạm-sư-thiên.

– Mahābrahnā: Tầng trời Đại-phạm-thiên.

2- Tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Parittābhā: Tầng trời Thiểu-quang-thiên.

– Appamāṇābhā: Tầng trời Vô-lượng-thiên.

– Ābhassarā: Tầng trời Quang-âm-thiên.

3- Tầng trời đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời

– Parittasubhā: Tầng trời Thiểu-tịnh-thiên.

– Appamāṇasubhā: Tầng trời Vô lượng tịnh-thiên.

– Subhakiṇhā: Tầng trời Biến-tịnh-thiên.

4- Tầng trời đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm có 7 tầng trời

– Vehapphalā: Tầng trời Quảng-quả-thiên.

– Asaññasattā: Tầng trời Vô-tưởng-thiên.

* Suddhāvāsa: Tầng trời Tịnh-cư-thiên có 5 tầng trời này chỉ dành cho bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.

– Avihā: Tầng trời Vô-phiền-thiên.

– Atappā: Tầng trời Vô-nhiệt-thiên.

– Sudassā: Tầng trời Thiện-hiện-thiên.

– Sudassī: Tầng trời Thiện-kiến-thiên,

– Akaniṭṭhā: Tầng trời Sắc-cứu-cánh-thiên.

Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

Thật ra, sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 5 bậc thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: Sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp kế tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên, bởi vì chư phạm-thiên trên tầng trời này tái-sinh kiếp sau bằng rūpapaṭisandhi đó là jīvita-navakakalāpa: Nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9).

Thiền sắc-giới có 5 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng mandapuggala: Hành-giả có trí-tuệ chậm thực-hành pháp-hành-thiền-định có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 4 chi-thiền là vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vitakka.

3- Đệ tam thiền thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền vicāra.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

5- Đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng upekkhā.

Thiền sắc-giới có 4 bậc thiền

Đối với hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala: Hành-giả có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy có khả năng suy xét thấy rõ trạng-thái thô của chi-thiền vitakka và chi-thiền vicāra cùng một lúc, nên đệ nhị thiền sắc-giới có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā.

Cho nên, hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm theo tuần tự như sau:

1- Đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm có 5 chi-thiền là vitakka, vicāra, pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại (nīvaraṇa): Kāmacchanda, byāpāda, thīna-middha, uddhacca-kukkucca, vicikicchā.

2- Đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm có 3 chi-thiền là pīti, sukha, ekaggatā, do chế ngự được 2 chi-thiền vitakka, vicāra cùng một lúc.

3- Đệ tam thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là sukha, ekaggatā, do chế ngự được chi-thiền pīti.

4- Đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 chi-thiền là upekkhā, ekaggatā, do thay thế chi-thiền sukha bằng chi-thiền upekkhā.

Cõi sắc-giới phạm-thiên có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm.

Như vậy, nếu hành-giả thuộc hạng tikkhapuggala có 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, thì 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm không có gì đặc biệt.

– Tuy nhiên nếu hành-giả thuộc hạng mandapuggala có 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, thì 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên chia ra 4 tầng trời theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm, cho nên đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm và đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm cho quả chung trong tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng trời.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app