Pháp Đầu Đà – Pháp Môn Đi Bát Trong Mỗi Nhà – Sapadānacārikanga

Pháp môn đi bát trong mỗi nhà – sapadānacārikanga

Pháp môn này có 2 cách thọ trì, hành giả muốn thọ trì cách nào cũng được. Hai cách ấy là: lokuppacāraṃ paṭikkhipāmi: tôi xin nguyện dứt bỏ sự đi khất thực theo ý muốn (là chọn lựa nhà hay xóm mà đi); sapadāna cārikaṅgaṃ samādiyāmi: tôi xin nguyện phải đi bát mỗi nhà hay mỗi xóm.

Tỳ khưu nguyện pháp đầu đà này khi đi đến cửa cổng vào xóm phải đứng lại quan sát sự tai hại (như chó dữ v.v…) nếu nơi xóm ấy có sự tai hại thì bỏ xóm ấy đi xóm khác cũng được. Hơn nữa, nếu nhà, xóm nào mà không từng được vật thực chỉ chút ít thì nên tưởng trong tâm rằng: “đây không phải là nhà là xóm” rồi đi nơi khác cũng được, nhưng nếu chỉ được vật chi chút ít nơi nhà hay xóm ấy thì không nên đi bỏ qua.

Như vậy, tỳ khưu phải đi khất thực cho sớm, sợ vào xóm nào gặp sự tai hại phải đi qua xóm khác cho kịp giờ. Nếu gặp những người họ đến làm phước trong chùa hoặc gặp giữa đường và họ xin lấy bình bát để vật thực đem dâng cho thọ lãnh cũng được. Tỳ khưu này khi đi đường xa mà đến buổi khất thực thì dầu cho nhà hay xóm nào có được vật thực hay không, cũng không được phép bỏ qua phải khất thực theo thứ lớp.

Pháp môn này cũng có 3 hạng. Bực thượng, khi có người đem vật thực từ phía trước, phía sau hoặc về tới chỗ rồi có người đem dâng đều không được phép thọ lãnh, nhưng nếu đứng trước nhà, trong nhà có người ra lãnh lấy bình bát để vật thực vào đem dâng cho thì thọ lãnh được. Bực trung, thọ lãnh các thứ vật thực này được hết, nhưng không được phép ngồi chờ coi có ai đem đến không. Bực hạ, ngồi chờ cũng lãnh được miễn là nội trong ngày ấy. Tất cả 3 bực này khi tâm phát sanh lên muốn đi khất thực lựa nhà hay xóm theo ý muốn thì pháp đầu đà ấy bị đứt mất.

Quả báo của pháp môn đi khất thực mỗi nhà có 8 là: 1) kulesu niccanavakatā: tư cách người luôn luôn đi đến mỗi nhà; 2) candupamatā: tư cách quí báu như mặt trăng vì không có quyến luyến trong gia đình nào; 3) kula maccherappahānaṃ: dứt bỏ được sự bỏn xẻn trong các gia quyến; 4) samānukampitā: tư cách tế độ đến tất cả các gia quyến; 5) kul’upakādīnavā bhāvo: không có tội lỗi về sự đến nhà người; 6) avhān’ānabhinandanā: không vui thích lời người mời thỉnh; 7) abhihārena anattikatā: tư cách người không cần vật thực người mang đến dâng; 8) appicchatādīnaṃ anulomavuttitā: có tư cách người thực hành theo đúng pháp tri túc.

Hậu kệ ngôn của pháp môn đi bát trong mỗi nhà: “Candūpamo niccanavo kulesu amacchavī sabba samānukampo kul’ūpakādīnavavuppamutto hotidha bhikkhu sapadānacārī loluppacāraṃ pajahāya tasmā okkhitta cakkhu yugamattadasī ākankhamāno bhuri seracāraṃ careyya dhīro sapadanacaraṃ”.

Giải: Tỳ khưu trong Phật Pháp đã nguyện đi bát trong mỗi nhà ví như mặt trăng, thường đến cửa nhà của các gia quyến, không có tâm bỏn xẻn trong các gia đình, nhưng có sự tế độ đồng đều trong tất cả gia quyến, hoàn toàn thoát khỏi những tội lỗi phát sanh lên trong khi đi vào các gia đình thí chủ. Bởi vậy, các bực trí thức khi muốn châu du nơi nào trên vũ trụ này cũng được theo ý muốn thì nên dứt bỏ sự đi khất thực cách tham muốn (là lựa nhà hay xóm mà đi) nên chỉ nhìn xuống và khi ngó tới trước chỉ lối 2 thước mà thôi và nên thọ trì pháp đầu đà “đi bát trong mỗi nhà”.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app