Chương 10. Nghệ thuật sống
Trong tất cả những định kiến của chúng ta về chính mình, định kiến căn bản nhất là “có một cái ngã”. Với sự thừa nhận mặc nhiên này, mỗi chúng ta đều cho bản ngã là quan trọng nhất, xem nó là trung tâm của toàn vũ trụ. Chúng ta cho là như vậy, mặc dầu ta có thể dễ dàng thấy rằng trong vô số thế giới, thế giới này chỉ là một, và trong vô số chúng sanh, ta cũng chỉ là một. Dù ta có thổi phồng cái ngã lên đến đâu đi chăng nữa thì nó cũng không đáng kể nếu đem so với cái bao la của không gian và thời gian. Quan niệm của ta về cái ngã rõ ràng là sai lầm. Tuy vậy chúng ta vẫn tận tụy cả đời để tìm cách thỏa mãn nó, coi đó là con đường đưa tới hạnh phúc. Ý tưởng sống theo một cách khác hơn có vẻ như không bình thường hoặc thậm chí là đáng sợ.
Nhưng bất cứ ai đã từng trải qua sự dằn vặt của tự ngã đều biết nó là nỗi đau khổ lớn lao đến mức nào. Chừng nào chúng ta còn đắm chìm trong những ham muốn và sợ hãi, những cá tính, chúng ta còn bị giam cầm trong ngục tù chật hẹp của ngã, tách biệt với thế giới, với cuộc sống. Thoát khỏi sự bám chấp bản ngã này thật sự là thoát khỏi ngục tù nô lệ, để ta có thể bước vào thế giới, cởi mở với cuộc sống, với tha nhân, và tìm thấy sự hài lòng thực sự. Điều cần thiết không phải là chối bỏ bản ngã hay đè nén bản ngã, mà là thoát khỏi cái quan điểm sai lầm của ta về bản ngã. Và phương thức dẫn đến sự giải thoát này là nhận thức được rằng cái mà chúng ta gọi là bản ngã đó thực sự rất phù du, là một hiện tượng liên tục thay đổi.
Thiền Vipassana là một phương thức giúp ta đạt được tuệ giác này. Chừng nào bản thân ta còn chưa chứng nghiệm được bản chất giả tạm của tâm và thân, chừng đó ta còn bị giam hãm trong sự vị kỷ và vì vậy tất yếu phải chịu khổ đau. Nhưng một khi ảo tưởng về sự trường tồn bị phá vỡ thì ảo tưởng về “cái tôi” cũng tan biến, và sự đau khổ cũng mất đi. Đối với người hành thiền Vipassana, chìa khóa mở cửa giải thoát là anicca, sự chứng ngộ bản chất vô thường của bản ngã và thế giới.
Tầm quan trọng của sự hiểu biết về vô thường là một đề tài luôn luôn được nói đến trong giáo lý của Đức Phật, Ngài nói:
Thà một ngày trong đời thấy thực tế của sinh diệt còn hơn sống trăm năm mà không hề biết.1
Ngài so sánh sự ý thức về vô thường với lưỡi cày cắt xuyên gốc rạ khi người nông phu cày ruộng; với xà chính của nóc nhà cao hơn tất cả những xà ngang chống đỡ nó; với một nhà cai trị hùng mạnh nắm quyền ảnh hưởng các vua chư hầu; với mặt trăng có ánh sáng làm lu mờ các vì sao, với mặt trời đang mọc làm bóng tối tan đi.2 Những lời cuối cùng Ngài nói vào lúc cuối đời là: “Mọi saṅkhāra – các pháp được tạo tác – đều sẽ hủy hoại. Hãy chuyên cần thực hành để hiểu được sự thật này.”3
Sự thật về vô thường không nên chỉ chấp nhận bằng tri thức, hoặc chỉ bằng cảm xúc hay sùng tín. Mỗi người trong chúng ta phải thể nghiệm thực tại vô thường ngay trong bản thân. Sự thấu hiểu trực tiếp về vô thường cùng với bản chất không thực của bản ngã và của khổ đau giúp ta có được tuệ giác thật sự, dẫn đến sự giải thoát. Đó là sự hiểu biết chân chánh.
- 1 Dhammapada, VIII. 14 (113).
- 2 SXXII. 102 (10), Anicca-Sanna Sutta.
- 3 D.16, Maha-Parinibbana Suttanta.
