Nội Dung Chính
PHẦN BA
I. Chuẩn mốc của các bậc thiền
Không có ý nghĩ, không có ý chí, không có nhận thức thời gian.
Kể từ lúc nhập vào Định, ta sẽ không còn tự chủ nào nữa. Ta không thể tác lệnh như lúc bình thường. Cái ý nghĩ “Ta sẽ làm gì tiếp?” không thể xảy ra. Khi cái Ý Chí dùng để kiểm soát biến mất, thì cái mệnh đề hình thành khái niệm về tương lai: “Tôi sẽ” cũng biến mất. Khái niệm về thời gian ngừng lại trong trạng thái Định. Trong trạng thái Định ta không thể quyết định làm cái gì tiếp. Thậm chí ta còn không thể quyết định khi nào thì xuất ra khỏi định. Chính cái vắng mặt của Ý chí và cái hậu sinh của nó là Thời gian làm cho Định Jhana có tính “ổn định vô thời gian” (timeless stability), làm cho trạng thái Định kéo dài, đôi khi an lạc đến hàng giờ.
– Ý thức bất nhị
Bởi vì lúc đó định nhất tâm (onepointedness, ekaggata) quá mạnh, sự tập trung được cố định, chúng ta sẽ không còn khả năng đối chiếu trong trạng thái Định Jhana. Nhận thức có được nhờ so sánh, liên hệ điều này với điều kia, nơi này với nơi khác. Trong Định Jhana, tất cả nhận thức có đuợc chỉ là an lạc bất nhị, bất động, thụ động, chẳng còn chỗ nào để khởi sinh sự đối chiếu. Giống như trong một trò chơi đánh đố, ta được cho xem một bức hình của một vật rất quen thuộc, nhưng lại được chụp dưới một góc độ lạ, rồi phải đoán xem nó là cái gì? Rất khó để nhận ra một vật nếu ta không thể dịch chuyển hay xoay đầu để nhìn nó dưới góc độ này hay góc độ khác. Khi khả năng so sánh đối chiếu mất đi thì sự nhận thức cũng không còn. Vì vậy, trong Định Jhana, ta không những chẳng có cảm giác về thời gian mà còn chẳng còn biết cái gì đang xảy ra! Đến một lúc ta sẽ chẳng biết ta đang ở trong cái Định gì. Tất cả cái ta biết là an lạc tràn ngập, không dời chuyển, không thay đổi, trong những khoảng thời gian không biết được.
– Sự nhận biết về An Lạc không dời đổi
Mặc dầu không có năng lực nhận thức trong Định Jhana vì do không có khả năng đối chiếu, nhưng ta chắc chắn không rơi vào một cơn hôn mê. Chánh niệm của ta tăng lớn đến mức sắc bén thực sự kinh ngạc. Ta thức tỉnh toàn diện. Chỉ có chánh niệm không dời đổi. Nó như đóng băng lại. Và sự tịch lặng của siêu chánh niệm, sự tỉnh thức của định nhất tâm hoàn hảo, làm cho Định Jhana hoàn toàn khác với tất cả những gì ta từng biết trước đây. Đây không phải là vô-thức. Đây là Ý thức bất nhị. Ta chỉ biết một điều, đó là sự an lạc không dời đổi.
Sau đó, khi ta đã xuất khỏi Định Jhana, cái định nhất tâm tích lủy của ý thức rời ra. Khi định nhất tâm yếu đi, năng lực so sánh tái phục hồi, tâm trí lại có thể dịch chuyển như cũ. Tâm trí có lại không gian cần thiết cho sự so sánh và hiểu biết. Ý thức bình thường đã trở lại.
Ngay khi vừa thoát khỏi Định Jhana, ta thường quen nhìn lại xem cái gì đã vừa xảy ra và ôn lại trải nghiệm đó. Định Jhana là những biến cố rất mạnh mẽ, chúng thường lưu lại ấn tượng không phai trong kho chứa kí ức của ta. Sự thực ta sẽ không bao giờ quên chúng mỗi khi ta còn sống. Chúng rất dễ gợi nhớ lại với đầy đủ các chi tiết sau khi ta xuất định. Bằng cách ôn lại ngay sau đó, ta có thể nhận biết các chi tiết đã xảy ra trong Định Jhana và ta biết Định Jhana có những gì. Hơn thế nữa, thông tin thu thập được từ Định Jhana hình thành nên cơ sở của Tuệ giác, đó chính là Giác ngộ.
– Năm giác quan hoàn toàn đóng lại.
Đặc tính lạ lùng phân biệt Định Jhana với tất cả các trải nghiệm khác là trong trạng thái Định Jhana, năm giác quan hoàn toàn đóng lại. Ta không thể thấy, ta không thể nghe, ta không thể ngửi, nếm hay xúc chạm. ta không thể nghe tiếng chim hót, tiếng người khác ho. Ngay cả nếu có tiếng sét đánh gần bên, ta cũng không thể nghe trong trạng thái Định Jhana. Nếu ai đó vỗ vai ta, kéo ta dậy hay đẩy ta nằm xuống, ta cũng không thể biết gì trong Định Jhana. Tâm trí trong trạng thái Định Jhana tách biệt hoàn toàn với năm giác quan. (Tuy vậy âm thanh có thể khuấy động Sơ thiền, mỗi khi ta nhận biết tiếng động tức là ta không còn ở trong định nữa.)
Một người cư sĩ đệ tử có lần đã nói với tôi rằng ông ta đã “trúng mánh” một định Jhana rất sâu khi ở tại nhà. Bà vợ tưởng ông ta chết, bèn gọi xe cứu thương. Ông được xe cứu thương đưa nhanh tới bệnh viện trong tiếng còi hụ inh ỏi. Tại phòng cấp cứu, không thấy nhịp tim trên Điện tâm đồ. Vì thế bác sĩ đặt máy khử rung lên ngực ông để kích hoạt tim. Mặc dù bị nảy lên, nảy xuống, trên giường bệnh vì shock điện, xong ông ta đã chẳng cảm thấy điều gì! Khi xuất khỏi định trong phòng cấp cứu một cách hoàn toàn ổn, ông ta chẳng biết mình đến đây như thế nào, chẳng biết xe cứu thương, còi hụ hay máy kích tim làm nảy tung người. Trong suốt thời gian dài đó ông ta trụ trong Định Jhana, ông ta biết rõ nhưng biết chỉ duy nhất một điều, đó là an lạc. Đây là một ví dụ thế nào là sự tắt năm giác quan trong trải nghiệm Định Jhana.
Tổng kết những chuẩn mốc của tất cả các Định Jhana
Rất cần thiết phải biết trong Định Jhana:
– Không có khả năng để tư duy
– Không có ý chí cho bất cứ tiến trình nào
– Không có nhận thức về thời gian
– Ý thức có bản chất bất nhị khiến không thể nhận thức.
– Ta rất rất tỉnh táo nhưng chỉ biết có an lạc, một an lạc không dời chuyển, và
– Năm giác quan đóng lại hoàn toàn, chỉ có thức thứ sáu là tâm trí hoạt động.
Đây là những đặc tính của Định Jhana. Vì vậy trong một cơn định sâu, nếu ta có phân vân rằng đây có phải là định hay không? Thì câu trả lời chắc chắn là không. Chẳng thể nào có suy nghĩ như vậy được trong cái tĩnh lặng của Định Jhana. Những đặc tính như vậy sẽ được nhận ra khi ta xuất khỏi định bằng cách dùng chánh niệm xét duyệt lại lúc tâm trí ta có thể nhúc nhích được.