NHÂN QUẢ
Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Hành động như thế nào thì kết quả sẽ như vậy. Trên cùng một mảnh đất, người nông phu trồng hai giống cây: một là cây mía, một là cây nêm, một loại cây ở vùng nhiệt đới có vị rất đắng. Hai giống cây được trồng trên cùng một loại đất, được tưới nước, được hưởng ánh sáng mặt trời và không khí như nhau. Hai loại cây bắt đầu lớn lên. Và kết quả ra sao với cây nêm? Nó có vị đắng từ gốc đến ngọn, trong khi cây mía thì ngọt.
Tại sao thiên nhiên, hay nếu bạn muốn gọi là Thượng Đế, lại quá ác với cây này và quá tốt với cây kia? Không, không, thiên nhiên không tốt mà cũng chẳng ác, chỉ hành xử theo những định luật cố định mà thôi. Thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của giống cây được bộc lộ. Tất cả chất dinh dưỡng chỉ để giúp cho phẩm chất tiềm ẩn được biểu lộ, nhân biểu lộ. Nhân trong cây mía có tính chất ngọt, thì cây mía cũng sẽ ngọt. Nhân trong cây neem có tính chất đắng thì cây nêm cũng sẽ đắng.
Nhân nào quả nấy
Người nông phu đi tới cây neem, vái ba lần, đi vòng quanh cây 108 lần, dâng hương, nến, hoa quả, rồi cầu xin: “Hỡi thần cây nêm, xin ngài ban cho tôi quả xoài ngọt, tôi muốn có xoài ngọt.”
Đáng thương cho vị thần cây neem, ông không thể cho vì ông không có quyền năng để làm vậy. Nếu ai muốn có xoài ngọt thì người ấy phải gieo hạt xoài, như vậy đỡ phải khóc lóc và cầu xin. Quả mà người đó hái sẽ là quả xoài ngọt: vì nhân nào thì quả nấy.
Cái khó khăn, vô minh của chúng ta là ta đã vô ý thức trong khi gieo hạt. Chúng ta tiếp tục gieo hạt giống cây neem, nhưng đến ngày hái quả, chúng ta đột nhiên tỉnh thức và muốn có xoài ngọt. Chúng ta tiếp tục khóc lóc và cầu xin, hy vọng được xoài. Như vậy đâu có được. 1
1 Căn cứ trên A.I.xvii, Eka Dhamma Pāli (2).
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG