VÌ SAO TA NGHIÊN CỨU SỬ HỌC?
Câu trả lời cho vấn đề này tùy thuộc vào cách nghĩ của mỗi người nhưng điều chắc chắn là môn Sử học cung cấp cho người nghiên cứu một kiến thức về địa dư và nhân văn tức nếp sống của người xưa dựa theo quy trình tiến sinh cố hữu của luật tuần hoàn (Vaṭṭacakka) là vật đổi sao dời, phế hưng suy thịnh từ con người đến đất đai. Ngoài ra, có rất nhiều khoa, ngành chuyên môn ngày nay lại chịu ảnh hưởng sâu đập từ Sử học như Kinh tế học, Nhân chủng học, Quân sự học, Tôn giáo học… và cũng nhờ dựa vào Sử học mà người ta mới có thể giải quyết một cách thỏa đáng những yêu cầu quan trọng trong lối sinh tồn của nhân loại, y cứ theo nếp sống của người xưa.
Ông Arnold Toynbee là một nhà Sử học người Anh đã nói rằng: “Việc nghiên cứu Sử học khác với việc làm của một nhà chiêm tinh nhưng nó giống như một tấm hải đồ của người đi biển, nó giúp anh thật sự an tâm và một thủy thủ lành nghề bao giờ cũng phải sử dụng tấm hải đồ để tránh sự lạc lối lầm đường, đi như vậy tốt hơn là dò dẫm đường theo kiểu một người mù, bởi tác dụng của tấm hải đồ luôn đem lại cho anh ta sự an tâm từ các bãi đá ngầm và nhiều nguy hiểm khác.”