Phần Một – Một Cuộc Đời Phi Thường – Chương I – Dipa Ma Sanh Trưởng Trong Phật Giáo

Phần Một
MỘT CUỘC ĐỜI PHI THƯỜNG

Chương I

DIPA MA SANH TRƯỞNG TRONG PHẬT GIÁO

“Chẳng có gì khiến ta chấp thủ trên thế gian này cả”

Nani Bala Barua sinh ngày 25 tháng 03 năm 1911, tại một ngôi làng miền Đông Bangal gần biên giới Miến Điện. Vùng Chittagong rất nổi tiếng với truyền thống hoà đồng tôn giáo giữa các tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo và Phật giáo chung sống hòa hợp bên nhau. Nền văn hoá bản xứ Ấn Độ hiện còn sót trong cộng đồng có lẽ đã xuất hiện liên tục từ thời Đức Phật cho đến tận ngày nay.

Gia đình Nani thuộc bộ tộc Bangali Barua, hậu duệ các Phật tử chính tông tại Ấn Độ. Mặc dù thói quen hành thiền đã mai một đi rất nhiều qua dòng thời gian, bộ tộc Nani vẫn sinh trưởng trong Phật giáo chính thống, một số gia đình vẫn còn nắm giữ những nghi thức và phong tục Phật giáo, trong số họ có cha của nàng Nani Bala Barua, ông Purnachandra Barua, và mẹ là bà Parsanna Kumari.

Là chị cả trong gia đình sáu chị em, Nani rất gần gũi với các em và cũng là đứa con cưng nhất trong họ hàng thân tộc. Cả Nani và mẹ đều rất lùn và có mầu da đen xậm, cả hai có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau. Nani nhớ lại mẹ là một phụ nữ dịu dàng và rất khả ái, cha nàng là một người đàn ông rất nguyên tắc, ông không bao giờ lùi bước trước những gì ông cho là phải lẽ. Cho dù với tính khí nghiêm khắc, mối quan hệ giữa Nani và cha cũng rất tuyệt vời.

Truyền thống bố thí là thói quen thường thấy trong gia đình Nani, cha mẹ cô bố thí cho các sư sãi Phật giáo, cho các giáo sĩ Ấn giáo và bất kỳ ai đến xin họ bố thí. Chính do cha mẹ cô chủ trương như thế nên Nani đã sớm học được ý nghĩa bố thí cho người khác là như thế nào – đó là: khi bạn bố thí, không nên phân biệt, bạn nên bố thí cho hết mọi người.

Khi còn là đứa trẻ, Nani đã quan tâm đặc biệt đến các nghi thức Phật giáo. Nàng rất thích đi chùa và phục vụ các vị sư. Mặc dầu trẻ con thường bị cấm không cho tiếp cận với các vị sư khi các vị đi rảo quanh khất thực, do quá dễ thương và rất quyến rũ với các vị sư, nên Nani được phép dâng tặng đồ ăn và của bố thí, rửa chân cho họ và ngồi kế bên khi họ dùng bữa.

Nani chỉ giữ riêng việc đó cho mình và không mời gọi các trẻ em khác tham gia vào việc này. Nàng thường chơi Búp-bê, nhưng nàng đặc biệt thích làm các tượng Phật nho nhỏ. Đang khi đa số trẻ gái Ấn Độ thường thích nấu nướng, thế giới tưởng tượng của cô lại tập trung vào việc tạo ra thực phẩm để bố thí và thu lượm hoa để trang hoàng bàn thờ Phật, và thực hiện các lễ nghi tôn giáo. Gia đình Barua sống gần một hồ có một ngôi chùa đẹp được xây kế bên bờ hồ; Nani thường lui tới đó để dâng cúng. Cô nhớ lại lòng sùng đạo của cô đến rất tự nhiên, cha mẹ cô không phải thúc dục cô điều gì cả.