Hành giả kinh nghiệm được trí tuệ giải thoát này nhờ kết hợp tu tập giới (sila), định (samadhi) và tuệ (pannã). Trừ phi ta thực hiện cả ba sự tu tập này và bước từng bước trên con đường, ta không thể nào có được tuệ giác thật sự và thoát khỏi khổ đau. Nhưng ngay cả trước khi bắt đầu tu tập, ta cũng phải có một vài hiểu biết, có thể chỉ là một sự nhận biết qua tri thức về sự thật khổ đau. Không có sự hiểu biết đó, dù rất nông cạn, thì cái ý nghĩ tu tập để giải thoát chính mình khỏi khổ đau cũng không bao giờ khởi sinh trong tâm. Đức Phật nói: “Trước tiên phải có sự hiểu biết chân chánh.”1 – 1 M.117, Maha-Cattarisaka Sutta.
Bởi vậy, bước đầu của Bát Thánh Đạo là sự hiểu biết chân chánh (chánh kiến) và suy nghĩ chân chánh (chánh tư duy). Chúng ta phải thấy được vấn đề và quyết định đối phó với nó. Chỉ lúc đó ta mới có thể thực sự thực hành Pháp. Chúng ta bắt đầu thực hiện con đường bằng sự giữ giới, tuân theo những giới luật để điều chỉnh những hành động của chúng ta. Nhờ vào sự tập luyện định, chúng ta bắt đầu đối phó với tâm, phát triển samadhi (định) bằng sự ý thức về hơi thở. Nhờ vào sự quan sát cảm giác trên toàn cơ thể, chúng ta phát triển tuệ chứng nghiệm giúp tâm thoát khỏi định kiến.
Và bây giờ khi sự hiểu biết thật sự phát xuất từ kinh nghiệm của chính mình thì sự hiểu biết chân chánh (chánh kiến) lại trở thành bước đầu tiên trên con đường. Nhờ vào sự chứng ngộ bản chất luôn thay đổi của mình do hành thiền, hành giả giải phóng cho tâm khỏi thèm muốn, chán ghét, vô minh. Với một tâm thanh tịnh như vậy, không thể nào còn có ý nghĩ làm hại người khác. Thay vào đó, tư tưởng ta tràn đầy thiện chí và lòng bi mẫn với tất cả. Trong lời nói, hành động, cách sinh nhai, ta sống một cuộc sống trong sạch, thanh thản và an bình. Với sự an tĩnh do kết quả của giữ giới, phát triển định trở nên dễ dàng. Định càng sâu, trí tuệ càng phát triển. Do vậy, con đường là một đường xoắn ốc đi lên tới giải thoát. Giới, định, tuệ phải trợ giúp lẫn nhau như ba chân của một cái đỉnh. Cái đỉnh phải có đủ ba chân, và các chân phải cao bằng nhau, nếu không đỉnh không thể đứng vững. Cũng vậy, thiền giả phải thực hành cả giới, định, tuệ để phát triển đồng đều mọi mặt trên con đường. Đức Phật nói,
Từ hiểu biết chân chánh dẫn đến suy nghĩ chân chánh; từ suy nghĩ chân chánh dẫn đến lời nói chân chánh;
từ lời nói chân chánh dẫn tới hành động chân chánh; từ hành động chân chánh dẫn đến nghề nghiệp chân chánh;
từ nghề nghiệp chân chánh dẫn đến nỗ lực chân chánh; từ nỗ lực chân chánh dẫn đến ý thức chân chánh;
từ ý thức chân chánh dẫn đến định chân chánh;
từ định chân chánh dẫn đến sự hiểu biết chân chánh; từ sự hiểu biết chân chánh dẫn đến giải thoát chân chánh.1
Thiền Vipassana cũng có giá trị thực tế sâu xa ngay tại đây và ngay bây giờ. Trong đời sống hằng ngày, có biết bao nhiêu trường hợp xảy ra đe dọa sự quân bình của tâm. Những sự khó khăn bất ngờ xảy đến, rồi những người khác bất ngờ chống đối ta. Nói cho cùng, chỉ riêng việc học thiền Vipassana không bảo đảm rằng chúng ta sẽ không gặp thêm bất ổn nào nữa, cũng giống như việc học lái tàu không có nghĩa là ta sẽ luôn có được những chuyến đi suôn sẻ. Bão tố tất yếu là sẽ có; những bất ổn tất yếu là sẽ xảy ra. Cố né tránh vấn đề là vô ích và tự đánh bại mình. Thay vì vậy, tiến trình đúng đắn là hãy vận dụng những gì ta đã được huấn luyện để lái thuyền vượt qua bão tố.
Để có thể làm được như vậy, trước hết chúng ta phải hiểu được bản chất thực sự của vấn đề. Vô minh khiến ta đổ lỗi cho sự kiện bên ngoài hay người khác, coi đó là nguyên nhân của khó khăn. Rồi ta dồn hết năng lực để thay đổi tình trạng bên ngoài. Nhưng thực hành Vipassana khiến ta hiểu được rằng chính ta chứ không ai khác chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay bất hạnh của ta. Vấn đề nằm trong thói quen phản ứng mù quáng. Bởi vậy ta phải để ý tới trận bão nội tâm của những phản ứng bị điều kiện hóa trong tâm. Chỉ đơn giản giải quyết vấn đề bằng cách không phản ứng sẽ không hiệu nghiệm. Chừng nào mà sự điều kiện hóa [các phản ứng] vẫn còn trong vô thức, thì sớm muộn gì nó cũng sẽ trồi lên và chế ngự tâm, bất chấp những nỗ lực đảo ngược lại. Giải pháp thực sự duy nhất là học cách quan sát và tự thay đổi bản thân.
Điều này quá dễ hiểu, nhưng việc thực hành khó hơn nhiều. Vấn đề luôn tồn tại là, làm thế nào ta quan sát được chính mình? Một phản ứng tiêu cực khởi sinh trong tâm – giận dữ, sợ hãi hay chán ghét. Trước khi ta kịp nhớ đến việc quan sát nó thì ta đã bị nó khống chế, và như vậy ta nói và hành động một cách tiêu cực [thay vì quan sát]. Sau đó, khi sự tổn hại đã xảy ra, ta nhận lỗi và hối hận, nhưng rồi lần sau ta cũng vẫn hành xử y hệt như vậy.
Hãy giả sử rằng – nhận biết được một phản ứng giận dữ bắt đầu – ta thực sự cố gắng quan sát nó. Ngay khi ta vừa cố gắng thì người hay tình huống làm ta giận xuất hiện trong tâm. Những suy nghĩ này khiến sự tức giận càng gia tăng. Như vậy, việc quan sát cảm xúc tách rời khỏi nguyên nhân hay tình huống [gây ra cảm xúc] thường vượt quá khả năng của nhiều người.
Nhưng nhờ sự nghiên cứu thực tế tối hậu của tâm và thân, Đức Phật đã khám phá ra rằng, khi nào một phản ứng xuất hiện trong tâm thì có hai sự thay đổi xảy ra trên bình diện cơ thể. Thay đổi thứ nhất rất rõ ràng: hơi thở trở thành nặng nề hơn. Thay đổi thứ hai vi tế hơn: một phản ứng sinh hóa, một cảm giác, xảy ra trong thân. Với sự tu tập thích hợp, một người với trí thông minh trung bình có thể dễ dàng phát triển khả năng quan sát hơi thở và cảm giác. Phương pháp này cho phép ta dùng sự thay đổi của hơi thở và cảm giác như những dấu hiệu báo động cho ta biết có một phản ứng bất tịnh trước khi nó có thể phát triển thành một sức mạnh nguy hiểm. Và nếu ta tiếp tục quan sát hơi thở và cảm giác, ta dễ dàng thoát khỏi những bất tịnh.
Dĩ nhiên thói quen phản ứng đã ăn sâu không thể loại bỏ hết ngay lập tức. Tuy nhiên, trong đời sống hằng ngày, trong khi ta kiện toàn việc hành thiền Vipassana, ta nhận thấy ít nhất trong một vài trường hợp thay vì phản ứng vô ý thức, ta chỉ quay lại quan sát chính mình. Dần dần thời gian quan sát tăng lên, và thời gian phản ứng càng giảm dần. Ngay cả khi ta phản ứng tiêu cực, thì thời gian và cường độ của phản ứng cũng giảm đi. Cuối cùng, ngay trong những trường hợp bị khiêu khích nhất, ta vẫn có thể quan sát hơi thở và cảm giác, và giữ được tâm quân bình và bình tĩnh.
Với sự quân bình này ở mức độ thâm sâu nhất của tâm, lần đầu tiên ta có thể hành động thực sự – và hành động thực sự thì luôn luôn tích cực và sáng tạo. Thay vì tự động phản ứng lại sự tiêu cực của người khác, ta có thể chọn lựa cách hành xử nào có ích lợi nhất. Khi đối diện với một người đang nóng giận đùng đùng, một người vô minh sẽ trở thành giận dữ, và kết quả là cãi nhau, gây buồn khổ cho cả hai. Nhưng nếu ta giữ được bình tĩnh và quân bình, ta có thể giúp người đó thoát khỏi nóng giận, và giải quyết vấn đề một cách xây dựng.
