Pháp Đầu Đà – Gương Tốt Trong Pháp Đầu Đà

Gương Tốt Trong Pháp Đầu Đà

Một hôm Đức Thế Tôn kêu Đại đức Ca Diếp mà nói rằng: “Này Ca Diếp, bây giờ ngươi đã già rồi nên nghỉ hành pháp đầu đà “lượm vải dơ để may y” đi, vì mặc y paṃsukūla rất xấu xa nhơ bẩn, nặng nề và phải cực nhọc để tìm kiếm, nên vui thích y của thí chủ dâng cúng cho, đã được nhẹ nhàng và thuận tiện”.

Đại đức Ca Diếp bèn bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử nghĩ rằng: tuy 16 phận sự trong Phật Pháp đã thực hành xong rồi, không còn thấy có phận sự nào cần phải làm nữa, đệ tử nghĩ rằng tuy phận sự đã xong nhưng cũng cần phải thọ trì những phẩm hạnh cao thượng nhứt là pháp đầu đà để làm gương lành cho các đoàn em sau này không dám dể duôi và noi gương ấy mà hành theo cho được tốt đẹp trong Phật Pháp và có thể làm cho người chưa phát tâm trong sạch được trở nên trong sạch trong Phật Pháp, còn như người đã trong sạch rồi thì lại càng được trong sạch nhiều lên thêm, vì vậy mà đệ tử vẫn cố gắng thực hành cho đến suốt đời”.

Đức Phật bèn khen rằng: “Sadhu! Sadhu! Lành thay!” Rồi Ngài nói tiếp: “Này Ca Diếp, được nghe rằng người cố gắng thực hành tất cả 13 pháp đầu đà để làm gương lành cho đoàn hậu tấn sau này thì Như Lai đâu ngăn cản làm chi” (Đức Phật vẫn hiểu biết hết nhưng Ngài có ý hỏi để Đại đức Ca Diếp trả lời rồi luôn đó để Ngài xác định lại lời của Ca Diếp là chí lí).

Trong Phật Pháp có vị tỳ khưu chỉ hành 1, 2 pháp môn đầu đà hoặc 3, 4 đến 12 pháp môn mà thôi ít có vị nào hành cả 13 pháp môn như Đại đức Ca Diếp. Sự tích 1 vị tỳ khưu có tri túc trong pháp đầu đà:

Có 2 anh em cùng đi xuất gia trong Phật Pháp, người anh thì ưa lẫn lộn chung chạ với bè phái nên ở nơi chùa chiền để học Kinh, Luật, còn người em thì thích về pháp hành, mới đi ở nơi phương xa để hành đạo và thọ trì các pháp đầu đà nhứt là thọ trì pháp môn thọ thực trong 1 chỗ ngồi là thọ thực có 1 lần mà thôi.

Một hôm có dịp đi ngang qua chùa chỗ anh ngụ bèn vào để viếng thăm, trong lúc ấy thì ông đã thọ thực xong rồi. Khi vào đến nơi người anh rất mừng rỡ, sẵn có nhiều món vật thực ngon ngọt mà các thí chủ vừa dâng cho bèn kêu mời em cùng thọ thực.

Ông em trả lời rằng: “Sư huynh dùng đi, đệ đã thọ thực xong rồi”.

Ông anh bèn mời tiếp thêm: “Độ rồi dầu có thọ thêm lần nữa có sao đâu, hay là sư đệ đã thọ trì pháp đầu đà chỉ thọ thực trong 1 lần mà thôi?” Nghe hỏi ngay chỗ mình muốn giấu, ông em liền nghĩ rằng: “Nếu ta không thọ thực nữa thì sư huynh ta biết ta đã thọ đầu đà ăn trong 1 lần”. Vì sự tri túc không muốn cho ai biết mình là người thọ trì đầu đà, rồi ông bèn thọ thực với anh, cố ý không cho anh biết mình đã thọ trì đầu đà vậy, sau khi khỏi nơi này ta sẽ nguyện thọ trì lại.