Nani không chỉ ít quan tâm đến công việc bếp núc mà cô cũng không chú ý nhiều đến việc ăn uống. Rất hiếm khi người mẹ lo lắng dỗ ngọt con gái Nani ngồi dùng bữa trong gia đình. Thay vào đó, Nani chỉ ăn một miếng trái cây hay một cái bánh Bít-qui nho nhỏ. Nàng thường xuyên hỏi cha mẹ, “Cha mẹ có cảm thấy đói không? Đói là gì vậy?”

Mặt khác, niềm khát khao kiến thức của nàng thật bao la. Cho dù theo phong tục trong làng con gái không được đến trường, Nani không thể nào bỏ học, ngay cả khi nàng bị bệnh và cho biết là phải ở nhà một vài ngày, nàng cảm thấy như bị tước mất lớp học. mỗi buổi tối ta thường thấy nàng ngồi cùng bàn với cha để cùng thảo luận về những bài học ở trường, cho dù đa số các trẻ con ít khi học bài ở nhà.

Ở Ấn Độ thời bấy giờ, công việc học hành của trẻ nữ thường kết thúc rất sớm. Những em nàođi học thì không được phép học hết lớp năm. Chiếu theo luật lệ văn hoá lúc đó, Nani phải lập gia đình trước khi có kinh nguyệt. Như vậy, ở tuổi mười hai, cô đã phải bỏ học và lập gia đình với một người đàn ông hai mươi lăm tuổi. Người tình của cô tên là Rajani Ranjan Barua, một kỹ sư sống trong ngôi làng kế bên tên là Silghata. Theo tục lệ, ngay sau khi lễ cưới kết thúc Nani phải đến sống ngay với người bạn đời của mình. Nàng nhớ cha mẹ vô cùng. Sự việc còn trầm trọng thêm, chỉ một tuần sau ngày cưới, chồng nàng đã sang Miến Điện để làm ăn kiếm sống. Nani bị bỏ lại một mình với cha mẹ chồng rất hà khắc, nàng rất sợ hai ông bà. Thỉnh thoảng nàng cũng được phép về thăm cha mẹ, nhưng rồi cha mẹ chồng lại buộc nàng về nhà chồng trở lại.

Sau hai năm bất hạnh, ở tuổi mười bốn. Nani bị buộc phải lên tầu sang Rangoon để sống với người đàn ông nàng chưa quen biết được một tuần lễ. Bước xuống tầu, người con gái nhà quê nhút nhát bị sốc trước một môi trường hoàn toàn xa lạ. Thành phố Rangoon hết sức náo nhiệt ồn ào, một nơi xa lạ một rừng người với bộ mặt không quen, và ngôn ngữ bất đồng. Thoạt đầu Nani cảm thấy vô cùng cô đơn, thường xuyên nàng phải khóc thầm vì nhớ quê hương và gia đình.

Cuộc sống hôn nhân còn bầy ra cho nàng nhiều thách thức. Cho dù mẹ và các cô em đã căn dặn hết sức kỹ càng về cách điều hành công việc gia đình, chẳng có ai nói cho nàng biết một lời nào về sinh hoạt tình dục cả. Chồng cô là người đầu tiên nói cho cô biết, và phản ứng của người con gái cảm thấy bị sốc, căng thẳng và mắc cỡ khủng khiếp. Trong suốt năm đầu cuộc sống gia đình, nàng rất sợ chồng. Trong năm đó Rajani đã tỏ ra hoà nhã và thông cảm với vợ mình. Không bao giờ chàng áp đặt vợ mình làm bất kỳ điều gì. Dần dà, khi niềm tin đã nẩy nở giữa hai người, Nani lại coi chồng mình như là một con người hiếm có. Chỉ ít năm sau đó, cả hai người đã cảm thấy có được tình yêu hết sức sâu đậm. Vào những năm cuối, Nani thường nói nàng coi chồng mình như là vị thầy đầu tiên của nàng vậy.