Quan sát cảm giác dạy ta biết khi nào ta bị [những cảm xúc] tiêu cực khống chế thì ta đau khổ. Bởi vậy, khi nào ta thấy người khác phản ứng tiêu cực, ta hiểu họ đang đau khổ. Với sự hiểu biết này, ta có thể cảm thấy thương cho họ, và có thể hành động để giúp họ thoát khỏi tình trạng khổ sở, không làm họ khổ thêm nữa. Ta được bình an và hạnh phúc và giúp người khác cũng được như vậy.
Phát triển ý thức và sự bình tâm không biến ta thành vô tình, bất động như cây cỏ, để cho ngoại cảnh muốn làm gì ta thì làm. Ta cũng không trở nên thờ ơ, lãnh đạm với sự đau khổ của người khác khi mải mê theo đuổi sự bình an nội tâm. Pháp dạy ta có bổn phận đối với hạnh phúc của mình và của người. Ta làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp đỡ người khác, nhưng luôn giữ được sự bình tâm. Nhìn thấy một đứa trẻ đang chìm dần xuống cát lún, một kẻ khờ dại trở nên luống cuống, vội nhảy theo đứa trẻ, và chính hắn cũng bị lún sâu. Một người khôn ngoan giữ được bình tĩnh và quân bình, tìm một cành cây cho đứa trẻ nắm, và kéo nó ra chỗ an toàn. Nhảy theo người khác vào bãi cát lún thèm muốn và chán ghét sẽ chẳng giúp được ai. Ta phải kéo người khác trở về vùng đất vững chắc của tâm quân bình.
Nhiều lúc trong đời ta phải hành động cứng rắn khi cần thiết. Chẳng hạn như ta dùng lời lẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn để giải thích cho một người đang làm điều sai lầm, nhưng hắn vẫn tỉnh bơ trước lời khuyên bảo. Hắn không thể hiểu được gì ngoại trừ những lời nói nặng, và hành động quyết liệt. Bởi vậy, khi cần thì ta phải hành động cứng rắn. Tuy nhiên trước khi hành động, ta phải tự vấn xem tâm ta có quân bình hay không, ta có lòng từ bi với người lầm lỗi không. Nếu có thì hành động sẽ giúp ích. Nếu không, nó thật sự chẳng giúp ích cho ai cả. Nếu ta hành động với lòng từ bi thì ta không thể sai lầm. Nếu thấy một kẻ mạnh hiếp đáp người yếu, ta có bổn phận phải chấm dứt hành động xấu xa này. Bất cứ một người hiểu biết nào cũng sẽ làm như vậy. Tuy nhiên, họ cũng có thể làm vì thương hại nạn nhân, hay tức giận đối với kẻ hung bạo. Hành giả Vipassana có lòng từ bi với cả hai, hiểu rằng nạn nhân phải được bảo vệ và kẻ hung bạo [cần bị ngăn cản để] không làm hại chính mình vì hành động bất thiện.
Xem xét tâm mình trước khi có một hành động cứng rắn là cực kỳ quan trọng. Chỉ sau khi xảy ra rồi mới xem xét, đánh giá lại hành động là không được. Nếu chính ta không trải nghiệm được sự bình an và hòa hợp, ta không thể phát triển bình an và hòa hợp nơi bất kỳ người nào khác. Là người hành thiền Vipassana, ta học cách hành động không dính mắc, vừa có lòng từ bi vừa thản nhiên. Ta nỗ lực cho sự tốt lành của mọi người bằng cách tu tập để phát triển sự tỉnh giác và bình tâm. Nếu chúng ta không làm gì ngoài việc tránh không làm gia tăng sự căng thẳng của thế giới, thì đó là ta cũng đã làm được một việc tốt lành rồi. Nhưng sự thật chính cái yên lặng của hành động quân bình đã gây tiếng động lớn, vang dội ra xa, có ảnh hưởng tích cực đến nhiều người.
Nói cho cùng, tâm bất tịnh – của ta và người khác – là nguồn gốc của khổ đau trên thế gian. Khi tâm đã trở nên thanh tịnh, cuộc đời mở rộng vô hạn trước chúng ta, ta có thể vui hưởng và chia sẻ hạnh phúc đích thực với người khác.
Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.
AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG