Nội Dung Chính
- PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9
- 3.1- Buddhānussati: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật
- 3.2- Dhammānussati: Đề-Mục Niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp
- Thực-hành đề-mục thiền-định Dhammānussati
- Ý nghĩa 6 ân-Đức-Pháp
- Giảng giải về 6 ân-Đức-Pháp
- Khả năng đặc biệt của mỗi bậc Thánh-nhân
- Bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả
- Ân-Đức-Pháp-bảo được thực chứng
- Niết-bàn là pháp để chứng ngộ
- 6 ân-Đức-Pháp
- Thực-hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp
- Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp
- Pháp-Hành Thiền-Tuệ
- 3.3- Saṃghānussati: Đề-Mục Niệm-Niệm 9 Ân-Đức-Tăng
- Thực-hành đề-mục thiền-định Saṃghānussati
- Ý nghĩa 9 ân-Đức-Tăng
- Giảng giải về 9 ân-Đức-Tăng
- 3.3.1- Ân-Đức-Tăng Suppaṭipanno
- 3.3.2- Ân-Đức-Tăng Ujuppaṭipanno
- 3.3.3- Ân-Đức-Tăng Ñāyappaṭipanno
- 3.3.4- Ân-Đức-Tăng Sāmīcippaṭipanno
- 3.3.5- Ân-Đức-Tăng Āhuneyyo
- 3.3.6- Ân-Đức-Tăng Pāhuneyyo
- 3.3.7- Ân-Đức-Tăng Dakkhiṇeyyo
- 3.3.8- Ân-Đức-Tăng Añjalikaraṇīyo
- 3.3.9- Ân-Đức-Tăng Anuttaraṃ Puññakkhettaṃ
- * Tích thiên-nữ Lajādevadhītā
- * Tích ông Puṇṇa
- Thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
- Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
- Pháp-Hành Thiền-Tuệ
- Quả-báu đặc biệt đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
- 3.4– Sīlānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm
- 3.5- Cāgānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Sự Bố-Thí Của Mình
- 3.6- Devatānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Các Pháp Chư-Thiên Hiện Hữu Nơi Mình
- 3.7- Upasamānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Thật-Tánh Tịch-Tịnh Niết-Bàn
- 3.8- Maraṇānussati: Đề-Mục Niệm-Niệm Sự Chết
- 3.9- Kāyagatāsati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm 32 Thể Trọc Trong Thân
- 3.10- Ānāpānassati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm Hơi Thở Vào, Hơi Thở Ra
PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9
GIẢNG GIẢI 40 ĐỀ MỤC THIỀN ĐỊNH
10 Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm (Anussati)
Anussati nghĩa là niệm-niệm liên-tục có chi-pháp là saticetasika: Niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có 10 đề-mục thiền-định niệm-niệm làm đối-tượng.
Anussati: Niệm-niệm có 10 đề-mục thiền-định:
1- Buddhānussati: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật.
2- Dhammānussati: Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp.
3- Saṃghānussati: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng.
4- Sīlānussati: Đề-mục niệm-niệm giới của mình.
5- Cāgānussati: Đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình.
6- Devatānussati: Đề-mục niệm-niệm 5 pháp chư thiên có nơi mình.
7- Upasamānussati: Đề-mục niệm-niệm thật-tánh tịch tịnh Niết-bàn.
8- Maraṇānussati: Đề-mục niệm-niệm sự chết.
9- Kāyagatāsati: Đề-mục niệm 32 thể trọc (trược) trong thân của mình.
10- Ānāpānassati: Đề-mục niệm hơi thở vào, hơi thở ra.
Đó là 10 đề-mục thiền-định niệm-niệm (anussati) làm đối-tượng của pháp-hành thiền-định.
3.1- Buddhānussati: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật
Buddhānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục Buddhānussati: Đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có 9 ân-Đức-Phật làm đối-tượng.
Thực-hành đề-mục Buddhānussati
Pháp-hành thiền-định đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, như Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Dhajaggasutta phương pháp niệm 9 ân-Đức-Phật như sau:
“Itipi so Bhagavā Arahaṃ Sammāsambuddho Vijjā-caraṇasampanno Sugato Lokavidū Anuttaro purisadam-masārathi Satthā devamanussānaṃ Buddho Bhagavā.”
Ý nghĩa 9 ân-Đức-Phật
1- Arahaṃ: Đức-Thế-Tôn có ân-đức A-ra-haṃ là Đức A-ra-hán có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư-thiên, chư phạm-thiên, nhân-loại.
2- Sammāsambuddho: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sam-mā-sam-bud-dho là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật, (vāsanā) đã tích-lũy từ vô số kiếp trong quá-khứ, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
3- Vijjācaraṇasampanno: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Vij-jā-ca-ra-ṇa-sam-pan-no là Đức-Minh-Hạnh-Túc có đầy đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng.
4- Sugato: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Su-ga-to là Đức-Thiện-Ngôn thuyết pháp chân-lý tế độ chúng-sinh chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài thật sự trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
5- Lokavidū: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Lo-ka-vi-dū là Đức-Thông-suốt tam-tổng-pháp thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh, tổng các cõi-giới chúng-sinh, tổng các pháp-hành chánh-pháp.
6- Anuttaro purisadammasārathi: Đức-Thế-Tôn có ân-đức A-nut-ta-ro pu-ri-sa-dam-ma-sā-ra-thi là Đức-Vô-Thượng-Giáo-Hóa chúng-sinh cải tà quy chánh, bỏ ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân trở thành bậc Thánh-nhân.
7- Satthā devamanussānaṃ: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sat-thā-de-va-ma-nus-sā-naṃ là Đức-Thiên-Nhân-Sư, Đức Thầy của chư-thiên, chư phạm-thiên, nhân-loại.
8- Buddho: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Bud-dho là Đức-Phật chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, cũng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bậc Thánh A-ra-hán tùy theo năng lực các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ của mỗi hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
9- Bhagavā: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Bha-ga-vā là Đức-Thế-Tôn có 6 Đức đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Đức-Phật.
9 ân-Đức-Phật này chỉ có nơi chư Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi. Ngoài chư Phật ấy ra, không có một sa-môn, hoặc bà-la-môn, hoặc chư-thiên, hoặc phạm-thiên nào có 9 ân-Đức-Phật này được.
Thật vậy, chư Phật Chánh-Đẳng-Giác quá-khứ, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác hiện-tại, chư Phật Chánh-Đẳng-Giác vị-lai đều có đầy đủ 9 ân-Đức-Phật này.
Giảng giải về 9 ân-Đức-Phật
Trong bộ Chú-giải giảng giải 9 ân-Đức-Phật được tóm lược sau đây:
3.1.1- Ân-Đức-Phật Arahaṃ
Itipi so Bhagavā Arahaṃ.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Á-rá-hăm)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc Thánh A-ra-hán cao thượng có thân, khẩu, ý hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên, …
Vì vậy, Arahaṃ: Đức-Thế-Tôn có ân-đức A-ra-hán.
Arahaṃ có 5 ý nghĩa:
– Arahaṃ có nghĩa là xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường.
– Arahaṃ có nghĩa là đã xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não.
– Arahaṃ có nghĩa là đã diệt tận được mọi kẻ thù là phiền-não.
– Arahaṃ có nghĩa là đã phá hủy vòng luân-hồi trong ba giới bốn loài.
– Arahaṃ có nghĩa là không bao giờ làm điều ác ở nơi kín đáo.
Giải thích:
1- Arahaṃ có ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường như thế nào?
Đức-Thế-Tôn là Bậc-Tối-Thượng độc nhất vô nhị trong muôn ngàn cõi-giới chúng-sinh.
Thật vậy, Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 5 đức: Giới-đức, định-đức, tuệ-đức, giải-thoát-đức, giải-thoát tri-kiến-đức hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh.
Ngoài Đức-Thế-Tôn ra, trong toàn thể chúng-sinh không có một người nào, một Sa-môn, Bà-la-môn, chư-thiên, phạm-thiên … nào có đầy đủ 5 đức ấy như Đức-Thế-Tôn.
Chỉ có Đức-Thế-Tôn mới có đầy đủ 5 đức ấy mà thôi, cho nên, Đức-Thế-Tôn là Bậc-Tối-Thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, là Bậc xứng đáng cho chúng-sinh lễ bái cúng dường. Chúng-sinh lễ bái cúng dường đến Đức-Thế-Tôn rồi, sẽ được quả báu lớn, sự lợi ích lớn, sự tiến hóa cao thượng, sự an-lạc cao thượng lâu dài. Như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Bậc cao thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho phần đông chúng-sinh, để tế độ chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên. Bậc-Tối-Thượng độc nhất ấy là ai?
Bậc-Tối-Thượng độc nhất ấy chính là Như-Lai, Đức A-ra-hán, Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai là Bậc-Tối-Thượng độc nhất, khi xuất hiện trên thế gian, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho phần đông chúng-sinh, nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên”.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa bậc xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của tất cả chúng-sinh.
2- Arahaṃ có ý nghĩa xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não là thế nào?
Phiền-não dịch từ tiếng Pāḷi: Kilesa.
Kilesa: Phiền-não là những bất-thiện tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân, phiền-não còn làm cho tâm, tâm-sở bị ô nhiễm, khiến tạo nghiệp do thân, khẩu, ý.
Phiền-não có 10 loại
1- Tham (lobha) đó là tham tâm-sở đồng sinh với 8 tham-tâm có trạng-thái tham muốn, hài lòng trong đối-tượng.
2- Sân (dosa) đó là sân tâm-sở đồng sinh với 2 sân-tâm có trạng-thái sân hận, không hài lòng trong đối-tượng.
3- Si (moha) là si tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái si-mê, không hiểu biết thật-tánh của các pháp.
4- Tà-kiến (diṭṭhi) là tà-kiến tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm hợp với tà kiến, có trạng-thái thấy sai, chấp lầm nơi đối-tượng.
5- Ngã-mạn (māna) đó là ngã-mạn tâm-sở đồng sinh với 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến, có trạng-thái so mình với người: Hơn người, bằng người, kém thua người.
6- Hoài-nghi (vicikicchā) đó là hoài-nghi tâm-sở đồng sinh với si-tâm hợp với hoài-nghi, có trạng-thái hoài-nghi nơi các đối-tượng.
7- Buồn-chán (thīna) đó là buồn-chán tâm-sở đồng sinh với 4 tham tâm và 1 sân tâm gồm có 5 bất-thiện-tâm cần tác-động, có trạng-thái không hăng hái, buông bỏ đối-tượng.
8- Phóng-tâm (uddhacca) là phóng-tâm tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái không an trụ nơi đối-tượng.
9- Không-biết hổ-thẹn (ahirika) đó là không-hổ-thẹn tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái tự mình không biết hổ-thẹn tội-lỗi khi hành ác.
10- Không-biết ghê-sợ (anottappa) đó là không-ghê-sợ tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm, có trạng-thái không biết ghê-sợ tội-lỗi khi hành ác.
Đó là 10 loại phiền-não, mỗi khi có phiền-não nào phát sinh ở bất-thiện-tâm nào, thì không những làm cho tâm bị ô nhiễm, nóng nảy, mà còn làm cho thân cũng nóng nảy, khó chịu, mặt mày mất vẻ tự nhiên.
Tính chất của phiền-não có 3 loại
– Vītikkamakilesa đó là phiền-não loại thô được biểu hiện ra ở thân hành ác, khẩu nói ác. Phiền-não loại thô này có thể diệt bằng pháp-hành giới.
Hành-giả có tác-ý thiện-tâm (cetanākusala) tránh xa thân hành ác và khẩu nói ác, giữ gìn giới cho thân và khẩu được trong sạch, thì diệt-từng-thời phiền-não (tadaṅgappahāna) loại thô này.
– Pariyuṭṭhānakilesa đó là phiền-não loại trung phát sinh ở trong tâm, đó là nīvaraṇa: Pháp-chướng-ngại có 5 pháp làm cho tâm ô nhiễm, làm chướng ngại mọi thiện-pháp, nhất là pháp-hành thiền-định.
Phiền-não loại trung này có thể diệt bằng pháp-hành thiền-định.
Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới, nhờ có 5 chi-thiền có khả năng diệt bằng cách chế-ngự được 5 pháp-chướng-ngại (vikkhambhanappahāna) phiền-não loại trung.
– Anusayakilesa đó là phiền-não cực kỳ vi-tế ẩn tàng ngấm ngầm ở trong tâm, đó là 7 pháp phiền-não ngấm ngầm trong tâm.
Phiền-não loại cực kỳ vi-tế này có thể diệt bằng pháp-hành thiền-tuệ.
Khi hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng diệt tận được (samucchedappahāna) phiền-não ngấm ngầm cực kỳ vi-tế này.
Phiền-não tính rộng có 1.500 loại
Khi 10 loại phiền-não kể trên liên quan đến đối-tượng làm nhân duyên để phát sinh phiền-não, tính rộng có 1.500 loại phiền-não. Cách tính như sau:
75 pháp có thể làm đối-tượng của phiền-não:
– Tâm tính là 1 pháp (vì cùng có một trạng-thái biết đối-tượng).
– Tâm-sở tính 52 pháp (mỗi tâm sở có mỗi trạng-thái riêng biệt).
– Sắc-pháp chỉ có 18 sắc-pháp hiện hữu thật rõ ràng, và 4 pháp trạng-thái của sắc-pháp.
Như vậy, gồm có (1 + 52 + 18 + 4) = 75 pháp có thể làm đối-tượng của phiền-não.
75 pháp này là đối-tượng của phiền-não ở bên trong mình, là kẻ thù bên trong.
75 pháp này cũng là đối-tượng của phiền-não ở bên ngoài mình, là kẻ thù bên ngoài.
Đối-tượng của phiền-não bên trong mình có 75 pháp và bên ngoài mình có 75 pháp gồm cả thảy 150 pháp, nhân với 10 loại phiền-não (tham, sân, si, tà-kiến, ngã-mạn, hoài-nghi, buồn-chán, phóng-tâm, không-hổ-thẹn tội-lỗi, không-ghê-sợ tội-lỗi) thành 1.500 loại phiền-não.
Thật ra, 10 loại phiền-não trong 12 bất-thiện-tâm mới làm cho tâm bị ô nhiễm, làm cho tâm nóng nảy, khó chịu, khổ tâm, khổ thân.
Phiền-não làm nhân duyên trực tiếp tạo mọi ác-nghiệp và làm nhân duyên gián tiếp tạo mọi thiện-nghiệp trong tam-giới (do vô-minh làm duyên, nên tạo ác-nghiệp, thiện-nghiệp), để rồi cho quả của nghiệp, dẫn dắt trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Nghiệp này bị dẫn dắt cho quả tái-sinh kiếp sau do bởi tham-ái (taṇhā).
Tham-ái đó là tham tâm-sở (lobhacetasika).
Tham-ái có tất cả 108 loại.
Cách tính 108 loại tham-ái theo 3 loại, 6 đối-tượng, 2 bên (trong và ngoài), 3 thời như sau:
* Tham-ái có 3 loại
– Dục-ái: Tham-ái trong 6 đối-tượng: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
– Hữu-ái: Tham-ái trong 6 đối-tượng hợp với thường-kiến và tham-ái trong thiền sắc-giới, thiền vô-sắc-giới, trong cõi sắc-giới, cõi vô-sắc-giới.
– Phi-hữu-ái: Tham-ái trong 6 đối-tượng hợp với đoạn-kiến.
* Đối-tượng của tham-ái có 6 loại
1- Sắc-ái: Sắc đẹp là đối-tượng của tham-ái.
2- Thanh-ái: Thanh hay là đối-tượng của tham-ái.
3- Hương-ái: Hương thơm là đối-tượng của tham-ái.
4- Vị-ái: Vị ngon là đối-tượng của tham-ái.
5- Xúc-ái: Xúc êm ấm là đối-tượng của tham-ái.
6- Pháp-ái: Pháp vừa lòng là đối-tượng của tham-ái.
* 2 bên:
1- Bên trong: Tham-ái phát sinh bên trong tâm của mình.
2- Bên ngoài: Tham-ái phát sinh bên ngoài mình, của người khác.
* 3 Thời:
1- Thời quá-khứ: Tham-ái đã phát sinh trong thời quá khứ.
2- Thời hiện-tại: Tham-ái đang phát sinh trong thời hiện-tại.
3- Thời vị-lai: Tham-ái sẽ phát sinh trong thời vị-lai.
Như vậy, tham-ái có 3 loại nhân với 6 đối-tượng, nhân với 2 bên (trong và ngoài), nhân với 3 thời (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) (3 x 6 x 2 x 3) = 108 loại tham-ái là nhân sinh khổ-đế.
Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não, 108 loại tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) do tích lũy từ vô số kiếp ở quá-khứ, tại dưới cội Đại-Bồ-Đề trong khu rừng Uruvelā, vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha), có danh hiệu là Đức-Phật Gotama độc nhất vô nhị.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa xa lìa vĩnh viễn mọi phiền-não, mọi tham-ái và tiền-khiên-tật không còn dư sót.
3- Arahaṃ có ý nghĩa diệt tận mọi kẻ thù là phiền-não như thế nào?
Đức-Phật dạy: “Kẻ thù nguy hiểm chính là phiền-não có 1.500 loại của mình.”
Sở dĩ gọi phiền-não là kẻ thù là vì kẻ thù ở trong đời này thường tìm cơ hội làm khổ mình, sát hại mình, không có một kẻ thù nào mong cho mình được an-lạc.
Cũng như vậy, phiền-não phát sinh trong 12 bất-thiện-tâm làm cho mình khổ-tâm, khổ-thân, nóng nảy, khó chịu và còn khiến mình tạo mọi ác-nghiệp, làm khổ chúng-sinh khác, để rồi phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp vị-lai.
Sự thật, chỉ có phiền-não bên trong 12 bất-thiện-tâm của mình, mới trực tiếp làm khổ mình mà thôi, còn phiền-não bên ngoài mình, của người khác không trực tiếp làm khổ mình được, nếu mình không tiếp nhận.
Ví dụ: Người ta mắng chửi, đánh đập mình, nếu mình có tâm nhẫn-nại, không sân-hận, phiền-não không sinh, thì mình không bị khổ-tâm.
Nếu có phiền-não sân-hận phát sinh, thì chính phiền-não bên trong tâm mình làm cho mình khổ-tâm, hoàn toàn không phải phiền-não bên ngoài mình, của người khác làm cho mình khổ-tâm được.
Còn phần khổ-thân thuộc về quả của nghiệp, không một ai tránh khỏi, dù là Đức-Phật hay chư Bậc Thánh A-ra-hán. Đức-Phật và chư Bậc Thánh A-ra-hán tuy đã diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não rồi, hoàn toàn không còn khổ-tâm nữa, nhưng còn có sắc-thân, nên vẫn còn có khổ-thân cho đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Khi ấy, mới thật sự giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ.
Đức-Bồ-tát Siddhattha đã diệt tận tất cả mọi kẻ thù là 1.500 loại phiền-não, bằng 4 Thánh-đạo-tuệ tại dưới cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā, vào canh chót đêm rằm tháng tư (âm lịch), trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu Đức-Phật Gotama độc nhất vô nhị.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có Ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa diệt tận được mọi kẻ thù là phiền-não không còn dư sót.
4- Arahaṃ có ý nghĩa phá hủy vòng luân-hồi trong ba giới bốn loài như thế nào?
Vòng tử sinh luân-hồi đó chính là pháp“Thập-nhị-duyên-sinh” (paṭiccasamuppāda) có 12 chi-pháp:
– Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh.
– Do hành làm duyên, nên thức sinh.
– Do thức làm duyên, nên danh-sắc sinh
– Do danh-sắc làm duyên, nên lục-xứ sinh.
– Do lục-xứ làm duyên, nên lục-xúc sinh.
– Do lục-xúc làm duyên, nên lục-thọ sinh.
– Do lục-thọ làm duyên, nên lục-ái sinh.
– Do lục-ái làm duyên, nên tứ-thủ sinh.
– Do tứ-thủ làm duyên, nên nhị-hữu sinh.
– Do nhị-hữu làm duyên, nên tái-sinh sinh.
– Do tái-sinh làm duyên, nên lão, tử… sinh.
Vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp, từ vô-minh đến lão, tử … Mỗi chi-pháp là quả của pháp trước, rồi làm nhân của pháp sau, trở nên nhân-quả-liên-hoàn với nhau như vậy. Cho nên, nhân và quả trong thập-nhị-duyên-sinh, không thuần là nhân, là quả, bởi vì quả của chi-pháp trước, rồi lại làm nhân của chi-pháp sau, cứ tiếp diễn như vậy, trở thành cái vòng không có chỗ bắt đầu, cũng không có chỗ cuối cùng.
Nếu chỉ riêng rẻ mỗi chi-pháp thì không thể gọi là nhân, cũng không thể gọi là quả.
(Ví dụ: Anh B là con của ông A, cũng là cha của bé C. Nếu chỉ riêng một mình anh B thì không thể gọi là con, cũng không thể gọi là cha.)
Cho nên, vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh theo định luật nhân-quả-liên-hoàn trong 12 chi-pháp nối dính vào nhau thành vòng không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm cuối cùng. 12 chi-pháp trong vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh phân tích nhân và quả theo 3 thời:
* Vô-minh, hành là nhân quá-khứ.
* Thức, danh-sắc, lục-xứ, lục-xúc, lục-thọ là quả hiện-tại.
* Tham-ái, thủ, hữu là nhân hiện-tại.
* Sinh, già, chết là quả vị-lai.
Đối với chúng-sinh còn vô-minh và tham-ái, thì vô-minh không phải là chi-pháp bắt đầu, và lão, tử, … cũng không phải là chi-pháp cuối cùng.
Thật ra, vô-minh chỉ là nhân-duyên quá-khứ mà thôi, không phải là nhân-duyên bắt đầu, vì vô-minh còn là quả của 4 pháp-trầm-luân. Như Đức-Phật dạy:
“Āsavasamudayā avijjāsamudayo…”
“Do có sự sinh của 4 pháp-trầm-luân, nên có sự sinh của vô-minh …”
Và lão, tử … chỉ là chi-pháp cuối cùng của mỗi kiếp mà thôi, bởi vì chúng-sinh còn vô-minh và tham-ái sau khi chết, thì nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau. Kiếp sau như thế nào, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
Vòng-tam-luân
Vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp này được phân chia theo tam-luân, luân chuyển theo chiều hướng nhất định như sau:
1- Phiền-não-luân gồm có 3 chi-pháp: Vô-minh, lục-ái, tứ-thủ.
2- Nghiệp-luân gồm có 2 chi-pháp: Hành, nghiệp-hữu.
3- Quả-luân gồm có 8 chi-pháp: Cảnh-hữu, thức, danh-sắc, lục-xứ, lục-xúc, lục-thọ, sinh, lão tử …
Vòng tử sinh luân-hồi “thập-nhị-duyên-sinh” luân chuyển theo 3 luân: Phiền-não-luân → nghiệp-luân → quả-luân → phiền-não-luân … từ kiếp này sang kiếp khác tiếp nối với nhau, kể từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại, và sẽ còn những kiếp vị-lai, đối với chúng-sinh còn phiền-não-luân.
Biểu tượng vòng tử sinh luân-hồi và tam-luân
Giải thích vòng tam-luân
1- Phiền-não-luân tạo nghiệp-luân
Chúng-sinh còn vô-minh, lục-ái, tứ-thủ làm nhân duyên khiến tạo nên bất-thiện-nghiệp, thiện-nghiệp do thân, khẩu, ý.
* Phiền-não làm nhân duyên tạo bất-thiện-nghiệp
Số chúng-sinh do vô-minh, không biết rõ bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai.
Và cũng có số chúng-sinh, tuy có hiểu biết bất-thiện-nghiệp cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô-minh, tham-ái có nhiều năng lực quá, nên xui khiến tạo mọi bất-thiện-nghiệp bằng thân, khẩu, ý như sau:
– Thân hành-ác như: Sát-sinh, trộm-cắp, tà-dâm.
– Khẩu nói-ác như: Nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.
– Ý nghĩ-ác như: Tham-lam, thù-hận, tà-kiến.
Vì phiền-não-luân nên tạo nghiệp-luân đó là bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) như vậy.
* Phiền-não làm nhân duyên tạo thiện-nghiệp
Số chúng-sinh do vô-minh không biết rõ chân-lý tứ Thánh-đế, không biết rõ ngũ-uẩn là khổ thật.
Vì vậy, muốn hưởng sự an-lạc tạm thời, nên tạo các thiện-nghiệp như sau:
– Tạo dục-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong 7 cõi thiện-dục-giới.
– Tạo sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
– Tạo vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả an-lạc trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
Vì phiền-não-luân nên tạo nghiệp-luân đó là 3 loại thiện-nghiệp như vậy.
Như vậy, gọi là phiền-não-luân khiến tạo nghiệp-luân.
2- Nghiệp-luân cho quả-luân
* Chúng-sinh nào còn phiền-não-luân khiến đã tạo nghiệp-luân đó là ác-nghiệp trong 12 ác-tâm. Nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả khổ trong kiếp hiện-tại thì chúng-sinh ấy chịu quả khổ như sau:
– Nhãn-thức-tâm là quả của ác-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc xấu.
– Nhĩ-thức-tâm là quả của ác-nghiệp nghe đối-tượng thanh dở.
– Tỷ-thức-tâm là quả của ác-nghiệp ngửi đối-tượng hương hôi.
– Thiệt-thức-tâm là quả của ác-nghiệp nếm đối-tượng vị dở.
– Thân-thức-tâm là quả của ác-nghiệp xúc giác đối-tượng xúc thô.
– Ý-thức-tâm là quả của ác-nghiệp được biết đối-tượng pháp không tốt.
* Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), bị sinh trong cõi ác-giới nào tùy theo năng lực quả của ác-nghiệp. Chúng-sinh ấy phải chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy (chết), mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy, rồi tái-sinh kiếp sau tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
* Chúng-sinh nào còn phiền-não-luân khiến đã tạo nghiệp-luân đó là đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm. Nếu đại-thiện-nghiệp ấy có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại thì chúng-sinh ấy được hưởng quả an-lạc như sau:
– Nhãn-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp nhìn thấy đối-tượng sắc đẹp.
– Nhĩ-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp nghe đối-tượng thanh hay.
– Tỷ-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp ngửi đối-tượng hương thơm.
– Thiệt-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp nếm đối-tượng vị ngon.
– Thân-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp xúc giác đối-tượng xúc mềm mại.
– Ý-thức-tâm là quả của đại-thiện-nghiệp biết đối-tượng pháp tốt.
* Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sinh trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới, được sinh trong cõi thiện-giới nào tùy theo năng lực quả của đại-thiện-nghiệp, người hoặc vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy hưởng quả an-lạc trong cõi thiện-giới ấy, cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy (chết), mới rời khỏi cõi thiện-giới ấy, rồi tái-sinh kiếp sau tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.
* Hành-giả nào còn phiền-não-luân khiến đã tạo nghiệp-luân đó là sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, được sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên nào tùy theo quả của sắc-giới thiện-nghiệp ấy, vị phạm-thiên hưởng quả an-lạc vi-tế cho đến hết tuổi thọ trên tầng trời ấy (chết), rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.
* Hành-giả nào còn phiền-não-luân khiến đã tạo nghiệp-luân đó là vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 vô-sắc-giới thiện-tâm cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, được sinh trên tầng trời nào tùy theo quả của vô-sắc-giới thiện-nghiệp ấy, vị phạm-thiên hưởng quả an-lạc vi-tế hơn cho đến hết tuổi thọ trên tầng trời ấy (chết), rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.
Như vậy, gọi là nghiệp-luân cho quả-luân đối với tất cả chúng-sinh tử sinh luân-hồi trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới, cho nên, 31 cõi này chỉ là nơi trú ngụ tạm thời mau hoặc lâu của mỗi chúng-sinh trong tam-giới mà thôi.
3- Quả-luân sinh phiền-não-luân
Quả-luân là sự hiện hữu của chúng-sinh trong tam-giới: – Chúng-sinh có ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 11 cõi dục-giới và 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
– Chúng-sinh có tứ-uẩn: Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn, (không có sắc-uẩn) trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
– Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn (không có 4 danh-uẩn), trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-Tưởng-Thiên.
Nếu các chúng-sinh này chưa diệt tận được phiền-não, vô-minh, tham-ái… khi có cơ hội thì phiền-não phát sinh làm nhân duyên khiến tạo nên thiện-nghiệp hoặc bất-thiện-nghiệp, rồi trở lại vòng tam-luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, trong vòng tử-sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Tam-luân này chuyển biến theo định luật nhân-quả như sau:
Phiền-não-luân là nhân, nghiệp-luân là quả; nghiệp-luân là nhân, quả-luân là quả; quả-luân là nhân, phiền-não-luân là quả cứ tiếp diễn như vậy theo tam-luân trong vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh.
* Đức-Thế-Tôn đã diệt tận được tất cả 1.500 loại phiền-não, nhổ tận gốc rễ của vô-minh và tham-ái bằng 4 Thánh-đạo-tuệ.
Cho nên vòng tam-luân bị tan rã, tách rời không còn luân chuyển được nữa, do diệt tận được phiền-não-luân.
Vì vậy, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa phá hủy vòng tử-sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
5- Arahaṃ có ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo như thế nào?
Nơi kín đáo là nơi không có một ai thấy, không có một ai nghe, không có một ai biết, cũng không có một ai nghi ngờ. Như vậy, đối với hạng phàm-nhân còn mọi phiền-não, nơi kín đáo ấy là nơi dễ hành-ác do thân, khẩu, ý, bởi vì không sợ ai chê trách.
Đức-Thế-Tôn đã diệt tận được tất cả mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi bất-thiện-tâm không còn dư sót, nên thân, khẩu, ý của Đức-Phật lúc nào cũng hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh. Dù ở nơi kín đáo, không có một ai thấy, không có một ai nghe, không có một ai biết, cũng không có một ai nghi ngờ, thì Đức-Thế-Tôn cũng không bao giờ hành-ác do thân, khẩu, ý nữa.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Arahaṃ với ý nghĩa không bao giờ hành điều ác ở nơi kín đáo.
3.1.2- Ân-Đức-Phật Sammāsambuddho
Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Xăm-ma-xăm-bút-thô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót, đặc biệt diệt được mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
Vì vậy, Sammāsambuddho: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Chân-Lý Tứ Thánh-Đế
– Khổ-Thánh-đế đó là ngũ-uẩn chấp-thủ, sắc-pháp, danh-pháp trong tam-giới là pháp nên biết.
– Nhân sinh khổ-Thánh-đế đó là tham-ái là pháp nên diệt.
– Diệt khổ-Thánh-đế đó là Niết-bàn là pháp nên chứng ngộ.
– Pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế đó là pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định là pháp nên tiến-hành để chứng ngộ Niết-bàn, diệt khổ-Thánh-đế.
Đức-Thế-Tôn đã tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị.
Đức-Thế-Tôn chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-việt suy xét pháp “thập-nhị duyên-sinh và thập-nhị nhân-diệt” như:
“Avijjā paccayā saṅkhārā …”
“Do vô-minh làm duyên, nên các hành sinh …”
Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ khổ-Thánh-đế và nhân sinh khổ-Thánh-đế.
Và trí-tuệ thiền-tuệ siêu-việt suy xét pháp “thập nhị nhân diệt” như:
“Avijjāyatveva asesavirāganirodhā saṅkhārā nirodho…”
“Do diệt tận được vô-minh, tham-ái không còn dư sót, nên diệt các hành …”
Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ diệt khổ-Thánh-đế và pháp-hành dẫn đến diệt khổ-Thánh-đế.
Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Đức-Phật đã khẳng định với nhóm 5 Tỳ-khưu trong bài kinh Chuyển-Pháp-Luân rằng:
– Này chư tỳ-khưu! Khi nào trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của tứ Thánh-đế theo tam-tuệ-luân (trí-tuệ-học, trí-tuệ-hành, trí-tuệ-thành), thành 12 loại trí-tuệ siêu-việt hoàn toàn trong sáng, thanh-tịnh đã phát sinh đến với Như-Lai.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, Như-Lai khẳng định, truyền dạy rằng: “Như-Lai đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác vô thượng trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nhân-loại, Vua chúa, Sa-môn, Bà-la-môn, Chư-thiên, ma vương, Phạm-thiên cả thảy.”
Như vậy, Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên Ngài có ân-đức Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Ñeyyadhamma
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác đặc biệt biết đủ 5 pháp Ñeyyadhamma:
– Saṅkhāra: Tất cả pháp hành cấu tạo.
– Vikāra: Sắc-pháp, danh-pháp biến đổi.
– Lakkhaṇa: Trạng-thái sinh, trụ, diệt của sắc-pháp, danh-pháp.
– Paññattidhamma: Chế-định-pháp là chế định ngôn ngữ, để thuyết giảng chánh-pháp tế độ chúng-sinh.
– Nibbāna: Niết-bàn, pháp diệt khổ-Thánh-đế.
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có đầy đủ 5 pháp ấy, nên Đức-Phật có khả năng chế định ra ngôn ngữ, để thuyết pháp tế độ chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddho: Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
3.1.3- Ân-Đức-Phật Vijjācaraṇasampanno
Itipi so Bhagavā vijjācaraṇasampanno.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa vít-cha-chá-rá-ná-xăm-păn-nô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc có đầy đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng,
Vì vậy, Vijjācaraṇasampanno: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Minh-Hạnh-Túc.
Tam-minh
1- Tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānussatiñāṇa) là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ tiền-kiếp từ hằng trăm kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp. Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn (còn Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh Thanh-văn-giác có giới hạn).
Tiền-kiếp-minh là trí-tuệ biết rõ tiền-kiếp thuộc loại chúng-sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện-nghiệp, bất-thiện-nghiệp, thực-hành pháp-hạnh ba-la-mật, … tuổi thọ, … đều ghi nhớ rõ ràng mọi chi tiết.
2- Thiên-nhãn-minh (dibbacakkhuñāṇa) là trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp quá-khứ, kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh hơn mắt của chư-thiên, chư phạm-thiên.
Thiên-nhãn-minh có 2 loại:
– Tử-sinh-minh (cutūpapātañāṇa) là trí-tuệ biết rõ sự tử, sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh. Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có tử-sinh-minh này biết rõ chúng-sinh sau khi chết rồi, nghiệp nào cho quả tái-sinh trong cảnh giới nào.
– Vị-lai-kiến-minh (anāgataṃsañāṇa) là trí-tuệ thấy rõ những kiếp vị-lai của chúng-sinh. Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác dùng vị-lai-kiến-minh này để thọ ký chúng-sinh trong những kiếp vị-lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại-kiếp trái đất nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, Đức-Phật Độc-Giác, bậc Thánh thanh-văn-giác…
3- Trầm-luân-tận-minh (āsavakkhayañāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, đó là 4 Thánh-đạo-tuệ diệt tận được 4 pháp phiền-não trầm-luân (āsava) không còn dư sót, đồng thời Đức-Thế-Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền-khiên-tật (vāsanā) do tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá-khứ.
Bát-minh
1- Tiền-kiếp-minh (pubbenivāsānussatiñāṇa).
2- Thiên-nhãn-minh (dibbacakkhuñāṇa).
3- Trầm-luân-tận-minh (āsavakkhayañāṇa).
4- Thiền-tuệ-minh (vipassanāñāṇa) là trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp sắc-pháp tam-giới, và trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc 4 Thánh-đạo-tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ và Niết-bàn.
5- Tha-tâm-minh (cetopariyañāṇa) là trí-tuệ có khả năng biết đến tâm của người khác, chúng-sinh khác đang nghĩ gì, với thiện-tâm hoặc bất-thiện-tâm, …
6- Hóa-tâm-minh (manomayiddhiñāṇa) là trí-tuệ có khả năng hóa thân khác theo mong muốn của mình, do năng lực của thiền định.
Như trường hợp Đức-Phật-Gotama thuyết tạng Vi-Diệu-Pháp vào hạ thứ bảy tại cung trời Tam-thập-Tam-thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Đức-Phật hóa-thân khác như Đức-Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Đức-Phật thật ngự đi khất thực ở Bắc-câu lưu-châu. Khi độ ngọ xong, Đức-Phật ngự trở lại cung trời thay thế Đức-Phật hóa-thân ấy.
7- Thiên-nhĩ-minh (dibbasotañāṇa) là trí-tuệ có khả năng nghe được mọi thứ tiếng người, tiếng súc-sinh, tiếng chư-thiên gần xa, do năng lực thiền định, như tai của chư-thiên, chư phạm-thiên.
8- Đa-dạng-minh (Iddhividhañāṇa) là trí-tuệ có khả năng biến hóa nhiều phép thần thông khác nhau, do năng lực thiền định, như một người hóa thành nhiều người, tàng hình không ai thấy, hiện hình nơi khác, đi xuyên qua núi, đi trên hư không, …
15 đức-hạnh cao-thượng
1- Giới đức: Hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh.
2- Cẩn trọng lục môn thanh-tịnh: Cẩn trọng khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh-tịnh.
3- Biết tri-túc trong vật thực: Nhận vật thực vừa đủ, khi thọ thực đàng hoàng, còn 4 – 5 miếng nữa đủ no, biết ngừng lại để dành uống nước, không dùng no quá.
4- Tinh-tấn tỉnh-thức: Ngày, đêm tinh-tấn hành phận sự, nghĩa là suốt ngày không ngủ, ban đêm có 3 canh:
– Canh đầu (khoảng từ 18 đến 22 giờ): Ngồi hành đạo, đi kinh hành.
– Canh giữa (khoảng từ 22 đến 2 giờ khuya): Nằm nghỉ ngủ trong tư thế nằm nghiêng bên phải, có trí nhớ, trí-tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy lúc cuối canh giữa.
– Canh chót (khoảng từ 2 giờ đến rạng đông): Hành đạo, đi kinh hành, … gọi là tinh-tấn luôn luôn tỉnh thức.
5- Đức-tin: Có đức-tin không lay chuyển.
6- Trí nhớ: Thường có trí nhớ.
7- Hổ thẹn: Biết hổ-thẹn tội-lỗi.
8- Ghê sợ: Biết ghê-sợ tội-lỗi.
9- Đa văn túc trí: Học nhiều hiểu rộng tất cả các pháp.
10- Tinh-tấn: Có tâm tinh-tấn không ngừng nghỉ.
11- Trí-tuệ: Có trí-tuệ hiểu biết rõ tất cả các pháp.
12- Đệ nhất thiền: Có đệ nhất thiền sắc-giới và vô-sắc-giới.
13- Đệ nhị thiền: Có đệ nhị thiền sắc-giới và vô-sắc-giới.
14- Đệ tam thiền: Có đệ tam thiền sắc-giới và vô-sắc-giới.
15- Đệ tứ thiền: Có đệ tứ thiền sắc-giới và vô-sắc-giới.
Đó là 15 Đức-hạnh cao thượng.
Đức-Thế-Tôn có trọn đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng hợp với tâm đại-bi tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Vijjācaraṇa-sampanno: Đức-Minh-Hạnh-Túc.
3.1.4- Ân-Đức-Phật Sugato
Itipi so Bhagavā Sugato.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Xú-gá-tô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc thuyết pháp chân-lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
Vì vậy, Sugato: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Thiện Ngôn.
Sugato có 4 ý nghĩa
– Thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh.
– Ngự theo Thánh-đạo.
– Ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối.
– Ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí.
Giải thích:
1- Sugato có ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh như thế nào?
Đức-Thế-Tôn tùy thời thuyết pháp chân-lý chắc chắn đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, nếu không đem lại lợi ích, thì Đức-Thế-Tôn không thuyết pháp.
Đức-Thế-Tôn biết rõ 6 trường hợp, trường hợp nào nên thuyết giảng và trường hợp nào không nên thuyết giảng như sau:
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ, Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào không chân thật, không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ, Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, nhưng không đem lại sự lợi ích, dù người nghe hài lòng, hoan hỷ, Đức-Phật vẫn không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, không đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ, Đức-Phật không thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe không hài lòng, không hoan hỷ, Đức-Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
– Đức-Thế-Tôn biết rõ pháp nào chân thật, đem lại sự lợi ích, người nghe hài lòng, hoan hỷ, Đức-Phật biết rõ tùy nơi, đúng lúc sẽ thuyết giảng pháp ấy.
Vì vậy, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa thuyết pháp chân-lý đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh.
2- Sugato có ý nghĩa ngự theo Thánh-đạo như thế nào?
Đức-Thế-Tôn ngự theo Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh là:
* Chánh-kiến: Trí-tuệ chân-chính là trí-tuệ thiền-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
* Chánh-tư-duy: Tư-duy chân-chính là:
– Tư-duy thoát khỏi ngũ dục.
– Tư-duy không thù oán.
– Tư-duy không hại chúng-sinh.
* Chánh-ngữ: Lời nói chân-chính là:
– Không nói dối.
– Không nói lời đâm thọc chia rẽ.
– Không nói lời thô tục.
– Không nói lời vô ích.
* Chánh-nghiệp: Hành-nghiệp chân-chính là:
– Không sát sinh.
– Không trộm cắp.
– Không tà dâm.
* Chánh-mạng: Nuôi-mạng chân-chính là không sống theo tà-mạng do thân, khẩu hành-ác.
* Chánh-tinh-tấn: Tinh-tấn chân-chính là:
– Tinh-tấn ngăn ác-pháp chưa sinh, không cho sinh.