Người thọ trì pháp đầu đà có pháp tri túc cao thượng như thế, đừng nói chi cho dầu bực xuất gia đồng đạo mà cũng không có ý khoe khoang, cho biết thay thì cần nói chi đến người chưa thọ cụ túc giới. Đây là tư cách tri túc trong pháp hành vậy.

Hơn nữa, một khi hành giả đã nguyện thực hành 1 pháp đầu đà nào và nhất định thời hạn thì dầu cho có 1 nguyên nhân nào phát lên làm cho tổn hại đến sanh mạng cũng ráng cố gìn giữ cho đến cùng, như vậy mới có thể đạt được pháp cao thượng nào mà mình đã ước nguyện. Như mẫu chuyện của thầy tỳ khưu Cakkhupāla.

Câu chuyện thuật lại rằng: Có 1 thầy tỳ khưu tên Cakkhupāla khi sắp nhập hạ mới hội các vị tỳ khưu khác mà bàn luận rằng: “Trong khi nhập hạ chúng ta nên nguyện mỗi vị 1 pháp đầu đà tùy sở thích, riêng phần tôi xin nguyện không nằm trong 3 tháng để chú tâm vào pháp giải thoát”.

Thế rồi thời gian trôi qua, thầy thực hành không nằm được hơn 2 tháng, một hôm vì quá tinh tấn không nằm mà phát sanh bệnh đau mắt rất nặng. Trong xứ ấy có một ông thầy thuốc trị bệnh đau mắt rất hay, ông chỉ nhỏ thuốc một lần thì mạnh nhưng bệnh nhân cần phải nằm thì phương dược mới hữu hiệu.

Có người đem thuốc dâng cho ngài, ngài vẫn ngồi mà nhỏ thuốc thành ra bệnh không thuyên giảm mà còn tăng thêm. Ông thầy thuốc lấy làm lạ mới đến thăm và khuyên ngài là nên nằm mà nhỏ thuốc thì mạnh liền tức khắc. Ngài hứa sẽ hỏi lại rồi sẽ hay (chỗ này quí vị lấy làm lạ không biết ngài định hỏi lại ai, nhưng kì thật ngài sẽ hỏi lại tâm ngài cho thật kỹ coi nên làm đứt pháp đầu đà mà mình đã nguyện hay không?)

Tối hôm ấy khi ngài ngồi thiền định bèn nói với tâm rằng: “Này tâm ơi trong vòng sanh tử luân hồi hằng hà sa số kiếp ngươi đã từng bị đui mắt nhưng không hề gặp được Giáo Pháp của Đức Phật để thực hành vì vậy ngươi phải chịu xoay đi chuyển lại và phải chịu đui mắt ở trong màn vô minh đã vô lượng kiếp, kiếp này đây ngươi đã hữu phúc gặp được Giáo Pháp của Đức Thế Tôn mà ngươi còn gìn giữ bảo bọc tấm thân giả tạm này và làm cho hư hoại pháp hành mà ngươi đã nguyện hay sao?” Nghĩ thế ngài cương quyết thực hành luôn không nằm mà nhỏ thuốc dù cho con mắt có đui đi nữa miễn là “con mắt Pháp” (dhammacakkhuṃ) phát sanh lên thì mới mong thoát cảnh đui tối trong màn vô minh được.

Thế rồi ngài bỏ không chịu nhỏ thuốc cứ tiếp tục ngồi hành đạo luôn cho đến khi con mắt ngài nóng quá chịu không nổi phải nổ ra thì đồng thời tâm ngài cũng vừa thấy Đạo Quả Niết-bàn và đắc thành 1 vị A-la-hán.

Soạn xong tại Kim Biên, mùa Thu năm Ất Tỵ.

PL 2509 –10-11-1965

– Dứt tác phẩm Pháp đầu đà –

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app