BỐI CẢNH ẤN ĐỘ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT
Xứ Ấn Độ mà đề cập ở đây là cổ Ấn, nước Ấn thời xa xưa, địa phận bao trùm cả ba vùng lớn: Pakistan, Bangladesh và nước Ấn hiện tại. Nước cổ Ấn xưa kia dân cư đông đúc bậc nhất, theo như ông Hedrotus, nhà Sử học Hy Lạp, chỉ sanh sau Phật Lịch một ít năm, đã nói rằng: “Trong các quốc gia mà tôi được biết thì Ấn Độ là một nước hùng cường nhất. Thời xưa, quốc hiệu của Ấn Độ được gọi theo các kinh sách cổ là Jampudīpa (Diêm Phù Đề) còn đại đa số quần chúng bản xứ thì tự xưng quốc hiện nước mình là xứ Bhāratāvāsa” chỗ ở của dân Bhārata lấy theo tên của đức vua Bharata, vị hái tổ của hoàng triều Paṇḍava, người đã tham dự vào trận chiến lừng danh mà bộ sử thi Bhagavāgīta (Chí Tôn Ca) có đề cập đến, trận đánh lịch sử này mang tên là Mahābharatayuddha (cuộc chiến của ba anh em nhà Bharata). Dân Ấn Độ cho rằng mình là con cháu hậu duệ của vì vua ấy nên mới tự xưng quốc hiệu như vậy. Còn quốc hiệu India (Ấn Độ) là tên mới của xứ này, nó xuất phát từ tên con sông Sindhu mà dân Ba Tư đã thay phiên nhau đọc trại thành Hindu, vì họ không phát âm vần S được, rồi từ Hindu họ tiếp tục đọc trại thành Haidu, từ Haidu họ lại đọc trại thành ra Hindas. Sau cùng, cũng chính người Ba Tư đọc trại thành India mà nay ta gọi là Ấn Độ.