II. SƠ THIỀN- Định Jhana thứ nhất

– Sự dao động (Tầm và Tứ)

Tất cả các Định Jhana hầu hết là trạng thái an lạc không dời chuyển. Tuy nhiên trong Sơ Thiền có một vài chuyển động phân biệt được. Tôi gọi chuyển động này là “dao động” của Sơ Thiền. Ta cảm nhận được an lạc quá lớn, quá mạnh, làm giảm đi phần bản ngã thuộc về ý chí và hành động. Trong Định Jhana ta bị điều khiển một cách tự động, lúc đó ta không có cảm giác bị điều khiển. Tuy nhiên an lạc quá ngọt ngào nó có thể sinh ra một chút trói buộc. Tâm trí, chứ không phải người làm (doer), bám víu vào an lạc một cách bản năng. Bởi vì cái an lạc của sơ thiền là do sự buông xả, nên sự bám víu thụ động như thế làm an lạc giảm đi. Nhưng khi thấy an lạc giảm đi thì tâm trí lại tự động buông xả sự bấu víu để an lạc tăng lên trở lại. Cứ như thế, tâm trí nắm rồi buông.

Chuyển động vi tế và thụ động như thế làm phát sinh ra dao động của sơ thiền.

Diễn trình này có thể nhận biết theo một cách khác. Khi an lạc suy yếu vì sự nắm giữ thụ động, có vẻ giống như chánh niệm dời xa an lạc một khoảng cách nhỏ. Sau đó tâm trí tự động buông xả giúp kéo chánh niệm vào trong an-lạc. Sự chuyển động đến gần rồi rời xa an lạc là một cách thứ hai để mô tả sự dao động của sơ thiền.

Sự dao động này, sự thực là một cặp yếu tố của sơ thiền, gọi là Tầm (vitakka) và Tứ (Vicara). Tứ là cái bấu víu thụ động vào an lạc. Tầm là cái dịch chuyển tự động trở về an lạc. Nhiều nhà chú giải giải thích cặp đôi Tầm-Tứ như là ý nghĩ tiên khởi (initial thought) và ý nghĩ duy trì (sustained thought). Trong những giải thích khác cặp đôi này có thể được ám chỉ như là “ý nghĩ”. Trong Định Jhana chúng chắc chắn có nghĩa gì đó khác hơn nữa.

Không thể một hoạt động lớn như tư duy lại có thể tồn tại trong một trạng thái tinh ròng như Định Jhana.

Thực ra, tư duy ngưng lại từ lâu trước khi ta nhập định. Trong Định Jhana, Tầm và Tứ đều nằm dưới ngưỡng diễn đạt bằng lời (sub-verbal) nên không có phẩm chất như một ý nghĩ. Tầm là vận động “không thể nói ra”(sub-vebal) của tâm trí khi nó quay lại với an-lạc. Tứ là vận động “không thể nói ra” (sub verbal) của tâm trí để giữ yên trong an lạc. Lúc bên ngoài Định, những vận động như thế của tâm trí thường hình thành nên ý nghĩ và đôi khi có thể nói ra được. Nhưng khi ở trong định, Tầm và Tứ quá mờ nhạt để đủ tạo thành ý nghĩ. Chúng chỉ có thể làm chánh niệm trở lại với an-lạc và giữ chặt chánh niệm ở đây. Vận động này là dao động của sơ thiền, biểu hiện bằng một đôi thiền chi: Tầm và Tứ.

– Định nhất tâm (ekaggata, tâm nhất điểm, one-pointedness)

Yêu tố thứ ba của Định Jhana là định nhất tâm (Ekaggatha). Ta gọi “định nhất tâm” là cái chánh niệm thật nhọn sắc tập trung trên một vùng hiện hữu rất nhỏ. Nó có tính nhất điểm trong không gian bởi vì nó chỉ thấy một điểm nguồn của tịnh-lạc cùng với một vùng rất nhỏ quanh tịnh-lạc, tạo nên bởi sự dao động của sơ thiền. Nó có tính nhất điểm trong thời gian bởi vì nó chỉ tri giác cái khoảnh khắc hiện tại, rất đặc trưng và chính xác, toàn bộ nhận thức thời gian biến mất hoàn toàn. Nó có tính nhất điểm trong hiện tượng vì nó chỉ biết cái đối tượng tâm trí của hỉ-lạc và hoàn toàn không biết gì đến cơ thể vật lý cùng thế giới của năm giác quan.

Một định nhất tâm về không gian như thế tạo ra trải nghiệm đặc biệt, chỉ thấy trong Định Jhana, về ý thức bất nhị, cái đã được giải thích chi tiết trong phần trước. Ý thức bất nhị xác nhận tính đặc trưng của Định Jhana, nơi mà ta hoàn toàn nhận biết nhưng chỉ về một điều duy nhất, dưới một góc độ duy nhất, trong một khoảng không có thời gian. Ý thức quá tập trung vào một đối tượng khiến cho khả năng nhận thức bị tê liệt. Chỉ đến khi định nhất tâm tan biến dần, lúc ta xuất ra khỏi định, ta mới lại có thể nhận ra và thấu hiểu tất cả các đặc tính của Định Jhana.

Định nhất tâm tạo ra tính bền vững phi thường cho Định Jhana, giúp nó tồn tại không cần một nổ lực nào trong một thời gian dài. Khái niệm thời gian dựa trên sự đo đạc các khoảng cách: từ quá khứ đến hiện tại hay từ hiện tại đến tương lai. Khi tất cả tri giác có trong Định Jhana chỉ là khoảnh khắc chính xác của hiện tại thì chẳng còn chỗ nào cho việc đo đếm thời gian. Tất cả khoảng cách đều khép lại. Thay vào đó là tri giác về cái không có thời gian và bất động.