Tuy nhiên mối tương quan hạnh phúc của hai người lại thất bại do một vấn đề hết sức đau buồn. Mối kỳ vọng truyền thống nơi một người con gái Ấn Độ là sanh cho chồng một người con, tốt hơn cả là con trai nội trong năm đầu tiên cuộc sống gia đình. Nhưng năm này qua năm khác Nani không có thể mang thai. Nàng cố gắng đi khám bác sĩ và đến với các thầy lang nhưng không ai khám phá ra lý do hiếm muộn của nàng. Điều này đã trở thành mầm mống gây hổ thẹn buồn tủi cho nàng. Rất may mắn là Rajani vẫn chăm sóc, thương yêu và kiên nhẫn, không thúc dục Nani hay công kích nàng vì đã không thể sanh cho mình một đứa con.

Mặc dù Rajani chấp nhận thiếu vắng hậu duệ của mình, nhưng gia đình và xóm giềng không dễ chấp nhận như vậy. Quan tâm đến nỗi lo lắng Nani có thể làm tuyệt tự cho gia đình, họ đã dỗ dành Rajani trở về lại Chittagong lấy lý do là có người thân trong gia đình mắc bệnh nặng. Khi đã trở về đến nhà, gia đình thông báo cho Rajani biết người vợ mới của chàng đang chờ anh và người ta đã dàn xếp hôn lễ cho hai người ngay lập tức. Rajani cự tuyệt. Chàng báo lại cho họ hàng rằng: “Khi con cưới Nani con đã không qui định là nàng phải sanh con cái cho con, hay con sẽ bỏ nàng nếu không thực hiện được như vậy. Đây không phải là điều kiện cho hôn nhân giữa hai đứa chúng con. Thế nên thật không phải lẽ nếu con từ bỏ nàng vào lúc này”

Rajani trở lại Miến Điện và cho Nani biết nàng không phải lo lắng gì nữa về việc không sanh con cái cho chàng. Rajani còn đề nghị vợ mình hãy cư sử với hết mọi trẻ con nàng bắt gặp như con của mình vậy – lời khuyên đó đã được thể hịên một cách hết sức nghiêm túc trong nhiều năm sau đó.

Năm mười tám tuổi, Nani biết tin mẹ nàng chết cách đột ngột. Mặc dù đã có được điềm báo trước trong giấc mơ về cái chết của mẹ, nàng rất kinh hoàng trước tin mẹ qua đời. Nàng chỉ gặp được mẹ có hai lần kể từ khi nàng theo chồng sang Miến Điện. Cơn đau tim về mất mát đó vẫn còn lưu lại nơi nàng nhiều năm tiếp theo. Rồi, tiếp ngay sau cái chết của mẹ mình, Nani mắc phải chứng bệnh thương hàn. Cơn bệnh đã bị chẩn đoán sai và điều trị không đúng cách và thế nên Nani đã phải nhập viện điều trị trong vòng nhiều tháng trời.

Mẹ Nani chết đi để lại một đứa em trai mới có 18 tháng tên là Bijoy. Cha cô không thể chăm sóc cho đứa con nhỏ đã đưa cho hai vợ chồng Rajani và Nani chăm sóc đứa em trai nhỏ như con ruột, và như vậy Bijoy được gửi sang Rangoon sống với hai anh chị.

Nani và Rajani hết sức quan tâm và tham gia vào các sinh hoạt của cộng đoàn Phật giáo. Thêm vào việc tuân giữ năm giới luật tức – kiêng không sát sanh hay không làm hại; không lấy của người không cho; không thực hiện những việc dâm dục; không dùng tà ngữ và không sử dụng các chất gây hại – hàng ngày họ đều duy trì các nghi thức lễ lạy (tụng kinh ) tài trợ cho hai cuộc lễ tổ chức tại cộng đồng địa phương hàng năm; và bố thí cho các vị tăng ni tại địa phương. Họ rất nổi tiếng do lòng từ tâm và quảng đại của họ. Họ đã chi tiền giúp các em học sinh thuộc các gia đình khó khăn được đến trường và nhường chính nhà mình cho những người không nhà không cửa.

Kể từ ngày nàng đến Rangoon. Nani cảm thấy một ước muốn sâu xa là có dịp hành thiền. Ngay cả khi các cô gái không bao giờ học thiền. Nàng đã liên tục xin phép Rajani cho nàng học thiền. Cứ mỗi lần nàng xin phép chồng thì chàng lại bảo hãy đợi nàng lớn tuổi thêm một chút nữa. Theo như phong tục truyền thống Ấn Độ là gác lại công việc tu luyện thiêng liêng đến khi nào những nhiệm vụ nội trợ trong gia đình được hoàn tất.

