Nội Dung Chính
VIII. Đạt các Định Vô Sắc
Trong ví dụ hoa sen nghìn cánh đã nêu trên, hàng cánh hoa thứ 993 biểu thị cho Sơ thiền, hàng thứ 994 biểu thị Nhị thiền, hàng thứ 995, 996 biểu thị Tam thiền và Tứ thiền. Tuy nhiên bạn có thể thắc mắc hàng thứ 997,998, 999 và 1000 biểu thị cho cái gì?
Vượt quá bốn định Jhana là bốn chứng đạt vô sắc giới. Rất cần phải chú thích rằng, trong kinh điển, Đức Phật không gọi những chứng đạt này là Định (Jhana). Chỉ trong các chú giải, biên tập hàng ngàn năm sau này, mới gọi chúng là các Định (Jhana).
Bốn chứng đạt vô sắc là:
- Cơ sở tâm trí Không vô biên xứ (the mind-base of unlimited-space)
- Cơ sở tâm trí Thức vô biên xứ (The mind-base of un-limited consciousness)
- Cơ sở tâm trí Vô sở hữu xứ (The mind-base of nothingness)
- Cơ sở tâm trí Phi tưởng phi phi tưởng xứ (The mind-base of neither perception nor non-perception)
Cũng như Tứ thiền nằm bên trong Tam thiền, chứng đạt vô sắc thư nhất nằm bên trong Tứ thiền, chứng đạt vô sắc thứ hai nằm trong chứng đạt vô sắc thứ nhất, và cứ như thế giống như những hàng cánh của hoa sen tàn. Vậy, Bốn chứng đạt vô sắc có những đặc tính của các định jhana.
Giống như ba định jhana đầu tiên lấy các hình thái khác nhau của an lạc làm đối tượng và định Tứ thiền lấy trạng thái thăng hoa của an bình tinh khiết làm đối tượng, mỗi một trong các chứng đạt vô sắc lấy một đối tượng thuần túy tâm trí làm đối tượng. Tôi gọi các tri giác về những đối tượng này là những “cơ sở tâm trí” (mind bases) bởi vì chúng là các nền tâm trí mà trên đó các chứng đạt vô sắc tựa vào. Khi các “nền tâm trí” bất động này càng tinh ròng và trống rỗng thì các chứng đạt vô sắc càng cao.
Trong Tứ thiền, chánh niệm rất mạnh, yên tĩnh, chỉ quan sát cái an bình hoàn hảo ngoài thế giới của năm giác quan và định chính xác tại một điểm. Trong trạng thái nhất định tâm cực đỉnh, những khái niệm thông thường thuộc thế gian được vắt sạch và thay vào đó là các tri giác không thuộc thế gian.
Ví dụ, khi người hành thiền ở những giai đọan đầu của thiền định trở nên hoàn toàn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, định nhất tâm trong thời gian, những khái niệm thường có về thời gian bị loại bỏ và được thay bằng những tri giác về thời gian không thuộc thế gian. Khi ta tập trung hoàn toàn vào khoảnh khắc hiện tại, một mặt ta nhận thấy không có thời gian trôi qua, một mặt ta lại thấy dường như ta trải qua tất cả thời gian của thế giới. Trong cái điểm tuyệt đối của “bây giờ”, thời gian không có rìa cạnh, không xác định được và không đo đếm được. Cùng một lúc nó là vô tận và trống không. Nó không có giới hạn (ananta). Trải nghiệm về nhất định tâm trong thời gian, được thấy rất sớm trong thiền, có thể là chìa khóa để thấu hiểu cái cảm giác đồng thời của vô tận và hư không, trong những trạng thái sâu hơn của nhất định tâm, gọi là các chứng đạt vô sắc.
Kể từ đệ Tứ thiền, tâm trí có thể nhìn vào an bình hoàn hảo để tri giác cái “định nhất tâm tuyệt đối trong không gian”. Đây là một trong những đặc điểm của đệ Tứ thiền, nó luôn có thể quán sát như vậy, và nó là cửa dẫn vào các chứng đạt vô sắc. Trong định nhất tâm tuyệt đối này, không gian được tri giác với cả hai tính chất vô biên và hư không, một loại không có không gian. Bởi vì vật chất (rupa), cái luôn có giới hạn không gian, được tri giác như trống rỗng, chứng đạt này và những chứng đạt tiếp theo được gọi là các chứng đạt vô sắc (arupa).
Cơ sở tâm trí của Không vô biên xứ
Chứng đạt vô sắc thứ nhất là cơ sở tâm trí về không gian vô tận, được tri giác như cả hai yếu tố vô tận và trống rỗng, không đo lường được và không xác định được. Đây là tri giác tràn đầy trong tâm trí và kéo dài không gián đoạn trong một thời gian dài. Chánh niệm, mạnh mẽ, yên tĩnh, tinh khiết, quan sát trên tri giác này vơi sự hài long.
Cơ sở tâm trí của Thức vô biên xứ
Trong tri giác của không gian vô biên, là tri giác về sự “không có không gian” và về một “không gian đã mất ý nghĩa của nó”. Khi tâm trí theo dõi đặc điểm này trong chứng đạt vô sắc thứ nhất, không gian biến mất và được thay bằng tri giác về một nhất định tâm tuyệt đối của ý thức. Giống như phần trên, về trải nghiệm thông thường của nhất định tâm trong thời gian, trong trạng thái tri giác về nhất định tâm trong ý thức, ý thức đồng thời cảm nhận vô tận và trống rỗng, không đo lường và xác định được. Ta đã đi vào chứng đạt vô sắc thứ hai về cơ sở trí tuệ của thức vô biên xứ. Đây là tri giác hoàn toàn tràn ngập tâm trí và tồn tại không thay đổi trong một thời gian dài hơn các trạng thái trước.
Cơ sở tâm trí của vô sở hữu xứ
Trong tri giác của ý thức vô biên xứ có tri giác về sự “không có ý thức”, về một “ý thức đang mất đi ý nghĩa của nó”. Khi tâm trí tập trung vào đặc điểm này trong chứng đạt vô sắc thứ hai, tất cả tri giác về ý thức biến mất. Tri giác về hình thái vật chất và về không gian đều hoàn toàn biến mất, và tất cả chỉ còn lại là nhất định tâm về “không có vật gì”. Ta đã đi vào chứng đạt vô sắc thứ ba của cơ sở tâm trí Vô sở hữu xứ. Đây là khái niệm hoàn toàn tràn ngập tâm trí, tồn tại không thay đổi trong một thời gian dài hơn các trạng thái trước nữa.
Cơ sở tâm trí của Phi tưởng phi phi tưởng xứ
Trong tri giác của vô sở hữu xứ là tri giác về không của “không có gì. Nếu tâm trí đủ tế nhị để thấy đặc điểm này thì tri giác về vô sở hữu biến mất và thay vào đó là tri giác về “không có tri giác” cũng không “không có tri giác”. Tất cả gì mà ta có thể nói về đạt chứng vô sắc thứ tư là như thế, chỉ là một tri giác (AN 9’s, 42). Trong ví dụ hoa sen nghìn cánh, trạng thái nàybiểu thị cho hàng cánh hoa thứ 1000, vẫn còn khép kín, với 999 hàng cánh hoa khác đã mở ra hoàn toàn. Cánh hoa thứ 1000 hầu như chẳng phải là cánh hoa, là cái tế vi nhất và thăng hoa nhất trong tất cả. Bởi vì cái mỏng manh như tơ lụa của nó nắm chặt khái niệm nổi tiếng “Châu ngọc bên trong tim đóa hoa sen”, Níp bàn.