– Tinh-tấn diệt ác-pháp đã sinh.
– Tinh-tấn làm cho thiện-pháp chưa sinh, được sinh.
– Tinh-tấn làm cho tăng trưởng thiện-pháp đã sinh.
* Chánh niệm: Niệm chân-chính là:
– Niệm-thân, thân là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm-thọ, thọ là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm-tâm, tâm là đối-tượng của chánh-niệm…
– Niệm-pháp, pháp là đối-tượng của chánh-niệm…
* Chánh-định: Định chân-chính là định-tâm trong các
bậc thiền siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn:
– Định-tâm trong đệ nhất thiền siêu-tam-giới.
– Định-tâm trong đệ nhị thiền siêu-tam-giới.
– Định-tâm trong đệ tam thiền siêu-tam-giới.
– Định-tâm trong đệ tứ thiền siêu-tam-giới.
– Định-tâm trong đệ ngũ thiền siêu-tam-giới.
Thánh-đạo hợp đủ 8 chánh này đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm, có đối-tượng Niết-bàn.
Vì vậy, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự theo Thánh-đạo.
3- Sugato có ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối như thế nào?
Đức-Thế-Tôn là Bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới đó là: 4 Thánh-đạo-tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ, nên Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn đầu tiên an-lạc tuyệt đối.
Về sau, Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ các hàng đệ-tử cũng chứng ngộ Niết-bàn với Thánh-đạo-tuệ, Thánh-quả-tuệ, nhưng những bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử này không có ân-đức Sugato như Đức-Thế-Tôn, bởi vì không phải bậc đầu tiên chứng ngộ Niết-bàn.
Vì vậy, chỉ có Đức-Thế-Tôn mới có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến Niết-bàn an-lạc tuyệt đối mà thôi.
4- Sugato có ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng, bất thoái chí như thế nào?
Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.
Lần đầu tiên, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp nữa, sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.
Từ đó, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha trở thành Đức-Bồ-tát cố-định (niyatabodhisatta) tiếp tục thực-hành cho đầy đủ 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung và 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất một cách bất thoái chí.
Đến kiếp chót, Đức-Bồ-tát Siddhattha từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia đã chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, đúng như lời thọ ký của Đức-Phật Dīpaṅkara. Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sugato với ý nghĩa ngự đến mục đích cao thượng bất thoái chí.
3.1.5- Ân-Đức-Phật Lokavidū
Itipi so Bhagavā Lokavidū.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Lô-ká-ví-đu).
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc thấy rõ, biết rõ tổng các loài chúng-sinh, tổng các cõi chúng-sinh, tổng các pháp-hành.
Vì vậy, Lokavidū: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Thông suốt tam-tổng-pháp.
* Loka là các pháp có sự sinh, sự diệt, sự thành, sự hoại, … ngũ-uẩn của mình gọi là loka.
Loka có 3 loại
1- Tổng các loài chúng-sinh (sattaloka).
2- Tổng các cõi chúng-sinh (okāsaloka).
3- Tổng các pháp-hành (saṅkhāraloka).
Đức-Thế-Tôn có 2 loại trí-tuệ đặc biệt mà chư Phật Độc-Giác và bậc Thánh Thanh-văn không có là:
– Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ 5 pháp-chủ cao thấp của mỗi chúng-sinh.
– Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phiền-não ngấm ngầm, thiện-nghiệp, ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có khả năng đặc biệt thông suốt cả 3 tổng-pháp.
1- Thế nào gọi là tổng các loài chúng-sinh (sattaloka)?
* Chúng-sinh có 4 loài:
– Thai-sinh: Chúng-sinh sinh từ bụng mẹ như loài người, voi, ngựa, trâu, bò, v.v…
– Noãn-sinh: Chúng-sinh sinh từ trứng như gà, vịt, chim, ..
– Thấp-sinh: Chúng-sinh sinh từ nơi ẩm thấp như con dòi, con giun, …
– Hóa-sinh: Chúng-sinh sinh hiện hữu ngay tức thì như chư-thiên, chư phạm-thiên, loài ngạ-quỷ, a-su-ra, chúng-sinh địa-ngục, con người đầu tiên xuất hiện trên trái đất này, …
* Chúng-sinh phân chia theo uẩn có 3 hạng:
– Chúng-sinh có ngũ-uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn trong 11 cõi dục-giới và 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên).
– Chúng-sinh có tứ-uẩn: Thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn (không có sắc-uẩn) trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
– Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn (không có 4 danh-uẩn) trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên.
Đức-Thế-Tôn biết rõ chúng-sinh nào có 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ già dặn hoặc còn non nớt, phiền-não ngấm ngầm nặng hoặc nhẹ, bản tánh riêng của mỗi chúng-sinh, nguyện vọng cao cả của mỗi chúng-sinh.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn thấy rõ, biết rõ chúng-sinh có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả trong kiếp hiện-tại, hoặc có nguyện vọng muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác bậc nào, … trong kiếp vị-lai.
Chúng-sinh không có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả trong kiếp hiện-tại, do nguyên nhân nào, …
Đức-Thế-Tôn thấy rõ, biết rõ thông suốt tất cả các loài chúng-sinh không còn dư sót.
2- Thế nào gọi là tổng các cõi chúng-sinh (okāsaloka)?
Tổng các cõi chúng-sinh (okāsaloka) là nơi tạm trú của tất cả các loài chúng-sinh trong tam-giới gồm có 31 cõi-giới.
Mỗi chúng-sinh được tạm trú với thời gian mau hoặc lâu hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực quả của thiện-nghiệp, quả của ác-nghiệp hỗ trợ mỗi kiếp chúng-sinh.
Tam-giới có 31 cõi-giới
– Dục-giới có 11 cõi-giới.
– Sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên.
– Vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.
* Dục-Giới có 11 cõi chia ra 2 cõi-giới:
– 4 Cõi ác-giới:
1- Cõi địa ngục: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
2- Cõi a-su-ra: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
3- Cõi ngạ-quỷ: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
4- Cõi súc-sinh: Chúng-sinh có tuổi thọ không nhất định.
– 7 Cõi thiện-dục-giới:
1- Cõi người (Manussa): Con người có tuổi thọ không nhất định.
2- Cõi trời Tứ-Đại-thiên-vương (Catumahārājikā): Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 500 tuổi trời, bằng 9 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 50 năm cõi người).
3- Cõi trời Tam-thập-Tam-thiên (Tāvatiṃsā): Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 1.000 tuổi trời, bằng 36 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 100 năm cõi người).
4- Cõi trời Dạ-ma-thiên (Yāmā): Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 2.000 tuổi trời, bằng 144 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 200 năm cõi người).
5- Cõi trời Đâu-suất đà-thiên (Tusitā): Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 4.000 tuổi trời, bằng 576 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 400 năm cõi người).
6- Cõi trời Hóa-lạc-thiên (Nimmānarati): Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 8.000 tuổi trời, bằng 2.304 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 800 năm cõi người).
7- Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên (Paranimmitavasavatti) chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có tuổi thọ 16.000 tuổi trời, bằng 9.216 triệu năm cõi người (bởi 1 ngày 1 đêm ở cõi trời này bằng 1.600 năm cõi người).
* Cõi sắc-giới phạm-thiên có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên được phân chia theo 4 bậc thiền sắc-giới quả-tâm:
1- Tầng trời đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng:
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Phạm-Chúng-thiên (Brahmapārisajjā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 1/3 a-tăng-kỳ kiếp trụ.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Phạm-Phụ-thiên (Brahmapurohitā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 1/2 a-tăng-kỳ kiếp trụ.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Đại-Phạm-thiên (Mahābrahmā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 1 a-tăng-kỳ kiếp trụ.
2- Tầng trời đệ nhị thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng:
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Thiểu-Quang-thiên (Parittabhā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 2 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-lượng-Quang-thiên (Appamāṇabhā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 4 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quang-Âm-thiên (Ābhassarā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 8 đại-kiếp trái đất.
3- Tầng trời đệ tam thiền sắc-giới quả-tâm có 3 tầng:
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Thiểu-Tịnh-thiên (Parittasubhā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 16 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-lượng-Tịnh-thiên (Appamāṇasubhā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 32 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Biến-Tịnh-thiên (Subhakiṇhā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 64 đại-kiếp trái đất.
4- Tầng trời đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm có 7 tầng:
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quảng-Quả-thiên (Vehapphalā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-Tưởng-thiên (Asaññasattā): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.
* Tầng trời sắc-giới phạm-thiên Tịnh-cư-thiên (Suddhāvāsā): Có 5 tầng trời chỉ dành riêng cho vị phạm-thiên là bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm mà thôi.
– Tầng trời sắc-giới Vô-Phiền-thiên (Avihā): Chư phạm-thiên Thánh Bất-lai có tín-pháp-chủ nhiều năng lực, có tuổi thọ 1.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới Vô-Nhiệt-thiên (Atappā): Chư phạm-thiên Thánh Bất-lai có tấn-pháp-chủ nhiều năng lực, có tuổi thọ 2.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới Thiện-Hiện-thiên (Sudassā): Chư phạm-thiên Thánh Bất-lai có niệm-pháp-chủ nhiều năng lực, có tuổi thọ 4.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới Thiện-Kiến-thiên (Sudassī): Chư phạm-thiên Thánh Bất-lai có định-pháp-chủ nhiều năng lực, có tuổi thọ 8.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời sắc-giới Sắc-Cứu-Cánh-thiên (Akaniṭṭhā): Chư phạm-thiên Thánh Bất-lai có tuệ-pháp-chủ nhiều năng lực, có tuổi thọ 16.000 đại-kiếp trái đất.
* Cõi vô-sắc-giới phạm-thiên có 4 tầng trời:
– Tầng trời vô-sắc-giới Không-vô-biên-xứ-thiên (Ākāsānañcāyatana): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 20.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời vô-sắc-giới Thức-vô-biên-xứ-thiên (Viñ-ñāṇañcāyatana): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 40.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời vô-sắc-giới Vô-sở-hữu-xứ-thiên (Ākiñ-caññāyatana): Chư phạm-thiên có tuổi thọ 60.000 đại-kiếp trái đất.
– Tầng trời vô-sắc-giới Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên (Nevasaññānāsaññāyatana): Chư phạm-thiên có tuổi thọ lâu nhất 84.000 đại-kiếp trái đất.
– 1 tam-giới gồm có 31 cõi-giới..
– 1 tiểu-thế-giới gồm có 31.000 cõi-giới.
– 1 trung-thế-giới gồm có 31 triệu cõi-giới.
– 1 đại-thế-giới gồm có 31 triệu triệu cõi-giới (31.000 tỉ cõi-giới).
Đức-Thế-Tôn không những thông suốt 31.000 tỉ cõi-giới mà còn thông suốt không tận cùng cõi-giới (ananta-cakkavāḷa).
3- Thế nào gọi là tổng các pháp-hành (saṅkhāraloka)?
Pháp-hành là pháp do nhân duyên cấu tạo, có sự sinh, sự diệt, ví dụ: Ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, v.v…
Tổng các loài chúng-sinh (sattaloka) và tổng các cõi-giới chúng-sinh (okāsaloka) thuộc về chế-định-pháp (paññattidhamma), còn tổng các pháp-hành thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma).
Đức-Thế-Tôn thông suốt tổng các pháp-hành, có nhiều pháp như sau:
– Pháp-hành có 1 pháp: Tất cả chúng-sinh được tồn tại do nhờ nhân (āhāra).
– Pháp-hành có 2 pháp: Danh-pháp và sắc-pháp.
– Pháp-hành có 3 thọ: Thọ khổ, thọ lạc, thọ xả.
– Pháp-hành có 4 pháp: Vật thực, xúc, tác ý, tâm đem lại quả.
– Pháp-hành có 5 uẩn: Sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn.
– Pháp-hành có 6 xứ bên trong: Nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-xứ, thân-xứ, ý-xứ.
Và có 6 xứ bên ngoài: Sắc-xứ, thanh-xứ, hương-xứ, vị-xứ, xúc-xứ, pháp-xứ, v.v…
Đức-Thế-Tôn thông suốt cả vô số pháp-hành bắt nguồn từ ngũ-uẩn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Lokavidū: Đức-Thông-Suốt Tam-tổng-pháp (tổng các loài chúng-sinh, tổng các cõi chúng-sinh, tổng các pháp-hành).
3.1.6- Ân-Đức-Phật Anuttaro Purisadammasārathi
Itipi so Bhagavā Anuttaro Purisadammasārathi.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Á-nút-tá-rô pú-rí-xá-đăm-má-xa-rá-thí)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc giáo huấn chúng-sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm-nhân lên bậc Thánh-nhân.
– Anuttaro purisadammasārathi: Do đó, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Vô-Thượng-Giáo-Hóa chúng-sinh.
Giáo hóa người ác trở thành bậc thánh-nhân
Kẻ cướp sát nhân cắt ngón tay xâu thành vòng đeo ở cổ có biệt danh Aṅgulimāla. Y có võ nghệ cao cường, sống một mình ở trong rừng, dù từng đoàn người 20 – 30 người đi qua khu rừng ấy, cũng không một ai thoát chết.
Một hôm, Đức-Thế-Tôn một mình đi vào khu rừng, nơi trú ẩn của Aṅgulimāla, để giáo hóa tế độ y. Aṅgulimāla thức tỉnh, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành tỳ-khưu nơi Đức-Phật.
Về sau không lâu, tỳ-khưu Aṅgulimāla thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng …
Giáo hóa dạ-xoa ác trở thành bậc thánh-nhân
Tích Dạ-xoa Āḷavaka ăn thịt người rất hung ác, tàn bạo, có nhiều phép mầu cực kỳ nguy hiểm.
Một hôm, biết Dạ-xoa Āḷavaka đi vắng, Đức-Thế-Tôn ngự đi đến lâu đài của y, ngự trên bảo tọa trong lâu đài của Dạ-xoa Āḷavaka.
Nghe tin Đức-Thế-Tôn ngự trên bảo tọa của y, Dạ-xoa Āḷavaka nổi cơn giận dữ, vô cùng bực tức, liền trở về ngay, y dùng mọi phép mầu cực kỳ nguy hiểm, để xua đuổi Đức-Thế-Tôn xuống khỏi bảo tọa, rời khỏi cung điện của y ngay tức khắc, nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Đức-Thế-Tôn được.
Cuối cùng, có một bài kệ khó mà y quên câu giải đáp, y đã hỏi nhiều Sa-môn, Bà-la-môn mà không một ai có thể giải đáp đúng, để làm cho y hài lòng.
Nay y đem bài kệ ấy đặt điều kiện, nếu Đức-Thế-Tôn không giải đáp đúng thì phải rời khỏi lâu đài của y ngay.
Thật ra, Đức-Thế-Tôn ngự đến cốt yếu giải đáp bài kệ ấy, để tế độ Dạ-xoa Āḷavaka. Cho nên, sau khi Dạ-xoa Āḷavaka hỏi câu kệ xong, Đức-Thế-Tôn liền giải đáp đúng ý nghĩa sâu sắc của câu kệ ấy làm cho Dạ-xoa Āḷavaka vô cùng hoan hỷ. Ngay khi ấy, Dạ-xoa Āḷavaka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, có đức-tin trong sạch và không lay chuyển trong Tam-bảo.
Giáo hóa phạm-thiên tà-kiến trở thành chánh-kiến
Phạm-thiên Baka ở cung trời sắc-giới cõi Quang-Âm-thiên phát sinh thường-kiến mê lầm. Đức-Thế-Tôn từ ngôi chùa Jetavana, xuất hiện lên tầng trời sắc-giới phạm-thiên Quang-Âm-thiên, để tế độ Phạm-thiên Baka từ bỏ tà-kiến trở lại chánh kiến, v.v…
Giáo hóa loài súc-sinh
Đức-Thế-Tôn giáo hóa các loài súc-sinh như rồng chúa Apalāla, rồng chúa Cūḷodara, rồng chúa Mahodara, … trở thành rồng hiền lành.
Đức-Thế-Tôn giáo hóa tế độ voi chúa Nālāgiri rất hung dữ, trong cơn say, chạy đến để hại Đức-Thế-Tôn.
Đức-Thế-Tôn rải tâm từ đến voi chúa Nālāgiri, ngay tức khắc voi chúa tỉnh lại, bò đến quỳ mọp xuống hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn.
Đức-Thế-Tôn giáo hóa tế độ voi chúa Nālāgiri hung dữ này trở thành voi hiền lành, biết quy y Tam-bảo, biết thọ trì ngũ-giới.
Kể từ đó về sau, voi chúa Nālāgiri rất hiền lành dễ thương, Đức-Thế-Tôn đặt tên là voi chúa Dhanapāla…
Đức-Thế-Tôn giáo hóa tế độ chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, nghĩa là, những chúng-sinh ấy tiền-kiếp có liên quan với Đức-Thế-Tôn, hoặc tiền-kiếp đã từng gieo duyên lành nơi Chư Phật trong quá-khứ, hoặc đã từng tạo đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật, có đủ 5 pháp-chủ, đã từng gieo phước duyên trong giáo pháp của chư Phật quá-khứ.
Nay kiếp hiện-tại, chúng-sinh ấy được Đức-Thế-Tôn quan tâm đến để giáo hóa tế độ chúng-sinh ấy (nghĩa là không phải Đức-Thế-Tôn gặp chúng-sinh nào cũng đều giáo hóa tế độ chúng-sinh ấy được).
Đức-Thế-Tôn giáo hóa những chúng-sinh mà không có một ai có thể giáo hóa tế độ được, không có một vị nào có thể sánh được với Đức-Thế-Tôn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Anuttaro purisa-dammasārathi: Đức-Vô-Thượng-Giáo-Hóa chúng-sinh.
* Riêng ân-Đức-Phật Anuttaro purisadammasārathi:
Trong bộ Thanh-Tịnh-Đạo (Visuddhimagga), phần giảng dạy Ân-Đức-Phật, thì Ân-Đức-Phật này phân chia làm hai Ân-đức riêng biệt:
– Anuttaro: Đức-Vô-Thượng.
– Purisadammasārathi: Đức-Giáo-Hóa chúng-sinh.
Giải thích:
1- Ân-đức Anuttaro: Đức-Vô-Thượng như thế nào?
Đức-Thế-Tôn có sīlaguṇa: Giới-đức trong sạch thanh-tịnh không một ai trong toàn cõi-giới hơn Đức-Thế-Tôn.
Cũng như vậy, Đức-Thế-Tôn có samādhiguṇa: Định-đức trong sạch thanh-tịnh… có paññāguṇa: Tuệ-đức trong sạch thanh-tịnh… có vimuttiguṇa: Giải-thoát-đức trong sạch thanh-tịnh… có vimuttiñāṇadassana: Giải-thoát-tri-kiến-đức trong sạch thanh-tịnh không một ai trong toàn cõi-giới hơn Đức-Thế-Tôn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Anuttaro: Đức-Vô-Thượng.
2- Ân-đức Purisadammasārathi: Đức-Giáo-Hóa chúng-sinh như thế nào?
Đức-Thế-Tôn giáo hóa các loài chúng-sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn cõi-giới chúng-sinh có khả năng giáo hóa tế độ chúng-sinh như Đức-Thế-Tôn.
Cho nên, Đức-Thế-Tôn có ân-đức Purisadammasārathi: Đức-Giáo-Hóa chúng-sinh.
3.1.7- Ân-Đức-Phật Satthā Devamanussānaṃ
Itipi so Bhagavā Satthā Devamanussānaṃ.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Xặt-tha-đê-voá-má-nút-xa-năng)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc Thầy của nhân-loại, chư-thiên, chư Phạm-thiên,…
– Satthā devamanussānaṃ: Do đó Đức-Thế-Tôn có ân-đức Thiên-Nhân-Sư.
Sự lợi ích an-lạc kiếp hiện-tại
Đức-Thế-Tôn giáo huấn chúng-sinh thực-hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại
.
4 pháp là:
– Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, công việc.
– Biết giữ gìn của cải tài sản.
– Có bạn lành, bạn tốt là bậc-thiện-trí.
– Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình.
Giải thích:
1- Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, trong công việc như thế nào?
Trong cuộc sống mỗi người nên chọn cho mình một nghề nghiệp lương thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ cả mình lẫn người . Biết siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp ấy, trong công việc ấy, có trí-tuệ hiểu biết chuyên môn trong nghề nghiệp để tạo ra nhiều của cải tài sản cho mình.
2- Biết giữ gìn của cải tài sản như thế nào?
Của cải tài sản được tạo ra do đức tính siêng năng cần mẫn trong nghề nghiệp, trong công việc một cách hợp pháp. Người ấy nghĩ rằng: “Ta nên giữ gìn cẩn thận những của cải tài sản này, tránh không để lửa cháy, nước ngập lụt cuốn trôi, bọn trộm cướp chiếm đoạt… giữ gìn của cải tài sản không bị hư mất.”
3- Có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện-trí như thế nào?
Muốn được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài, cần phải sống gần gũi, thân cận với bậc thiện-trí, làm bạn thân thiết, để học hỏi những thiện-pháp nên hành, những ác-pháp nên tránh xa.
Bậc thiện-trí là người có đức-tin chân-chính, có giới-hạnh đầy đủ trọn vẹn, là bậc đa-văn túc-trí, học nhiều hiểu rộng, có trí-tuệ sáng suốt, hiểu biết các pháp, là bậc thường hoan hỷ trong sự bố-thí.
Nhờ gần gũi, thân cận bạn lành bạn tốt là bậc thiện-trí, nên mình mới có cơ hội học tập, để có đức-tin trong sạch, có giới trong sạch, học nhiều hiểu rộng, có trí-tuệ hiểu biết các pháp, hoan hỷ trong sự bố-thí. Và học hỏi hiểu biết cách làm cho của cải phát triển (1) , và tránh xa cách làm cho của cải tiêu hao.
4- Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình như thế nào?
Biết sử dụng của cải có chừng mực trong cuộc sống:
– Không nên phung phí của cải quá mức.
– Không nên hà tiện quá mức.
Nên nghĩ rằng: “Phần thu của ta hơn phần chi, hoặc phần chi của ta kém hơn phần thức-uẩn.”
Trong cuộc sống, nếu phần thu tiền bạc của cải nhiều hơn mức phần chi thì tiền bạc của cải còn có phần dư dật, để dành lúc bệnh hoạn ốm đau, lúc tuổi già sức yếu không thể tạo ra của cải được, nhờ có của cải tiền bạc dư dật, thì cuộc sống mới được an-lạc.
Ngược lại, nếu phần chi tiền bạc, của cải nhiều hơn mức phần thu, thì tiền bạc, của cải bị thiếu thốn, nên cuộc sống lâm vào cảnh túng thiếu khổ cực.
Biết sử dụng của cải có chừng mực tùy theo khả năng của mình là lúc nào cũng “phần thu hơn phần chi”.
Đó là 4 pháp thực-hành đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại.
Sự lợi ích an-lạc những kiếp vị-lai
Đức-Thế-Tôn giáo huấn chúng-sinh thực-hành 4 pháp để đem lại những sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc những kiếp vị-lai.
4 pháp là:
– Có đức-tin trọn vẹn.
– Có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn.
– Có sự bố-thí trọn vẹn.
– Có trí-tuệ trọn vẹn.
Giải thích:
1- Có đức-tin trọn vẹn như thế nào? Các hàng Thanh-văn đệ-tử có đức-tin trong sạch nơi 9 ân-Đức-Phật, 6 ân-Đức-Pháp, 9 ân-Đức-Tăng; có đức-tin hoàn toàn nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Có đức-tin trong sạch, nơi 9 ân-Đức-Phật rằng:
“Đức-Thế-Tôn:
– Là Đức A-ra-hán xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của nhân loại, Chư-thiên, Phạm-thiên.
– Là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh.
– Là Đức Minh-Hạnh-Túc có trọn đủ tam-minh, bát-minh và 15 đức-hạnh cao thượng.
– Là Đức Thiện-Ngôn giáo huấn sự thật chân-lý đem lại sự lợi ích thật sự cho chúng-sinh.
– Là Đức Thông-Suốt tam-tổng-pháp.
– Là Đức Vô-Thượng-Giáo-Hóa chúng-sinh.
– Là Đức Thiên-Nhân-Sư.
– Là Đức-Phật tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, rồi giáo huấn chúng-sinh có phước duyên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, …
– Là Đức-Thế-Tôn cao thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh, do thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật.”
Và có đức-tin trong sạch nơi 6 ân-Đức-Pháp, nơi 9 ân-Đức-Tăng.
Bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử có đức-tin hoàn toàn nơi nghiệp và quả của nghiệp rằng:
“Đức-Phật dạy:
“Kammassako’mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammappaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi”.
Ta có nghiệp là của riêng ta, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta. Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp hoặc quả khổ của ác-nghiệp ấy.
Như vậy, chỉ tin nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi, hễ đại-thiện-nghiệp có cơ hội thì cho quả an-lạc, hễ ác-nghiệp có cơ hội thì cho quả khổ, cho nên, không tin vào số-mạng an bài.
Nếu mỗi chúng-sinh đều có số-mạng an bài thì thử hỏi ai có khả năng an bài số-mạng của mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ trong 31 cõi-giới chúng-sinh này???
2- Có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn như thế nào?
Các hàng Thanh-văn đệ-tử là bậc xuất gia hoặc hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ là người có giới-hạnh trong sạch và trọn vẹn theo giới-hạnh của mình.
– Người cận sự nam, cận sự nữ có ngũ-giới, hoặc bát-giới, … trong sạch và trọn vẹn.
– Vị sa-di có 10 sa-di giới, 10 pháp hoại, 10 pháp hành phạt, 75 điều học, 14 pháp hành, … trong sạch trọn vẹn.
– Vị tỳ-khưu có tứ thanh-tịnh giới, có tỳ-khưu-giới 227 điều-giới, 14 pháp-hành, tỳ-khưu-giới kể đầy đủ có 91.805.036.000 điều-giới.
3- Có sự bố-thí trọn vẹn như thế nào?
Các hàng Thanh-văn đệ-tử có tâm-từ, tâm-bi tế độ, hoan hỷ trong sự bố-thí tùy theo khả năng của mình, có tác-ý thiện-tâm trong sạch hoan hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí, hoan hỷ đang khi tạo phước-thiện bố-thí, hoan hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí xong rồi.
Các hàng Thanh-văn đệ-tử không nên có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải và sự hiểu biết của mình, có ít thì bố-thí ít, có nhiều thì bố-thí nhiều tùy theo khả năng, tùy theo người thọ thí.
Người thí chủ nên có sự suy tư đúng đắn rằng:
“Được tạo phước-thiện bố-thí là một cơ hội tốt cho mình, bởi vì của cải nào mà mình đem ra tạo phước-thiện bố-thí rồi, thì của cải ấy thật sự trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí của riêng mình, không có một ai có thể chiếm đoạt được. Còn những phần của cải còn lại không chắc là của mình, mà thuộc về của chung đối với mọi người.
Nếu ta không biết sử dụng của cải đem ra tạo phước-thiện bố-thí, qua thời gian thì của cải ấy cũng bị hư mất, không tồn tại lâu dài được.
Nếu ta biết sử dụng của cải ấy, đem ra tạo phước-thiện bố-thí, thì trở thành đại-thiện-nghiệp bố-thí của mình sẽ cho quả an-lạc trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai nữa.
Hơn nữa, chỉ có con người ở cõi Nam-thiện bộ-châu (trái đất chúng ta đang sống) này mới có cơ hội thuận lợi tạo phước-thiện bố-thí mà thôi. Các chúng-sinh ở cõi khác khó hoặc không có cơ hội thuận lợi tạo phước thiện bố-thí được.
Vì vậy, nếu có cơ hội thì ta không nên bỏ lỡ cơ hội tạo phước-thiện bố-thí.”
4- Có trí-tuệ trọn vẹn như thế nào?
Mỗi khi các hàng Thanh-văn đệ-tử tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.
Thật ra, có trí-tuệ trọn vẹn đó là có trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, và có trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới, đó là 4 Thánh-đạo-tuệ, 4 Thánh-quả-tuệ đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm có Niết-bàn làm đối-tượng. Hành-giả trở thành bậc Thánh-nhân.
Đó là 4 pháp thực-hành sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho kiếp hiện-tại, lẫn nhiều kiếp vị-lai.
Sự lợi ích an-lạc cao thượng niết-bàn
Đức-Thế-Tôn có 2 loại trí-tuệ đặc biệt:
– Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ già giặn hoặc non nớt của mỗi chúng-sinh, …
– Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ phiền-não ngấm ngầm, thiện-nghiệp, ác-nghiệp của mỗi chúng-sinh.
Hai loại trí-tuệ đặc biệt này chỉ có nơi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác mà thôi, còn các bậc Thánh Thanh-văn hoàn toàn không thể có 2 loại trí-tuệ này. Cho nên, mỗi khi thuyết pháp tế độ các chúng-sinh nào, Đức-Phật suy xét phước duyên của các chúng-sinh ấy.
Chúng-sinh nào đã từng tạo các pháp-hạnh ba-la-mật nhiều đời, nhiều kiếp trong quá-khứ, đã từng gặp Chư Phật ở quá-khứ rồi. Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn tế độ chúng-sinh hợp với phước duyên của các chúng-sinh ấy.
Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, chắc chắn các chúng-sinh ấy chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn tùy theo năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ như sau:
– Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Bốn bậc Thánh-Nhân này đều chứng đạt đến sự lợi ích, sự an-lạc cao thượng Niết-bàn.
Đức-Thế-Tôn thuyết pháp tế độ chúng-sinh không chỉ nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài, mà còn có loài súc-sinh cũng được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài nữa.
3.1.8- Ân-Đức-Phật Buddho
Itipi so Bhagavā Buddho.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Bút-thô)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác độc nhất vô nhị, rồi Đức-Phật thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có phước duyên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, cũng chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn tùy theo năng lực ba-la-mật, 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ và hạnh nguyện của mỗi chúng-sinh.
Vì vậy, Buddho: Đức-Thế-Tôn có ân-đức Đức-Phật.
Ân-đức“Sammāsambuddho”với ân-đức“Buddho”khác nhau như thế nào?
* Ân-đức Sammāsambuddho nghĩa là chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, nên Đức-Thế-Tôn có ân-đức Sammāsambuddho.
Ân-đức Sammāsambuddho có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:
– Trí-tuệ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên.
– Trí-tuệ-thành (paṭivedhañāṇa).
* Ân-đức Buddho nghĩa là tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên, trong toàn cõi-giới chúng-sinh, và Đức-Phật còn thuyết pháp giáo huấn chúng-sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật.
– Có số chúng-sinh trở thành bậc Thánh Nhập-lưu; có số chúng-sinh trở thành bậc Thánh Nhất-lai; có số chúng-sinh trở thành bậc Thánh Bất-lai; có số chúng-sinh trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Chúng-sinh trở thành Thánh-nhân bậc nào do năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật, 5 pháp-chủ (indriya): Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi chúng-sinh ấy.
Ân-đức Buddho có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:
-Trí-tuệ của bậc Toàn-Giác (Sabbaññutañāṇa).
– Trí-tuệ thuyết pháp giáo-hóa chúng-sinh (desanāñāṇa).
Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác là Bậc có đầy đủ trọn vẹn các loại trí-tuệ:
– 4 trí-tuệ phân-tích (paṭisambhidāñāṇa).
– 6 trí-tuệ cá-biệt (asādhāraṇañāṇa).
– 10 trí-tuệ-lực (dasabalañāṇa), …
Tất cả các loại trí-tuệ này được thành tựu cùng lúc với A-ra-hán Thánh-đạo-tâm, A-ra-hán Thánh-quả-tâm.
3.1.9- Ân-Đức-Phật Bhagavā
Itipi so Bhagavā Bhagavā.
(Cách đọc: Í-tí-pí xô phá-gá-voa Phá-gá-voa)
Nghĩa:
– So Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
– Itipi: Bởi Ngài là Bậc có 6 ân-đức đặc biệt do thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật của Ngài.
Vì vậy, Bhagavā: Ngài có ân-đức Đức-Thế-Tôn.
Ân-đức Bhagavā: Ân-đức Đức-Thế-Tôn thật vô cùng cao thượng nhất trong toàn cõi-giới chúng-sinh. Ân-đức Bhagavā này, không phải do Phụ vương, Mẫu hậu của Ngài tôn vinh, cũng không phải do chư-thiên, chư Phạm-thiên nào suy tôn Ngài.
Sự thật, ân-đức Bhagavā này là kết quả qua một quá trình tiến triển thực-hành 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác.
Trường hợp Đức-Phật Gotama thuộc về Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt. Cho nên, những tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt, nghĩa là trí-tuệ có nhiều năng lực hơn đức-tin và tinh-tấn. Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời-kỳ.
1- Thời-kỳ đầu: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt đã phát nguyện trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, để tế độ, cứu vớt chúng-sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, rồi Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật suốt thời gian khoảng 7 a-tăng-kỳ.
2- Thời-kỳ giữa: Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt đã phát nguyện bằng lời nói, để cho chúng-sinh nghe biết ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trong thời vị-lai, để tế độ chúng-sinh, rồi tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật thêm suốt 9 a-tăng-kỳ nữa.
Qua 2 thời-kỳ này vẫn còn là Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác bất-định (aniyatabodhisatta), nghĩa là có thể thay đổi ý nguyện muốn trở thành Đức-Phật Độc-Giác, hoặc bậc Thánh Thanh-văn-giác.
Nếu Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt vẫn giữ nguyên ý nguyện tiếp tục thực-hành các pháp-hạnh ba-la-mật dẫn đến thời-kỳ cuối.
3- Thời-kỳ cuối: Sau khi đã trải qua 2 thời-kỳ (phát nguyện trong tâm và bằng lời), Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt có đầy đủ năng lực mạnh, có thiện-tâm bất thoái chí, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt có duyên lành đến hầu Đức-Phật.
Trường hợp Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, đến hầu Đức-Phật Dīpaṅkara.
Với Phật-nhãn thấu suốt vị-lai, Đức-Phật Dīpaṅkara biết rõ ý nguyện của Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha sẽ được thành tựu như ý, nên Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký vị Đức-
Bồ-tát Đạo sĩ Sumedha rằng:
“Trong thời vị-lai, còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.”
Sau khi được Đức-Phật Dīpaṅkara đầu tiên thọ ký, xác định thời gian còn lại 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, Đức-Bồ-tát Đạo-sĩ Sumedha, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama trở thành Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt cố-định (niyatabodhisatta) bất thoái chí, tiếp tục thực-hành, bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng, suốt 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp tử sinh luân-hồi.
Từ đó về sau, mỗi khi có Đức-Phật nào xuất hiện trên thế gian, thì Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đều đến hầu Đức-Phật ấy và được Đức-Phật thọ ký xác định thời gian còn lại.
Trong khoảng thời gian 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất ấy, có 24 Đức-Phật theo tuần tự xuất hiện trên thế gian, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ-siêu-việt tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama lần đầu tiên đã được Đức-Phật Dīpaṅkara thọ ký và tiếp theo tuần tự các Đức-Phật khác, cho đến Đức-Phật thứ 24 là Đức-Phật Kassapa thọ ký cuối cùng.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt tiền kiếp của Đức-Phật Gotama đã thực-hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, suốt 3 thời-kỳ gồm có 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại-kiếp trái đất, đó là khoảng thời gian bằng một nửa (½ ) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có đức-tin siêu-việt và bằng một phần tư (¼) thời gian của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có tinh-tấn siêu-việt.
Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ siêu-việt kiếp chót là Đức-Bồ-tát Siddhattha là thái-tử của Đức-vua Suddhodana và Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī tại kinh-thành Kapilavatthu.
– Năm 29 tuổi, vào đêm rằm tháng 6, Đức-Bồ-tát Siddhattha trốn ra khỏi kinh-thành Kapilavatthu, ngự đi xuất gia.
– Năm 35 tuổi, vào đêm rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đi đến ngồi dưới cội cây Assattha tại khu rừng Uruvelā, Đức-Bồ-tát Siddhattha thực-hành pháp-hành thiền-định, và pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, vào canh chót đêm rằm tháng tư, tại cội cây Đại-Bồ-đề tại khu rừng Uruvelā.
Cho nên, Đức-Phật Gotama có ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
Ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn có 6 đức-tính:
Issariya, Dhamma, Yasa, Siri, Kāma, Payatta.
1- Thế nào gọi Issariya: Tự chủ?
Đức-Thế-Tôn có tâm tự chủ trong các tam-giới pháp và siêu-tam-giới pháp.
– Tâm tự chủ trong tam-giới pháp: Đức-Thế-Tôn hóa phép thần thông song hành (yamakapaṭihāriya), có 2 luồng nước và lửa phát xuất từ kim thân của Đức-Phật: Một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên trái, rồi thay đổi, một luồng lửa phát ra từ lỗ mũi bên phải, một luồng nước phát ra từ lỗ mũi bên trái; cũng như vậy đến 2 mắt, 2 lỗ tai…
– Tâm tự chủ trong siêu-tam-giới pháp: Đức-Phật thuyết pháp xong, các hàng Thanh-văn đệ-tử đồng thanh nói lên lời hoan hỷ “Sādhu! Sādhu!” trong thời gian khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, Đức-Thế-Tôn có thể nhập A-ra-hán Thánh-quả để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Cho nên, gọi là Issariya: Tự chủ.
2- Thế nào gọi là Dhamma: Chánh-pháp?
Đức-Thế-Tôn đã chứng đắc 9 siêu-tam-giới pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn đầu tiên, trong toàn cõi-giới chúng-sinh, diệt tận tất cả 1.500 loại phiền-não, 108 loại tham-ái, và tất cả mọi tiền khiên tật đã tích lũy từ vô lượng kiếp quá-khứ.
Cho nên, gọi là Dhamma: Chánh-pháp.
3- Thế nào gọi là Yasa: Tiếng tốt lành?
Ân-đức của Đức-Thế-Tôn được lan truyền khắp toàn cõi chúng-sinh, từ cõi người cho đến cõi Long vương, đến Chư-thiên ở 6 cõi trời dục-giới, đến chư Phạm-thiên ở 15 cõi trời sắc-giới (trừ cõi Vô-Tưởng-Thiên). Và thậm chí ngay cả chư Phạm-thiên ở cõi vô-sắc-giới cũng niệm tưởng đến ân-Đức-Phật.
Cho nên, gọi là Yasa: Tiếng tốt lành.
4- Thế nào gọi là Siri: Hạnh phúc?
Kim-thân của Đức-Thế-Tôn có đầy đủ 32 tướng tốt của bậc Đại-nhân và 80 tướng tốt phụ, có hào quang mát mẻ phát ra từ kim-thân của Đức-Phật, nên nhân-loại, chư-thiên, Phạm-thiên đến hầu đảnh lễ cúng dường đến Đức-Thế-Tôn, lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc an-lạc, phát sinh hỷ lạc. Những chúng-sinh đến hầu Đức-Thế-Tôn bao nhiêu lần cũng cảm thấy chưa đủ.
Cho nên, gọi là Siri: Hạnh phúc.
5- Thế nào gọi là Kāma: Nguyện ước thành tựu? Đức-Thế-Tôn khi còn là Đức-Bồ-tát Sumedha có nguyện ước rằng:
“Buddho bodheyyaṃ”: Như-Lai tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, rồi sẽ giáo hóa chúng-sinh cùng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc thành bậc Thánh-Nhân (tự giác – giác tha).
Điều ước nguyện ấy đã thành tựu.
“Mutto moceyyaṃ”: Như-Lai tự mình giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, rồi sẽ giáo huấn chúng-sinh cũng được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài (tự độ – độ tha).
Điều nguyện ước ấy đã thành tựu.
“Tinno tareyyaṃ”: Như-Lai tự mình vượt qua biển khổ luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc, rồi sẽ dẫn dắt chúng-sinh cùng vượt qua biển khổ luân-hồi, đạt đến Niết-bàn an-lạc (tự đáo – đáo tha).
Điều nguyện ước ấy đã thành tựu.
Cho nên, gọi là Kāma: Nguyện ước thành tựu.
6- Thế nào gọi là Payatta: Tinh-tấn không ngừng?
Hằng ngày Đức-Thế-Tôn có sự tinh-tấn không ngừng thực-hành Buddhakicca: 5 phận sự của Đức-Phật:
5 phận sự của Đức-Phật:
– Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ (purebhattakicca). – Phận sự sau khi độ ngọ (pacchābhattakicca).
– Phận sự canh đầu đêm (paṭhamayāma).
– Phận sự canh giữa đêm (majjhimayāma).
– Phận sự canh chót đêm (pacchimayāma).
Giải Thích
1- Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ như thế nào? Mỗi buổi sáng đến giờ đi khất thực, khi thì Đức-Phật ngự đi khất thực một mình để tế độ chúng-sinh nào đó, khi thì Đức-Phật ngự cùng với chư tỳ-khưu Tăng đi vào xóm làng, kinh-thành để khất thực.
Khi Đức-Phật thọ thực xong, số dân chúng thỉnh Đức-Phật thuyết pháp, số xin thọ phép quy y Tam-bảo, số xin Đức-Phật cho phép xuất gia, rồi Đức-Phật ngự trở về chùa.
2- Phận sự sau khi độ ngọ như thế nào?
