Nội Dung Chính
VII. Di chuyển từ định này sang định kia
Như tôi đã nói ở trên, khi ta đang ở trong một định nào đó, ta không có thể làm một động tác nào. Ta không thể tính toán một quyết ý để chuyển từ một định này sang một định khác. Ta cũng không thể quyết định để xuất ra. Những quyền kiểm soát như thế đã bị phế bỏ trong trạng thái định. Hơn thế nữa, cái tĩnh lặng cực kì của tâm trí trong định đã làm đóng băng hoạt động tâm trí. Khi đang trong định jhana, ta khó có thể cảm nhận trải nghiệm của ta. Những chuẩn mốc của định jhana chỉ có thể được nhận ra lúc về sau khi xuất khỏi định và nhớ lại. Vậy trong bất cứ định jhana nào, không những ta không thể tác ý mà còn không thể biết ta đang ở đâu, nơi nào ta di chuyển tới! Thế thì việc di chuyển từ định này sang định kia xảy ra như thế nào?
Ngôi nhà với bốn phòng
Hãy tưởng tượng một ngôi nhà có bốn phòng với chỉ một cửa vào. Đi qua cửa ta vào phòng thứ nhất. Ta phải đi qua phòng thứ nhất để vào phòng thứ hai, qua phòng thứ hai để vào phòng thứ ba, qua phòng thứ ba để vào phòng thứ tư. Để đi ra khỏi phòng thứ tư ta phải vào phòng thứ ba, rời phòng thứ ba ta phải đi ra phòng thứ hai, rời phòng thứ hai ta phải đi ra phòng thứ nhất, rời khỏi phòng thứ nhất ta phải ra đi qua cái cửa mà ta đã đi vào. Giả sử sàn của các phòng đều trơn không thể nào tạo thêm sức bên trong căn nhà. Vì vậy nếu ta vào nhà chỉ bằng một chút lực, ta sẽ trợt và dừng lại tại phòng thứ nhất. Với một lực đi vào mạnh hơn, ta có thể ngừng lại ở phòng thứ nhì, hay phòng thứ ba. Với một lực đi vào mạnh hơn nữa ta có thể tới được phòng thứ tư.
Một ví dụ so sánh như vậy diễn tả rõ cách di chuyển từ định này sang định kia thực sự xảy ra như thế nào. Trong định jhana không có sự tự chủ, giống như sàn nhà trơn khiến không thêm được lực đi vào. Nếu ta vào cửa của định với lực nhỏ, ta sẽ dừng lại tại sơ thiền. Với lực lớn hơn, ta sẽ tới được Nhị thiền hay Tam thiền. Và với lực vào mạnh hơn nữa ta có thể đạt đến Tứ thiền. Lực đi vào chỉ có thể tạo ra ở ngoài định, lúc sự tự chủ còn có thể. Loại “lực” được đề cập ở đây là lực của sự buông xả (letting go)
“Buông xả” được nuôi dưỡng trước khi nhập vào định
Sự buông xả được nuôi dưỡng trước khi nhập vào định đến mức nó trở thành một khuynh hướng tự động của tâm trí, một khuynh hướng tự nhiên mạnh mẽ. Nếu ta đi vào cửa của định với với “lực buông xả” không đủ mức, ta sẽ dừng lại ở Sơ thiền. Với lực buông xả tự động mạnh hơn, ta sẽ đạt tới Nhị thiền hay Tam thiền. Với một thế lực rất mạnh của sự buông xả, ta sẽ đạt tới Tứ thiền. Tuy nhiên ta không thể làm tăng sức mạnh của sự buông xả trong khi đang ở trong định. Khi ta đi vào với sức lực nào ta sẽ chỉ có như thế.
