BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

Bốn thành phần của tâm: hay biết, nhận định, cảm giác, phản ứng (thức, tưởng, thọ, hành)

Nếu thực hành theo cách này, dần dần toàn bộ luật tự nhiên sẽ trở nên rõ ràng đối với quý vị. Đây là ý nghĩa của Dhamma: luật tự nhiên, định luật, sự thật. Để hiểu được sự thật ở mức độ thực nghiệm, ta phải tìm hiểu sự thật trong khuôn khổ của thân thể này. Đây là những gì Thái tử Siddhattha Gotama đã làm để trở thành Phật, và sự thật này đã trở nên rõ ràng đối với Ngài, và cũng sẽ trở nên rõ ràng đối với bất cứ ai tu tập như Ngài, đó là trong khắp vũ trụ, trong thân cũng như ngoài thân, vạn vật đều thay đổi không ngừng. Không có gì là sản phẩm cuối cùng, vạn vật đều ở trong tiến trình sinh thành – bhava. Và một sự thực khác cũng sẽ trở nên rõ ràng là không một việc gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mỗi một thay đổi đều có một nguyên nhân đưa đến một hậu quả và hậu quả đó sẽ trở thành nguyên nhân cho sự thay đổi kế tiếp, tạo thành một chuỗi nhân quả vô tận. Và một định luật khác cũng sẽ trở nên rõ ràng: nguyên nhân thế nào thì hậu quả sẽ thế ấy, hạt giống nào sẽ cho quả nấy.

Trên cùng một mảnh đất ta gieo hai loại giống: một là giống cây mía, giống kia là cây neem – một loại cây rất đắng vùng nhiệt đới. Từ giống cây mía sẽ có một cây mía ngọt ngào, từ hạt cây neem sẽ thành một cây rất đắng. Ta có thể hỏi, tại sao thiên nhiên lại tử tế với cây này mà tàn nhẫn với cây kia. Thật ra thiên nhiên không tử tế mà cũng không tàn nhẫn: thiên nhiên vận hành theo những quy luật nhất định: chỉ đơn thuần giúp cho tính chất của mỗi hạt giống hiển lộ. Nếu ta gieo hạt giống ngọt, tới mùa sẽ gặt được những quả ngọt. Nếu ta gieo hạt giống cay đắng, ta sẽ gặt được cay đắng. Nhân nào quả nấy. Hành động như thế nào hậu quả sẽ như thế ấy.

Vấn đề là ở chỗ ta chỉ để ý tới lúc gặt hái, muốn có quả ngọt, nhưng trong lúc gieo hạt ta rất bất cẩn, gieo toàn hạt đắng. Nếu ta muốn quả ngọt ta phải gieo loại giống ngọt. Cầu xin hoặc trông mong một phép lạ chỉ để lừa dối mình, ta phải hiểu và sống theo luật tự nhiên. Ta phải cẩn thận về những hành động của mình, bởi vì đây là những hạt giống mà tùy theo tính chất của chúng ta sẽ nhận được quả ngọt ngào hay đắng cay.

Có ba loại hành động: việc làm, lời nói và ý nghĩ. Người biết cách quan sát chính mình sớm nhận ra rằng hành động bằng ý nghĩ là quan trọng nhất, bởi vì đây là hạt giống, là hành động sẽ gây ra hậu quả. Hành động bằng lời nói hoặc việc làm chỉ là sự phản ảnh của ý nghĩ, là một thước đo cường độ của ý nghĩ mà thôi. Chúng bắt nguồn từ ý nghĩ và cuối cùng thể hiện qua những hành động bằng lời nói hoặc việc làm. Do đó Đức Phật đã nói:

Tâm dẫn đầu mọi hiện tượng,

tâm làm chủ tất cả, mọi việc đều do tâm tạo.

Nếu với một tâm bất tịnh,

ta nói và làm

đau khổ liền theo sau

như bánh xe lăn theo con vật kéo xe.

Nếu với một tâm thanh tịnh,

ta nói và làm

hạnh phúc liền theo sau

như bóng không rời hình.

Nếu đúng như vậy, ta phải biết tâm là gì và tâm hoạt động như thế nào. Quý vị đã bắt đầu tìm hiểu vấn đề này bằng sự thực hành của mình. Khi thực hành, quý vị sẽ thấy rõ là tâm gồm bốn thành phần chính hay bốn tập hợp chính (thường gọi là các “uẩn”).