Khi ngự trở về chùa, Đức-Phật rửa chân xong, đứng trên bục giảng, Ngài khuyên dạy chư tỳ-khưu rằng:
“Bhikkhave appamādena sampādetha,
Dullabho Buddhuppādo lokasmiṃ,
Dullabho manussattapaṭilābho,
Dullabhā khaṇasampatti,
Dullabhā pabbajjā,
Dullabhaṃ saddhammassavanaṃ.”
– Này chư tỳ-khưu! Các con hãy nên cố gắng hoàn thành mọi phận sự tứ Thánh-đế, bằng pháp không dể duôi (thất-niệm), tiến hành Tứ-niệm-xứ.
* Đức-Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó.
* Được sinh làm người là một điều khó.
* Có được cơ hội thực-hành phạm-hạnh cao thượng là một điều khó.
* Được xuất gia trở thành tỳ-khưu là một điều khó.
* Được nghe chánh-pháp là một điều khó.”
Đó là những điều khó mà Đức-Phật hằng ngày thường khuyên dạy chư tỳ-khưu chớ nên dể duôi (thất-niệm).
Sau khi khuyên dạy xong, Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi, còn chư tỳ-khưu mỗi vị ở một nơi, để thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành-thiền-tuệ.
– Phận sự canh đầu đêm như thế nào?
Canh đầu: Đức-Phật giáo huấn chư tỳ-khưu, có số tỳ-khưu hỏi pháp, luật; có số tỳ-khưu xin thọ pháp-hành thiền-định, xin thọ pháp-hành thiền-tuệ; có số tỳ-khưu nghe Đức-Phật thuyết pháp.
Qua hết canh đầu, chư tỳ-khưu đảnh lễ Đức-Phật trở về chỗ ở của mình.
4- Phận sự canh giữa đêm như thế nào?
Canh giữa: Đức-Phật cho phép chư-thiên, chư Phạm-thiên trong 10.000 cõi-giới đến hầu Đức-Phật, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ bạch hỏi pháp. Đức-Phật giảng giải những câu hỏi của chư-thiên, chư Phạm-thiên xong, hết canh giữa, chư-thiên, chư Phạm-thiên đảnh lễ Đức-Phật trở về cảnh giới của mình.
5- Phận sự canh chót đêm như thế nào?
Đức-Phật phân chia canh chót làm 3 thời:
– Thời gian đầu: Đức-Phật đi kinh hành.
– Thời gian giữa: Đức-Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh niệm, trí-tuệ tỉnh giác, định giờ tỉnh dậy.
– Thời gian chót: Đức-Phật nhập thiền đại-bi, khi xả thiền, Đức-Phật xem xét chúng-sinh trong 10.000 cõi-giới bằng Phật-nhãn-tuệ, thấy rõ, biết rõ chúng-sinh nào đã từng gieo duyên lành với Đức-Phật, hoặc đã từng thực-hành các pháp hành ba-la-mật từ Chư Phật quá-khứ đến kiếp hiện-tại này, chúng-sinh ấy có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, chúng-sinh ấy dù ở gần, dù ở xa, trong cõi người này hay cõi giới khác, Đức-Phật vẫn ngự đến nơi, để tế độ chúng-sinh ấy.
Mỗi ngày, mỗi đêm Đức-Thế-Tôn thực-hành đầy đủ 5 phận sự ròng rã suốt 45 năm, cho đến giây phút cuối cùng tịch diệt Niết-bàn.
Ân-đức Bhagavā còn có nhiều ý nghĩa khác.
Cho nên, Đức-Phật Gotama có ân-đức Bhagavā: Đức-Thế-Tôn.
Thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật này, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi, hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp đầy đủ 9 ân-Đức-Phật. Mỗi khi niệm đến ân-Đức-Phật nào, nên hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Phật ấy.
Sau đó, để đại-thiện-tâm dễ phát sinh, hành-giả nên ngồi nghiêm trang trước tượng Đức-Phật hoặc trước cội cây Đại-Bồ-đề, hoặc một nơi thanh vắng, để thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật này.
Phương pháp thực-hành có nhiều cách:
1- Cách phổ thông: Niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật theo bài kinh như sau:
“Itipi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsambuddho, Vijjā-caraṇasampanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro purisadam-masārathi, Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavā…”
Hành-giả thực-hành niệm đến ân-Đức-Phật nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Phật ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-Đức-Phật như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần,… trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
2- Cách tách câu: 9 ân-Đức-Phật tách từng câu như sau:
1- Itipi so Bhagavā Arahaṃ.
2- Itipi so Bhagavā Sammāsambuddho.
3- Itipi so Bhagavā Vijjācaraṇasampanno.
4- Itipi so Bhagavā Sugato.
5- Itipi so Bhagavā Lokavidū.
6- Itipi so Bhagavā Anuttaro purisadammasārathi.
7- Itipi so Bhagavā Satthā devamanussānaṃ.
8- Itipi so Bhagavā Buddho.
9- Itipi so Bhagavā Bhagavā,
Hành-giả thực-hành niệm mỗi câu ân-Đức-Phật nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của mỗi câu ân-Đức-Phật ấy, định-tâm theo dõi mỗi câu ân-Đức-Phật như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần,… trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Hành-giả có thể chọn một câu ân-Đức-Phật nào trong 9 ân-Đức-Phật làm đối-tượng, để thực-hành niệm ân-Đức-Phật ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Phật ấy, luôn định-tâm nơi ân-Đức-Phật ấy.
Ví dụ: Niệm ân-Đức-Phật thứ nhất: Itipi so Bhagavā Arahaṃ, … Itipi so Bhagavā Arahaṃ, …
Hoặc: Niệm ân-Đức-Phật thứ tám: Itipi so Bhagavā Buddho, … Itipi so Bhagavā Buddho, …
Hoặc: Niệm ân-Đức-Phật thứ chín: Itipi so Bhagavā Bhagavā, … Itipi so Bhagavā Bhagavā, …
Hành-giả tâm niệm câu ân-Đức-Phật ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Phật ấy, định-tâm theo dõi ân-Đức-Phật ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm ân-Đức-Phật, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.
3- Cách niệm một ân-Đức-Phật:
Hành-giả có thể chọn một ân-Đức-Phật nào trong 9 ân-Đức-Phật làm đối-tượng, để thực-hành niệm ân-Đức-Phật ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của danh từ ân-Đức-Phật ấy, luôn định-tâm nơi ân-Đức-Phật ấy:
Ví dụ: Niệm-niệm: Arahaṃ, … Arahaṃ, … Arahaṃ, … Hoặc: Niệm-niệm: Buddho, … Buddho, … Buddho, … Hoặc: Niệm-niệm: Bhagavā, … Bhagavā, … Bhagavā, … Hành-giả niệm-niệm ân-Đức-Phật ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Phật ấy, định-tâm theo dõi ân-Đức-Phật ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần … trong suốt thời gian thực-hành niệm ân-Đức-Phật ấy, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, mà đức-tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật là đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên, nên hành-giả không thể định-tâm một nơi nào nhất định. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật này chỉ có khả năng chứng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Vì vậy, tâm cận-định này vẫn còn là dục-giới thiện-tâm có dục-giới thiện-nghiệp, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người đã gieo duyên lành, nhân tốt sâu sắc trong giáo pháp của Đức-Phật.
Tuy nhiên, tâm cận-định này có thể làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, diệt tận tham-ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được.
Như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Pháp-hành ấy là pháp gì?
Pháp-hành ấy là Buddhānussati: Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn(1).
Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật thuộc về pháp-hành thiền-định mà có khả năng chuyển sang làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ của pháp-hành thiền-tuệ nữa.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật có 2 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật thuộc về pháp-hành thiền-định, hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) (Phương pháp đã được trình bày ở phần trước).
– Giai đoạn sau: Sau khi thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật đã đạt đến cận-định rồi, nếu muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì hành-giả cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Cận-định của đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?
Sau khi hành-giả đã thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, đã đạt đến cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, nếu hành-giả có ý nguyện muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Cận-định là nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Thật-tánh niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật như thế nào?
Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì không có hành-giả nào thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, mà sự thật chỉ có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm làm phận sự thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, đạt đến tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật mà thôi.
* Phân tích đối-tượng tứ-niệm-xứ và đối-tượng thiền-tuệ
Tâm cận-định này thuộc trong phần tâm niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ, và tâm cận-định là dục-giới thiện-tâm phân tích theo danh-pháp, sắc-pháp như sau:
– Dục-giới thiện-tâm thuộc về danh-pháp, và dục-giới thiện-tâm này phát sinh do nương nhờ hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp.
Như vậy, danh-pháp và sắc-pháp liên quan với nhau làm đối-tượng thiền-tuệ.
* Phân tích theo ngũ-uẩn
Tâm cận-định này là dục-giới thiện-tâm có 38 tâm-sở đồng sinh với tâm này, phân tích theo ngũ-uẩn như sau:
– Dục-giới thiện-tâm này thuộc về thức-uẩn.
– Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về thọ-uẩn.
– Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về tưởng-uẩn.
– Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về hành-uẩn.
– Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-uẩn.
Ngũ-uẩn này trong phần pháp niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ thuộc về danh-pháp, sắc-pháp.
Thực-hành pháp-hành thiền-tuệ
Thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ danh-pháp, sắc-pháp này hoặc ngũ-uẩn này thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) từ “tâm cận-định” của đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, hành-giả có chánh-niệm trực nhận ngay đối-tượng danh-pháp (hoặc sắc-pháp) hoặc ngũ-uẩn thuộc về chân-nghĩa-pháp, có trí-tuệ tỉnh-giác, trực giác thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi danh-pháp (hoặc sắc-pháp) hoặc ngũ-uẩn hiện-tại ấy đều là pháp-vô-ngã, không phải ta, không phải người, không phải người nam, không phải người nữ, không phải chúng-sinh, … mà sự-thật chỉ là danh-pháp, sắc-pháp mà thôi.
Trí-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp như vậy, làm đối-tượng thiền-tuệ cho các trí-tuệ thiền-tuệ phát triển thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp, sắc-pháp, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ phát triển theo tuần tự dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Như vậy, tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Như Đức-Phật dạy:
– “Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật, mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”
Quả-báu đặc biệt đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật này dẫn đạt đến cận-định thuộc về pháp-hành thiền-định, mà có khả năng chuyển sang làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ, hành-giả tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ với đối-tượng thiền-tuệ ấy dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán trong kiếp hiện-tại.
Nếu hành-giả chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, thì hành-giả hưởng được quả-báu đặc biệt của đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật trong kiếp hiện-tại và nhiều kiếp vị-lai như sau:
– Được phần đông chúng-sinh kính trọng.
– Có đại-thiện-tâm trong sạch thanh-tịnh.
– Lúc lâm chung gần chết, có đại-thiện-tâm tỉnh táo.
– Sau khi hành-giả chết, đại-thiện-nghiệp này cho quả tái-sinh kiếp sau làm người tam-nhân cao quý hoặc vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ tam-nhân cao quý.
– Có sắc thân xinh đẹp đáng ngưỡng mộ.
– Các bộ phận trong thân thể đều xinh đẹp đáng quý. – Thân hình có mùi thơm toả ra.
– Miệng có mùi thơm tho toả ra.
– Có nhiều trí-tuệ.
– Có trí-tuệ sâu sắc.
– Có trí-tuệ sắc bén.
– Có trí-tuệ nhanh nhẹn.
– Có trí-tuệ phong phú.
– Có trí-tuệ phi thường.
– Nói lời hay có ích lợi.
– Kiếp vị-lai có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, dễ dàng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, …
Đó là những quả-báu đặc biệt của đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật.
(Xong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật)
3.2- Dhammānussati: Đề-Mục Niệm-niệm 6 Ân-Đức-Pháp
Dhammānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định đề-mục Dhammānussati: Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có 6 ân-Đức-Pháp làm đối-tượng thiền-định.
Thực-hành đề-mục thiền-định Dhammānussati
Hành-giả có ý nguyện thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, như Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Dhajaggasutta về phương pháp niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp như sau:
“Svākkhāto Bhagavatā dhammo Sandiṭṭhiko Akāliko Ehipassiko Opaneyyiko Paccattaṃ veditabbo viññūhi.”
Ý nghĩa 6 ân-Đức-Pháp
1- Svākkhāto dhammo: Chánh-pháp gồm có 10 pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ sâu sắc, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh. 10 chánh-pháp là:
– Pháp-học chánh-pháp (Pariyattisaddhamma).
– 9 siêu-tam-giới-pháp (Navalokuttaradhamma) đó là 4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả + 1 Niết-bàn.
2- Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn nào, rồi tự thấy, tự biết Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn ấy bằng trí-tuệ thiền-tuệ của mình.
3- Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho quả Thánh-quả ấy sau 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt.
4- Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp thuộc chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến chứng kiến, để thực chứng thực đắc.
5- Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp là chánh-pháp nên hướng tâm đến chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp mà chư bậc thiện trí Thánh-nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an-lạc Niết-bàn tịch tịnh.
Đó là 6 ân-Đức-Pháp mà chỉ có bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật mới có đầy đủ 6 ân-Đức-Pháp này mà thôi. Còn các hạng phàm-nhân Thanh-văn đệ-tử có ân-
Đức-Pháp giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và pháp-hành chánh-pháp, chưa đạt đến phần pháp-thành chánh-pháp (9 siêu-tam-giới-pháp).
Giảng giải về 6 ân-Đức-Pháp
Trong bộ Chú-giải giảng giải về 6 ân-Đức-Pháp được tóm lược sau đây:
3.2.1- Ân-Đức-Pháp Svākkhāto Dhammo
Svākkhāto Bhagavatā dhammo.
(Cách đọc: Xoa-kha-tô phá-gá-voa-ta thăm-mô)
Svākkhāto dhammo: Pháp gồm có 10 chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, có ý nghĩa đầy đủ, văn chương trong sáng, rõ ràng và thanh-tịnh.
10 chánh-pháp là:
– Pháp-học chánh-pháp.
– 9 siêu-tam-giới-pháp (4 Thánh-đạo + 4 Thánh-quả + 1 Niết-bàn).
Trong Chú-giải Saṃyuttanikāya, phần Sagāthavagga trình bày 10 chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:
1- Pháp-học chánh-pháp hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
* Đức-Phật thuyết một bài kệ gồm có 4 câu:
– Câu đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Hai câu giữa: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Câu cuối: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Khi Đức-Phật thuyết một bài Kinh ngắn:
– Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Phần thân bài: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết một bài Kinh dài gồm có nhiều đoạn:
– Phần mở đầu: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Phần thân bài có nhiều đoạn: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Phần kết luận: Hoàn hảo ở phần cuối.
* Đức-Phật thuyết về Tạng Luật, Tạng Vi-Diệu-Pháp, sự hoàn hảo cũng tương tự như Tạng kinh.
2- Chín siêu-tam-giới-pháp hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như thế nào?
9 Siêu-tam-giới-pháp gồm có:
* 4 Thánh-đạo:
– Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
– Nhất-lai-Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
– Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
– A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
* 4 Thánh-quả:
– Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
– Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
– Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
– A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
* 1 Niết-bàn là đối-tượng của 4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm.
4 Thánh-đạo-tâm và 4 Thánh-quả-tâm chỉ có đối-tượng Niết-bàn mà thôi, ngoài ra không có đối-tượng nào khác.
9 siêu-tam-giới-pháp thuộc về pháp-thành chánh-pháp là quả của pháp-hành chánh-pháp.
Pháp-hành chánh-pháp và pháp-thành chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối như sau:
– Pháp-hành giới: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả: Hoàn hảo ở phần giữa.
– Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối.
Hay trình bày một cách khác:
– Pháp-hành giới, Pháp-hành thiền-định: Hoàn hảo ở phần đầu.
– Pháp-hành thiền-tuệ, 4 Thánh-đạo: Hoàn hảo ở phần giữa.
– 4 Thánh-quả và Niết-bàn: Hoàn hảo ở phần cuối.
Một cách trình bày khác:
Pháp-học chánh-pháp: Ban đầu lắng nghe, học hỏi, nghiên cứu để hiểu rõ về phương pháp thực-hành pháp-hành giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
Đó gọi là pháp-học chánh-pháp hoàn hảo ở phần đầu.
Pháp-hành chánh-pháp có 3 pháp:
– Pháp-hành giới: Hành-giả có tác-ý thiện-tâm giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn, để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-định và pháp-hành thiền-tuệ.
– Pháp-hành-định: Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, 4 bậc thiền vô-sắc-giới.
– Pháp-hành-tuệ: Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ làm cho phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp sắc-pháp; thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
Đó là pháp-hành chánh-pháp hoàn hảo ở phần giữa.
Pháp-thành chánh-pháp: Hành-giả chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác pháp.
Đó là pháp-thành chánh-pháp hoàn hảo ở phần cuối.
Cho nên, ân-Đức-Pháp này gọi là Svākkhāto dhammo.
3.2.2- Ân-Đức-Pháp Sandiṭṭhiko Dhammo
Sandiṭṭhiko dhammo.
(Cách đọc: Xăn đít thí-cô thăm-mô)
Sandiṭṭhiko dhammo: Chánh-pháp gồm 9 siêu-tam-giới-pháp mà chư Thánh-nhân đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn nào, rồi tự thấy, tự biết bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới của mình.
Sandiṭṭhiko có 3 ý nghĩa:
1- Chứng đắc bằng trí-tuệ thiền-tuệ của mình
– Bậc thiện-trí phàm-nhân thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Bậc Thánh Nhập-lưu tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Bậc Thánh Nhất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Bậc Thánh Bất-lai tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Mỗi bậc Thánh-nhân tự thấy, tự biết bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới của mình.
2- Cách diệt phiền-não
* 4 Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được (samucchedappahāna) phiền-não tùy theo mỗi Thánh-đạo-tuệ như sau:
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến (diṭṭhi) và hoài-nghi (vicikicchā).
– Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại thô.
– Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân (dosa) loại vi-tế.
– A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham (lobha), si (moha), ngã-mạn (māna), phóng-tâm (uddhacca), buồn chán (thīna), không biết hổ-thẹn tội-lỗi (ahirika), không biết ghê-sợ tội-lỗi (anottappa). Mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp đều bị diệt tận không còn dư sót.
* 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng đặc biệt diệt bằng cách làm an tịnh (paṭipassadhippahāna) được loại phiền-não mà 4 Thánh-đạo-tuệ đã diệt tận rồi.
* Niết-bàn là đối-tượng giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇappahāna).
Theo định luật tự nhiên, sau khi đã chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn nào rồi, thì bậc Thánh-nhân có trí-tuệ quán-triệt (paccavekkhaṇañāṇa) suy xét 5 điều:
– Quán triệt biết rõ Thánh-đạo nào đã chứng đắc.
– Quán triệt biết rõ Thánh-quả nào đã chứng đắc.
– Quán triệt biết rõ Niết-bàn đã chứng ngộ.
– Quán triệt biết rõ phiền-não nào đã bị diệt tận được.
– Quán triệt biết rõ phiền-não nào chưa diệt tận được.
Ba bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai có trí-tuệ quán triệt suy xét 5 điều. Riêng bậc Thánh A-ra-hán chỉ suy xét 4 điều mà thôi, không có điều “Quán triệt biết rõ phiền-não nào chưa bị diệt tận” bởi vì bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được mọi phiền-não không còn dư sót nữa.
3- Tự khẳng định
– Bậc Thánh Nhập-lưu tự biết, tự khẳng định sẽ không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, ngạ-quỷ, a-su-ra, súc-sinh), chỉ còn tái-sinh ở cõi người, cõi trời dục-giới nhiều nhất là 7 kiếp, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn.
– Bậc Thánh Nhất-lai tự biết, tự khẳng định chỉ còn tái-sinh 1 kiếp trong cõi người hoặc cõi trời dục giới, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn.
– Bậc Thánh Bất-lai tự biết, tự khẳng định không trở lại tái-sinh trong cõi dục-giới, mà chỉ còn tái-sinh ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.
– Bậc Thánh A-ra-hán tự biết, tự khẳng định ngay kiếp hiện-tại này là kiếp chót, sẽ tịch diệt Niết-bàn chấm dứt tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Vì vậy, ân-Đức-Pháp này gọi là Sandiṭṭhiko dhammo.
3.2.3- Ân-Đức-Pháp Akāliko Dhammo
Akāliko dhammo.
(Cách đọc: Á-ca-lí-cô thăm-mô)
Akāliko dhammo: Chánh-pháp đó là 4 Thánh-đạo cho quả tương xứng 4 Thánh-quả không có thời gian ngăn cách, nghĩa là sau khi chứng đắc Thánh-đạo nào liền cho Thánh-quả ấy sau một sát-na tâm diệt rồi sinh.
Akāliko có 2 ý nghĩa:
1- Thánh-đạo diệt, Thánh-quả sinh không có thời gian ngăn cách:
Thánh-đạo-tâm, Thánh-quả-tâm cùng trong một Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta). Ví dụ:
Trong Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm (Sotāpatti-maggavīthicitta) các tâm sinh diệt theo tuần tự như sau:
Bhavaṅgacitta, Bhavaṅgacalana, Bhavaṅgupaccheda, Manodvāravajjanacitta, Parikamma, Upacāra, Anuloma, Gotrabhū, Sotāpattimaggacitta, Sotāpatti-phalacitta (2 – 3 sát-na-tâm), Bhavaṅgacitta chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Đồ biểu Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm
(Sotāpattimaggavīthicitta)
Giải thích:
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm, (viết tắt bha)
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động, (vt. na)
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị cắt đứt, (vt. da)
4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn-hướng-tâm, (vt. ma)
5- Parikamma: Chuẩn-bị Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh, (vt. pari)
6- Upacāra: Cận Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm sẽ phát sinh (vt. upa)
7- Anuloma: Thuận-dòng theo 37 pháp để chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo (vt. anu)
8- Gotrabhū: Chuyển-dòng từ phàm-nhân lên Thánh-nhân, (vt. got)
9- Sotāpattimaggacitta: Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm, 1 sát-na-tâm) (vt. mag)
10- Sotāpattiphalacitta: Nhập-lưu Thánh-quả-tâm, 2-3 sát-na-tâm) (vt. pha)
11- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm, (vt. Bha)
Chấm dứt Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Qua Nhập-Lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm nhận thấy:
Nhập-lưu Thánh-đạo-tâm diệt, Nhập-lưu Thánh-quả-tâm liền sinh, không có thời gian ngăn cách.
Tương tự như vậy trong Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm, Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm, A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm, mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm, khi Thánh-đạo-tâm nào diệt, liền Thánh-quả-tâm ấy sinh không có thời gian ngăn cách.
Như vậy, Thánh-quả-tâm liền sinh sau Thánh-đạo-tâm chỉ có 1 sát-na-tâm mà thôi.
Cho nên, 4 Thánh-đạo là pháp cho 4 Thánh-quả tương xứng không có thời gian ngăn cách gọi là Akālikadhamma.
2- Bốn Thánh-đạo cho bốn Thánh-quả không có thời gian chờ đợi.
Tam-giới thiện-nghiệp
– Dục-giới thiện-nghiệp có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện-tại sớm nhất trong khoảng thời gian 7 ngày và còn cho quả trong những kiếp vị-lai.
Nghiệp này cho quả có thời gian chờ đợi.
– Sắc-giới thiện-nghiệp và vô-sắc-giới thiện-nghiệp không cho quả trong kiếp hiện-tại mà chờ cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên hoặc trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tùy theo bậc thiền sở đắc của hành-giả.
– Siêu-tam-giới thiện-nghiệp đó là tác-ý tâm-sở trong 4 Thánh-đạo-tâm liền cho quả là 4 Thánh-quả-tâm tương xứng, ngay trong kiếp hiện-tại, không có thời gian chờ đợi, nghĩa là khi Thánh-đạo-tâm nào sinh rồi diệt, liền Thánh-quả-tâm ấy sinh, chỉ sau một sát-na-tâm mà thôi, không có thời gian chờ đợi.
Vì vậy, ân-Đức-Pháp này gọi là Akāliko dhammo.
3.2.4- Ân-Đức-Pháp Ehipassiko
Ehipassiko dhammo. (Cách đọc: Ê-hi pát-xí-cô thăm-mô)
Ehipassiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời đến để chứng kiến, để thực chứng, thực đắc.
Ehipassiko có 2 ý nghĩa:
1- 9 siêu-tam-giới-pháp có thật-tánh chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) nên thực chứng.
9 siêu-tam-giới-pháp đó là 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm và Niết-bàn thuộc về chân-nghĩa-pháp có thật-tánh-pháp rõ ràng, thật-tánh không biến đổi theo thời gian, không gian, nghĩa là 9 siêu-tam-giới-pháp đã phát sinh trong thời quá-khứ như thế nào, đang phát sinh trong thời hiện-tại và sẽ phát sinh trong thời vị-lai cũng như thế ấy. Cho nên, 9 siêu-tam-giới-pháp có thật-tánh chân-thật rõ ràng.
Do có thật-tánh rõ ràng chân-thật như vậy, nên mới dám gọi đến, mời đến thực-hành đúng theo pháp-hành-trung-đạo, để thực chứng, để chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong hộp có viên ngọc quý, nên mới dám mời người khác đến xem, …
2- 9 siêu-tam-giới-pháp có thật-tánh hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh.
9 siêu-tam-giới-pháp đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn thuộc chánh-pháp hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, bởi vì 9 siêu-tam-giới-pháp này không hề bị ô nhiễm bởi phiền-não, nên dám mời đến, động viên khuyến khích đến, để chứng kiến, thực-hành đúng theo pháp-hành trung-đạo, thì sẽ chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, bằng trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới của hành-giả.
Ví dụ: Trong đời này, những vật có thật, đang hiện hữu, nếu những vật ấy là thứ bất tịnh, ô uế, hôi thối, bẩn thỉu đáng tránh xa thì không có một ai dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để xem.
Còn 9 siêu-tam-giới-pháp này thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) hoàn toàn trong sạch và thanh-tịnh, nên dám mời, dám động viên khuyến khích người khác đến để chứng kiến, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, để chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Vì vậy, ân-Đức-Pháp này gọi là Ehipassiko dhammo.
3.2.5- Ân-Đức-Pháp Opaneyyiko
Opaneyyiko dhammo
(Cách đọc: Ô-pá-nây-di-cô thăm-mô)
Opaneyyiko dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp là pháp nên hướng tâm chứng đắc trước tiên, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Những hạng phàm-nhân chắc chắn chưa từng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa từng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, cũng chưa từng chứng ngộ Niết-bàn lần nào, trong kiếp tử sinh luân-hồi trong tam-giới, nên những hạng phàm-nhân thường bị 11 thứ lửa và 1.500 loại phiền-não thiêu đốt, làm cho thân tâm nóng nảy, chẳng bao giờ được an-lạc thật sự. Cho nên, dập tắt lửa phiền-não là việc cần kíp, không nên chậm trễ.
Để diệt tận được phiền-não một cách hữu hiệu chỉ có 9 siêu-tam-giới-pháp mà thôi.
– 4 Thánh-đạo-tuệ có khả năng đặc biệt diệt tận được phiền-não (samucchedappahāna).
– 4 Thánh-quả-tuệ có khả năng làm an-tịnh được phiền-não (paṭipassaddhippahāna).
– Niết-bàn là pháp giải thoát khổ, diệt tử sinh luân-hồi (nissaraṇappahāna).
* Bậc Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến và hoài-nghi, vĩnh viễn không bao giờ khổ do tà-kiến và hoài-nghi nữa.
Bậc Thánh Nhập-lưu không còn tái-sinh trong 4 cõi ác-giới, mà chỉ còn tái-sinh trong 7 cõi thiện-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Đến kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
* Bậc Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô, vĩnh viễn không bao giờ bị khổ do sân loại thô nữa.
Bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh 1 kiếp nữa mà thôi. Kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
* Bậc Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế, vĩnh viễn không bao giờ bị khổ do sân loại vi-tế nữa.
Bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại cõi dục-giới nữa, mà chỉ tái-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên mà thôi, rồi chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
* Bậc A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã mạn, phóng-tâm, buồn-chán, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi và tất cả mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót.
Vì vậy, bậc Thánh A-ra-hán hoàn toàn không còn khổ-tâm, chỉ còn khổ-thân mà thôi.
Ngay kiếp hiện-tại, bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đối với các hạng phàm-nhân còn đầy đủ mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, thì còn phải khổ-tâm, khổ thân từ kiếp này sang kiếp khác.
Hễ còn tử sinh luân-hồi trong tam-giới, thì khó tránh khỏi khổ trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).
Muốn giải thoát khỏi khổ-tái-sinh, thì chỉ có chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi.
Vì vậy, hành-giả quyết tâm tinh-tấn không ngừng, đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm đến sự chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn mà thôi. Dù cho lửa cháy trên đầu cũng không quan tâm, bởi vì, họ suy xét rằng: “Lửa cháy trên đầu chỉ làm khổ (nóng nảy) một kiếp hiện-tại này, nhưng phiền-não chưa diệt tận được không chỉ làm khổ (nóng nảy) trong kiếp hiện-tại, mà còn khổ lâu dài trong vô số kiếp vị-lai nữa.”
Sự chết là điều chắc chắn, nhưng không biết chắc sẽ chết khi nào, nên hành-giả đặt ưu tiên hàng đầu là hướng tâm cố gắng tinh-tấn không ngừng, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Cho nên, 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn là 9 siêu-tam-giới-pháp mà hành-giả nên đặt ưu tiên hướng tâm của mình để chứng đắc trước tiên.
Vì vậy, ân-Đức-Pháp này gọi là Opaneyyiko dhammo.
3.2.6- Ân-Đức-Pháp Paccattaṃ veditabbo viññūhi
Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo.
(Cách đọc: Pách-chát-tăng vuê-đí-tắp-bô vinh-nhu-hí thăm-mô)
Paccattaṃ veditabbo viññūhi dhammo: Chánh-pháp đó là 9 siêu-tam-giới-pháp mà chư bậc thiện-trí Thánh-nhân đã chứng đắc rồi, tự mình biết rõ, tự mình nhập Thánh-quả hưởng an-lạc Niết-bàn.
Bậc thiện-trí có 3 bậc:
1- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thượng:
Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc thượng (ugghaṭitaññū) này có trí-tuệ bậc-thượng sắc bén, nhanh nhạy, khi lắng nghe một bài kệ có 4 câu, chỉ cần nghe 2 câu đầu, bậc thiện-trí này thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân ngay khi ấy, không cần chờ nghe tiếp đến 2 câu sau.
2- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc trung:
Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc trung (vipañcitaññū) này có trí-tuệ bậc trung, khi lắng nghe pháp đầu đề xong, lắng nghe tiếp theo lời giảng giải, khai triển, bậc thiện-trí này thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn ngay khi ấy.
3- Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc hạ:
Bậc thiện-trí có trí-tuệ bậc hạ (neyya) này có trí-tuệ bậc hạ, khi lắng nghe pháp đầu đề, lắng nghe tiếp theo lời giảng giải, khai triển xong rồi, bậc thiện trí này còn cần phải gần gũi, thân cận với chư Thánh Thanh-văn để được giúp đỡ, hỗ trợ.
Bậc thiện-trí này cố gắng tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trải qua một thời gian, mới có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn trong kiếp hiện-tại ấy.
Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 4 loại:
1- Nhập-lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
2- Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
3- Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
4- A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm.
Sau mỗi Thánh-đạo lộ-trình-tâm trở thành mỗi bậc Thánh-nhân, theo định luật tự nhiên liền tiếp theo sau có 5 lộ-trình-tâm (paccavekkhaṇavīthicitta) phát sinh tuần tự, mỗi lộ-trình-tâm làm phận sự quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả nào đã chứng đắc rồi; Niết-bàn đã chứng ngộ rồi; phiền-não đã bị diệt tận được rồi; và mọi phiền-não chưa bị diệt tận được như sau:
– Sau Nhập-Lưu Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán triệt Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận được, phiền-não chưa diệt tận được.
– Sau Nhất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán triệt Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận được, phiền-não chưa diệt tận được.
– Sau Bất-lai Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 5 lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán triệt Bất-lai Thánh đạo, Bất-lai Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận được rồi, phiền-não chưa diệt tận được.
– Sau A-ra-hán Thánh-đạo lộ-trình-tâm có 4 lộ-trình-tâm phát sinh theo tuần tự làm phận sự quán triệt A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, Niết-bàn, mọi phiền-não còn lại đã bị diệt tận được không còn dư sót.
Cho nên, mỗi bậc Thánh-nhân chắc chắn tự mình biết rõ Thánh-đạo, Thánh-quả mà mình đã chứng đắc.
Khả năng đặc biệt của mỗi bậc Thánh-nhân
Những bậc Thánh-nhân ngang hạng với nhau, có thể biết nhau qua đàm đạo hoặc bằng tha-tâm-thông.
Những Thánh-nhân bậc thấp không có khả năng biết được Thánh-nhân bậc cao, mà chỉ có Thánh-nhân bậc cao mới có khả năng biết được Thánh-nhân bậc thấp mà thôi, cũng qua cuộc đàm đạo hoặc bằng tha-tâm-thông.
Những hạng phàm-nhân hoàn toàn không thể biết được các bậc Thánh-nhân.
Bậc Thánh-nhân nhập Thánh-quả
Bậc Thánh-nhân có khả năng nhập Thánh-quả (phala-samāpatti) mà Ngài đã chứng đắc, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Bậc Thánh-nhân nào đã chứng đắc bậc thiền siêu-tam-giới có đối-tượng Niết-bàn, thì bậc Thánh-nhân ấy có khả năng nhập Thánh-quả-tâm với bậc thiền siêu-tam-giới ấy, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
* Bậc Thánh Nhập-lưu có khả năng nhập Nhập-lưu Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
* Bậc Thánh Nhất-lai có khả năng nhập Nhất-lai Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
* Bậc Thánh Bất-Lai có khả năng nhập Bất-lai Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
* Bậc Thánh A-ra-hán có khả năng nhập A-ra-hán Thánh-quả-tâm, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Bậc Thánh-nhân đã chứng đắc đến Thánh-quả-tâm nào thì bậc Thánh-nhân ấy chỉ có thể nhập Thánh-quả-tâm ấy mà thôi, để hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Như vậy, bậc Thánh-nhân bậc thấp không có khả năng nhập Thánh-quả-tâm bậc cao, và Thánh-nhân bậc cao cũng không nhập Thánh-quả-tâm bậc thấp.
9 siêu-tam-giới-pháp mà bậc Thánh-nhân đã chứng đắc, tự mình biết rõ, tự mình an hưởng sự an-lạc Niết-bàn.
Vì vậy, ân-Đức-Pháp này gọi là paccataṃ veditabbo viññūhi.
Ân-Đức-Pháp-bảo được thực chứng
Trong bài kinh Brahmaṇasutta, Đức-Phật thuyết về ân-Đức-Pháp-bảo được thực chứng, tự thấy, tự biết do chính mình, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, một vị Bà-la-môn đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nhân nào mà ân-đức-Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi?
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Bà-la-môn! Người có tâm tham-dục phát sinh, tâm tham-dục khống chế, tâm tham-dục bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, chịu nỗi khổ-tâm, nỗi khổ-thân.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh diệt tận được tâm tham-dục rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn cả người, không còn chịu khổ-tâm, khổ-thân nữa.
– Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, ân-Đức-Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi.
– Này Bà-la-môn! Người có tâm sân-hận phát sinh, tâm sân-hận khống chế, tâm sân hận bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, …
– Này Bà-la-môn! Người có tâm si-mê phát sinh, tâm si-mê khống chế, tâm si-mê bắt buộc xui khiến tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ cả mình lẫn người, chịu nỗi khổ-tâm, nỗi khổ-thân.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh diệt tận được tâm si-mê rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn cả người, không còn chịu nỗi khổ-tâm, nỗi khổ-thân nữa.
– Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, Ân-Đức-Pháp-bảo gọi là Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi, …”
Nghe Đức-Phật thuyết giảng như vậy, ông Bà-la-môn vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn, rồi ông kính xin quy y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy y nơi Đức-Pháp-bảo, xin quy y nơi tỳ-khưu Tăng-bảo.
Ông kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận ông là một cận-sự-nam đã quy y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.
Niết-bàn là pháp để chứng ngộ
Trong bài kinh Nibbutasutta, Đức-Thế-Tôn thuyết về Niết-bàn là pháp để chứng ngộ, được tóm lược như sau:
Một thuở nọ, ông Bà-la-môn Jānusasoṇī đến đảnh lễ Đức-Thế-Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Niết-bàn gọi là pháp Sandiṭṭhikaṃ, … Do nhân nào mà Niết-bàn gọi là Pháp Sandiṭṭhikaṃ, Akālikaṃ, Ehipassikaṃ, Opaneyyikaṃ, Paccattaṃ veditabbaṃ viññūhi?
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Bà-la-môn! Người có tâm tham-dục, tâm sân-hận, tâm si-mê phát sinh, tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn cả người, chịu nỗi khổ-tâm, nỗi khổ-thân.
Khi Thánh-đạo-tuệ phát sinh có đối-tượng Niết-bàn, diệt tận được tâm tham-dục, tâm sân-hận, tâm si-mê xong rồi, người ấy không còn tự làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ mình lẫn cả người, không chịu nỗi khổ-tâm, nỗi khổ-thân nữa.
– Này Bà-la-môn! Do nhân ấy, Niết-bàn gọi là pháp Sandiṭṭhikaṃ, Akālikaṃ, Ehipassikaṃ, Opaneyyikaṃ, Paccattaṃ veditabbaṃ viññūhi.
Nghe Đức-Phật thuyết giảng như vậy, ông Bà-la-môn vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Đức-Thế-Tôn, rồi ông kính xin quy y nơi Đức-Thế-Tôn, xin quy y nơi Đức-Pháp-bảo, xin quy y nơi tỳ-khưu-Tăng-bảo.
Ông kính xin Đức-Thế-Tôn công nhận ông là một cận sự nam đã quy y Tam-bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.
6 ân-Đức-Pháp
Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử Đức-Phật có khả năng đạt đến 6 ân-Đức-Pháp trọn vẹn, bởi vì quý Ngài đã hiểu biết rõ pháp-học chánh-pháp lời giáo huấn của Đức-Phật, đã thực-hành đúng theo pháp-hành chánh-pháp là thực-hành pháp-hành giới, thực-hành pháp-hành thiền-định, thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, đó là pháp-thành chánh-pháp.
Còn các hàng phàm-nhân thanh-văn đệ-tử có khả năng đạt đến ân-Đức-Pháp có giới hạn về phần pháp-học chánh-pháp và phần pháp-hành chánh-pháp đang thực-hành pháp-hành giới, đang thực-hành pháp-hành thiền-định, đang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ còn thuộc về tam-giới-pháp.
Các hàng phàm-nhân thanh-văn chưa chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết Bàn, nên chưa đạt đến pháp-thành chánh-pháp thuộc về 9 siêu-tam-giới-pháp.
Thực-hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp này, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi, hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp đầy đủ 6 ân-Đức-Pháp. Mỗi khi niệm đến ân-Đức-Pháp nào, nên hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Pháp ấy.
Sau đó, để đại-thiện-tâm dễ phát sinh, hành-giả nên ngồi nghiêm trang trước tượng Đức-Phật hoặc trước cội cây Đại-Bồ-đề, hoặc một nơi thanh vắng, để thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp này.
Phương pháp thực-hành có nhiều cách:
1- Cách phổ thông: Niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp theo bài kinh Dhajaggasutta như sau:
“Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko, Akāliko, Ehipassiko, Opaneyyiko, Paccattaṃ veditabbo viññūhi…”
Hành-giả thực-hành niệm đến ân-Đức-Pháp nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Pháp ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-Đức-Pháp như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
2- Cách phân tích câu: 6 ân-Đức-Pháp phân tích từng câu như sau:
1- Svākkhāto Bhagavatā dhammo.
2- Sandiṭṭhiko dhammo.
3- Akāliko dhammo.
4- Ehipassiko dhammo.
5- Opaneyyiko dhammo.
6- Paccattaṃ veditabbo viññūhi, …”
Hành-giả thực-hành niệm mỗi câu ân-Đức-Pháp nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của mỗi câu ân-Đức-Pháp ấy, định tâm theo dõi mỗi câu ân-Đức-Pháp như vậy, hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Hành-giả có thể chọn một câu ân-Đức-Pháp nào trong 6 ân-Đức-Pháp làm đối-tượng, để thực-hành niệm ân-Đức-Pháp ấy, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Pháp ấy, luôn định-tâm nơi ân-Đức-Pháp ấy. Ví dụ:
* Niệm ân-Đức-Pháp thứ nhất: Svākkhāto Bhagavatā dhammo, … Svākkhāto Bhagavatā dhammo, …
Hoặc: Niệm ân-Đức-Pháp thứ ba: Akāliko dhammo,… Akāliko dhammo, …
Hành-giả tâm niệm câu ân-Đức-Pháp ấy, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Pháp ấy, định-tâm theo dõi ân-Đức-Pháp ấy hằng trăm lần, hằng ngàn lần … trong suốt thời gian thực-hành niệm ân-Đức-Pháp, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, mà đức-tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-sắc-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp là đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên, nên hành-giả không thể định-tâm một nơi nào nhất định. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp này chỉ có khả năng chứng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào. Vì vậy, tâm cận-định này vẫn còn là dục-giới thiện-tâm có dục-giới thiện-nghiệp, có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người đã gieo duyên lành, nhân tốt sâu sắc trong giáo pháp của Đức-Phật.