Cho dù nàng không nói được tiếng Miến Điện, Nani vẫn tìm cách theo đuổi nền giáo dục Phật giáo nơi quốc gia thứ hai của nàng. Bất kỳ khi nào nàng bắt gặp một cuốn sách đạo bằng tiếng Bangal, nàng liền đọc và tự nghiên cứu lấy. Đối với các sách vở khác, nàng đã tham khảo sự giúp đỡ của người anh họ ba mươi tuổi, tên là Suntil, là người đã dịch các sách Phật cổ điển từ tiếng Miến sang tiếng Bangal. Việc chăm chỉ học hành của Nani đã khiến cho Sunil phải kinh ngạc và nàng đã nhớ rất rõ mọi sự người cậu đã đọc cho Nani nghe. (nhiều năm sau, khi nàng đã hoàn tất một đợt kiểm tra tâm lý, trí thông minh của nàng vượt trội hơn hẳn với mức độ như thần động vậy)

Năm 1941. lúc đó Nani đã ba mươi tuổi. Quân Phiệt Nhật chiếm đóng Miến Điện. Đây là một thời gian sợ hãi, thiếu thốn và khó khăn. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945 Bijoy, lúc này đã lớn, và quay trở về Ấn Độ để bắt đầu cuộc sống gia đình mới. Với một ngôi nhà trống trơn cha mẹ cả hai đều chết cả, Nani nghĩ, “hiện giờ là thời gian để luyện thiền.”

Thế rồi một phép lạ xẩy ra: sau hơn hai mươi năm cố gắng thụ thai một đứa con mà không thành. Nani khám phá ra mình đã có bầu. Bà đã ba mươi lăm tuổi đầu khi bà vui mừng sinh hạ một cô con gái. Tuy nhiên sau ba tháng đứa bé bị bệnh rồi qua đời. Nàng lại bị tràn ngập đau buồn, rồi Nani mắc chứng đau tim.

Bốn năm sau, nàng lại được chúc phước với một lần có thai nữa. Lần này lại là một bé gái, bà đặt tên đứa trẻ là Dipa. Cũng vào thời điểm này tên Dipa Ma được đặt cho bà “Dipa Ma” có nghĩa là” Mẹ Dipa” vì Dipa cũng có nghĩa là ánh “sáng”. Tên mới đặt cho Nani cũng có nghĩa là “Bà Mẹ Ánh Sáng”

Dipa là một bé gái mới lẫm chẫm biết đi khoẻ mạnh trong khi mẹ cô bé lại có thai một lần nữa, lần này là một bé trai vô cùng quan trọng. Đứa bé này chết ngay sau khi sanh. Một lần nữa lại khiến cho Nani phiền muộn không thể nào nguôi. Trong nỗi tuyệt vọng, nàng lại xin chồng cho mình hành thiền. Một lần nữa, chồng bà lại nói rằng nàng còn quá trẻ để làm như vậy. Nàng doạ trốn khỏi nhà và Rajani cùng với nhiều người hàng xóm phải canh chừng nàng.

Việc canh phòng nàng chẳng bao lâu sau không còn cần thiết nữa. Bị chứng cao máu ảnh hưởng trầm trọng, trong vòng nhiều năm Dipa Ma không thể rời khỏi giường bệnh được nữa. Trong suốt thời gian đó, nàng thực sự có thể chết bất kỳ lúc nào. Rajani một mình phải nuôi vợ bệnh và đứa con nhỏ Dipa đang lẫm chẫm biết đi, đồng thời vẫn phải đi làm nguyên ngày. Nỗi đau buồn trước tình huống đó tràn ngập ông ta. Một đêm nọ vào năm 1957, sau khi làm việc trở về nhà và ông nói với vợ là ông cảm thấy bị ốm. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ sau đó, ông qua đời do bệnh tim.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app