Nhớ lại trải nghiệm về sự an lạc
Ta có thể nuôi dưỡng “lực buông xả” ngoài trạng thái định bằng cách ôn lại những trải nghiệm về an lạc và bằng cách nhận biết những chướng ngại gọi là dính mắc. Khi tâm trí nhận ra hạnh phúc của trạng thái buông xả là siêu vượt thế nào, thì sự buông xả phát triển hơn. Đôi khi tôi cũng dạy cái tâm trí ngoan cố của tôi bằng cách nghĩ rằng:” Tâm trí, xem này, xem biết bao an lạc trong trạng thái của buông xả! Tâm trí! Đừng quên nhe tâm trí! Nhớ nhé, đồng ý không? Rồi thì tâm trí học được cách buông xả mạnh mẽ hơn. Hoặc tâm trí có thể nhận biết những chướng ngại đối với sự an lạc sâu là các mức độ khác nhau của dính mắc, cái sẽ ngăn chặn sự buông xả và cản trở an lạc. Khi tâm trí học bằng cách ôn lại, nhận biết các kẻ thù của hạnh phúc –tức cái dính mắc- thì khuynh hướng buông xả trở nên mạnh hơn nhờ trí tuệ. Đây là cách ta có thể nuôi dưỡng sức mạnh của buông xả ngoài trạng thái định, để có thể nhập định với sự buông xả mạnh mẽ hơn, nhằm đạt đến một định jhana sâu hơn.
Mỗi định lại nằm trong một định khác
Cách khác để biết cách ta di chuyển từ định này sang định khác là ví dụ so sánh hoa sen nghìn cánh. Mỗi cánh trong hoa sen nghìn cánh mở ra theo thứ tự, kế tiếp một cách chặt chẽ, chỉ sau khi được mặt trời hơ ấm. Sơ thiền được so sánh với những cánh hoa hàng thứ 993. Ngay khi hàng cánh thứ 993, được hơ ấm bởi mặt trời, giữ và che dấu bên trong hàng cánh hoa thứ 994, thì cái Sơ thiền hiếm hoi và mong manh được hơ ấm bởi sự buông xả, giữ và che bên trong cái Nhị thiền vốn có nhiều an lạc hơn. Khi hàng cánh hoa thứ 993 mở ra, thì hàng cánh hoa thứ 994 xuất hiện trong trung tâm của nó. Cùng một cách như vậy khi Sơ thiền mở ra thì Nhị thiền xuất hiện tại trung tâm của nó. Như vậy Nhị thiền thực sự nằm trong Sơ thiền, và Tam thiền nằm trong Nhị thiền, Tứ thiền nằm trong Tam thiền.
Bằng cách nhìn khác, trong ví dụ căn nhà có bốn phòng, các phòng đồng tâm. Như vậy ta không thể đi ra khỏi Sơ thiền để đi vào Nhị thiền. Thay vì thế ta phải đi sâu hơn vào Sơ thiền để vào Nhị thiền, sâu hơn vào Nhị thiền để đến Tam thiền, và sâu hơn vào Tam thiền để đến Tứ thiền. Mức độ kế tiếp của định luôn luôn nằm bên trong của định hiện tại.
Năng lực của Nguyện
Khi ta đã có thật nhiều kinh nghiêm với định jhana, ta có thể di chuyển từ định này sang định khác bằng cách sử dụng năng lực của Nguyện (Aditthana). Trong bài viết này, chữ Pali Aditthana biểu thị cho cách lập trình tâm trí của người phật tử. Lúc khởi đầu thiền định, ta có thể lập trình tâm trí để nhập vào một định đặc biệt nào đó trong một khoảng thời gian đã lập trình trước. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được với ai đã rất quen thuộc với đích đến và rất quen với con đường đó. Đây là phương pháp được sử dụng bởi nhiều người thực hành thiền đã hoàn thiện. Giống như ta lập chế độ bay tự động sau khi cất cánh. Tuy nhiên đối với ngay cả những người hành thiền thành thạo, để đi đến một định đặc biệt nào đó, lộ trình phải luôn giống như cũ. Ví dụ, nếu ta lập trình tâm trí đi vào Tam thiền, thì lộ trình bắt buộc phải đi qua Sơ thiền, rồi qua Nhị thiền để đến Tam thiền. Tuy vậy, ta có thể đi qua những trạng thái định thấp hơn một cách thật nhanh.