Tuy nhiên, tâm cận-định này có thể làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, diệt tận tham-ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được.
Như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Pháp-hành ấy là pháp gì?
Pháp-hành ấy là Dhammānussati: Pháp-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm 6 ân-Đức-Pháp, mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp thuộc về pháp-hành thiền-định mà có khả năng chuyển sang làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ của pháp-hành thiền-tuệ nữa.
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp
Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp có 2 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp thuộc về pháp-hành thiền-định, hành-giả thực-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) (Phương pháp đã được trình bày ở phần trước).
– Giai đoạn sau: Sau khi thực-hành đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp đã đạt đến cận-định rồi, nếu muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì hành-giả cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Cận-định của đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp làm nền tảng, làm đối-tượng-thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?
Sau khi hành-giả đã thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, đã đạt đến cận-định trong đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, nếu hành-giả có ý nguyện muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma) là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Cận-định là nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Thật-tánh niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp như thế nào?
Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì không có hành-giả nào thực-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, mà sự thật chỉ có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm làm phận sự thực-hành niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp, đạt đến tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp mà thôi.
* Phân tích đối-tượng tứ-niệm-xứ và đối-tượng thiền-tuệ
Tâm cận-định này thuộc trong phần tâm niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ, và tâm cận-định là dục-giới thiện-tâm phân tích theo danh-pháp, sắc-pháp như sau:
– Dục-giới thiện-tâm thuộc về danh-pháp và dục-giới thiện-tâm này phát sinh do nương nhờ hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp.
Như vậy, danh-pháp và sắc-pháp liên quan với nhau làm đối-tượng thiền-tuệ.
* Phân tích theo ngũ-uẩn
Tâm cận-định này là dục-giới thiện-tâm có 38 tâm-sở đồng sinh với tâm này, phân tích theo ngũ-uẩn như sau:
– Dục-giới thiện-tâm này thuộc về thức-uẩn.
– Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về thọ-uẩn.
– Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về tưởng-uẩn.
– Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về hành-uẩn.
– Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâmg thuộc về sắc-uẩn.
Ngũ-uẩn này trong phần pháp niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ thuộc về danh-pháp, sắc-pháp.
(Phần thực-hành pháp-hành thiền-tuệ về phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trong đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp tương tự như thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật đã được trình bày ở phần trước.)
Quả-báu đặc biệt đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp
Do năng lực của dục-giới thiện-nghiệp đề-mục niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp cho quả-báu hầu hết cũng giống như đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật đã trình bày ở phần trước.
(Xong đề-mục thiền-định niệm-niệm 6 ân-Đức-Pháp)
3.3- Saṃghānussati: Đề-Mục Niệm-Niệm 9 Ân-Đức-Tăng
Saṃghānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục Saṃghānussati: Đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm, có 9 ân-Đức-Tăng làm đối-tượng.
Thực-hành đề-mục thiền-định Saṃghānussati
Hành-giả có ý nguyện thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, như Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Dhajaggasutta về phương pháp niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng như sau:
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujup-paṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha-purisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho Āhuneyyo, Pāhunēyyo, Dakkhineyyo, Añjalīkaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.”
Ý nghĩa 9 ân-Đức-Tăng
1- Suppaṭipanno: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn.
2- Ujuppaṭipanno: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành trung thực đúng theo Pháp-hành Trung-đạo, không quanh co lầm lạc.
3- Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành trung thực đúng theo pháp-hành bát-chánh-đạo chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
4- Sāmicippaṭipanno: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành định, pháp-hành tuệ đúng đắn xứng đáng để chúng-sinh tôn kính, lễ bái, cúng dường đến quý Ngài.
Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭhapurisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo siêu-tam-giới-tâm).
Chư Thánh Thanh-văn có 4 đôi:
– Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả.
– Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả.
– Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả.
– A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
Chư Thánh Thanh-văn có 8 bậc Thánh:
– Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
– Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
– Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
– A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
– Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
– Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
– Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
– A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
5- Āhuneyyo: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng quý báu mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.
6- Pāhunēyyo: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng quý báu mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.
7- Dakkhineyyo: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng quý báu mà thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được phước-thiện lớn và quả báu nhiều cho mình và những người thân quyến.
8- Añjalīkaraṇīyo: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính, lễ bái, cúng dường.
9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa: Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được.
9 ân-Đức-Tăng chia ra làm 2 phần:
1- Ân-Đức-Tăng Suppaṭipanno, Ujuppaṭipanno, Ñāyappaṭipanno, Sāmicippaṭipanno gồm có 4 ân-Đức-Tăng này là nhân đã thực-hành đúng theo Thánh-đạo (Ariyamagga) hợp đủ 8 chánh (chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định), trở thành bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh.
2- Ân-Đức-Tăng-Bảo Āhuneyyo, Pāhunēyyo, Dakkhi-neyyo, Añjalīkaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa gồm có 5 ân-Đức-Tăng này là quả của 4 ân-Đức-Tăng nhân trước.
Chư Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân mới có đủ 9 ân-Đức-Tăng này. Còn chư tỳ-khưu phàm-Tăng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, thì chỉ có giới hạn một phần ân-Đức-Tăng nào mà thôi.
Giảng giải về 9 ân-Đức-Tăng
Trong bộ Chú-giải giảng giải 9 ân-Đức-Tăng được tóm lược sau đây:
3.3.1- Ân-Đức-Tăng Suppaṭipanno
Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Xúp-pá-tí păn-nô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Suppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành nghiêm chỉnh đúng theo lời giáo huấn của Đức-Phật.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã thực-hành nghiêm chỉnh, đúng đắn hoàn toàn theo lời giáo huấn của Đức-Thế-Tôn, thực-hành không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn người, thực-hành đúng theo pháp-hành giới, pháp-hành định, pháp-hành tuệ.
– Pháp-hành giới: Chư Thánh thanh-văn có đức-tin vững chắc hoàn toàn trong sạch nơi Tam-bảo, tôn trọng thực-hành các điều-giới, các pháp-hành Tăng-sự mà Đức-Phật đã chế định ban hành, nên quý Ngài nghiêm chỉnh thực-hành đúng đắn hoàn toàn theo lời giáo huấn của Đức-Phật.
Chư tỳ-khưu thực-hành pháp-hành giới nghiêm chỉnh, thấy lỗi rất nhỏ, xem như lỗi lớn mà tránh xa, thà dám chịu hy sinh sinh-mạng, chứ không để phạm điều-giới.
Như tích vị tỳ-khưu trong bộ Visuddhimagga: Thanh-Tịnh-Đạo, được tóm lược như sau:
Một bọn cướp gặp vị tỳ-khưu ở ven rừng, chúng nghĩ rằng: “Gặp Ngài là điều xui xẻo”. Bọn chúng bắt vị tỳ-khưu ấy trói buộc bằng một sợi dây dài gốc còn dưới đất, rồi để Ngài Trưởng-lão nằm tại đó.
Chẳng may, một đám lửa rừng cháy lan đến, nếu Ngài Trưởng-lão vùng dậy để tránh ngọn lửa thì làm đứt sợi dây còn tươi. Như vậy, Ngài Trưởng-lão sẽ bị phạm điều-giới pācittiya, mà Đức-Phật đã chế định ban hành đến chư tỳ-khưu.
Ngài Trưởng-lão nghĩ rằng: “Sự chết là điều chắc chắn không thể tránh được, nếu ta thoát chết hôm nay thì ta phạm điều-giới, giới của ta không trong sạch. Thà hôm nay ta chịu chết, để giữ gìn giới được trong sạch, chứ không để phạm điều-giới.”
Do nhờ giới trong sạch, Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Khi ấy, ngọn lửa rừng lan đến thiêu cháy Ngài Trưởng-lão tịch diệt Niết-bàn tại nơi ấy.
Nếu trường hợp vị tỳ-khưu nào phạm giới nhẹ, thì nên tìm đến một vị tỳ-khưu khác xin sám hối āpatti. Đó là cách làm cho giới của mình trở lại trong sạch, làm nền tảng để thực-hành pháp-hành thiền-định, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ.
– Pháp-hành định: Đó là thực-hành pháp-hành thiền-định, chư tỳ-khưu thanh-văn thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.
Khi nhập bậc thiền, hành-giả hưởng sự an-lạc trong bậc thiền ấy, hoặc để làm nền tảng cho pháp-hành thiền-tuệ.
– Pháp-hành tuệ: Đó là thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, chư tỳ-khưu thanh-văn thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành 4 bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, gọi là chư Thánh-Tăng.
Nếu các hàng thanh-văn đệ-tử đang thực-hành đúng theo lời giáo huấn của Đức-Phật, mà chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào thì còn là hạng phàm thanh-văn, gọi là chư phàm-Tăng.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Supaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.2- Ân-Đức-Tăng Ujuppaṭipanno
Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Ú-chúp pá-tí-păn-nô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Ujuppaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành trung thực đúng theo pháp-hành trung-đạo, không quanh co lầm lạc.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, đã thực-hành trung thực nghĩa là khi mình đã phạm lỗi, thì không giấu lỗi của mình; không hành lừa dối nghĩa là mình không có đức, không có tài, thì không làm ra vẻ như người có đức, có tài, v.v…
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn không thực-hành theo tâm tham đắm trong ngũ dục, cũng không thực-hành theo pháp-hành khổ hạnh, tự làm khổ mình, mà Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã thực-hành theo pháp-hành trung-đạo đó là pháp-hành bát-chánh-đạo, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
– Nếu đã chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả rồi, thì trở thành 4 bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, gọi là chư Thánh-Tăng.
– Nếu chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, thì vẫn còn là phàm thanh-văn, gọi là chư phàm-Tăng.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.3- Ân-Đức-Tăng Ñāyappaṭipanno
Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. (Cách đọc: Nha-giáp-pá-tí-păn-nô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Ñāyappaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành theo pháp-hành bát-chánh-đạo, chứng ngộ Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã nhận thức rằng:“Tam-giới: Dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới như là ba hầm lửa ngùn ngụt cháy không ngừng thiêu đốt tất cả chúng-sinh.”
Trong tam-giới này không có một nơi nào thực sự được mát mẻ an-lạc. Tất cả chúng-sinh phải chịu cảnh nóng nảy do 11 thứ lửa: Lửa tham-dục, lửa sân-hận, lửa si-mê, lửa sinh, lửa già, lửa chết, lửa sầu-não, lửa khóc-than, lửa khổ-thân, lửa khổ-tâm, lửa thống-khổ cùng cực, cùng với 1.500 loại phiền-não. Chỉ có Niết-bàn là pháp dập tắt được mọi thứ lửa, làm vắng lặng mọi phiền-não, giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn đó là pháp-hành bát-chánh-đạo. Hành-giả thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo hợp đủ 8 chánh: Chánh-kiến, chánh-tư-duy, chánh-ngữ, chánh-nghiệp, chánh-mạng, chánh-tinh-tấn, chánh-niệm, chánh-định. Đó là pháp-hành dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, diệt tận được mọi phiền-não, đồng thời dập tắt mọi thứ lửa.
Cho nên, chư Thánh thanh-văn đã coi trọng phận sự chứng ngộ Niết-bàn lên ưu tiên hàng đầu. Dù lửa cháy trên đầu cũng xem thường, không quan tâm, vì quý Ngài nghĩ rằng: “Lửa cháy trên đầu chỉ thiêu đốt một kiếp hiện-tại, còn các thứ lửa tham-dục, lửa sân-hận, lửa si-mê, … không chỉ thiêu đốt, làm nóng nảy trong kiếp hiện-tại, mà còn thiêu đốt làm nóng nảy nhiều kiếp trong vị-lai vô cùng, vô tận.”
Vì vậy, chư Thánh-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn đã đặt ưu tiên hàng đầu thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.4- Ân-Đức-Tăng Sāmīcippaṭipanno
Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho. (Cách đọc: Xa-mi-chíp-pá-tí-păn-nô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Sāmīcippaṭipanno: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc đã thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ đúng đắn, xứng đáng để cho chúng-sinh tôn kính lễ bái cúng dường.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, đã thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, thực-hành pháp-hành bát-chánh-đạo, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, mọi ác-pháp, trở thành bậc Thánh A-ra-hán là bậc xứng đáng được chúng-sinh lễ bái cúng dường.
Những thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, cung kính lễ bái cúng dường bốn thứ vật dụng đến chư Thánh-Tăng, để mong được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Để đáp ứng lại lòng mong ước của thí chủ cho được thành tựu như ý. Chư Tăng phải là bậc Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn có giới-đức hoàn toàn trong sạch, có định-đức hoàn toàn, có tuệ-đức hoàn toàn, …
* Như tích Ngài Trưởng-lão Ayyamitta hành đạo trong động Kassaka gần một xóm nhà. Hằng ngày, Ngài Trưởng-lão đi khất thực trong xóm nhà ấy, một gia đình nghèo khổ chỉ có hai mẹ con có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Hai mẹ con hằng ngày hộ độ để bát cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Ayyamitta và xem Ngài Trưởng-lão như là người thân trong gia đình.
Một hôm, người mẹ vào rừng, đi làm sớm, trước khi đi bà căn dặn con gái rằng:
– Này con gái yêu quý! Gạo ngon, sữa bò, bơ, đường thốt nốt, … mẹ để ở kia. Khi sư huynh con đến khất thực, con hãy lấy những thứ đó nấu để bát cho sư huynh, phần còn lại, con ăn nhé!
Người con gái hỏi:
– Thưa mẹ! Còn mẹ ăn gì?
Bà mẹ trả lời:
– Con à! Mẹ đã ăn cơm nguội ngày hôm qua còn lại với nước canh chua rồi.
Người con gái hỏi tiếp:
– Thưa mẹ! Còn buổi trưa mẹ ăn gì?
Bà mẹ bảo đứa con gái:
– Này con gái yêu quý! Buổi trưa, con nấu cháo hạt tấm trộn với rau, để mẹ về ăn nghe!
Trong khi hai mẹ con bà thí chủ đang nói chuyện với nhau, khi ấy, Ngài Trưởng-lão Ayyamitta đi khất thực đứng nghe được câu chuyện giữa hai mẹ con.
Ngài tự dạy mình rằng:
– Này Ayyamitta! Ngươi hãy lắng nghe đây! Sáng nay, bà thí chủ ăn cơm nguội còn lại với nước canh chua. Trưa nay, bà ăn cháo hạt tấm với rau. Còn những thứ gạo ngon, sữa bò, bơ, đường thốt nốt, … bà lại để dành nấu để bát cúng dường cho ngươi.
Làm như vậy, không phải bà mong được những thứ của cải gì nơi ngươi, mà thật ra, bà mong thành tựu được quả báu an-lạc trong cõi người, quả báu an-lạc trong cõi trời và thành tựu được quả báu an-lạc Niết-bàn.
Những quả báu mà bà mong ước, ngươi có thể đáp ứng được hay không?
Vì vậy, nếu ngươi chưa diệt tận được phiền-não trầm luân, thì người không xứng đáng thọ nhận vật thực của bà thí chủ ấy!
Sau khi tự dạy mình xong, Ngài Trưởng-lão không đi khất thực, mà Ngài Trưởng-lão trở về động cất bát, ngồi phát nguyện rằng:
“Arahattaṃ apāpuṇitvā na nikkhamissāmi.”
“Chưa chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, ta sẽ không rời khỏi nơi này.”
Do nhờ giới-đức trong sạch làm nền tảng, Ngài Trưởng-lão thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trong khoảng thời gian không lâu, Ngài Trưởng-lão đã chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não trầm-luân, mọi tham-ái, mọi ác-pháp không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán xong, thời gian vẫn còn sớm, nên Ngài Trưởng-lão đi vào trong xóm khất thực.
Đang chờ đợi Ngài Trưởng-lão đến, đứa em gái cung kính để phần vật thực vào bát cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Ayyamitta.
Đứa em gái cảm nhận rằng: “Hôm nay, sư huynh của ta có gương mặt trong sáng lạ thường, thật xứng đáng tôn kính lễ bái cúng dường biết dường nào!”
Buổi chiều, khi người mẹ vừa về đến nhà, cô gái liền chạy ra đón, và thưa với mẹ rằng:
– Thưa mẹ! Hôm nay sư huynh có gương mặt trong sáng lạ thường hơn mọi ngày. Thật là xứng đáng tôn kính lễ bái cúng dường biết dường nào! Mẹ à.
Nghe đứa con gái yêu quý thưa như vậy, bà thí chủ cảm thấy vô cùng sung sướng, hoan hỷ nghĩ rằng:
“Hôm nay, Ngài Trưởng-lão, con trai cao quý của ta chắc đã hoàn thành xong phận sự của bậc xuất gia tỳ-khưu rồi thì phải! Qua tích này hiểu được rằng: Thật ra, hàng phàm-nhân chắc chắn không thể nào biết được tâm của bậc Thánh-nhân, song về sắc diện của bậc Thánh-nhân được biểu hiện trên gương mặt trong sáng lạ thường, hành vi cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng,…trang nghiêm phi thường.
Vì vậy, phàm-nhân có trí-tuệ nhận thức tinh tế cũng có thể biết được đó là những Bậc đáng được tôn kính.
Tương tự như trường hợp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta khi còn là vị đạo-sĩ Upatissa, đệ-tử của vị Đạo sư Sañcaya.
Nhìn thấy Ngài Trưởng-lão Assaji đang đi vào kinh thành Rājagaha để khất thực, với dáng đi nghiêm trang, đôi mắt nhìn xuống, … Vị đạo-sĩ Upatissa phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài Trưởng-lão Assaji, nên thầm nghĩ rằng:
“Vị tỳ-khưu này chắc là bậc Thánh A-ra-hán, Bậc xứng đáng tôn kính trong đời này. Vậy, ta nên đến gần gũi thân cận với Ngài, rồi thỉnh Ngài thuyết pháp tế độ ta.”
Vị đạo-sĩ Upatissa đến hầu đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Assaji, phục vụ Ngài Trưởng-lão độ vật thực. Sau khi Ngài Trưởng-lão độ vật thực xong, vị đạo-sĩ Upatissa kính thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết pháp.
Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết một bài kệ gồm có 4 câu, vị đạo-sĩ Upatissa vừa mới nghe 2 câu đầu, liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Như vậy, hạng thiện-trí phàm-nhân có trí-tuệ tinh tế, có nhận thức sâu sắc cũng có thể suy đoán biết được bậc Thánh-nhân thật xứng đáng tôn kính, qua phần giới-hạnh được biểu hiện ra bên ngoài nơi thân và khẩu của bậc Thánh-nhân ấy.
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng được tôn kính, để cho chúng-sinh nhân-loại, Chư-thiên, Phạm-thiên lễ bái cúng dường.
Vì vậy, ân-Đức-Tăng này gọi là Sāmīcippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
* Cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā, esa Bhagavato sāvakasaṃgho:
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn có 4 đôi thành 8 bậc Thánh (tính theo siêu-tam-giới-tâm).
Chư Thánh thanh-văn có 4 đôi:
– Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả.
– Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả.
– Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả.
– A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
Chư Thánh thanh-văn có 8 bậc Thánh:
– Nhập-lưu Thánh-đạo (Sotāpattimagga).
– Nhất-lai Thánh-đạo (Sakadāgāmimagga).
– Bất-lai Thánh-đạo (Anāgāmimagga).
– A-ra-hán Thánh-đạo (Arahattamagga).
– Nhập-lưu Thánh-quả (Sotāpattiphala).
– Nhất-lai Thánh-quả (Sakadāgāmiphala).
– Bất-lai Thánh-quả (Anāgāmiphala).
– A-ra-hán Thánh-quả (Arahattaphala).
4 bậc Thánh-nhân
– Bậc Thánh Nhập-lưu (Sotāpanna).
– Bậc Thánh Nhất-lai (Sakadāgāmī).
– Bậc Thánh Bất-lai (Anāgāmī).
– Bậc Thánh A-ra-hán (Arahanta).
3.3.5- Ân-Đức-Tăng Āhuneyyo
Āhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho
(Cách đọc: A-hú-nây-dô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Āhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được quả báu lớn.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, xứng đáng thọ nhận những vật dụng mà thí chủ từ phương xa đem đến cúng dường quý Ngài, để mong được những quả báu, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lớn lao và lâu dài.
Tạo phước thiện trong Phật-giáo, ngoài Phật-giáo
Các hàng Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật đã tạo mọi phước-thiện trong thời-kỳ Phật-giáo. Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong các cõi trời dục-giới. Những vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy có nhiều oai lực hơn các chư-thiên đã tạo phước-thiện ngoài Phật-giáo.
Như vị thiên-nam Indaka và vị thiên-nam Aṅkura trong cõi Tam-thập-tam-thiên được tóm lược như sau:
* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Indaka này sinh trong cõi người trong thời-kỳ Phật-giáo, đã từng tạo phước-thiện bố-thí cung-kính cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Anuruddha chỉ có một muỗng cơm, mà sau khi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Indaka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Aṅkura này sinh trong cõi người trong thời-kỳ không có Phật-giáo, đã từng lập trại bố-thí suốt quãng đường dài 12 do-tuần, để tạo phước-thiện bố-thí đến cho những người nghèo khổ, người đi đường suốt thời gian 10 ngàn năm. Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Indaka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Trong hạ thứ 7 , Đức-Phật ngự lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên thuyết Tạng Vi-diệu-pháp. Ban đầu, vị thiên-nam Indaka ngồi bên phải của Đức-Phật, còn vị thiên-nam Aṅkura ngồi bên trái của Đức-Phật. Mỗi khi có vị thiên-nam hoặc vị phạm-thiên có nhiều oai lực đến, vị thiên-nam Aṅkura phải lùi ra sau, nhường chỗ cứ như vậy cách xa Đức-Phật 12 do-tuần. Còn vị thiên-nam Indaka vẫn ngồi yên chỗ cũ của mình, do nhờ oai lực phước-thiện bố-thí cung-kính cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Anuruddha trong tiền-kiếp ở cõi người.
Cho nên, phước-thiện bố-thí cung-kính cúng dường đến bậc Thánh A-ra-hán, dù ít dù nhiều cũng có nhiều oai lực hơn người thường gấp bội không sao kể được.
* Đức-vua trời Sakkađược tóm lược như sau:
Tiền-kiếp của Đức-vua trời Sakka tạo mọi phước-thiện trong thời-kỳ không có Phật-giáo, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm Đức-Vua-Trời Sakka trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, những thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp ấy
cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, có hào quang sáng ngời, có nhiều oai lực làm cho Đức-Vua-Trời Sakka thấy mình thua kém, Đức-Vua-Trời Sakka cảm thấy tủi phận.
Một hôm, Đức-vua trời Sakka dùng thiên nhãn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa nhập diệt-thọ-tưởng suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 mới xả. Đức-vua trời Sakka biết Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm bi tế độ những người nghèo khổ, nên chờ ngày Ngài xả diệt-thọ-tưởng.
Đức-vua trời Sakka truyền gọi bà Hoàng-hậu Sujā, cả hai cùng hiện xuống cõi người, hóa làm người già nghèo khổ, sống trong một cái chòi lá nhỏ bên ven đường mà Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đi khất thực ngang qua.
Đồ ăn đã sửa soạn sẵn, Đức-vua trời Sakka hóa làm một cụ già đáng thương, đứng chờ Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa đi khất thực tế độ người nghèo khổ.
Vừa thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa từ xa đi đến, cụ già (Đức-vua trời Sakka) bèn gọi Hoàng-hậu Sujā biến hóa thành một bà già rằng:
– Bà ơi! Ngài Đại-Trưởng-lão đang đến trước cổng chòi mình, bà có gì đem ra làm phước để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão hay không?
Bà già (Hoàng-hậu Sujā) bèn tâu lại với ông cụ (Đức-vua trời Sakka) rằng:
– Ông à! Ông kính thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão dừng lại tế độ chúng ta.
Ngài Đại-Trưởng-lão đứng lại, ông cụ già cung kính nhận cái bát của Ngài Đại-Trưởng-lão đem vào chòi lá, đặt đồ ăn vào bát, rồi hai ông bà già đem ra cung-kính dâng cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão. Khi vừa nhận cái bát, Ngài Đại-Trưởng-lão cảm nhận mùi hương của vật thực tỏa ra thơm ngát, Ngài Đại-Trưởng-lão suy xét biết rõ hai vợ chồng già này chính là Đức-vua trời Sakka và Hoàng-hậu Sujā, Ngài Đại-Trưởng-lão liền quở trách Đức-vua trời Sakka và Hoàng-hậu Sujā rằng:
– Này Đức-vua trời Sakka! Lão Tăng tế độ người nghèo khổ, tại sao Đức-vua trời và Hoàng-hậu hóa làm người già giành của người nghèo như vậy?
Đức-vua trời Sakka bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm bi tế độ chúng con. Tiền-kiếp của chúng con làm mọi phước-thiện trong thời-kỳ không có Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng xuất hiện trên thế gian. Chúng con cảm thấy tủi phận nghèo nàn, vì quả báu, oai lực không sánh được với chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ, mà tiền-kiếp đã từng tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật, đến chư tỳ-khưu Đại-Đức-Tăng.
Đức-vua trời Sakka vô cùng hoan hỷ tự thốt lên rằng:
Aho! Dānaṃ paramadānaṃ Kassape suppatiṭṭhitaṃ.
Ô! Được làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa, thật là phước-thiện bố-thí vô cùng cao thượng!
Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc có 5 đức cao quý: Giới-đức, định-đức, tuệ-đức, giải-thoát-đức, giải-thoát-tri-kiến-đức đầy đủ, xứng đáng thọ nhận những vật dụng mà thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, từ phương xa đem đến tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường dù ít dù nhiều đến chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, cũng được quả báu của phước-thiện ấy lớn lao vô lượng không sao kể xiết.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Āhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.6- Ân-Đức-Tăng Pāhuneyyo
Pāhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Pa-hú-nây-giô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Pāhuneyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ dành cho những vị khách quý như quý Ngài.
Khách quý có 2 hạng:
– Khách quý hạng thường đó là bà con thân quyến, bạn bè, những người ân nhân, … của mình trong mỗi kiếp.
– Khách quý hạng đặc biệt đó là chư Thánh-Tăng, chư phàm-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác rất hiếm có trong thế gian, bởi vì Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian là một điều khó có, khi nào có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác trên thế gian, khi ấy mới có chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật.
Thật vậy, có khi suốt 1 a-tăng-kỳ đại-kiếp trái đất trải qua 4 thời-kỳ thành-trụ-hoại-không, mà không có một Đức-Phật nào xuất hiện trên thế gian, thì cũng không có chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng trên thế gian.
Thí chủ tạo phước-thiện bố-thí đến khách hạng thường sẽ được quả báu trong kiếp hiện-tại và trong kiếp vị-lai có giới hạn. Còn thí chủ làm-phước bố-thí đến khách hạng đặc biệt là chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng sẽ được quả báu lớn lao trong kiếp hiện-tại và trong vô lượng kiếp vị-lai, không có giới hạn.
Hơn nữa, phước-thiện ấy lại còn làm phước-duyên cho sự giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đối với hạng khách quý là chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng, người thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, nên tôn kính đón rước, lễ bái cúng dường đến chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng sẽ được nhiều quả báu cao quý lớn lao vô lượng.
Trong bài kinh Kulasutta Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Chư tỳ-khưu có giới-đức đến gia đình, thì những người trong gia đình sẽ được 5 quả báu lớn như sau:
1- Tỳ-khưu có giới-đức đến gia đình, những người trong gia đình nhìn thấy và phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch. Những người trong gia đình ấy đã tạo phước-thiện, để được tái-sinh lên cõi trời dục-giới.
2- Khi họ đón tiếp cung kính lễ bái tỳ-khưu ấy, thỉnh ngồi trên những chỗ cao quý. Những người trong gia đình ấy đã tạo phước thiện, để được tái-sinh vào trong gia đình thuộc dòng dõi cao quý.
3- Sau khi tỳ-khưu ấy ngồi chỗ cao quý, những người trong gia đình tiếp đãi mọi thứ vật dụng cần thiết như dâng cơm nước, thuốc trị bệnh,… với đại-thiện-tâm trong sạch, hoan hỷ, không có tâm keo kiệt bỏn xẻn, … Những người trong gia đình ấy đã tạo phước-thiện, để được quả báu quyền cao chức trọng.
4- Khi họ làm phước bố-thí đến tỳ-khưu ấy tùy theo khả năng của mình. Những người trong gia đình ấy đã tạo phước-thiện, để có được nhiều của cải tài sản, giàu sang phú quý.
5- Khi họ lắng nghe vị tỳ-khưu thuyết giảng chánh-pháp, hoặc vấn đạo, … Những người trong gia đình ấy đã tạo phước-thiện, để phát sinh trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các pháp, …
– Này chư tỳ-khưu! Khi tỳ-khưu có giới-đức đến gia đình, thì những người trong gia đình sẽ tạo được 5 phước-thiện, và được 5 quả-báu cao quý lớn lao như vậy.
Khách quý hạng thường là bà con thân bằng quyến thuộc, bạn hữu, … mỗi kiếp tử sinh luân-hồi đều có được, đều gặp được.
Còn khách quý hạng đặc biệt là chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư phàm-Tăng không phải kiếp nào cũng có thể gặp được, gần gũi, thân cận được.
Những chúng-sinh nào có đầy đủ phước duyên mới có được cơ hội tốt, có duyên lành gặp được chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng, là chư khách quý hạng đặc biệt cao thượng, những chúng-sinh ấy có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo đón tiếp, tôn kính, lễ bái cúng dường dù ít dù nhiều, chắc chắn cũng sẽ tạo được nhiều phước-thiện lớn lao vô lượng, cũng có được quả báu lớn lao vô lượng, đáng hài lòng cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai, và còn tạo được duyên lành để giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
Vì vậy, ân-Đức-Tăng này gọi là Pāhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.7- Ân-Đức-Tăng Dakkhiṇeyyo
Dakkhiṇeyyo Bhagavato sāvakasaṃgho
(Cách đọc: Đắc-khí-nây-giô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Dakkhiṇeyyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, đem dâng cúng đến quý Ngài, để mong được quả báu tốt lành cho mình và những người thân quyến.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng mà thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nơi thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp. Người thí chủ tin tưởng rằng:
“Khi tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng, thì họ đã tạo được mọi phước-thiện thanh cao, chắc chắn sẽ phát sinh những quả báu tốt lành, lớn lao vô lượng đến cho họ trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Và họ còn có thể hồi hướng phần phước-thiện thanh cao ấy đến cho ông bà, cha mẹ, bà con quyến thuộc, những ân nhân của họ và và tất cả chúng-sinh khác đã quá vãng.
Nếu những chúng-sinh nào hay biết mà phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ thốt lên lời “sādhu” thì những chúng-sinh ấy hưởng được phần phước-thiện thanh cao hoan hỷ (pattānumodanā) ấy sẽ cho quả báu an-lạc đến với họ.
Nếu chúng-sinh ấy đang sống trong cảnh khổ thì được thoát khỏi cảnh khổ ấy, liền tái-sinh trong cõi thiện-giới: Cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc.
Và họ còn có thể kính dâng phần phước-thiện thanh cao ấy đến cho ông bà, cha mẹ, bà con thân quyến, bạn hữu, và tất cả chúng-sinh đang hiện hữu trong cõi người.
Nếu những người nào phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ thốt lên lời “sādhu” thì những người ấy hưởng được phần phước-thiện thanh cao hoan hỷ (pattānumodanā) ấy sẽ cho quả tốt, quả an-lạc trong kiếp hiện-tại, và vô số kiếp vị-lai.”
Muốn thành tựu được những quả báu thật sự, thì thí chủ nên tạo phước-thiện bố-thí cúng dường hướng đến chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, chư tỳ-khưu phàm-Tăng, bởi vì chư Thánh-Tăng có ân-đức Dakkhiṇeyyo.
* Như tích phước-thiện bố-thí cơm cháy.
Trong bộ Vimānavatthu, tích Ācāmadāyikāvimāna, được tóm lược như sau:
Một bà già nghèo khổ ăn mày, sống nhờ đằng sau hiên nhà người khác, người ta nhìn thấy bà đáng thương, nên thường cho nước cơm, cháo, miếng cơm cháy, … để bà ăn sống qua ngày.
Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa vừa xả diệt-thọ-tưởng, rồi xem xét nên đi khất thực, để tế độ người nào. Ngài Đại-Trưởng-lão nhìn thấy một bà già nghèo khổ, gần chết, nếu bà chết thì có thể đọa vào cõi địa-ngục. Với tâm bi tế độ bà tránh khỏi cõi địa-ngục, do nhờ phước-thiện bố-thí miếng cơm cháy, bà sẽ tái-sinh lên cõi trời dục-giới thứ 5 gọi là Hóa-Lạc-thiên.
Xem xét thấy như vậy, buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão mặc y mang bát đi đến chỗ ở của bà. Trong khi đó, Đức-vua trời Sakka biến hóa thành người già đem vật thực đến để cúng dường, Ngài Đại-Trưởng-lão biết người già đó là Đức-vua trời Sakka, nên bảo rằng:
– Này Đức-vua trời Sakka! Đức-vua không nên giành phước-thiện của người nghèo khổ.
Ngài không chịu mở nắp bát, vẫn đứng yên trước bà già nghèo khổ kia. Bà nghĩ rằng:
“Ngài Đại-Trưởng-lão là bậc có giới-đức cao thượng được phần đông tôn kính, phận ta nghèo khổ không có gì quý giá để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão.
Hằng ngày, ta chỉ có nước cơm và miếng cơm cháy không ngon lành gì cả. Vả lại, còn đựng trong một đồ dùng không sạch sẽ, ta nào dám tạo phước-thiện bố-thí cúng dường để bát đến Ngài Đại-Trưởng-lão được.” Bà bạch rằng:
– Kính thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão đi nơi khác, con không có gì xứng đáng để cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão cả. Bạch Ngài.
Ngài Đại-Trưởng-lão vẫn đứng yên không đi nơi khác, những người khác đem vật thực đến để bát dâng cúng, Ngài Đại-Trưởng-lão vẫn không mở nắp bát để nhận.
Bà già nghĩ rằng: “Chắc chắn Ngài Đại-Trưởng-lão đứng đây để tế độ ta.”
Bà phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch muốn tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão, nên bà đem miếng cơm cháy đến, Ngài Đại-Trưởng-lão liền mở nắp bát, bà thành kính cúng dường, đặt miếng cơm cháy vào trong bát của Ngài Đại-Trưởng-lão một cách tôn kính.
Ngài Đại-Trưởng-lão tỏ vẻ muốn thọ thực để cho bà nhìn thấy, làm cho bà càng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch hoan hỷ trong việc phước-thiện bố-thí của bà.
Mọi người hiểu được ý Ngài Đại-Trưởng-lão, nên sửa soạn trải chỗ ngồi, rồi kính thỉnh Ngài Đại-Trưởng-lão.
Khi ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa ngồi thọ thực miếng cơm cháy ấy, uống nước xong, rồi Ngài Đại-Trưởng-lão thuyết pháp tế độ bà già nghèo khổ ăn mày.
Ngài Đại-Trưởng-lão cho bà biết rằng: Bà đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp.
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa cho bà biết như vậy, bà già nghèo khổ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ có cơ hội tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến với Ngài Đại-Trưởng-lão với đức-tin trong sạch nơi Ngài Đại-Trưởng-lão. Về sau, không lâu bà chết, phước-thiện bố-thí thanh cao ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trong cõi Hóa-Lạc-Thiên (cõi thứ 5 trong 6 cõi trời dục-giới) có nhiều oai lực, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy.
*Tích Sāriputtattheramātupeta
Ngạ-quỷ thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta được tóm lược như sau:
Nữ ngạ-quỷ mà tiền-kiếp của bà đã từng là thân mẫu của tiền-kiếp thứ 5 của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta (kể từ kiếp hiện-tại).
Tiền-kiếp của nữ ngạ-quỷ là vợ của ông Bà-la-môn giàu có nhiều của cải. Ông Bà-la-môn có đức-tin trong sạch, có tác-ý trong đại-thiện-tâm thường tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực, đồ uống, y phục, … đến Sa-môn, Bà-la-môn; bố-thí, phân phát đến những người nghèo khổ, người qua đường, …
Một hôm, ông Bà-la-môn có công việc phải đi nơi khác, ông dạy bảo vợ ở nhà thay ông gìn giữ phong tục truyền thống gia đình, lo công việc tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Sa-môn, Bà-la-môn và phân phát vật thực, đồ dùng đến những người nghèo khổ đói khát, …
Người vợ ở nhà không làm theo lời dạy bảo của chồng. Hễ có ai đến nhà, bà ta buông lời mắng nhiếc ăn phẩn, uống nước tiểu, liếm máu mủ, nước miếng, …
Sau khi bà ta chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào hàng ngạ-quỷ đói khát, ăn uống đồ dơ bẩn, ăn phẩn, uống nước tiểu, mủ, nước miếng, … chịu bao nỗi khổ cực đói khát, lạnh lẽo do quả của ác-nghiệp của mình đã tạo trải qua thời gian lâu dài.
Kiếp này nữ ngạ-quỷ nhớ lại tiền-kiếp đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, muốn đến nương nhờ nơi Ngài Đại-Trưởng-lão, vị thiên-nam giữ cổng ngăn cản không cho nữ ngạ-quỷ vào. Nữ ngạ-quỷ thưa với vị thiên-nam rằng:
– Thưa vị thiên-nam, tiền-kiếp tôi đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, xin vị thiên-nam cho phép tôi được vào hầu Ngài Đại-Trưởng-lão.
Nữ ngạ-quỷ được phép vào đứng khép nép, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nhìn thấy nữ ngạ-quỷ, với tâm bi, bèn hỏi:
– Này nữ ngạ-quỷ! Ngươi có thân trần truồng, hình dáng đáng thương, ốm yếu da bọc xương, đứng run rẩy. Ngươi là ai, lão Tăng tế độ ngươi thế nào?
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão hỏi, nữ ngạ-quỷ thưa rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão, do ác-nghiệp cho quả tái-sinh làm ngạ-quỷ chịu cảnh đói khát, đành phải ăn uống những đồ dơ như nước miếng, nước mũi, đàm người ta nhổ bỏ, uống nước vàng chảy ra từ xác chết, ăn uống đồ dơ của đàn bà, uống máu mủ của đàn ông bị chặt tay chân, uống máu mủ các loài động vật, sống không có nơi nương tựa, trong các nghĩa địa, bãi tha ma.
– Kính bạch Ngài, kính xin Ngài tạo phước-thiện bố-thí, rồi hồi hướng phần phước-thiện ấy đến cho con. Nhờ phước-thiện ấy, may ra con mới thoát khỏi cảnh khổ kiếp ngạ-quỷ như thế này.
Lắng nghe lời than vãn của nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài trong tiền-kiếp, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta phát sinh tâm bi, tìm cách cứu khổ nữ ngạ-quỷ ấy.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thuật lại chuyện này với Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, Ngài Trưởng-lão Anuruddha và Ngài Trưởng-lão Mahākappina giúp cứu nữ ngạ-quỷ thoát khỏi cảnh khổ.
Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đi khất thực vào cung điện gặp Đức-vua Bimbisāra. Đức-vua thỉnh cầu Ngài Đại-Trưởng-lão cần những thứ vật dụng nào để Đức-vua tạo phước-thiện dâng cúng.
Nhân dịp ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna thưa cho Đức-vua biết chuyện nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, sống trong cảnh đói khổ không có nơi nương nhờ.
Nghe vậy, Đức-vua truyền lệnh xây cất 4 cái cốc chỗ ở của chư tỳ-khưu-Tăng. Khi xây cất xong, Đức-vua làm lễ dâng đặc biệt đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta 4 cái cốc ấy.
Một lần nữa, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta làm lễ dâng 4 cốc ấy đến chư tỳ-khưu-Tăng từ bốn phương, có Đức-Phật chủ trì, rồi hồi hướng phần phước thiện này đến cho nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão trong tiền-kiếp.
Nữ ngạ-quỷ ấy phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí ấy, rồi nói lên lời hoan hỷ “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”. Ngay khi ấy liền thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, tái-sinh làm vị thiên-nữ có hào quang sáng ngời, có thân hình xinh đẹp, y phục lộng lẫy, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có đầy đủ của cải của vị thiên-nữ, hưởng mọi sự an-lạc cao quý trong cõi trời.
Hôm sau, vị thiên-nữ ấy hiện xuống cõi người cùng lâu đài, đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahāmoggallāna.
Ngài Trưởng-lão Mahāmoggallāna hỏi thiên-nữ rằng:
– Này thiên nữ! Ngươi có sắc đẹp tuyệt trần, nhiều oai lực đặc biệt, có hào quang sáng chói khắp mọi nơi như vầng trăng sáng, có lâu đài nguy nga tráng lệ.
Do nhờ phước-thiện gì mà ngươi có được những quả báu trong cõi trời, đáng hài lòng như vậy?
