BÀI GIẢNG NGÀY THỨ SÁU

Bốn nguyên tố (tứ đại) và sự liên hệ với cảm giác

Thái tử Siddhattha Gotama đạt được Giác ngộ nhờ khám phá ra nguyên nhân gốc rễ của sự ham muốn và ghét bỏ và nhờ diệt trừ chúng ngay tại nơi chúng nảy sinh, đó là tại tầng cảm giác. Những gì chính Ngài đã thực hành, Ngài chỉ dạy cho người khác. Ngài không phải là người duy nhất giảng dạy là ta phải dứt bỏ ham muốn và ghét bỏ. Điều này đã được giảng dạy tại Ấn Độ ngay cả trước thời của Đức Phật. Không phải giới luật đạo đức hay sự phát triển khả năng làm chủ được tâm là những điểm đặc thù trong sự giảng dạy của Ngài. Tương tự, sự hiểu biết ở mức độ trí thức, tình cảm, sùng tín cũng đã có trước thời của Đức Phật. Điểm đặc thù trong sự giảng dạy của Ngài nằm ở chỗ khác, nằm trong việc phát hiện ra cảm giác trên thân là mấu chốt nơi ham muốn và ghét bỏ nảy sinh, và cũng là nơi chúng phải được diệt trừ. Nếu ta không đối phó với cảm giác thì ta vẫn chỉ tu tập ở tầng bên trên bề mặt của tâm, trong khi dưới bề sâu, thói quen cố hữu của sự phản ứng vẫn tiếp tục. Nhờ biết cách ý thức được tất cả những cảm giác trong chính mình và giữ được sự bình tâm đối với chúng, ta ngừng phản ứng tại nơi chúng nảy sinh, nhờ thế, ta thoát được khổ.

Đây không phải là giáo điều được chấp nhận vì lòng tin, hoặc một triết lý được chấp nhận bằng trí thức. Quý vị phải tự mình tìm hiểu để khám phá ra sự thật. Chỉ khi nào chứng nghiệm được thì hãy chấp nhận nó là đúng. Nghe nói về sự thật cũng quan trọng, nhưng điều đó phải đưa đến sự tu tập thực sự. Tất cả giáo huấn của Đức Phật phải được thực hành và chứng nghiệm cho chính mình, để ta có thể thoát khỏi khổ đau.

Đức Phật giải thích, toàn thể cấu trúc thân thể được tạo thành bởi những vi tử – kalapa – trong đó có bốn nguyên tố chính với những thuộc tính của chúng kết hợp với nhau. Trong thế giới bên ngoài cũng như bên trong, rất dễ để thấy rằng một số vật chất ở thể đặc – nguyên tố đất; một số ở thể lỏng – nguyên tố nước; một số ở thể khí – nguyên tố gió; và trong mọi trường hợp đều có sự hiện diện của nhiệt độ, nguyên tố lửa. Tuy nhiên những ai khảo sát thực tại trong bản thân sẽ hiểu được bốn nguyên tố ở mức độ tinh tế hơn. Toàn bộ phạm vi của trọng lượng từ nặng tới nhẹ, là lĩnh vực của nguyên tố đất. Nguyên tố lửa là lĩnh vực của nhiệt độ, từ cực lạnh tới cực nóng. Nguyên tố gió liên quan đến sự chuyển động, từ trạng thái dường như bất động tới trạng thái chuyển động nhanh nhất. Nguyên tố nước liên quan đến tính chất kết dính, kết hợp với nhau. Các vi tử nảy sinh với sự nổi trội của một hay nhiều nguyên tố; những nguyên tố khác tiếp tục tiềm ẩn. Đến lượt nó, một cảm giác sẽ biểu hiện một tính chất phù hợp với đặc tính của nguyên tố nổi trội trong những vi tử đó. Nếu kalapa nảy sinh với sự nổi trội của nguyên tố lửa thì một cảm giác về nóng hay lạnh nảy sinh, và tương tự như thế đối với các nguyên tố khác. Đây là cách cảm giác nảy sinh trong cấu trúc thân thể. Nếu vì vô minh, ta đánh giá và phản ứng lại các cảm giác, ta sẽ tạo ra khổ đau mới cho chính mình. Nhưng nếu trí tuệ phát sinh, ta hiểu rằng các vi tử chỉ nảy sinh với sự hiện diện của nhiều nguyên tố này hay nguyên tố khác, và chúng đều là những hiện tượng luôn đổi thay, hoàn toàn vô ngã, sinh ra rồi diệt đi. Với sự hiểu biết này, ta không đánh mất sự bình tâm của mình khi đối diện với bất cứ cảm giác nào.

Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Trích Tóm Lược Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app