Thành phần thứ nhất là vinnana, có thể dịch là thức hay là sự hay biết. Các giác quan sẽ không sống động nếu thức không tiếp xúc với chúng. Ví dụ, nếu ta chú tâm vào việc nhìn, nếu có âm thanh tới tai ta sẽ không nghe thấy bởi vì toàn bộ thức đang tập trung ở nơi mắt. Chức năng này của tâm là để biết, chỉ hay biết mà không phân biệt. Một âm thanh đến tiếp xúc với tai thì vinnana chỉ ghi nhận một sự kiện là một âm thanh đã đến.

Rồi phần kế tiếp của tâm bắt đầu hoạt động: sanna, nhận định (tưởng). Một âm thanh đến, và do kinh nghiệm hay trí nhớ, ta nhận định được: âm thanh … lời nói … lời khen … tốt; hoặc trái lại, một âm thanh … lời nói … lời chê bai … xấu. Ta nhận định sự việc là tốt hay xấu, tùy theo kinh nghiệm trong quá khứ của mình.

Liền lập tức phần thứ ba của tâm bắt đầu hoạt động: vedana, cảm giác (thọ). Ngay khi âm thanh đến tai liền có một cảm giác xuất hiện trong người, nhưng khi phần “nhận định” nhận diện và đánh giá âm thanh đó, cảm giác trở nên dễ chịu hoặc khó chịu. Ví dụ: một âm thanh đã tới … tiếng nói … tiếng khen … tốt … và ta cảm thấy một cảm giác dễ chịu trong người. Trái lại, một âm thanh đến … tiếng nói … tiếng chê … xấu – và ta cảm thấy một cảm giác khó chịu trong người. Cảm giác phát sinh trong người, và tâm cảm nhận được: chức năng này được gọi là vedana.

Rồi phần thứ tư của tâm bắt đầu làm việc: sankhara, phản ứng tạo nghiệp (hành). Một âm thanh tới … tiếng nói … tiếng khen … tốt … cảm giác dễ chịu … và ta bắt đầu ưa thích: “Lời khen thật tuyệt vời! Tôi muốn được khen nữa!” Ngược lại, một âm thanh tới … tiếng nói … tiếng chê … xấu … cảm giác khó chịu – và ta bắt đầu không thích: “Tôi không thể chịu được lời chê này, hãy ngừng lại!” Tại mỗi cửa ngõ giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân – tiến trình tương tự xảy ra. Tương tự, khi một ý nghĩ hay một sự tưởng tượng tới tiếp xúc với tâm, với cùng một tiến trình, một cảm giác nảy sinh trong người, dễ chịu hay khó chịu, và ta phản ứng bằng thái độ thích hoặc không thích. Sự ưa thích trong khoảnh khắc này biến thành ham muốn mãnh liệt; sự khó chịu này biến thành ghét bỏ cao độ. Ta bắt đầu thắt những nút rối trong lòng. 

Đây chính thực là nhân sinh ra quả, hành động đưa đến hậu quả: sankhara, sự phản ứng bằng ý tưởng. Từng giây phút ta không ngừng gieo loại nhân này, không ngừng tạo nghiệp bằng thích hoặc không thích, ham muốn hoặc ghét bỏ và làm cho ta khổ.

Có những phản ứng gây ra ấn tượng rất nhẹ, và biến mất ngay lập tức. Có những phản ứng gây ấn tượng sâu đậm hơn và biến mất sau một thời gian ngắn, và có những phản ứng gây ấn tượng rất sâu đậm phải cần một thời gian rất lâu mới xoá hết. Cuối ngày, nếu ta thử nhớ lại những sankhara ta đã làm trong ngày, ta chỉ có thể nhớ được một hay hai sankhara gây ấn tượng sâu đậm nhất. Tương tự như vậy, vào cuối tháng hay cuối năm, ta cũng chỉ nhớ được một hay hai sankhara gây ấn tượng sâu đậm nhất trong khoảng thời gian đó. Và dù muốn dù không, vào cuối cuộc đời, sankhara nào gây ấn tượng sâu đậm nhất chắc chắn sẽ hiện lên trong tâm, và cuộc đời kế tiếp sẽ bắt đầu bằng cái tâm này, có cùng những đặc tính ngọt ngào hay cay đắng. Chúng ta tạo ra tương lai của chúng ta bằng chính hành động của mình.

Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Trích Tóm Lược Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app