Vị thiên-nữ bạch với Ngài Trưởng-lão Mahāmog-gallāna rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, trong tiền-kiếp con từng là thân mẫu của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, do ác-nghiệp cho quả tái-sinh làm nữ ngạ-quỷ chịu cảnh khổ đói khát đành phải ăn uống đồ dơ như máu, mủ,…
Vừa qua, con đã đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, cầu xin Ngài có tâm bi tế độ cứu con thoát khổ. Ngài Đại-Trưởng-lão đã tạo phước-thiện bố-thí xong, rồi hồi hướng đến cho con. Con đã phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phần phước-thiện ấy, nên con thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, được hóa-sinh làm thiên-nữ trên cõi trời, hưởng được tất cả mọi sự an-lạc như Ngài đã thấy.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con hiện xuống đây để đảnh lễ dưới chân Ngài và Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là chư bậc Thánh thiện-trí, có tâm bi, cứu khổ chúng-sinh trong đời.
Những tích như trên có rất nhiều trong Kinh-Tạng và trong bộ Peṭavatthu, bộ Vimānavatthu.
Nếu chính mình chưa có cơ hội làm phước thiện, mà mình phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện của người khác, thì cũng được quả báu không kém, như tích Vihāravimāna được tóm lược như sau:
* Tích Vihāravimāna
Một thuở nọ, Ngài Trưởng-lão Anuruddha ngự lên cung trời Tam-thập-tam-thiên nhìn thấy một thiên-nữ xinh đẹp có hào quang sáng ngời chiếu tỏa khắp mọi hướng, có một lâu đài nguy nga tráng lệ, … nên Ngài Trưởng-lão hỏi vị thiên nữ rằng:
– Này thiên-nữ! Ngươi đã từng tạo đại-thiện-nghiệp nào mà nay có được quả báu đáng hài lòng như vậy?
Vị thiên nữ bạch với Ngài Trưởng-lão Anuruddha rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tiền-kiếp của con là người bạn thân của bà đại-thí-chủ Visākhā trong kinh-thành Sāvatthi. Bà Visākhā cho người xây cất ngôi chùa Pubbārama, sau đó, bà làm lễ kính dâng ngôi chùa ấy đến chư tỳ-khưu Đại-đức-Tăng có Đức-Phật chủ trì.
Con đã tham dự buổi lễ đó, con phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện kính dâng ngôi chùa Pubbārama ấy.
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, do nhờ đại-thiện-tâm trong sạch hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí cúng dường kính dâng ngôi chùa Pubbārama ấy, mà sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên này, trở thành một thiên-nữ có những quả báu như vậy.
Chư Thánh-Tăng là phước điền cao thượng của chúng-sinh. Quý Ngài xứng đáng thọ nhận những thứ vật dụng của thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nơi thiện-nghiệp và quả của thiện-nghiệp.
Thí chủ làm phước thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng, để tạo được phước-thiện thanh cao, mong được quả báu tốt lành đến cho mình và những người thân quyến của mình.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Dakkhiṇeyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.8- Ân-Đức-Tăng Añjalikaraṇīyo
Añjalikaraṇīyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Anh-chá-lí-cá-rá-ni-giô phá-gá-vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Añjalikaraṇīyo: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là những bậc xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, xứng đáng cho chúng-sinh chắp tay cung kính lễ bái cúng dường, để cầu mong được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Chư Thánh-Tăng là những bậc có đầy đủ 5 đức cao thượng là giới-đức hoàn toàn trong sạch, định-đức vững vàng không lay chuyển, tuệ-đức thấu triệt các pháp, giải-thoát-đức chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, giải-thoát-tri-kiến-đức quán triệt hoàn toàn, đã diệt tận được mọi phiền-não, nên thân, khẩu, ý của quý Ngài hoàn toàn trong sạch thanh-tịnh, không còn bị ô nhiễm bởi phiền-não. Cho nên, chư Thánh-Tăng xứng đáng cho tất cả chúng-sinh: Nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên tôn kính, chắp tay lễ bái cúng dường.
* Đức Vua trời Sakka đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng trong kinh Saṃghavandanāsutta, được tóm lược như sau:
– Này chư tỳ-khưu! Khi Đức-vua trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên ngự xuống từ lâu đài Vejayanta, hướng tâm đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng.
– Này chư tỳ-khưu! Khi ấy, thiên-nam Mātali đánh xe của Đức-vua Sakka tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-Vương, loài người sinh từ nơi ô trọc, có sắc thân ô trọc, thường đói khát nghèo hèn, đáng lẽ nên cung kính Đức-Thiên-Vương. Vì sao Hoàng-Thượng lại đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Vậy, kính xin Hoàng-Thượng giảng giải cho hạ thần hiểu rõ phạm-hạnh của chư tỳ-khưu-Tăng ấy như thế nào?
Đức-vua trời Sakka giảng giải cho Mātali rằng:
– Này Mātali! Trẫm thành kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy, bởi vì, quý Ngài sống trong rừng, không có nhà, không cất giữ lúa gạo trong kho.
Quý Ngài sống bằng hạnh đi khất thực, thọ dụng những vật thực đã chín và độ trước giờ ngọ.
Quý Ngài là bậc thiện-trí, thuyết pháp chân thật đem lại sự lợi ích cho chúng-sinh, quý Ngài sống nơi thanh-tịnh với đời sống phạm hạnh cao thượng.
– Này Mātali! Nhóm chư-thiên có oan trái với nhóm thiên Asura, và ngược lại nhóm thiên Asura cũng có oan trái với nhóm chư-thiên; nhân loại có oan trái lẫn nhau. Còn chư tỳ-khưu-Tăng sống không oan trái, không thù hận. Chư-thiên, nhân-loại còn chấp thủ, còn chư Thánh-Tăng không còn chấp thủ.
– Này Mātali! Vì vậy, Trẫm cung kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Khi nghe lời giảng giải của Đức-vua Sakka như vậy, Mātali bèn tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-Thiên-Vương, Hoàng-Thượng cung kính lễ bái đến chư tỳ-khưu-Tăng nào, thì kẻ hạ thần cũng cung kính lễ bái đến chư tỳ-khưu-Tăng ấy.
Đức-vua trời Sakka cao cả nhất trong cõi Tam-thập-tam-thiên giảng dạy xong, cung kính đảnh lễ chư tỳ-khưu-Tăng, rồi lên xe ngự đi.
Chư Thánh-Tăng là những bậc xứng đáng cho nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cung kính lễ bái cúng dường, và chư phàm-Tăng cũng là những bậc đang thực-hành pháp-hành giới, pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ, duy trì chánh-pháp của Đức-Thế-Tôn cũng xứng đáng được cung kính lễ bái cúng dường.
Những chúng-sinh có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, thường lễ bái cúng dường đến bậc có giới-đức thanh-tịnh sẽ được 4 pháp lành: Sống lâu, sắc đẹp, an-lạc, khỏe mạnh.
Như trong tích Āyuvaḍḍhanakūmāravatthu, Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:
“Abhivādānasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpacāyino. Cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.”
Đối với người thường lễ-bái cúng-dường, Tỏ lòng tôn kính đến bậc Trưởng-lão, Người ấy thường tăng trưởng bốn quả báu, Sống lâu, sắc đẹp, an-lạc, sức mạnh.
Hoặc chúng-sinh có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, hết lòng thành kính lễ bái cúng dường đến Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, thì sẽ được 5 quả báu tốt lành là:
– Āyu: Sống lâu trường thọ.
– Vaṇṇa: Có sắc đẹp khả ái.
– Sukha: Thân tâm thường được an-lạc.
– Bala: Có sức mạnh thân tâm.
– Paṭibhāṇa: Có trí-tuệ sắc bén, nhanh trí.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Añjalikaraṇīyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
3.3.9- Ân-Đức-Tăng Anuttaraṃ Puññakkhettaṃ
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa Bhagavato sāvakasaṃgho.
(Cách đọc: Á-nút-tá-răng pun-nhắc-khết-tăng lô-cắt-xá phá-gá vóa-tô xa-vóa-cá-xăng-khô)
Anuttaraṃ puññakkhettaṃ: Chư Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn là phước điền cao thượng của chúng-sinh không đâu sánh được.
Chư Thánh-Tăng là bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Thế-Tôn, có đầy đủ 5 đức cao thượng là giới-đức (sīlaguṇa), định-đức (samādhiguṇa), tuệ-đức (paññā-guṇa), giải-thoát-đức (vimuttiguṇa), giải-thoát-tri-kiến-đức (vimuttiñāṇadassanaguṇa) là phước điền cao thượng của chúng-sinh không nơi nào sánh được.
Thật vậy, khi gieo giống phước-thiện dù ít dù nhiều, cũng sẽ được quả báu vô lượng trong kiếp hiện-tại và cả nhiều kiếp vị-lai.
Một ví dụ để so sánh:
– Chư Thánh-Tăng, ví như thửa ruộng màu mỡ.
– Thí-chủ có chánh-kiến, ví như nông dân tài giỏi.
– Tác-ý thiện-tâm bố-thí, ví như hạt giống tốt.
Người nông dân tài giỏi biết rõ thời vụ mùa màng, gieo hạt giống tốt trên thửa ruộng màu mỡ, chắc chắn khi thu hoạch sẽ được nhiều gấp bội.
Cũng như vậy, thí-chủ có chánh-kiến-sở-nghiệp kammassakatā sammādiṭṭhi: Trí-tuệ chánh-kiến thấy đúng nghiệp là của riêng mình biết gieo giống hợp pháp phước-thiện dù ít dù nhiều nơi chư tỳ-khưu Thánh-Tăng, hoặc chư tỳ-khưu phàm-Tăng là phước điền cao thượng của chúng-sinh, không nơi nào sánh được, họ chắc chắn được phước-thiện nhiều vô lượng, sẽ được quả báu vô lượng ngay cả trong kiếp hiện-tại lẫn vô số kiếp vị-lai.
Hơn thế nữa, gieo được duyên lành nơi Tam-bảo, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn siêu-tam-giới, hầu mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
* Tích thiên-nữ Lajādevadhītā
Tích thiên-nữ Lajādevadhītā được tóm lược như sau:
Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama đang hiện hữu trên thế gian, một cô bé nghèo được thuê giữ ruộng, cô mang theo một gói bắp rang để ăn trong ngày.
Sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa xả diệt-thọ-tưởng xong, xem xét thấy nên tế độ cô bé nghèo, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đã mặc y mang bát đi thẳng đến chỗ cô bé để khất thực.
Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa từ xa đến, cô bé vô cùng hoan hỷ liền ra đón và đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão xong, đem phần bắp rang để ăn trong ngày, cô xin tạo phước-thiện bố-thí để bát cúng-dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão.
Trong khi cô đang phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ với phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão, trên đường trở lại chỗ ở, cô bị một con rắn độc cắn chết. Do nhờ phước-thiện cúng-dường ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm thiên-nữ có tên là Lajādevadhītā trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Sau đó, khi nhớ lại tiền-kiếp của mình, vị thiên-nữ Lajādevadhītā vô cùng biết ơn Ngài Đại-Trưỡng-lão, cô hiện xuống chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão quét dọn, đem nước dùng, … cho Ngài, nhưng Ngài Đại-Trưởng-lão không cho phép cô làm những công việc ấy, cô buồn tủi khóc.
Đức-Thế-Tôn thấy vậy, liền hiện đến thuyết pháp tế độ thiên-nữ. Sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp, thiên-nữ Lajādevadhītā chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Cô vô cùng hoan hỷ đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi xin phép trở về cõi trời.
* Tích ông Puṇṇa
Tích ông Puṇṇa là người làm thuê của ông phú hộ Sumana, được tóm lược như sau:
Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama đang hiện hữu trên thế gian, có gia đình ông Puṇṇa nghèo khổ, làm ruộng thuê của ông phú hộ Sumana, mọi người trong gia đình đều có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Một buổi sáng ông đi cày ruộng, cũng vào buổi sáng hôm ấy, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xả diệt-thọ-tưởng (sau 7 ngày đêm), đi khất thực để tế độ gia đình ông Puṇṇa, nên Ngài Đại-Trưởng-lão đi về hướng ông Puṇṇa đang cày ruộng.
Nhìn thấy Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta từ xa đến, ông Puṇṇa liền bỏ cày, đến hầu đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão, dâng cúng cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta thọ nhận xong, đi theo đường hướng về nhà ông Puṇṇa, gặp vợ ông Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Bà đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta xong, bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài có tâm từ tế độ thọ nhận phần vật thực nghèo nàn này của gia đình chúng con.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực. Bà phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phát nguyện:
– Do nhờ phước-thiện bố-thí cúng dường thanh cao này của chúng con, cầu mong cho gia đình chúng con được một phần chánh-pháp mà Ngài Đại-Trưởng-lão đã chứng đắc.
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta chúc lành rằng:
– Mong cho gia đình các con được như ý nguyện.
Bà vô cùng hoan hỷ quay trở về nhà, nấu lại phần cơm khác đem cho chồng, rồi vội vàng mang cơm ra đồng ruộng, với đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Trưởng-lão Sāriputta, làm cho thân tâm của bà cảm thấy nhẹ nhàng, nhu nhuyến không sao giấu được.
Còn phần ông Puṇṇa, trễ giờ ăn, đói bụng, thả bò đi ăn cỏ, ông lên bờ ngồi dưới bóng mát, chờ đợi vợ, tuy đói bụng, nhưng đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ niệm tưởng lại việc tạo phước-thiện bố-thí tăm xỉa răng và nước đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.3
Nhìn từ xa, ông thấy vợ mình đang đi đến trễ hơn mọi ngày, nhưng bà có vẻ khác thường, chắc chắn bà có điều hoan hỷ gì đó.
Thật vậy, vừa đến nơi, bà liền thưa với chồng rằng:
– Thưa anh kính yêu, hôm nay, xin anh phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ thật nhiều!
Sáng nay, em đem cơm cho anh, giữa đường gặp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đang đi khất thực, em phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ có đức-tin trong sạch, đem phần cơm của anh để bát cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Không chê vật thực nghèo khó của chúng ta, Ngài Đại-Trưởng-lão có tâm từ tế độ thọ nhận tất cả phần vật thực của anh.
Vậy, xin anh nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ phần phước-thiện bố-thí cúng dường thanh cao này.
Ông Puṇṇa vừa lắng nghe từng tiếng, từng câu làm cho ông phát sinh đại-thiện-tâm hỷ-lạc đến cực độ, nên không thể theo dõi liên tục trọn vẹn lời nói của vợ ông.
Sực tỉnh lại, ông muốn biết chắc chắn chính mình nghe đúng sự thật là như vậy hay không, nên ông bảo với vợ rằng:
– Này em! Em hãy nói lại cho anh nghe một lần nữa!
Bà vợ thưa lại rõ ràng một lần nữa, lần này ông nghe rõ biết chắc chắn đúng sự thật như vậy rồi, ông phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước-thiện bố-thí của vợ, bà đã đem phần cơm của mình tạo phước-thiện cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Sau đó, ông nói cho vợ biết, cũng sáng nay, ông đã tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường cây tăm xỉa răng và nước dùng đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Nghe xong, bà cũng phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ việc phước-thiện bố-thí của chồng.
Hai vợ chồng cùng nhau phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ phước thiện cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão.
Dùng cơm xong, ông nằm niệm tưởng đến phước-thiện bố-thí cúng dường của mình, mới thiu thiu giấc ngủ, ông bừng tỉnh lại, ngồi nhìn thấy phần đất ruộng vừa cày buổi sáng nay, đã hóa thành những thỏi vàng ròng, làm cho ông hoa cả mắt, và vợ của ông cũng cảm thấy như ông vậy.
Ông lấy lại bình tĩnh đi xuống ruộng, lấy lên một thỏi, đúng thật là thỏi vàng ròng, ông đem đến khoe và nói với vợ rằng:
– Này em! Vợ chồng chúng ta đã tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, phước-thiện bố-thí cúng dường ấy liền cho quả báu đến vợ chồng chúng ta ngày hôm nay.
Chúng ta không thể nào giấu một số vàng lớn như thế này được!
Ông Puṇṇa lấy một số thỏi vàng bỏ vào khay, đem trình lên Đức-vua và tâu rằng:
– Muôn tâu Đức-vua, sáng nay tiện dân đi cày ruộng, tất cả đất cày đều hóa thành những thỏi vàng ròng.
Kính xin Đức-vua truyền lệnh cho binh lính đem xe đến chở số vàng ấy về cất trong kho báu của Đức-vua.
Đức-vua truyền hỏi rằng:
– Nhà ngươi là ai?
– Muôn tâu Đức-vua, tiện dân là Puṇṇa, một nông dân nghèo khó làm thuê.
– Này Puṇṇa! Sáng nay, nhà ngươi đã tạo phước-thiện gì đặc biệt?
– Muôn tâu Đức-vua, tiện dân tạo phước-thiện cúng dường cây tăm xỉa răng và nước dùng, nước uống đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, còn phần vợ tiện dân tạo phước-thiện bố-thí cúng dường phần cơm của tiện dân đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Đức-vua truyền rằng:
– Này Puṇṇa! Vợ chồng ngươi đã tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, cho nên, quả báu phát sinh ngay trong ngày hôm nay.
Vậy, ngươi muốn Trẫm làm gì?
– Muôn tâu Đức-vua, tiện dân kính xin Đức-vua truyền lệnh đem ngàn chiếc xe đến thửa ruộng kia, để khuân tất cả số vàng ấy về cung điện.
Đức-vua truyền lệnh đem hàng ngàn chiếc xe đến chở vàng ròng, quân lính trong triều nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức-vua”, tức thì những thỏi vàng trở lại thành đất như cũ. Quân lính trong triều trở về tâu lên Đức-vua sự việc xảy ra như vậy.
Đức-vua sáng suốt bèn truyền rằng:
– Các ngươi nghĩ như thế nào, khi nhặt lấy những thỏi vàng ấy?
– Tâu Bệ hạ, chúng hạ thần nghĩ và nói rằng: “Vàng của Đức-vua.”
Đức-vua truyền rằng:
– Này các ngươi! Số vàng ròng kia không phải của Trẫm. Các người hãy trở lại nghĩ và nói rằng: “Vàng của ông bà Puṇṇa” rồi khuân số vàng ấy về đây.
Quân lính vâng lệnh Đức-vua trở lại nơi ấy. Thật vậy, lần này quân lính khuân toàn bộ số vàng ấy đem về, chất giữa sân rồng thành một đống vàng cao 80 hắc tay.
Ông Puṇṇa trở thành đại phú hộ
Đức-vua cho truyền dân chúng trong thành hội họp tại sân rồng, bèn truyền hỏi rằng:
– Này toàn thể dân chúng! Trong kinh-thành này, người nào có số vàng lớn như thế này không?
Toàn thể dân chúng trong thành tâu:
– Tâu Hoàng-Thượng, trong kinh-thành không có người nào có số vàng lớn như thế này cả.
Đức-vua truyền hỏi tiếp.
Vậy, Trẫm nên tấn phong ông Puṇṇa như thế nào mới xứng đáng?
– Tâu Hoàng-Thượng, xin Hoàng-Thượng tấn phong ông Puṇṇa địa vị đại phú hộ.
Đức-vua phán rằng:
– Này Puṇṇa, từ nay ngươi là Đại phú hộ, có tên Bahudhanaseṭṭhi: Đại phú hộ nhiều của cải.
Sau khi trở thành đại phú hộ Puṇṇa, gia đình ông càng có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì suốt 7 ngày.
Đến ngày thứ 7 Đức-Phật thuyết pháp tế độ gia đình ông bà Puṇṇa và đứa con gái tên Uttarā đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, cả 3 đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Vợ chồng ông Puṇṇa tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta sau khi xả diệt-thọ-tưởng, do năng lực phước-thiện bố-thí cúng dường trong sạch và hội đủ nhân duyên ấy, liền cho quả báu trong ngày hôm ấy, đã thành tựu đại phú hộ nhiều của cải trong cõi người (manussasampatti) và đặc biệt thành tựu Niết-bàn (Nibbānasampatti) là chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, toàn gia đình trở thành bậc Thánh Nhập-lưu nữa.
Những trường hợp trên, có không ít trong Phật-giáo.
Chư Thánh-Tăng là phước điền cao thượng của tất cả chúng-sinh: Nhân-loại, chư-thiên, phạm-thiên, … tạo phước thiện bố-thí cúng dường đến chư Thánh-Tăng với thiện-tâm trong sạch, sẽ được thành tựu quả báu cõi người, thành tựu quả báu cõi trời (devasampatti) và đặc biệt thành tựu quả báu chứng ngộ Niết-bàn.
Quả báu phước-thiện bố-thí đến tỳ-khưu-Tăng
Thí chủ phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch có đức-tin nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, dù tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư phàm-Tăng vẫn được thành tựu quả báu không kém.
Thật vậy, Đức-Phật dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:
– Này Ānanda! Trong thời vị-lai, sẽ có hạng người có tên “bhikkhu: Tỳ-khưu”, chỉ còn mảnh y quấn cổ (hoặc cột ở cổ tay), là người phạm-giới, hành ác-pháp. Song những thí chủ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, có tác-ý trong đại-thiện-tâm trong sạch tạo phước-thiện bố-thí hướng tâm đến cúng dường chư tỳ-khưu-Tăng, dù có số tỳ-khưu phạm-giới ấy.
– Này Ānanda! Người thí chủ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng trong thời vị-lai ấy, Như-Lai dạy rằng:
Thí chủ vẫn có phước-thiện vô-lượng và quả báu vô-lượng không sao kể xiết được.
Như-Lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng:
Thí chủ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến cá nhân thọ thí, sẽ có phước-thiện nhiều hơn và có quả báu nhiều hơn tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng thọ thí.
Cho nên, ân-Đức-Tăng này gọi là Anuttaraṃ puññak-khettaṃ lokassa Bhagavato sāvakasaṃgho.
Thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng này, trước tiên hành-giả cần phải học hỏi, hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp đầy đủ 9 ân-Đức-Tăng. Mỗi khi niệm đến ân-Đức-Tăng nào, nên hiểu biết rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Tăng ấy.
Sau đó, để đại-thiện-tâm dễ phát sinh, hành-giả nên ngồi nghiêm trang trước tượng Đức-Phật hoặc trước cội cây Đại-Bồ-đề, hoặc một nơi thanh vắng, để thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng này.
Phương pháp thực-hành có nhiều cách:
1- Cách phổ thông: Niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng theo bài kinh Dhajaggasutta như sau:
“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ujuppaṭi-panno Bhagavato sāvakasaṃgho, Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha-purisapuggalā esa Bhagavato sāvakasaṃgho, Āhuneyyo, Pāhunēyyo, Dakkhineyyo, Añjalīkaraṇīyo, Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa.”
Hành-giả thực-hành niệm đến ân-Đức-Tăng nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Tăng ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-Đức-Tăng như vậy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Đức-Tăng-Bảo.
2- Cách tách câu: 9 ân-Đức-Tăng tách từng câu như sau:
1- Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
2- Ujuppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
3- Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
4- Sāmicippaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho.
5- Āhuneyyo Bhagavato sāvakasaṃgho.
6- Pāhunēyyo, Bhagavato sāvakasaṃgho.
7- Dakkhineyyo, Bhagavato sāvakasaṃgho.
8- Añjalīkaraṇīyo, Bhagavato sāvakasaṃgho.
9- Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa Bhagavato sāvakasaṃgho…
Hành-giả thực-hành niệm mỗi câu ân-Đức-Tăng nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của mỗi câu ân-Đức-Tăng ấy, định-tâm theo dõi mỗi câu ân-Đức-Tăng như vậy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Hành-giả cũng có thể chọn 1 hoặc 2 – 3, … câu ân-Đức-Tăng nào trong 9 câu Ân-Đức-Tăng làm đối-tượng, để thực-hành niệm-niệm câu ân-Đức-Tăng ấy. Ví dụ:
* Niệm-niệm ân-Đức-Tăng thứ nhất: “Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, …”
* Niệm-niệm ân-Đức-Tăng thứ ba: Ñāyappaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho, …” hằng trăm lần, hằng ngàn lần, trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm Ân-Đức-Tăng ấy, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Hành-giả thực-hành niệm đến ân-Đức-Tăng nào, nên hiểu rõ ý nghĩa và chi-pháp của ân-Đức-Tăng ấy, định-tâm theo dõi mỗi ân-Đức-Tăng như vậy hằng trăm lần, hằng ngàn lần, … trong suốt thời gian thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, để làm tăng trưởng đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng là một đề-mục thiền-định dễ làm cho phát sinh đức-tin nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, mà đức-tin là nền tảng cho mọi thiện-pháp từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô-giới thiện-pháp cho đến siêu-tam-giới thiện-pháp.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng là đề-mục thiền-định vô cùng vi-tế, vô cùng sâu sắc, rộng lớn mênh mông bao la, vô lượng vô biên, nên hành-giả không thể định-tâm một nơi nào nhất định. Cho nên, đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng này chỉ có khả năng chứng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không có khả năng chứng đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Vì vậy, tâm cận-định này vẫn còn là dục-giới thiện-tâm có dục-giới thiện-nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người đã gieo duyên lành, nhân tốt sâu sắc trong giáo pháp của Đức-Phật.
Tuy nhiên, tâm cận-định này có thể làm nền tảng, làm đối-tượng để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, diệt tận tham-ái, phiền-não, chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn được.
Như Đức-Phật dạy:
– Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Pháp-hành ấy là pháp gì?
Pháp-hành ấy là Saṃghānussati: Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, mà hành-giả đã tiến hành, đã hành thuần thục, chắc chắn dẫn đến phát sinh sự nhàm chán trong ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp, để diệt tận tham-ái, sân-hận, si-mê, để làm vắng lặng mọi phiền-não, để phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.”
Qua lời giáo huấn trên của Đức-Phật, thì đề-mục niệm niệm 9 ân-Đức-Tăng thuộc về pháp-hành thiền-định mà có khả năng chuyển sang làm nền tảng, làm đối-tượng thiền-tuệ của pháp-hành thiền-tuệ nữa.
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng có 2 giai đoạn:
– Giai đoạn đầu: Đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng thuộc về pháp-hành thiền-định, hành-giả thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) (Phương-pháp đã được trình bày ở phần trước).
– Giai đoạn sau: Sau khi thực-hành đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng đã đạt đến cận-định rồi, nếu muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì hành-giả cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Cận-định của đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng làm nền tảng, làm đối-tượng-thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ như thế nào?
Sau khi hành-giả đã thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, đã đạt đến cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, nếu hành-giả có ý nguyện muốn tiếp tục chuyển sang thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thì cần phải có sắc-pháp, danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ hoặc thân, thọ, tâm, pháp thuộc về chân-nghĩa-pháp (paramatthadhamma), là đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ: Thân niệm-xứ, thọ niệm-xứ, tâm niệm-xứ, pháp niệm-xứ.
Cận-định là nhất-tâm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm hợp với trí-tuệ thuộc về chân-nghĩa-pháp.
Thật-tánh niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng như thế nào?
Đúng theo thật-tánh của chân-nghĩa-pháp thì không có hành-giả nào thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, mà sự thật chỉ có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm làm phận sự thực-hành niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng, đạt đến tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng mà thôi.
* Phân tích đối-tượng tứ-niệm-xứ và đối-tượng thiền-tuệ
Tâm cận-định này thuộc trong phần tâm niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ, và tâm cận-định là dục-giới thiện-tâm phân tích theo danh-pháp, sắc-pháp như sau:
– Dục-giới thiện-tâm thuộc về danh-pháp, và dục-giới thiện-tâm này phát sinh do nương nhờ hadaya-vatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp.
Như vậy, danh-pháp và sắc-pháp liên quan với nhau làm đối-tượng thiền-tuệ.
* Phân tích theo ngũ-uẩn
Tâm cận-định này là dục-giới thiện-tâm có 38 tâm-sở đồng sinh với tâm này, phân tích theo ngũ-uẩn như sau:
– Dục-giới thiện-tâm này thuộc về thức-uẩn.
– Thọ tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về thọ-uẩn.
– Tưởng tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về tưởng-uẩn.
– Các tâm-sở còn lại đồng sinh với dục-giới thiện-tâm này thuộc về hành-uẩn.
– Hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-uẩn.
Ngũ-uẩn này trong phần pháp niệm-xứ của pháp-hành tứ-niệm-xứ thuộc về danh-pháp, sắc-pháp.
(Phần thực-hành pháp-hành thiền-tuệ về phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng tương tự như thực-hành pháp-hành thiền-tuệ trong đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật đã được trình bày ở phần trước.)
Quả-báu đặc biệt đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng
Do năng lực của dục-giới thiện-nghiệp đề-mục niêm niệm 9 ân-Đức-Tăng cho quả-báu hầu hết cũng giống như đề-mục niệm-niệm 9 ân-Đức-Phật đã được trình bày ở phần trước.
(Xong đề-mục thiền-định niệm-niệm 9 ân-Đức-Tăng)
3.4– Sīlānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm
Giới Trong Sạch Của Mình
Sīlānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm giới trong sạch của mình. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định đề-mục thiền-định sīlānussati: Đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình, không bị đứt, không bị thủng, không bị đốm, không bị đứt lan, giữ gìn giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có tác-ý-giới trong sạch ấy của mình làm đối-tượng.
Giới Không Trong Sạch Và Giới Trong Sạch
Giới của mình không được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn do 4 nguyên nhân:
– Giới bị đứt (khaṇḍasīla).
– Giới bị thủng (chiddasīla).
– Giới bị đốm (sabalasīla).
– Giới bị đứt lan (kammāsasīla).
Giới của mình được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn do 4 nguyên nhân:
– Giới không bị đứt (akhaṇḍasīla).
– Giới không bị thủng (achiddasīla).
– Giới không bị đốm (asabalasīla).
– Giới không bị đứt lan (akammāsasīla).
1- Thế nào gọi là giới bị đứt (khaṇḍasīla) và giới không bị đứt (akhaṇḍasīla)?
Nếu hành-giả phạm điều-giới đầu và điều-giới cuối thì gọi là giới bị đứt (khaṇḍasīla). Ví như tấm vải dài có phần đầu và phần cuối bị đứt rời ra.
Và nếu hành-giả giữ gìn điều-giới đầu và điều-giới cuối được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn thì gọi là giới không bị đứt (akhaṇḍasīla).
Ví dụ: Ngũ-giới có 5 điều-giới.
– Trong ngũ-giới, nếu hành-giả phạm điều-giới thứ nhất và điều-giới thứ năm thì gọi là ngũ-giới bị đứt.
– Và nếu hành-giả giữ gìn điều-giới thứ nhất và điều-giới thứ năm được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn thì gọi là ngũ-giới không bị đứt.
2- Thế nào gọi là giới bị thủng (chiddasīla) và giới không bị thủng (achiddasīla)?
– Trong ngũ-giới, ngoại trừ điều-giới đầu (1) và điều-giới cuối (5) ra, nếu hành-giả phạm 1 trong những điều-giới còn lại ở khoảng giữa (2,3,4) thì gọi là giới bị thủng (chiddasīla). Ví như tấm vải dài bị thủng lỗ ở giữa.
– Và nếu hành-giả giữ gìn những điều-giới ở khoảng giữa (2,3,4) được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn thì gọi là giới không bị thủng (achiddasīla).
3- Thế nào gọi là giới bị đốm (sabalasīla) và giới không bị đốm (asabalasīla)?
– Trong ngũ-giới, ngoại trừ điều-giới đầu (1) và điều-giới cuối (5) ra, nếu hành-giả phạm các điều-giới cách khoảng nhau (2 – 4) thì gọi là giới bị đốm (sabalasīla). Ví như con bò bị đốm từng chấm, từng chấm.
– Và nếu hành-giả giữ gìn những điều-giới cách khoảng nhau (2 – 4) được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn thì gọi là giới không bị đốm (asabalasīla).
4- Thế nào gọi là giới bị đứt lan (kammāsasīla) và giới không bị đứt lan (akammāsasīla)?
– Trong ngũ-giới, ngoại trừ điều-giới đầu (1) và điều-giới cuối (5) ra, nếu hành-giả phạm những điều-giới liền theo với nhau ở khoảng giữa (2,3) hoặc (3,4) hoặc (2,3,4) thì gọi là giới bị đứt lan (kammāsasīla). Ví như con bò có từng vệt vá.
– Và nếu hành-giả giữ gìn những điều-giới ở khoảng giữa (2,3,4) được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn thì gọi là giới không bị đứt lan (akammāsasīla).
(Để hiểu biết rõ giới trong sạch và giới không trong sạch, hành-giả nên xem “Nền-Tảng-Phật-Giáo” quyển III, “Pháp-hành giới” cùng soạn giả, phần “Phân tích 4 tính chất của giới.”)
Phương pháp thực-hành đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm-niệm giới (sīlānussati) trong sạch của mình. Trước tiên, hành-giả cần phải thực-hành 5 điều căn bản như sau:
1- Hành-giả cần phải thực-hành, giữ gìn giới của mình cho hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn là giới không bị đứt, giới không bị thủng, giới không bị đốm, giới không bị đứt lan.
2- Hành-giả giữ gìn giới của mình với dục-giới thiện-tâm hoàn toàn trong sạch, không bị nô lệ bởi tham-ái, không mong cầu quả báu nào trong thế gian.
3- Hành-giả Thực-hành pháp-hành giới là giữ gìn thân và khẩu ở trong các điều-giới của mình một cách nghiêm khắc, cho nên, tự mình không chê trách và chư bậc thiện-trí cũng không chê trách về giới của mình được.
4- Hành-giả thực-hành Pháp-hành giới là giữ gìn thân và khẩu của mình không phạm điều-giới, giữ gìn các điều-giới hoàn toàn trong sạch, tuy những kẻ thù không hài lòng, nhưng chư bậc thiện-trí đều tán dương ca tụng.
5- Hành-giả nên hiểu biết rõ rằng: Giới trong sạch này làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-định đạt đến cận-định (upacārasamādhi), an-định (appanāsamādhi); giới trong sạch làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn.
Sau khi đã thực-hành 5 điều căn bản, hành-giả là bậc xuất gia hoặc hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ nên tìm đến một nơi thanh vắng, để thực-hành đề-mục niệm-niệm giới của mình hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu bằng dục-giới thiện-tâm niệm rằng:
“Aho vata me sīlāni akhaṇḍāni acchiddāni asabalāni akammāsāni bhujissāni viññuppasatthāni aparāmaṭṭhāni samādhisaṃvattanikānī”ti .
– Tốt lành thay! Giới này của ta không bị đứt, không bị thủng, không bị đốm, không bị đứt lan, hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, thật đáng hài lòng hoan hỷ!
– Tốt lành thay! Giới này của ta là hoàn toàn trong sạch, thoát khỏi sự nô lệ của tham-ái, chư bậc thiện-trí đều tán dương, khen ngợi.
– Tốt lành thay! Giới này của ta là hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi mọi phiền-não nhất là tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến không nương nhờ được, nên không có một ai có thể chê trách về giới của ta được.
– Tốt lành thay! Giới này của ta là hoàn toàn trong sạch làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-định, để đạt đến cận-định, an-định, hoặc làm nền tảng, làm nhân-duyên hỗ trợ cho pháp-hành thiền-tuệ, để chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn …”
Đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình này là đối-tượng vô cùng sâu sắc rộng lớn. Vì vậy, định-tâm không thể an-định nơi một đối-tượng nào nhất định được, cho nên, đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình này vẫn còn dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có đại-thiện-tâm kính trọng các điều-giới, thường thấy tai hại trong lỗi dù nhỏ.
Giới trong sạch này làm nền tảng cho mọi thiện-pháp phát sinh từ dục-giới thiện-pháp, sắc-giới thiện-pháp, vô sắc-giới thiện-pháp cho đến Siêu-tam-giới thiện-pháp.
(Xong đề-mục niệm-niệm giới trong sạch của mình)
3.5- Cāgānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Sự Bố-Thí Của Mình
Cāgānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm sự bố-thí của mình. Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định đề-mục thiền-định cāgānussati: Đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình, không bị ô nhiễm bởi mọi phiền-não nhất là tham-ái, ngã-mạn, tà-kiến, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có tác-ý bố-thí ấy làm đối-tượng.
Hành-giả đã từng tạo phước-thiện bố-thí ấy hợp đủ 3 tính chất như sau:
1- Dhammiyaladdhavatthu: Vật bố-thí được phát sinh một cách hợp pháp.
2- Cetanādānasampadā: Tác-ý (cetanā) có đầy đủ trong 3 thời-kỳ:
– Pubbacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí.
– Muñcacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan hỷ đang khi tạo phước-thiện bố-thí.
– Aparacetanā: Tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm hoan hỷ sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí xong rồi.
3- Muttacāgī: Phước-thiện bố-thí thoát khỏi tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tài sản của mình, không bị ô nhiễm bởi tâm tham-ái (taṇhā), tâm ngã-mạn (māna), tâm tà-kiến (diṭṭhi).
(Để hiểu biết rõ phước-thiện bố-thí, hành-giả nên xem quyển “Tìm hiểu phước-thiện bố-thí” cùng soạn giả.)
Hành-giả có phước-thiện bố-thí hợp đủ 3 đức tính như vậy, có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục niệm-niệm bố-thí của mình, nên tìm nơi thanh vắng, ngồi suy xét rằng:
– Nếu người có tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải của mình thì không muốn đem của cải ra tạo phước-thiện bố-thí đến cho những người khác, để tạo phước-thiện bố-thí thuộc về của riêng mình.
Họ lại đem của cải ra để tiêu xài phung phí do năng lực của tâm tham-ái muốn an-lạc, tâm ngã-mạn muốn hơn mọi người, tâm tà-kiến chấp thủ, nên thật sự không đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai, chỉ đem lại sự khổ mà thôi.
Còn ta đã chế ngự được tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải, ta vô cùng hoan hỷ đem của cải tài sản ra tạo phước-thiện bố-thí đến người khác, chúng-sinh khác, ta đã tạo được phước-thiện bố-thí thuộc về của riêng mình một cách trong sạch, chắc chắn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.”
Sau khi suy xét như vậy, hành-giả phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong phước-thiện bố-thí của mình, nên thực-hành niệm phước-thiện bố-thí ấy, gọi là cāgānussati: Đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình, với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm hoan hỷ niệm rằng:
“Lābhā vata me! Suladdhaṃ vata me!
Yo’haṃ maccheramalapariyuṭṭhitāya pajāya vigata-maccherena cetasā viharāmi, muttacāgo payatapāṇī vossaggarato yācayogo dānasaṃvibhāgarato”ti.
“Tốt lành thay! Ta được lợi. Tốt lành thay! Ta được sinh làm người trong thời đại Phật-giáo.
“Có số người bị ô nhiễm do tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tài sản của họ. Còn ta đã chế ngự được tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tài sản, đã thoát khỏi tâm bủn xỉn, keo kiệt ấy, ta có đôi bàn tay sạch sẽ đem của cải tài sản tạo phước-thiện bố-thí mà không hề tiếc rẻ, đã hài lòng hoan hỷ tạo phước-thiện bố-thí đến các người khác, đem của cải tài sản phân phát đến người khác.
“Suladdhaṃ vata me: Tốt lành thay! Ta được sinh làm người trong thời đại Phật-giáo.”
Thật vậy. Đức-Phật dạy rằng:
“Manussattabhāvo dullabho …”
(Được sinh làm kiếp người là một điều khó, …)
Vậy, ta đã sinh làm kiếp người trong thời đại giáo pháp của Đức-Phật hiện còn đang duy trì trên thời gian, đó là cơ hội tốt hy hữu biết dường nào!
Suy xét như thế nào mà chế ngự được tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tài sản của mình?
Bậc thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt suy xét rằng:
* Đức-Phật dạy: “Kammassako’mhi” ta có nghiệp là của riêng ta, nghĩa là ta đã tạo thiện-nghiệp nào hoặc bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) nào, thì nghiệp ấy chỉ là của riêng ta mà thôi. Ta là người thừa hưởng quả của nghiệp ấy trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Như vậy, chỉ có mọi thiện-nghiệp và mọi ác-nghiệp là của riêng ta mà thôi, ngoài ra, tất cả của cải tài sản trong đời này đều có tính chất của chung cả.
– Nếu người nào có đại-thiện-nghiệp bố-thí nào có cơ hội cho quả thì người ấy có được nhiều của cải tài sản, hưởng sự an-lạc, và duy trì phần của cải tài sản ấy trong thời gian lâu dài hoặc ngắn ngủi tùy thuộc vào quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy, cho đến lúc mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
– Nếu người nào có ác-nghiệp nào có cơ hội cho quả thì người ấy phải chịu quả khổ trong thời gian lâu hoặc mau tùy thuộc vào quả của ác-nghiệp ấy, cho đến lúc mãn quả của ác-nghiệp ấy.
Bậc thiện-trí tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, nên chế ngự được tâm bủn xỉn, keo kiệt trong của cải tài sản của mình, bậc thiện-trí biết sử dụng của cải tài sản có tính chất tạm thời thuộc về của chung mà bậc thiện-trí đang sở hữu, đem của cải tài sản ấy ra tạo phước-thiện bố-thí đến người khác, tạo đại-thiện-nghiệp bố-thí, để trở thành của riêng của bậc thiện-trí có tính chất lâu dài trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai của mình.
Hành-giả thực-hành đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình với dục-giới thiện-tâm có đối-tượng là tác-ý bố-thí (cetanādāna) vô cùng sâu sắc rộng lớn. Vì vậy, định-tâm không thể an-định một đối-tượng nào nhất định được, cho nên, đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình này vẫn còn dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp bố-thí đặc biệt cho quả báu có nhiều của cải, giàu sang phú quý đối với hành-giả. Cho nên, hành-giả có nhiều thuận lợi thực-hành mọi thiện-pháp, nhất là các pháp-hạnh ba-la-mật.
(Xong đề-mục niệm-niệm sự bố-thí của mình)
3.6- Devatānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Các Pháp Chư-Thiên Hiện Hữu Nơi Mình
Devatānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm các pháp của chư-thiên hiện hữu nơi mình.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định đề-mục thiền-định devatānussati: Đề-mục niệm-niệm các pháp của chư-thiên hiện hữu nơi mình, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có các pháp của chư-thiên hiện hữu nơi mình ấy làm đối-tượng.
Hành-giả là người có 5 pháp là:
– Saddhā: Đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.
– Sīla: Giới của mình trong sạch và trọn vẹn.
– Suta: Đa-văn túc-trí, học nhiều hiểu rộng trong giáo pháp của Đức-Phật.
– Cāga: Phước-thiện bố-thí với đại-thiện-tâm trong sạch.
– Paññā: Trí-tuệ sáng suốt hiểu biết giáo-pháp của Đức-Phật.
Đó là 5 pháp của chư-thiên hiện hữu nơi mình.
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục niệm-niệm các pháp của chư-thiên hiện hữu nơi mình, với dục-giới thiện-tâm parikammabhāvanā rằng:
“Santi devā catumahārājikā, santi devā tavatiṃsā, yamā, tusitā, nimmānaratino, paranimmitavasavattino, santi devā brahmakāyikā, santi devā tatuttari, yathārūpāya saddhāya samannāgatā tā devatā ito cutā tattha upapannā, mayhampi tathārūpā saddhā saṃvijjati, yathārūpena sīlena, yathārūpena sutena, yathārūpena cāgena, yathārūpāya paññāya saman-nāgatā tā devatā ito cutā tattha upapannā, mayhampi tathārūpā paññā saṃvijjatī”ti.
“Chư-thiên sinh trú tại các cõi trời dục-giới: Cõi trời tứ-Đại-Thiên-vương-thiên, cõi trời Tam-thập-tam-thiên, cõi trời Dạ-ma-thiên, cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, cõi trời Hóa-lạc-thiên, cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên.
Và chư Phạm-thiên đã sinh tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên tầng thứ nhất do đệ nhất thiền sắc-giới quả-tâm, cho đến tầng trời sắc-giới phạm-thiên tầng thứ 16 tột đỉnh do đệ tứ thiền sắc-giới quả-tâm.
– Chư-thiên ở cõi trời dục-giới, chư Phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên đều có đầy đủ saddhā: Đức-tin trong sạch, sau khi chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hoặc sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên như thế nào.
Nay chính ta cũng có saddhā: Đức-tin trong sạch cũng như thế ấy.
– Chư-thiên ở cõi trời dục-giới, chư Phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên đều có đầy đủ sīla: Giới trong sạch, …
– Chư-thiên ở cõi trời dục-giới, chư Phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên đều có đầy đủ suta: Đa văn túc trí trong sạch, …
– Chư-thiên ở cõi trời dục-giới, chư Phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên đều có đầy đủ cāga: Phước-thiện bố-thí trong sạch, …
– Chư-thiên ở cõi trời dục-giới, chư Phạm-thiên ở tầng trời sắc-giới phạm-thiên đều có đầy đủ paññā: Trí-tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp, sau khi chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hoặc sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên như thế nào.
Nay chính ta cũng có paññā, trí-tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp cũng như thế ấy.”
Hành-giả thực-hành đề mục niệm-niệm 5 pháp chư-thiên: Saddhā, sīla, suta, cāga, paññā hiện hữu nơi mình với dục-giới thiện-tâm có đối-tượng là 5 pháp chư-thiên vô cùng sâu sắc rộng lớn. Vì vậy, định-tâm không thể an-định nơi một đối-tượng nào nhất định được, cho nên, đề mục niệm-niệm các pháp chư-thiên hiện hữu nơi mình này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacāra-samādhi) mà thôi, không thể đạt đến an-định, nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Tâm cận-định trong đề-mục niệm-niệm 5 pháp chư-thiên hiện hữu nơi mình này vẫn còn dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới.
(Xong đề-mục niệm-niệm các pháp chư-thiên …)
3.7- Upasamānussati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm-Niệm Thật-Tánh Tịch-Tịnh Niết-Bàn
Upasamānussati là đề-mục thiền-định niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn.
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-định đề-mục upasamānussati: Đề-mục niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn, có niệm tâm-sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có thật-tánh Niết-bàn là đối-tượng bên ngoài.
Upasama nghĩa là tịch-tịnh đó là Niết-bàn là pháp tịch-tịnh khỏi mọi phiền-não và ngũ-uẩn.
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục upasamānussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn.
Trong kinh Dhammacakkappavattanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân, Đức-Phật thuyết dạy tứ Thánh-đế, phần ‘Diệt khổ Thánh-đế’ đó là Niết-bàn rằng:
“Idaṃ kho pana bhikkhave! dukkhanirodhaṃ ariya-saccaṃ. Yo tassā yeva taṇhāya asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo.”
“- Này chư tỳ-khưu! Diệt khổ Thánh-đế là chân-lý mà bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ, đó là Niết-bàn là pháp-diệt tận mọi dục-vọng do tâm tham-ái không còn dư sót bằng 4 Thánh-đạo-tuệ, xả ly, từ bỏ sự chấp-thủ trong ngũ-uẩn, giải thoát khổ, không còn luyến-ái, không còn dính-mắc nữa.”
Niết-bàn thuộc về pháp vô-vi
Đức-Phật dạy rằng:
“Yāvatā bhikkhave dhammā saṅkhatā vā asaṅkhatā vā virāgo tesaṃ dhammānaṃ aggamakkhāyati, yadidaṃ madanimmadano pipāsavinayo ālayasamugghāto vaṭṭu-pacchedo taṇhakkhayo virāgo nirodho nibbānan”ti.
“- Này chư tỳ-khưu! Những thật-tánh pháp nào là các pháp bị cấu tạo do 4 nhân duyêngọi là pháp-hữu-vi, và pháp nào không bị cấu tạo do 4 nhân duyên gọi là pháp-vô-vi; trong các pháp-hữu-vi và các pháp-vô-vi ấy, Như-Lai gọi Niết-bàn, pháp-vô-vi, pháp-ly-dục là pháp cao thượng nhất.
Pháp-ly-dục (virāgo) ấy là pháp diệt các tâm say mê, pháp diệt tâm khao khát trong ngũ dục, là pháp diệt bỏ tâm luyến ái trong ngũ-dục, là pháp cắt đứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới, là pháp đoạn-tuyệt tham-ái, là pháp-ly-dục, là pháp diệt dục, là pháp Niết-bàn.”
Hành-giả thực-hành đề-mục upasamānussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn, nên tìm hiểu rõ 29 đức tính đặc biệt của Niết-Bàn như sau:
1- Madanimmadano: Niết-bàn là pháp diệt các tâm say mê.
2- Pipāsavinayo: Niết-bàn là pháp hủy diệt tâm khao khát trong ngũ dục.
3- Ālayasamugghāto: Niết-bàn là pháp diệt bỏ tâm luyến ái trong ngũ dục.
4- Vaṭṭupacchedo: Niết-bàn là pháp cắt đứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
5- Taṇhakkhayo: Niết-bàn là pháp đoạn tuyệt tham-ái.
6- Virāgo: Niết-bàn là pháp ly dục.
7- Nirodho: Niết-bàn là pháp diệt dục.
8- Dhuvaṃ: Niết-bàn là pháp vĩnh cửu.
9- Ajaraṃ: Niết-bàn là pháp bất lão.
10- Nippapañcaṃ: Niết-bàn là pháp không trì hoãn tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
11- Saccaṃ: Niết-bàn là pháp chân thật.
12- Pāraṃ: Niết-bàn là pháp bên kia bờ tử sinh luân hồi tam-giới.
13- Sududdasaṃ: Niết-bàn là pháp mà người thiểu trí khó chứng ngộ được.
14- Sivaṃ: Niết-bàn là pháp yên ổn, mát mẻ.
15- Amataṃ: Niết-bàn là pháp bất tử.
16- Khemaṃ: Niết-bàn là pháp an tịnh tuyệt đối.
17- Abbhutaṃ: Niết-bàn là pháp thật phi thường.
18- Aṇītikaṃ: Niết-bàn là pháp vô hại.
19- Tāṇam: Niết-bàn là pháp hộ trì chúng-sinh không rơi vào cảnh khổ tử sinh luân-hồi.
20- Leṇaṃ: Niết-bàn là pháp ẩn náu an toàn tuyệt đối.
21- Dīpaṃ: Niết-bàn là hòn đảo an toàn trong biển khổ luân-hồi trong tam-giới.
22- Visuddhi: Niết-bàn là pháp thanh-tịnh khỏi mọi phiền-não.
23- Varaṃ: Niết-bàn là pháp mà chư bậc thiện-trí mong mỏi.
24- Nipuṇaṃ: Niết-bàn là pháp vô cùng vi-tế.
25- Asaṅkhātaṃ: Niết-bàn là pháp không bị cấu tạo do 4 nhân duyên: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực.
26- Mokkhaṃ: Niết-bàn là pháp thoát khỏi mọi phiền-não.
27- Seṭṭhaṃ: Niết-bàn là pháp cao thượng.
28- Anuttaro: Niết-bàn là pháp vô thượng không gì sánh được.
29- Lokassando: Niết-bàn là pháp tận cùng của tam-giới.
* Đức tính đặc biệt của Niết-bàn có các pháp khác:
1- Asesavirāganirodho: Niết-bàn là pháp diệt tham-ái không còn dư sót.
2- Asesabhavanirodho: Niết-bàn là pháp diệt kiếp tái-sinh không còn dư sót.
3- Cāgo: Niết-bàn là pháp diệt bỏ mọi tham-ái.
4- Paṭinissaggo: Niết-bàn là pháp thoát khỏi mọi kiếp.
5- Mutto: Niết-bàn là pháp giải thoát khỏi mọi phiền-não.
6- Anālayo: Niết-bàn là pháp không còn luyến ái.
7- Rāgakkhayo: Niết-bàn là pháp diệt tâm tham dục.
8- Dosakkhayo: Niết-bàn là pháp diệt tâm sân.
9- Mohakkhayo: Niết-bàn là pháp diệt tâm si.
10- Taṇhakkhayo: Niết-bàn là pháp diệt tham-ái.
11- Anuppādo: Niết-bàn là pháp diệt ngũ-uẩn.
12- Apavattaṃ: Niết-bàn là pháp diệt sắc-pháp, danh-pháp
13- Animittaṃ: Niết-bàn là pháp không có hiện tượng của các pháp-hữu-vi.
14- Appaṇihitaṃ: Niết-bàn là pháp không còn tham-ái.
15- Suññataṃ: Niết-bàn là pháp không phải ta và của ta.
16- Appaṭisandhi: Niết-bàn là pháp không tái-sinh.
17- Anuppatti: Niết-bàn là pháp không còn sinh.
18- Anāyūhanaṃ: Niết-bàn là pháp không có gắng sức.
19- Ajātaṃ: Niết-bàn là pháp không sinh.
20- Ajaraṃ: Niết-bàn là pháp không già.
21- Abyādhi: Niết-bàn là pháp không bệnh.
22- Agati: Niết-bàn là pháp không có nơi đến.
23- Amataṃ: Niết-bàn là pháp bất tử.
24- Asokaṃ: Niết-bàn là pháp vô ưu.
25- Aparidevaṃ: Niết-bàn là pháp không than khóc.
26- Anupāyāso: Niết-bàn là pháp không khổ tâm.
27- Asaṅkiliṭṭhaṃ: Niết-bàn là pháp không ô nhiễm.
28- Asaṅkhātaṃ: Niết-bàn là pháp không do nhân duyên cấu tạo.
29- Nivānaṃ: Niết-bàn là pháp thoát khỏi mọi pháp ràng buộc.
30- Santi: Niết-bàn là pháp vắng lặng mọi sự khổ.
Sau khi hiểu rõ các đức tính đặc biệt của Niết-bàn như vậy, hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định upasamā-nussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn, nên tìm một nơi thanh vắng, để thực-hành đề-mục niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn với parikammabhāvanā: tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm-niệm thật-tánh Niết-bàn rằng:
“Yāvatā bhikkhave dhammā saṅkhatā vā asaṅkhatā vā virāgo tesaṃ dhammānaṃ aggamakkhāyati, yadidaṃ madanimmadano pipāsavinayo ālayasamugghāto vaṭṭu-pacchedo taṇhakkhayo virāgo nirodho nibbānan”ti.
“- Này chư tỳ-khưu! Những thật-tánh pháp nào là các pháp bị cấu tạo do 4 nhân duyêngọi là pháp-hữu-vi, và pháp nào không bị cấu tạo do 4 nhân duyên gọi là pháp-vô-vi. Trong các pháp-hữu-vi và các pháp-vô-vi ấy, Như-Lai gọi Niết-bàn, pháp-vô-vi, pháp-ly-dục là pháp cao thượng nhất.
Pháp-ly-dục (virāgo) ấy là pháp diệt các tâm say mê, pháp diệt tâm khao khát trong ngũ dục, là pháp diệt bỏ tâm luyến ái trong ngũ dục, là pháp cắt đứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới, là pháp đoạn-tuyệt tham-ái, là pháp-ly-dục, là pháp-diệt-dục, là pháp Niết-bàn.”
Hành-giả thực-hành đề-mục upasamānussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn, khi niệm đến ân-đức Niết-bàn nào nên hiểu rõ đến ân-đức Niết-bàn ấy.
Thật ra, hành-giả là bậc Thánh-nhân mới có thể hiểu rõ sâu sắc đến các ân-đức Niết-bàn được, bởi vì đã từng chứng ngộ Niết-bàn; còn hành-giả là hạng phàm-nhân cũng có thể hiểu được các ân-đức Niết-bàn nhờ trí-tuệ học do nghe nhiều hiểu rộng (sutamayapaññā), nên cũng phát sinh đức-tin trong sạch nơi các ân-đức Niết-bàn ấy.
Đức-Phật dạy:
“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ …”
“Niết-bàn là pháp-an-lạc tuyệt đối …”
Niết-bàn là pháp-an-lạc tuyệt-đối như thế nào?
Niết-bàn là pháp-an-lạc tuyệt-đối, bởi vì Niết-bàn là pháp-vô-vi (asaṅkhatadhamma), nên tất cả pháp-hữu-vi đều không hiện hữu (sabbasaṅkhatavivittattā), hòan toàn không có khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới (sakala-vaṭṭadukkhābhāvato).
Cho nên, Niết-bàn là pháp-an-lạc tuyệt-đối.
“Natthi santiparaṃ sukhaṃ.”
Pháp-an-lạc cao thượng hơn Niết-bàn không có.
“Nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā.”
Chư Phật-Chánh-Đẳng-Giác thuyết dạy rằng: Niết-bàn là pháp cao thượng bậc nhất.
Đề-mục thiền-định upasamānussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn.
Danh từ upasama nghĩa là tịch-tịnh đó là Niết-bàn là pháp tịch-tịnh khỏi mọi phiền-não và ngũ-uẩn. Vì vậy, Niết-bàn có santisukha là pháp-an-lạc không liên quan đến sự thọ hưởng các đối-tượng trong tam-giới nào cả.
Thọ-lạc (sukhavedanā) đồng sinh với tam-giới-tâm thọ hưởng những đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trong tam-giới gọi là vedayitasukha. Còn đối-tượng Niết-bàn thuộc về siêu-tam-giới-pháp, không có đối-tượng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trong tam-giới, nên gọi là santisukha.
Hành-giả là bậc Thánh-nhân đã chứng ngộ Niết-bàn biết rõ santisukha, còn hành-giả là hạng phàm-nhân không thể biết được santisukha.
Đề-mục thiền-định upasamānussati niệm-niệm thực-tánh tịch-tịnh Niết-bàn này là đối-tượng vô cùng vi-tế, sâu sắc. Vì vậy, định-tâm không thể an-định nơi một đối-tượng nhất định được, cho nên, đề-mục niệm-niệm thực-tánh tịch-tịnh Niết-bàn này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Tâm cận-định trong đề-mục thiền-định upasamā-nussati niệm-niệm thật-tánh tịch-tịnh Niết-bàn này vẫn còn dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người đã gieo duyên lành, nhân tốt sâu sắc trong giáo pháp của Đức-Phật.
(Xong đề-mục thiền-định upasamānussati.)
3.8- Maraṇānussati: Đề-Mục Niệm-Niệm Sự Chết
Maraṇānussati: Đề-mục thiền-định niệm-niệm sự chết chắc chắn sẽ xảy đến với hành-giả, không thể tránh được.
Đề-mục thiền-định maraṇānussati có chi-pháp là niệm tâm-sở (saticetasika) đồng sinh với đại-thiện-tâm có đối-tượng jīvitindriyupacchedamaraṇa, sự chết do bị cắt đứt sắc-mạng-chủ.
Maraṇa: Sự chết có 4 loại:
1- Samucchedamaraṇa: Sự tịch diệt Niết-bàn của chư bậc Thánh A-ra-hán, chấm dứt khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.
2- Khaṇikamaraṇa: Sát-na diệt (bhaṅgakkhaṇa) của mỗi pháp-hữu-vi sắc-pháp, danh-pháp (sát-na-sinh, sát-na-trụ, sát-na-diệt).
3- Sammutimaraṇa: Sự chết do người chế-định như cây chết khô, xe ô tô chết máy giữa đường, v.v …
4- Jīvitindriyupacchedamaraṇa: Sự chết do bị cắt đứt sắc-mạng-chủ, danh-mạng-chủ của mỗi kiếp chúng-sinh.
Trong 4 loại maraṇa này, maraṇa sử dụng làm đối-tượng đề-mục maraṇānussati chỉ có jīvitindriyupaccheda-maraṇa mà thôi. Còn samucchedamaraṇa chỉ dành riêng cho chư bậc Thánh A-ra-hán mà thôi, không thể chung cho tất cả chúng-sinh, khaṇikamaraṇa là sát-na-diệt của mỗi danh-pháp, sắc-pháp quá vi-tế, hành-giả không có khả năng biết được, và sammutimaraṇa là sự chết không thể làm cho hành-giả phát sinh động tâm. Vì vậy, 3 loại maraṇa này không thể làm đối-tượng đề-mục thiền-định maraṇānussati được.
Jīvitindriyupacchedamaraṇa là maraṇa liên quan đến tất cả mọi người, maraṇa này có 2 loại:
– Kālamaraṇa: Chết đúng thời.
– Akālamaraṇa: Chết không đúng thời.
* Kālamaraṇa: Chết đúng thời có 3 trường hợp:
– Āyukkhayamaraṇa: Chết vì hết tuổi thọ.
– Kammakkhayamaraṇa: Chết vì tận nghiệp hỗ trợ.
– Ubhayakkhayamaraṇa: Chết vì hết tuổi thọ và tận nghiệp hỗ trợ.
*Akālamaraṇa: Chết không đúng thời có 1 trường hợp:
– Upacchedakamaraṇa: Chết vì nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, như trường hợp chết vì bị tai nạn, v.v…
Chư Phật Chánh-Đẳng-Giác và chư Phật Độc-Giác đều tịch diệt Niết-bàn đúng thời, còn lại tất cả mọi người chết có 4 trường hợp, ví như chiếc đèn dầu bị tắt có 4 trường hợp là:
1- Ngọn đèn bị tắt vì hết tim.
2- Ngọn đèn bị tắt vì cạn dầu.
3- Ngọn đèn bị tắt vì hết tim và cạn dầu.
4- Ngọn đèn bị tắt vì gió thổi tắt hoặc đèn bị bể.
Mỗi người chết 1 trong 4 trường hợp như sau:
– Có người chết vì hết tuổi thọ, nhưng nghiệp hỗ trợ chưa tận cùng, ví như ngọn đèn bị tắt vì hết tim, nhưng dầu chưa cạn.
– Có người chết vì tận nghiệp hỗ trợ, nhưng tuổi thọ chưa hết, ví như ngọn đèn bị tắt vì cạn dầu, nhưng tim chưa hết.
– Có người chết vì hết tuổi thọ và tận thiện-nghiệp hỗ trợ, ví như ngọn đèn bị tắt vì hết tim và cạn dầu.
– Có người chết vì nghiệp khác cắt đứt sinh-mạng, như chết vì bị tai nạn, nhưng tuổi thọ chưa hết và thiện-nghiệp hỗ trợ chưa tận cùng, ví như ngọn đèn bị gió thổi tắt, hoặc bị bể, nhưng tim chưa hết và dầu chưa cạn.
Sau khi học hiểu về sự chết, hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết, hành-giả nên hướng tâm đến người đã chết nằm trước mặt, hoặc ở một nơi thanh vắng niệm tưởng đến người đã chết là người đã từng là Đức-vua, đã từng là người có chức trọng quyền cao, hoặc đã từng là đại phú hộ, v.v … với parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm-niệm thầm rằng:
“Maraṇaṃ me bhavissati, jīvitindriyaṃ upac-chijjissati.”
“Sự chết sẽ xảy đến với ta, sắc-mạng-căn, danh-mạng-căn sẽ bị tách rời nhau.”
Hoặc “Maraṇaṃ me dhuvaṃ, jīvitaṃ me adhuvaṃ.”
“Sự chết đối với ta là điều chắc chắn, còn sinh-mạng của ta là điều không chắc chắn.”
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết không phải niệm khơi khơi, hời hợt, mà cần phải có yonisomasikāra: Trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo sự thật về sự chết như vậy, để phát sinh động tâm (saṃvega), mà không dám dể duôi (thất-niệm), sao lãng mọi thiện-pháp.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết, nếu không có yonisomasikāra thì sẽ phát sinh những điều bất lợi như sau:
– Nếu tưởng nhớ đến sự chết của người thân yêu thì phát sinh tâm thương tiếc sầu não.
– Nếu tưởng nhớ đến sự chết của kẻ thù thì phát sinh
tâm vui mừng hoan hỷ.
– Nếu tưởng nhớ đến sự chết của người không thương không ghét thì phát sinh tâm xả thản nhiên.
– Nếu nghĩ đến sự chết của mình thì phát sinh tâm sợ hãi, không dám thực-hành đề-mục thiền-định maraṇā-nussati niệm-niệm sự chết nữa.
Đó là những điều bất lợi, bởi vì không có yoniso-manasikāra.
Vì vậy, hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định maraṇā-nussati niệm-niệm sự chết, cần phải có yonisomasikāra: Trí-tuệ hiểu biết trong tâm đúng theo sự thật về sự chết, chỉ niệm-niệm sự chết mà thôi, không liên quan đến sự chết của người nào cả, để phát sinh động tâm (saṃvega).
Hành-giả thực-hành niệm-niệm rằng: “Sự chết đối với ta là điều chắc chắn, còn sinh-mạng của ta là điều không chắc chắn.” Sự chết sẽ xảy đến với ta, ta không thể nào trốn tránh khỏi sự chết được.
Thật vậy, sự chết không chỉ có xảy đến một mình ta, mà còn tất cả chúng-sinh khác cũng đều có sự chết là cuối cùng của mỗi kiếp, không thể nào trốn tránh khỏi sự chết được.
Tất cả chúng-sinh đều có sự chết là điều chắc chắn, tất cả chúng-sinh đã từng chết trải qua vô số kiếp trong thời quá-khứ, đang chết trong thời hiện-tại, và sẽ chết trong thời vị-lai, chính ta cũng vậy, ta cũng đã từng chết trải qua vô số kiếp trong thời quá-khứ, rồi ta cũng sẽ chết trong thời vị-lai, đó là điều chắc chắn, không thể nào trốn tránh khỏi sự chết được, bởi vì khi mỗi kiếp đã sinh ra, rồi đến sự chết là cuối cùng của mỗi kiếp.
Năm điều không biết
Đối với các hạng phàm-nhân bình thường có 5 điều không thể biết là:
1- Jīvita: Sinh-mạng sẽ chết lúc tuổi ấu niên, hoặc trung niên, hoặc lão niên, điều này không thể biết được.
2- Byādhi: Sẽ chết do bệnh gì hoặc nguyên nhân gì,
điều này cũng không thể biết được.
3- Kāla: Sẽ chết vào lúc ban ngày hoặc lúc ban đêm,
điều này cũng không thể biết được.
4- Dehanikkhepana: Sẽ chết tại trong nhà hoặc ngoài nhà, điều này cũng không thể biết được.
5- Gati: Sau khi chết rồi, nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi nào, điều này cũng không thể biết được.
Đó là 5 điều mà các hạng phàm-nhân bình thường không biết được.
Sinh-mạng con người là điều không chắc chắn. Thật vậy, có người sống với nhau vào buổi sáng, đến buổi chiều, nghe tin người ấy đã chết; hoặc có người sống với nhau vào buổi chiều, đến buổi sáng hôm sau, nghe tin người ấy đã chết.
Kiếp hiện-tại, sinh-mạng con người nương nhờ vào hơi thở vào, hơi thở ra. Nếu có hơi thở ra, mà không có hơi thở vào thì kiếp hiện-tại người ấy đã chết rồi, nghiệp liền cho quả tái-sinh kiếp sau.
Kiếp sau của người nào như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp của người ấy cho quả tái-sinh kiếp sau, không hề liên quan đến một ai khác cả.
Kiếp sinh tử và kiếp tử sinh của mỗi chúng-sinh là như thế nào?
Kiếp sinh tử: Tất cả chúng-sinh đã sinh ra rồi ắt phải có tử, đó là sự thật hiển nhiên mà không một ai tránh khỏi được.
Đối với Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán khi tử (chết) gọi là tịch diệt Niết-bàn, đồng thời giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Ngoài Đức-Phật và chư Thánh A-ra-hán ra, còn lại các chúng-sinh phàm nhân khác, sau khi tử (chết), nghiệp nào (thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp) của riêng chúng-sinh ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, thuộc loài chúng-sinh nào, trong cõi nào hoàn toàn tùy thuộc vào quả của nghiệp ấy.
Kiếp tử sinh: Nghĩa là kiếp tử – kiếp sinh.
* Kiếp tử đó là tử-tâm (cuticitta: Chuyển-kiếp-tâm) là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại này diệt, gọi là chết.
* Kiếp sinh đó là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) là quả-tâm bắt đầu của kiếp sau mới sinh ra.
Nếu cứ tiếp tục diễn tiến không ngừng như vậy thì gọi là kiếp tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, hoàn toàn tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp riêng của mỗi chúng-sinh, không hề liên quan đến một ai cả.
Để tìm hiểu sự thật về tử và sinh như thế nào, hành-giả nên tìm hiểu trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇā-sannavīthicitta) là lộ-trình-tâm giây phút lâm chung, các tâm sinh rồi diệt liên tục nhau từ kiếp hiện-tại này sang kiếp sau kia cùng trong cận-tử lộ-trình-tâm.
Ví dụ: Ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm (manodvāramaraṇā-sannavīthicitta) là lộ-trình-tâm giây phút lâm chung phát sinh trong ý-môn, sinh rồi diệt theo tuần tự liên tục từ cuticitta (tử-tâm) quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại này diệt 1 sát-na-tâm sang paṭisandhicitta (tái-sinh-tâm) quả-tâm bắt đầu của kiếp sau sinh 1 sát-na-tâm trong ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm như sau:
“Bhavaṅgacitta, bhavaṅgacalana, bhavaṅgupaccheda, manodvāravajjanacitta, javanacitta, tadārammaṇacitta, cuticitta, paṭisandhicitta, bhavaṅgacitta, …” chấm dứt ý-môn cận-tử-lộ-trình-tâm.
Đồ biểu ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm
(Manodvāramaraṇāsannavīthicitta)
Giải thích:
1- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm là quả-tâm có đối-tượng cũ quá-khứ, theo hộ trì, giữ gìn kiếp hiện-tại này, sinh rồi diệt (viết tắt bha), làm duyên cho tâm tiếp theo.
2- Bhavaṅgacalana: Hộ-kiếp-tâm rung động do 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma, hoặc kammanimitta, hoặc gati-nimitta, nhưng vẫn còn giữ đối-tượng cũ quá-khứ, phát sinh 1 sát-na-tâm rồi diệt, (viết tắt na), làm duyên cho tâm tiếp theo.
3- Bhavaṅgupaccheda: Hộ-kiếp-tâm bị ngưng đối-tượng cũ quá-khứ, bởi vì 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma, hoặc kammanimitta, hoặc gatinimitta phát sinh 1 sát-na-tâm rồi diệt, (viết tắt da), làm duyên cho tâm tiếp theo.
4- Manodvāravajjanacitta: Ý-môn hướng-tâm tiếp nhận 1 trong 3 đối-tượng mới là kamma: Thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, hoặc kammanimitta: Hiện tượng của thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp, hoặc gatinimitta: Cõi ác-giới hoặc cõi thiện-giới phát sinh 1 sát-na-tâm rồi diệt, (viết tắt ma), làm duyên cho tâm tiếp theo.
5- Javanacitta: Tác-hành-tâm là tâm làm phận sự tạo nghiệp (thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp) có 1 trong 3 đối-tượng giống như ý-môn hướng-tâm trước, phát sinh chỉ có 5 sát-na-tâm yếu ớt rồi diệt, (viết tắt ja), làm duyên cho tâm tiếp theo:
6- Tadārammaṇacitta: Tiếp-đối-tượng-tâm là tâm tiếp đối-tượng thừa của tác-hành-tâm, phát sinh 2 sát-na tâm rồi diệt, (viết tắt ta), làm duyên cho tâm tiếp theo:
7- Cuticitta: Tử-tâm là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại có đối-tượng cũ quá-khứ, làm phận sự chuyển kiếp (chết), chấm dứt kiếp hiện-tại, phát sinh 1 sát-na tâm rồi diệt, (viết tắt cu) làm duyên cho tâm tiếp theo:
8- Paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm là quả-tâm làm phận sự tái-sinh bắt đầu của kiếp kế-tiếp, có 1 trong 3 đối-tượng là kamma hoặc kammanimitta hoặc gatinimitta giống như ý-môn hướng-tâm, phát sinh 1 sát-na-tâm rồi diệt, (viết tắt pa), làm duyên cho tâm tiếp theo:
9- Bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm là quả-tâm có đối-tượng giống như tái-sinh-tâm (kiếp hiện-tại), theo hộ trì, giữ gìn kiếp hiện-tại này, sinh rồi diệt, … (viết tắt bha), chấm dứt ý-môn cận-tử lộ-trình-tâm.
Theo maraṇāsannavīthicitta: Cận-tử lộ-trình-tâm thì cuticitta: Tử-tâm đó là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại diệt, liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm đó là quả-tâm bắt đầu của kiếp kế-tiếp (kiếp sau) sinh chỉ có cách nhau 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt mà thôi, không có thời gian khoảng cách chờ đợi.
Như vậy, cuticitta: Tử-tâm đó là quả-tâm cuối cùng kiếp hiện-tại làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) diệt, liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: Tái-sinh-tâm đó là quả-tâm nào bắt đầu làm phận sự tái-sinh kiếp sau chỉ có 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt, liền tiếp theo sau chính quả-tâm ấy biến chuyển thành bhavaṅgacitta: Hộ-kiếp-tâm làm phận sự hộ kiếp, bảo hộ giữ gìn kiếp chúng-sinh ấy cho đến khi mãn kiếp, rồi cũng chính quả-tâm ấy biến chuyển thành cuticitta: Tử-tâm làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh.
Nếu hành-giả hiểu biết rõ về kiếp hiện-tại tử và kiếp sau sinh chỉ có cách nhau 1 sát-na-tâm sinh rồi diệt mà thôi, thì hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định niệm-niệm sự chết (maraṇānussati) sẽ không sợ chết, mà lại phát sinh động-tâm (saṃvega), nên không dám dể duôi quên mình sao lãng trong mọi thiện-pháp, cố gắng tinh-tấn trong mọi thiện-pháp theo khả năng của mình.
Đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết này là đối-tượng vô cùng vi-tế, rộng lớn. Vì vậy, định-tâm không thể an-định nơi một đối-tượng nhất định được, cho nên, đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi, không thể đạt đến an-định (appanāsamādhi), nên không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào.
Tâm cận-định trong đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết này vẫn còn là dục-giới thiện-tâm, có dục-giới thiện-nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt đối với hành-giả là người không dám dể duôi, có trí-tuệ biết mình, cố gắng tinh-tấn trong mọi thiện pháp.
(Xong đề-mục thiền-định maraṇānussati niệm-niệm sự chết.)
3.9- Kāyagatāsati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm 32 Thể Trọc Trong Thân
Kāyagatāsati: Kāya + gatā + sati
Kāya: Thân nghĩa là gì?
Kāya: Thân nghĩa là nơi tổng hợp 32 thể trọc (trược).
Kāyagatāsati là niệm theo 32 thể trọc trong thân.
Kāyagatāsati là đề-mục thiền-định niệm theo 32 thể trọc trong thân. Đề-mục kāyagatāsati này còn có tên gọi là dvattiṃsakāyakammaṭṭhāna: Đề-mục thiền-định niệm 32 thể trọc trong thân, hoặc koṭṭhāsakammaṭṭhāna: Đề-mục thiền-định niệm 32 phần thể trọc.
Đề-mục thiền-định kāyagatāsati có chi-pháp là sati-cetasika: Niệm tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm có đối-tượng là 32 thể trọc.
Đề-mục thiền-định kāyagatāsati này đặc biệt được chư Thánh-nhân tiền bối tán dương ca tụng, bởi vì đề-mục này có khả năng dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới và chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành vô số bậc Thánh-nhân.
32 thể trọc (trược) là:
1- Kesā: Tóc mọc trên da đầu.
2- Lomā: Lông mọc trên da thân.
3- Nakhā: Móng mọc 10 đầu ngón tay, 10 ngón chân.
4- Dantā: Răng mọc 2 hàm răng trên và dưới.
5- Taco: Da bao bọc toàn thân.
6- Maṃsaṃ: Thịt dính với xương.
7- Nahāru: Gân có toàn thân.
8- Aṭṭhi: Xương các bộ phận.
9- Aṭṭhimiñjaṃ: Tủy trong ống xương.
10- Vakkaṃ: Thận.
11- Hadayaṃ: Trái tim.
12- Yakanaṃ: Gan.
13- Kilomakaṃ: Màng phổi.
14- Pihakaṃ: Bao tử.
15- Papphāsaṃ: Buồng phổi.
16- Antaṃ: Ruột già.
17- Antaguṇaṃ: Ruột non.
18- Udariyaṃ: Vật thực mới.
19- Karīsaṃ: Phẩn.
20- Mattaluṅgaṃ: Óc (não).
21- Pittaṃ: Mật.
22- Semhaṃ: Đàm.
23- Pubbo: Mủ.
24- Lohitaṃ: Máu.
25- Sedo: Mồ hôi.
26- Medo: Mỡ đặc.
27- Assu: Nước mắt.
28- Vasā: Mỡ lỏng.
29- Khelo: Nước miếng (bọt).
30- Singhāṇikā: Nước mũi.
31- Lasikā: Nước nhớt trong các khớp xương.
32- Muttaṃ: Nước tiểu.
32 thể trọc này gồm có 2 loại dhātu:
– Pathavīdhātu: Địa-đại có 20 thể trọc, kể từ kesā cho đến mattaluṅgaṃ.
– Āpodhātu: Thủy-đại có 12 thể trọc, kể từ pittaṃ cho đến muttaṃ.
Phương pháp thực-hành đề-mục Kāyagatāsati
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, trước hết, hành-giả cần phải thực-hành 2 phận sự đầu tiên là:
– Uggahakosalla: Tinh thông trong 7 điều học.
– Manasikārakosalla: Tinh thông trong 10 điều suy xét thực-hành.
* Uggahakosalla: Tinh thông trong 7 điều học
– Vacasā: Suy xét bằng lời.
– Manasā: Suy xét bằng tâm.
– Vaṇṇato: Suy xét màu sắc (màu đen, trắng, đỏ).
– Saṇṭhānato: Suy xét hình dáng.
– Disāto: Suy xét nơi sinh (phần trên, giữa, dưới).
– Okāsato: Suy xét chỗ ở trong thân.
– Paricchedato: Suy xét bằng cách quy định giới hạn.
* Manasikārakosalla: Tinh thông trong 10 điều suy xét thực-hành
1- Anupubbato: Suy xét theo tuần tự mỗi thể trọc.
2- Nātisīghato: Suy xét không nhanh quá.
3- Nātisaṇikato: Suy xét không chậm quá.
4- Vikkhepappaṭibāhanato: Định-tâm suy xét mỗi thể trọc theo tuần tự, không để phóng-tâm đến đối-tượng khác.
5- Paṇṇattisamatikkamato: Suy xét thoát khỏi pháp-chế-định.
6- Anupubbamuñcanato: Suy xét bỏ thể trọc không hiện rõ màu sắc, hình dáng, nơi sinh, nơi chốn.
7- Appanāto: Suy xét một thể trọc duy nhất dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới.
8- Adhicittasutta: Suy xét theo bài kinh Adhicittasutta.
9- Sītibhāvasutta: Suy xét theo bài kinh Sītibhāvasutta.
10- Bojjhaṅgakosallasutta: suy xét theo bài kinh Bojjhaṅgakosallasutta.
1- Giảng giải phận sự Uggahakosalla
Giảng giải phận sự uggahakosalla: Tinh thông trong 7 điều học đề-mục thiền-định kāyagatāsati niệm 32 thể trọc.
1- Vacasā: Suy xét bằng lời.
2- Manasā: Suy xét bằng tâm.
Trong 7 điều học tinh thông này, điều thứ nhất vacasā và điều thứ nhì manasā là 2 điều chính, 5 điều còn lại là điều phụ hỗ trợ cho điều manasā.
Cho nên, trước tiên hành-giả nên học 32 thể trọc theo lời dạy của Đức-Phật như sau:
“Atthi imasmiṃ kāye, Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ; pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo; assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ.”
Ý nghĩa
“Trong thân này của ta có: Tóc, lông, móng, răng, da; thịt, gân, xương, tủy, thận; tim, gan, màng phổi, bao tử, buồng phổi; ruột già, ruột non, vật thực mới, phẩn, óc; mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc; nước mắt, mỡ lỏng, nước miếng, nước mũi, nước nhớt, nước tiểu.”
Đề-mục thiền-định Kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này được phân chia ra làm 6 đoạn như sau:
1- Tacapañcaka có 5 thể trọc là kesā, lomā, nakhā, dantā, taco.
2- Vakkapañcaka có 5 thể trọc là maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ.
3- Papphāsapañcaka có 5 thể trọc là hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ.
4- Mattaluṅgapañcaka có 5 thể trọc là antaṃ, anta-guṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ.
5- Medachakka có 6 thể trọc là pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo.
6- Muttachakka có 6 thể trọc là assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ.
Phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc này, hành-giả cần phải thực-hành niệm bằng lời (vacasā) mỗi phần đúng theo phương-pháp một cách thành thạo theo tuần tự, để được thuận lợi cho việc thực-hành niệm bằng tâm (manasā).
32 thể trọc được phân chia ra làm 6 đoạn, phương pháp thực-hành mỗi đoạn có 3 cách, mỗi cách 5 ngày.
– Theo chiều thuận (anuloma) suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma) suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma) suốt 5 ngày. Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
1- Tacapañcaka có 5 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco – taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
2- Vakkapañcaka có 5 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ – vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
– Gom 2 đoạn (1+2) gồm có 10 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ – vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
3- Papphāsapañcaka có 5 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ – papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ, suốt 5 ngày. Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
* Gom 3 đoạn (1+2+3) gồm 15 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ – papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
4- Mattaluṅgapañcaka có 5 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Antaṃ, antaguṇaṃ udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ-mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ, suốt 5 ngày. Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
* Gom 4 đoạn (1+2+3+4) gồm có 20 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ – mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
5- Medachakka có 6 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo – medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
* Gom 5 đoạn (1+2+3+4+5) gồm có 26 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ; pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ; mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ; pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo – medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ; mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
6- Muttachakka có 6 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Muttaṃ, lasikā, singhāṇikā, khelo, vasā, assu, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ – muttaṃ, lasikā, singhāṇikā, khelo, vasā, assu, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
* Gom 6 đoạn (1+2+3+4+5+6) gồm có 32 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ; pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo; assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Muttaṃ, lasikā, singhāṇikā, khelo, vasā, assu; medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ; mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; maṃsaṃ, nahāru, aṭṭhi, aṭṭhimiñjaṃ, vakkaṃ; hadayaṃ, yakanaṃ, kilomakaṃ, pīhakaṃ, papphāsaṃ; antaṃ, antaguṇaṃ, udariraṃ, karīsaṃ, mattaluṅgaṃ; pittaṃ, semhaṃ, pubbo, lohitaṃ, sedo, medo; assu, vasā, khelo, singhāṇikā, lasikā, muttaṃ, – muttaṃ, lasikā, singhāṇikā, khelo, vasā, assu; medo, sedo, lohitaṃ, pubbo, semhaṃ, pittaṃ; mattaluṅgaṃ, karīsaṃ, udariraṃ, antaguṇaṃ, antaṃ; papphāsaṃ, pīhakaṃ, kilomakaṃ, yakanaṃ, hadayaṃ; vakkaṃ, aṭṭhimiñjaṃ, aṭṭhi, nahāru, maṃsaṃ; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā, suốt 5 ngày.
Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày.
Như vậy, đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc được chia ra làm 6 đoạn riêng và 5 đoạn ghép chung đoạn trước và đoạn sau, gom lại thành 11 đoạn, hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati niệm mỗi đoạn 15 ngày, nên gồm có tất cả 165 ngày hoặc 5 tháng và 15 ngày.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc theo parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ Pāḷi (vacasā) 6 đoạn, mỗi đoạn đúng theo 3 cách: Theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch, suốt 5 tháng và 15 ngày.
Trong 32 thể trọc ấy, nếu có thể trọc nào phát sinh hiện rõ trong tâm thì khi ấy, hành-giả không còn tưởng sattasaññā ghi nhớ chúng-sinh, nghĩa là hành-giả không còn nhớ mình là người (đàn ông hoặc đàn bà), mà chỉ có biết thể trọc ấy mà thôi.
Như vậy, hành-giả đã thực-hành đúng theo phương pháp của đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này.
Khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc theo parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu với dục-giới thiện-tâm niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ Pāḷi (vacasā) như vậy, suốt 5 tháng và 15 ngày, mà không có thể trọc nào phát sinh hiện rõ trong tâm, vẫn còn sattasaññā ghi nhớ chúng-sinh hiện hữu như bình thường, do không hiểu ý nghĩa sâu sắc của những danh từ Pāḷi ấy.
Chuyển đổi ngôn ngữ Pāḷi sang nghĩa tiếng Việt
Nếu hành-giả cảm nhận niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ Pāḷi không thích hợp, thì hành-giả có thể niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ nghĩa tiếng Việt của mình cũng được, bởi vì phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này cốt yếu cho một thể trọc nào phát sinh hiện rõ trong tâm, để diệt tưởng sattasaññā ghi nhớ chúng-sinh.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này cốt yếu diệt subhasaññā tưởng-đảo-điên cho rằng thân này là xinh đẹp, nhưng sự thật thân này là đầy ô trọc.
Phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ Pāḷi như thế nào, khi chuyển sang thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc bằng ngôn ngữ nghĩa tiếng Việt cũng như thế ấy, mọi cách thức hoàn toàn không thay đổi. Ví dụ:
* Tacapañcaka có 5 thể trọc theo 3 cách thức:
– Theo chiều thuận (anuloma): Tóc, lông, móng, răng, da, suốt 5 ngày.
– Theo chiều nghịch (paṭiloma): Da, răng, móng, lông, tóc, suốt 5 ngày.
– Theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma): Tóc, lông, móng, răng, da – da, răng, móng, lông, tóc, suốt 5 ngày. Theo 3 cách thức gồm có 15 ngày, v.v…
Các đoạn còn lại cũng chuyển đổi sang ngôn ngữ nghĩa tiếng Việt giống như vậy.
Quy định thời gian 5 tháng và 15 ngày
Có 3 hạng hành-giả thực-hành đề-mục kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc:
1- Tikkhapuggala: Hành-giả là hạng người có đủ tam nhân (tihetukapuggala) có trí-tuệ sắc bén nhanh nhạy, có ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn, có đủ 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, khi nghe vị Thiền-sư chỉ dạy đoạn thứ nhất rằng: “Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco,…” theo cách thức anuloma, paṭiloma, anuloma – paṭiloma, hành-giả ấy thực-hành theo liền thấy rõ, biết rõ thật-tánh của thân là sắc-pháp, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Như vậy, hành-giả thuộc về hạng người tikkhapuggala trở thành bậc Thánh A-ra-hán trước thời gian quy định 5 tháng 15 ngày.
2- Majjhimapuggala: Hành-giả là hạng người có đủ tam-nhân (tihetukapuggala) có trí bậc trung, có ba-la-mật đầy đủ, có đủ 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ, khi nghe vị Thiền sư chỉ dạy 32 thể trọc được chia ra làm 6 đoạn riêng và 5 đoạn ghép chung đoạn trước và đoạn sau, gom lại thành 11 đoạn.
Thực-hành niệm mỗi đoạn theo 3 cách thức gồm có 15 ngày nhân với 11 đoạn gồm có tất cả 165 ngày hoặc 5 tháng và 15 ngày, hành-giả có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
Như vậy, hành-giả thuộc về hạng người majjhimapug-gala trở thành bậc Thánh A-ra-hán theo thời gian quy định 5 tháng 15 ngày.
3- Mandapuggala: Hành-giả là hạng người có đủ tam nhân (tihetukapuggala) có trí bậc thường, có ba-la-mật bậc thường, có 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ bậc thường, khi nghe vị Thiền Sư chỉ dạy 32 thể trọc được chia ra làm 6 đoạn riêng và 5 đoạn ghép chung đoạn trước và đoạn sau, gom lại thành 11 đoạn.
Dù thực-hành niệm mỗi đoạn theo 3 cách thức gồm có 15 ngày nhân với 11 đoạn gồm có tất cả 165 ngày hoặc 5 tháng và 15 ngày, hành-giả vẫn chưa có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, nên hành-giả cần phải thực-hành niệm mỗi đoạn như trước, như vậy, trải qua 5 tháng và 15 ngày, một hoặc hai lần như vậy mới có khả năng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.
Như vậy, hành-giả thuộc về hạng người manda-puggala trở thành bậc Thánh-nhân theo thời gian quy định quá 5 tháng 15 ngày.
Phương pháp thực-hành đề-mục kāyagatāsati
* Đối với hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc, khi bắt đầu niệm bằng lời mỗi đoạn rằng: “Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco” hoặc “tóc, lông, móng, răng, da”, hành-giả chỉ niệm bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc mà thôi, không nên hướng tâm đến vaṇṇanimitta: Màu sắc hoặc paṭikūlanimitta: Tính chất đáng ghê tởm hoặc dhātunimitta: Tự tánh của mỗi thể trọc.
* Đối với vị Thiền-sư chỉ dạy đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc, không nên hướng dẫn hành-giả hướng tâm đến vaṇṇanimitta: Màu sắc hoặc paṭikūlanimitta: Tính chất đáng ghê tởm hoặc dhātu-nimitta: Tự tánh của mỗi thể trọc, mà chỉ nên hướng dẫn hành-giả niệm bằng lời mỗi đoạn rằng:“Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco” hoặc “tóc, lông, móng, răng, da”, niệm đến tính chất của mỗi thể trọc mà thôi.
Khi vị Thiền-sư dạy đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc, chỉ dẫn hành-giả thực-hành hướng tâm đến vaṇṇanimitta: Màu sắc của mỗi thể trọc.
Nếu hành-giả thực-hành niệm 32 thể trọc bằng lời mỗi đoạn, đồng thời hướng tâm đến vaṇṇanimitta: Màu sắc của mỗi thể trọc nhưng vaṇṇanimitta không phát sinh, mà paṭikūlanimitta hoặc dhātunimitta phát sinh thì hành-giả hiểu lầm rằng: “Ta thực-hành không đúng như vị Thiền sư đã dạy.”
Bởi vậy cho nên, vị Thiền sư chỉ nên hướng dẫn hành-giả niệm bằng lời mỗi đoạn rằng: “Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco,…” hoặc “tóc, lông, móng, răng, da,…” niệm đến tính chất của mỗi thể trọc mà thôi. Còn 3 loại nimitta: Vaṇṇanimitta, paṭikūlanimitta, dhātunimitta, loại nimitta nào phát sinh tùy theo năng lực của pháp-hành thiền-định mà hành-giả đã từng thực-hành trong tiền-kiếp, do năng lực của 5 pháp-chủ và các pháp-hạnh ba-la-mật của hành-giả.
* Khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc, niệm bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc như vậy, nếu vaṇṇanimitta: Màu sắc của thể trọc nào phát sinh, bởi vì tiền-kiếp của hành-giả đã từng thực-hành đề-mục thiền-định vaṇṇakasiṇa, nên vaṇṇa-nimitta: Màu trắng hoặc màu đỏ phát sinh, thì vaṇṇakam-maṭṭhāna là đề-mục thích hợp đối với hành-giả.
Vậy, hành-giả nên tiếp tục thực-hành đề-mục thiền-định vaṇṇakammaṭṭhāna ấy dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới.
* Khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc, niệm bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc như vậy, nếu paṭikūlanimitta: Tính chất đáng ghê tởm của thể trọc nào phát sinh, bởi vì tiền-kiếp của hành-giả đã từng thực-hành đề-mục thiền-định paṭikūlamanasikāra, nên paṭikūlanimitta phát sinh, thì paṭikūla-kammaṭṭhāna là đề-mục thiền-định thích hợp đối với hành-giả.
Vậy, hành-giả nên tiếp tục thực-hành đề-mục paṭikūla-kammaṭṭhāna ấy dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới.
* Khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati: Niệm 32 thể trọc, niệm bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc như vậy, nếu dhātunimitta: Tự tánh của thể trọc địa-đại (pathavī) hoặc thủy-đại (āpo) nào phát sinh, bởi vì tiền-kiếp của hành-giả đã từng thực-hành đề-mục thiền-định phân tích tứ-đại (catudhātuvavatthāna) nên dhātunimitta, tự tánh của thể trọc ấy phát sinh, thì dhātu-kammaṭṭhāna là đề-mục thích hợp đối với hành-giả.
Vậy, hành-giả nên tiếp tục thực-hành đề-mục thiền-định dhātukammaṭṭhāna ấy đạt đến cận-định, chưa chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào, bởi vì đề-mục dhātukammaṭṭhāna này chỉ có khả năng đạt đến cận-định (upacārasamādhi) mà thôi.
Đề-mục kāyagatāsati có ba loại nimitta
Đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc có thể có 3 loại nimitta là vaṇṇanimitta, paṭikūlanimitta, dhātunimitta. Trong 3 loại nimitta này có 2 loại nimitta là vaṇṇanimitta và paṭikūlanimitta dễ nhận biết, dễ phân biệt, bởi vì 2 loại nimitta này còn là đối-tượng chế-định-pháp (paññattidhamma).
Riêng Dhātunimitta, dhātu đó là 20 thể trọc thuộc pathavīdhātu (địa-đại), và 12 thể trọc thuộc āpodhātu (thủy-đại) thuộc đối-tượng chân-nghĩa-pháp (paramattha-dhamma) rất vi-tế, nên hành-giả khó nhận biết, khó phân biệt được.
Để nhận biết, phân biệt dhātunimitta, tự tánh của 20 thể trọc pathavīdhātu, và 12 thể trọc āpodhātu, trong khi hành-giả đang thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc, đang niệm bằng lời mỗi đoạn như:
“Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco, … hoặc “tóc, lông, móng, răng, da, …”, khi loại dhātunimitta phát sinh, thì atthapaññatti: Hình dáng của thể trọc tóc, lông, móng, răng, da, … thuộc pathavīdhātu (địa-đại) không hiện rõ, và tưởng sattasaññā ghi nhớ chúng-sinh, ta, người, đàn ông, đàn bà,… không còn tưởng nhớ nữa, chỉ có thật-tánh của thể trọc pathavīdhātu (địa-đại) hiện rõ mà thôi.
Khi ấy, hành-giả có trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thật-tánh dhātunimitta, tự tánh của thể trọc pathavīdhātu (địa-đại) rằng: “Kesā: Tóc không phải là sợi tóc dài, ngắn mọc trên da đầu nữa, v.v… kesā: Tóc không phải ta, không phải của ta. Thật-tánh của kesā: Tóc chỉ là địa-đại mà thôi.
Cũng tương tự như vậy, lomā: Lông không phải là sợi lông dài, ngắn mọc toàn thân nữa, v.v… lomā: Lông không phải ta, không phải của ta. Thật-tánh của lomā: Lông chỉ là địa-đại (pathavīdhātu) mà thôi…
Hành-giả có trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ thật-tánh dhātunimitta, tự tánh của thể trọc pathavīdhātu có 20 loại thể trọc kể từ kesā, lomā, lakhā, dantā, taco, … cho đến mattaluṅgaṃ; và tự tánh của thể trọc āpodhātu có 12 loại thể trọc kể từ pittaṃ, semhaṃ, pubbo, … cho đến muttaṃ.
Thật-tánh của 32 thể trọc này đều chỉ là địa-đại (pathavīdhātu) và thủy-đại (āpodhātu) mà thôi.
Thực-Hành Pháp-Hành Thiền-Tuệ
Sau khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāya-gatāsati: Niệm 32 thể trọc, có khả năng chứng đắc đến appanāsamādhi: An-định trong bậc thiền sắc-giới hoặc đạt đến upacārasamādhi: Cận-định trong dục-giới thiện-tâm.
Hành-giả sử dụng appanāsamādhi: An-định trong bậc thiền sắc-giới hoặc upacārasamādhi: Cận-định trong dục-giới thiện-tâm làm nền tảng và sử dụng sắc-giới thiện-tâm hoặc dục-giới thiện-tâm (có cận-định ấy) thuộc danh-pháp và bậc thiền sắc-giới-tâm hoặc tâm cận-định thuộc dục-giới thiện-tâm nương nhờ nơi hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm thuộc về sắc-pháp làm đối-tượng thiền-tuệ, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, hoặc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, hoặc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, hoặc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả.
Hành-giả chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả bậc nào hoàn toàn tùy thuộc vào các pháp-hạnh ba-la-mật, và 5 pháp-chủ: Tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của hành-giả ấy.
Giảng giải tiếp theo 5 điều Uggahakosalla
Phận sự uggahakosalla: Tinh thông trong 7 điều học đã giảng giải 2 điều vacasā: Suy xét bằng lời và manasā: Suy xét bằng tâm xong, tiếp theo giảng giải 5 điều còn lại là:
3- Vaṇṇato: Suy xét màu sắc (màu đen, trắng, đỏ).
4- Saṇṭhānato: Suy xét hình dáng.
5- Disāto: Suy xét nơi sinh, (phần trên, giữa, dưới).
6- Okāsato: Suy xét chỗ ở trong thân.
7-Paricchedato: Suy xét bằng cách quy định giới hạn.
Trong phận sự uggahakosalla có 7 điều học tinh thông, điều thứ nhất vacasā: Suy xét bằng lời và điều thứ nhì manasā: Suy xét bằng tâm, 2 điều này đóng vai trò chính yếu trong khi đang thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc. Và 5 điều học tinh thông còn lại là những điều phụ, hỗ trợ cho điều manasā: Suy xét bằng tâm, niệm đọc bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc ấy.
Thật vậy, khi đang thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc, hành-giả thực-hành suy xét bằng tâm, niệm đọc bằng lời đến tính chất của mỗi thể trọc nào, khi ấy, đồng thời biết rõ 5 điều học tinh thông còn lại của thể trọc ấy như sau:
3- Vaṇṇato: Suy xét màu sắc của thể trọc ấy trong thân.
4- Saṇṭhānato: Suy xét hình dáng của thể trọc ấy trong thân.
5- Disāto: Suy xét nơi sinh của thể trọc ấy trong thân.
6- Okāsato: Suy xét chỗ ở của thể trọc ấy trong thân.
7- Paricchedato: Suy xét bằng cách quy định giới hạn của thể trọc ấy trong thân.
Ví dụ: Kesā: Tóc
* Vaṇṇato: Màu sắc của tóc: Tóc có màu đen, hoặc màu trắng, hoặc màu vàng, …
* Saṇṭhānato: Hình dáng của tóc: Tóc có hình dáng là sợi nhỏ dài, ngắn.
* Disāto: Nơi sinh của tóc: Tóc mọc trên da đầu phần trên của thân.
* Okāsato: Chỗ ở của tóc: Tóc nằm bao bọc trên da đầu, bao từ vành trán vòng quanh 2 mép tai ra sau ót.
* Paricchedato: Giới hạn của tóc: Gốc tóc mọc sâu vào da đầu, ngọn tóc nằm bên ngoài thân. Mỗi sợi tóc đều mọc riêng rẽ với nhau, v.v…
Trong thân gồm có 32 thể trọc đó là Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco,… cho đến muttaṃ. Suy xét đúng theo sự thật, thì 32 thể trọc này là paṭikūlanimitta có tính chất thật đáng ghê tởm.
Sự lợi ích của đề-mục Kāyagatāsati
Theo bình thường các hạng phàm-nhân còn có tà-kiến trong ngũ-uẩn (sakkāyadiṭṭhi) mỗi khi gặp nhau, thấy sai, hiểu lầm rằng: “Ta, người, đàn ông, đàn bà, đẹp, không đẹp, v.v…” nên phát sinh tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm tà-kiến, tâm ngã-mạn, v.v… là những phiền-não làm cho tâm ô nhiễm.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc bằng lời với trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ tinh chất của thể trọc, khi ấy tưởng sattasaññā ghi nhớ chúng-sinh, ta, người, đàn ông, đàn bà không hiện hữu, mà chỉ biết thể trọc ấy hiện hữu mà thôi, nên phát sinh vaṇṇanimitta: Màu sắc của thể trọc, hoặc paṭikūlanimitta: Tính chất đáng ghê tởm của thể trọc, hoặc dhātunimitta: Tự tánh của thể trọc địa-đại, thủy-đại, làm cho đại-thiện-tâm trở nên trong sạch, tâm không bị ô nhiễm bởi phiền-não tham, sân, si,…
Đó là nguyên nhân quan trọng hỗ trợ dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.
Nếu hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati, niệm 32 thể trọc bằng lời mỗi đoạn đúng theo 3 cách: Theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch, suốt 5 tháng và 15 ngày, mà chưa phát sinh vaṇṇanimitta: Màu sắc của thể trọc, hoặc paṭikūla-nimitta: Tính chất đáng ghê tởm của thể trọc, hoặc dhātunimitta: Tự tánh của thể trọc địa-đại, thủy-đại, thì hành-giả chớ nên thoái chí nản lòng, nên cố gắng tinh-tấn tiếp tục thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc thường thường, bởi vì chư đại-đức thiện-trí tiền bối (porāṇattherā) khuyên dạy các hàng hậu sinh nên thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc này chắc chắn sẽ đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài trong kiếp hiện-tại và kiếp vị-lai, sẽ chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, sẽ chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, sẽ trở thành bậc Thánh-nhân trong Phật giáo.
Trong Chú-giải dạy rằng: “Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc này, thực-hành theo uggahakosalla, tinh thông 7 điều học, đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán rất đông.”
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc này, dù đã hành đúng theo phận sự thứ nhất uggahakosalla, trong 7 điều học tinh thông mà vẫn chưa chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chưa chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào, thì hành-giả nên tiếp tục hành theo phận sự thứ nhì manasikārakosalla, tinh thông trong 10 điều suy xét thực-hành.
2- Manasikārakosalla: Tinh thông trong 10 điều suy xét thực-hành
1- Anupubbato: Suy xét theo tuần tự mỗi thể trọc.
Sau khi đã thực-hành 7 điều học tinh thông uggaha-kosalla xong rồi, hành-giả không cần niệm bằng lời (vacasā) 32 thể trọc ấy nữa, mà nên suy xét 32 thể trọc ấy theo tuần tự mỗi thể trọc bằng tâm (manasā) với 5 điều:
* Vaṇṇato: Suy xét màu sắc (màu đen, trắng, đỏ).
* Saṇṭhānato: Suy xét hình dáng.
* Disāto: Suy xét nơi sinh (phần trên, giữa, dưới).
* Okāsato: Suy xét chỗ ở trong thân.
* Paricchedato: Suy xét bằng cách quy định giới hạn.
2- Nātisīghato: Suy xét không nhanh quá.
Khi đang suy xét 32 thể trọc ấy theo tuần tự mỗi thể trọc bằng tâm ấy, hành-giả không nên suy xét nhanh quá, nếu suy xét nhanh quá thì Vaṇṇato, Saṇṭhānato, Disāto, Okāsato, Paricchedato của thể trọc ấy sẽ không hiện rõ.
3- Nātisaṇikato: Suy xét không chậm quá.
Khi đang suy xét 32 thể trọc ấy theo tuần tự mỗi thể trọc bằng tâm ấy, hành-giả không nên suy xét chậm quá, nếu suy xét chậm quá thì vaṇṇato, saṇṭhānato, disāto, okāsato, paricchedato của thể trọc ấy sẽ thấy xinh đẹp, làm cho đề-mục thiền-định không tiến triển, không dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới và Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn.
4- Vikkhepappaṭibāhanato: Định-tâm suy xét mỗi thể trọc theo tuần tự, không để phóng-tâm đến đối-tượng khác.
Hành-giả thực-hành đề-mục kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc theo tuần tự với định-tâm suy xét mỗi thể trọc một cách rất thận trọng, không để phóng-tâm đến đối-tượng khác.
5- Paṇṇattisamatikkamato: Suy xét thoát khỏi pháp-chế-định.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc theo tuần tự với định-tâm suy xét nāmapaññatti: Danh từ chế-định và saṇṭhānapaññatti: Hình dáng chế-định, cốt yếu cho paṭikūlanimitta phát sinh. Khi paṭikūlanimitta đã phát sinh lên rồi, hành-giả không cần suy xét đến nāmapaññatti: Danh từ chế-định rằng: Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco, … và saṇṭhānapaññatti: Hình dáng chế-định hình dáng của mỗi thể trọc ấy nữa.
Hành-giả nên suy xét thoát ra khỏi các chế-định-pháp (paññattidhamma).
6- Anupubbamuñcanato: Suy xét bỏ thể trọc không hiện rõ màu sắc, hình dáng, nơi sinh, chỗ ở, giới hạn.
Khi suy xét theo chiều thuận từ kesā, lomā, nakhā, dantā, taco, … cho đến muttaṃ; theo chiều nghịch từ Muttaṃ, lasikā, singhāṇikā, khelo, vasā, assu, … cho đến Kesā, hành-giả có trí-tuệ sáng suốt quan sát, nếu thấy thể trọc nào hoặc đoạn nào không hiện rõ vaṇṇato, saṇṭhānato, disāto, okāsato, paricchedato của thể trọc ấy thì bỏ thể trọc ấy hoặc đoạn ấy, tiếp tục suy xét đến thể trọc khác hoặc đoạn khác hiện rõ.
Trong các thể trọc hiện rõ hoặc các đoạn hiện rõ, hành-giả suy xét thấy thể trọc hoặc đoạn hiện rõ hơn, bỏ thể trọc hoặc đoạn hiện không rõ. Và tiếp tục như vậy, cho đến khi chỉ còn lại 2 thể trọc hiện rõ nhất mà thôi.
Hành-giả suy xét thấy trong 2 thể trọc ấy, thể trọc nào hiện rõ nhiều nhất, suy xét thể trọc ấy, bỏ thể trọc hiện rõ ít ấy, bởi vì, sự suy xét thể trọc này khi đến cuối cùng chỉ còn duy nhất một thể trọc hiện rõ nhiều nhất mà thôi, không phải cả 32 thể trọc.
7- Appanāto: Suy xét một thể trọc duy nhất dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới.
Khi hành-giả suy xét 32 thể trọc, bỏ những thể trọc hiện rõ ít dần dần theo tuần tự cho đến khi cuối cùng chỉ còn duy nhất một thể trọc hiện rõ nhiều nhất ấy mà thôi. Tiếp theo hành-giả suy xét thể trọc ấy làm đối-tượng thiền định, dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới, mà không cần suy xét các thể trọc khác nữa.
Sự lợi ích niệm bằng lời 32 thể trọc
Ban đầu thực-hành đề-mục kāyagatāsati, niệm 32 thể trọc bằng lời trong 6 đoạn, hành-giả có thể nhận được 1 trong 2 sự lợi ích là:
– Trong khi hành-giả đang niệm 32 thể trọc bằng lời trong 6 đoạn, mỗi đoạn theo chiều thuận (anuloma), theo chiều nghịch (paṭiloma), theo chiều thuận – nghịch (anuloma – paṭiloma), đệ nhất thiền sắc-giới có khả năng phát sinh.
– Nếu đệ nhất thiền sắc-giới chưa phát sinh thì hành-giả suy xét thấy trong 32 thể trọc, thể trọc nào hiện rõ nhiều, bỏ những thể trọc hiện rõ ít dần dần theo tuần tự cho đến khi cuối cùng chỉ còn duy nhất một thể trọc hiện rõ nhiều nhất mà thôi. Tiếp theo hành-giả suy xét thể trọc ấy làm đối-tượng thiền định, dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới.
8- Adhicittasutta: Suy xét theo bài kinh Adhicittasutta.
Thực-hành theo bài kinh Adhicittasutta, hành-giả cần phải xem xét trong 3 loại nimitta là:
– Samādhinimitta: Trạng-thái định-tâm.
– Paggahanimitta: Trạng-thái tinh-tấn.
– Upekkhānimitta: Trạng-thái xả.
Nếu xem xét thấy trạng-thái nào nhiều quá hoặc ít quá thì hành-giả cần phải giảm bớt hoặc tăng thêm, để cho 3 trạng-thái ấy đồng đều nhau, làm cho định-tâm vững chắc trong đối-tượng thiền định ấy.
Trong 3 trạng-thái (nimitta) này:
– Nếu samādhinimitta: Trạng-thái định-tâm có nhiều quá thì dễ phát sinh kosajja: Tâm lười biếng.
– Nếu paggahanimitta: Trạng-thái tinh-tấn có nhiều quá thì dễ phát sinh uddhacca: Phóng-tâm.
– Nếu upekkhānimitta: Trạng-thái xả có nhiều quá thì không thể chứng đắc bậc thiền sắc-giới, Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn được.
Vì vậy, hành-giả không nên quan tâm đặc biệt đến nimitta: Trạng-thái nào nhiều quá, mà sự thật nên quan tâm làm cho cả 3 nimitta: Trạng-thái đồng đều nhau, để cho pháp-hành thiền-định được tiến triển, dẫn đến chứng đắc bậc thiên sắc-giới.
9- Sītibhāvasutta: Suy xét theo bài kinh Sītibhāvasutta
Thực-hành theo bài kinh Sītibhāvasutta, hành-giả cần phải thực-hành theo 6 pháp, để làm cho chứng ngộ Niết-bàn gọi là Sītibhāva: Tính tĩnh lặng. 6 pháp là:
– Chế ngự tâm trong lúc nên chế ngự nghĩa là khi có tinh-tấn nhiều quá thì nên chế ngự giảm bớt lại.
– Nâng đỡ tâm trong lúc nên nâng đỡ nghĩa là khi tâm buồn-chán, buồn-ngủ, thoái chí nản lòng thì nên nâng đỡ trở nên tinh-tấn tiếp tục thực-hành thiền-định.
– Khuyến khích tâm trong lúc nên khuyến khích nghĩa là khi tâm không hoan hỷ trong pháp-hành thiền-định thì nên khuyến khích tâm có đức-tin trong pháp-hành.
– Tâm đang tiến triển tốt trong pháp-hành, không phóng-tâm, không buồn-chán – buồn-ngủ, không thoái chí nản lòng, nên giữ tâm quân bình.
– Tâm hướng đến chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả.
– Tâm hướng đến chứng ngộ Niết-bàn.
10- Bojjhaṅgakosallasutta: Suy xét theo bài kinh Bojjhaṅgakosallasutta.
Thực-hành theo bài kinh Bojjhaṅgakosallasutta, hành-giả suy xét thấy khi nào tâm buồn-chán – buồn-ngủ, thoái chí nản lòng, không có sự tinh-tấn, khi ấy, hành-giả nên hành dhammavicayasambojjhaṅga, vīriyasamboj-jhaṅga, pītisambojjhaṅga, cả 3 pháp sambojjhaṅga này cần được tăng thêm năng lực.
Và suy xét thấy khi nào có sự tinh-tấn nhiều, nên phát sinh phóng-tâm, khi ấy, hành-giả nên hành passsadhi-sambojjhaṅga, samādhisambojjhaṅga, upekkhāsamboj-jhaṅga, cả 3 pháp sambojjhaṅga này cần tăng thêm năng lực.
Tính chất đặc biệt đề-mục Kāyagatāsati
Trong 40 đề-mục thiền-định, đề-mục kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc trong thân được chia ra làm 6 đoạn riêng và 5 đoạn chung gom đoạn trước và đoạn sau, gồm có 11 đoạn cả thảy, hành-giả thực-hành niệm bằng lời mỗi đoạn theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch, gồm có 15 ngày, nhân với 11 đoạn thành 165 ngày hoặc 5 tháng và 15 ngày. Cho nên, đề-mục Kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này là khó học và phương pháp hành khó hơn các đề-mục thiền-định khác. Song hành-giả thực-hành đề-mục kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này, có được quả báu thật đáng hài lòng hoan hỷ.
Thật vậy, trong bộ Chú-giải Sammohavinodanī aṭṭha-kathāpāḷi tán dương ca tụng về đề-mục kāyagatāsati rằng:
“Imaṃ kammaṭṭhānaṃ bhāvetvā Arahattaṃ pattānaṃ bhikkhūnaṃ vā bhikkhunīnaṃ vā upāsakānaṃ vā upāsikānaṃ vā gaṇanaparicchedo nāma natthi.”
“Yo hi imaṃ paṭipattiṃ paṭipajjati so bhikkhu nāma hoti, paṭipannako hi devo vā manusso vā bhikkhū’ti saṅkhayaṃ gacchatiyeva.”
Chư tỳ-khưu, chư tỳ-khưu ni, các cận-sự-nam, các cận-sự-nữ đã thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati này dẫn đến trở thành bậc Thánh A-ra-hán nhiều không sao kể được.
Hành-giả nào thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatā-sati này, hành-giả ấy gọi là “tỳ-khưu” thật sự. Dù hành-giả là chư-thiên hoặc nhân-loại cũng được kể là tỳ-khưu cả thảy.
Tính chất đặc biệt của nhóm Tacapañcaka
Nhóm Tacapañcaka đặc biệt làm đề-mục thiền-định trong nghi lễ cạo tóc để xuất gia sa-di.
* Tích Ngài Trưởng-lão Sīvaliđược tóm lược như sau:
Trước khi hoàng-tử Sīvali ra đời, Ngài đã ở trong lòng bà hoàng-hậu Suppavāsā dòng vua Koliya suốt thời gian 7 năm tròn và 7 ngày. Gần tới ngày sinh, bà hoàng-hậu chịu bao nỗi đau đớn tưởng chừng không qua khỏi, nên bà tâu với Đức-vua phu quân rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, trước khi chết thần thiếp muốn tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Thế-Tôn.
Kính xin Hoàng-thượng ngự đến hầu Đức-Thế-Tôn mà bạch rằng: “Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Suppavāsā công-chúa dòng Koliya kính thỉnh Ngài ngự đến cung điện để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường.”
Đức-Thế-Tôn truyền dạy như thế nào, xin Hoàng-thượng ghi nhớ, rồi truyền lại cho thần thiếp rõ.”
Theo lời tâu của hoàng-hậu Suppavāsā, Đức-vua ngự đến hầu Đức-Thế-Tôn, bạch theo lời của bà.
Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
“Suppavāsā Koliyadhītā, sukhinī arogā, arogaṃ puttaṃ vijāyatu.”
(Công-chúa Suppavāsā dòng Koliya được an-lạc, không bệnh hoạn, sinh hoàng-tử an toàn, không bệnh hoạn.)
Khi ấy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy như vậy, tại cung điện hoàng-hậu Suppavāsā sinh hoàng-tử một cách dễ dàng như nước chảy ra khỏi bình, giữa số đông người trong hoàng tộc hớn hở vui mừng.
Đức-vua ngự trở về vô cùng vui mừng nghĩ rằng:
“Lời truyền dạy của Đức-Thế-Tôn đúng quá!”
Đức-vua ngự đến thăm hoàng-hậu, truyền lại lời dạy của Đức-Thế-Tôn cho hoàng-hậu nghe.
Hoàng-hậu tâu rằng:
– Tâu Hoàng-thượng, kính xin Hoàng-thượng ngự đến ở trong lòng hoàng hậu Supavāsā suốt thời gian 7 năm 7 tháng 7 ngày. hầu Đức-Thế-Tôn, kính thỉnh Ngài ngự đến cung điện cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để thần thiếp tạo phước-thiện bố-thí cúng dường suốt 7 ngày.
Đức-Thế-Tôn ngự đến cung điện cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thọ thực suốt 7 ngày.
Đến ngày thứ 7, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta hỏi hoàng-tử Sīvali rằng:
– Này hoàng-tử! Con đã chịu đựng nỗi khổ ở trong lòng mẫu hậu lâu như vậy, nay con muốn xuất gia để giải thoát khổ hay không?
Hoàng-tử Sīvali bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, con muốn xuất gia, nếu con được mẫu hậu và phụ vương cho phép.
Thấy hoàng-tử bạch chuyện với Ngài Đại-Trưởng-lão, bà hoàng-hậu Suppavāsā muốn biết, nên đến bạch hỏi Ngài rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, hoàng-tử của con bạch điều gì với Ngài vậy?
– Này hoàng-hậu! Hoàng-tử của bà bạch về nỗi khổ nằm trong lòng mẫu hậu suốt thời gian lâu dài như vậy, nên bạch rằng: “Con muốn xuất gia, nếu mẫu hậu và phụ vương cho phép.”
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão nói như vậy, bà hoàng-hậu Suppavāsā vô cùng hoan hỷ đồng ý cho phép hoàng-tử đi xuất gia, bà bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, kính xin Ngài từ bi tế độ hoàng-tử của con được xuất gia.
Hoàng-tử Sīvali xuất gia
Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta dẫn hoàng-tử trở về chùa. Khi làm lễ cạo tóc, Ngài Đại-Trưởng-lão truyền dạy hoàng-tử Sīvali thực-hành đề-mục tacapañcaka-kammaṭṭhāna: Đề-mục thiền-định nhóm tacapañcaka đó là“kesā, lomā, nakkhā, dantā, taco, … – taco, dantā, nakkhā, lomā, kesā, …” theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch.
Hoàng-tử Sīvali thực-hành đề-mục thiền-định nhóm tacapañcaka ấy, trong khi đang làm lễ cạo tóc như sau:
– Khi cạo những sợi tóc đầu tiên rơi xuống, hoàng-tử Sīvali chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Tiếp theo những sợi tóc thứ hai rơi xuống, hoàng-tử chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Tiếp theo những sợi tóc thứ ba rơi xuống, hoàng-tử chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Tiếp theo những sợi tóc cuối cùng rơi xuống, hoàng-tử chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, và Niết-bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng một lúc với lễ cạo tóc không sau không trước.
Khi ấy, Hoàng-tử Sīvali trở thành bậc Thánh A-ra-hán kể từ khi tái-sinh đầu thai vào bụng hoàng-hậu Suppavāsā suốt 7 năm 7 ngày cộng với 7 ngày sinh ra đời, tổng cộng 7 năm 14 ngày (hoặc 7 năm 7 tháng 14 ngày).
* Tích Ngài Trưởng-lão Dabbattherađược tóm lược như sau:
Ngài Trưởng-lão Dabbatthera thật là đặc biệt, khi Ngài tái-sinh đầu thai trong lòng mẹ thuộc hoàng tộc Malla, tại kinh thành Anupiya, nước Malla.
Khi thai nhi gần đến ngày sinh, thì mẹ của Ngài chết, bà con dòng họ đem thi hài ra nghĩa địa, đưa lên giàn hỏa, châm lửa thiêu cháy, lửa bị tắt, cái bụng của thi thể bị nứt làm đôi, Ngài rơi ra bên ngoài, bà con ẵm Ngài trao cho bà nội đem về nuôi dưỡng, đặt tên Ngài là Dabbakumāra: Công-tử Dabba.
Công-tử Dabba lên được 7 tuổi, khi ấy Đức-Thế-Tôn ngự đến nước Malla, cùng với số đông chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, trú tại vườn xoài gần kinh thành Anupiya.
Nhìn thấy Đức-Thế-Tôn, công-tử Dabba liền phát sinh đức-tin trong sạch muốn xuất gia, nên trở về gặp bà nội thưa rằng:
– Kính thưa bà nội, cháu muốn xuất gia trong giáo pháp của Đức-Phật. Xin bà nội cho phép cháu xuất gia.
Nghe cháu xin như vậy, bà nội vô cùng hoan hỷ bảo:
– Này cháu yêu quý! Bà đồng ý cho cháu xuất gia.
Bà dẫn công tử Dabba đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính xin Ngài từ bi tế độ cháu của con, cho phép nó xuất gia nơi Ngài.
Chấp thuận cho công-tử Dabba xuất gia, Đức-Thế-Tôn truyền bảo vị tỳ-khưu làm lễ cạo tóc cho công tử Dabba.
Vâng lời dạy của Đức-Thế-Tôn, vị tỳ-khưu truyền dạy Công-tử Dabba đề-mục tacapañcakakammaṭṭhāna: Đề-mục thiền-định nhóm Tacapañcaka đó là “kesā, lomā, nakkhā, dantā, taco – taco, dantā, nakkhā, lomā, kesā, …” theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch.
Công-tử Dabba thực-hành đề-mục thiền-định nhóm tacapañcaka ấy, trong khi đang làm lễ cạo tóc, công-tử Dabba chứng đắc thành 4 bậc Thánh-nhân theo tuần tự:
– Khi cạo những sợi tóc đầu tiên rơi xuống, công-tử Dabba chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
– Tiếp theo những sợi tóc thứ hai rơi xuống, công-tử Dabba chứng đắc Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.
– Tiếp theo những sợi tóc thứ ba rơi xuống, công-tử Dabba chứng đắc Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả, và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Bất-lai.
– Tiếp theo những sợi tóc cuối cùng rơi xuống, công-tử Dabba chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả, và Niết-bàn trở thành bậc Thánh A-ra-hán, cùng một lúc với lễ cạo tóc không sau không trước.
Công-tử Dabba trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc lên 7 tuổi.
* Tích Saṃkiccasāmaṇeravatthuđược tóm lược như sau:
Saṃkiccasāmaṇera: Sa-di Saṃkicca lên 7 tuổi là đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.
Khi Ngài tái-sinh đầu thai vào lòng mẹ (con của gia đình khá giả) trong kinh-thành Sāvatthī. Thai nhi đang nằm trong bụng mẹ gần ngày sinh, thì mẹ của Ngài bị lâm bệnh chết. Bà con đem thi thể ra nghĩa địa, đưa lên giàn hỏa, châm lửa thiêu các phần khác đều cháy, chỉ còn phần bụng có thai nhi nằm thì lửa bị tắt không cháy mà thôi.
Nhóm thợ thiêu dùng câu móc đem thi thể bỏ vào đống lửa than hồng, rồi trở về nhà. Thai nhi như thỏi vàng (savaṇṇabimbasadiso) nằm trên đống lửa ấy, sinh-mạng an toàn như nằm trong bọc hoa sen.
Thật vậy, kiếp chót của chúng-sinh chưa trở thành bậc Thánh A-ra-hán, dù núi sineru đè cũng không thể chết được.
Sáng ngày hôm sau, bà con đến chỗ giàn hỏa, lửa đều dập tắt, nhìn thấy đứa bé an toàn nằm trong đống tro tàn.
Thật là phi thường chưa từng có! Đứa bé nằm trên đống lửa mà không bị chết thiêu! Bà con vào ẵm đứa bé trở về nuôi dưỡng, đặt tên là Saṃkiccakumāra: Công-tử Saṃkicca.
Khi Công-tử Saṃkicca lên 7 tuổi biết đời sống khốn khổ của mình đã thoát chết như vậy, nên nghĩ rằng:
“Ahaṃ kira evarūpā bhayā mutto, kiṃ me gharāvāsena pabbajissāmi.”
Ta đã thoát nạn chết như vậy, ích lợi gì đời sống của người tại gia, tốt nhất ta sẽ xuất gia.
Sau khi nghĩ như vậy, công-tử Saṃkicca vào thưa những người bà con, xin đi xuất gia.
Tất cả bà con đều đồng nói lời “Sādhu!” Lành thay!
Những người bà con dẫn công-tử Saṃkicca đến đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, xin Ngài có tâm từ tế độ cho phép công tử Saṃkicca xuất gia với Ngài.
Ngài Đại-Trưởng-lão truyền dạy công tử Saṃkicca đề-mục tacapañcakakammaṭṭhāna: Đề-mục thiền-định nhóm Tacapañcaka đó là “kesā, lomā, nakkhā, dantā, taco – taco, dantā, nakkhā, lomā, kesā, …” theo chiều thuận, theo chiều nghịch, theo chiều thuận – nghịch.
Công-tử Saṃkicca thực-hành đề-mục thiền-định nhóm Tacapañcaka ấy, trong khi đang làm lễ cạo tóc cho đến khi cạo tóc xong, công-tử Saṃkicca chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ-phân-tích (paṭisambhidā) cùng một lúc, không trước không sau.
Công-tử Saṃkicca trở thành bậc Thánh A-ra-hán lúc Ngài lên 7 tuổi.
Vì vậy, nhóm tacapañcaka này là đề-mục thiền-định căn bản gốc theo tuyền thống trong nghi lễ cạo tóc để xuất gia sa-di từ xưa cho đến nay.
Đề-mục Kāyagatāsati trong Phật-giáo
Trong bộ Visuddhimagga dạy rằng: “Đề-mục thiền-định: Niệm 32 thể trọc này chỉ có trong Phật-giáo mà thôi, hoàn toàn không có ngoài Phật-giáo.
