Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU
Tầm quan trọng của sự phát triển ý thức và sự bình tâm (niệm và xả) đối với các cảm giác
Sáu ngày đã qua; quý vị còn bốn ngày nữa để tu tập. Trong bốn ngày này quý vị có thể diệt trừ được một số bất tịnh, và hiểu rõ phương pháp để áp dụng trong suốt cuộc đời mình. Nếu quý vị tu tập với sự hiểu biết đúng đắn và biết cách áp dụng phương pháp này vào cuộc sống hằng ngày, điều đó chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho quý vị. Do đó nên hiểu phương pháp một cách đúng đắn.
Đây không phải là một con đường bi quan. Dhamma (Pháp) dạy ta chấp nhận sự thật cay đắng của khổ, nhưng Dhamma cũng dạy con đường để thoát khổ. Vì thế, đây là một con đường lạc quan, kết hợp với chủ nghĩa hiện thực, cũng như với “chủ nghĩa lao động” – ấy là mỗi người phải tu tập để tự giải thoát chính mình.
Toàn thể con đường tu tập được giải thích bằng vài chữ:
“Mọi sankhara đều vô thường”
Khi ta nhìn vô thường với trí tuệ thực sự,
Ta xa lìa đau khổ;
Đây là con đường thanh lọc tâm.
Ở đây chữ sankhara không những chỉ có nghĩa là phản ứng của tâm (hành), mà còn là kết quả của những phản ứng này (hành nghiệp). Mọi phản ứng của tâm là một hạt giống sinh ra quả, và mọi sự ta trải nghiệm trong đời là quả, một hậu quả của những hành của mình, nghĩa là, sankhara (nghiệp) của mình, trong quá khứ hay trong hiện tại. Từ này có nghĩa là, “mọi cái nảy sinh, thành hình, sẽ diệt mất, sẽ tan rã”. Nếu chấp nhận sự thật này chỉ bằng cảm xúc, hoặc lòng sùng tín, hoặc trí thức, sẽ không thanh lọc được tâm. Nó phải được chấp nhận ở mức độ thực tế, bằng cách thể nghiệm được tiến trình sinh và diệt trong bản thân mình. Nếu ta trực tiếp chứng nghiệm được vô thường bằng cách quan sát cảm giác trong người, thì sự hiểu biết đạt được là trí tuệ thực sự, trí tuệ tự chứng của chính mình. Và nhờ trí tuệ này, ta thoát hết mọi đau khổ. Mặc dù nếu vẫn còn bị đau nhức, ta không còn bị nó hành hạ. Trái lại, ta có thể mỉm cười trước cơn đau nhức, bởi vì ta có thể quan sát được nó.
Thói quen cố hữu của tâm là tìm cách xua đuổi những cảm giác đau đớn và níu kéo những cảm giác khoan khoái. Khi nào ta còn tham dự vào trò chơi đau khổ – sung sướng, xô đẩy – níu kéo, thì tâm ta vẫn còn dao động (trạo cử), và gia tăng nỗi khổ của mình. Nhưng một khi ta biết quan sát một cách khách quan, không đồng hóa mình với cảm giác, thì tiến trình thanh lọc bắt đầu, và thói quen cố hữu của sự phản ứng mù quáng và gia tăng nỗi khổ của mình dần dần bị suy yếu và bị bẻ gãy. Ta phải học được cách chỉ quan sát mà thôi.
Đây không có nghĩa là vì tu tập Vipassana ta sẽ trở thành ‘cỏ cây’, thụ động để người khác làm hại mình. Nhưng trái lại, ta học được cách hành động chứ không phản ứng. Trước đây ta sống một cuộc đời toàn bằng phản ứng, và phản ứng thì luôn luôn tiêu cực. Bây giờ quý vị đang học cách sống đúng cách, sống một cuộc đời lành mạnh và tích cực. Khi gặp hoàn cảnh khó khăn trong đời, người đã biết cách quan sát cảm giác sẽ không còn phản ứng mù quáng. Trái lại người đó sẽ chờ vài giây phút, tiếp tục quan sát cảm giác và giữ sự bình tâm, rồi sau đó sẽ đưa ra quyết định và lựa chọn đường lối hành động. Một hành động như thế chắc chắn phải tích cực, bởi vì nó xuất phát từ sự bình tâm; nó sẽ là một hành động sáng tạo, hữu ích cho mình và cho người.
Dần dần, khi ta biết cách quan sát hiện tượng tinh thần và vật chất trong người, ta thoát khỏi phản ứng, bởi vì ta hết vô minh. Khuôn mẫu thói quen của phản ứng là vì vô minh. Người nào chưa từng quan sát thực tại nơi mình sẽ không biết những gì đang xảy ra sâu tận bên trong, không biết mình phản ứng như thế nào đối với sự ham muốn hoặc ghét bỏ, tạo ra căng thẳng để làm mình khổ.
Có một điều phức tạp là tâm thì vô thường hơn vật chất nhiều. Các tiến trình trong tâm xảy ra nhanh đến nỗi ta không thể theo dõi được chúng được trừ khi ta được huấn luyện để làm việc này. Không biết gì về thực tại, ta vẫn còn ảo tưởng là ta phản ứng đối với đối tượng bên ngoài như hình ảnh, âm thanh, mùi vị, v.v. Điều này có vẻ như vậy, nhưng những ai biết quan sát chính mình sẽ thấy rằng, ở mức độ tinh tế hơn, sự thật khác hẳn. Toàn thể thế giới bên ngoài hiện hữu đối với một người chỉ khi nào người đó cảm nghiệm được chúng, có nghĩa là, khi một đối tượng tiếp xúc với một giác quan nào đó. Ngay khi có sự tiếp xúc, liền có một sự rung động, một cảm giác. Sự nhận định (tưởng) đánh giá cảm giác là tốt hay xấu tùy theo những kinh nghiệm hay nghiệp cũ, sankhara cũ. Dựa vào sự định giá sai lạc do thành kiến mà cảm giác trở thành dễ chịu hay khó chịu, và tùy theo loại cảm giác, ta bắt đầu phản ứng bằng cách thích hay không thích, ham muốn hay ghét bỏ. Cảm giác là mắt xích bị bỏ quên giữa đối tượng bên ngoài và phản ứng. Toàn thể tiến trình xảy ra nhanh đến nỗi ta không ý thức được, tới lúc một phản ứng đã nổi lên đến tầng ý thức, nó đã lặp đi lặp lại và gia tăng cường độ hằng tỉ tỉ lần, và đã trở nên mãnh liệt đến nỗi nó trấn áp được tâm một cách dễ dàng.
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)