Định nhất tâm trong hiện tượng tạo ra sự an lạc chồng lên an lạc khác thườngkhông thay đổi suốt thời gian nhập định. Điều này làm cho sơ thiền trở thành nơi chốn an nghỉ. Định nhất tâm trong hiện tượng là tác nhân cho tĩnh lặng tuyệt vời của Định Jhana.

Vậy, định nhất tâm của sơ thiền được trải nghiệm như ý thức bất nhị, không có thời gian và tĩnh lặng không cần nổ lực.

Trong kinh điển, Ekaggatha danh từ Pali, có nghĩa “trạng thái có đỉnh nhọn”. Chữ Agga (thiếng Sanskrit là Agra) ám chỉ một đỉnh núi, đỉnh cao của một trải nghiệm, hay có khi cũng ám chỉ thủ đô của một quốc gia (như Agra, thủ đô đế chế Mongul ở Ấn Độ). Ekaggatha vì vậy không chỉ có nghĩa “một hay vài đĩnh điểm cũ” mà ám chỉ sự tập trung độc nhất vào những gì vượt lên cao hay thăng hoa. Đỉnh cao duy nhất, sự tập trung của định nhất tâm trong Sơ thiền, là hạnh phúc tối thượng của hỉ-lạc (pitisukha).

– Hỉ-Lạc (Pitisukha)

Hai yếu tố cuối cùng của Sơ Thiền là Hỉ (piti) và Lạc (sukha). Tại đây tôi xem xét chúng cùng với nhau bởi vì chúng là đôi nốt đan gần nhau. Sự thực chúng chỉ tách rời trong Tam Thiền, khi đó Hỉ tắt đi để lại mình Lạc góa bụa. Chỉ vậy, sau đệ Tam Thiền ta mới biết bằng trải nghiệm thế nào là Hỉ và thế nào là Lạc. Ở đây chỉ cần giải thích cặp hỉ-lạc như một thực thể.

Hai yếu tố cuối cùng của Sơ Thiền gọi là Hỉ-Lạc ám chỉ đến an-lạc (bliss), đối tượng của sự tập trung, và tạo thành trung tâm của trải nghiệm gọi là Sơ Thiền. An-lạc là khía cạnh nổi trội của Sơ Thiền đến mức nó trở thành điều đầu tiên nhận ra khi ta nhớ lại lúc xuất định. Những truyền thống thần bí ngoài Đạo Phật đã từng bị trùm phủ bởi cái rộng lớn kì dị, bởi trạng thái vô ngã, tĩnh lặng, xuất thần, cực đỉnh và tinh khiết, siêu thế của Sơ Thiền, khiến trong suốt lịch sử họ đã mô tả lại trải nghiệm như là trạng thái “Hợp nhất với Thượng Đế”.

Tuy nhiên, Đức Phật đã giải thích đây chỉ là một dạng của an-lạc siêu thế gian và vẫn còn các trạng thái khác cao siêu hơn nữa! Khi trải nghiệm Định Jhana, người Phật tử phải biết rằng có nhiều mức độ của an-lạc siêu thế (supramundane). Sơ thiền là mức độ thứ nhất. Tuy vậy sau Sơ thiền ta không nhận thức được một trải nghiệm an-lạc hơn thế!

Các mức độ an-lạc khác nhau có một”mùi vị” khác nhau. Sự khác biệt về chất lượng làm chúng phân biệt với nhau. Chất lượng khác biệt của an-lạc có thể được giải thích bằng các nguyên nhân khác nhau của chúng. Ví dụ như cái nóng của mặt trời có chất lượng khác với cái nóng của củi lửa, và cái nóng của củi lửa lại có vị khác biệt với cái nóng từ lò sưởi. Vì thế, an-lạc do các nguyên nhân khác nhau có các điểm đặc trưng khác nhau.

Đặc tính phân biệt của an-lạc sơ thiền là nó hình thành bởi sự vắng mặt của năm giác quan. Khi năm giác quan đóng lại, kể cả các vọng âm của năm giác quan đã biểu hiện thành tư tưởng, ta rời bỏ thế giới của cơ thể và vật chất (Kamaloka) để bước vào thế giới của tâm trí thuần túy (Rupaloka). Tình huống này giống như quẳng đi một gánh nặng to lớn. Ngài Ajahn Chah thường mô tả nó giống như khi ta chịu đựng một sợi dây trói chặt cổ trong một thời gian dài, nhưng vì quen thế nên chẳng nhận ra sự đau đớn. Rồi bất ngờ áp lực giảm xuống, sợi dây được tháo ra. An lạc mà ta cảm nhận giống như hiệu ứng khi khối nặng biến mất đi! Giống như vậy, an lạc của sơ thiền được tạo bởi sự biến mất hoàn toàn sợi dây trói chặt, có nghĩa tất cả cái ta cưu mang là thế giới. Một tuệ giác như thế về nguồn gốc của an lạc trong sơ thiền sẽ là nền tảng cho ta thấu hiểu Diệu Đế về Khổ.

Tổng kết về Sơ Thiền

Định Sơ Thiền được phân biệt bằng năm yếu tố, được thu gọn thành ba:

1+2 : TẦM (Vitakka)- TỨ (Vicara): Trải nghiệm như sự dao động, chuyển động an lạc   vào-ra thật vi tế, khó biết.

3 :     ĐỊNH NHẤT TÂM (Ekaggatha): được trải nghiệm như bất nhị, không có thời gian và tĩnh lặng

4+5:   HỈ-LẠC (Pitisukha): trải nghiệm như an lạc vượt qua mọi thứ trong thế giới vật chất và tăng cường bởi sự siêu việt thế giới ấy sang thế giới tâm trí tinh ròng.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app