Đức-Phật chỉ dạy phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati: Niệm 32 thể trọc này, ngoài Đức-Phật ra, không có vị đạo-sư nào có khả năng chỉ dạy phương pháp thực-hành đề-mục thiền-định kāyagatāsati này được.”
Trong Chi-bộ-kinh, Đức-Phật dạy rằng:
“- Ekadhammo bhikkhave, bhāvito bahulīkato paññā-paṭilābhāya saṃvattati, paññāvuddhiyā saṃvattati, paññā-vepullāya saṃvattati, mahāpaññāya saṃvattati, puthu-paññatāya saṃvattati, vipulapaññatāya saṃvattati, gambhīrapaññatāya saṃvattati, asāmantapaññatāya saṃvattati, bhūripaññatāya saṃvattati, paññābāhullāya saṃvattati, sīghapaññatāya saṃvattati, lahupaññatāya saṃvattati, hāsapaññatāya saṃvattati, javanapaññatāya saṃvattati, tikkhapaññatāya saṃvattati, nibbedhika-paññatāya saṃvattati.
Katamo ekadhammo? Kāyagatā sati.
– Ayaṃ kho bhikkhave, ekadhammo bhāvito bahulīkato paññāpaṭilābhāya saṃvattati, paññāvuddhiyā saṃvattati, paññāvepullāya saṃvattati, mahāpaññāya saṃvattati, puthupaññatāya saṃvattati, vipulapaññatāya saṃvattati, gambhīrapaññatāya saṃvattati, asāmantapaññatāya saṃvattati, bhūripaññatāya saṃvattati, paññābāhullāya saṃvattati, sīghapaññatāya saṃvattati, lahupaññatāya saṃvattati, hāsapaññatāya saṃvattati, javanapaññatāya saṃvattati, tikkhapaññatāya saṃvattati, nibbedhika-paññatāya saṃvattati.”
– Này chư tỳ-khưu! Có một pháp-hành mà hành-giả đã thực-hành rồi, đã thường thực-hành trở nên thuần thục, để đạt được các loại trí-tuệ, để phát triển trí-tuệ, để tăng trưởng trí-tuệ, để có đại trí-tuệ, để có trí-tuệ vĩ đại, để có trí-tuệ rộng lớn, để có trí-tuệ sâu sắc, để có trí-tuệ vô song, để có trí-tuệ rộng lớn bao la, để có trí-tuệ nhiều, để có trí-tuệ nhanh nhạy, để có trí-tuệ mau lẹ, để có trí-tuệ hân hoan, để có trí-tuệ tiến triển, để có trí-tuệ sắc bén, để có trí-tuệ thấu suốt.
Một pháp ấy là pháp gì? Một pháp ấy là “kāyagatāsati”.
– Này chư tỳ-khưu! Pháp-hành kāyagatāsati này mà hành-giả đã thực-hành rồi, đã thực-hành nhiều rồi, để đạt được các loại trí-tuệ, để phát triển trí-tuệ, để tăng trưởng trí-tuệ, để có đại trí-tuệ, để có trí-tuệ vĩ đại, để có trí-tuệ rộng lớn, để có trí-tuệ sâu sắc, để có trí-tuệ vô song, để có trí-tuệ rộng lớn bao la, để có trí-tuệ nhiều, để có trí-tuệ nhanh nhạy, để có trí-tuệ mau lẹ, để có trí-tuệ hân hoan, để có trí-tuệ tiến triển, để có trí-tuệ sắc bén, để có trí-tuệ thấu suốt.
(Xong đề-mục thiền-định Kāyagatāsati)
3.10- Ānāpānassati: Đề-Mục Thiền-Định Niệm Hơi Thở Vào, Hơi Thở Ra
Ānāpānassati nghĩa là gì?
Ānāpānassati: Āna + apāna + sati
– Āna: Hơi thở vào,
– Apāna: Hơi thở ra,
– Sati: Niệm.
Ānāpānassati là đề-mục niệm hơi thở vào – hơi thở ra có niệm tâm-sở (saticetasika) đồng sinh với dục-giới thiện-tâm có đối-tượng hơi thở vào – hơi thở ra.
Đề-mục ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra là đề-mục thiền-định mà hành-giả thực-hành có khả năng dẫn đến chứng đắc đầy đủ 5 bậc thiền sắc-giới.
* Trong Chú-giải Suttantapiṭakapāḷi giải thích rằng:
Āna: Hơi thở vào;
Apāna hoặc pāna: Hơi thở ra.
Đó là cách giải thích theo pavattikkamanaya: Cách phát sinh theo thứ tự trước sau của hơi thở.
Theo bình thường mọi người thở vào trước, rồi thở ra sau, nên khi hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định Ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra, theo cách bình thường ấy.
* Trong Chú-giải Vinayapiṭakapāḷi giải thích rằng:
Āna: Hơi thở ra.
Apāna hoặc pāna: Hơi thở vào.
Đó là cách giải thích theo uppattikkamanaya: Cách phát sinh theo thứ tự hơi thở ra, rồi hơi thở vào của đứa trẻ sơ sinh đầu tiên ra khỏi lòng mẹ. Đó là theo cách tự nhiên như vậy.
Thai nhi khi đang ở trong bụng mẹ, không có hơi thở của chính mình, được tăng trưởng do nương nhờ hơi thở của mẹ, đến khi trẻ sơ sinh đầu tiên ra khỏi lòng mẹ, theo tự nhiên thở ra trước, rồi thở vào sau.
Danh từ“ānāpāna” này còn gọi là assāsapassāsa.
– Assāsa: Hơi thở vào.
– Passāsa: Hơi thở ra.
Assāsapassāsa: Hơi thở vào – hơi thở ra.
Phương pháp thực-hành đề-mục Ānāpānassati
Hành-giả có ý nguyện muốn thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra. Trước tiên hành-giả cần phải tìm đến vị Thiền-sư là người tinh thông về pháp-học Phật-giáo và pháp-hành Phật-giáo, nhất là có đầy đủ kinh nghiệm về pháp-hành thiền-định đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra.
Hành-giả xin được thọ giáo với vị Thiền-sư ấy, để học hỏi hiểu biết rõ 5 pháp cơ bản của đề-mục thiền-định ānāpānassati như sau:
1- Uggaha: Học hiểu biết rõ ý nghĩa của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
2- Paripucchā: Học hỏi nghiên cứu rõ ràng phương pháp thực-hành.
3- Upaṭṭhāna: Ghi nhớ 3 nimitta: đối-tượng của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
4- Appanā: Ghi nhớ 5 bậc thiền của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
5- Lakkhaṇa: Ghi nhớ trạng-thái thật-tánh của pháp-hành thiền-định ānāpānassati.
Phần pháp-học của đề-mục thiền-định Ānāpānassati
Để thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào, hơi thở ra, hành-giả cần phải học hỏi rành rẽ:
– 5 cách hành trong kinh, phần ānāpānassati.
– 4 cách hành thuộc về pháp-hành thiền-định.
– 4 cách hành thuộc về pháp-hành thiền-tuệ.
Trong kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta: Kinh Đại-niệm-xứ, Đức-Phật thuyết dạy phần thân niệm-xứ, đối-tượng Ānāpānapabba có đoạn rằng:
“Idha bhikkhave, bhikkhu araññagato vā rukkha-mūlagato vā suññāgāragato vā nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhāpetvā.
1- So sato va assasati, sato va passasati:
2- Dīghaṃ vā assanto dīghaṃ assasāmī’ti pajānati, Dīghaṃ vā passanto dīghaṃ passasāmī’ti pajānati.
3- Rassaṃ vā assanto rassaṃ rassasāmī’ti pajānati, Rassaṃ vā passanto rassaṃ passasāmī’ti pajānati.
4- Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, Sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati,
5- Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti sikkhati.
– Này chư tỳ-khưu! Trong Phật-giáo này, tỳ-khưu đến khu rừng vắng, hoặc đến gốc cây, hoặc đến nơi thanh vắng, ngồi xếp bằng đặt thân hình ngay thẳng, có tâm niệm thẳng đề-mục thiền-định hơi thở vào, hơi thở ra.
1- Tỳ-khưu hành-giả ấy chỉ có tâm niệm hơi thở vào mà thôi; chỉ có tâm niệm hơi thở ra mà thôi.
1 Bộ Dīghanikāya, Mahāvagga, kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.
2- Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở vào dài, ta thở vào dài.” Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở ra dài, ta thở ra dài.”
3- Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở vào ngắn, ta thở vào ngắn.” Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở ra ngắn, ta thở ra ngắn.”
4- Hành-giả nên thực tập rằng:“Biết rõ đầu, giữa, cuối toàn hơi thở vào, ta sẽ thở vào.” Hành-giả nên thực tập rằng:“Biết rõ đầu, giữa, cuối toàn hơi thở ra, ta sẽ thở ra.”
5- Hành-giả nên thực tập rằng: “Làm hơi thở vào, ra thô trở nên thanh-tịnh vi-tế, ta sẽ thở vào.” Hành-giả nên thực tập rằng: “Làm hơi thở vào, ra thô trở nên thanh-tịnh vi-tế, ta sẽ thở ra.”
Đoạn kinh trên, Đức-Phật dạy 5 pháp căn bản của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
Pháp thứ nhất là pháp căn bản của pháp-hành thiền-định đề-mục ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra.
Pháp thứ 2 cho đến pháp thứ 5 là cách thực tập để tiến triển dẫn đến chứng đắc bậc thiền sắc-giới.
Hơi thở vào – hơi thở ra phát sinh do tâm. Tâm có khả năng phát sinh hơi thở vào – hơi thở ra bình thường gồm có 75 tâm, đó là 12 bất-thiện-tâm, 8 vô-nhân-tâm (trừ 10 thức-tâm), 8 đại-thiện-tâm, 8 đại-quả-tâm, 8 đại-duy-tác-tâm, 15 sắc-giới-tâm, 8 vô-sắc-giới-tâm (trừ 4 vô-sắc-giới-quả-tâm), 8 siêu-tam-giới-tâm, và đặc biệt trừ quả-tâm khi làm phận sự tái-sinh kiếp sau của tất cả chúng-sinh, khi làm phận sự cuti, và tịch diệt Niết-bàn của bậc Thánh A-ra-hán.
Pháp thứ nhất: Hành-giả có niệm tâm-sở (saticetasika) ghi nhớ khi hơi thở vào – hơi thở ra tiếp xúc tại đầu lỗ mũi, hoặc vành môi trên (tùy theo hành-giả nhận biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra tại nơi nào).
Hành-giả có niệm tâm-sở luôn luôn ghi nhớ, biết rõ đối-tượng hơi thở vào và hơi thở ra tiếp xúc tại đầu lỗ mũi, hoặc vành môi trên, để cho tâm không biết đến những đối-tượng khác, mà chỉ biết đến đối-tượng hơi thở vào và hơi thở ra của mình mà thôi.
Đó là cách thực tập định-tâm (samādhi) trong đối-tượng hơi thở vào và hơi thở ra, bởi vì bình thường tâm nhận biết nhiều đối-tượng khác nhau, nên tâm không có định trong một đối-tượng nào cả.
Tính chất đặc biệt của đề-mục ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra là một đề-mục thiền-định luôn luôn sẵn có trong mình, không phải vất vả tạo ra đề-mục mới, hoặc tìm kiếm đề-mục bên ngoài như một số đề-mục thiền-định khác.
Trong bộ Visuddhimagga dạy cách thực-hành đề-mục thiền-định Ānāpānassati rằng:
Gaṇanā anubandhanā, phusanā, ṭhāpanā, sallakkhaṇā. Vivaṭṭanā pārisuddhi, tesañca paṭipassanā .
Cách thực-hành gaṇanā, anubandhanā, phusanā, ṭhāpanā, sallakkhaṇā, vivaṭṭanā, pārisuddhi, tesañca paṭipassanā.
Giảng giải:
Bốn cách thực-hành thuộc về pháp-hành thiền-định:
1- Gaṇanā: Cách hành niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo 6 nhóm.
2- Anubandhanā: Cách hành niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra liên tục tuần tự từng nhóm.
3- Phusanā: Cách hành biết hơi thở vào, hơi thở ra tiếp xúc đầu lỗ mũi.
4- Ṭhāpanā: Cách hành đặt định-tâm vững chắc trong bậc thiền sắc-giới của đề-mục Ānāpānassati.
Bốn cách thực-hành thuộc về pháp-hành thiền-tuệ:
1- Sallakkhaṇā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung.
2- Vivaṭṭanā: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc Thánh-đạo.
3- Pārisuddhi: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc Thánh-quả.
4- Tesañca paṭipassanā: Trí-tuệ quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận, và chưa bị diệt tận.
Bốn cách thực-hành thuộc về pháp-hành thiền-định
1- Gaṇanānaya: Cách hành đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo 6 nhóm: Từ nhóm pañcaka cho đến nhóm dasaka.
– Hành-giả bắt đầu thực-hành niệm nhóm thứ nhất: Hơi thở vào, hơi thở ra đếm 1, 2 cho đến 5.
– Tiếp theo niệm nhóm thứ nhì: Hơi thở vào, hơi thở ra đếm 1, 2 cho đến 6. Và tiếp tục như vậy theo tuần tự đến:
Niệm nhóm thứ sáu: Hơi thở vào, hơi thở ra đếm 1, 2 cho đến 10.
Hành-giả thực-hành đếm hơi thở vào, hơi thở ra không nên đếm dưới số 5 và cũng không nên đếm quá số 10. Bởi vì nếu hành-giả đếm dưới số 5 thì cảm nhận như chật vật khó chịu, và nếu hành-giả đếm quá số 10 thì cảm nhận như buông lỏng. Cho nên hành-giả chỉ nên niệm đếm trong khoảng từ 5 cho đến 10 mà thôi.
Gaṇanānaya có 2 loại:
1.1– Dhaññamāmakagaṇanānaya: Cách hành niệm đếm chậm chậm hơi thở vào, hơi thở ra, ví như người đong lúa đếm chậm chậm từng ô (lon) lúa, nghĩa là hành-giả chỉ niệm đếm chậm chậm hơi thở vào, hơi thở ra, để tâm nhận biết rõ ràng mà thôi, không đếm hơi thở mà tâm không nhận biết rõ ràng. Cho nên, hành-giả nên thở vào, thở ra chậm chậm, để cho tâm nhận biết kịp hơi thở và đếm đúng theo cách hành từng mỗi nhóm.
Cách hành tiếp theo là:
1.2– Gopālakagaṇanānaya: Cách hành niệm đếm nhanh hơi thở vào, hơi thở ra, ví như người giữ bò đếm nhanh đàn bò chen lấn nhau ra nhanh khỏi cổng chuồng, nghĩa là sau khi hành-giả đã thực-hành theo cách hành Dhaññamāmakagaṇanānaya đếm rành rẽ từng mỗi hơi thở vào, hơi thở ra, và tâm niệm nhận biết rõ ràng từng hơi thở vào, hơi thở ra theo từng mỗi nhóm, nên tâm không còn bỏ quên hơi thở nào nữa.
Vì vậy, hơi thở vào, hơi thở ra nhanh, tâm niệm nhận biết cũng nhanh theo hơi thở vào, hơi thở ra, và niệm đếm đúng theo từng hơi thở.
2- Anubandhanānaya: Cách hành niệm ghi nhớ hơi thở vào, hơi thở ra liên tục trong từng mỗi nhóm hơi thở. 3- Phusanānaya: Cách hành biết tiếp xúc hơi thở vào, hơi thở ra tại đầu lỗ mũi theo cách hành gaṇanānaya và cách hành anubandhanānaya.
(Đây không phải là cách hành riêng biệt, mà là cách hành theo 2 cách hành trước.)
4- Ṭhapanānaya: Cách hành đặt định-tâm vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta, thay thế tâm niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
(Đây không phải là cách hành riêng biệt, mà là cách hành theo 2 cách hành trước.)
Phương pháp thực-hành đề-mục Ānāpānassati
Muốn thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra, hành-giả tìm đến nơi thanh vắng thích hợp cho pháp-hành thiền-định, ngồi xếp bằng ngay thẳng, chú tâm niệm hơi thở vào, hơi thở ra tại đầu lỗ mũi (hoặc tại vành môi trên), nơi tâm nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra rõ ràng nhất.
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra theo 5 pháp căn bản trong bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta.
Pháp căn bản thứ nhất, Đức-Phật dạy rằng:
1- So sato va assasati, sato va passasati:
* Tỳ-khưu hành-giả ấy chỉ có tâm niệm hơi thở vào mà thôi, chỉ có tâm niệm hơi thở ra mà thôi.
Thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra, hành-giả thực-hành theo tuần tự 4 cách hành thuộc về pháp-hành thiền-định:
1- Cách thực-hành thứ nhất: Gaṇanānaya: Cách hành niệm đếm hơi thở, niệm đếm từ nhóm thứ nhất pañcaka: nhóm 5, hành-giả thở vào, thở ra niệm đếm 1, tiếp tục thở vào, thở ra niệm đếm 2, 3 cho đến 5.
Tiếp theo nhóm chakka (nhóm 6), nhóm sattaka (nhóm7), nhóm aṭṭhaka (nhóm 8), nhóm navaka (nhóm 9), dasaka (nhóm 10), như sau:
1.1– Cách thực-hành Dhaññamāpakagaṇanāya
Hành-giả thực-hành theo cách hành dhaññamāpaka-gaṇanāya: Cách hành niệm đếm chậm chậm hơi thở vào, hơi thở ra từng nhóm, có 6 nhóm: Bắt đầu hơi thở vào, hơi thở ra, ví như người đong lúa đếm chậm chậm từng ô (lon) lúa như sau:
1- Nhóm pañcaka (nhóm 5)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5.
2- Nhóm chakka (nhóm 6)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5;
– Hơi thở vào niệm đếm 6, hơi thở ra niệm đếm 6.
3- Nhóm sattaka (nhóm 7)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5;
– Hơi thở vào niệm đếm 6, hơi thở ra niệm đếm 6;
– Hơi thở vào niệm đếm 7, hơi thở ra niệm đếm 7.
4- Nhóm aṭṭhaka (nhóm 8)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5;
– Hơi thở vào niệm đếm 6, hơi thở ra niệm đếm 6;
– Hơi thở vào niệm đếm 7, hơi thở ra niệm đếm 7;
– Hơi thở vào niệm đếm 8, hơi thở ra niệm đếm 8.
5- Nhóm navaka (nhóm 9)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5;
– Hơi thở vào niệm đếm 6, hơi thở ra niệm đếm 6;
– Hơi thở vào niệm đếm 7, hơi thở ra niệm đếm 7;
– Hơi thở vào niệm đếm 8, hơi thở ra niệm đếm 8;
– Hơi thở vào niệm đếm 9, hơi thở ra niệm đếm 9.
6- Nhóm dasaka (nhóm 10)
– Hơi thở vào niệm đếm 1, hơi thở ra niệm đếm 1;
– Hơi thở vào niệm đếm 2, hơi thở ra niệm đếm 2;
– Hơi thở vào niệm đếm 3, hơi thở ra niệm đếm 3;
– Hơi thở vào niệm đếm 4, hơi thở ra niệm đếm 4;
– Hơi thở vào niệm đếm 5, hơi thở ra niệm đếm 5;
– Hơi thở vào niệm đếm 6, hơi thở ra niệm đếm 6;
– Hơi thở vào niệm đếm 7, hơi thở ra niệm đếm 7;
– Hơi thở vào niệm đếm 8, hơi thở ra niệm đếm 8;
– Hơi thở vào niệm đếm 9, hơi thở ra niệm đếm 9;
– Hơi thở vào niệm đếm 10, hơi thở ra niệm đếm 10.
Hành-giả thực-hành niệm hơi thở vào, hơi thở ra đếm từ nhóm 5 cho đến nhóm 10, rồi tiếp tục bắt đầu lại từ nhóm 5 cho đến nhóm 10 như vậy, trong suốt thời gian thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra này.
Hành-giả đang thực-hành niệm trong tâm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành dhaññamāmakagaṇanānaya niệm đếm chậm chậm hơi thở vào, hơi thở ra, ví như người đong lúa đếm chậm chậm từng ô (lon) lúa, nghĩa là hành-giả chỉ niệm đếm chậm chậm hơi thở vào, hơi thở ra mà tâm nhận biết rõ ràng mà thôi, không đếm hơi thở mà tâm không nhận biết rõ ràng.
Cho nên, phương pháp niệm đếm số như đã trình bày trong 6 nhóm chỉ làm mẫu mực mà thôi.
1.2– Cách thực-hành Gopālakagaṇanānaya
Hành-giả sau khi đã thực-hành theo cách hành dhaññamāmakagaṇanānaya rành rẽ, thuần-thục, niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra, từng mỗi nhóm không còn sai nữa, có định-tâm vững vàng trong đối-tượng hơi thở vào, hơi thở ra nhanh hơn, định-tâm niệm nhận biết cũng nhanh theo đối-tượng hơi thở vào, hơi thở ra ấy. Đó là sự tiến triển đến cách hành Gopālakagaṇanānaya.
Cách thực-hành gopālakagaṇanānaya niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra hầu hết giống cách hành dhañña-māmakagaṇanānaya, nhưng hành-giả niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra nhanh hơn, định-tâm niệm nhận biết nhanh trong từng mỗi nhóm hơi thở vào, hơi thở ra một cách thuần thục, không lộn, không sai, có định-tâm vững vàng, rõ ràng trong đối-tượng hơi thở vào, hơi thở ra ấy.
2-3– Anubandhanānaya và Phusanānaya
– Anubandhanānaya: Cách hành niệm ghi nhớ hơi thở vào, hơi thở ra liên tục trong từng mỗi nhóm hơi thở, và
– Phusanānaya: Cách hành biết tiếp xúc hơi thở vào, hơi thở ra tại đầu lỗ mũi theo cách hành gaṇanānaya và cách hành anubandhanānaya.
(Đây không phải là cách hành riêng biệt, mà là cách hành theo 2 cách hành trước.)
Thực-hành theo cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya này, hành-giả thực-hành theo pháp thứ 2 đến pháp thứ 5 là những pháp căn bản trong bài kinh.
Pháp căn bản thứ 2 và 3, Đức-Phật dạy rằng:
2- Dīghaṃ vā assanto dīghaṃ assasāmī’ti pajānati, Dīghaṃ vā passanto dīghaṃ passasāmī’ti pajānati.
– Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở vào dài, ta thở vào dài.”
– Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở ra dài, ta thở ra dài.”
3- Rassaṃ vā assanto rassaṃ rassasāmī’ti pajānati, Rassaṃ vā passanto rassaṃ passasāmī’ti pajānati.
– Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở vào ngắn, ta thở vào ngắn.”
– Hành-giả nên biết rõ rằng:“Khi đang thở ra ngắn, ta thở ra ngắn.”
Bình thường, mọi người có hơi thở khác nhau, số người có hơi thở vào, hơi thở ra dài, như hơi thở vào, hơi thở ra dài của loài rắn, bò, voi, … Số người có hơi thở vào, hơi thở ra ngắn, như hơi thở vào, hơi thở ra ngắn của loài chó, mèo, chim, …
Dù trong một người, cũng có khi hơi thở vào, hơi thở ra ngắn, khi hơi thở vào, hơi thở ra dài, tùy theo lúc. Cho nên, khi hơi thở vào, hơi thở ra dài thì hành-giả nên biết hơi thở vào, hơi thở ra dài; khi hơi thở vào, hơi thở ra ngắn thì hành-giả nên biết hơi thở vào, hơi thở ra ngắn.
Pháp căn bản thứ 4, Đức-Phật dạy rằng:
4- Sabbakāyapaṭisaṃvedī assasissāmī’ti sikkhati, Sabbakāyapaṭisaṃvedī passasissāmī’ti sikkhati.
* Hành-giả nên thực tập rằng: “Biết rõ toàn hơi thở đầu, giữa, cuối, rồi ta sẽ thở vào.”
* Hành-giả nên thực tập rằng: “Biết rõ toàn hơi thở đầu, giữa, cuối, rồi ta sẽ thở ra.”
Sau khi niệm hơi thở vào, hơi thở ra dài, hơi thở vào, hơi thở ra ngắn, định-tâm nhận biết rõ ràng mỗi hơi thở vào, hơi thở ra dài, mỗi hơi thở vào, hơi thở ra ngắn tiến triển tốt, từ đó hành-giả nên thực-hành đến pháp căn bản thứ tư rằng:
“Biết rõ toàn hơi thở đầu, giữa, cuối, rồi ta sẽ thở vào.”
“Biết rõ toàn hơi thở đầu, giữa, cuối, rồi ta sẽ thở ra.”
Hành-giả nhận biết toàn hơi thở nghĩa là:
– Khi hơi thở vào: Biết rõ đầu hơi thở tại đầu lỗ mũi, giữa hơi thở tại ngực, cuối hơi thở tại lỗ rún.
– Khi hơi thở ra: Biết rõ đầu hơi thở tại lỗ rún, giữa hơi thở tại ngực, cuối hơi thở tại đầu lỗ mũi.
Dù định-tâm nhận biết đầu hơi thở, giữa hơi thở, cuối hơi thở như vậy, hành-giả cũng chỉ đặt niệm tâm-sở tại đầu lỗ mũi là nơi tiếp xúc của hơi thở vào, hơi thở ra mà thôi, định-tâm không nên dõi theo hơi thở vào, hơi thở ra.
Trong khi hành-giả đang tinh-tấn thực-hành liên tục theo pháp căn bản thứ 2-3-4, hơi thở vào, hơi thở ra từ thô trở nên vi-tế dần dần, bởi vì định-tâm càng vi-tế thì hơi thở vào, hơi thở ra cũng càng vi-tế theo định-tâm ấy, cho nên tiến triển đến pháp căn bản thứ 5 theo trong kinh.
Pháp căn bản thứ 5, Đức-Phật dạy rằng:
5- Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ assasissāmī’ti sikkhati, Passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ passasissāmī’ti Sikkhati.
– Hành-giả nên thực tập rằng: “Làm hơi thở vào, hơi thở ra thô trở nên thanh-tịnh vi-tế, rồi ta sẽ thở vào.”
– Hành-giả nên thực tập rằng: “Làm hơi thở vào, hơi thở ra thô trở nên thanh-tịnh vi-tế, rồi ta sẽ thở ra.”
Nếu khi hơi thở vào, hơi thở ra trở nên càng vi-tế thì đối với số hành-giả có niệm tâm-sở, định-tâm, trí-tuệ nhiều năng lực có thể nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra vi-tế ấy được, nhưng đối với hành-giả có niệm tâm-sở, định-tâm, trí-tuệ không có đủ năng lực, thì không thể nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra vi-tế ấy, thậm chí không còn biết hơi thở, tưởng chừng hành-giả không có hơi thở nữa.
Nếu không có khả năng nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra vi-tế ấy thì hành-giả không nên lo ngại, chỉ cần đặt niệm tâm-sở tại nơi đầu lỗ mũi, không lâu, định-tâm sẽ nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra ấy trở lại như trước.
Sở dĩ hơi thở vào, hơi thở ra càng trở nên vi-tế là vì định-tâm của hành-giả càng vi-tế, nhưng niệm tâm-sở, định-tâm, trí-tuệ của hành-giả không có đủ khả năng, nên không thể nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra vi-tế ấy.
Thật ra, hơi thở vào, hơi thở ra phát sinh do tâm gọi là cittajarūpa. Người không có hơi thở vào, hơi thở ra chỉ có 8 hạng chúng-sinh mà thôi, đó là:
1- Thai nhi nằm trong bụng mẹ.
2- Người lặn xuống nước.
3- Người chết ngất xỉu.
4- Người chết.
5- Hành-giả nhập đệ ngũ thiền.
6- Phạm-thiên ở cõi trời sắc-giới.
7- Phạm-thiên ở cõi trời vô sắc-giới.
8- Bậc Thánh A-ra-hán nhập diệt-thọ-tưởng.
Ngoài 8 hạng chúng-sinh ấy ra, còn lại tất cả chúng-sinh đều có hơi thở vào, hơi thở ra bình thường.
Hành-giả không thuộc về 1 trong 8 hạng chúng-sinh ấy, chắc chắn có hơi thở vào, hơi thở ra, cho nên hành-giả chỉ cần đặt niệm tâm-sở tại đầu lỗ mũi mà thôi, định-tâm sẽ nhận biết hơi thở vào, hơi thở ra ấy trở lại như trước.
Tính chất đặc biệt của Anubandhanānaya
Hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra bắt đầu từ cách hành gaṇanānaya tiến triển đúng đắn dẫn đến cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya làm lắng dịu sự nóng nảy trong thân, do định-tâm có khả năng làm cho hơi thở vào, hơi thở ra loại thô dần dần trở nên vi-tế theo tuần tự, làm cho thân và tâm có trạng-thái an-tịnh làm nhân dẫn đến cách hành thứ 4 là:
4- Ṭhapanānaya: Cách hành đặt định-tâm vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta, thay thế tâm niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành anu-bandhanānaya và cách hành phusanānaya, để chứng đắc các bậc thiền sắc-giới của đề-mục thiền-định ānāpānassati.
(Đây không phải là cách hành riêng biệt, mà là cách hành theo 2 cách hành trước.)
Anubandhanānaya đến cách hành ṭhapanānaya
Đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra có đủ 3 loại nimitta, 3 loại bhāvanā, 3 loại samādhi liên quan với nhau, có khả năng dẫn đến chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới.
Ba loại nimitta, 3 loại bhāvanā, 3 loại samādhi của đề-mục ānāpānassati
Đề-mục thiền-định ānāpānassati có 3 loại nimitta mà mỗi loại nimitta có nhiều loại phát sinh tùy theo hành-giả, hoàn toàn khác với 3 loại nimitta của đề-mục thiền-định hình tròn kasiṇa, cho nên hành-giả không chỉ cần phải học hỏi, ghi nhớ rõ các loại nimitta ấy, mà còn phải gần gũi thân cận với vị Thiền sư đầy kinh nghiệm về đề-mục thiền-định ānāpānassati này, để trình pháp-hành của mình, mới tránh được điều hoài-nghi trong pháp-hành thiền-định với đề-mục thiền-định ānāpānassati này.
Ba loại nimitta
1- Parikammanimitta: Đối-tượng đề-mục thiền-định ban đầu là hơi thở vào – hơi thở ra làm đối-tượng của parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định.
2- Uggahanimitta: Đối-tượng của đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra hiện rõ trong tâm có nhiều loại như là dây nước, làn khói, bột bông vải, vòng hoa, … chuyển động.
3- Paṭibhāganimitta: Đối-tượng của đề-mục thiền-định ānāpānassati, hơi thở vào – hơi thở ra hiện rõ trong tâm có nhiều loại như là mặt trăng, mặt trời, vòng ngọc maṇi, vòng ngọc muddā,… hoàn toàn trong sáng bất động.
Ba loại bhāvanā, ba loại samādhi
1- Parikammabhāvanā: Tâm-hành ban đầu thực-hành pháp-hành thiền-định:
Hành-giả bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-định với các dục-giới lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm (javanacitta) dục-giới thiện-tâm có đối-tượng parikammanimitta: Đề-mục thiền-định ban đầu, hơi thở vào, hơi thở ra, hành-giả niệm đếm hơi thở vào – hơi thở ra theo cách hành gaṇanānaya mỗi nhóm, kể từ nhóm 5 pañcaka cho đến nhóm 10 dasaka, rồi trở lại niệm đếm từ nhóm 5 pañcaka cho đến nhóm 10 dasaka như vậy, trong suốt thời gian thực-hành đề-mục thiền-định ānāpānassati.
Hành-giả thực-hành niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành gaṇanānaya mỗi nhóm, tiến triển theo tuần tự đến cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya đúng theo 5 pháp-căn-bản trong kinh mà Đức-Phật đã thuyết giảng, cho đến khi tiến triển diễn biến tốt đến đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati (dây nước, làn khói, bột bông vải, vòng hoa, … chuyển động) phát sinh rõ ở trong tâm.
Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là parikammasamādhi: Sơ định ban đầu trong đề-mục-thiền định ānāpānassati ấy còn cách xa bậc thiền sắc-giới.
2- Upacārabhāvanā: Tâm-hành cận bậc thiền
Sau khi có đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati như là dây nước, làn khói, bột bông vải, vòng hoa, … chuyển động phát sinh rõ ở trong tâm, hành-giả tiếp tục thực-hành theo cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya với các dục-giới ý môn lộ-trình-tâm có tác-hành-tâm dục-giới thiện-tâm phát sinh liên tục có đối-tượng uggahanimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati (dây nước, làn khói, bột bông vải, vòng hoa, … chuyển động), tiến triển tốt diễn biến đến đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati (mặt trăng, mặt trời, vòng ngọc maṇi, vòng ngọc muddā,… hoàn toàn trong sáng bất động).
Định-tâm đồng sinh với dục-giới thiện-tâm gọi là upacārasamādhi: Cận-định trong đề-mục thiền-định ấy, đạt đến gần bậc thiền sắc-giới (mahaggatajjhāna).
3- Appanābhāvanā: Tâm-hành chứng đắc bậc thiền
Sau khi đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati như là mặt trăng, mặt trời, vòng ngọc maṇi, vòng ngọc muddā,… hoàn toàn trong sáng bất động đã hiện rõ trong tâm (thay thế tâm niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành anu-bandhanānaya và cách hành phusanānaya), hành-giả tiếp tục thực-hành theo cách hành anubandhanānaya và cách hành phusanānaya tiến triển đến cách hành ṭhapanānaya với sắc-giới lộ-trình-thiền-tâm, trong tác-hành-tâm (javanacitta) có sắc-giới-thiện-tâm phát sinh có đối-tượng paṭibhāganimitta của đề-mục thiền-định ānāpānassati (mặt trăng, mặt trời, vòng ngọc maṇi, vòng ngọc muddā, … hoàn toàn trong sáng bất động), chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm.
Định-tâm đồng sinh với đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm ấy gọi là appanāsamādhi: An-định trong đề-mục thiền-định ấy, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm (paṭhamajjhānakusalacitta).
Để chứng đắc từ đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm cho đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm của đề-mục thiền-định ānāpānassati này, phương pháp thực-hành hầu hết giống như đề-mục thiền-định pathavīkasiṇa đã trình bày ở phần trước.
Tóm lại hành-giả thực-hành đề-mục thiền-định ānā-pānassati: Niệm hơi thở vào, hơi thở ra, hành-giả thực-hành theo tuần tự 4 cách hành (naya):
1- Cách thực-hành gaṇanānaya niệm đếm hơi thở vào, hơi thở ra từng nhóm, có 6 nhóm: Bắt đầu đếm từ nhóm pañcaka cho đến nhóm dasaka.
2- Tiếp theo cách thực-hành anubandhanānaya, niệm hơi thở vào, hơi thở ra liên tục trong từng mỗi nhóm hơi thở vào, hơi thở ra.
3- Tiếp theo cách thực-hành phusanānaya, biết tiếp xúc hơi thở tại đầu lỗ mũi theo cách hành gaṇanānaya và cách hành anubandhanānaya.
4- Tiếp theo cách thực-hành ṭhapanānaya, đặt tâm vững chắc trong đối-tượng paṭibhāganimitta thay thế niệm hơi thở vào, hơi thở ra theo cách hành anu-bandhannaya và cách hành phusanānaya, dẫn đến chứng đắc theo tuần tự 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.
Bốn cách thực-hành thuộc về pháp-hành thiền-tuệ
1- Sallakkhaṇā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung.
2- Vivaṭṭanā: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc Thánh-đạo.
3- Pārisuddhi: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng đắc Thánh-quả.
4- Tesañca paṭipassanā: Trí-tuệ quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn, phiền-não đã bị diệt tận, và chưa bị diệt tận.
Sau khi đã chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm của đề-mục thiền-định ānāpānassati, hoặc chứng đắc bậc thiền sắc-giới nào, hành-giả có ý nguyện muốn tiếp tục thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ hoặc pháp-hành thiền-tuệ.
Trước tiên, hành-giả nhập bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ấy, rồi xả bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ấy, sau đó, hành-giả sử dụng bậc thiền sắc-giới thiện-tâm của đề-mục thiền-định ānāpānassati ấy làm nền tảng, làm đối-tượng của pháp-hành tứ-niệm-xứ là thân, thọ, tâm, pháp, hoặc làm đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ là danh-pháp, sắc-pháp như sau:
– 5 chi-thiền của bậc thiền sắc-giới thiện-tâm có 2 loại thọ: Thọ lạc (sukha), thọ xả (upekkhā), thuộc về phần niệm thọ của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc thọ tâm-sở thuộc về danh-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
– 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm thuộc về trong phần niệm tâm của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc 5 sắc-giới thiện-tâm thuộc về danh-pháp và 5 sắc-giới thiện-tâm nương nhờ nơi hadayavatthurūpa: Sắc-pháp là nơi sinh của ý-thức-tâm, thuộc về sắc-pháp, là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
– Hơi thở vào, hơi thở ra là vāyophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là phong-đại thuộc về āyatana trong phần niệm pháp của pháp-hành tứ-niệm-xứ, hoặc hơi thở vào, hơi thở ra là vāyophoṭṭhabbārammaṇa: Đối-tượng xúc là phong-đại thuộc về sắc-pháp là đối-tượng của pháp-hành thiền-tuệ.
16 loại trí-tuệ của pháp-hành thiền-tuệ
Hành-giả thực-hành pháp-hành tứ-niệm-xứ có niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ là danh-pháp, sắc-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh tuần tự trải qua 16 loại trí-tuệ thiền-tuệ theo 4 cách hành trong đề-mục thiền-định ānāpānassati thuộc về pháp-hành thiền-tuệ như sau:
1- Sallakkhaṇā: Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái chung:
Hành-giả thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có trí-tuệ thiền-tuệ tuần tự phát sinh như sau:
– Trí-tuệ thứ nhất gọi là nāmarūpaparicchedañāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ phân biệt rõ thật-tánh của mỗi danh-pháp, mỗi sắc-pháp, … đến:
– Trí-tuệ thiền-tuệ thứ 4 gọi là udayabbayānupas-sanāñāṇa phát sinh thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của mỗi danh-pháp mỗi sắc-pháp, nên trí-tuệ thiền-tuệ này thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: Trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp, sắc-pháp hiện-tại.
Trí-tuệ thiền-tuệ tam-giới phát sinh theo tuần tự đến trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới là:
2- Vivaṭṭanā: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 gọi là Maggañāṇa: Thánh-đạo-tuệ trong Thánh-đạo-lộ-trình-tâm (Maggavīthicitta).
Thánh-đạo-tuệ có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ (Sotāpattimaggañāṇa).
– Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ (Sakadāgāmimaggañāṇa).
– Bất-lai Thánh-đạo-tuệ (Anāgāmimaggañāṇa).
– A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ (Arahattamaggañāṇa).
Mỗi Thánh-đạo-lộ-trình-tâm, khi trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 14 Thánh-đạo-tuệ trong Thánh-đạo-tâm diệt liền tiếp theo sau trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 phát sinh là:
3- Pārisuddhi: Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới thứ 15 gọi là Phalañāṇa: Thánh-quả-tuệ trong cùng Thánh-đạo-lộ-trình-tâm.
Thánh-quả-tuệ có 4 bậc:
– Nhập-lưu Thánh-quả-tuệ (Sotāpattiphalañāṇa).
– Nhất-lai Thánh-quả-tuệ (Sakadāgāmiphalañāṇa).
– Bất-lai Thánh-quả-tuệ (Anāgāmiphalañāṇa).
– A-ra-hán Thánh-quả-tuệ (Arahattaphalañāṇa).
Mỗi Thánh-đạo-lộ-trình-tâm chấm dứt, theo định luật tự nhiên liền theo sau trí-tuệ thứ 16 gọi là paccavek-khaṇañāṇa phát sinh trong lộ-trình-tâm paccavekkhaṇa-vīthicitta là:
4- Tesañca paṭipassanā: Trí-tuệ thứ 16 gọi là pacca-vekkhaṇañāṇa trong lộ-trình-tâm paccavekkhaṇavīthi-citta, làm phận sự quán triệt Thánh-đạo, Thánh-quả nào đã chứng đắc, Niết-bàn nào đã chứng ngộ, phiền-não nào đã bị diệt tận rồi, và phiền não nào chưa bị diệt tận.
Đó là 4 cách hành trong đề-mục thiền-định ānāpānas-sati, thuộc về pháp-hành thiền-tuệ
Quả báu của đề-mục thiền-định Ānāpānassati
Đề-mục thiền-định ānāpānassati: Niệm hơi thở vào – hơi thở ra không chỉ dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới, mà còn có thể làm nền tảng, làm đối-tượng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi phiền-não, mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, sẽ tịch diệt Niết-bàn, chấm dứt tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
– Đối với bậc Thánh A-ra-hán ấy có khả năng đặc biệt biết được tuổi thọ của mình còn sống được bao lâu nữa, đến khi nào sẽ tịch diệt Niết-bàn.
– Đối với hạng phàm-nhân chứng đắc các bậc thiền sắc-giới với đề-mục thiền-định ānāpānassati này, có khả năng đặc biệt biết được thời gian chết, rồi sắc-giới thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trên tầng trời sắc-giới Phạm-thiên ấy.
(Xong đề-mục niệm hơi thở vào – hơi thở ra.)